Thursday, April 30, 2020

Chùa Xưa Trăng Nước Nơi Nao

Chùa Xưa Trăng Nước Nơi Nao

Lê Diễm Chi Huệ

Tôi người Huế và không có diễm phúc lớn lên dưới mái chùa Thiên Mụ hay lắng nghe tiếng chuông Diệu Đế bởi những biến thiên dâu bể. Hình ảnh dòng sông Nhật Lê, phố An Cựu nhạt nhoà theo lời mẹ kể về cuộc di cư vào Nam khi tôi mới vài tháng tuổi. Tuổi ấu thơ của tôi gắn liền với khung cảnh núi rừng thâm u và tiếng niệm Phật trong đêm. Tôi không nhớ đã yêu trăng tự lúc nào, chỉ nhớ là rất mê ngắm trăng, một cái thú mà lắm lúc làm cho mẹ tôi phải phàn nàn. Mẹ năm lần bảy lượt gọi tôi vô ăn cơm tối, nhưng tôi cứ lưỡng lự vì mải say sưa vân du cùng bóng nguyệt. Giữa núi rừng hoang vu tĩnh mịch, tôi bầu bạn cùng trăng và ánh trăng là niềm an ủi vô tận. Ánh sáng mờ đục rọi xuống sân nhà đã cùng tôi dệt bao mộng mơ.
Chìm sâu trong màn đêm, cú kêu não nề như tiếng rên rỉ những oan hồn yểu tử dưới lòng đại dương ở góc trời xa. Nơi tôi ở không chùa không miểu, tứ bề hoang vu. Góc nhà tranh vách đất, ánh đèn dầu liu riu và tấm hình Phật nhỏ xíu được chưng trên bàn. Không biết ai dạy mà chị tôi biết lỏm bỏm đọc kinh. Tôi là đứa em út nhút nhát. Chị lớn hơn tôi vài tuổi, lanh lợi. Chị kêu chấp tay tôi chấp tay, biểu quỳ tôi quỳ và bắt tôi niệm Phật theo. Mỗi cử chỉ của chị đầy thành tâm và nghiêm trang khiến tôi nể sợ, mặc dầu chị không giải thích ý nghĩa của việc chị làm, chắc thấy tôi nhỏ nên chị không màng giải thích mà chỉ bắt làm theo. Đêm đêm, chị em tôi chúi đầu quỳ lạy trước tấm hình Phật trong khói hương nghi ngút. Đó là lần đầu tiên tôi “thấy” và “cảm” Phật với nét mặt hiền hoà, nụ cười từ bi đã lay động trái tim bé nhỏ của tôi.
Lúc tôi lên bảy tuổi, gia đình quảy về thành thị, nói là thành thị nhưng nơi tôi ở vẫn mang cảnh thôn quê. Trong một dịp Vu Lan, mẹ và chị dẫn tôi lên thiền viện cho quy y. Thiền viện Thường Chiếu mới, đẹp với nhiều kiến trúc mỹ thuật. Cảnh chùa khang trang, thanh tịnh với hàng dương liễu đong đưa.
Lần đầu tiên nghe tiếng chuông, tôi ngẩn ngơ. Âm thanh trầm mặc gợi chút u buồn vốn ẩn dật đâu trong tiềm thức và kể từ đó tôi rung động bởi tiếng chuông chùa. Thiền viện trở thành chốn thân quen. Những ngày nghỉ học, tôi lân la thiền viện phụ giúp mấy sư cô làm việc vặt: xe nhang, sao chép kinh thư. Hình ảnh sư cô ì ạch đèo thùng nhang lên con dốc dưới cái nắng oi ả giữa trưa hè khiến tôi cảm động. Tôi thương những giọt mồ hôi đẫm ướt chảy dài trên khuôn mặt hiền từ. Tôi thường tìm đến sân chùa ngồi hóng gió mát, ngắm cảnh và để được nghe tiếng chuông chùa trầm bỗng ngân vang. Âm thanh thanh thoát xoáy vào thâm tâm buồn bã gợi bao ảo giác lạ lùng: huyền thoại như cổ tích, chập chờn như mộng mị. Đêm xuống, ánh trăng bàng bạc bao phủ ngôi thiền viện. Mùi trầm nhang quyện vào không gian bao la khiến khung cảnh thêm huyền ảo. Hình ảnh đó in sâu vào tim óc mà khiến tôi bao năm qua vẫn thổn thức.
Sau đó, tôi qua Mỹ định cư tại một tiểu bang lạnh giá, hiu hắt người Việt. Nơi tôi ở không một bóng chùa, chỉ một đạo tràng nhỏ được nhiều bác qua trước hùn lo. Đạo tràng cách nhà tôi hơn một giờ lái xe, không khí ấm cúng đượm tình đồng hương. Thỉnh thoảng tôi đi ké xe những bác gần nhà. Đó là mái chùa đầu tiên tôi đến trên xứ Mỹ, nơi sưởi ấm những ngày đông tuyết. Cuộc sống trở nên bận rộn khiến tôi ít có dịp ghé đạo tràng hay thưởng thức trăng. Trăng lặng lẽ theo tôi vào đời. Căn phòng ngủ của tôi có cửa sổ hướng ra phía sau vườn, nơi có bóng cây và ánh trăng hắt về phía phòng ngủ. Nhìn ánh trăng huyền mặc, tôi chạnh lòng nhớ lại tháng năm xưa. Ký ức xanh thỉnh thoảng trỗi dậy, nhưng cảm xúc không còn nguyên trinh như thủa lên năm lên bảy. Hình như trăng cũng lớn dần. Trăng không còn e thẹn ngập ngừng, trắng lung linh nhưng có vẻ vàng đục hơn. Trăng cạn cùng tôi chén sầu viễn xứ. Bao năm rong ruỗi mộng phù trầm, bao ảo ảnh vờn cợt khiến hồn sướt mướt:
Có rồi không, không rồi có, tất cả rồi cũng như ảo mộng như chiêm bao, như “bóng nguyệt lòng sông”. Tôi tìm lại ánh trăng và tiếng chuông như tìm sự bình an. Tiếng chuông không còn là âm thanh huyền thoại như cổ tích, như mộng mị ngày xưa. Bây giờ, chuông vọng tỉnh thức, chuông gợi từ tâm. Trăng vẫn bồng bềnh, huyền hoặc. Dường như trăng đã lên non tự thủa nào mà tôi vẫn bôn ba xuôi ngược với trăm gánh đường đời.
Lẩn quẩn với ra đi trở về, với quá khứ hiện tại, với gặp gỡ ly tan, hương sầu tịch mịch phủ trùm kiếp nhân sinh. Mấy mươi năm vèo trôi như thoáng mộng, tôi gặt hái, chiêm nghiệm ít nhiều nghiệt ngã, khổ đau. Ánh trăng và tiếng chuông năm nào đã đưa tôi vào đời, ru tôi với những ngày tháng tha hương, trôi nổi theo bước chân lưu lạc. Qua bao hụp lặn, hai hình ảnh đó ẩn hiện mãi trong tâm tưởng và ngày càng trở nên da diết. Trăng và tiếng chuông bây giờ là hai hình ảnh tương phản quấn chặt miền tâm thức. Trăng mang tôi đến cõi bồng bềnh, lãng đãng sương khói. Tiếng chuông quất vào tôi những làn roi tỉnh thức, thôi thúc sự giải thoát khỏi bao mê lầm. Khi khổ đau chín mùi và tỉnh thức dâng cao, cả hai hoà tan trong dòng cảm xúc mãnh liệt và tất cả tan biến dần, nhường chỗ cho sự tịch lặng tuyệt đối. Mọi lao xao, gò bó, khuôn khổ, định kiến, hơn thua…không còn ý nghĩa, chỉ còn tiếng chuông như một thông điệp từ bi, trí tuệ nhắn nhủ quay về với tự tánh:
Ta muốn nhặt bóng mình
trong đám bèo rong trôi nổi
khởi giác niệm
bên tách trà
dong ruỗi ngắm trăng sao
ừ thôi thế cuộc xoay vần
người đi kẻ ở bao lần đổi thay
ừ thôi về ngắm mây bay
ừ thôi giã biệt tháng ngày trở trăn
Chúng ta rời quê hương mang theo biết bao hình bóng cũ: cây đa, bến nước, ngôi chùa cổ, mái trường làng, vv…Hình ảnh, dư âm xưa có nhạt nhòa theo năm tháng nhưng luôn ở trong tiềm thức và lâu lâu chợt bừng dậy một vùng ký ức khiến lòng xao xuyến, nao nao.
Lê Diễm Chi Huệ(Tiếng thơ Hoa Vàng)

