Showing posts with label Huỳnh Đức. Show all posts
Showing posts with label Huỳnh Đức. Show all posts

Wednesday, February 13, 2019

NGÀY LỄ VALENTINE ĐẦU TIÊN CỦA TÔI


Buông phiền não, chọn yêu thương. Ảnh: Ngô Đức Chiến

NGÀY LỄ VALENTINE ĐẦU TIÊN CỦA TÔI

Viết cho người tôi thương.

Hôm nay anh hẹn đi chơi với tôi. Tôi chỉ mới quen anh hai tuần qua lời giới thiệu của một người bạn cũ và đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Anh ở bên miền Tây, còn tôi thì học bên miền Đông. Khoảng cách xa tít của hai thành phố chúng tôi ở làm tôi nhớ đến chuyện tình dễ thương trong phim “Sleepless in Seatle.” Khi biết chỗ anh ở, tôi tự trêu mình: “Chà! Có vẻ lãng mạn lâm ly đây.”

Thứ ba tuần trước anh điện thoại cho tôi và nói anh muốn qua thăm tôi. Tôi hơi bở ngỡ và thoáng có chút ngại ngần vì tôi chưa chuẩn bị tinh thần cho một cuộc gặp gỡ như vậy. Có lẽ lý do chính là tôi đang lu bù bài vở, lại vừa mới nhận làm phụ tá nghiên cứu cho một giáo sư của tôi. Cứ nhìn đống sách vở tài liệu ngổn ngang trên bàn và cái thời khóa biểu dán trên tường chằng chịt dấu xanh đấu đỏ nhắc nhở những kỳ hạn phải nộp bài là tôi thấy mệt mỏi và không còn tâm trí đâu mà vui chơi nữa. Tôi tìm cách thoái thác:
-Xin lỗi anh nhưng mà Khánh đang bận lắm. Anh có thể qua chơi khi khác được không?
Tôi nghe tiếng anh cười đắc chí trong máy điện thoại:
        -Khi khác là khi mô? Anh lỡ mua vé rồi. Anh có gởi cho em cái itinerary đó. Em check mail rồi biết.  
Ui chao! Đúng là cái anh chàng này thật nhanh hơn hỏa tiễn nữa. Trước đó Hồng, cô bạn đã giới thiệu anh cho tôi, có nói với tôi, giọng chân thành pha một chút tinh nghịch:
-Mình có nhắc anh Duy rồi. Mình nói từ từ nghe, anh tấn công nhanh quá bạn Hồng sợ đó. Con gái Huế chính gốc chứ không phải con gái Mỹ mô.
Vậy mà bây giờ anh lại “đùng đùng” qua thăm tôi, không thèm nghe những lời khuyên lơn của bạn tôi mà còn đặt tôi trước cái sự đã rồi nữa chứ. Tôi hơi bực:
-Rứa à? Răng anh không hỏi Khánh cái đã mà chưa chi lo mua vé rồi? Anh ni thiệt…
Anh ngắt lời tôi:
-Thôi anh xin lỗi. Tại vì anh cũng muốn gặp em chứ cứ nói chuyện trên phone hoài mà không biết mặt mũi em ra răng, bắt anh tưởng tượng hoài bắt mệt. Ai khiến em không gởi ảnh cho anh làm chi?
Anh tự biện hộ hùng hồn quá làm tôi đuối lý. Mà cũng phải. Tại vì tôi hơi cứng đầu. Anh đã gởi cho tôi xem hình của anh vậy mà tôi cứ lơ lơ, không chịu gởi hình của tôi cho anh. Anh thúc hối tôi thì tôi cứ hẹn rày hẹn mai. Không hiểu sao tôi thấy ngài ngại dù tuổi đời tôi đã chồng chất. Nghe anh nói tự nhiên tôi hơi xấu hổ vì thấy mình “chơi không đẹp” gì cả. Tôi đành dấu dịu nói:
-Ừ thì thôi. Lỡ mua vé rồi thì anh cứ qua. Nhưng mà Khánh không bảo đảm là rãnh rỗi để dẫn anh đi chơi nhiều mô nghe.
Anh cười hoan hỉ:
-Em khỏi lo. Trước đây anh đã ở New York rồi nên khi mô em mắc học thì anh tà tà đi chơi một mình. OK?

