Showing posts with label Nguyễn Hoàng Lãng Du. Show all posts
Showing posts with label Nguyễn Hoàng Lãng Du. Show all posts

Thursday, March 21, 2019

Giới Thiệu PHẨM VẬT CỦA TRẦN GIAN của Nguyễn Hoàng Lãng Du

Giới Thiệu PHẨM VẬT CỦA TRẦN GIAN 

(Tấm Lòng của Một Vị Trưởng)




PHẨM-VẬT CỦA TRẦN-GIAN
Biên-soạn: Nguyễn Hoàng Lãng Du
Bodhi Media xuất-bản, 2019
Bìa và trình-bày: Uyên Nguyên
ISBN: 978-0-359-36781-8
© Tác giả và nhà xuất-bản giữ bản-quyền.

Trong nhân gian, Chân lý được tôn trọng và có giá trị lâu bền. Theo từ (tự) điển mở, “Chân lý là khái niệm để chỉ những tri thức có nội dung phù hợp với thực tế khách quan; sự phù hợp đó đã được kiểm tra và chứng minh bởi thực tiễn. Nói cách khác chân lý là thực tại được nhận thức một cách đúng đắn. Tóm lại chân lý là một sự thật của loài người luôn luôn đúng và tồn tại mãi mãi theo thời gian.”  Phật Giáo lấy Tứ Diệu Đế (Bốn Chân Lý Vi Diệu) làm nền tảng. Thiên Chúa Giáo lấy Chúa Kito làm Chân lý.
Người xưa cũng lấy 5 đức tính của con người: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín làm lẽ sống. Trong tác phẩm Phẩm Vật của Trần Gian của Nguyễn Hoàng Lãng Du, anh cũng lấy Sự Thật làm hành trang. Sự thật, Người thật và Việc thật là những gì cuốn sách này muốn truyền trao. Trong tác phẩm này cô đọng những tài liệu có nghiên cứu tóm lược những mẫu chuyện hay về người thật, việc thật từ Đông sang Tây, từ Cổ đến Kim. Nhưng tại sao tác giả phải tốn thời gian và công sức để làm việc này? Thuở xưa, Tú Xương, một nhà thơ trào phúng, người có Tâm và Tầm trong thi ca, có lần nhìn nhận “sự nghiệp” đích thực của chính mình rằng:
Một việc văn chương thôi cũng nhảm
Trăm năm thân thế có ra gì!
Thế mà bây giờ, cũng có nhiều người xuyên suốt bao thế hệ, trong đó có nhà thơ Nguyễn Hoàng Lãng Du hay cá nhân chúng tôi lại ‘lảm nhảm’ đi làm cái việc mà cụ Tú Xương (Trần Tế Xương: 1870 – 1907) hay cụ (Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu: 1889 – 1939) đã cảnh giác từ thuở đó, từ cái thuở “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Phải chăng, đó cũng là nghiệp dĩ văn chương, hay chỉ là một chút hoài niệm, một món quà nhỏ nhoi để lại cho đời. Hay tác giả chỉ muốn nói lên Sự Thật, vì Sự Thật là ánh sáng, là chân lý và là kim chỉ nam để sống.
Chân lý và Sự thật vi diệu cần phải tiếp nối và lưu truyền. Tác phẩm Phẩm Vật của Trần Gian, một phần đóng vai trò đó vì không những Tác phẩm này có những tài liệu và bài học cụ thể về tin yêu, bác ái, đạo đức, nhân bản mà còn mang tinh thần chánh niệm, cũng như một ý thức hệ tử tế, ôn hòa, và lẽ phải cần thiết để xây dựng và lưu lại cho mai hậu. Tinh thần vị tha, nhân bản, từ bi, bác ái và trí tuệ vi diệu đó cũng là nền tảng của những người “Trưởng” dù là Trưởng Hướng Đạo hay Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử. Trưởng Hướng Đạo và Hướng Đạo sinh thì luôn gìn giữ 3 lời hứa và 10 điều luật sau đây:
Lời hứa Hướng Đạo:
“Tôi xin lấy danh dự hứa sẽ cố gắng hết sức:
  1. Làm bổn phận đối với Tín Ngưỡng Tâm Linh và Quốc gia tôi
  2. Giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào
  3. Tuân theo luật Hướng Đạo.”
Luật Hướng đạo:
  1. Hướng đạo sinh trọng danh-dự; ai cũng có thể tin được lời nói của Hướng đạo sinh.
  2. Hướng đạo sinh trung-thành với tổ-quốc, với cha mẹ, với người cộng sự.
  3. Hướng đạo sinh có bổn-phận giúp-ích mọi người.
  4. Hướng đạo sinh là bạn khắp cả mọi người và coi Hướng đạo sinh nào cũng như ruột thịt.
  5. Hướng đạo sinh lễ-độ và liêm-khiết.
  6. Hướng đạo sinh yêu-thương các sinh vật.
  7. Hướng đạo sinh vâng lời cha mẹ và huynh trưởng mà không biện-bác.
  8. Hướng đạo sinh gặp nỗi khó khăn vẫn vui tươi.
  9. Hướng đạo sinh tằn-tiện của mình và của người.
  10. Hướng đạo sinh trong sạch từ tư-tưởng, từ lời nói tới việc làm. (HDVN, 1957-1975)
Còn trong tổ chức Gia Đình Phật Tử thì ai ai cũng cố gắng thực hành 3 điều luật của các em Oanh Vũ và 5 điều luật của Huynh trưởng và Đoàn sinh ngành Thiếu, Thanh của Gia Đình Phật Tử, đó là:
Ba Điều Luật Của Ngành Oanh Vũ
  1. Em tưởng nhớ Phật
  2. Em kính mến Cha Mẹ và thuận thảo với anh chị em.
  3. Em thương người và vật.
Năm Điều Luật của Ngành Thanh, Thiếu và Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử
  1. Phật tử quy y Phật, Pháp, Tăng và giữ giới đã phát nguyện.
  2. Phật tử mở rộng lòng thương tôn trọng sự sống.
  3. Phật tử trau dồi trí huệ, tôn trọng sự thật.
  4. Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.
  5. Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường Ðạo. (Gia Đình Phật Tử Việt Nam, 1944)
