Showing posts with label Nghiên cứu. Show all posts
Showing posts with label Nghiên cứu. Show all posts

Friday, June 7, 2013

LÃNH ĐẠO TÂM LINH - Lãnh Đạo Bằng Thân Giáo / Spiritual Leadership - Leading by Example.


Tương Duyên
Lá Sen sau vườn - Photos: BXK

LÃNH ĐẠO TÂM LINH - Lãnh Đạo Bằng Thân Giáo

Giới lãnh đạo
bất kỳ mô hình lãnh đạo nào

cần phải có cách hướng dẫn thiết thực.
Hãy thiết lập các nguyên tắc
và mục tiêu vững chắc,
rồi tạo ra các tiêu chuẩn xuất sắc.
Thân giáo hay mẫu mực để dẫn đầu
là nền tảng sống và lãnh đạo có đạo đức,
cho những người khác noi gương
và truyền cảm hứng cùng yêu thương
cũng như một tầm nhìn bao quát.
Chúng ta phải nhiệt huyết và có hành động phong phú.
Có nhiều hành hoạt khác nhau
nhưng nó phải đặt trên nền tảng của trí tuệ, lòng từ bi và can đảm
Chúng ta hãy hình dung cho được một tương lai tươi sáng,
tạo ra một lý tưởng thiết thực
và độc đáo mà chúng ta có thể trở thành,
thuyết phục và có hành động yên tĩnh
cho mọi người nhìn thấy và làm theo.
Một tương lai thú vị và tuyệt vời.
Hãy thách thức quá trình mình đang sinh hoạt
tìm kiếm những cách thức sáng tạo
để cải thiện tổ chức.
Hãy thử nghiệm và chấp nhận rủi ro,
và học hỏi từ những sai lầm và thất bại.
Đó là những cơ hội học và tập
để chuyến hóa.
Để có một tương lai tốt hơn
chúng ta hãy hành động.
Thúc đẩy và hỗ trợ cho nhau
Hợp tác và xây dựng trong sự thay đổi bền vững.
Hãy tích cực và lạc quan
đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau
và trân quý nhau.
Những tấm lòng
thật cao quý như nhịp tim còn đập,
hay những tấm lòng
"để cho gió cuốn đi"
hay những nỗ lực phi thường
như "tri nhân, tri diện, bất tri tâm."
Niềm tin và phẩm giá con người
có lẽ là chìa khoá để thành công.
Hỡi các bạn trẻ đồng trang lứa
những công việc khó khăn trước mặt
hy vọng và ước mơ của chúng ta
sẽ trở thành sự thật
khi chúng ta quyết tâm sống cho tốt hơn
và góp phần xây dựng trong tinh thần nhân bản.
Cho sự phát triển của đoàn thể, cộng đồng, đất nước và nhân loại
hãy đặt trên những nền tảng hiểu biết,
thương yêu,
khoan dung và tha thứ.

Bạch X. Phẻ
Sacramento, March 10th, 2012.


Spiritual Leadership - Leading by Example

Leadership,
any leadership model must have guidelines.
Set solid principles and objectives,
then create the standard of excellence.
Leading by Example
is the foundation of life and leadership,
for others to follow
and inspire,
to have a shared common vision,
with abundant enthusiasm and action.
There are many different paths
to our ultimate goals,
but these paths must be built on
the foundation of compassion, wisdom and courage.
We must envision the future,
create a practical ideal,
consider the potential uniqueness of the organization,
persuade and take quiet action
for all to see and follow.
An exciting and wonderful future.
We must take the challenge,
and look for innovative ways
to improve our organization.
Experiment, take risks,
and learn from the mistakes and failures.
They present opportunities for growth
and transformation.
For a better future
we must take action,
promote and support each other.
Cooperation and collaboration for sustainable change.
Positivity,
mutual respect and unity
are all so precious,
like the rhythm of the heart.
Extraordinary effort,
inner values and human dignity
are the key,
my dear Buddhist friends.
Hard work is ahead,
our hopes and dreams
will come true
when we live for the greater good,
and when we contribute to the development of humanity,
to our organization, community or society,

it must build upon the foundation of
mutual respect, great understanding and love,
tolerance and forgiveness.

Phe Bach
Sacramento, March 10th, 2012.