Tôi tủm tỉm cười một mình vì cách xưng hô thân mật của anh với tôi. Lúc mới nói chuyện lần đầu tiên anh đã xưng “anh, em” với tôi tự nhiên quá, làm tôi hơi khó chịu. Không biết những phụ nữ Huế khác có cùng quan điểm về cách xưng hô giống tôi không chứ thông thường tôi thường xưng tên với đàn ông mới quen hoặc không thân lắm. Còn đối với đàn ông lạ là tôi liền đem cái đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất “tôi” ra sử dụng liền. Tôi ngại từ “em” vì nghe có vẻ thân mật quá. Cũng có thể tôi hơi “cổ lổ sĩ” và “bảo thủ” chăng? Nhưng về sau khi nói chuyện với anh tôi quen dần và nghĩ rằng có thể vì anh ở đây lâu nên khá thoải mái như vậy. Thật ra tôi cảm thấy vui vui khi biết anh cũng là người Huế. Tôi thấy dễ gần gũi anh hơn. Giọng nói của anh thỉnh thoảng cũng còn “rất Huế” với “mô, tê, răng, rứa” nghe thật có cảm tình. Đôi khi câu chuyện vô tình dẫn dắt chúng tôi đến những kỷ niệm về cái thành phố “trời hành cơn lụt mỗi năm” như nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã viết trong bài “Tiếng Sông Hương”. Có lẽ chỉ có người Huế với nhau mới hiểu được cái khổ ướt át lầy lội của những cơn lụt cũng như cái thú “đi lội lụt” và ăn bắp rang hay đậu phụng nóng dòn.  

Tôi phải lên trường check mail vì tôi không có Internet trong phòng. Tại cư xá tôi ở cái gì cũng đắt cả. Cước phí điện thoại vì vậy cũng nằm trong danh sách chi phí “xa xỉ phẩm” của sinh viên. Ngay cả điện thoại miễn phí (toll free) mà họ cũng tính tiền như những cuộc gọi trong vùng (local calls). Mấy cô bạn ở cùng tầng với tôi tháng nào cũng nhăn nhăn nhó nhó cầm cái hóa đơn điện thoại xuống Front Desk để trả tiền, miệng làu bàu chửi rủa. Vì tiền thuê Internet được tính vào hóa đơn điện thoại, tôi quyết định cuốc bộ lên trường mỗi ngày để nhận và gởi email, không kể mưa, nắng, tuyết, băng. Tôi cứ tự an ủi mình là như vậy vừa để dành được tiền, vừa vận động cơ thể săn chắc dẻo dai thì chỉ có lợi trở lên mà thôi.   
Tôi vừa mở hộp thư thì thấy đúng là anh gởi itinerary của anh cho tôi. Khi ấy tôi mới để ý là anh qua nhằm Valentine’s Day. Chà chà, cũng có vẻ hấp dẫn đấy. Valentine’s Day. Ngày Lễ Tình Yêu đó mà. Nghe nói bên Việt Nam bây giờ các cô các cậu mới lớn cũng tổ chức kỷ niệm ngày nầy rôm rả lắm. Vào những ngày trước 14 tháng 2, người ta đã thấy hoa hồng bán đầy đường. Sinh viên Việt Nam cũng là chủ của một số quầy hoa. Các em nhân dịp này mua hoa hồng ở các quầy bán sĩ đem về bán cho khách qua đường để kiếm thêm thu nhập. Ở các quầy sách treo lủng lẳng những chuỗi thiệp dài có in hình những trái tim to tướng. Có người thì ủng hộ, cho rằng đó là một sinh hoạt mới và vui cho giới trẻ. Nhưng cũng có người chê là học đòi, lai căng. Tôi thì lại muốn đứng về phía những người ủng hộ vì tôi nghĩ ai lại nỡ chê trách những người đang yêu bao giờ? Yêu có thể khiến cho người ta làm nhiều chuyện điên rồ hơn nữa kia. Tôi thấy nửa mắc cở, nửa vui Vui vì anh đã chọn ngày này để qua thăm tôi dù tôi không biết là anh vô tình hay cố ý. “Thôi kệ, để có cớ mà nghỉ ngơi một chút cho đỡ bức rức. Lễ Tình Yêu của người ta, Lễ Tình Bạn của mình” Tôi tự bảo mình như vậy, lòng thấy khá thích thú vì có dịp thoát ra khỏi mấy bức tường khô khan của khu nội trú và cũng muốn xem người Mỹ chơi như thế nào vào dịp Valentine’s Day.

Anh điện thoại cho tôi lúc 10:30 sáng, báo tin là anh đã đến khách sạn rồi. Trước đó anh có nói với tôi là anh chọn chuyến “red eye” để tiết kiệm thời gian. Có lẽ anh phải ngủ gà ngủ gật cả đêm trên máy bay. Nghĩ tới đó tôi thấy áy náy vô cùng. Thì ra người ta cũng chịu khó với mình ghê. Tôi hẹn sẽ gặp anh tại khách sạn anh ở lúc 5 giờ chiều vì tôi phải làm cho xong một bài viết phải nộp đầu tuần đến, lại còn lên trường mượn một vài tài liệu nữa. Không lanh tay lẹ mắt thì mấy đưá trong lớp nó chụp ngay. Khi ấy chỉ còn một bản reserved phải ngồi đọc tại chỗ trong hai tiếng đồng hồ khổ lắm. Hơn nữa tôi cũng muốn anh nghĩ ngơi một tí hoặc đi chơi đâu đó trong khi chờ tôi.