Trưởng Hướng Đạo hay Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, Thiên Chúa hay Phật Giáo, Tây hay Ta, v.v… tất cả đều là “Trưởng” và là huynh đệ với nhau, và theo ngôn ngữ của tác giả, Chúng Ta Là Anh Em. Với tinh thần trên, nhà thơ Nguyễn Hoàng Lãng Du luôn hướng về các tổ chức giáo dục tuổi trẻ, noi theo tinh thần hướng thiện cao thượng, chúng tôi tin rằng: đối với cựu trưởng hướng đạo lão thành Nguyễn Hoàng Lãng Du là một nỗ lực vượt bậc của riêng người và là món quà quý báu cho thế hệ mai sau. Hầu hết những nhân-vật trong tài-liệu này là có thật, những sự thật vi diệu. Hãy đọc Xưa Cũ Như Những Ngọn Đồi (Thánh Gandhi) hay Hạnh phúc và Khí giới (Đức Đạt Lai Lạt Ma 14)Họ đến và rồi đi như sự tuần hoàn kỳ diệu trong thiên nhiên. Tình yêu, trí-tuệ, sự dâng-hiến và hành-động của nhiều người trong tuyển tập này là hoa thơm cho nhân loại và là dấu dẫn đường cho con người đến gần Chân-Thiện-Mỹ.
Họ đã đến và đi như những chiếc lá vàng rơi về nguồn cội. Họ tới, tạm dừng lại trên thế-gian này, sống và cống hiến, rồi ra đi một cách âm thầm lặng lẽ, trong đó có nhà giáo dục, nhà thơ Nguyễn Hoàng Lãng Du.  Nhưng những gì họ để lại là những đứa con tinh thần vô giá cho thế hệ tương lai.
Phẩm Vật của Trần Gian chứa đựng một quá trình và kinh nghiệm sống của một con người có trái tim rộng lớn. Nhưng xa rộng hơn, đây là những bài học quý giá, là Phẩm Vật của Trần Gian, chứ không phải của riêng Anh. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể tìm thấy tác phẩm này là chiếc cầu kết nối không gian và thời gian; nhịp cầu hiểu biết, thương yêu và trí tuệ đưa những người đi trước và kẻ đến sau ngày càng gần lại. Mà trí tuệ là gì? Ông Paul Baltes, nhà tâm lý học của Viện Max Planck ở Berlin, Đức định nghĩa như sau: “Trí tuệ là trạng thái của tri thức về hiện trạng con người, về cách xuất xứ / hiện hữu của nó, yếu tố nó hình thành, cách thức con người ta giải quyết vấn đề khó khăn ra sao, và cách sống đời của mình để sau về già chúng ta đánh giá tốt ý nghĩa của nó” (Xin tạm dịch từ câu tiếng Anh).
Riêng tác phẩm: Phẩm Vật của Trần Gian, là tư liệu có trí tuệ được diễn đạt trong gần 100 bài viết ngắn, có tựa đề từ A đến Z như sau:
Ăn Sáng, Anh-Hùng Nơi Nghĩa-Trang, Bài Giảng Biết Đi, Bàn Tay Nhỏ, Bắt Đầu, Bất-Khuất, Biết Điều, Buộc Tội, Cách Chấm Dứt Tranh Cãi, Cái Cúc Áo, Cái Tâm, Cao-Thượng, Cây Tre, Chắn Nắng, Chia Sẻ, Chiếc Cầu Của Cô Gái Xấu Số, Chiếc Giầy Của Thánh Nhân, Chọn Người, Chúng Ta Là Anh Em, Con Lừa, Cùng Khốn, Độ-Lượng, Đứng Dậy Sau khi Ngã Xuống, Đường Lầy, Đường Lối Mới, Giá-Trị Của Sự Thực-Hiện, Hàng Thiện Trí-Thức, Hạnh-Phúc Và Khí-Giới, Hành-Xử, Hoàn Lại Cho Người, Hy-Sinh, Kẻ Phản-Bội, Khác- Biệt, Không Cần Nhớ, Không-Khí, Làm Thầy, Lãnh-Đạo, Leo Lên Từ Đáy Vực, Lịch-Sự Và Bén Nhậy, Lời Khuyên, Lula, Ly Trà, Mọi Người Đều Vui-Vẻ, Món Quà, Một Người Cha Đặc-Biệt, Ngắn-Gọn, Nghe Nhạc, Nghệ-Thuật Của Nhà Danh-Họa, Nghĩa Cả, Người Bạn Tốt,, Người Khách Lạ, Người Lịch-Sự, Người Mẹ Của Phong-Trào Tự-Do, Người Và Cá, Nhân Tính, Nhân-Đạo, Niềm Tin, Phần Của Các Em Mồ-Côi, Phật Ky-Tô, Phong Cùi, Phụ-Họa, Phục-Vụ, Phương-Pháp Của Nhà Hiền-Triết, Sau Khi Đã Chết, So-sánh, Tấm Lòng Của Một Vị Vua, Tận-Hiến, Tay Trắng, Tha-Thứ, Thành-Thật, Thích-Ứng, Thiên-Lệch, Thuật Cai-Trị, Thuyền Không Thể Đắm, Tin Vui Nhất Trong Tuần, Tôi Hành-Động, Trong Bùn Lầy, Tương-Xứng, Ứng-Khẩu, Vâng Lời, Vị Mục-Sư Và Cô Gái Nhỏ, Việc Nghĩa, Việc Nhỏ Bé, Vươn Cao, Vượt Trở-Ngại, Xếp Hình Cùng Mẹ, Xưa Cũ Như Những Ngọn Đồi, Ý-Kiến Của Tôi, Yêu Thiền.
Ở đây tác giả đã biểu lộ tâm huyết, tinh hoa, niềm tin yêu và hy vọng, mà hy vọng chính là định hướng của tinh thần, của trái tim. Đó cũng là nền tảng đạo đức, một giá trị cốt lõi và nhân phẩm để con người vươn lên. Chúng ta đều biết hy vọng không dập tắt được khổ đau nhưng duy trì được niềm tin rằng có thể chấm dứt đau khổ ấy.
Khi chúng ta bước đến ngưỡng cửa Bố thí Ba La Mật, khi phẩm vật cho và được nhận, cũng như người nhận và cho, không còn có sự phân biệt thì đó là một sự thành công mỹ mãn. Vì cho và nhận hai nhưng một, vì để tiếng cười khi ra đi; như hai vầng thơ mà tôi đã viết năm nào, nay thì xin mượn lời Baso nhận định về tác giả và tác phẩm như sau vậy.
Qua cánh cửa con
Hoa Đào vừa nở
Cả ngoài lẫn trong.
Tác phẩm Phẩm Vật của Trần Gian cũng như hoa Đào ấy, nhẹ thoảng trong không gian đến được tay của quý vị đang đọc, là một món quà trân quý của nhà thơ Nguyễn Hoàng Lãng Du. Xin được trân trọng giới thiệu tác phẩm này đến quý vị như là một sự truyền cảm hứng cho nhau và một hữu duyên tương phùng tao nhã. Những mẫu chuyện trong tác phẩm này chúng ta có thể kể cho nhau nghe trong những buổi sinh hoạt quanh đèn, câu chuyện dưới cờ, những đêm lửa tàn, hay cho con cháu chúng ta v.v… Xin hãy đọc với lòng trân quý và biết ơn. Kính chúc quý vị hữu duyên với tập sách này đầy đủ sức khoẻ, bình an và hạnh phúc.
Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam
Tâm Thường Định – Bạch X. Phẻ
Sacramento, CA. Ngày 14.02.19