Sunday, July 8, 2012

NGHỆ THUẬT SỐNG TRONG THỜI ĐẠI @


                             Reflections - Lắng lòng nhìn lại. Ảnh from Twitter

Dẫn nhập: Hơn nửa vòng trái đất, từ quê hương thân yêu, Thầy Thái Tuệ gởi i-meo nhờ viết bài với chủ đề: "Làm thế nào để sống có hạnh phúc trong thời đợi @." Thật ngạc nhiên nhưng rất vui khi nhận i-meo của Thầy. Ngại lắm, nhưng vì kính trọng Thầy Thái Hoà và Thầy nên nhận lời và xin được cảm ơn Thầy cho con cơ hội này chia sẻ cùng quý độc giả trong nước vài suy nghĩ thô thiển về một cuộc sống hạnh phúc.

NGHỆ THUẬT SỐNG TRONG THỜI ĐẠI @
"Những ai muốn đạt tới an lạc thường nên học hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết sử dụng ngôn ngữ từ ái, những kẻ ấy biết sống đơn giản mà hạnh phúc, nếp sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn và không đua đòi theo đám đông." Kinh Thương Yêu.

          Khái niệm về thời đại @ là gì? Theo cái hiểu biết của chúng tôi thì đó là thời đại ngày nay. Một thời đại mở cửa kinh tế thị trường, mở rộng thông tin, văn minh và khoa học. Một thời đại có lẽ hơi đua đòi chạy theo vật chất bên ngoài và ảo tưởng. Con người trong thời đại @ đôi lúc quên đi hoặc đánh mất những giá trị cốt lõi. Vì thế mình phải tìm lại những nghệ thuật sống, tìm lại bản tính chân thật, nhân phẩm, thanh tịnh và ưu việt để không bị lầm lạc, không quên bản thể bất hoại hằng hữu của mình. Nghệ thuật sống là tìm lại chính mình, biết mình là ai và đang làm gì, biết những gốc rễ và cội nguồn huyết thống và tâm linh của mình, biết kiểm soát chính mình là bước đầu của hạnh phúc. 

         Vậy hạnh phúc là gì và làm sao có được hạnh phúc an lạc? là một câu hỏi vô cùng quan trọng vì ai trong chúng ta lại không muốn có được một cuộc sống an lành và hạnh phúc. Hãy đọc một bài kinh ngắn về Chân Hạnh Phúc (Maha Mangala Sutta) mà Hoà Thượng Thích Thiện Châu dịch là:
         Như vầy tôi nghe, một thời Thế Tôn ở tại Savatthi, trong rừng Jeta, vườn Anathapindika. Có một thiên nhân, khi đêm gần tàn, với dung sắc thù thắng chiếu khắp rừng Jeta, đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, kính lễ Thế Tôn, rồi đứng một bên, thiên nhân ấy nói lên bài kệ trước Ðức Thế Tôn như sau:

''Chư thiên và loài người
Suy nghĩ về hạnh phúc
Ước mong được hạnh phúc
Chân hạnh phúc là gì?

Thế Tôn đáp kệ rằng:

''Kẻ si mê nên tránh
Bậc hiền đức phải gần
Cung kính người đáng kính
Ấy là chân hạnh phúc.

Chọn nơi lành mà ở
Ðời trước đã tạo phúc
Nay giữ lòng thẳng ngay
Ấy là chân hạnh phúc.

Hiểu rộng và khéo tay
Giữ tròn các giới luật
Nói những lời hòa ái
Ấy là chân hạnh phúc.

Cung dưỡng cha mẹ già
Yêu mến vợ /chồng và con
Không vương vấn phiền hà
Ấy là chân hạnh phúc.

Cho và sống đúng cách
Nên giúp đỡ bà con
Hành động không chê trách
Ấy là chân hạnh phúc.

Ngăn trừ điều ác xấu
Dứt bỏ thói rượu chè
Chuyên cần trong Chánh Ðạo
Ấy là chân hạnh phúc.

Kính nhường và khiêm tốn
Biết đủ và nhớ ơn
Tuỳ thời học đạo lý
Ấy là chân hạnh phúc.

Nhẫn nhục vâng ý lành
Viếng thăm bậc tu hành
Tuỳ thời bàn luận đạo
Ấy là chân hạnh phúc.

