Sunday, May 13, 2018

PHẬT SỞ HÀNH TÁN – BUDDHACARITA - 佛所行讚 - Đại sỹ Mã Minh (Aśvaghoṣa) Việt dịch: Pháp Hiền cư sỹ


PHẬT SỞ HÀNH TÁN – BUDDHACARITA - 佛所行讚

Tiếng Phạn: Đại sỹ Mã Minh (Aśvaghoṣa)

Việt dịch: Pháp Hiền cư sỹ


Cõi thơ có thể là nơi trường mộng của đêm dài sinh tử, mà cũng chính ở đó là cõi Hư Không Tịch Mặc, với một màu xanh thẳm nhưng xa xôi không cùng tận (Tô Đông Pha Và Những Phương Trời Viễn Mộng, TUỆ SỸ, p. 143).

“Thi Phẩm” được dịch từ bản tiếng Phạn vào đầu tháng ba, năm 2003, được tham chiếu qua bản tiếng Anh của E.H. Johnston và bản tiếng Hán của Đàm Vô Sấm. Đây là thời điểm người dịch về Già Lam cùng chư đại đức Tăng học Kinh tạng Phạn văn với thầy Nguyên Giác và Kinh Luận với thầy Tuệ Sỹ. 



“Thi Phẩm”, được xem như là những “rung động đầu đời” của “chàng trẻ tuổi tóc bay” khi tiếp cận cùng Phật pháp trong điệp trùng lữ thứ thiên thu của mình.
PHẬT SỞ HÀNH TÁN (BUDDHACARITA / Buddhacaritakāvya / ACTS OF THE BUDDHA), là một bản đại trường thi, ngợi ca, kính lễ , hiển hành tướng và hành tính của một bậc thánh hiện thân ở đời, không phải, như một số đông thường cho rằng: sự hiện thân của Phật như là một chúng sinh và với mục đích là phát triển nhân cách (phẩm chất của một con người) tới một mức độ vô thượng hay tuyệt đối của nó. 

NHÂN CÁCH, chỉ là một bọt nước trong đại dương PHẬT CÁCH của bậc thánh ấy mà thôi. NHÂN CÁCH không phải là một cái gì đó mà bậc thánh này hiện thân nhắm tới. 
Nguyện giải thoát chúng sinh và đưa chúng sinh đến bờ giác là điều mà Phật Hành hướng đến.

Phật Hành, nói cho cùng là sự viên dung của cả Nhân cách, A Na Hàm cách, Tư Đà Hoàn cách, Bích Chi cách, Duyên Giác cách, A La Hán cách, Bồ Tát cách, Kim Cang Thượng Sư cách – tức là, Phật cách, Phật-Mật Nguyện cách vậy.

Thêm nữa, PHẬT SỞ HÀNH TÁN, thi kệ số 15, tuyên bố rằng, 
“Ta sinh là Phật sinh (Bhodhāya jāto’smi)
Vì lợi lạc thế gian
Là lần sinh tối hậu (jagaḍvitārtham antyā bhavotpattir iyaṃ)
Trong thế giới trầm luân.”
बोधाय जातोऽस्मि जगड्वितार्थमन्त्या भवोत्पत्तिरियं ममेति ।
चतुर्दिशं सिंहगतिर्विलोक्य वाणौं च भव्यार्थकरौमुवाच॥१५॥
“Bhodhāya jāto’smi jagaḍvitārtham antyā bhavotpattir iyaṃ ।
Catur diśaṃ siṃha gatir vilokya vaṇauṃ ca bhavyārtha karaum uvāca ॥15॥

Có phải PHẬT SỞ HÀNH TÁN dạy ta là, sự ra đời của Phật hoàn toàn không phải là sự ra đời của một chúng sinh. Nói một cách chính xác, Phật sinh tức là nguyện sinh, là Ba-La-Mật sinh vậy. Và, tất nhiên là vì hạnh phúc (vāṇauṃ) và lợi lạc (bhavya) của thế gian và khi quan sát (vilokya) bốn phương bằng uy phong sư tử (Catur diśaṃ siṃha gatir), Ngài đã tuyên bố (uvā) như vậy.
Chứng luận này, đưa cái cách “chúng sinh tưởng” trở về đúng vị trí của chính nó, đưa nó về sự cáo chung trong tự thân nó.