Thursday, May 31, 2018

Thơ Trần Trung Đạo, nỗi thao thức của một người yêu Việt Nam

Thơ Trần Trung Đạo, nỗi thao thức của một người yêu Việt Nam

Nguyễn Hoàng Lãng Du và Nguyễn Thanh Huy


Trần Trung Đạo không phải là người xa lạ trong giới văn nghệ. Những sáng tác của anh đã đăng trên các báo, xuất bản và được nhiều người đón nhận. Thơ của anh có kích thước vì chuyên chở được cái tình yêu thương của Con Người. Nhiều giòng chữ trong hai tập Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười và Thao Thức trở thành sợi nắng ban mai đánh thức lương tâm nhân loại trong đêm dài tăm tối. Trần Trung Đạo không chỉ viết cho chính mình. Anh viết nhiều cho Dân Tộc anh, cho những người thân mến và cho những kẻ khốn cùng. Trần quân sinh tại Quảng Nam, nơi được mệnh danh là địa linh nhân kiệt, với ngọn núi Ngũ Hành ngàn năm sừng sững, với sông Thu Bồn miên man nước chảy, với quế Tiên Phước ấp ủ hương rừng. Anh ngậm ngùi gởi về nơi mở mắt chào đời những bài Bao Giờ Nhỉ Tôi Về Thăm Xứ Quảng, Thu Bồn, Lụa Duy Xuyên. Thơ anh là giòng sông thương nhớ tìm về nguồn cội:
Trái tim tôi có một giòng máu đỏ
Sẽ một ngày chảy đến tận Câu Lâu
Nước sô^ng Thu dù lụt lội đục ngầu
Nghe vẫn ngọt như bòng bong Đại Lộc.
(Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quảng)

Anh sẽ đưa em về qua Hưng Hóa
Ghé Phong Châu quỳ trước điện Vua Hùng
Dẫu lạc loài nơi cuối bể đầu non
Hồn con vẫn là hồn muôn năm cũ
(Về thăm lịch sử)

Trần Trung Đạo là kẻ lữ hành trong cuộc đời bất định. Những thành phố mà anh đã từng đặt chân tới đã trở đô thị sống mãi trong thơ anh. Những bạn bè anh gặp đã trở thành tri kỷ trong ký ức. Đời anh vươn cao từ những khốn khó nên anh nâng niu quá khứ của mình. Từ chốn tạm dung nhiều ánh sáng anh thốt lên những khao khát không cùng:
Thèm một tối cùng anh em bè bạn
Uống cho say rồi chết giữa Sài Gòn.
(Ra Biển Gọi Thầm)

Tấm lòng của Trần Trung Đạo trải rộng ra cho non sông. Tình yêu nồng nàn của anh bao phủ khắp các ngả đường đất nước. Anh hứa với người tình trong thơ: Anh sẽ đưa em về thăm Hà Nội, dù cả đời anh chưa được một lần qua …Anh sẽ đưa em đến bờ Thiên Mạc để nhớ một lần lửa dậy Thăng Long …Anh sẽ đưa em đến đường Cổ Ngư bóng mát vì những chuyện tình đẹp nhất khởi từ đây. Quê hương Việt Nam xa cách của anh là một thiên đường thần thánh.
Mỗi chiếc lá nghe như còn hơi thở
Mỗi cành cây như có một linh hồn
Ta sẽ về sống lại một lần thôi
Em sẽ khóc như chưa hề được khóc.
(Về thăm lịch sử)

Trần Trung Đạo là người chí tình. Ngòi bút của anh hóa thành trầm hương khi viết về tổ tiên. Tâm hồn anh hóa thành mật ngọt khi viết cho người Mẹ hiền nơi cố quận. Trái tim anh gần gủi như ca dao trong lòng người viễn xứ. Đọc thơ Trần Trung Đạo người ta cảm nhận được tính đạo của dân tộc Việt.
Trần Trung Đạo có lần làm bạn với cây đa bên chùa Viên Giác. Cái cây tưởng như vô tri đó không bỏ anh lúc anh khổ cực. Sau nầy văn chương anh mọc thành cây cổ thụ che bóng mát cho những kẻ khốn cùng. Thơ anh bỗng là tiếng rên của bà mẹ đang sắp hàng chờ bán máu ở nhà thương Chợ Rẫy, là tiếng khóc của em bé thiếu sửa trên vỉa hè Đà Nẵng, là tiếng thét hãi hùng của người con gái trong vịnh Thái Lan, là tiếng đòi tự do của người thanh niên tại trại tù Đông Nam Á.
Anh viết cho kẻ sống và kẻ chết. Sự thua thiệt của những người bất hạnh vẫn là nỗi đau khổ ám ảnh anh dù đó là của một bà mẹ điên không đủ tiền mua thuốc cho con, củ anh bộ đội tàn phế không dám về thăm gia đình, của người lính già vừa chết đêm qua không người vuốt mắt.
Trần Trung Đạo bâng khuâng dưới cõi trời Tây. Nơi đây người ta tha thiết với tự do và bác ái. Nhưng em Hoàng Thị Thu Cúc vẫn chết tại trại Sikiew, Thái Lan vì có kẻ cho rằng em không đáng hưởng quyền họ nâng niu, bảo vệ. Trần Trung Đạo nghẹn ngào đưa hương hồn người con gái trẻ trở về cố xứ.
Con chim mhỏ chiều nay không hát nữa
Trại Cấm buồn tia nắng cũng vàng hơn
Đôi mắt khép cuộc đời em đóng cửa
Đường về Nam phảng phất một linh hồn.
(Vĩnh biệt em Thu Cúc)

Nơi đất nước có nhiều điều mới lạ. Người ta có quỹ bảo vệ thiên nhiên, có tiền che chỡ súc vật. Họ hiểu được tiếng chim nhưng không nghe được tiếng người. Trần Trung Đạo lại khóc cho những kẻ bị lãng quên:
Me em đâu ? – Ngủ ngoài biển cả
Em của em đâu ?
– Sóng cuốn đi rồi
Chị của em đâu ?
– Nghe chị thét trên mui
Ba của em đâu ?
Em lắc đầu không nói.
(Em bé Việt Nam và viên sỏi)

Chim có tổ, chồn cáo có hang nhưng người Việt không có một chỗ an thân. Trần Trung Đạo đã không ngần ngại hiến dâng cái sỡ hữu cuối cùng của cuộc đời anh qua lời ước nguyện:
Cho tôi chết làm người dân nước Việt
Linh hồn tôi phơ phất giữa trời Nam
Xác thân tôi trôi dạt bến sông Hàn
Làm phân bón cho quê nghèo khốn khỗ.

(Cho tôi xin)
Thơ của Trần Trung Đạo là nỗi thao thức của một người Việt Nam. Tác phẩm của anh là tờ hịch kêu gọi tình bác ái cho nhân loại nên sẽ sẽ tồn tại lâu dài với thời gian.

Wednesday, July 5, 2017

Nguyễn Hoàng Lãng Du và TIẾNG GỌI PHƯƠNG ĐÔNG

Nhà thơ NHLD, nhà thơ Nguyên Lương, 'ngâm sỹ' Nghĩa Trần và tác giả Lê Công Dzũng. 

Nguyễn Hoàng Lãng Du và TIẾNG GỌI PHƯƠNG ĐÔNG hay những vần thơ trăn trở về quê hương, thân phận và tình yêu


Từ những vần thơ rực lửa đấu tranh …

Tôi hân hạnh được anh Nguyễn Hoàng Lãng Du tặng DVD Tiếng Gọi Phương Đông trong một lần đi dự tiệc ở nhà một người bạn. DVD có 12 bài thơ của anh được các nghệ sĩ Sông Song, Ngô Đình Long và Lệ Thu diễn ngâm.  Sáng hôm sau tôi dành hết cả ngày Chúa Nhật để nghe đi nghe lại những bài thơ trong đó. Tôi như bị cuốn hút vào dòng thơ của anh từ những bài thơ bi hùng, đầy hào khí, rực lửa đấu tranh như Khúc Ca Cuồng Nộ, hay Trong Đêm Cuồng Nộ…, cho đến những bài thơ  trăn trở về thân phận của mình trong  Biển Đông Sóng Giục, Gọi Dậy Ngàn Năm…Và sau nữa là những bài thơ tình chất chứa những tình yêu sâu sắc và lắng động như Chiều Say, Kim Chỉ, Thuở Vỡ Lòng Yêu…Anh NHLD, người mà bạn bè thường đặt cho nhiều biệt hiệu như Lãng Tữ, Đại Lão hoặc ông Hoàng, là một con người rất dễ mến, tính tình hiền hòa và rất mực khiêm nhường, nói năng rất từ tốn, điềm đạm và đặc biệt luôn nở một nụ cười trên môi.
Con người anh thì hiền và dễ thương như thế nhưng khi làm thơ, đặc biệt là khi bọn giặc phương Bắc có ý đồ xâm chiếm biển Đông của tổ quốc, thì hồn thơ anh bốc lửa, và lời thơ đã thành những tiếng thét vang lên để thúc giục lòng người đứng lên để đương đầu với quân cướp nước bạo tàn trong “Khúc Ca Cuồng Nộ”:

Em cứ hát cho hồn anh bốc lửa.
Giận xé trời thành sấm chớp trên cao.
Em hát xong, xin hát thêm lần nữa.
Cho ruộng đồng, sỏi đá phải xôn xao.
(Khúc Ca Cuồng Nộ- NHLD)

Lời thơ anh như một tiếng kèn xông trận, làm cho tinh thần ta phấn chấn, sẵn sàng ta tiến lên không chùn bước trước quân thù, với một niềm tin son sắt sẽ làm cho lũ giặc tan hoang như đã bao nhiêu lần trong quá khứ:

Đường Tổ-Quốc hôm nay như nhuộm máu
Chân ta đi nộ-khí mãi không chùn,
Mang ý-chí đương đầu quân tàn-bạo.
Trăm lần rồi lũ giặc đã tan hoang
(Khúc Ca Cuồng Nộ - NHLD)

Bài thơ Khúc Ca Cuồng Nộ, được cô Sông Song, một giọng ngâm truyền cảm của vùng đất Quy Nhơn diễn ngâm. Sông Song đã để hết hồn mình vào bài thơ, như đã thổi thêm lửa, thêm tình, thêm cái nồng nàn, say đắm như truyền thêm vào ý thơ hùng tráng để ta nghe thấy lòng mình cũng  bừng bừng rực lửa, với một niềm tin và ý chí dâng lên ngút ngàn, sẵn sàng ra đi để diệt lũ giặc thù cứu nước.