A BRIEF BIOGRAPHY OF THE MOST VENERABLE THÍCH QUẢNG ĐỘ

A BRIEF BIOGRAPHY OF THE MOST VENERABLE THÍCH QUẢNG ĐỘ 
(This version is for GĐPT)

The Most Venerable Thích Quảng Độ (27 November 1928 – 22 February 2020) was a Vietnamese Buddhist monk and scholar who was the patriarch of the Unified Buddhist Church of Vietnam (UBCV) from 2008 until his death. He was born Đặng Phúc Tuệ in the Thanh Chau village in Thái Bình Province in northern Vietnam,[4] and became a monk at the age of 14. When he was 17, he witnessed his religious master Thích Đức Hải being executed by the revolutionary People's Tribunal.


As a member of the leadership of the UBCV, Thích Quảng Độ became an activist, fighting against the anti-Buddhist policies of the Catholic President of South Vietnam Ngô Đình Diệm. After a military raid of Buddhist monasteries in Hue and Saigon, Thích Quảng Độ was arrested on 20 August, 1963. He and thousands of other Buddhists endured torture and persecution while imprisoned by the Diem government. He was released after the Diem regime was toppled in a military coup in November of 1963. As a result of his imprisonment, Thích Quảng Độ struggled with tuberculosis before having a lung operation in Japan in 1966.


In 1965, Thích Quảng Độ was appointed as the Secretary-General of the Viện Hóa Đạo (Institute for the Dissemination of Dharma) of the UBCV.


In 1975, Vietnam was under communist control, and the UBCV was once again unwelcome in Vietnam. As a result, UBCV facilities were seized, and documents burned. Thích Quảng Độ was active in protesting the government's actions, and after attempting to gather Buddhists from other regions in non-violent opposition, he was arrested on charges of 'anti-revolutionary activities' and 'undermining national solidarity'.[3] He spent 20 months at the Phan Dang Luu Prison in solitary confinement, before he was tried and released in December of 1978. Later that year he was nominated by Betty Williams and Mairead Maguire to receive the Nobel Peace Prize.


He quoted in an open letter to Communist Party Secretary-General Do Muoi in 1994 that "Then and there I vowed to do all that I could to combat fanaticism and intolerance and devote my life to the pursuit of justice through the Buddhist teachings of non-violence."


In the 1950s, Thích Quảng Độ travelled to India, Sri Lanka, and other parts of Asia to further his Buddhist training and serve as an academic at various universities, spending seven years abroad before returning to Saigon in South Vietnam to teach Buddhism. He was a professor at the Van Hanh Buddhist University and Saigon University, among other institutions, in the 1960s and 1970s. He translated various Buddhist texts into Vietnamese and wrote Buddhist textbooks, notably a two-volume Buddhist dictionary between Vietnamese and Sino-Vietnamese, and oversaw a nine-volume Vietnamese language Buddhist encyclopedia.


In 2002, he was awarded the Homo Homini Award for human rights activism by the Czech group People In Need, which he shared with his predecessor as patriarch, Thích Huyền Quang and Thadeus Nguyễn Văn Lý. He was also awarded the Thorolf Rafto Memorial Prize and was nominated for the Nobel Peace Prize.


In 2008, as one of his last wishes, Patriarch Thich Huyen Quang named Thích Quảng Độ as the new patriarch of the Unified Buddhist Church of Vietnam, a position he would occupy until his death.[4] Upon succeeding Thich Huyen Quang, Thích Quảng Độ stated that, ”The best way to honor our late Patriarch is by putting his words into practice in our daily lives. The Supreme Bicameral Council pledges to do its utmost to re-establish the legal status of the UBCV and maintain its historic tradition of independence”.


After 20 years at Thanh Minh, he returned north to Thai Binh, before returning to Saigon to stay at the Tu Hieu Temple in Saigon. He passed away peacefully on 22 February 2020, at the age of 92.  


His life is a great example for us to learn, follow, and practice the teachings of Buddha and the Vietnamese Buddhist Youth's motto: Compassion-Wisdom-Courage


Chan Dung HT Thich Quang Do
Sơ Lược Tiểu Sử
Đại Trưởng Lão Hòa Thượng THÍCH QUẢNG ĐỘ
Đệ Ngũ Tăng Thống
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
(1928 - 2020)

1/ Thân Thế:
Hòa thượng Thích Quảng Độ, thế danh Đặng Phúc Tuệ, sinh ngày 27 tháng 11 năm 1928, nhằm 16 tháng 10 năm Mậu Thìn, tại xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình làm nghề nông, theo Nho học và đời đời kính tin Phật Pháp. Thân phụ Ngài là cụ ông Đặng Phúc Thiều, tự Minh Viễn. Thân mẫu là cụ bà Đào Thị Huân, Pháp danh Diệu Hương, hiệu Đàm Tĩnh. Hòa Thượng có ba anh em trai, người anh cả là Đặng Phúc Trinh, anh thứ là Đặng Phúc Quang và Ngài là con út.

2/ Xuất gia tu học:
Năm 1934, Ngài theo học trường làng, đến năm 1942 xuất gia với Hòa thượng Thích Đức Hải, Trụ trì chùa Linh Quang, thôn Thanh Sam, xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, được ban cho pháp danh Quảng Độ, sau đó được Bổn Sư gởi đến tu học tại Phật học viện Quán Sứ Hà Nội.

Năm 1944 Ngài thọ giới Sa di và năm 1947, đăng đàn thọ Cụ túc giới.

