Trung Tâm Tạm Giam Di Dân - Photo: Tác giả cung cấp. |
MÓN QUÀ TUYỆT VỜI CHO TÔI
Hoàng Ngọc-Tuấn
Hôm nay, với tư cách của một nghệ sĩ tình nguyện,
tôi vác đàn guitar vào Trung Tâm Tạm Giam Di Dân ở Villawood để giúp vui cho những
người tị nạn (bị tạm thời xem như là “di dân bất hợp pháp”) đang ở trong đó. Có
những người đã bị tạm giam nhiều năm rồi mà vẫn chưa được xét duyệt xong để được
công nhận là người tị nạn. Cuộc sống của họ trong đó tất nhiên rất buồn, và đã
có vài người tự tử...
Để được cho phép vào làm công việc từ thiện này,
tôi phải mất nhiều tuần lễ để trải qua khá nhiều thủ tục giấy tờ và an ninh, và
khi vào trong đó tôi phải bị khám xét rất cẩn thận (kể cả cây đàn guitar cũng bị
scan để bảo đảm không có chứa vũ khí hay chất nổ, và họ tạm giữ cái iPhone của
tôi, vì không ai được chụp hình trong phạm vi của trại giam). Tôi cũng được các
nhân viên an ninh dặn dò rất chi tiết về những gì không nên làm hay không nên
nói (để tránh gây kích động hay nổi loạn). Trung tâm đó có khoảng hơn 1,000 người
tị nạn (và chỉ có 1 đứa trẻ con), phần đông đến từ Syria, Iraq và một số nước ở
Trung Đông và châu Phi, và vài người từ các nước châu Á.
Tôi đã được dặn dò rằng chỉ nên đàn, hát và nói
những chuyện lạc quan để mang niềm vui đến cho họ. Vì thế, tôi đã chuẩn bị sẵn
một số bài hát và bản đàn vui, và tôi bắt đầu bằng vài lời tự giới thiệu vắn tắt
rằng “tôi là một nhạc sĩ, cũng là một người tị nạn từ Việt Nam, đã sống 34 năm ở
Úc, hôm nay tôi tình nguyện đến đây để chia sẻ những bản nhạc vui”, rồi tôi đàn
bản “Foug Ennakhel” (nhạc Iraq), rồi tiếp theo là bản “Hal Asmar Elloun” (nhạc
Syria). Khán giả thích lắm, họ vỗ tay theo nhịp và có vài người đứng lên nhảy
múa. Khi mỗi bản đàn kết thúc, họ vỗ tay ầm ĩ rất vui. Thế rồi có một người tị
nạn từ Syria đứng dậy hỏi tôi làm sao mà biết những bài dân ca của Syria và
Iraq. Tôi giải thích rằng tôi đã từng có nhiều năm tiếp xúc với người Trung
Đông ở Úc và tôi đã học thuộc một số bản nhạc Trung Đông. Họ khen rằng “ông
chơi đàn guitar mà nghe như đàn al-Oud, nghe rất thích!”
Rồi có một người đứng lên yêu cầu tôi đàn hoặc
hát một bản dân ca Việt Nam. Tôi bèn chơi bản “Trống Cơm”, và khán giả rất
khoái chí. Bản đàn chấm dứt, họ vỗ tay tưng bừng và yêu cầu tôi hãy hát một
bài. Tôi bèn dịch nghĩa lời ca “Qua Cầu Gió Bay” cho họ hiểu, rồi tôi hát. Cứ
thế, họ lại tiếp tục yêu cầu, và tôi hát tiếp những bài “Lý Ngựa Ô”, “Người Ơi
Người Ở Đừng Về”...
Đang vui như vậy thì bỗng có một người đứng lên
yêu cầu tôi kể về hành trình tị nạn của tôi. Một nhân viên an ninh nghe như thế
bèn ra hiệu để nhắc nhở tôi đừng kể chuyện buồn thảm. Tôi bèn nói vắn tắt đại
khái rằng “Vì không thể sống dưới chế độ Cộng Sản đầy áp bức, bạo ngược, bất
công, nên tôi đã phải tìm cách vượt biển rất nhiều lần, và tôi đã từng bị ở tù
nhiều lần, trước khi tôi vượt biển thành công từ Việt Nam đến Phi Luật Tân. Cuộc
vượt biển cuối cùng ấy rất gian nan, nhưng các bạn của tôi và tôi đã được tàu
đánh cá Phi Luật Tân cứu vớt. Sau khi trải qua 7 tháng rưỡi ở trại tị nạn, tôi
được nhận vào Úc như một người tị nạn. Tôi đến Úc ngày 23/12/1983, và từ đó tôi
bắt đầu làm lại cuộc đời. Tôi đã sống ở Úc với một tinh thần lạc quan và hy vọng.
Tôi đã trở lại trường đại học, rồi sau khi tốt nghiệp, tôi đã làm việc như một
nhà giáo và một nhạc sĩ trong xã hội Úc. Đồng thời, tôi cũng tiếp tục dùng tiếng
Việt để viết văn, làm thơ, vì tôi yêu tiếng mẹ đẻ...”