Từ 4 giờ chiều, cả khu nội trú của tôi đã rộn ràng lao xao. Đây là một tòa nhà gồm 14 tầng, chia làm hai cánh North Wing và South Wing. Có khoảng gần 1000 sinh viên ở Mỹ và từ rất nhiều quốc gia trên thế giới đến ở tại đây. North Wing gồm hai loại phòng: loại phòng studio dành cho những sinh viên có gia đình con cái và loại suite gồm 4 phòng đơn, một bếp và một bathroom dùng chung.  Phòng ở cánh này rất đắt. Mỗi phòng có khi đến 1,400 đô. South Wing thì cũ hơn, không có bếp và phòng ăn. Các sinh viên phải dùng chung phòng tắm và phòng vệ sinh. Vì vậy giá thuê phòng rẻ hơn, khoảng 670 đến 750 đô la một phòng bé xíu như cái phòng tù. Nhưng nói rẻ có nghĩa là rẻ so với North Wing chứ ở đây hình như không có cái gì rẻ cả. Tôi ở South Wing, tầng chỉ toàn nữ (Women Floor). Khi thuê phòng tôi đã tránh không chọn những tầng nam nữ ở chung. Tôi rất sợ mấy anh chàng sinh viên trẻ, mỗi lần mở nhạc thì chỉ có nước bỏ đi chứ không tập trung học hành gì được. Một đặc điểm của khu cư xá này là chỉ nhận graduate students, nghĩa là sinh viên theo học Masters hoặc Ph.D. Nhờ vậy, các sinh hoạt trong cư xá nói chung tương đối quy cũ và nề nếp vì đa số sinh viên đều đã trưởng thành . Tầng của tôi ở chỉ có 16 nữ sinh nhưng đến từ 14 nước ở khắp các châu: Mỹ, Âu, Á, Phi, Úc. Cũng hay là người ta đã cố gắng sắp xếp thế nào để các sinh viên từ nhiều nước có cơ hội gặp gỡ nhau, làm quen, cùng nhau tham gia những sinh hoạt chung để chia xẻ những hiểu biết về chuyên môn cũng như kiến thức về đất nước, con người, và văn hóa của dân tộc mình. Chính vì vậy mà khu cư xá có tên là International House.

Hôm nay các cô nàng ở tầng tôi ở diện đẹp lắm. Hầu như cô nào cũng có bạn trai, ngoại trừ tôi và Gennevie người Mỹ gốc Phi Luật Tân. Cô này còn rất trẻ, chỉ độ khoảng 26 tuổi, học Master về Computer Science. Lạ một điều là Gennevie sống khép kín như một nữ tu. Cô ít giao du với ai, chỉ bầu bạn với tôi. Còn các cô khác thì cởi mở và thoải mái hơn nhiều. Tôi bị gọi cửa liên tục vì các cô thi nhau đến tôi để hỏi xem họ mặc như vậy đã đẹp và phù hợp chưa. Tôi cũng không hiểu vì sao mà họ chọn tôi để hỏi ý kiến về cách ăn mặc của họ và còn gọi đùa tôi là “Beauty consultant”. Có thể vì qua nói chuyện với họ tôi thường nói về sự hòa hợp màu sắc giữa áo quần, giày dép, và các đồ trang sức. Thật ra tôi cũng rất vui lòng làm chuyện này nên các cô cứ thế mà hỏi. Cô nào cũng diện bộ cánh mới nhất của mình, mong mình thật đẹp khi xuất hiện trước người yêu. Mùi nước hoa thơm phưng phức. Son phấn làm các cô rực rỡ xinh xắn hẳn lên, khác với những khuôn mặt tái xanh, bơ phờ, tóc tai thì rối bù vì những đêm thức trắng làm bài để nộp đúng kỳ hạn. Tiếng giày cao gót nện lóc cóc tới lui trong hàng lang làm xao động khỏang không gian nhỏ hẹp vốn trầm lắng trong những ngày thường. Đúng là tình yêu mầu nhiệm thật.

Tôi cũng phải sửa soạn để đi bây giờ nữa chứ. Mà tôi nên mặc cái gì đây? Tôi buồn rầu nhìn tủ áo quần của mình, chẳng có bộ nào ra hồn cả. Từ khi qua Mỹ du học đến bây giờ, tôi chưa lần nào đi xuống phố để sắm sửa cho mình. Số tiền học bổng ít ỏi hằng tháng của tôi được dùng để chi trả không biết bao nhiêu là thứ. Ở thành phố này vật giá đắt đỏ ghê gớm. Đi chơi may sắm đối với tôi là xa xỉ. Tôi lại còn phải chắt chiu tiết kiệm gởi về cho ba mẹ tôi chút ít tiền để ông bà thuốc thang do bệnh tật tuổi già.  
  