Năm 1952, Tổng hội Phật giáo Việt Nam được thành lập tại Bắc Việt do Hòa Thượng Thích Trí Hải:Tri Sự Trưởng, HT Thích Tâm Châu:Tri Sự Phó, HT Thích Tố Liên: Tổng Thư Ký. Tổng Hội này cử HT Quảng Độ đi du học ở Tích Lan, theo học tại Phật học viện Kelaniya Pirivena.

Tiếp đó, Ngài rời Tích Lan sang Ấn Độ du học cùng thời 1952-1953 với quý Ngài Thích Minh Châu,Thích Quảng Liên,Thích Trí Không và Thích Huyền Dung, trong lúc các vị Thích Tâm Giác, Thích Thanh Kiểm, Thích Thiên Ân và Thích Quảng Minh thì được cử sang Nhật du học cũng vào khoảng thời gian này. Trong thời gian du học Ấn Độ, HT Quảng Độ có dịp đi chiêm bái các Phật tích và di tích Phật giáo tại Nepal, Bhutan, Tây Tạng…

3/ Thời kỳ hành đạo:
Năm 1958, Ngài trở về Sài Gòn, chuyên dạy học và dịch Kinh sách. Biến cố 1963, Ngài tham gia Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo trong ban Thông tin Báo chí. Trong chiến dịch Nước Lũ đêm 20 tháng 8 năm 1963, Ngài bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt cùng hơn 2,000 Tăng Ni, Phật tử trên toàn quốc, nhất là tại Sài Gòn và Huế.

Sau cuộc đảo chánh của giới quân nhân ngày 01/11/1963 Ngài được thả về cùng toàn bộ chư Tăng Ni, Phật tử. Trong thời gian bị giam cầm, vì không chịu khai báo nên bị tra tấn dữ dội. Ngài và cư sĩ Cao Hữu Đính là hai người bị tra tấn dã man nhất, đến mức di chuyển phải bò vì không thể đứng bằng đôi chân. Vì vậy, sau khi được phóng thích, Ngài phải trị bệnh ba năm mà vẫn không dứt. Năm 1966 phải sang Nhật giải phẫu phổi. Một năm sau, 1967, Ngài mới bình phục trở về nước. Trên đường về Ngài ghé qua các nước Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Miến Điện để khảo sát tình hình Phật giáo Á châu. Về nước Ngài tiếp tục dịch Kinh sách và giảng dạy tại các trường: Phật học viện Từ Nghiêm, Phật học viện Dược Sư, Viện đại học Vạn Hạnh (Saigon), Viện đại học Hòa Hảo (An Giang)..v.v…

Năm 1972, Hòa Thượng là Phát ngôn nhân kiêm Thanh tra của Viện Hóa Đạo Giáo Hội PGVN Thống Nhất.

Tháng 11 năm 1973, tại Đại hội kỳ V công cử Ngài giữ chức Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

Thập niên 1970-1980: Vì không chịu để cho nhà nước Cộng Sản giám sát Giáo hội, và soạn thảo, tập hợp nhiều tài liệu gởi đến chính quyền mới để tố cáo nhiều hình thức bạo hành và đàn áp Giáo Hội, nên cùng với HT Huyền Quang và 5 Giáo phẩm cao/trung cấp khác ở Viện Hóa Đạo, Hòa Thượng đã bị nhà chức trách Việt Nam bắt giam từ tháng 4/1977, đến tháng 12/1978 được tha bổng sau một phiên tòa tại Sài Gòn nhờ áp lực của chính giới và truyền thông Âu Châu sau chuyến đi Pháp đầu tiên của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng. Đến năm 1982, bản thân Ngài và Mẫu thân của Ngài bị trục xuất khỏi Sài Gòn, cưỡng bách an trí tại nguyên quán là xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, Thái Bình.

Mười năm sau Hòa Thượng tự ý bỏ nơi cưỡng bách cư trú, tìm vào Nam hoạt động công khai đòi tự do tôn giáo tại Việt Nam. Chính Quyền đã ra lệnh trục xuất Ngài về Bắc nhưng Ngài không thi hành, vì Ngài cho rằng công dân Việt Nam có quyền cư trú ở bất cứ đâu trên đất nước theo Hiến pháp quy định.

Tháng 8 năm 1995, để cấm đoán GH chuyến đưa phẩm vật đem về miền Tây Nam Bộ để ủy lạo hàng chục nghìn nạn nhân bão lụt, công an Sài Gòn đã thực hiện lệnh bắt tạm giam Hòa Thượng, sau đó, Tòa án Sài Gòn đã xét xử, tuyên phạt  Hòa Thượng 5 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội "phá hoại chính sách đoàn kết và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước". Các vị khác cùng bị án tù cùng vụ Thầy Không Tánh, Thầy Nhật Ban, Thầy Trí Lựcvà 2 Cư Sĩ Đồng Ngọc, Nhật Thường.

Năm 1998: Dưới áp lực của chính phủ Hoa Kỳ, Hòa thượng được trả tự do và bị yêu cầu phải đi tỵ nạn tại Mỹ, nhưng Hòa Thượng từ chối và nói rằng Ngài phải ở lại trong nước với quần chúng Phật tử. Tuy mang tiếng là được thả ra, nhưng thực chất Hòa Thượng vẫn bị quản thúc và cấm thuyết pháp. Có một đồn công an nằm trước Thanh Minh Thiền Viện giám sát gắt gao mọi người ra vào Thiền Viện.

Năm 2003, trong phiên Đại Hội Đặc Biệt của GHPGVNTN tổ chức tại Tu viện Nguyên Thiều, Bình Định, ĐH cung cử Ngài Huyển Quang vào tôn vị Tăng Thống, còn Hòa thượng được cung cử vị trí Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN.

Năm 2003, Hòa thượng Thích Quảng Độ được Tổ chức People in Need, Cộng hòa Czech trao giải thưởng Homo Homini vì những hoạt động bảo vệ nhân quyền, tự do dân chủ và tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Năm 2006, Hòa Thượng được trao Giải Thorolf Rafto vì đã "dũng cảm và kiên trì chống đối ôn hòa chế độ Cộng sản Việt Nam". Ngài là nhà lãnh đạo dũng mãnh không chùn bước trước thế quyền, dõng dạc đòi quyền tự do sinh hoạt của GHPGVNTN từ sau năm 1975 tới nay. Do vậy, Ngài cũng đã nhiều lần được đề cử giải Nobel Hòa Bình.

Năm 2008, sau khi hòa thượng Thích Huyền Quang viên tịch, theo chúc thư để lại thì Hòa thượng Thích Quảng Độ được ủy thác thừa đương tôn vị Đức Tăng Thống thứ năm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Trong khi chờ chính thức suy tôn, Ngài là Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống.

Tháng 11 năm 2011 trong Đại hội kỳ IX của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tổ chức tại Chùa Điều Ngự, Westminter, California, Hoa Kỳ, Hòa Thượng chính thức được suy tôn Đệ ngũ Tăng thống của Giáo Hội.

