Showing posts with label Thích Từ Lực. Show all posts
Showing posts with label Thích Từ Lực. Show all posts

Monday, March 30, 2020

Thích Từ Lực: Ai Là Tâm Minh Của Thế Kỷ 21?

Ai Là Tâm Minh Của Thế Kỷ 21?
Thích Từ Lực
(Trích Phổ Hương Tình Thầy, Tủ sách Phổ Hòa sắp xuất bản nhân mùa tưởng niệm Cư Sĩ Tâm Minh Lê Ðình Thám.
Tựa: Thị Nghĩa 
Trần Trung Đạo, bạt: Tâm Nghĩa Ngô Văn Quy (Calvin Ngo), Bodhi Media chủ trương và thực hiện.)
Giữa khung cảnh an tĩnh của lúc đầu Xuân, kẻ hậu học xin cúi đầu tưởng niệm bậc tiền bối hữu công: cụ Tâm Minh Lê Ðình Thám. Chắc bạn rõ, không phải là sự ngẫu nhiên mà tôi ngồi đây, trong căn chái nhỏ, để viết về con người và sự đóng góp của cụ đối với Phật giáo nói chung và đối với tổ chức Gia đình Phật tử nói riêng. Thật là một con người đầy đạo tâm và sức sống. Lắm lúc, vì hơi ốm yếu, tôi đã mong ước mình có được phần nào tâm chí vững mạnh và đầy lý tưởng của cụ.
Một câu chuyện xưa: Tôi xin phép được bắt đầu với bạn bằng một câu chuyện xưa. Lúc tôi mới vào chùa, làm điệu, có tham dự những buổi học tập kinh điển và giới luật hàng tuần. Có khi vào buổi tối, sau giờ đi học ở trường, mà cũng có khi vào ngày cuối tuần. Tôi còn nhớ, hôm đó, thầy Tịnh Từ, hiện nay là Viện trưởng tu viện Kim Sơn, dạy chúng tôi về bản văn “Ðại thừa Kim Cang Kinh luận” do hòa thượng VIên Giác của tòng lâm Giác Hải ở Vạn Giả, Nha Trang dịch giải. Thầy thường tìm cách lồng vào bài học là các câu chuyện ở chùa để gián tiếp dạy bảo anh em chúng tôi.
Thầy kể lại rằng, cụ Tâm Minh lúc đó rất lưu tâm đến việc đào tạo Tăng tài để gánh vác công việc Phật sự mai sau. Và vì nhờ am hiểu cả hai nền tân học và cựu học, tức là Hán văn và Tây học cho nên cụ được quý Ôn mời dạy cho quý Thầy tại Phật học đường Báo Quốc. Chúng ta đừng quên, cụ vừa là một Phật tử thuần thành gần gũi với giới bình dân và cũng là một bác sĩ y khoa của hàng trí thức khoa bảng. Bản chất của cụ là một con người thông minh, ham học nhưng đồng thời cũng rất khiêm nhượng, tôn kính chư Tăng. Do đó, mà trước khi bước lên bục hay ngồi vào bàn để giảng dạy, cụ đều đảnh lễ chư Tăng, mà lúc đó là học trò của cụ trên nguyên tắc, và chắc chắn có thầy tuổi còn kém hơn cụ rất nhiều.
Ðã gần hai mươi năm trôi qua, vậy mà tôi vẫn chưa quên sự xúc động của tôi lúc đó. Hẳn nhiên, tôi đã biết gì đến hạn khiêm cung của bồ tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa đâu. Tôi chỉ hình dung ra một con người, có đôi mắt sáng, đầy sự cương quyết trong lòng, và đặc biệt hơn hết, có cả trái tim của một vị Bồ Tát sống đúng với Chánh pháp. Tôi nghĩ, chưa kể đến những điều hiểu biết mà cụ trao truyền cho các học tăng, chỉ cần thái độ khiêm cung đó cũng đủ chất liệu cho một bài học vô giá rồi. Trong chúng ta, ai cũng có một bản ngã rất lớn lao mả qua bao đời kiếp ta đã tìm đủ mọi cách để củng cố, để tô bồi thêm. Khó khăn hơn nữa là khi có quyền hạn trong tay, ở vào một địa vị cao hơn người khác một chút, là ta đã để cho cái “bản ngã vị kỷ” đó tự tung tự tác, không kể gì đến sự tương kính, nhường nhịn. Khó thay cho chúng ta mà cũng đáng phục thay thái độ sống của một người cư sĩ Phật tử biết trọng Phật, kỉnh Tăng với hiểu biết của trí óc và chân thành của con tim.