Rồi “Biển Đông Sóng Giục” cũng do Sông Song trình diễn.  Ở đây tôi xin nói đến giọng ngâm Sông Song, Ngô Đình Long và Lệ Thu qua 12 bài thơ của Nguyễn Hoàng Lãng Du trước để những đoạn sau, có những bài thơ tôi không đề cập đến những giọng ngâm này nữa mà chỉ đi sâu vào thơ để cảm nhận những giòng thơ của NHLD. Trước hết giọng ngâm thơ của Sông Song. Cô có một giọng ngâm  thật truyền cảm, khi thì nhẹ nhàng, khi thì sâu lắng. Khi thì lên cao vút, sắc bén như hòa cùng những ý thơ của NHLD.  Giọng ngâm cô đã chuyển tải nội dung của những bài thơ này và làm cho thơ càng dễ thấm sâu vào lòng người thưởng ngoạn. Với những bài thơ tình yêu thì giọng cô chất chứa nồng nàn, trữ tình. Khi thơ buồn thì giọng cô trầm lắng, và khi những lời thơ rực lửa đấu tranh thì giọng ngâm của cô như có pha thêm chất thép, làm cho người nghe phấn chấn, như người chiến sĩ nghe những tiếng kèn xông trận. Trong 12 bài thơ thì cô đã trình bày một mình 6 bài và một bài chung với Ngô Đình Long. Ngô Đình Long có một một giọng ngâm trầm ấm, đỉnh đạc, phát âm từng câu thơ từng chữ rõ ràng, mạch lạc. Có khi anh đi xuống những cung bậc thật thấp, làm cho người nghe như chùng xuống cùng với ý thơ, khi thì ngân nga cao vút làm cho thơ bay bỗng, vươn lên tới những đỉnh trời cao ngất. Rồi Lệ Thu cũng đã thể hiện những nét cá biệt của cô với một chất giọng ngọt ngào, nhẹ nhàng trong suốt như dẫn ta đi qua bao con sông bao suối, bao núi, bao đèo. Nếu giọng ngâm của Sông Sông đưa người ta vào cõi trầm mặc của những niềm suy tưởng, thì giọng ngâm của Lệ Thu làm cho ta nương theo những cung bậc nhẹ nhàng và dịu êm của một bản tình ca. Phải thú thật rằng khi tôi ngồi trước màn hình và lắng nghe những giọng ngâm này, lòng tôi cứ như đi theo những vần thơ của anh, như uống hết từng lời thơ dịu êm, đằm thắm và nồng nàn, nghe từ bài đầu tiên cho đến bài cuối cùng với một tâm trạng như bị những giòng thơ và giọng ngâm cuốn hút.
Bài thơ Biển Đông Sóng Giục, ta thấy được bao nỗi ngậm ngùi, nỗi lòng của tác giả, “ lực bất tòng tâm ” khi nghĩ đến sức tàn phá của thời gian lên thân phận con người. Lời thơ như phảng phất những nét u hoài, đọc lên cứ nghe nghèn nghẹn và một nỗi xót xa dâng tràn:

Ta đến đây một đời chân gối mỏi
Đồi núi buồn hèn mọn đứng xôn xao

Và tác giả bỗng thấy đau lòng cho thân tráng sĩ, ngửa mặt lên trời để cười mà lòng đau như xé tim gan:

Ta tráng sĩ lòng đau giờ rực lửa
Ngửa mặt cười lời động xé tim gan

Và rồi:

Tiền thân ư? Hành trang đầy chứng tích
Kiếm cung mòn in rõ dấu trăm năm

Nhưng cái giây phút “yếu lòng” đó qua đi rất mau vì tiếng gọi Việt Nam lại dâng lên cao ngút ngàn trong lòng tác giả. Tiếng gọi của tổ quốc, tiếng gọi của hồn thiêng sông núi lại dâng lên trong  “Trong Đêm Cuồng Nộ”:

Việt Nam! Việt Nam
Ta lên tiếng gọi
Việt Nam! Việt Nam
Lửa đốt thiêu ta

Để rồi giấc mơ Kinh Kha hơn bao giờ hết lại trở về trong lòng anh:

Sao ta không là tráng-sĩ?
Sao ta không là Kinh-Kha?

Tiếng gọi vang đi và vang đi mãi. Sao anh lại nín lặng? Sao anh lại thờ ơ? Chỉ còn tiếng gọi vang lên trong cõi vắng :

Sao anh em nín-lặng?
Sao anh em thờ-ơ?
A ha nhớ thuở tung cờ
Quân đi có kẻ đợi-chờ trên non.

Để rồi anh lại quay về tự trách mình, ôi những lời trách móc thật chua xót:

Bây giờ sóng gió cô-đơn
Mình ta ngất-ngưởng gọi hồn Núi Sông.
Ta giận ta hề tài hèn, mộng lớn.
Ta buồn ta hề sức nhỏ, chí cao.
(Trong Đêm Cuồng Nộ-NHLD)
Những câu thơ làm cho tôi nhớ đến mấy câu thơ của Tú Xương:

Thiên hạ có khi đang ngủ cả
Việc gì mà thức một mình ta?

Có thật là thiên hạ đang ngủ cả không? Không, tôi không tin như thế! Có thật là anh đang trong sóng gió cô đơn? Không, tôi cũng không tin là anh đang cô đơn!

Rồi gã mù ôm cây đàn độc huyền réo rắt làm cho mùa Đông cũng phải thức giấc, những tiếng gọi non sông trong “Gọi Dây Ngàn Năm” cũng do Sông Song diễn ngâm. Giọng ngâm cô như đi theo từng cung bậc của tiếng đàn. Tiếng đàn độc huyền réo rắt như vang động lại ngàn năm của đất nước:

Rồi gã mù ôm mùa Đông thức dậy
Tiếng độc huyền vang động tới ngàn năm
(Gọi dậy Ngàn Năm- NHLD)

Khi thì tiếng đàn reo vui cùng Uy Viễn tướng công, khi thì hào hùng với khí thế của Hội Nghị Diên Hông:

Đàn reo vui tiếng cười Uy Viễn
Thuở tiêu dao ngất ngưỡng cưỡi lưng bò
Đàn hào hùng điện Diên Hông sấm động
Những cha già tóc trắng sát bên nhau
(Gọi Dậy Ngàn Năm- NHLD)