Sau 20 năm lưu trú tại Thanh Minh Thiền Viện, cuối năm 2018, vị Trụ trì Thiền viện này đã gây sức ép để Hòa Thượng phải rời đi. Ngày 15 tháng 9 năm 2018, HT Thích Quảng Độ đã phải rời khỏi Thiền viện, tá túc tại một số ngôi chùa; và ngày 5 tháng 10 năm 2018 lên tàu về quê ở Thái Bình. Đến ngày 18 tháng 11 năm 2018 thì Ngài trở lại Sài Gòn và đến ngụ tại chùa Từ Hiếu, Quận 8 cho đến ngày viên tịch.

4/Công trình phiên dịch và biên soạn
Trong suốt cuộc đời tu tập và hành đạo của Đại Lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, dù phần lớn thời gian bị quản thúc trong chốn lao tù, và bận rộn quá nhiều Phật sự quan trọng của Giáo Hội,  nhưng sự nghiệp trọng đại của Ngài vẫn là hoằng dương Chánh pháp để cứu độ chúng sanh qua việc thuyết giảng, phiên dịch kinh luận và giáo nghĩa Phật học để truyền bá giáo lý thậm thâm vi diệu của đức Thế Tôn. Dưới đây là một số tác phẩm và dịch phẩm của Hòa Thượng để lại cho đời: Kinh Mục Liên (3 quyển), Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân (7 quyển), Truyện Cổ Phật Giáo, Thoát Vòng Tục Lụy (lịch sử tiểu thuyết), nguyên tác của Thích Tinh Vân, Dưới mái chùa Hoang (Truyện), Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận, nguyên tác của Kimura Taiken., Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, nguyên tác của Kimura Taiken, Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, nguyên tác của Kimura Taiken, Chiến Tranh và bất Bạo Động, nguyên tác của S.Radhakrishnan, Từ điển Phật học Hán Việt (ngài được mời hiệu đính), Phật Quang Đại Từ điển (9 tập), -Thơ trong tù (1977-1978), Thơ lưu đày (1982-1992) v.v...

5/ Viên tịch và Tang lễ:

Sau vài ngày pháp thể khiếm an, Đại lão Hòa thượng đã thuận thế vô thường an nhiên viên tịch tại Phương trượng Chùa Từ Hiếu, Sài Gòn  lúc 21 giờ 30 phút ngày 22 tháng 2 năm 2020, nhằm ngày 29 tháng Giêng năm Canh Tý, Phật lịch 2563, trụ thế 93 năm và 73 hạ lạp.

Theo thông báo của HT Thích Nguyên Lý, Trụ Trì Chùa Từ Hiếu, gởi đi ngày 23 tháng 02 năm 2020, Di huấn của cố Đại Lão Hòa Thượng là tổ chức Tang lễ đơn sơ, không để quá 3 ngày, Tăng Ni, Phật tử đến lễ bái, thọ tang không phúng điếu, kể cả vòng hoa và trướng liễn, không có điếu văn, tiểu sử, cảm tưởng và các hình thức thông thường khác, sau khi hỏa táng thì rải tro cốt xuống biển.

Trải suốt cuộc đời gần một thế kỷ, từ khi xuất gia, hành đạo cho đến lúc viên tịch, Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã nỗ lực không ngừng trong công cuộc xiển dương đạo pháp. Cuộc đời Ngài là một tấm gương sáng ngời về đạo hạnh, và sự nghiệp hoằng hóa của Ngài xứng đáng cho Tăng Ni và Phật tử noi theo.  Đặc biệt tinh thần vô úy của một vị Bồ Tát tại nhân gian. Mặc dù sắc thân của Ngài không còn nữa nhưng pháp thân và sự nghiệp hoằng hóa của Ngài sẽ mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho Tăng Ni Phật tử Việt Nam ở hiện tại và mai sau.

 Nam Mô Tân Viên Tịch Ma Ha Tỷ Kheo Bồ Tát Giới, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội, Nguyên Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Đệ Ngũ Tăng Thống, húy thượng Quảng hạ Độ, Đại Lão Hòa Thượng Giác Linh thùy từ chứng giám.



VP Thường Trực Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN-HN tại UĐL-TTL

(Biên soạn theo nhiều tư liệu khác nhau)

Tuesday, April 28, 2020

Thích Phước An: Thơ Bùi Giáng và Tuổi Trẻ Lang Thang Trên Hè Phố Sài Gòn


Thi Nhân Bùi Giáng (Internet)


Vào khoảng cuối năm 1971 hay đầu năm 1972 gì đó, Bùi Giáng dọn về ở luôn trên lầu ba, thuộc khu nội xá của Viện Đại Học Vạn Hạnh. Dù đã đến Sài Gòn trước đó nhiều năm, nhưng chỉ sau khi ở gần với Bùi Giáng thì tôi mới có dịp biết nhiều hơn về những con đường phố ở Sài Gòn.
Có lẽ, cũng như hầu hết người trẻ tuổi thời bấy giờ, Sài Gòn với tôi vẫn có sức quyến rũ lạ lùng. Dường như, chính từ thành phố ấy, mà tuổi trẻ của tôi mới cảm nhận được một cách mông lung rằng, có mùa xuân đầy hương sắc trên cuộc đời này mà tuổi trẻ của tôi vẫn muốn đưa tay với bắt nhưng chưa được? Hay có lẽ sẽ không bao giờ được? Ví có bao giờ ta bắt được một tia nắng đẹp mong manh của buổi chiều xuân bao giờ đâu?
Chạy đi em! Và bắt vội giùm cho
Ta em nhé ta chờ tay em bắt.