Con người lý tưởng: Năm tháng trôi qua, xúc động của hôm đó và hình ảnh cụ Tâm Minh tiếp tục ở lại trong lòng, sáng bước với cuộc đời tu hành của tôi. Tôi thường quan niệm, con đường Phật giáo là con đường hài hòa giữa mình với ta. Phật đã ché định giới luật và chỉ bày cách sống cho cả hai giới tại gia và xuất gia. Trên hết, trên con đường phụng sự lý tưởng giác ngộ, Tăng Ni và tín đồn cần có sự tương kính, hỗ trợ lẫn nhau, làm đẹp cho nhau. Do đó, tôi thường tìm cơ hội để tần gũi, tìm hiểu, học hỏi ở những vị cư sĩ đạo tâm, chuộng đời sống bình dị để có thể tích cực tu tập Chánh pháp. Nhân duyên đưa đẩy, tôi lại chọn con đường sinh hoạt với tuổi trẻ, mà trong đó có hình ảnh của Gia đình Phật tử, của chiếc áo lam thân yêu đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi từ lúc còn bé.
Lại thêm một lần không ngờ, đầy thích thú, khi tôi phát giác ra cụ Tâm Minh cũng là một trong những người đầu đàn thành lập và nuôi dưỡng tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam. Thì ra, cụ không chỉ là một người gần gũi với chư Tăng mà cũng là một con người đầy lý tưởng, muốn tạo một sức sống cho những người trẻ tuổi biết đạo đức, biết tôn quý những giá trị tinh thần. Chúng ta hãy độc lại mục đích của tổ chức áo Lam: “Ðào tạo những thanh thiếu niên trở thành những công dân tốt của xã hội, sống theo tinh thần Phật pháp”. Thật là một việc làm rất ý nghĩa và đem lại lợi ích lớn lao cho gia đình và xã hội. Dĩ nhiên, chính các nhân của các huynh trưởng và đoàn sinh Gia đình Phật tử đã được thánh hóa, chuyển hóa khi theo đúng đường lối này.
Càng tìm hiểu thêm về con người của cụ, chúng ta càng kính phục sự hoạt động bền bỉ, đầy hăng sau của cụ. Một trong những nhân chứng sống mà tôi được tận tai nghe là hòa thượng Mãn Giác. Với giọng bình dân của người miền Trung, hòa thượng kể cho một số anh em tăng sinh trẻ tuổi nghe về cụ Tâm Minh và các hoạt động của Gia đình Phật tử lúc đó. Thầy nói: “Cụ Tâm Minh hăng hái lắm. Ra khỏi phòng mạch là đi thẳng về chùa, rồi hội họp với lớp trẻ lúc đó, như Võ Ðình Cường, chị Hoàng Thị Kim Cúc, có cả thầy Minh Châu nữa, lúc đó chưa xuất gia. Bộ tướng thì nhỏ người mà răng làm việc quá sức hăng say. Các thầy, ai cũng thương cụ”. Ðã hơn 50 năm trôi qua, cho đến hôm nay hình ảnh con người đầy nhiệt huyết của cụ vẫn có thể làm mẫu mực cho chúng ta.
Nuôi dưỡng tuổi trẻ: Có một câu hỏi hơi thừa nhưng chắc chắn là không vô ích mà chúng ta có thể đặt ra ở đây: tại sao cụ tâm Minh và những người tiên phong lúc đó lại đặt nặng vấn đề nuôi dưỡng và giáo dục tuổi trẻ? Có người hy hiến cả đời mình cho tuổi trẻ không biết nhọc mệt, không than van gì cả. Trải qua 20 năm sống ở xã hội Tây Phương, chắc chắn đa số chúng ta đã thấy tuổi trẻ ở quốc gia nào mà bị băng hoại thì sẽ kéo theo một sự đổ vỡ lớn lao và lâu dài trong các sinh hoạt tại quốc gia đó. Ðối với cộng đồng Việt Nam chúng ta cũng vậy, có nuôi dưỡng thanh thiếu niên giữ được những nét truyền thống văn hóa thì chúng ta mới có hy vọng ở một tương lai tốt đẹp hơn. Hơn nữa, giáo lý nhà Phật lại có nền tảng hợp với sức sống của tuổi trẻ và tinh thần khoa học hiện đại thì chúng ta lại có nhiều triển vọng hơn và, dĩ nhiên, rất an tâm, đầy tin tưởng khi chọn con đường giáp dục tuổi trẻ. Vả lại, con đường mà Gia đình Phật tử Việt nam đã trải qua suốt nửa thế kỷ nay đã để lại nhiều chứng tích tốt đẹp và chứng nghiệm hùng hồn không ai chối cải được.
Nhìn lại đội thiếu niên hay một chúng thiếu nữ quây quần bên nhau trong một lớp Việt ngữ, hay trong một khóa Phật pháp, chúng ta có cảm tưởng gì? Có hy vọng không? Rằng mai đây, các em lớn lên sẽ có thể đóng góp gì cho xã hội các em đang sống? Phải nói là chúng ta tràn trề hy vọng chứ. Tương quan nhân quả cho phép chúng ta nhận định như vậy. Bây giờ, các em đến với những sinh hoạt đạo đức tâm linh và học hỏi được những điều hay lẽ phải thì mai đây các em sẽ đem ra áp dụng trong đời sống và có thể làm đẹp cuộc đời, làm tốt cho con người. Vì vậy, bao nhiêu công trình mà người trước, và ngay cả bây giờ, quý anh, chị huynh trưởng các cấp đang đầu tư vào công cuộc nuôi dưỡng và giáo dục tuổi trẻ sẽ không vô ích chút nào; trái lại, hướng dẫn được tuổi trẻ theo con đường chơn chánh thì chúng ta vẫn còn có nhiều triển vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Hoài niệm người xưa mong mỏi cho hôm nay: Cả hai, bạn à. Chúng ta sắp sữa bước vào thế kỷ 21 với những tiến bộ quá mau của kỹ thuật, khoa học, trong khi đó, giá trị của đạo đức tâm linh lại theo đà xuống dốc thảm hại. Theo luật chung của cuộc đời thì phải vậy, Hơi có nhiều tiền một chút thì mình lại ham chơi, quên ngồi thiền, xao lãng việc tìm hiểu về đời sống tâm linh. Nhưng ai kia thì có thể như vậy, chứ chẳng lẽ mình lại nhắm mắt, bỏ đàn em đang trông chờ sự thương yêu dẫn dắt của chúng ta!
Tôi thiết tha nhắc lại hình ảnh của cụ Tâm Minh là để chúng ta, trước hết học hỏi ở một con người lý tưởng, ham phụng sự, sau nữa, chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc tìm kiếm một hướng đi thích hợp với tuổi trẻ. Chúng ta cần học hạnh khiêm nhường của cụ và học cách nhường nhịn lẫn nhau. Theo tôi, hơn lúc nào hết, bây giờ chúng ta cần có những con người biết hy sinh cho lợi ích chung và có thể dung hòa cho cả hai thế hệ vốn dĩ luôn luôn có sự xung đột, khác biệt. Họ đang ở đâu? làm gì? Nếu có thể đốt nến mà tìm ra được những con người đó thì bạn có chịu đi với tôi để cầu thỉnh, để gần gũi mà học hỏi những đức tính tốt của họ không?
Thật là may mắn nếu ở trong một tập thể mà có được hình ảnh những Phật tử biết uyển chuyển để có thể chấp nhận những ý kiến bất đồng. Rồi cũng trong chiều hướng vị tha, phóng xả, cố đem hết sức mình dâng hiến cho tổ chức mà họ sẵn sàng ngồi lại để cùng làm việc với nhau thì đó là những viên ngọc vô giá. Ðầu năm, đốt nén tâm hương, tưởng niệm cụ Tâm Minh như là một lời cần nguyện chân thành: xin anh linh của Cụ soi đường cho đàn hậu tấn, cho màu Lam vững bước tiến trên đường dẫn dắt tuổi trẻ, thương yêu tuổi trẻ.