Trong sạch và siêng năng
Suốt thông các chân lý
Thực hiện vui Niết Bàn
Ấy là chân hạnh phúc.

Tiếp xúc với thế gian
Giữ lòng không sa ngã
Không sầu nhiểm bình an
Ấy là chân hạnh phúc.

Như thế mà tu hành
Việc gì cũng thành tựu
Ở đâu cũng an lành
Ấy là chân hạnh phúc''.

          Nếu chúng ta thực hành bài kinh ngắn trên, chắc chắn chúng ta sẽ có được lợi lạc và hạnh phúc. Về khái niệm hạnh phúc và nghệ thuật sống trong thời đại @, đối với chúng tôi: Khi vừa sinh ra, hạnh phúc đơn giản chỉ là bầu sữa mẹ. Rồi lớn lên dần một chút, hạnh phúc là được đi tắm biển mỗi ngày. Khi ra nước ngoài hạnh phúc đơn thuần là được tự do chọn con đường mình đang đi trong học vấn và trong cuộc sống. Chúng tôi có rất nhiều hạnh phúc mỗi khi đi học về, được mẹ âu yếm và vỗ về; hơn thế nữa là đã có những bữa ăn thịnh soạn khi mẹ không đi làm. Rồi có vợ, hạnh phúc đơn thuần chỉ là những lần chia ngọt sẻ bùi và những thăng trầm trong cuộc sống. Khi có con, hạnh phúc thật giản dị như là khi con biết khóc, biết cười, biết bò, biết đi, biết đứng, biết nói v.v... Nói tóm lại hạnh phúc đang ở trong tầm tay của chính mình. Tuy nhiên, giống như tình yêu, mỗi khi bạn đi tìm hạnh phúc, thì dường như nó càng xa lách bạn.  Thiền Sư Thích Nhất Hạnh thường nhắc: “There is no way to happiness, happiness is the way” xin tạm dịch "Không có con đường dẫn đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường." Nó là một quá trình, không phải là một nơi để đến. Tuy nhiên theo kinh nghiệm cá nhân, chúng ta cũng có những nghệ thuật sống để có được hạnh phúc trong thời đại @ này.  Đây là bốn điều tôi đang thực tập và nhận chân được sự an lạc và hạnh phúc trong cuộc sống ở thời đại @ này.


1. Sống có định hướng trong nền tảng từ bi và trí tuệ

            Khi mình có định hướng thì cuộc sống sẽ có mục đích và ý nghĩa.  Nó là năng lượng thúc đẩy ta đến mục đích tốt đẹp mà mình đã định. Tuy nhiên định hướng này phải đặt trong nền tảng của sự hiểu biết và thương yêu. Nói một cách khác, con đường nào mình chọn? con đường nào mình đang đi? Ví dụ, nếu mình muốn gần đến Đức Phật hay một nơi nào đó (tượng Phật chẳng hạn), con đường duy nhất mà mình đi là từ từ tiến đến gần Ngài hay đến tượng Phật đó. Nếu mình không chịu đi hoặc đi lùi lại thì dĩ nhiên là chúng ta càng ngày càng xa nơi mình muốn đến. Và thế là lâu lắm mới đến đích. Phần thứ hai là con đường nào mình chọn, ví dụ như cây viết trước mặt bạn. Nếu bạn nghiên nó về bên phải, chắc chắn nó sẽ ngã về bên phải. Nếu bạn nghiên nó về bên trái, chắc chắn nó sẽ ngã về bên trái. Trong ca dao tục ngữ của người Việt chúng ta: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" là vậy. Nhưng điểm đến đó phải có chất liệu thương yêu và hiểu biết thì chúng ta sẽ không lạc đường đến bến bờ mong đợi.


