Thursday, May 24, 2018

Trần Trung Ðạo: Viết từ Xa



Trần Trung Ðạo: Viết từ Xa


Ảnh: trưa hè ở ngoại ô Bangkok và viết ở phi trường Dubai
Khi còn hay qua làm việc ở Ấn, khi rảnh tôi thường xách máy hình đi quanh phố để ghi lại đời sống của người địa phương. Khi mỏi chân, tôi ghé mấy quán café góc đường tán gẫu với khách. Một lần, tôi đi vòng vòng như thế khá xa và đi lạc.
Trong trường hợp đó, tôi chỉ cần bước lên taxi hay gọi về văn phòng nhờ tài xế chạy đến đón là xong, nhưng tôi không làm.
Tôi ra một trò chơi với chính mình, thắng nếu cố gắng tìm cho ra đường về và thua nếu gọi taxi hay gọi về văn phòng. Tôi tìm mãi không ra khách sạn. Cuối cùng, đành đưa địa chỉ khách sạn cho một trong các bác lái xe ba bánh đang đậu một dãy dài. Bác đọc tên khách sạn và vui vẻ ra giá. Khi vừa tính bước lên xe, tôi nhìn lên hàng chữ trên bờ tường, thì ra đó là bờ tường khách sạn. Tôi chỉ tên khách sạn rồi chúng tôi nhìn nhau cười. Tôi đem chuyện này kể với một đồng nghiệp, anh chàng cũng cười và giải thích, bác tài sẽ đưa tôi đi một vòng ngắn và thả tôi xuống ở một cổng khác cũng vào khách sạn. Một trong vô số cách để sống còn trong một đất nước hơn tỉ dân và đầy hố cách ngăn về xã hội.
Tôi tìm ra đường về khách sạn ở Ấn Độ. Nhưng sáng hôm đó nếu thả tôi xuống Đà Nẵng và tự tìm đường về trong một trò chơi tương tự, tôi có thể đã thua. Tôi xa Đà Nẵng 38 năm và chưa về lại. Đà Nẵng trong tôi vẫn là một Đà Nẵng có những hàng cây sao, những chiếc ghế vuông, những tách trà nóng, những quán café Thạch Thảo, Thanh Hải, Ngọc Lan, những bãi biển Mỹ Khê, Thanh Bình, cây guitar cũ và hàng phượng đỏ trong sân trường.
Nhưng ngoại trừ những khi phải điền giấy tờ, tôi luôn nghĩ mình là người Việt Nam. Tôi không bao giờ là một nhà chính trị nhưng tôi biết mình là một người mang dòng máu Việt và quan tâm đến nước Việt.
Robert Pierre có lần phát biểu sau Cách Mạng Pháp 1789 “Yêu nước là tình yêu khắc nghiệt”, ông muốn nói tình yêu nước phải vượt lên trên mọi thứ tình yêu. Tôi thì khác, yêu nước, thật ra từ một lý do đơn giản, chỉ vi tôi yêu chính mình. Đời tôi gắn liền với sinh mệnh của đất nước trong một thời chiến tranh loạn lạc. Tôi cô đơn, dân tộc tôi cũng rất cô đơn. Tôi nghèo nàn dân tộc tôi cũng rất nghèo nàn. Tôi đứng lên khi bị đời xô ngã, dân tộc tôi cũng nhiều lần đứng lên sau mỗi lần bị xô ngã. Và vì thế, tôi vẫn luôn tìm cách đóng góp để thay đổi đất nước trong điều kiện, hoàn cảnh của mình.
Trong thời gian viết, tôi nhận khá nhiều tin nhắn và thắc mắc về mọi vấn đề. Vừa rồi, có ý kiến của một cháu và cháu muốn tôi trả lời:
“..cháu nghĩ rằng chú nên nghĩ đến việc viết ra những nội dung nhẹ nhàng hơn, có tính sâu lắng và giúp người dân nhìn nhận ra những thực tế XH, nguyên nhân sâu xa của nó là, dễ hiểu thì giống như những bài của TS Alan Phan đã làm. Và cháu cùng những bạn trẻ khác cũng có nguyện vọng làm việc này, tuy nhiên có một thực tế rằng những đứa trẻ như tụi cháu hiện có giới hạn lớn về năng lực, do trường kỳ bị bào mòn tư duy trong lối giáo dục nhồi sọ của trường XHCN, và những người lớn tuổi mà có khả năng viết đủ tốt để đưa ra bản chất vấn đề như chú, có lẽ đa phần là chịu ảnh hưởng của GD thời trước, hiện nay đã sinh sống ở hải ngoại.”
Đó là câu hỏi và quan tâm chính đáng.
Nhưng lý do tôi không viết chuyện hàng ngày đang xảy ra và dùng các các mẫu chuyện đó tác động vào nhận thức của người dân như một số tác giả khác trong đó có TS Alan Phan vì hai lý do:
(1) Tôi xa nhà quá lâu để có thể sát với những sinh hoạt hằng ngày như các anh chị em cầm bút đang sống trong nước.
(2) Những tệ nạn đang xảy ra chỉ là hiện tượng của cùng một bản chất, đó là cơ chế CS. Hiện tượng thay đổi liên tục theo những biến động bên ngoài xã hội nhưng bản chất của cơ chế thì không.
Lấy tình trạng tham nhũng để chứng minh vì tham nhũng là một hiện tượng rõ nét nhất về quan hệ bản chất và hiện tượng.
Tháng 8, 1985, một nghiên cứu mật của CIA, thời đó được xếp vào hạng tối mật, về các chiến dịch chống tham nhũng tại Liên Sô cho biết các chính sách chống tham nhũng quyết liệt của Andropov và Chernenko nhưng chết nhanh như các tác giả của chúng thực tế chỉ nhằm để nâng cao uy thế của chế độ và giới hạn của những kẻ không cùng phe phái. Điều đó đã xảy ra dưới giai đoạn đầu củng cố và tập trung quyền lực của Tập Cận Bình, cũng như đang xảy ra tại Việt Nam.
Tham nhũng nếu làm sạch được thì CS Ba Lan đã không bị xoi mòn trong đầu thập niên 1980 và CS Liên Sô đã không bị lung lay tận gốc vào giữa thập niên 1980, cuối cùng dẫn tới sụp đổ trong thời Gorbachev. Tham nhũng không thể tận diệt dưới chế độ CS bởi vì tham nhũng có tính đảng và sự tồn tại của tệ trạng xã hội này gắn liền với sự tồn tại của đảng CS.
Các vấn nạn lớn khác trong xã hội CS, từ ích kỷ, hẹp hòi, lọc lừa dối trá cho tới thức ăn độc hại chúng ta đọc hàng ngày cũng vậy, đều có tính bản chất CS và tồn tại cùng bản chất CS.
Lấy tình trạng làm từ thiện tại Trung Cộng để chứng minh bản chất hẹp hòi, ích kỷ do chế độ CS gây ra.
Theo nghiên cứu của Giáo sư Yanzhong Huang, đại học Seton Hall, trong một bài viết trên Forbes 30 tháng 5, 1914, dù khoác lác là nước giàu có thứ hai trên thế giới và sẽ đuổi kịp Mỹ trong thời gian ngắn, Trung Cộng là nước ích kỷ, hẹp hòi nhất thế giới từ đảng tới dân.
Toàn Trung Cộng chỉ có 2,961 cơ sở từ thiện, tức chỉ bằng 3 phần trăm so với Mỹ. Cơ chế CS tạo điều kiện và đẻ ra một tầng lớp giàu có nhưng thành phần đông đảo này theo thống kê năm 2012 chỉ tặng cho từ thiện 890 triệu Mỹ Kim. Một tỉ phú Trung Cộng đã từ chối đóng góp cho từ thiện 8,100 Mỹ kim một năm nhưng đã thua bạc số tiền tương tự chỉ trong một đêm.
Theo Giáo sư Oliver Rui, Director of CEIBS Center for Wealth Management, Trung Cộng có 355 tỉ phú nhưng bị cơ quan Chỉ Số Tinh Thần Thiện Nguyện Toàn Cầu (The CAF World Giving Index) năm 2015 xếp vào hạng 144 trong số 145 nước có tinh thần thiện nguyện.
Chung quy vẫn là cơ chế chính trị.
Phê bình các hiện tượng xã hội thối nát, ích kỷ, hẹp hòi là cần thiết nhưng nếu chỉ tập trung vào việc phê bình hiện tượng hay dừng lại ở việc phê bình hiện tượng sẽ rơi vào bẫy của chế độ.
Dân trí Việt Nam còn thấp nên hệ thống tuyên truyền CS, qua nhiều giai đoạn lịch sử, đã dùng hiện tượng để giải thích và chi phối tình cảm yêu, thương, ghét, thù của người dân và họ đã thành công. Thực tế này cũng đã và đang xảy ra tại các nước đang phát triển, nơi đa số cử tri không nhìn xa khỏi căn nhà, bếp lửa và bữa cơm chiều. Nâng cao lý luận và nhận thức chính trị của người dân, nhất là trong thành phần đang dấn thân cho tương lai dân chủ của đất nước là một bức thiết.
Như câu hát “đường tuy xa nhưng tình bao la” trong bài Dây Thân Ái, tôi viết từ xa, sống từ xa nhưng tâm hồn tôi không xa lắm và biết đâu còn gần hơn một số người đang sống giữa quê hương.
Trần Trung Đạo

No comments:

Post a Comment