Thơ Trần Trung Đạo, nỗi thao thức của một người yêu Việt Nam
Nguyễn Hoàng Lãng Du và Nguyễn Thanh Huy
Trần Trung Đạo không phải là người xa lạ trong giới văn nghệ. Những sáng tác của anh đã đăng trên các báo, xuất bản và được nhiều người đón nhận. Thơ của anh có kích thước vì chuyên chở được cái tình yêu thương của Con Người. Nhiều giòng chữ trong hai tập Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười và Thao Thức trở thành sợi nắng ban mai đánh thức lương tâm nhân loại trong đêm dài tăm tối. Trần Trung Đạo không chỉ viết cho chính mình. Anh viết nhiều cho Dân Tộc anh, cho những người thân mến và cho những kẻ khốn cùng. Trần quân sinh tại Quảng Nam, nơi được mệnh danh là địa linh nhân kiệt, với ngọn núi Ngũ Hành ngàn năm sừng sững, với sông Thu Bồn miên man nước chảy, với quế Tiên Phước ấp ủ hương rừng. Anh ngậm ngùi gởi về nơi mở mắt chào đời những bài Bao Giờ Nhỉ Tôi Về Thăm Xứ Quảng, Thu Bồn, Lụa Duy Xuyên. Thơ anh là giòng sông thương nhớ tìm về nguồn cội:
Trái tim tôi có một giòng máu đỏ
Sẽ một ngày chảy đến tận Câu Lâu
Nước sô^ng Thu dù lụt lội đục ngầu
Nghe vẫn ngọt như bòng bong Đại Lộc.
(Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quảng)
Anh sẽ đưa em về qua Hưng Hóa
Ghé Phong Châu quỳ trước điện Vua Hùng
Dẫu lạc loài nơi cuối bể đầu non
Hồn con vẫn là hồn muôn năm cũ
(Về thăm lịch sử)
Trần Trung Đạo là kẻ lữ hành trong cuộc đời bất định. Những thành phố mà anh đã từng đặt chân tới đã trở đô thị sống mãi trong thơ anh. Những bạn bè anh gặp đã trở thành tri kỷ trong ký ức. Đời anh vươn cao từ những khốn khó nên anh nâng niu quá khứ của mình. Từ chốn tạm dung nhiều ánh sáng anh thốt lên những khao khát không cùng:
Thèm một tối cùng anh em bè bạn
Uống cho say rồi chết giữa Sài Gòn.
(Ra Biển Gọi Thầm)
Tấm lòng của Trần Trung Đạo trải rộng ra cho non sông. Tình yêu nồng nàn của anh bao phủ khắp các ngả đường đất nước. Anh hứa với người tình trong thơ: Anh sẽ đưa em về thăm Hà Nội, dù cả đời anh chưa được một lần qua …Anh sẽ đưa em đến bờ Thiên Mạc để nhớ một lần lửa dậy Thăng Long …Anh sẽ đưa em đến đường Cổ Ngư bóng mát vì những chuyện tình đẹp nhất khởi từ đây. Quê hương Việt Nam xa cách của anh là một thiên đường thần thánh.
Mỗi chiếc lá nghe như còn hơi thở
Mỗi cành cây như có một linh hồn
Ta sẽ về sống lại một lần thôi
Em sẽ khóc như chưa hề được khóc.
(Về thăm lịch sử)
Trần Trung Đạo là người chí tình. Ngòi bút của anh hóa thành trầm hương khi viết về tổ tiên. Tâm hồn anh hóa thành mật ngọt khi viết cho người Mẹ hiền nơi cố quận. Trái tim anh gần gủi như ca dao trong lòng người viễn xứ. Đọc thơ Trần Trung Đạo người ta cảm nhận được tính đạo của dân tộc Việt.
Trần Trung Đạo có lần làm bạn với cây đa bên chùa Viên Giác. Cái cây tưởng như vô tri đó không bỏ anh lúc anh khổ cực. Sau nầy văn chương anh mọc thành cây cổ thụ che bóng mát cho những kẻ khốn cùng. Thơ anh bỗng là tiếng rên của bà mẹ đang sắp hàng chờ bán máu ở nhà thương Chợ Rẫy, là tiếng khóc của em bé thiếu sửa trên vỉa hè Đà Nẵng, là tiếng thét hãi hùng của người con gái trong vịnh Thái Lan, là tiếng đòi tự do của người thanh niên tại trại tù Đông Nam Á.
Anh viết cho kẻ sống và kẻ chết. Sự thua thiệt của những người bất hạnh vẫn là nỗi đau khổ ám ảnh anh dù đó là của một bà mẹ điên không đủ tiền mua thuốc cho con, củ anh bộ đội tàn phế không dám về thăm gia đình, của người lính già vừa chết đêm qua không người vuốt mắt.
Trần Trung Đạo bâng khuâng dưới cõi trời Tây. Nơi đây người ta tha thiết với tự do và bác ái. Nhưng em Hoàng Thị Thu Cúc vẫn chết tại trại Sikiew, Thái Lan vì có kẻ cho rằng em không đáng hưởng quyền họ nâng niu, bảo vệ. Trần Trung Đạo nghẹn ngào đưa hương hồn người con gái trẻ trở về cố xứ.
Con chim mhỏ chiều nay không hát nữa
Trại Cấm buồn tia nắng cũng vàng hơn
Đôi mắt khép cuộc đời em đóng cửa
Đường về Nam phảng phất một linh hồn.
(Vĩnh biệt em Thu Cúc)
Nơi đất nước có nhiều điều mới lạ. Người ta có quỹ bảo vệ thiên nhiên, có tiền che chỡ súc vật. Họ hiểu được tiếng chim nhưng không nghe được tiếng người. Trần Trung Đạo lại khóc cho những kẻ bị lãng quên:
Me em đâu ? – Ngủ ngoài biển cả
Em của em đâu ?
– Sóng cuốn đi rồi
Chị của em đâu ?
– Nghe chị thét trên mui
Ba của em đâu ?
Em lắc đầu không nói.
(Em bé Việt Nam và viên sỏi)
Chim có tổ, chồn cáo có hang nhưng người Việt không có một chỗ an thân. Trần Trung Đạo đã không ngần ngại hiến dâng cái sỡ hữu cuối cùng của cuộc đời anh qua lời ước nguyện:
Cho tôi chết làm người dân nước Việt
Linh hồn tôi phơ phất giữa trời Nam
Xác thân tôi trôi dạt bến sông Hàn
Làm phân bón cho quê nghèo khốn khỗ.
(Cho tôi xin)
Thơ của Trần Trung Đạo là nỗi thao thức của một người Việt Nam. Tác phẩm của anh là tờ hịch kêu gọi tình bác ái cho nhân loại nên sẽ sẽ tồn tại lâu dài với thời gian.
No comments:
Post a Comment