Tôi cũng muốn ăn mặc đẹp lắm chứ. Người xưa đã nói “Người đẹp vì lụa” mà và câu này thật đúng với phụ nữ quá. Nhưng muốn đẹp trong cái khí hậu lạnh giá của thành phố này thì phải cần một “hầu bao” nằng nặng một chút. Nầy nhé, phải váy nỉ hợp thời trang, áo len cashmire ấm áp, boots da cao cổ gót nhọn đen bóng, khăn trùm cổ dài điệu đàng, mũ len trùm đầu điệu nghệ, tất dài dày, găng tay da mềm mại, nghĩa là phải đủ bộ lệ. Lại phải có áo khoác dài đen bằng nỉ nữa mới ra dáng chớ. Vậy thì cái túi tiền lép xẹp của tôi làm sao mà chịu nỗi? Chao ôi! Chắc tôi phải gồng mình tuyệt thực một tháng mới mua nỗi chừng ấy đồ.

Nhìn tới nhìn lui cái đống áo quần đã phai màu vì năm tháng, tôi chép miệng tự an ủi: “Chậc! Mình có đi chơi với bồ mô mà cần chi diện cho đẹp. Thôi kệ, mặc chi cũng được.” Vậy là tôi mặc vào người chiếc quần Jeans xanh cũ kỹ bạc màu, chiếc áo turtle-neck màu xám nhạt em gái tôi mua tặng đã lâu, và đi đôi giày da đen thô thiển đã hết mốt. Tôi khoác vào người chiếc áo dạ cũng màu đen để chống cái lạnh thấu xương của tháng hai đầy tuyết. Nhìn vào gương tôi thấy lòng chùng lại khi thấy mình xơ xác như con chim bị lạnh. Đội chiếc mũ len màu xanh da trời có những hình hoa tuyết màu xanh biển, tôi đi ra trạm tàu điện ngầm ở đường số 125. Thành phố thật tưng bừng vì Valentine’s Day năm nay nhằm ngày thứ bảy nên người ta đổ xô ra đường đi chơi. Chung quanh tôi nam thanh nữ tú tay trong tay, mặt mày hớn hở hạnh phúc. Họ ăn mặc thật lịch sự. Tôi thấy trong lòng vui vui và quên hết những lo âu bài vở. Tôi đến khách sạn của anh trễ 5 phút. Anh có ý muốn đến đón tôi ở cư xá nhưng không hiểu sao tôi hơi ngại ngần. Tôi ngại mấy cô bạn quái quỹ của tôi tra hỏi chọc ghẹo lắm.

Nhìn quanh tiền sảnh khách sạn, tôi không thấy anh ở đâu cả. Tôi sợ mình nhầm chỗ, bèn lấy địa chỉ ra xem thì thấy đúng là khách sạn này rồi. Người qua kẻ lại tấp nập, tôi thì cứ nhìn quanh nhìn quất. Bộ dạng tôi lúc ấy có lẽ giống “nhà quê lên tỉnh” lắm. Tôi hơi bực mình vì lần hẹn đầu tiên mà anh lại bắt tôi chờ vậy. Đang ngơ ngác thì đã thấy anh đột ngột xuất hiện trước mặt tôi, cứ như trên trời rơi xuống vậy. Anh cười thật tươi:
-Hello. Hello. Em tới lâu chưa?
Tôi ngớ người ra: “Răng mà anh ni biết mình hè? Mình có cho hình hiếc chi mô? À, mà chắc ăn dữ, nhào tới là chào liền, khỏi cần hỏi tên chi hết.” Sau này khi đã thân hơn, tôi hỏi anh thì anh cười hì hì, nói: “Chà. Dễ ẹt. Ở lobby lúc nớ chỉ có em là người châu Á chớ mấy. Mà nhìn mặt là anh biết, không những là người Việt Nam mà còn là người Huế nữa chơ. Tài chưa?” Có lẽ anh nói đúng. Tuy cùng là người châu Á với nhau nhưng người Tàu, người Nhật, người Đại hàn, người Phi luật Tân, v.v... vẫn có những nét nào đó khác nhau. Và lạ là người Việt nhìn người Việt ra liền. Cùng dòng giống có khác.
Tôi cười nhẹ và nói:
-Khánh tới khỏang hơn 10 phút rồi. Cứ sợ sai chỗ.
Vừa kéo tôi đến ngồi ở mấy cái ghế trong sảnh, anh vừa phân trần:
-Anh xin lỗi nghe. Anh đi Macy’s tìm mua mấy cái áo có in tên thành phố ni cho mấy đứa cháu mà không thấy có. Chờ em không biết làm chi nên lang thang một chút đó mà.
Nghe anh nói vậy tôi không còn thấy bực bội nữa, vội hăm hở nói:
            - À. Nếu anh muốn mua áo loại nớ thì lên Chinatown mua. Trên nớ mới có, lại rẻ hơn nhiều.
Tôi nói xong mới thấy mình lỡ lời. Tôi cứ nghĩ ai cũng giống mình, khi mua cái gì thì “giá rẻ” là tiêu chuẩn số một để quyết định mua hay không. Ôi tội nghiệp qúa cái đời sinh viên nghèo!