Thursday, February 13, 2020

“Phổ Hương Tình Thầy”, tuyển tập các bài viết của Thầy Từ Lực dành cho GĐPT


Thị Nghĩa Trần Trung Đạo: Giới thiệu “Phổ Hương Tình Thầy”, tuyển tập các bài viết của Thầy Từ Lực dành cho GĐPT


PHỔ HƯƠNG TÌNH THẦY
Tủ Sách Phổ Hòa xuất bản, 2020
ISBN: 978-1-67813-835-6
Trong tham luận nhân dịp hội thảo “GĐPT Giữa Giáo Hội” do Ban Hướng Dẫn Miền Quảng Đức tổ chức cuối năm 2019, Huynh trưởng Huỳnh Ái Tông có nhắc đến một số cao tăng xuất thân là Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử (GĐPT) như Cố Hòa Thượng Thích Tâm Thanh, Cố Thượng Tọa Thích Phổ Hòa, Thượng Tọa Thích Từ Lực v.v..
Nếu kể hết, danh sách chắc còn rất dài. Không chỉ bên chư tăng như cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu mà cả bên chư ni  như Ni Sư Thích Nữ Huệ Tâm tức chị trưởng Lệ Từ Nguyễn Thị Thu Nhi, sư cô Tịnh Ngọc tức trưởng Phạm Thị Hoài Chân và nhiều bậc tăng ni khác đã từng là huynh trưởng. Ngay cả Cố Đại Lão HT Thích Thiện Minh đã từng là cố vấn giáo hạnh sinh hoạt gần gũi với GĐPT từ khi ngài còn là một Đại Đức trẻ vào những năm 1950.
Dù đã xuất gia, chư tôn đức xuất thân từ GĐPT vẫn luôn gắn bó với GĐPT trong nhiều cách. Màu áo lam, chiếc mũ, cái còi, bài hát sinh hoạt v.v.. vẫn sống trong suy tư, thao thức của các ngài.
Nhưng trường hợp của Thượng Tọa Thích Từ Lực đặc biệt hơn cả.
Như Thầy kể lại: “Tôi gia nhập GĐPT lúc 14 tuổi với một Đơn Vị ở cách xa thành phố Huế 20 cây số. Không học hỏi được gì nhiều, chỉ biết khi đến Chùa là các Bác cho ăn xôi, chuối, và nhất là có Bạn để vui chơi. Vậy mà, những kỷ niệm thắm thiết, thân thương thời đó, vẫn còn trong lòng mình sau hơn 50 năm lặng lẽ trôi qua. Mới biết, chính nhờ tình Lam, sự đối xử với thương mến của quý Anh Chị Huynh Trưởng mà những chất liệu Yêu Thương, Tôn Trọng, Vui Vẻ đã nuôi dưỡng đời sống của mình, dù khi xa nhà, trưởng thành và sinh sống ở Hoa Kỳ.”
Thầy không chỉ suy tư thao thức với kỷ niệm trước ngày xuất gia mà còn mang một tâm nguyện được góp phần vào nỗ lực hiện đại hóa GĐPT trong thời đại tin học toàn cầu hóa ngày nay. Thầy sống với anh chị em. Thầy vui với anh chị em. Thầy buồn với anh chị em.
Hầu hết trong 28 bài viết của tuyển tập Phổ Hương Tình Thầy là những bài viết về tuổi trẻ Phật Giáo, GĐPT. Những bài viết hết sức chân thành, không sáo ngữ, không dạy bảo và ngay cả không khuyên răn ai. Đó chỉ là những lời tâm sự. Thầy viết như đang tâm sự với các đoàn sinh đang ngồi trước mặt và thầy viết như đang tâm sự với chính mình.
Thầy nhắc lại những Phật chất mà mỗi chúng ta được trao từ khi phát nguyện vào đoàn và thầy mong chúng ta cố gắng vượt qua mọi dị biệt bất đồng để  chuyển hóa các nội dung Phật chất sẵn có trong con người chúng ta mỗi ngày thêm tinh tấn ngang với tầm thời đại.
Thành thật mà nói. Chúng ta đứng sau quá xa với những gì đang diễn ra trên thế giới. Không ít sinh hoạt của GĐPT trong thiên niên kỷ thứ ba này mà vẫn không thoát ra khỏi những ước lệ, những khuôn khổ của gần một trăm năm trước. Vì thế chưa bao giờ hiện đại hóa GĐPT trở thành một nhu cầu bức thiết hơn hôm nay.
Chúng ta đối diện với nhiều thách thức. Vâng. Đó là một điều không thể phủ nhận. GĐPT đang đứng trước ít nhất hai thử thách, một bên trong nội bộ thiếu vắng tinh thần lục hòa và một bên ngoài vẫn còn đầy chướng ngại cản đường thăng tiến của chúng ta.
Hiện đại hóa là một tiến trình đưa các giá trị truyền thống của GĐPT hội nhập vào dòng sống của nhân loại một cách thích nghi. Hiện đại hóa GĐPT là phương pháp hữu hiệu nhất để cùng lúc vượt qua được cả hai thách thức.
Nhưng giá trị truyền thống của GĐPT là gì?
Thầy Từ Lực nhấn mạnh trong bài “Người Huynh Trưởng: Những Bước Chân Tiên Phong những Tấm Lòng Xây Dựng nhân dịp Trại Vạn Hạnh”, đó là “Bi Trí Dũng, vốn là nền tảng tinh thần vững chắc trong hành hoạt của chúng ta.”
Bi Trí Dũng là uyên nguyên, là đôi cánh để sống và bay lên cao chứ không phải là khẩu hiệu khô khan, rỗng tuếch để hô to và rơi vào quên lãng sau mỗi lần họp mặt.