Khán giả im lặng lắng nghe tôi nói. Tôi cố gắng
nói tiếng Anh thật chậm rãi, vì tôi biết rằng có nhiều người rất kém tiếng Anh,
dù họ được học tiếng Anh trong trại.
Khi tôi nói xong, có một người đứng lên xưng tên
là Erkin, chuyên viên điện toán, tị nạn từ Iraq; và với vốn tiếng Anh khá giỏi,
anh ta hỏi: “Sau nhiều năm sống ở Úc, ông có còn suy nghĩ nhiều về quá khứ của
ông, về quê hương cũ của ông không?”
Tôi đáp: “Có, vì tôi sinh ra ở Việt Nam. Suốt đời
tôi vẫn là một người Việt Nam, dù tôi là công dân Úc.”
Erkin hỏi: “Ông vẫn suy nghĩ về quê hương cũ của
ông, vậy thì ông đã làm gì cho những ý tưởng đau buồn đó?”
Tôi đáp: “Tôi ra đi nhưng không bao giờ quên thân
phận của những người ở lại, và vì thế, tôi luôn luôn tìm cách tranh đấu cho tự
do và nhân quyền của họ.”
Erkin nói: “Các nhân viên xã hội làm việc ở đây
luôn luôn khuyên bảo chúng tôi rằng hãy quên đi tất cả những nỗi buồn trong quá
khứ, hãy lạc quan và sống với niềm hy vọng. Thế nhưng, ông đã là công dân Úc,
ông đã là người tự do, mà ông vẫn không quên quá khứ đau buồn, thì làm sao
chúng tôi có thể quên đi quá khứ đau buồn để sống lạc quan và hy vọng giữa những
bức tường của trại giam này?”
Một nhân viên an ninh liền ra hiệu cho tôi, sợ rằng
không khéo tôi sẽ bị lôi kéo vào những chuyện buồn.
Tôi bèn nói: “Erkin và các bạn thân mến, tôi
không quên quê hương cũ của tôi, tôi không quên thân phận của những người ở lại,
tôi không quên những hình ảnh đau buồn trong quá khứ, và tôi luôn luôn biết rằng
Việt Nam vẫn đang là một thảm trạng, nhưng tôi luôn luôn sống và tranh đấu
trong một tinh thần lạc quan to lớn, với một niềm hy vọng to lớn, rằng mọi sự sẽ
thay đổi, và tương lai của quê hương tôi sẽ tốt đẹp. Không ai có thể sống với
những nỗi buồn. Chúng ta chỉ có thể sống trong niềm vui và niềm hy vọng vào
tương lai. Nỗi buồn vẫn còn đó, nhưng niềm vui và niềm hy vọng thì to lớn hơn.
Nỗi buồn là bóng tối. Niềm vui và niềm hy vọng là ánh sáng. Ánh sáng mang đến sức
sống cho muôn loài trên trái đất. Khi tôi nằm trong các trại tù ở Việt Nam, khi
tôi đang lênh đênh trên đại dương, và khi tôi còn chờ đợi trong trại tị nạn,
tôi vẫn không ngừng nuôi giữ ánh sáng trong lòng. Chính vì tôi đã sống và vươn
lên trong ánh sáng, cho nên hôm nay tôi tình nguyện đến đây để mang một thông
điệp ánh sáng đến chia sẻ với các bạn. Chúng ta hãy cùng hát. Chúng ta hãy cùng
vui. Chúng ta hãy cùng hy vọng rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn hôm nay. Tôi chúc
cho các bạn sớm được tự do để sống trong xã hội Úc và xây dựng một tương lai
tươi sáng. Tôi xin Thượng Đế ban phước lành cho tất cả chúng ta.”
Các nhân viên an ninh liền vỗ tay ầm ĩ và reo lên: “Bravo! Bravo!”, và tôi
liền đàn và hát lại bài ca vui “Foug Ennakhel”: “... Foug ennakhel foug foug / Yaba foug ennakhel foug / Madri lamah /
Khedda yaba madri elgoumar foug...””
(... Trên những ngọn cây cau
Cha ơi, trên những ngọn cây cau
Con không biết cái gì đang toả sáng
Khuôn mặt của nàng hay vầng trăng rạng rỡ...)
Tất cả khán giả cùng vỗ tay hát theo, và buổi
sinh hoạt kết thúc. Khi tôi chào tạm biệt và bắt tay mọi người, Erkin đến nắm lấy
tay tôi và nói: “Cảm ơn ông rất nhiều. Tôi hiểu những điều ông nói. Đó là món
quà rất tốt cho chúng tôi.” Erkin nói với một nụ cười rất tươi.
Tôi ôm đàn ra về, mang theo nụ cười của Erkin và
nhiều nụ cười của những người tị nạn. Đó là món quà tuyệt vời cho tôi trong mùa
Giáng Sinh này.
Sydney, 22/12/2017
Hoàng Ngọc-Tuấn
Hoàng Ngọc-Tuấn
No comments:
Post a Comment