Bây giờ tôi mới nhìn rõ anh. Anh ăn mặc rất lịch sự. Quần denim đen, áo sơ-mi màu kem đậm, áo khoác dài màu vàng đất, cổ quàng khăn ca-rô màu nâu xen với đỏ thẫm và vàng, găng tay da đen, và giầy đen. Trông anh tươm tất tôi lại thấy hơi xấu hổ vì tôi ăn mặc xuyền xoàng qúa, nhất là vào cái ngày đặc biệt ngày. Té ra anh cũng biết chơi màu hòa hợp đó chứ. Nhưng tôi lại thầm nghĩ “Khi tê anh đeo khăn quàng màu trơn thì đẹp hơn chứ đàn ông mà răng lại choàng khăn rằn, thích giống ông Araphat à?” Sau này tôi hỏi thì anh cười ha hả và nói: “Em ơi. Khăn và áo choàng Burberry của tui đó mà em chê thì tội tui quá.” Tôi thấy mình quê quê nên không nói gì nữa. Đúng là mang tiếng ở một thành phố lớn mà tôi không biết gì cả, cứ đi loanh quanh từ trường về cư xá, lên bưu điện, đến drug store mua đồ dùng cá nhân, đến mấy cái Delhi mua đồ ăn là hết lộ trình.    

Anh lưỡng lự:
-Anh muốn mời em đi ăn tối nhưng vượt mấy ngàn miles đến đây ai lại đi ăn ở phố Tàu. New York là nơi tập trung những nhà hàng ngon. Em có khi mô ăn đồ Ý hay đồ Nhật chưa?
Tôi ngập ngừng:
-Khánh nói thiệt chớ Khánh không thích đồ ăn Ý hay Nhật chi hết á.
Tôi nhớ lại lúc tôi đi dự một hội nghị quốc tế về giảng dạy ngôn ngữ ở Nhật cách đây đã lâu, tôi bị sụt mất 2 cân rưỡi (gần tương đương với 5 pounds) trong vòng 3 tuần chỉ vì không ăn được món cá, tôm sống mà người Nhật đã trân trọng đãi những vị khách đặc biệt mỗi ngày. Phần thì đi nhiều thành phố và làm việc quá căng thẳng khiến tôi bị yếu sức gầy rộc đi. Tôi sợ quá phải chạy đi tìm tiệm mì Tàu và cắn răng ăn mỗi tô mì giá 10 đô Mỹ. Còn đồ ăn Ý thì chao ơi ở cafeteria ngay cư xá của tôi thì ngày nào mà không cho ăn món pizza hay món pasta đầy phó-mát nhão nhoét, ớn lên tận cổ. Nghĩ vậy tôi vội nói:
        -Thôi kệ mình đi phố Tàu chơi đi anh, lâu rồi Khánh cũng chưa đi, với là đi để anh mua áo về làm quà nữa tề.
Anh thắc mắc:
-Vì răng em không thích ăn đồ ăn Nhật hay đồ ăn Ý? Nhiều món ngon lắm đa.
Tôi nhăn mặt cãi:
-Đồ ăn Nhật mà ngon chi, toàn đồ sống, tanh ơi là tanh, còn đồ ăn Ý thì ba cái pizza với pasta nớ em ăn hoài rồi. Tôi có hơi hãnh diện vì dù sao tôi cũng cho anh biết là tôi không đến nỗi cù lần lắm. Bỗng tôi nghe anh cười rộ lên:
-Bộ em tưởng chỉ có rứa thôi há? Để anh dẫn em đi ăn đồ ăn Ý và đồ ăn Nhật chính hiệu con nai vàng, bảo đảm em mê cho mà coi. Không  ngon không lấy tiền.
Rồi anh thao thao kể một tràng các món ăn của Ý và Nhật, nghe lao xao toàn âm “ô”, âm “a”, âm “i”, và âm “u”. Tôi không hiểu gì cả, cứ thộn mặt ra mà nhìn anh.
Thấy cái bản mặt tôi thảm não qúa, anh dịu giọng hỏi:
- Rứa chừ nếu đi phố Tàu thì em thích ăn cái chi nói anh nghe coi.
Tôi trả lời liền không ngập ngừng chi hết:
-Khánh thích ăn phở!
Ở đây tôi thèm đồ ăn Việt Nam ghê gớm. Muốn ăn món Việt Nam phải đi lên tận phố Tàu thì mới tạm gọi là được. Trên ấy có vài tiệm bán đồ ăn Việt Nam. Mà lên đó cả đi lẫn về cùng với thời gian chờ đợi và ăn uống cũng mất hết gần bốn, năm tiếng đồng hồ, chưa kể cái mục dạo phố mua thức ăn (vì khá rẻ) thì mất gần một ngày. Bởi vậy thỉnh thoảng bạn bè rủ rê và nghĩ đến tô phở thì tôi mới đi. Còn bún bò thì mơ cũng không có. Cũng có một nhà  hàng Việt Nam gần chỗ tôi ở nhưng các món ăn hình như đã bị Mỹ hóa, Tàu hóa, hoặc Mã-lai hóa rồi. Chủ tiệm nghe đâu là người Mã-lai gốc Tàu, còn người phục vụ thì toàn người Mễ. Không biết đầu bếp là người gì nữa. Vậy mà lúc nào cũng đông khách, phần đông là người Mỹ và người ngoại quốc. Rất hiếm khi thấy người Việt Nam đến ăn. Cuối tuần thì sắp hàng đợi là cái chắc. Có lẽ nhờ nó có vị trí thuận lợi cho mọi người.