2. Sống cuộc sống cân bằng và hoà hợp

            Chúng tôi đã học và hành trì theo những vị Tôn túc khả kính và có quan niệm rằng, cuộc sống của chúng ta đều có 3 cuộc sống khác nhau: cuộc sống cá nhân (personal/private life), cuộc sống xã hội (public life) và cuộc sống tâm linh (spiritual life).  Con người thường gặp những chán chường, không toại nguyện, khổ đau, thất vọng, sợ hãi và đưa đến tột cùng đau khổ (hay không có hạnh phúc thật sự) là vì họ quá đặt nặng vào cuộc sống cá nhân riêng tư hay cuộc sống xã hội nhiễu nhương, mà quên đi cuộc sống thứ ba, cuộc sống tâm linh của mình. Mình phải biết cách dung hòa (balance) cả ba để cuộc sống của mình cân bằng và thoải mái hơn. Tuy nhiên, theo quan điểm nhà Phật thì mình nên chú trọng vào cuộc sống tâm linh của mình, vì khi mình có nó, thì mình cũng có hai cuộc sống kia. Cuộc sống tâm linh là tìm lại bản tánh thanh tịnh, "bổn lai diện mục", Phật tánh, hay khả năng giác ngộ của chính mình. Vì thế chúng ta nên cố gắng bỏ nhiều thời gian hơn cho cuộc sống tâm linh của mình, cho chính mình và cho gia đình huyết thống và gia đình tâm linh của mình. Vậy hãy cố gắng dành ít thời gian cho chính mình dù chỉ năm mười phúc mỗi ngày để chú tâm đọc một cuốn truyện, nghe một bản nhạc, quan tâm những người thân, sự vật quanh mình hay tụng kinh, tham thiền, hay thực hành chánh niệm. Đó là sự hành trì. Nền tảng của cuộc đời là có một cuộc sống tâm linh trọn vẹn và khi mình có cuộc sống tâm linh cao thượng, mình có tất cả.
            Ngoài ra, mình sống làm sao cho hoà hợp.  Trên thuận dưới hoà, sống yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Một trong những tinh hoa mà chúng tôi học được từ những vị cao Tăng thạc đức là: "Trên kính, dưới thương, và ngang nhường." Hay nói theo tinh thần trong Gia đình Phật tử là "thương già, hiểu trẻ". Nói tóm lại, nếp sống hoà hợp hay hành xử theo tinh thần lục hoà rất cần thiết để có một cuộc sống an lành và hạnh phúc.

3. Sống cuộc đời thiểu dục hay con đường Trung đạo

         Trong Kinh Di Giáo, Đức Phật có dạy: "Tri túc chi nhơn tuy ngọa địa thượng du vi an lạc. Bất tri túc giả thân xử thiên đường diệc bất xứng ý." Có nghĩa là: "Người biết thế nào là đủ, tuy nằm trên đất cũng thấy an vui hạnh phúc. Người không biết thế nào là đủ, tuy thân xác ở trên cảnh giới thiên đường, tâm ý vẫn không thỏa mãn!"
          Ở ngoài đời, cụ Nguyễn Công Trứ có câu:  “Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc. Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?” - "Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ. Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn?"
          Ở trong đạo chúng ta có “phương pháp đối trị lòng tham muốn quá độ” là Thiểu Dục và Tri Túc. Cố Hoà thượng Thích Thiện Hoa có dạy trong cuốn Phật Pháp Căn Bản là: “Muốn được sung sướng an vui, chúng ta cần phải Thiểu Dục và Tri Túc.” Ðể đối trị lòng tham, Phật khuyên chúng ta phải ‘thiểu dục và tri túc’. Có nghĩa là “muốn ít và biết đủ.” Thầy nhấn mạnh: "Muốn ít là đối với cái chưa có, mà vì nhu cầu, mong cho có… chứ không muốn (những gì) quá sức hay tài chánh của mình." Thầy lại căn dặn: "Biết đủ, gặp hoàn cảnh nào cũng đều an phận tùy duyên. Ðối với việc ăn, mặc và ở, tự thấy mình có đủ dùng rồi, không tham cầu nhiều hơn nữa, mà phải khổ sở về tinh thần" trong đó có ngũ dục (tài sắc danh thực thuỳ) hay là: a) Tham muốn tiền của; b) Tham muốn sắc đẹp; c) Tham muốn danh vọng; d) Tham muốn ăn ngon; e) Tham muốn ngủ kỹ mà người đời tham muốn và thường bị chúng sai khiến.