Giùm chút nắng chiều ngọn cây lay lắt
Nắm và cầm đưa lại giúp cho ta.
Trẻ (Mưa Nguồn)
Bài những nhành mai của Bùi Giáng có lẽ mới là bài mà dạo đó tôi say sưa đọc, vì bài thơ đã khơi dậy được tất cả những hoài vọng nhiệt nồng của tuổi trẻ:
Buồn phố thị cũng xa bay như gió
Cộ xe nhiều cũng nhảy bổng như hươu
Bờ cõi dựng xuân xanh em còn đó
Bến đào nguyên anh khoác áo khinh cừu.
Nhành Mai (Mưa Nguồn)
Nhưng Sài Gòn mà tôi thường đi lang thang với Bùi Giáng lại không phải là Sài Gòn dưới cái nhìn của đám đông thiên hạ. Những thị dân áo quần chải chuốt tập trung ăn nhậu ở các nhà hàng, hoặc nối đuôi nhau đứng đợi mua cho được một vé xi nê, mà Sài Gòn ở đây lại là, tại các hẻm hay những góc phố vắng vẻ. Ở đó, có các quán cóc bán cà phê và các thức ăn rẻ tiền mà giới đạp xích lô hay những người lao động chân tay mới thường lui tới. Bùi Giáng rất thích đến ngồi ở những quán này, vì những người lao động này họ chẳng hề biết ông là ai, và nhất là họ cũng chẳng bận tâm về chính họ làm gì. Chẳng hạn, họ chẳng bao giờ nghĩ rằng mình là trí thức hay nghệ sĩ gì cả. Bùi Giáng rất khó chịu khi phải ngồi nói chuyện với những người mà từ lời nói đến cử chỉ lúc nào cũng đầy vẻ trịnh trọng.
Chúng ta dường như lúc nào cũng thích khoác cho mình một chiếc áo thật đẹp, hay tự sửa soạn chỗ ngồi của mình thật lộng lẫy, để rồi tự cảm thấy thỏa mãn khi ngồi vào chỗ ngồi ấy?
Còn thi nhân? Chẳng phải thi nhân là kẻ đã đánh phá tan tành những công ước giả tạo ấy, để chỉ cho con người thấy được vẻ đẹp mênh mông của cuộc đời đó sao?
Nhưng chúng ta có nên đem chuyện riêng tư của một người cô độc để nói ở đây không?
Theo tôi, thì chẳng có gì là riêng tư đối với Bùi Giáng. Tất cả những gì gọi là riêng tư, thật ra chỉ là cái đãy vải trên vai, trong đó chỉ đựng xấp giấy trắng, cây bút để làm thơ trên bước đường lang bạt mà thôi.
Có lẽ ít có nhà thơ nào đã dám sống hết mình, sống tận cùng với cát bụi như Bùi Giáng đã dám sống một cách trọn vẹn như vậy.
Và chúng ta có thể nói rằng, chính từ đời sống như vậy, mà tiếng thơ Bùi Giáng đã ra đời. Qua tiếng thơ đó, Bùi Giáng đã khẳng định với chúng ta rằng, không phải cuộc đời chỉ có đau khổ, lầm than và đầy bóng tối, mà vẫn còn có bầu trời cao rộng nữa, nếu chúng ta biết ngẩng mặt lên để mà nhìn:
Trần gian hỡi! Tôi đã về đây để sống
Tôi đã tìm đâu ý nghĩa của lầm than
Tôi ngẩng mặt ngó ngàn mây cao rộng
Tôi cúi đầu nhìn mặt đất thấp đen.
Phụng Hiến (Mưa Nguồn)
Và cuộc đời, với hầu hết chúng ta chắc chắn không có chủ đích nào khác hơn là săn đuổi cho được cái mà ta thường gọi là hạnh phúc? Nhưng chúng ta đi tìm hạnh phúc ở đâu? Hạnh phúc trong sự tích lũy tài sản? Hạnh phúc có nghĩa là nhiều tiện nghi vật chất cho đời sống? Hay cao hơn một mức nữa, là phải đấu tranh hay có khi phải sát phạt lẫn nhau để có một địa vị nào đó trong xã hội? Nhưng tất cả những thứ này đều không đem lại hạnh phúc lâu dài, vì chắc chắn một ngày không xa nó sẽ tuột khỏi tầm tay, và sự đau khổ lập tức sẽ đến với chúng ta ngay. Nhưng điều tác hại nguy hiểm nhất vẫn là, ví suốt đời ta cứ chạy theo những hình ma bóng quế này, thì trái tim của ta dễ bị bại liệt. Khi trái tim đã bị bại liệt rồi thì chúng ta sẽ không còn biết rung động trước mọi vẻ đẹp của đất trời nữa. Phải chăng khi con người không còn biết rung động trước cái đẹp, thì con người sẽ chỉ sống trong ích kỷ và tàn bạo?
Còn thi nhân thì ngược lại, mỗi giây phút sống trên đời này, đều là mỗi giây phút thiêng liêng. Vạn vật đối với họ như có linh hồn, vì đang cùng với trái tim của họ rung lên bao nỗi chờ mong:
Tôi đã gởi hồn tôi biết mấy bận
Cho mây xa cho tơ liễu ở gần
Tôi đã đặt trong bàn tay vạn vật
Quả tim mình nóng hổi những chờ mong.
Phụng Hiến (Mưa Nguồn)
Và theo tôi, sở dĩ người nghệ sĩ ấy tự chọn cho mình một đời sống lao đao lận đận như vậy, chẳng có mục đích nào khác hơn là muốn chia sẻ với con người một chút đau khổ giữa cái khổ lớn lao mà con người đang phải gánh chịu, với hi vọng đốt lên được ngọn lửa của tình thương mà vốn dĩ đã quá nguội lạnh trên cuộc đời này, như thi nhân đã một lần phát đại nguyện:Xin mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ơi! Cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn.
Phụng Hiến (Mưa Nguồn)
Tình yêu ấy sẽ vượt thắng tất cả. Kẻ nào đã cưu mang tình yêu đó trong trái tim, thì dù mai này có chết đi, nhưng tình yêu ấy vẫn còn nguyên vẹn:
Còn ở lại một ngày còn yêu mãi
Còn một đêm còn thở dưới trăng sao
Thì cánh mộng còn tung lên không ngại
Níu trời xanh tay với kiễng chân cao.
Phụng Hiến (Mưa Nguồn)
Và khi một kẻ đã sống vì sự đau khổ của con người thì đời sống của họ cũng rất giản dị. Họ sống khiêm tốn với những sự vật gần như vô danh và im lặng giữa đất trời. Những sự vật mà chúng ta đã vô tình đã đánh mất giữa đời sống hàng ngày. Chúng ta đánh mất tại vì chúng ta cứ nghĩ rằng nó chẳng giúp ích gì cho đời sống quá thực tế của chúng ta cả. Nhưng với thi nhân, thì tất cả đều là thơ, tất cả đều là mộng:
Đường cong có cỏ mọc ven bờ
Cây đứng trong vườn là chuối tơ
Chó sủa sớm chiều đi qua ngõ
Gà con mất mẹ chạy bâng quơ.
Bờ Trần Gian (Mưa Nguồn)
Đời sống thì giản dị như vậy, nhưng hoài vọng của họ đối với cuộc đời thì lại mãnh liệt vô cùng:
Sầu một thuở đất mòn không tiếng nói
Một ngàn năm trăng giải tuyết băng buông
Anh gởi đi ngàn sóng cuộn thác nguồn
Để thấy mãi rằng thơ không đủ gọi.
Đủ Gọi (Mưa Nguồn)
Thích Phước An (Ảnh: An Trú)

