Ý NGHĨA VÀ CÁCH TỤNG NIỆM
TỤNG là đọc tụng. NIỆM là suy nghĩ nhớ tưởng. TỤNG NIỆM là miệng đọc tụng tâm nhớ nghĩ, tâm và miệng hợp nhất[1], chú định vào lời Kinh tiếng Pháp.
Tụng niệm có nhiều ý nghĩa:
· Tụng niệm để giữ tâm hồn được trong sạch, giao cảm với các tâm niệm tối cao. Tụng niệm lại là cách huân tập tâm thức rất tốt, rất dễ dàng.
· Tụng niệm để ôn lại những lời Phật dạy, hầu lấy đó làm phương châm cho đời sống hằng ngày và gieo giống Bồ Đề Giải Thoát vào tâm thức.
· Tụng niệm để kiềm chế thân khẩu trong khuôn khổ thanh tịnh, trang nghiêm, chính đáng, không cho nói năng, hành động, buông lung theo tập quán đê hèn tham dục.
· Tụng niệm để cầu an, để ngăn lòng tội lỗi, dứt trừ nghiệp chướng lâu đời hầu tránh khỏi tai họa do tội lỗi nghiệp chướng gây nên.
· Tụng niệm để cầu siêu, để chuyển tâm niệm của người khác, khiến họ xa lìa nghiệp nhân[2] xấu ác, rời khỏi cảnh giới tối tăm, siêu sinh về Lạc Quốc.
· Tụng niệm để làm cho tiếng Pháp Âm lưu chuyển trong nhân gian, cảm hóa mọi người, cải tà quy chính.
· Tụng niệm để kích thích, nhắc nhở mình và người trên đường làm lành, học đạo.
· Tụng niệm để hướng lòng bi nguyện đến tất cả chúng sanh, cầu cho chúng sanh thuận hòa vui vẻ.
· Tụng niệm để tỏ lòng sám hối tội lỗi trước ngôi Tam Bảo, là nơi hoàn toàn thanh tịnh, không chút tội lỗi nhiễm ô.
Vì ý nghĩa đó, người đã tin Phật nên phải phát tâm tụng niệm và tụng niệm đúng cách. Khi tụng niêm phải giữ gìn trang nghiêm, tránh mọi sự ồn ào phức tạp, tránh mọi điều làm kích động tâm ý đắm lợi mê danh, tham luyến trần tục. Chỉ tụng niệm trước bàn Tam Bảo, hoặc nơi thích hợp chính đáng, không tụng niệm trước chỗ thờ quỷ thần, cúng đồ mặn, đốt vàng mã theo tục lệ mê tín dị đoan, không thích hợp với Phật Pháp.