Và khi tiếng bom Sa Điện của liệt sĩ Phạm Hồng Thái đã không thành công thì ta nghe tiếng đàn vang lên những lời xót xa tiếc nuối:

Đàn xót xa tiếng bom vang Sa Điện
Một ngày buồn bão tố ngập quê hương

Rồi cuối cùng gã mù, chỉ biết vui với cuộc đời cô quạnh, đem tất cả yêu thương và nỗi lòng của mình trút xuống dây đàn độc huyền với ước mong ước có một ngày mùa Xuân sẽ trở lại:

Ta mắt mù vui với đời cô quạnh
Mang yêu thương trút xuống một dây đàn
Mơ làm đuốc soi đường đêm giá lạnh
Trong rừng đào ôm sứ đợi Xuân sang
(Gọi Dậy Ngàn Năm – NHLD)

Giòng thơ anh tiếp nối trong “Lửa Đốt Đêm Say” nghe thoáng có một chút bất cần đời và nhách miệng cười khinh bạc:

Ta bỏ đi vai mòn manh áo rách,
Ðể lại đời phó-mặc lũ ngu-ngơ
(Lửa Đốt Đêm Say- NHLD)

Để cái lũ vượn và người ngu ngơ đó soi bóng mình bên giòng nước thấy sao thật giống nhau, vượn giống người hay người giống vượn đây?

Buổi chiều hoang đứng bên giòng uống nước,
Vượn và người soi bóng thấy như nhau
(Lửa Đốt Đêm Say – NHLD).

Rồi có một lần nào đó anh trở về bên bờ lau dại tìm lại thanh kiếm cũ của một thời để vá víu một chút đam mê với những giấc mộng chưa thành:

Ðào thanh kiếm bên ven bờ lau dại.
Ôn mộng đời vá-víu chút đam-mê.
( Lửa Đốt Đêm Say – NHLD)

Nhưng anh lại phân vân giữa “đi và ở”, tự nhận mình như kẻ bỏ cuộc trong cuộc chiến này. Và hồn anh bỗng dưng ấm lại như có ngọn lửa bừng lên khi một đêm tay mãi mê mài thanh kiếm lạnh dưới bóng trăng:

Ở hay đi hỡi tên khùng bỏ cuộc?
Trận chiến này ta đánh với ngươi thôi.

Gã dị-hình làm lũ người trốn chạy.
Chỉ còn em nước mắt đẫm vui mừng.
Ai xót-xa khi lòng ta lửa dậy,
Trong đêm mài kiếm lạnh bóng trăng tan.
(Lửa Đốt Đêm Say – NHLD)

Giọng ngâm của Ngô Đình Long và Lệ Thu đưa ta về với “Những Người Cha Trong Lòng Dân Tộc”,  một bài thơ  vinh danh những người Cha của dân tộc, từ người trong huyền thọai đã khai sinh ra đất nước Văn Lang là Lạc Long Quân, cho đến Lý Thường Kiệt phá Tống bình Chiêm. Rồi những người Cha trong Hội Nghị Diên Hồng đời nhà Trần với ngàn cánh tay dâng cao với “ lời thề quyết chiến”. Dòng thơ tiếp tục nhắc nhở cho chúng ta một người Cha khác là Hưng Đạo Đại Vương với lời thề bên sông Hát: “Nếu không thắng được giặc ta thề sẽ không trở lại dòng sông này!” Rồi người Cha Đặng Dung mài gươm dưới trăng: “Thù nước chưa xong đầu đã bạc, gươm mài vầng nguyệt đã bao ngày”.  Người Cha Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở đất Lam Sơn 10 năm để đánh tan giặc Minh. Dòng thơ anh dẫn dắt chúng ta đến những trang lịch sử oai hùng của những ngày cận đại với người Cha Quang Trung Đại Đế áo vải cờ đào đánh tan hai mươi vạn quân Thanh:

Con thấy Cha trên đầu voi anh-võ
Bốn phương vang pháo lệnh lúc công thành
(NNCTLDT-NHLD)

Tiếp nối những trang sử cận đại là người Cha Duy Tân, người Cha Nguyễn Thái Học đã để lại cho chúng ta niềm tự hào cao ngất “ không thành công thì cũng thành nhân ”:

Rồi Sông Núi vang lời ai dặn
“Công không thành nhưng cũng đã thành nhân”.
(NNCTLDT – NHLD)

Anh cũng đã không quên những người Cha khác, những người Cha trong đời thường ở giữa chúng ta là những người Cha nhà giáo, người Cha chài lưới, người Cha đồng ruộng, người Cha buôn bán. Anh đã dành những tình yêu thương và lòng kính phục cho người Cha  khuân vác làm việc gian khổ nặng nhọc:

Con thấy Cha  nơi bến tàu khuân vác
Những bao hàng to lớn nặng trên vai
(NNCTLDT – NHLD)

Chắc hẳn lòng chúng ta sẽ chùng xuống dâng lên những nỗi cảm xúc nghẹn ngào cho những người Cha đang rơi vào cảnh túng quẩn phải đi bán đi những giọt máu của mình:

Con thấy Cha trong hàng người bán máu
Thất nghiệp rồi nên đủ nỗi tang thương
(NNCTLDT – NHLD)

Cuối cùng anh đã nhìn thấy tất cả những người Cha của Anh-Linh nước Việt với một tình thương yêu đằm thắm và đầy lòng kính phục.

Con thấy Cha: Ôi, Anh-Linh nước Việt!
Cha là hồn, là máu huyết nơi con.
Cha là Biển Đông, tình yêu thắm-thiết.
Cha là Trường Sơn, oai-dũng vô ngần.
(NNCTLDT – NHLD)

Hai giọng ngâm của Lệ Thu và Trần Đình Long đã đưa ta đi theo bao cảm xúc khi thì với lòng kính phục, khi thì yêu thương, khi thì đầy trắc ẩn để cuối cùng là lòng tự hào về những người Cha trong lòng dân tộc của chúng ta.