Bi Trí Dũng cũng không phải là ba chất tố tồn tại độc lập, riêng rẽ mà là một hợp chất của tình thương, trí tuệ và vô úy của Đạo Phật. Chúng ta may mắn biết bao nhiêu so với nhiều triệu người khác không được trang bị tinh thần Bi Trí Dũng đó.
Thầy viết trong “Ai Là Tâm Minh của Thế Kỷ 21”: “Chúng ta sắp sữa bước vào thế kỷ 21 với những tiến bộ quá mau của kỹ thuật, khoa học, trong khi đó, giá trị của đạo đức tâm linh lại theo đà xuống dốc thảm hại.”
Thầy nhấn mạnh: “Thật là may mắn nếu ở trong một tập thể mà có được hình ảnh những Phật tử biết uyển chuyển để có thể chấp nhận những ý kiến bất đồng. Rồi cũng trong chiều hướng vị tha, phóng xả, cố đem hết sức mình dâng hiến cho tổ chức mà họ sẵn sàng ngồi lại để cùng làm việc với nhau thì đó là những viên ngọc vô giá. “
“Uyển chuyển” trong ý nghĩa thầy muốn nói là “tinh thần dung hóa” của Đạo Phật. Tinh thần đó chứa đựng trong kinh điển của đức Bổn Sư. Chính nhờ tinh thần dung hóa đó mà Đạo Phật đã vượt qua khỏi vùng Bắc Ấn Độ nghèo nàn, bị bức hại và đầy phân biệt để trở thành biểu tượng của tình thương và hy vọng cho toàn nhân loại ngày nay. Hạt giống Bồ Đề mọc lên ở Siberia băng giá hay Kenya khô cằn đều giữ được những phật chất giống nhau nhờ tinh thần dung hóa của Đạo Phật.
Thầy Từ Lực nói về “dung hóa”: “lấy tinh thần ‘dung hóa tất cả để làm lợi ích tất cả’ nghĩa là chấp nhận dị biệt để phục vụ cho sự tồn tại chung. Dung hóa, như thế không phải là sự nhượng bộ trá hình hay mưu tính dàn xếp mà là con đường đúng đắn để cộng tác trong bình đẳng và thành thực. Ta không thể tồn tại trong an lành nếu không nhìn nhận sự có mặt của kẻ khác. Do vậy, chúng ta không tin sự thống nhất về mọi mặt là mục tiêu tối thượng của tổ chức trong khi, trên thực tế và về bản chất, những cái dị biệt chỉ khiến cho một thực thể thêm phong phú và đa dạng.”
Suốt dòng lịch sử Việt Nam, như Thầy Từ Lực chứng minh, chư liệt tổ đã dùng tinh thần dung hóa để hóa giải mọi bất đồng, dung hợp một cách hài hòa mọi nguồn văn hóa đến Việt Nam. Đạo Phật không tồn tại bằng sự hủy diệt hay thống trị các tôn giáo khác, các tín ngưỡng khác mà bằng dung hợp. Trong khu vườn văn hóa Việt, các tôn giáo đã tồn tại với nhau, nương tựa vào nhau để làm đẹp khu vườn văn hóa Việt đầy sắc màu rực rỡ.
Trong lúc nhiều thế lực nhân danh tôn giáo đi qua để lại những bãi xương khô, những cánh đồng nhuộm máu, Phật Giáo đi qua để lại những cây xanh và trái ngọt nhờ tinh thần dung hóa.
Nhưng trước hết, dung hóa phải được thực hiện không phải đối với tha nhân mà đối với chính mình và anh chị em mình.
Thầy Từ Lực viết: “Tôi thiết tha nhắc lại hình ảnh của cụ Tâm Minh là để chúng ta, trước hết học hỏi ở một con người lý tưởng, ham phụng sự, sau nữa, chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc tìm kiếm một hướng đi thích hợp với tuổi trẻ. Chúng ta cần học hạnh khiêm nhường của cụ và học cách nhường nhịn lẫn nhau. Theo tôi, hơn lúc nào hết, bây giờ chúng ta cần có những con người biết hy sinh cho lợi ích chung và có thể dung hòa cho cả hai thế hệ vốn dĩ luôn luôn có sự xung đột, khác biệt. Họ đang ở đâu? làm gì? Nếu có thể đốt nến mà tìm ra được những con người đó thì bạn có chịu đi với tôi để cầu thỉnh, để gần gũi mà học hỏi những đức tính tốt của họ không?”
Chúng ta ra đi mang theo lời phát nguyện khi được khoác chiếc áo đoàn và được gắn huy hiệu Hoa Sen Trắng trên ngực áo. Nhưng chúng ta không đuổi kịp với những đổi thay của thế giới và do đó không tìm ra một hướng đi thích hợp. Lý tưởng với khá đông anh chị không còn là con đường đích thực mà đã trở thành những ước mơ phai dần theo màu tóc, theo làn da, theo tiếng nói lạc dần trong giấc ngủ đêm khuya.
Không. Hãy cố gắng hết sức dù chút hơi tàn vì tương lai của GĐPT. Đừng để cành sen trắng héo úa đi. Đừng để các giá trị cao đẹp quý giá của GĐPT trở thành những cố tật. Dòng sông không chảy không còn là dòng sông nữa mà chỉ còn là những ao tù nước đọng. Chảy đi và cùng chảy với nhau như nhân duyên hiếm quý trong cuộc đời này.
Cám ơn Thượng Tọa Thích Từ Lực và xin trang trọng giới thiệu tác phẩm Phổ Hương Tình Thầy.
Thị Nghĩa Trần Trung Đạo
Thị trấn Kanab, Utah, chiều 11 tháng 2, 2020