Tôi nhớ hoài những đêm học khuya, nhìn ra cửa sổ thấy tuyết một màu trắng xóa, bụng đói cồn cào và thèm quay quắt một tô bún bò thật cay hoặc một tô phở nóng. Thèm đến chảy nước miếng. Nhìn mấy thứ snack của Mỹ là tôi đã thấy no ứ rồi, không muốn ăn nữa. Tôi vẫn nhớ ở xóm tôi trong Thành Nội bây giờ mỗi đêm vẫn có hai mẹ con đẩy chiếc xe phở bán. Thằng con khoảng 9, 10 tuổi, người ốm loắt choắt, mặt mũi đen nhẻm. Có lẽ vì vậy mà nó có tên là cu Đen. Nghe đâu ban ngày nó phải đi bán cà-rem làm da nó càng đen thêm. Vậy mà ban đêm còn phải phụ mẹ bán phở, chắc là nó phải thức khuya lắm. Tôi thấy thương nó quá. Thỉnh thoảng tôi dúi cho nó ít tiền để nó ăn qùa. Không biết những ngày bán ế nó có được ăn phở không? Nó phụ trách việc gõ hai cái dùi gỗ kêu lóc cóc thay lời rao và bưng phở cho khách. Tôi thường nhắc mẹ nó: “Chị Gái ơi, chị nhớ bỏ cái dĩa dưới tô cho thằng Đen hắn bưng chứ lỡ phở nóng qúa phỏng tay hắn chừ.”  Buổi tối đi dạy lớp đêm về đói bụng tôi thường mua phở của hai mẹ con ăn. Mấy đứa em tôi chê phở xe dở, tình nguyện đi mua phở tiệm ở đường Mai Thúc Loan cho tôi ăn nhưng tôi từ chối. Tôi muốn mua phở chị bán để hai mẹ con vui. Ăn dở một chút thì đã chết chóc chi? Nhưng tôi còn có cái thú đứng bên xe phở nhìn thứ gì cũng nhỏ nhỏ ít ít, bày biện gọn gàng trong khuôn khổ hạn hẹp của chiếc xe, nghe tiếng củi kêu lách tách dưới nồi nước dùng sôi nóng hổi. Nó nhắc tôi đến bác Phó ngày xưa bán phở gánh lúc tôi học khoảng lớp 2, lớp 3 gì đó. Cách bác chuẩn bị làm một tô phở thật cẩn thận và khoan thai, cứ như là bác đang trình bày một tác phẩm nghệ thuật vậy. Bây giờ có lẽ bác đã ngủ yên trên núi, và gánh phở chắc đã được ai đó chẻ ra dùng làm củi để nấu ăn từ lâu rồi.

Quay trở lại cuộc bàn cãi về bữa ăn tối giữa anh và tôi. Cái thèm nó chất chứa trong lòng nên tôi bật ra chữ “phở” một cách trơn tru như vậy khi anh hỏi tôi. Anh lại cười một lần nữa và trố mắt nhìn tôi. “Răng mà cứ cười chọc quê mình hoài rứa không biết, không thích thì thôi chứ có chi mà cười?” Tôi thầm nghĩ như vậy, mặt mày chắc là bắt đầu sưng sỉa rồi. Anh ngồi hơi nhích ngưòi đến trước mặt tôi và nói thong thả nhưng chắc nịch:
-Thôi được, mình đi phố Tàu nhưng em đừng ăn phở nữa. Mình sẽ ăn đồ Tàu.
Tôi lặng im đồng ý. Ừ thì thôi tùy anh vậy. Tôi không muốn cãi cọ chi nữa. Tôi bỗng nghĩ đến mấy cái món chowmien, chowfun, mà tôi thường mua để ăn vào những lúc đã ngán ngẫm mấy món ăn bán ở cafeteria.