Một buổi trưa hè nóng bức cũng tại một quán cóc trên vỉa hè Trương Minh Giảng (bây giờ Lê Văn Sĩ) của Sài Gòn thời đó. Bùi Giáng đang ăn tô mì Quảng (thứ mì phát xuất từ Quảng Nam – quê hương của ông), còn tôi thì ngồi nhâm nhi cà phê nhìn thiên hạ đi lui đi tới ngoài đường phố. Đang ăn bỗng Bùi Giáng ngừng lại và nói với tôi: “Ta ăn hai ngàn tô mì Quảng nữa ta chết”.
Câu nói chỉ là nói đùa, nhưng đối với tôi thì không phải đùa chút nào, vì tôi biết rằng, câu nói ấy đã vô tình thể hiện tất cả nỗi ưu tư quằn quại của Bùi Giáng về cái chết của chính ông và tất cả chúng ta, những người đang sống trên mặt đất này.
Đã hơn bốn thập niên qua rồi, vậy mà từ giọng nói đến cái nhìn thật xa xôi của Bùi Giáng vào buổi trưa hè năm ấy, đến nay vẫn còn đọng lại trong hồn tôi. Những khi ngồi nhớ lại những năm tháng đã sống bên Bùi Giáng cùng với hàng ngàn bài thơ mà ông đã làm trên bước đường lang thang phiêu bạt, thì bài thơ đã ảnh hưởng sâu đậm nhất đối với tôi chắc vẫn là bài ông viết về cái chết.
Có lẽ, chúng ta phải tập lân la trú ngụ gần bên cái chết, thì mới thấy được sự sống là thiêng liêng chăng?
Rồi mai đi về xứ nào chẳng biết
Đỗ Quang ơi và có lẽ Quyên ơi
Đi lìa xa xứ sở của mặt trời
Thì chuyện cũ cũng như từng chưa biết
Tôi chẳng rõ cội nguồn tôi ly biệt
Dấu tiên sa và ngấn tích tiên nga
Bờ giạt bèo hay trôi bến lạnh trôi hoa
Ngày ngóng mộng hay đêm ngờ máu chảy
Xuân thơ dại hay đông tàn thu gãy
Chút tình xưa Đông Á mất đâu rồi.
Rồi mai đi về xứ nào chẳng biết
Những người em hãy ở lại bên đời
Nô hay đùa xin cứ mỉm hai môi.
Mai Đi (Sa Mạc Phát Tiết)
Và đâu phải vì cái chết mà chúng ta không còn hi vọng vào cuộc đời. Vì sao? Đây có lẽ thông điệp mà Bùi Giáng muốn gửi tới cho tất cả những người trẻ tuổi hôm nay chăng?
Em bảo rằng,
Đừng tuyệt vọng nghe không
Còn trang thơ thắm lại với trời hồng.
Phụng Hiến (Mưa Nguồn)
“Cái đẹp sẽ cứu chuộc thế giới”, như văn hào Nga Dostoievski đã một lần phát biểu như vậy.
II
Đêm đêm đội nón lên chùa
Hỏi thăm Phương Trượng một mùa mưa xuân.
Bùi Giáng
Khi nhà xuất bản An Tiêm cho phát hành Lời Cố Quận, tác phẩm của triết gia Đức Martin Heidegger giảng giải thơ Hoelderlin do Bùi Giáng dịch. Một bữa nọ, có lẽ từ nhà xuất bản về, Bùi Giáng cho tôi một bản đặc biệt, rồi ông nói với tôi: “Tao có trích một bài thơ của mày trong đó”. Bùi Giáng vẫn thường gọi tôi “mày” và xưng “tao” với tôi như vậy. Tất nhiên tôi rất hãnh diện vì được Bùi Giáng đã xem tôi như người rất thân của ông. Cầm quyển sách trong tay, tôi cứ nghĩ là Bùi Giáng chỉ nói vậy cho vui thôi, vì tôi thì chỉ biết đọc thơ chứ đã làm được bài thơ nào đâu mà trích với dịch. Biết vậy, nhưng tôi vẫn lật từng trang để tìm thử, thì quả là có bài thơ đề tên tôi thật. Bài thơ ấy cho đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ, bài thơ như thế này:
Giọt mù sương cố quận
Bước chân về dặm xa
Xa vời bóng Thích Ca
Con đi từ ngõ hẹp
Con đi từ nhớ mong
Một con đường đi vòng
Đến bên chân rừng núi
Con ngồi bên bờ suối
Kính tặng một bài thơ.
Sau 1975 vì phải dời đổi chỗ ở nhiều lần, nên sách Bùi Giáng của tôi gần như thất lạc hết, trong đó có quyển Lời Cố Quận. Bởi vậy nên hiện giờ tôi cũng chẳng còn nhớ bài thơ đó nằm ở trang mấy nữa, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, dù có sách của Bùi Giáng ở bên mình hay không thì cũng chẳng quan trọng gì mấy. Vì Bùi Giáng vẫn hiện diện sẵn đó, trong tâm hồn sâu thẳm của tôi, không phải chỉ tác phẩm thôi, mà còn cả chính cuộc đời của ông nữa, một cuộc đời có thể nói là đã hiến dâng trọn vẹn cho thi ca, cho cái đẹp của cuộc đời vậy.
Dưới bài thơ, tôi còn nhớ Bùi Giáng viết: “Đó là bài thơ tuổi nhỏ phát Bồ Đề tâm thăm thẳm và hy hữu của Đại đức Thích Phước An”. Tôi đọc chậm rãi từng câu và xúc động vô cùng. Xúc động không phải vì mình được đứng tên một bài thơ không phải do chính mình làm ra, cũng không phải vì được Bùi Giáng lưu tâm, mà xúc động vì qua bài thơ đó, Bùi Giáng đã mở mắt cho tôi thấy tuổi thơ cũng như con đường tôi đang bước đi thơ mộng và cao đẹp biết chừng nào. Vậy mà dường như tôi đã vô tình quên mất, để chạy theo cái đẹp phù phiếm bên ngoài.
Tôi nhớ có một lần Bùi Giáng đã hỏi tôi sanh ở thôn quê hay thành thị? Đi tu hồi mấy tuổi? Tôi hơi ngạc nhiên, vì nghĩ rằng ở vào địa vị của ông thì ông bận tâm chi đến chuyện riêng tư của người khác, nhất là người đó còn nhở và chưa làm được chuyện gì ra hồn cả. Nhưng vì thấy ông hỏi rất nghiêm chỉnh chứ không hỏi cho có hỏi, nên tôi khai thật với ông rằng, vì mồ côi cha từ hồi mới sanh, nên được ông chú đang Trụ trì một ngôi chùa tại vùng quê hẻo lánh ở Bình Định đem đi tu tận hồi 7, 8 tuổi gì đó. Khi nghe tôi nói sanh ở thôn quê thì Bùi Giáng gật đầu: “Vậy là được rồi”. Tôi không nghĩ là Bùi Giáng nói để an ủi tôi, mà ông nói rất thật theo quan niệm của ông, vì có một lần ngồi uống cà phê sáng với ông ở một cái quán gần chợ Trương Minh Giảng, quán có rất đông người. Bùi Giáng nhìn đám đông có vẻ hơi bực bội rồi ông nói với tôi:
“Bọn làm văn nghệ văn gừng suốt cả đời chỉ chạy lui chạy tới mấy cái quán cà phê mắc dịch ở Sài Gòn này, chẳng bao giờ bọn chúng nhìn thấy núi cao biển rộng hay sông dài, thì chúng làm được cái trò trống gì chứ?”