Monday, January 20, 2020

Sách & Niềm Vui Đọc Sách của Tôi

Sách & Niềm Vui Đọc Sách của Tôi
Thích Từ Lực

Nhắc đến sách là khiến tôi nhớ lại thuở ấu thời. Như hình ảnh cái nghiệp mà mỗi người lặng lẽ hay hồn nhiên lãnh nhận mà không hề tìm hiểu căn nguyên hay lý do gắn bó khác thường với sách. Từ nhỏ, từ những năm học lớp tiểu học, nghĩa là khi chữ nghĩa chưa thông, tôi đã thích có được cuốn sách trong tay để đọc. Duyên may, trong xóm có một tiệm tạp hoá mà chủ nhân cũng thích đọc sách như tôi. Truyện thường được đọc bấy giờ là truyện kiếm hiệp hay dã sử Tàu. Một vài tuần, chú Hỷ lên phố Huế để lấy hàng cho thím bán, nhân tiện thuê một số truyện về cho thím đọc. Nhờ đó, mà tôi hầu như là độc giả thường xuyên được phép đọc “ké” những bộ truyện Tàu đó.
Mê lắm, bạn ơi, nhớ lại những lúc mình tưởng như có phép  “đi mây về gió” với những nhân vật trong truyện Phong thần hay Tây du ký. Rồi lớn thêm chút nữa là chuyện đánh giặc trong Thuyết đường hay Ngũ hổ bình tây, Ngũ hổ bình nam thời nhà Tống. Mình mê nhân vật Địch Thanh có tài bày binh bố trận, đánh đâu thắng đó. Mình cảm phục tấm lòng nghĩa hiệp và tài ba của Địch nguyên soái. Mãi đến sau này, có dịp đọc lịch sử nước nhà mới hiểu ra rằng có lần quân nhà Tống từng tỏ rõ tham vọng với phương nam, đã nhiều dịp tranh hùng với “phe ta” là quân nhà Lý. Bấy giờ, mình mới rõ đầu đuôi câu chuyện, mới biết mỉm cười và biết “thương” tướng Lý Thường Kiệt nhiều hơn. Nhưng, như vậy là có “anh chàng lập trường” xen vào, can thiệp vào chuyện đọc truyện Tàu “vô tư lự” của mình rồi. Thôi, chuyện cũ bỏ qua đi Tám, vui thôi mà!
Vui hơn nữa, là nhờ truyện Tàu mà tôi đã có thể “hù dọa” mấy người đệ tử của mình, khi lên giọng nói: “Thầy mà có thuật thần thông, thì đã lên cung trời mượn Thái thượng Lão quân cái lò bát quái, đem về đây rồi bỏ mấy cái tính ganh tỵ, cố chấp đó nấu 49 ngày cho chảy ra nước luôn!” Ngó bộ, điều tôi nói ai cũng biết là pháp thuật vay mượn trong truyện Tây Du, nên vì thế không ai lo sợ chuyện hoang đường này biến thành sự thực cả!
Qua đến Mỹ, năm 1975, máu giang hồ lại có dịp bừng dậy mạnh mẽ khi được đi lạc vào thế giới của Kim Dung. Ôi thôi, cuộc đời quá hạnh phúc, sau giờ làm việc ở viện dưỡng lão về phòng riêng là “ôm” ngay cuốn truyện mà tha hồ “văn ôn võ luyện”. Từ Thiên long bát bộ, băng qua Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp... cho đến Cô gái đồ long, Lục mạch thần kiếm, không bỏ sót cuốn nào. Còn nhớ, có đêm đã mải miết đi theo Lục mạch thần kiếm đến gần 7 giờ sáng mới ngưng, quên cả thời gian nơi cõi tục!
Cũng may, bị lôi cuốn bởi cái quyến rũ của người dựng truyện nhưng cũng còn biết giới hạn mà tìm ra con đường trung đạo, nghĩa là tôi còn đọc thêm sách Phật và văn chương nữa.
Có hai bộ sách mà tôi mãi nhớ trong lòng, đó là  Papillon, người tù khổ sai  và Milarepa, con người siêu việt. Các tác phẩm này đều được dịch từ nguyên tác ngoại ngữ. Phải nhìn nhận rằng thái độ và quyết tâm hướng thượng của một số nhân vật trong truyện đã lặng lẽ thúc đẩy, nung nấu ý chí, sức mạnh tinh thần và nghị lực người đọc để vượt qua nghịch cảnh, trở lực. Có thể tôi đã nhận được ít nhiều sức dẫn truyền mỗi khi trở về với bản thân, những khuya bỗng giật mình thao thức trước hoàn cảnh cá nhân, lặng lẽ đối bóng mà tự tìm phương hướng.
Tuổi trẻ Từ quang của tôi đan xen lẫn với cuộc sống không thiếu ước mơ của một thanh niên tăng mà phần lớn hình thành từ những giấc mộng đẹp nơi trang sách.
Đặc biệt là hình ảnh ngài Milarepa, một vị tổ sư Phật giáo Tây tạng, với những cố gắng vượt bậc phi thường để chuyển nghiệp, thăng tiến đời sống tâm linh đã là một tấm gương sáng chói. Tôi còn nhớ, những năm đầu tiên ở chùa, khi gặp chuyện buồn hay khó khăn, tôi thường quán chiếu, tự nhủ lòng rằng: “Ăn thua gì chuyện nhỏ này, ngay cả vị Bổn sư của ngài Milarepa muốn trui luyện đệ tử, giúp trò trau rèn thêm ý chí kiên cường, đã ra lệnh cho ngài xây ba ngôi nhà, xây rồi lại bắt phải đập phá, làm lại từ đầu, mà ngài không buồn giận, và một lòng kiên nhẫn tu tập, cuối cùng đạt được thành tựu. Như vậy, sao mình lại có thể thối chí ngã lòng với những chuyện lặt vặt này được. Phải cố gắng thêm nữa!”