            Vì thế chúng ta cần xét lại, chứ đừng thoả mãn quá đáng ngũ dục đó, thì mình càng thêm khổ. Trong cuộc sống thời đại @ này, thì chúng ta có thể dùng con đường Trung đạo hoặc modification/giảm bớt.  Cái đẹp của tất cả là nằm giữa của hai thế cực. Tục ngữ chúng ta có câu: "No mất ngon, giận mất khôn" là vậy.  Ví dụ, khi chúng ta đi ăn buffet, thì chúng ta không nên ăn cho thoả mãn (ăn cho đả) vì cứ nghĩ là mình đã trả tiền.  Như vậy thì sẽ không còn cảm giác ngon hoặc an lành nữa.



            Nói tóm lại, như cố Hoà thượng Thích Thiện Hoa dạy: "Kẻ ngoài đời và người trong đạo, muốn được hạnh phúc chân thật, thì nên tu hạnh ‘thiểu dục’ và ‘tri túc’. Vì thật sự, những người không quá đòi hỏi về vật chất, thì chẳng hề so sánh với bề trên; do đó, không thấy mình thiếu thốn về vật chất, nên ít khổ. Hơn nữa, họ chỉ so sánh với kẻ dưới, thấy mình khá giả, đầy đủ hơn, nên dễ mãn nguyện. Muốn tránh khỏi tai nạn trong gia đình và xã hội, mỗi người trên thế gian nầy, đều phải giữ phận thủ thường, đừng vượt quá khả năng của mình. Trên thể giới năm châu hiện nay, muốn có hòa bình để mà hưởng lạc thú hoà bình vĩnh viễn, thì cũng không ngoài cái hạnh ‘Thiểu dục’ và ‘Tri túc’ mà được."



4. Sống lạc quan và yêu đời.

           Điều cuối trong bài viết này là mình cần có một cái nhìn lạc quan và yêu đời. Hãy “đem mắt thương nhìn cuộc đời.” Hãy sống lạc quan, yêu đời thì cuộc sống nhẹ nhàng và thoải mái hơn. Trong đó, lối sống "chín bỏ thành mười" thì cuộc sống càng ngày càng hướng thiện và những hành giả thì càng có thêm an lạc và hạnh phúc. Cái nhìn lạc quan đó sẽ mở cửa cơ hội cho một tương lai tươi sáng hơn.  Việc này không những lợi cho mình mà lợi cho người.


            Xin hãy lắng nghe Thầy Thích Chân Pháp Hữu khẳng định: "Tôi năm nay hai mươi bốn tuổi, là một người tu trẻ và hạnh phúc....Tôi muốn nói với những người bạn trẻ rằng đạo Bụt vẫn còn rất tươi mới và thiết thực đối với thế hệ trẻ chúng ta. Đạo Bụt không chỉ dành cho người già và người đã chết, mà có thể trở nên sống động và tràn đầy sự sống. Đạo Bụt có thể dẫn dắt thế hệ mới của chúng ta hướng về một tương lai tươi sáng hơn. Là một người tu, tôi luôn hành trì theo giới luật và uy nghi để bảo hộ cho mình, nhưng không vì vậy mà tôi không được sống như một người trẻ! Tôi vẫn có thể chơi bóng rổ với các sư anh, sư chị, sư em của mình; tôi vẫn có thể hát nhạc rap với các bạn trẻ. Chỉ có điều, tôi làm những điều này với ý thức chánh niệm và với tinh thần xây dựng tình huynh đệ... Tôi cầu mong cho mọi người trẻ trên thế giới này đều tìm thấy cho mình một nơi mà mình có thể trở về để tiếp xúc với gốc rễ của mình, và tiếp xúc với gia tài tâm linh mà tổ tiên đã trao truyền." (Lá Thơ Làng Mai 35, 2012, trang 71-75.) Đó là một sự lạc quan và yêu đời vô giá.

            Nói tóm lại, nghệ thuật sống thế nào để có an lạc và hạnh phúc thì ai trong chúng ta cũng đã biết. Cái quan trọng là ở phần thực nghiệm và hành trì. Vậy xin mời cùng tất cả quý độc giả hãy HÀNH TRÌ và cùng nhau thầm tụng bài kinh Thương Yêu này như để kết thúc bài viết này.

                                  Kinh Thương Yêu *
Những ai muốn đạt tới an lạc thường nên học hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết sử dụng ngôn ngữ từ ái, những kẻ ấy biết sống đơn giản mà hạnh phúc, nếp sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn và không đua đòi theo đám đông.


Những kẻ ấy sẽ không làm bất cứ một điều gì mà các bậc thức giả có thể chê cười.