Thi phẩm hay kệ tụng số 12, dạy rằng, “ánh sáng của Ngài, cho dù như ánh mặt trời rực rỡ của buổi mai (rarāja bālo), thế nhưng khi ai đã ngắm nhìn, thì ánh sáng ấy thành ánh trăng sáng diệu.” Công Đức Quán Phật Tướng!
“दौत्य च धौर्येण च यो रराज बालो रविर्भूमिमिवावतौर्णा
तथातिदौप्तोऽ निरौक्ष्यमाणो जहार चक्षूंषि यथा शशाङ्कः”
(Dautiyā ca dhauryeṇa yo rarāja bālo ravir bhūmim ivāvataurṇa
Tatha ati daupto’niraukṣyamāṇo jahāra cakṣūṣi yathā śaśāṅkaḥ)


Phép ẩn dụ tuyệt vời này, đưa ta vào cảnh giới của mênh mang bi mẩn. Thật vậy, thi phẩm hay kệ tụng số 12 này, dạy ta rằng, Đạo Phật không phải là loại hào quang chói lọi của tự mãn - niraukṣyamāṇo - của triết học, của thanh danh hay là của bất cứ loại hình nghệ thuật, công trình, học thuyết nào đó của thế gian này, bởi vì, “hào quang” nào rồi cũng sẽ lụi tàn. Cái trò hề của cái được gọi là “được trăng quên đèn, được ná quên nôm, được lê quên lựu…” là chuyện của học thuyết, chuyện của…hào quang thế gian. Đạo Phật, nó rực rỡ vì nó cần như thế để soi đường – chớ không đốt cháy khô rụi (atidhaupta - ati√dah), nó mát trong êm diệu như ánh trăng (śaśāṅkaḥ), vì nó ngấm vào lòng, nó tích lũy thành thơ thành nhạc, thành lẽ sống, thành con đường tu tập (ava taurṇa - ava√tṛ), thành thánh đạo cho từng sinh loại. Đây là lý mầu của kệ tụng số 12 mà bồ tát Mã Minh đã truyền dạy cho chúng ta.


Một loạt những hạn từ có vẻ như “lập luận” ấy, để ta xác định rằng, cái tư chất mà Phật có, không chỉ là NHÂN CÁCH mà thôi. Ở nơi Ngài chính là, như thầy Tuệ Sỹ nói:”…chính ở đó là cõi Hư Không Tịch Mặc”. Và, hơn thế, ở nơi Ngài, chính là cõi Hư Không Tịch Chiếu nữa.

“Thi Phẩm” PHẨM THÁNH SINH, của dịch bản này, được cho là một tiếp cận từ những rung cảm đầu đời của mình hơn là một tiếp cận chuyên môn về ngôn ngữ dịch – cú pháp, ngữ pháp và thi pháp. Bấy giờ, đọc lại, người dịch vẫn cảm thấy một vài bở ngỡ với những nét hoang sơ đến buồn cười của nó. 


Tuy nhiên, vì đấy là những cảm thụ đầu tiên, do vậy, nó luôn là hành trang cuối cùng và tối hậu để chính người dịch bước vào sử trường của lữ thứ, để hiểu, cảm nhận “lửa của núi - 火山旅 – Hỏa Sơn Lữ - hay chuyến du hành lên núi lửa - là gì?

Người ta nói rằng, “Hỏa Sơn Lữ không phải là Thần Hỏa, mà nó chỉ là một cuộc lịch nghiệm của ngữ ngôn, để hành giả thấy được sự ảo hóa của ngữ trình và [lui về sơn cùng thủy tận để mở trường dạy học] cho những ai yêu rừng xanh và núi biếc.”
Sắp tới Ngày Phật Sinh, chép lại “nguyên si” dịch ngữ khi xưa, để thương lấy những vụng dại của mình, một thời, một đời và hàng vạn kiếp của riêng mình, một người vốn trót “lỡ lầm” yêu Phật quá!
Nếu như sự chia sẻ này mà có thể sẻ chia được một đôi phần cho những ai lỡ lầm yêu Phật, thậm chí là “ghét” Phật, thì đấy cũng chính là niềm vụng dại lỡ lầm của cõi nguyên sơ ấy vậy.

Pháp Hiền cư sỹ, mùa Phật Đản 2018
* Vì Phẩm Thánh Sinh có tất cả 89 kệ tụng, quá dài so với độ hạn chế của facebook, cho nên người dịch chỉ giới thiệu tới kệ tụng thứ 20 mà thôi, phần còn lại, sẽ đăng tải vào dịp khác.

PHẬT SỞ HÀNH TÁN – BUDDHACARITA - 佛所行讚
PHẨM THÁNH SINH
1. Có một vị quân vương
Giòng Thích Ca vô thắng
Tịnh Phạn được vang danh 
Hậu duệ của Cam Giá
Tôn quý và cao cả
Thanh tịnh trọn vẹn đức
Như trăng rằm mùa thu
Cõi người (Thần dân) vui chiêm ngưỡng

2. Như nữ hoàng Đế Thích
Một Saci tuyệt luân
Vẽ kiều diễm của nàng
Xứng với đấng hùng anh
Nàng đẹp tựa hoa sen
Tâm định như đại địa
Nàng được mệnh danh là
Hoàng hậu Đại Māyā (hoàng hậu Đại Huyển Hóa)
So sánh là tương đối
Đại Huyển (Māyā) bất khả lường

