Monday, January 20, 2020

Sách & Niềm Vui Đọc Sách của Tôi

Sách & Niềm Vui Đọc Sách của Tôi
Thích Từ Lực

Nhắc đến sách là khiến tôi nhớ lại thuở ấu thời. Như hình ảnh cái nghiệp mà mỗi người lặng lẽ hay hồn nhiên lãnh nhận mà không hề tìm hiểu căn nguyên hay lý do gắn bó khác thường với sách. Từ nhỏ, từ những năm học lớp tiểu học, nghĩa là khi chữ nghĩa chưa thông, tôi đã thích có được cuốn sách trong tay để đọc. Duyên may, trong xóm có một tiệm tạp hoá mà chủ nhân cũng thích đọc sách như tôi. Truyện thường được đọc bấy giờ là truyện kiếm hiệp hay dã sử Tàu. Một vài tuần, chú Hỷ lên phố Huế để lấy hàng cho thím bán, nhân tiện thuê một số truyện về cho thím đọc. Nhờ đó, mà tôi hầu như là độc giả thường xuyên được phép đọc “ké” những bộ truyện Tàu đó.
Mê lắm, bạn ơi, nhớ lại những lúc mình tưởng như có phép  “đi mây về gió” với những nhân vật trong truyện Phong thần hay Tây du ký. Rồi lớn thêm chút nữa là chuyện đánh giặc trong Thuyết đường hay Ngũ hổ bình tây, Ngũ hổ bình nam thời nhà Tống. Mình mê nhân vật Địch Thanh có tài bày binh bố trận, đánh đâu thắng đó. Mình cảm phục tấm lòng nghĩa hiệp và tài ba của Địch nguyên soái. Mãi đến sau này, có dịp đọc lịch sử nước nhà mới hiểu ra rằng có lần quân nhà Tống từng tỏ rõ tham vọng với phương nam, đã nhiều dịp tranh hùng với “phe ta” là quân nhà Lý. Bấy giờ, mình mới rõ đầu đuôi câu chuyện, mới biết mỉm cười và biết “thương” tướng Lý Thường Kiệt nhiều hơn. Nhưng, như vậy là có “anh chàng lập trường” xen vào, can thiệp vào chuyện đọc truyện Tàu “vô tư lự” của mình rồi. Thôi, chuyện cũ bỏ qua đi Tám, vui thôi mà!
Vui hơn nữa, là nhờ truyện Tàu mà tôi đã có thể “hù dọa” mấy người đệ tử của mình, khi lên giọng nói: “Thầy mà có thuật thần thông, thì đã lên cung trời mượn Thái thượng Lão quân cái lò bát quái, đem về đây rồi bỏ mấy cái tính ganh tỵ, cố chấp đó nấu 49 ngày cho chảy ra nước luôn!” Ngó bộ, điều tôi nói ai cũng biết là pháp thuật vay mượn trong truyện Tây Du, nên vì thế không ai lo sợ chuyện hoang đường này biến thành sự thực cả!
Qua đến Mỹ, năm 1975, máu giang hồ lại có dịp bừng dậy mạnh mẽ khi được đi lạc vào thế giới của Kim Dung. Ôi thôi, cuộc đời quá hạnh phúc, sau giờ làm việc ở viện dưỡng lão về phòng riêng là “ôm” ngay cuốn truyện mà tha hồ “văn ôn võ luyện”. Từ Thiên long bát bộ, băng qua Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp... cho đến Cô gái đồ long, Lục mạch thần kiếm, không bỏ sót cuốn nào. Còn nhớ, có đêm đã mải miết đi theo Lục mạch thần kiếm đến gần 7 giờ sáng mới ngưng, quên cả thời gian nơi cõi tục!
Cũng may, bị lôi cuốn bởi cái quyến rũ của người dựng truyện nhưng cũng còn biết giới hạn mà tìm ra con đường trung đạo, nghĩa là tôi còn đọc thêm sách Phật và văn chương nữa.
Có hai bộ sách mà tôi mãi nhớ trong lòng, đó là  Papillon, người tù khổ sai  và Milarepa, con người siêu việt. Các tác phẩm này đều được dịch từ nguyên tác ngoại ngữ. Phải nhìn nhận rằng thái độ và quyết tâm hướng thượng của một số nhân vật trong truyện đã lặng lẽ thúc đẩy, nung nấu ý chí, sức mạnh tinh thần và nghị lực người đọc để vượt qua nghịch cảnh, trở lực. Có thể tôi đã nhận được ít nhiều sức dẫn truyền mỗi khi trở về với bản thân, những khuya bỗng giật mình thao thức trước hoàn cảnh cá nhân, lặng lẽ đối bóng mà tự tìm phương hướng.
Tuổi trẻ Từ quang của tôi đan xen lẫn với cuộc sống không thiếu ước mơ của một thanh niên tăng mà phần lớn hình thành từ những giấc mộng đẹp nơi trang sách.
Đặc biệt là hình ảnh ngài Milarepa, một vị tổ sư Phật giáo Tây tạng, với những cố gắng vượt bậc phi thường để chuyển nghiệp, thăng tiến đời sống tâm linh đã là một tấm gương sáng chói. Tôi còn nhớ, những năm đầu tiên ở chùa, khi gặp chuyện buồn hay khó khăn, tôi thường quán chiếu, tự nhủ lòng rằng: “Ăn thua gì chuyện nhỏ này, ngay cả vị Bổn sư của ngài Milarepa muốn trui luyện đệ tử, giúp trò trau rèn thêm ý chí kiên cường, đã ra lệnh cho ngài xây ba ngôi nhà, xây rồi lại bắt phải đập phá, làm lại từ đầu, mà ngài không buồn giận, và một lòng kiên nhẫn tu tập, cuối cùng đạt được thành tựu. Như vậy, sao mình lại có thể thối chí ngã lòng với những chuyện lặt vặt này được. Phải cố gắng thêm nữa!”