Trong truyện Tàu tôi say mê thời niên thiếu cũng không thiếu những ngụ ngôn dạy lòng nhẫn nại và cả nhẫn nhục nữa. Để nên người, trước hết, chúng ta  phải là một học trò, một người cầu học thực tâm và xứng đáng. Hình ảnh người thanh niên Trương tử Phòng ba lần dâng dép, mới được thâu nhận cho nghe lời dạy bảo. Nhờ đó mới có thể đấu trí với Phạm Tăng, giúp Lưu Bang dựng nên cơ nghiệp nhà Hán mấy trăm năm.
Gần đây, khi đọc quyển sách viết bằng Anh ngữ của Sư cô Chân Đức, tôi cũng tìm được rất nhiều niềm vui trong tinh thần của người thiết tha với sự học và tinh thần cầu học. Quyển sách nhan đề là True Virtue do Parallax Press xuất bản năm 2018. Trước hết, sách giúp người đọc nhận rõ được diện mạo tâm hồn, được đạo tâm của người cầm bút mà cuộc hành trình tâm linh của người xuất gia chỉ là minh chứng cho mức độ thành khẩn của một tấm lòng vị đạo. Sư cô là người Anh, xuất thân là một cô giáo, phát tâm tu tập trong truyền thống Cơ đốc, rồi qua Ấn độ tu tập với truyền thống Phật giáo Tây tạng. Sự cố gắng trong việc truy tầm ánh sáng trí tuệ của Sư cô thật đáng quý vô cùng. Tinh thần kiên trì phục thiện của Sư cô cũng vào bậc nhất, có thể làm những bài học giá trị cho những người mới vào Chùa tập hạnh xuất gia.
Quen biết Sư cô gần 30 năm nay, trong những sinh hoạt của Làng Mai, lúc nào tôi cũng kính trọng và giữ một khoảng cách đúng mực trong sự giao tiếp, mà đáng ghi nhớ  là trong một giới đàn, Sư Ông giao tôi làm Điển lễ, còn Sư cô lo việc văn phòng. Hôm đó, nhận tận tay hồ sơ Truyền giới, nhìn nét chữ nắn nót, viết đầy đủ, rõ ràng pháp tự tôi bằng tiếng Việt,  tôi nhận ra ngay nét cẩn trọng, chu đáo của một người có năng lực xuất gia.
Hôm nay, trầm ngâm đọc những trang giấy Sư cô viết theo tiếng đập của trái tim, những điều mà tôi tin chắc là rất thật, những điều làm mình lây thêm nỗi bồi hồi. Tôi tính nhẩm, thì ra Sư cô hơn tôi 3 tuổi. Tôi tính trong bụng, mai mốt có dịp gặp lại, mình tìm cách gọi Sư cô là “Sư Chị” bằng tiếng Việt, giọng Huế, cho Sư Cô vui thêm. Các bạn ơi, bây giờ, năm 2020, tiếng Việt của Sư Cô giỏi lắm rồi, chứ không phải như lúc Sư cô đến Việt nam lần đầu vào năm 1992, vào trú trong khách sạn, lúng túng trong tiếng Việt khi nhờ soạn món chay đâu nghe!
Những điều Sư Cô viết ra đều soi tỏ vằng vặc tâm hồn người chấp bút. Tất cả như dòng nước trong vắt, bàng bạc vị thiền, như nhất xuất phát tự một nguồn. Cũng như khi đọc sách của Sư cô Chân Không, sư cô Chân Đẳng Nghiêm, hay của quý Thầy Chân Pháp Đăng, Chân Pháp Hải... tôi đều thấy trong từng trang hiển hiện tấm lòng của tác giả, và thấp thoáng xa xa là  hình ảnh của Sư Ông Làng Mai.
Chúng ta từng nghe thầy Pháp Đăng kể chuyện Sư Ông chỉ dẫn đệ tử ra sao trong việc thỉnh chuông, nay lại được nghe Sư Cô Chân Đức gợi lại đầy đủ cái ước nguyện hoằng hóa của vị đại sư gửi vào một thanh âm mang nặng ý nghĩa chuyển mê, tỉnh thức. Sư Ông dạy, muốn thỉnh một tiếng chuông cho hay, làm cho đại chúng sanh tâm gìn giữ chánh niệm, trở về với tiếng gọi của Bụt, thì phải thực tập ít nhất 100 lần, hay hơn nữa!
Thấu đáo được sự huyền diệu của tiếng chuông và mượn thanh âm làm một phương tiện để dạy bảo chúng đệ tử rèn luyện thân tâm nhiên hậu góp phần xây dựng chính pháp. Hèn chi Sư Ông giỏi hơn mình trong việc xây dựng Tăng thân, dạy bảo đồ chúng là phải!
Tôi tin tưởng, ai có duyên đọc một quyển sách hay, có giá trị về nhân văn đạo đức, thì có thể thay đổi, giúp mình đi về hướng an vui, hạnh phúc. Chương trình “Có Mặt Cho Nhau” do hai Huynh trưởng GĐPT Tâm Thường Định (Khoẻ) và Tâm Định (Hiệp) khởi xướng có tính cách giáo dục, văn hoá rất là lợi ích cho mọi người, nhất là cho giới trẻ muốn tìm về nguồn gốc, bản sắc Việt của mình.