Cho đến những dòng thơ tình diễm tuyệt…

Nguyễn Hoàng Lãng Du, tôi nghĩ trước đây không phải là một nhà thơ chuyên về những bài thơ tranh đấu. Nhưng vì bức xúc trước một giai đoạn đặc biệt của lịch sử, của đất nước nên những con người có tâm huyết đối với quê hương, đối với tiền đồ dân tộc, anh đã chuyển hướng ngòi bút của mình. Cũng như Ngô Tín, anh từ đầu cũng không phải là người sáng tác những bản hùng ca như trước đây tôi đã có bài viết về anh, nhưng vì trong một giai đoạn đặc biệt của đất nước, nên Nguyễn Hoàng Lãng Du, Ngô Tín, Nguyên Lương và nhiều người khác nữa đã viết lên những bài thơ, bài nhạc đầy chất thép, như bão lửa dâng tràn để mong làm những lời thức tĩnh cho nhưng ai còn im lặng, còn thờ ơ đối với hiện tình đất nước.

Tôi xin trở lại với những vần thơ tình của Nguyễn Hoàng Lãng Du. Vâng, sáu bài thơ khác trong Tiếng Gọi Phương Đông là những bài thơ tình thật hay của tác giả. Cái hay của anh ở đây luôn luôn là những trăn trở, với những cảm xúc thật sâu lắng và hàm chứa những tư tưởng sâu xa, chứ không bao giờ là những lời than khóc ủy mị, sướt mướt.
Bài “Chiều Say”, như gợi nhớ về một thời của một người lính trận tóc còn xanh năm nào, với áo vá và những nỗi nhớ nhà:

Ta tên lính trận còn xanh tóc
Áo vá trên vai hết nhớ nhà
(Chiều Say- NHLD)

Tôi không nghĩ là người lính “hết nhớ nhà” đâu, mà anh ta đang nhớ nhà đó, nếu không muốn nói là nhớ thật nhiều! Rồi anh nhớ về một người con gái nào đó như trong truyện cổ tích lên non chờ chồng đến hóa đá. Ngày đó, những người lính trận có lẽ khi ra đi đã không bao giờ dám hẹn một ngày trở về, khi em thì đang ở tuổi trăng thề, khi thôn làng đang ngập tràn trong lửa cháy:

Em xót-thương ai trong cổ-tích,
Lên non hóa đá đứng trông chờ.
Còn em giữa tuổi trăng thề-ước,
Lửa cháy thôn làng, cau xác-xơ.
(Chiều Say – NHLD)

Cuối cùng là nỗi nhớ về em khi anh chiều nay, một buổi chiều ly hương, mềm môi bên chén rượu:

Chén rượu xưa kia cùng trái cóc,
Chiều nay xa xứ bỗng dưng thèm.
Chiều nay bên quán buồn ngây-ngất,
Trong chén say này, ta thấy em.
(Chiều Say – NHLD)

“Trong chén say này ta thấy em”. Một câu thơ thật hay, thật sâu lắng. Câu thơ làm tôi liên tưởng đến hai câu thơ trong “ Đôi Bờ” của Quang Dũng : “ Thoáng hiện em về trong đáy cốc. Nói cười như chuyện một đêm mơ ” (Đôi Bờ - Quang Dũng)

Có những vật tưởng như rất bình thường như cây kim, sợi chỉ và cũng có những công việc tưởng như rất bình thường trong đời sống hàng ngày, nhưng dưới mắt nhìn của nhà thơ NHLD thì những vật ấy, những công việc ấy bỗng trở nên thân quen và mang một ý nghĩa rất sâu sắc và thâm thúy. Trong bài “Kim Chỉ”, tác giả đã đưa người thợ may kia với những đường kim mũi chỉ vào trong những vần thơ thật đẹp và vô cùng lãng mạn:

Vá cho anh dăm mảng đời phiêu bạt
Đem dịu dàng che lấp nỗi chua cay
(Kim Chỉ- NHLD)

“Đem dịu dàng che lấp nỗi chua cay”, tôi nghĩ đây là một câu thơ thật hay, thật sâu lắng. Và công việc tưởng như bình thường đó đã mang một ý nghĩa vô cùng cao quí:

Từng sợi chỉ biến thành quà nuôi mẹ
Mưa buồn phiền mái dột dưới trời xa
Nối cho anh hai bên bờ biển cả
Nhiều đêm dài thăm thẳm giữa đời ta
(Kim Chỉ- NHLD)

Nhà thơ đã nhìn vẻ đẹp của người con gái đó, không cần phải điểm trang bằng lụa hồng vải trắng, mà chỉ là một chiếc áo bình thường, đơn giản nhưng  rất đẹp trong những vần thơ của anh:

Hỡi cô gái có một thời tóc ngắn
Anh yêu em hơn cả thuở hẹn hò
Áo cho người, may lụa hồng vải trắng
Áo cho mình, đơn giản đẹp trong thơ
(Kim Chỉ- NHLD)

Cho nên ai muốn đến với nhà thơ Lãng Du không cần phải đeo nhẫn kim cương và mặc lụa hồng vải trắng, đôi khi chỉ cần một chiếc áo bà ba rất đơn giản và đeo nhẫn cỏ cũng đã trở thành thật đẹp trong thơ anh!
Lệ Thu bằng một giọng ngâm nhẹ nhàng, truyền cảm đưa chúng ta trở về những vùng trời kỷ niệm của thuở học trò trong bài thơ “Thuở Vỡ Lòng Yêu”. Khi anh trở về ngôi trường cũ vào một buổi chiều vàng, hàng phượng hồng cũng đã theo em đi vào dĩ vãng, chỉ còn lũ ve sầu cất lên những giọng buồn khi bước chân anh trở lại:

Khi anh về chiều vàng trên phố nhỏ,
Hàng phượng hồng rực-rỡ đã theo em.
Trường khóa cổng nhưng tình không bỡ-ngỡ,
Ngõ ve sầu như động bước chân quen.
(Thuở Vỡ Lòng Yêu- NHLD)

Rồi thi nhân bỗng nhớ lại cái thuở dại khờ xa xưa ấy, cái thuở mà một bài thơ tình làm mãi suốt đêm vẫn không xong:

Bài thơ tình lần đầu nghe vụng-dại
Đêm hạ dài sao mãi vẫn chưa xong.
(Thuở Vỡ Lòng Yêu- NHLD)