Chúng tôi lên tàu điện ngầm đến Times Square, rồi từ đó đổi tàu đi Canal Street để đến phố Tàu. Sân ga điện ngầm chật ních người. Tiếng cười nói ồn ào đủ các loại ngôn ngữ xen lẫn với tiếng đàn, tiếng hát của những người hát rong. Tôi bỗng nghe ai đó thổi kèn bài Casablanca, một bản nhạc tôi yêu thích từ lúc còn đi học. Tôi im lặng thưởng thức. Đã lâu lắm tôi mới được nghe lại bài này. Tôi như không còn nghe tiếng ồn ào nào nữa, chỉ có tiềng kèn saxophone sang trọng chơi vơi tràn ngập không gian chật chội của tầng hầm tàu điện ngầm. Tiếng nói của anh làm tôi sực tỉnh:
-Răng mà im hơi lặng tiếng rứa hè? Đói bụng há?
Trời ơi, bộ cái mặt tôi thảm não lắm hay sao mà anh lại tưởng tôi đói bụng? Tôi cãi:
-Mô có. Khánh đang nghe nhạc đó chớ.
-Á à. Anh quên là em thích nhạc lắm.
Rồi với nụ cười tinh quái, anh trêu tôi:
-Em thích nhạc chi? “Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi” há?
-Xì. Chấp anh hát cải lương đó. Để khi mô Khánh ca sáu câu mùi anh chịu hết nổi luôn.
Anh cười khà khà không tin, lại tiếp tục trêu tôi:
-Ca cải lương hay ca hát bội Đồng Xuân Lâu?
Tôi cười mỉm cao hứng trả đũa, bắt chước giọng hát bội mà cậu tôi hồi trẻ thường đùa với chúng tôi:
-Như ta đây ứ ừ ư…
Tôi ngưng lại vì chợt nhớ đến câu hát của cậu là “như ta đây ứ ừ ư ngủ mà đái mế” để trêu ghẹo chúng tôi nên tôi vội im bặt. May là tôi im miệng kịp chứ tôi mà hát ra chắc anh bỏ chạy một nước. Để vớt vát, tôi thách anh:
- Ừ. Cứ để mà coi. Chấp chi Khánh cũng chấp hết á.
Chúng tôi cùng cười xòa vui vẻ và bỗng thấy mình như trẻ lại dù tuổi thanh xuân đã qua từ lâu rồi. Có lẽ anh không biết rằng hồi nhỏ tôi và chị tôi, khi ấy chỉ mới 7, 8 tuổi, thường được mẹ tôi dẫn đi xem cải lương của các đoàn Thanh Minh Thanh Nga, Kim Chưởng, hoặc Kim Chung. Hồi ấy, người ta chưa xây rạp Hưng Đạo nên các đoàn phải dựng rạp tạm, tường bằng gỗ thô, mái lợp tôn, ở Thương Bạc để diễn. Tôi đã say sưa xem “Đường ra cửa biển”, “Mắt em là bể oan cừu”, “Lan và Điệp”, v.v... mặc dù có khi người ta nói những câu ví von làm tôi không hiểu lắm. Khi về thì đêm đã khuya, mẹ tôi thường ghé lại mấy thím bán trứng lộn bên đường mua cho hai đứa hai cái để ăn. Tôi về ngủ mà mơ sau này mình sẽ trở thành một cô đào cải lương nổi tiếng và đẹp như Thanh Nga, hoặc ca hay và mùi mẫn như Út Bạch Lan. Tôi còn mượn mấy cuốn sách nhạc cải lương bằng bàn tay in chữ nhỏ xíu của chị Mừng bán nước xi-rô gần nhà đem về nghêu ngao hát. Ngày nào chị cũng luyện giọng để mỗi tối chị ca cho anh Tý đạp xích lô nghe. “Thằng Tý hắn đang trai gái với con Mừng đó”. Tôi nghe mẹ tôi nói vậy nhưng không hiểu “trai gái” là gì. Thôi chẳng cần hiểu làm chi cho mệt. Có người cho mượn sách để tập ca là được rồi. Có lẽ tôi bắt đầu biết ca cải lương từ đó. Bây giờ tuy tôi không còn thích cải lương nhiều như thuở còn thơ nhưng mỗi lần nghe các nghệ sĩ hát cải lương, tôi lại nhớ đến những kỷ niệm dễ thương đó.