3. Theo luật của nam nhi
Giao hoan cùng hoàng hậu
Đắc lạc như đó là
Sự vinh danh tối quý
Của đấng Vaiśravaṇa (Đa Văn Tử)
Nàng đã được thụ thai
Mà lòng vô ái nhiễm
Giống như trí thành tựu
Hợp nhất với thiền tư

4. Trước khi được thụ thai
Với tâm thái an nhiên
Điềm lành hiện trong mộng
Khi vương tượng trắng ngần
Giáng thần nhập nhân thân

5. Hoàng hậu của minh quân
Đã mang trong dạ mình
Thai nhi giòng quang vinh
Hoàng hậu với tịnh tâm
Không buồn đau bệnh khổ
Nhất niệm hướng thắng lâm

6. Lắng theo dòng thiền niệm
Rừng an ẩn riêng mình
Nàng bèn thỉnh đức vua
Được dạo chơi nơi ấy
Rừng nhỏ Lâm Tỳ Ni
Cây xếp theo từng loại
Rừng ấy vui như thể
Lạc viên của Bửu Xa (Caitraratha)

7. Đấng chúa tể thế gian
Lòng tràn đầy diệu lạc
Đã biết ý nguyện nàng
Sinh ra từ tịnh quý
Muốn từ giả vương thành
Để tìm cầu an ủy
Chẳng vì thú xa hoa

8. Trong lạc lâm cảnh ấy
Nàng biết sắp sãn kỳ
Vây quanh ngàn thị nữ
Ân cần dọn trường kỷ
Chuẩn bị phút lâm bồn

9. Kịp lúc sao Quỷ (Puṣya) mọc
Ứng lời nguyện nữ hoàng
Từ bên hông mẹ hiền
Thái tử hiện thân người
(Đại bi cứu thế gian)
Hứng vết roi trần thế
Thái tử sinh ra đời
Không làm mẹ đau mỏi

10. Chẳng hạn Vua Ưu Lưu (Aurva)
Sanh ra từ bắp vế
Chẳng hạn vua Tý Luân (Māndhātṛ - Tý Luân vương)
Sinh ra từ cánh tay
Mạn Đà cùng Đế Thích
Sinh ra từ đỉnh đầu
Bằng thông tuệ như vậy
Bậc thánh ấy hiện thân

11. Từ trong thai tạng mẹ
Thái tử tự tại sinh
Như đến tự hư không
Chẳng như bọn phàm thế
Sinh bằng ngõ tối tăm (sinh môn)
Và vì bao nhiêu kiếp
Tự thân vốn vô nhiễm
Nên bậc thánh ra đời 
Bằng quang minh chiếu hiển

12. Người hiện ra ở đời
Như mặt trời kiên trụ
Rực rỡ buổi ban mai
Chiếu diệu khắp trần ai
Những ai được ngắm nhìn
Nhật quang rực rỡ ấy
Biến thành nguyệt diệu minh

13. Thân ánh sáng của người
Như mặt trời tỏa chiếu
Mờ hết những ngọn đèn
Với ánh sáng vàng ròng
Phổ sáng khắp bốn phương

14. Như chòm sao Thất Tinh
Người bước đi bảy bước
Những bước chân vững chắc
Mọi tư thế chuyển hành
Đều trụ trong an định

15. Người quan sát bốn phương
Bằng uy phong sư tử
Tuyên bố chân lý rằng:-
Ta sinh là Phật sinh
Vì lợi lạc thế gian
Là lần sinh tối hậu
Trong thế giới trầm luân.”

16. Có hai dòng suối nước
Thanh sạch tợ ánh trăng
Chứa cả nguồn công đức
Một ấm một mát trong
Cả hai chảy từ trời
Tắm mát đỉnh đầu Ngài
Đỉnh đầu đầy nhân ái
Và hai giòng suối ấy 
Tắm mát khắp thân Ngài

17. Chiếc trường kỷ người nằm 
Chân làm bằng đá quý
Bộ khung tỏa ánh vàng
Với lộng dù tuyệt mỹ
Thiên vương cầm sen vàng
Đứng quanh hầu tận tụy
18. Chư thiên trong không gian
Bản thân là vô tướng
Trương dù trắng trên không
Cúi hầu trong tôn kính
Trước vương phong của người
Thừa uy thần tán thán
Giác ngộ thành tựu thôi

19. Loài rắn (Long vương) hùng mạnh nhất
Khát ngưỡng Pháp lâu rồi
Xòe quạt quạt cho người
Và tung tán hoa Mạn Đà
Những hành nguyện như vậy 
Họ đã từng thực hiện
Với chư Phật ngàn xưa

20. Chư Thiên trời Tịnh Cư
Những vị trời ly dục
Nhưng vẫn mừng khấp khởi
Thế khổ có pháp mầu. (Còn tiếp)


No comments:

Post a Comment