Trong truyện Tàu tôi say mê thời niên thiếu cũng không thiếu những ngụ ngôn dạy lòng nhẫn nại và cả nhẫn nhục nữa. Để nên người, trước hết, chúng ta  phải là một học trò, một người cầu học thực tâm và xứng đáng. Hình ảnh người thanh niên Trương tử Phòng ba lần dâng dép, mới được thâu nhận cho nghe lời dạy bảo. Nhờ đó mới có thể đấu trí với Phạm Tăng, giúp Lưu Bang dựng nên cơ nghiệp nhà Hán mấy trăm năm.
Gần đây, khi đọc quyển sách viết bằng Anh ngữ của Sư cô Chân Đức, tôi cũng tìm được rất nhiều niềm vui trong tinh thần của người thiết tha với sự học và tinh thần cầu học. Quyển sách nhan đề là True Virtue do Parallax Press xuất bản năm 2018. Trước hết, sách giúp người đọc nhận rõ được diện mạo tâm hồn, được đạo tâm của người cầm bút mà cuộc hành trình tâm linh của người xuất gia chỉ là minh chứng cho mức độ thành khẩn của một tấm lòng vị đạo. Sư cô là người Anh, xuất thân là một cô giáo, phát tâm tu tập trong truyền thống Cơ đốc, rồi qua Ấn độ tu tập với truyền thống Phật giáo Tây tạng. Sự cố gắng trong việc truy tầm ánh sáng trí tuệ của Sư cô thật đáng quý vô cùng. Tinh thần kiên trì phục thiện của Sư cô cũng vào bậc nhất, có thể làm những bài học giá trị cho những người mới vào Chùa tập hạnh xuất gia.
Quen biết Sư cô gần 30 năm nay, trong những sinh hoạt của Làng Mai, lúc nào tôi cũng kính trọng và giữ một khoảng cách đúng mực trong sự giao tiếp, mà đáng ghi nhớ  là trong một giới đàn, Sư Ông giao tôi làm Điển lễ, còn Sư cô lo việc văn phòng. Hôm đó, nhận tận tay hồ sơ Truyền giới, nhìn nét chữ nắn nót, viết đầy đủ, rõ ràng pháp tự tôi bằng tiếng Việt,  tôi nhận ra ngay nét cẩn trọng, chu đáo của một người có năng lực xuất gia.
Hôm nay, trầm ngâm đọc những trang giấy Sư cô viết theo tiếng đập của trái tim, những điều mà tôi tin chắc là rất thật, những điều làm mình lây thêm nỗi bồi hồi. Tôi tính nhẩm, thì ra Sư cô hơn tôi 3 tuổi. Tôi tính trong bụng, mai mốt có dịp gặp lại, mình tìm cách gọi Sư cô là “Sư Chị” bằng tiếng Việt, giọng Huế, cho Sư Cô vui thêm. Các bạn ơi, bây giờ, năm 2020, tiếng Việt của Sư Cô giỏi lắm rồi, chứ không phải như lúc Sư cô đến Việt nam lần đầu vào năm 1992, vào trú trong khách sạn, lúng túng trong tiếng Việt khi nhờ soạn món chay đâu nghe!
Những điều Sư Cô viết ra đều soi tỏ vằng vặc tâm hồn người chấp bút. Tất cả như dòng nước trong vắt, bàng bạc vị thiền, như nhất xuất phát tự một nguồn. Cũng như khi đọc sách của Sư cô Chân Không, sư cô Chân Đẳng Nghiêm, hay của quý Thầy Chân Pháp Đăng, Chân Pháp Hải... tôi đều thấy trong từng trang hiển hiện tấm lòng của tác giả, và thấp thoáng xa xa là  hình ảnh của Sư Ông Làng Mai.
Chúng ta từng nghe thầy Pháp Đăng kể chuyện Sư Ông chỉ dẫn đệ tử ra sao trong việc thỉnh chuông, nay lại được nghe Sư Cô Chân Đức gợi lại đầy đủ cái ước nguyện hoằng hóa của vị đại sư gửi vào một thanh âm mang nặng ý nghĩa chuyển mê, tỉnh thức. Sư Ông dạy, muốn thỉnh một tiếng chuông cho hay, làm cho đại chúng sanh tâm gìn giữ chánh niệm, trở về với tiếng gọi của Bụt, thì phải thực tập ít nhất 100 lần, hay hơn nữa!
Thấu đáo được sự huyền diệu của tiếng chuông và mượn thanh âm làm một phương tiện để dạy bảo chúng đệ tử rèn luyện thân tâm nhiên hậu góp phần xây dựng chính pháp. Hèn chi Sư Ông giỏi hơn mình trong việc xây dựng Tăng thân, dạy bảo đồ chúng là phải!
Tôi tin tưởng, ai có duyên đọc một quyển sách hay, có giá trị về nhân văn đạo đức, thì có thể thay đổi, giúp mình đi về hướng an vui, hạnh phúc. Chương trình “Có Mặt Cho Nhau” do hai Huynh trưởng GĐPT Tâm Thường Định (Khoẻ) và Tâm Định (Hiệp) khởi xướng có tính cách giáo dục, văn hoá rất là lợi ích cho mọi người, nhất là cho giới trẻ muốn tìm về nguồn gốc, bản sắc Việt của mình.

Thích Từ Lực
Chùa Phổ Từ, Hayward