Đến Chinatown, anh dẫn tôi đi loanh quanh qua mấy con phố chật hẹp và đông đúc. Anh thường cầm nhẹ vào cánh tay tôi để dẫn tôi đi. Ấy vậy mà tôi cứ cứng đầu dằn tay tôi ra khỏi tay anh, không cho anh chạm vào người tôi. Có lẽ anh cũng ngán ngẫm cái hành vi “cổ lổ sĩ” của tôi nên anh không tiếp tục dẫn tôi đi nữa. Sau này khi nhắc lại, anh cười và trách:
-Người ta đã có lòng tốt dắt đi cho khỏi bị lạc đường rồi mà cứ không chịu.
Tôi chỉ biết cười giả lả mà thôi.
     Anh giải thích:
-Đây là khu phố Tàu cổ nhất nước Mỹ. Nó cũng lớn nữa.
Chúng tôi đến một tiệm bán áo quần lưu niệm mua hai cái sweatshirts cho hai cháu trai của anh, có in tên thành phố trước ngực áo.  Anh thở phào:
-Rứa là mua được qùa rồi. Cám ơn em nghe. Thôi chừ mình đi ăn.
Anh dẫn tôi đến một nhà hàng Tàu rất lịch sự, được trang trí bằng mấy cái đèn lồng đỏ to trước cửa nhắc tôi nhớ những tửu điếm trong phim võ của Tàu. Vào trong tôi thấy dễ chịu hẳn vì ấm áp hơn, chẳng bù ngoài trời lạnh ngắt. Chúng tôi chọn một bàn sát đường. Tôi nhìn ra bên ngoài qua lớp cửa gương thấy người đi lại tấp nập. Anh nhìn thực đơn và hỏi tôi:
-Em thích ăn món chi?
-Món chi cũng được. Mà thôi anh chọn giùm đi nghe.
Anh gật gật đầu và không nói gì. Có lẽ anh không tin tưởng lắm vào mớ kiến thức ít ỏi của tôi về các món ăn. Anh gọi món vịt Bắc Kinh ăn với bánh bột hấp, tôm hấp, rau muống xào tỏi (vì biết tôi rất thèm rau muống), nghêu hấp, và cháo cá. Tôi ăn rất ngon miệng vì đồ ăn ở cư xá quá nhạt nhẽo và xa lạ, hoàn toàn không hợp khẩu vị của tôi chút nào. Tôi khổ sở vô cùng nhưng quy định của cư xá là sinh viên phải đóng tiền ăn cho cả năm, vì vậy tôi đành phải ăn cái thức ăn khốn kiếp đó. Đó là lý do tại sao tôi sụt cân và người gầy rộc đi. Dù sao thức ăn Tàu cũng gần gũi phần nào với đồ ăn Việt Nam nên dễ ăn hơn. Ở nhà hàng này đồ ăn lại rất ngon, không giống những món sền sệt, đầy dầu mỡ, được nấu trong mấy cái wok đen sì ở mấy quán Tàu “To go” gần cư xá của tôi. Anh nhìn tôi ăn ngon lành ra vẻ thích thú lắm. Có lẽ lúc ấy tôi ăn ngấu nghiến như người nhịn đói trăm năm. Tôi hơi mắc cở bèn giảm tốc độ và làm bộ nghiêm trang đường hoàng một chút. Anh ân cần hỏi tôi:
-Em ăn no chưa?
Tôi cười xòa, xoa nhẹ bụng mình:
- Úi chào. Gần bể bụng rồi.  
            - Tốt. Chừ em có thích đi uống cà-phê không? Mà ở đây không có cà-phê nhạc tình như ở Huế mô nghe.
Tôi lắc đầu:
-Khánh mà uống cà phê là thức tới sáng luôn.
-Vậy thì em uống thứ chi không có cafein cũng được.
Chúng tôi ghé qua tiệm Starburst nho nhỏ ở một góc đường. Quán chỉ có mấy bàn và cũng khá đông khách. May là khi chúng tôi tới, có mấy người khách đi nên chúng tôi có chỗ để ngồi. Anh gọi một Expresso còn tôi thì chọn nước táo nóng. Anh hỏi tôi về chuyện học, về đời sống của tôi ở đây, về công việc trước đây của tôi. Chúng tôi ngồi khoảng hơn nửa tiếng thì về vì tôi hơi mệt, lại còn một số việc phải làm cho ngày mai.  

Anh đưa tôi về cư xá. Khi đến cổng cư xá, anh muốn thăm phòng tôi ở. Anh nói:
-Để anh coi phòng em nhỏ bằng chừng mô mà em rên qúa.
Tôi vội vàng từ chối vì lúc ấy phòng tôi bề bộn bao nhiêu là sách vở và tài liệu. Khi từ giã, anh nói nhỏ:
-Can you give me a hug?
Tôi chưa quen với kiểu xã giao Âu Mỹ, bởi vậy tôi ít khi hug bạn bè, nhất là bạn nam. Nhưng không hiểu sao khi ấy tôi lại hug anh một cách tự nhiên, không ngại ngùng gì cả và tôi bỗng muốn đặt một nụ hôn nhẹ lên má của anh, như nụ hôn thân ái của những người bạn. Nhưng rồi tôi lại ngại ngùng không dám.

Khi tôi trở lại phòng thì nhận được phone của anh. Giọng anh run lên vì lạnh. Anh nói anh muốn mua một ly cà-phê ở một tiệm ăn Ý nhưng họ đã đóng cửa. Anh phải đi bộ ra ga tàu điện ngầm một đoạn đường tuy ngắn nhưng giữa trời lạnh như cắt thì như xa hơn. Tôi bỗng thấy hối hận vì tôi đã quá e ngại không dám mời anh lên phòng để tôi có dịp mời anh một tách trà hay chocolate nóng. Tôi thầm mong anh tha lỗi cho tôi.

Tôi đã trải qua ngày lễ Valentine với anh như vậy. Không một lời yêu thương, không một nụ hôn nồng nàn vì chúng tôi không phải là những đôi tình nhân. Chúng tôi chỉ mới quen nhau, còn qúa lạ lùng. Vậy mà ngày tiếp theo khi mở mail box và thấy lời chúc ngày Valentine của anh gởi cho tôi, tôi thấy một chút gì thật ấm áp len nhẹ vào trong tâm hồn. Tôi tự hỏi: “Có phải đây là Valentine’ Day của tôi không?”

Sacramento, April 2006.
Huỳnh Đức