Và đây là điều họ luôn luôn tâm niệm:

Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.



Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh.



Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.



Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài.



Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ một cái gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút hờn oán hoặc căm thù. Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, miễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi. Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất.



Không lạc vào tà kiến, loại dần ham muốn, sống nếp sống lành mạnh và đạt thành trí giác, hành giả sẽ chắc chắn vượt khỏi tử sinh. “Kinh Thương Yêu”


                                    Tham Khảo:
1. Làng Mai, Kinh Thương Yêu, trang nhà Làng Mai, www.langmai.org, tải xuống ngày 29 tháng 2, 2012.

2. Nguyễn Công Trứ, Chữ Nhàn, trang nhà http://thuvien.maivoo.com/tho/Nguyen-Cong-Tru/Chu-Nha-n-5230.html, tải xuống ngày 29 tháng 2, 2012.

3. Thích Chân Pháp Hữu, Đạo Bụt trong lòng ng ười Trẻ, Lá Thư Làng Mai 35, trang 71-75.  Làng Mai xuất bản, 2012.

4. Thích Thiện Châu, Kinh Chân Hạnh Phúc (Maha Mangala Sutta), trang nhà Quảng Đức, http://www.quangduc.com/kinhdien/kinhchanhanhphuc.html, tải xuống ngày 1 tháng 3, 2012.

5.  Thích Thiện Hoa, Thiểu Dục và Tri Túc, Phật Học Phổ Thông, Phật Học Phổ Thông (Tập I - Từ khoá một đến khoá 5), trang 240-247. Chùa Khánh Anh, Paris, Pháp Quốc, 2000.

Tâm Thường Định
March 12, 2012.
     Bạn có thể đóng góp ý kiến hay liên lạc tác giả qua phebach.blogspot.com hoặc email: kxbach@yahoo.com.

* (English version) 
Discourse on Loving Kindness (Metta Sutra)
He or she who wants to attain peace should practice being upright, humble, and capable of using loving speech. He or she will know how to live simply and happily, with senses calmed, without being covetous and carried away by the emotions of the majority. Let him or her not do anything that will be disapproved of by the wise ones.
(And this is what he or she contemplates:)
May everyone be happy and safe, and may all hearts be filled with joy.
May all beings live in security and in peace – beings who are frail or
strong, tall or short, big or small, invisible or visible, near or faraway, already born, or yet to be born. May all of them dwell in perfect tranquility.
Let no one do harm to anyone. Let no one put the life of anyone in danger.
Let no one, out of anger or ill will, wish anyone any harm.
Just as a mother loves and protects her only child at the risk of her own
life, cultivate boundless love to offer to all living beings in the entire cosmos.
Let our boundless love pervade the whole universe, above, below, and
across. Our love will know no obstacles. Our heart will be absolutely free
from hatred and enmity. Whether standing or walking, sitting or lying, as
long as we are awake, we should maintain this mindfulness of love in our
own heart. This is the noblest way of living.
Free from wrong views, greed, and sensual desires, living in beauty and
realizing Perfect Understanding, those who practice boundless love will certainly transcend birth and death.
Etena sacca vajjena sotthi te hotu sabbada.
Etena sacca vajjena sotthi te hotu sabbada.
Etena sacca vajjena sotthi te hotu sabbada.
[By the firm determination of this truth, may you ever be well.]
Metta Sutta, Sutta Nipata 1.8
Hanh, Thich Nhat, and the Monks and Nuns of Plum Village. Chanting from the Heart: Buddhist Ceremonies and Daily Practices. Parallax Press, 2007. 269.


                                                                                                      

Sunday, April 1, 2012

Ngọn đuốc Jamphel Yeshi

                                                                          Photo By STRINGER/INDIA/Reuters  
Ngọn đuốc Jamphel Yeshi

Lại thêm một người đàn ông Tây Tạng, Jamphel Yeshi,
tự thiêu chết chạy tại New Delhi - đốt lên ngọn lửa cho quê hương Tây Tạng
Những người Tây Tạng lại biểu tình bằng tấm thân đốt cháy của mình.
Những ngọn lửa này là phản ánh chính sách khắc nghiệt của Trung Quốc
-hà khắc đến nổi tượng Phật cũng thành tro bụi-
ngay trong khuôn mặt thờ ơ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào
khi ông tham dự một ngày hội nghị thượng đỉnh của BRIC