Và Bùi Giáng cũng đã nhiều lần kể cho tôi nghe, hồi thời kháng chiến chống Pháp, ông đã từng một mình mang ba lô trên vai đi bộ từ Huế ra đến Hà Tĩnh. Bùi Giáng đến Hà Tĩnh vào một buổi chiều có nắng rất đẹp. Nhưng ông nói, người dân ở xứ ấy nghèo khổ quá, phải thay trâu bò mà kéo cày, nhưng ông cho rằng, chính từ cái nghèo khổ ấy nên mới tạo ra những thiên tài vô song của Hồng Lĩnh (Bùi Giáng muốn nói đến Nguyễn Du ở thế kỷ 18 và Huy Cận bây giờ). Về sau ý này được ông viết lại trong bài viết về Huy Cận trong tập Đi Vào Cõi Thơ, một tác phẩm bình thơ nổi tiếng của ông.
Cũng thế, phải được sinh ra và lớn lên từ một vùng quê nghèo khổ ở miệt nhà quê Quảng Nam thì Bùi Giáng mới làm được những câu thơ chết người như thế này:
Ruộng đồng không mọc lúa mùa
Từ hôm cánh mỏng cò lơ tiếng buồn
Đêm nào nhỏ giọt khe mương
Đêm nay rớt hột mù sương bây giờ.
Chắc chắn có một số người nghĩ rằng thơ là một thứ gì rất vô ích, chỉ để dành cho những người vô công rỗi nghề ngồi mơ mộng vớ vẩn. Nhưng chắc chắn có một số người sẽ nghĩ ngược lại rằng thơ có một sức mạnh lạ lùng, sức mạnh ấy có thể làm thay đổi triệt để tâm hồn cũng như cách nhìn của con người đối với cuộc đời.
Với tôi, hễ mỗi lần đọc bốn câu thơ trên của Bùi Giáng là mỗi lần tôi cảm thấy như thương yêu cuộc đời này hơn, ngay cả những ngày ấu thơ bơ vơ lạc lõng ở một vùng quê nghèo khổ dạo nào cũng trở thành đáng yêu một cách lạ lùng.
Vào khoảng cuối năm 1973 tôi có viết được một tùy bút ngắn nhan đề là Tuổi thơ nghe cọp rống, được đăng trên báo Thời Tập, một bán nguyệt san văn nghệ rất nổi tiếng thời bấy giờ. Đại khái tôi muốn nói lên lòng say mê của tôi đối với ngôi chùa mà tuổi thơ tôi đã từng in dấu. Trên đầu bài viết tôi có trích hai câu thơ của Bùi Giáng:
Sẽ đi cùng bước chân mùa
Bóng vang sầu cũ tháp chùa rộng thênh.
(Mưa Nguồn)
Khi báo phát hành thì không có Bùi Giáng ở Sài Gòn, ông đang đi ngao du ở tận miền Lục tỉnh. Một buổi chiều tôi đang ăn cơm với quý thầy ở đại học Vạn Hạnh thì Bùi Giáng về, ông hối tôi ăn cơm nhanh lên để ông có chuyện cần nói gấp. Ăn xong tôi ra hành lang gặp ông, ông nói: “Tao đang đi dạo phố ở Cần Thơ thì có một cô gái bán sách rất đẹp, kêu tao vào đưa cho xem tờ Thời Tập, cô ấy bảo hai câu thơ tao làm rất hay, mà bài viết của mày lại còn hay hơn”. Tôi biết là chẳng có cô gái nào khen cả mà Bùi Giáng bày chuyện như vậy để khuyến khích tôi vậy thôi. Nhưng dù sao một người mới tập tành viết lách như tôi mà được Bùi Giáng khen thì nhất định phải sung sướng hơn được các cô gái khen rồi.
Nhiều khi đọc những câu thơ của Bùi Giáng nhắc đến ngôi chùa, tôi ngạc nhiên tự hỏi, tại sao ông lại có thể cảm nhận được hết tất cả cái đẹp tịch liêu của những ngôi chùa, nhất là những ngôi chùa ở tận xóm quê xa xôi mà những người ở đó suốt đời chưa chắc họ đã cảm nhận được? Tại ông là kẻ lữ hành cô độc chăng? Vì cô độc nên mới có cái nhạy cảm xuất thần đến như vậy chắc?
Vào thôn xóm nọ một chiều
Qua xuân tới hạ ghé chùa chiền hoa.
Bùi Giáng bắt đầu biết đến Phật giáo khi ông còn đi học ở Quảng Nam. Hồi ấy thỉnh thoảng ông có đến dự các lớp học Phật do bác sĩ Lê Đình Thám phụ trách (tưởng cũng cần nhắc lại là bác sĩ Lê Đình Thám pháp danh Tâm Minh là một trong những người có công nhất trong cuộc chấn hưng Phật Giáo vào những năm đầu thế kỷ 20. Bác sĩ cũng là thầy của nhiều bậc cao tăng của Phật Giáo Việt Nam hiện nay và đồng thời là người đồng hương của Bùi Giáng).
Bùi Giáng kể rằng, có một bữa ông đã đứng nghe say sưa bác sĩ Thám giảng kinh Hoa Nghiêm, vì vậy mới có hai câu thơ này trong Mưa nguồn:
Cõi bờ con mắt hoa nghiêm
Tường vôi lá cỏ lim dim vô cùng.
Và có lẽ cũng từ ngày ấy, tại Việt Nam xuất hiện một cõi thơ mà ngôn ngữ của cõi thơ ấy cũng hoành tráng, cũng tuôn chảy ào ạt. Phải chăng cõi thơ ấy đã gợi hứng cũng từ suối nguồn Hoa Nghiêm kinh của Phật giáo?
Vì con mắt một lần kia đã ngó
Giữa nhân gian bủa dựng một bầu trời
Đài vũ trụ hồn chiêm bao rạng tỏ
Một nụ cười thế giới sẽ chia đôi.
(Mưa Nguồn)
Lần đầu tiên tôi được nghe nhắc đến tên Bùi Giáng là vào năm 1961, khi tôi đang còn là một chú tiểu ở Phật học viện Hải Đức Nha Trang. Hồi ấy có lẽ do tánh hay tò mò của trẻ con, nên tôi thường leo lên Thiền thất của Phật học viện đứng ngoài cửa sổ để nhìn vào phòng của một thanh niên trẻ khoảng chừng 20 tuổi, mà tôi thường được các thầy lớn tuổi nói là thông hiểu đến năm sáu ngôn ngữ. Cả ngày gần như thanh niên này không ra khỏi phòng, lúc nào cũng bận rộn với đủ thứ sách chất đầy trên bàn viết cũng như cả trên giường ngủ. Người thanh niên ấy không ai khác hơn chính là anh Phạm Công Thiện. Có lẽ vì thấy tôi còn nhỏ mà lại thích đọc sách, nên tôi được anh rất thương, anh cho tôi xem các bài viết của anh, trong đó có bản thảo về Bồ Đề Đạt Ma cùng một số chương của tác phẩm Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học, anh cũng còn cho tôi xem các bài thơ của Hoàng Trúc Ly, của Hoài Khanh. Nhưng chỉ có Bùi Giáng là được anh nhắc đến hàng ngày, anh cho tôi xem các bài thơ của Bùi Giáng do chính Bùi Giáng viết gởi ra tặng anh. Một số bài sau này tôi thấy có in trong Mưa Nguồn, Ngàn Thu Rớt Hột và Lá Hoa Cồn. Anh Phạm Công Thiện cũng hứa với tôi là khi nào có dịp vào Sài Gòn sẽ dẫn tôi đến thăm Bùi Giáng.