Những kỷ niệm ray rứt của ngày xưa, cái “Thuở Vỡ Lòng Yêu” đó bỗng trở về trong tâm tưởng của tác giả thật đẹp và cũng thật dễ thương. Cái Thuở Vỡ Lòng Yêu đó có lẽ cũng thoáng qua đi như tình yêu vu vơ của ngày mới lớn, bây giờ nhung nhớ cũng đã tàn phai nên tôi đã không tìm thấy “sợi nhớ sợi thương” hay là những vấn vương, nuối tiếc trong bài thơ này, nó chỉ thoáng bay đi nhẹ nhàng như những đám mây trong chiều vàng mà anh trở lại:

Em còn anh chờ đợi cuối sân trường.
Em là mưa cho đời không nắng hạn.
Ngón tay mềm, trang giấy bỗng thân thương.
(Thuở Vỡ Lòng Yêu- NHLD)

Những giòng thơ tình của anh được tiếp nối với những vần thơ trong bài “Áo Trăng”. bài thơ không nhẹ nhàng phảng phất như “Thuở Vỡ Lòng Yêu” ở trên mà là những  ray rứt, những “nỗi buồn tê dại” qua sự diễn ngâm của Sông Song:

Giọt mưa xuống như lời kinh tiễn-biệt.
Đôi chân điên chưa mỏi nỗi thương đời.
Một người khóc bên giòng sông nước siết.
Một người buồn tê-dại lúc ra khơi.
(Áo Trăng- NHLD)

Ôi, những câu thơ thật hay, đầy sức diễn cảm! Không biết em có còn nghe hối tiếc khi anh không hiểu được tình em?

Em hối-tiếc tình anh không thể hiểu?
Thơ trong trăng chữ nghĩa bỗng dư-thừa.

Để rồi cuối cùng trong một buổi chiều lưu lạc bên quán gió, chỉ còn những nỗi nhớ thương đau buốt khi đông tàn:

Chiều lưu-lạc  mơ-màng bên quán gió.
Nhớ thương ai đau buốt lúc đông tàn.
(Áo Trăng- NHLD)

Giọng ngâm Sông Song lại trầm xuống ru hồn ta vào “Giữa Cõi Đi Về” khi tác giả trãi nghiệm trong sự chơi vơi của “vòng quay đảo lộn”, chập chờn trong cái biên giới mơ hồ “giữa cõi đi về”, giữa cái sống và cái chết:

Trăng vẫn chiếu cuộc chơi từ cổ-độ,
Chợt vòng quay đảo lộn cả phương trời.
Nơi bãi vắng đóa hoa vừa nở rộ,
Thuyền ơi thuyền nước chẩy cứ trôi xuôi.
(Giữa Cõi Đi Về- NHLD)

Khi con người nhận ra cái chân lý của cuộc đời là vô thường, mọi sự đều trở thành hư vô, giữa sự sống và sự chết chỉ cách biệt trong nháy mắt thì “ở” hay “về” lối nào cũng đẹp cả:

Tới hay lui, lối đi nào cũng đẹp.
Ở hay về, đường vọng những lời chim.
(Giữa Cõi Đi Về- NHLD)

Khi mơ màng ở “giữa cõi đi về” thì anh bỗng nghe tiếng hát mơ hồ như lời ca đưa tiễn ta về chốn ít ai tìm, cái chốn không tên:

Có tiếng hát mơ hồ trên bến hẹn
Tiển chân nhau tới chốn ít ai tìm?
(Giữa Cõi Đi Về- NHLD)

Có phải đó là lúc anh trở lại giữa cõi đi về và tạ ơn, không phải tạ ơn Phật, không phải tạ ơn Chúa mà là tạ ơn chăn gối là những vật vô tri êm ái đã gần gũi và làm cho tấm thân anh êm ái những lúc đau:

Hỡi chăn gối đã đưa ta trở lại
Tạ ơn nhiều êm-ái lúc thân đau
Hỡi viên thuốc trên đầu môi tê dại
Dư vị này ta giữ đến mai sau
(Giữa Cõi Đi Về- NHLD)

Tôi muốn kết thúc bài viết về thơ của anh NHLD trong DVD Tiếng Gọi Phương Đông bằng một bài thơ nhẹ nhàng thanh thản “Trên Giòng Sông Trắng” do Ngô Đình Long diễn ngâm. Bài thơ mà tôi nghĩ không có gì lãng mạn, trữ tình hơn khi một lần nào đó trong đời anh đã đi lên tận đầu nguồn của sự im vắng, để tìm cho lòng mình một cõi yên bình, viết những vần thơ trên lá và thả trôi theo dòng nước:

Đã có lần nơi đầu nguồn im vắng
Anh làm thơ trên lá thả theo giòng
(Trên Giòng Sông Trắng- NHLD)

Ở tận đầu nguốn im vắng đó, thơ anh đã trinh khiết như những giọt sương, vì thơ đang ở chốn uyên nguyên chưa nhuốm những nét bụi trần ai:

Chim chóc hót những ngày như mở hội
Thơ chúng mình trinh khiết tựa sương trong…
(Trên Giòng Sông Trắng- NHLD)

Rồi sau cuộc chiến, người lính ấy trở về, lên tận đầu nguồn thanh vắng ấy,  không còn làm thơ nữa mà chỉ lấy lá để thả đời trôi. Nắng vẫn vàng, dòng sông vẫn trắng, nhưng không còn ai là người để vớt hồn anh nữa:

Sau cuộc chiến tìm về nguồn thanh vắng
Thơ không làm, lấy lá thả đời trôi
Nơi cuối giòng vẫn nắng vàng sông trắng
Không còn người âu-yêm vớt hồn tôi
(Trên Giòng Sông Trắng- NHLD)

Lời thơ thật đẹp, thật nhẹ nhàng, ý thơ thanh thoát, chỉ nghe phảng phất một nỗi buồn man mác, nhẹ nhàng, không bi lụy. Có lẽ bây giờ trong con người ấy, trong người lính ấy hay trong nhà thơ NHLD ấy, đã tìm được cho mình một cõi vắng thanh thản và bình yên trong tâm hồn và trong cuộc đời…Những bài thơ buồn của một quá khứ nặng nề đã được anh thả trôi ra biển cả trong một buổi sáng mùa Xuân…

Lê Công Dzũng