Yeshi đã viết và để lại trước khi chết
"Thực tế, người Tây Tạng đang tự thiêu trong thế kỷ 21
là để cho thế giới biết về sự đau khổ của họ".
Nhiều vị tu sĩ Phật giáo trẻ,
đã hy sinh, tự thiêu để bày tỏ
nỗi bất bình bằng trước sự cai trị dã man
Sự vô thường của ngọn lửa
người
là một tiếng gào thét để thu hút sự chú ý của các nước phương Tây
trước chính sách diệt chủng Tây Tạng của chính quyền Trung Quốc.

Lại một vụ tự thiêu của một người Tây Tạng
vang xa như âm thanh của một đại hồng chung
Đang mời gọi: hãy cứu lấy Tây Tạng!
Hãy hành động NGAY.

http://news.yahoo.com/tibetan-dies-self-immolation-india-hu-visit-095311215.html

Thursday, January 19, 2012

Định dịch bài thơ Xuân Vãn của Vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308).


                                 Ảnh: Nguyễn Sanh Tỵ

Định dịch bài thơ Xuân Vãn 
của Vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308).
                                                                                Tâm Thường Định


            Ngài là một vị vua anh minh lỗi lạc, một nhà văn hóa lớn, một thi sĩ uyên thâm, một thiền sư đắc đạo, và hơn hết Ngài là một vị Sư Tổ Thiền Việt Nam. Ngài sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Uyên Tử lúc ngài 41 tuổi sau khi nhường ngôi lại cho con là Vua Trần Anh Tông (1276-1320).  Trong những thi phẩm của Ngài, thơ xuân chiếm một phần rất lớn.  Một trong những bài thơ đó là bài “Xuân Vãn”.  Có lẽ Ngài chỉ mượn cảnh mùa xuân để diễn đạt sự chứng ngộ của Ngài. Mà sự chứng ngộ của riêng Ngài thì làm sao kẻ phàm phu tục tử như chúng ta có thể thấu triệt được. Bài thơ như sau:



XUÂN VÃN  
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,  
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung.  
Như kim khám phá Ðông hoàng diện,  
Thiền bản, bồ đoàn khán trụy hồng. 

(Dịch nghĩa: Khi còn trẻ (chúng ta/nhà Vua) chưa từng hiểu rõ “sắc” với “không” / Mỗi khi xuân đến vẫn xao xuyến/gửi lòng trong trăm hoa / Ngày nay đã khám phá/nhận diện được bộ mặt của Chúa xuân / Ngồi trên nệm cỏ/bồ đoàn nhà thiền ngắm cảnh hoa hồng rụng).  Bài thơ này đã có nhiều người dịch, ví dụ:

Xuân Muộn
Tuổi trẻ chưa tường không với sắc,
Lòng xuân mãi vướng với trăm hoa;
Nay đà hiểu hết được lẽ thật,
Bình thản ngồi trông bóng xuân qua.
(Phan Thành Khương dịch)

Xuân Muộn
Tuổi trẻ chưa tường lẽ sắc không,
Xuân sang, hoa nở, rộn tơ lòng.
Chúa xuân nay đã thành quen mặt,
Nệm cỏ ngồi Thiền ngó rụng hồng.
(Trích từ bài của Nguyễn Công Lý)

Nhưng có lẽ chúng tôi thích nhất là lối dịch rất thoát của Ôn Trúc Lâm.

CUỐI XUÂN 
Thuở bé chưa từng rõ sắc không,  
Xuân về hoa nở rộn trong lòng.  
Chúa Xuân nay bị ta khám phá,  
Thiền bản, bồ đoàn, ngắm cánh hồng. 

 (Hòa thượng Trúc Lâm dịch - Trích từ bài của thầy Thích Thông Huệ)

Riêng cá nhân chúng tôi, thì cũng định dịch ra như sau:

XUÂN QUA
Tuổi trẻ chưa tường tỏ sắc không
Tâm xuân vừa đến trăm hoa lòng
Bây chừ hiểu rỏ thềm chân lý
An nhiên tĩnh tọa cánh hồng rơi.