Thích Từ Lực
Chùa Phổ Từ, Hayward

Saturday, March 4, 2017

‘CHÂN GIÁC BẤT LY TRẦN’


Thư Pháp - Uyên Nguyên.

Thư Pháp - Uyên Nguyên


‘CHÂN GIÁC BẤT LY TRẦN’
Kính mừng 40 năm hành đạo của Thầy Thích Từ Lực


Duyên lành Thầy đã xuất gia,
Bốn mươi năm chẳng như là chiêm bao
Lăng Nghiêm vang vọng thuở nào
Mà trong tiềm thức Ưu đàm rộ bông


Ơn giáo dưỡng cao vời sâu rộng
Tình Thầy trò ân trọng nghĩa sâu
Tu thân, hành thiện bấy lâu
Thầy luôn thong thả qua cầu thế gian


Đem yêu thương lấp bẽ bàng
Đem Bi-Trí-Dũng nhịp nhàng dựng xây
Tâm Thầy rộng lớn đong đầy
Hạnh Thầy vời vợi “Từ Vân... ly trần”*


Tình Thầy sâu đậm nghĩa ân
Lực tâm bổn nguyện trong ngần hư vô.


Tâm Thường Định


* Kệ phú pháp truyền đăng của Thiền sư Trừng Quang Nhất Hạnh cho Thầy Thích Từ Lực (Giáo Thọ, 1994)


Từ vân đương hiện thụy.
Lực đại bản do tâm.
Đối cảnh tâm bất động.
Chân giác bất ly trần.