Năm 1964, anh Phạm Công Thiện được mời vào Sài Gòn để dạy triết Tây tại Viện cao đẳng Phật học vừa được mở tại chùa Pháp Hội (tiền thân của Viện Đại học Vạn Hạnh sau này), tôi được anh cho đi theo. Tôi nhớ anh đã dẫn tôi đến thăm Bùi Giáng vào một buổi chiều, trong một căn nhà ở hẻm Trương Minh Giảng, căn nhà rất ẩm thấp, chật hẹp, gần như không có chỗ cho khách ngồi. Tôi thấy có mấy bức tranh vẽ còn dở dang, sách vở báo chí bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Hán, Đức, vất lung tung dưới sàn nhà, trên giường nằm. Bùi Giáng mời Phạm Công Thiện một điếu Bastos đỏ (thuốc rẻ tiền nhất thời đó). Đã hơn 35 năm qua rồi nên tôi chẳng còn nhớ được hai người đã nói với nhau những gì, tôi chỉ còn nhớ là khi tiễn Phạm Công Thiện ra cửa, Bùi Giáng nói: “Chắc rồi sau này tôi cũng sẽ như anh” (lúc đó Phạm Công Thiện đã mặc áo tu với pháp danh là Nguyên Tánh).
Buổi gặp gỡ Bùi Giáng lần đầu tiên ấy đã để lại ấn tượng sâu xa trong ký ức của tôi. Càng lớn lên, tôi mới càng nhận ra một điều rất giản dị rằng, chỉ có những người dám từ bỏ những thú vui tầm thường của cuộc đời, thì những người đó mới là kẻ đem niềm vui đến cho cuộc đời một cách dài lâu nhất.
Năm 1964, có thể được xem như là năm khởi đầu cho vận hội mới của Phật Giáo Việt Nam sau hơn một thế kỷ bị kỳ thị và phá phách bởi thực dân Pháp và tiếp đến là chính phủ gia đình trị Ngô Đình Diệm. Mọi sinh hoạt như đang được hồi sinh, trong đó sinh hoạt về tư tưởng và văn hóa được xem như rầm rộ nhất. Một tạp chí văn nghệ có tên là Giữ thơm quê mẹ do Thiền sư Nhất Hạnh chủ biên, thi sĩ Hoài Khanh thư ký tòa soạn được ra đời, quy tụ hầu hết các nhà văn nhà thơ lớn của miền Nam, trong đó Bùi Giáng và Phạm Công Thiện được xem là hai cây bút chủ lực. Năm 1965 nhà xuất bản Lá Bối lại cho phát hành tập DIALOGUE, do các nhà văn nhà thơ của Phật Giáo Việt Nam gởi cho các nhà văn nhà thơ cùng các nhà nhân bản trên thế giới, kêu gọi họ hãy lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh đang gây ra thống khổ và chết chóc cho dân tộc Việt Nam. Tập sách đã gây được tiếng vang trong cũng như ngoài nước. Tuy vậy theo sự đánh giá của giới trí thức thì bài của Bùi Giáng gởi cho René Char thi sĩ Pháp và Phạm Công Thiện gởi cho Henry Miller nhà văn Mỹ là hai bài có tầm cỡ nhất để mở ra một cuộc “ĐỐI THOẠI” đúng nghĩa giữa các nhà trí thức Đông và Tây. Có thể nói chỉ trong một thời gian ngắn, những thế lực văn hóa phi dân tộc vốn được sự hỗ trợ tích cực của chế độ Thiên Chúa giáo đã mau chóng bị giới trẻ trí thức ở thành phố lãng quên, chưa nói là còn bị lên án nặng nề nữa, và truyền thống văn hóa của Phật giáo và dân tộc đã được hồi sinh. Tất nhiên, Bùi Giáng và Phạm Công Thiện là hai cây bút hàng đầu trong công cuộc làm hồi sinh này. Một bài báo tổng kết 10 năm sinh hoạt văn hoá Phật giáo (1964 -1974) được đăng trên báo Hải Triều Âm của Tổng vụ Văn hóa Phật giáo, tôi nhớ tác giả bài viết đã kết luận đại khái như thế này: “Sau những bài viết triết lý dậy lửa của Phạm Công Thiện và sau cõi thơ phiêu bồng của Bùi Giáng, những người trẻ tuổi luôn luôn thấy hình bóng lồng lộng của các Thiền sử…”
Có một chuyện rất “vui tươi” hay “tếu” (những tiếng mà lúc sinh thời Bùi Giáng vẫn thường dùng). Tôi được xin kể lại sau đây, hy vọng sẽ giải đáp được phần nào những điều mà một số người vẫn ngộ nhận về Bùi Giáng. Một bữa đi chơi về, Bùi Giáng kêu tôi lại, rút trong đẫy vải ra một tờ báo, đó là tờ báo của sinh viên Quảng Đà đang theo học tại các đại học Sài Gòn (1974), ông chỉ vào chữ Quảng Đà và nói với tôi: “Mấy thằng Quảng Đà cứ tụ năm tụ ba ở mấy cái quán mì Quảng nhậu nhẹt suốt ngày rồi còn khoe mình là con cháu của Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh,.v…v.”. Ngừng một lát Bùi Giáng nhìn tôi với cặp mắt long lanh rồi nói tiếp: “Tao mà chế được bom nguyên tử tao sẽ dội trên đầu bọn chúng mỗi ngày ba trái, sáng một trái, trưa một trái, chiều một trái”.
Chúng ta có thể tự hỏi không lẽ nào cái nơi chôn nhau cắt rốn ấy, nơi mà những địa danh như Vĩnh Trinh, Thanh Châu, Quế Sơn v…v. đã tràn ngập trong những bài thơ của Bùi Giáng với tất cả sự nhớ thương da diết, mà ông lại nỡ thù ghét đến vậy sao? Mà Bùi Giáng thù ghét để làm gì chứ? Hay là Bùi Giáng muốn che giấu điều gì sau những lời lẽ có vẻ như “thô lỗ” này? Ít ra cũng đã một lần Bùi Giáng hé mở cho ta thấy được những tình cảm mà Bùi Giáng muốn giấu kín tận đáy lòng sâu thẳm. Tôi xin được trích ra đây để thay cho lời kết:
“Trong một cuộc vui, ta hỏi họ vài điều. Họ lơ đễnh thờ ơ, ta tưởng họ kiêu bạt. Trong lúc mọi người đang gào khóc giữa một đám tang, họ phiêu phiêu đi qua, trong có vẻ mỉm cười niêm hoa vi tiếu. Ta tưởng họ tàn nhẫn thô bạo. Niềm vui, nỗi buồn của họ, dường như chẳng có chi giống nỗi buồn của chúng ta. Do đó chúng ta trách móc họ một cách lệch lạc hết cả, Par manque de justice interne”. (Đi Vào Cõi Thơ trang 6-7, NXB Ca Dao, Sài Gòn 1969).
Thích Phước An,
Nha Trang, những ngày cuối Thu hoài niệm