Đọc qua, đọc lại vẫn chưa diễn đạt những gì Sư Tổ muốn nói, rồi lại đổi thành:

XUÂN RÃI
Tuổi trẻ chưa tường tỏ sắc không
Tâm xuân vừa đến trăm hoa lòng
Chúa Xuân hiện hữu thừa chân lý
Giường Thiền tĩnh toạ thấy hồng rơi. (Tâm Thường Định dịch)

Bài thơ này được cư sỹ Nguyên Giác dịch ra tiếng Anh là:

The Late Spring
When I were young, I did not understand the existence and the emptiness. 
Now the spring flowers bloom, and I am blissful to see clearly the face of the spring.  
From the Zen bed, sitting on a grass mat, I keep watching the falling roses. 


Rồi chúng tôi theo gót anh cũng mạo muội dịch ra tiếng Anh như sau:

Spring Perspective
The young don’t understand existence or emptiness
Their inner spring arrives and hundreds of flowers start to bloom
A clear understanding and realization of the true path arises
Sitting and reflecting on the falling of the rose petals. (Phe Bach translated)

Nhưng cũng chưa hài lòng lắm, nên dịch lại là:


The Inner Spring
When I was young, I didn't quite understand existence or emptiness
The spring comes and I am still excited as hundreds of flowers start blooming
Now, realizing the inner spring is always here; it is the true path
Sitting on the Zen mat acknowledging the falling of the rose petals. (Phe Bach translated)

           
            Nói tóm lại, chúng ta không thể thấu triệt được những gì đã chứng ngộ, là trí tuệ bát nhã, là tinh thần Bồ tát Ðại thừa của vị Thiền Sư đắc đạo.  Hay như Thầy Thông Huệ nhấn mạnh:“Thuở bé chưa từng rõ sắc không / Xuân về hoa nở rộn trong lòng”: Thuở bé là lúc còn non tuổi đời, cũng là khi còn ấu thơ về đạo lý. Nhân một ngày xuân đi dạo trong vườn thượng uyển, Thái Tử thấy trăm hoa đua nở tỏa hương ngào ngạt. Chưa thấu hiểu lý Bát Nhã, chưa rõ thể tánh không của các pháp, Thái Tử ngỡ thân tâm cảnh đều thật có. Ý thức chấp ngã chấp pháp mạnh mẽ, nhất là trong điều kiện thuận lợi về vật chất, Ngài làm sao tránh khỏi rộn ràng xao xuyến khi thấy cảnh xuân về? Mà cá nhân chúng tôi, ở tuổi Tam thập nhi lập, thì làm sao dịch cho hay được.  Mình bị giới hạn những cái gì mình đang là.  Cho nên, mặc dù tất cả chúng ta có ý nghĩ tốt, nhưng dịch những bài thơ thiền đã được chứng ngộ như vậy thì chúng ta chưa đạt được, nên chúng ta hãy để nguyên như vậy:

XUÂN VÃN  
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung.
Như kim khám phá Ðông hoàng diện,
Thiền bản, bồ đoàn khán trụy hồng. 

  
Sacramento, cuối Đông 2011.
   

Tham Khảo:


1.     Nguyễn Công Lý, Trần Nhân Tông với cảm hứng mùa xuân. Giáo Ngộ Online. http://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=5B4250

2.    Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giao Sử Luận, I-II-III, Nhà Xuất Bản Văn Học, Hà Nội.  2000.


3.    Phan Tấn Hải, Trần Nhân Tông - Đức Vua Sáng Tổ Một Dòng ThiềnNguyên Giác dịch và bình. Thư Viện Hoa Sen http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-134_4-12424_5-50_6-1_17-39_14-1_15-1/

4.    Phan Thành Khương, Mùa Xuân, Lại (*) Đọc Thơ Xuân Của Hoàng Đế Trần Nhân Tông (1258 – 1308). Văn Chương Việt. http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=17424


5.    Thích Thông Huệ, Bài thơ XUÂN VÃN của Ðiều Ngự Giác Hoàng - Trần Nhân Tông. Thư Viện Hoa Sen. http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-137_4-9805_5-50_6-1_17-41_14-1_15-1/

Đã đăng ở Nguyệt San Chánh Pháp, bộ mới số 3 và Thư Viện Hoa Sen.

<a name="<$BlogItemNumber$>">&nbsp;</a>