Hình ảnh ca nhạc sĩ Nguyên Quang đang ‘nhập định’ trong Chánh điện Chùa Kim Quang |
TA TÌM NHAU – Âm Hưởng Pháp Thoại Trong Ca Khúc
Trong dòng nhạc Nguyên Quang, có thể bạn chưa biết? Có những cuộc tình không hẹn mà đến. Có những cuộc chia ly không chờ đã vội đi. Và cứ vậy người đời vẫn cứ tìm kiếm nhau trong hư ảo. Rồi đến khi chịu ngồi yên trong tĩnh lặng thì chợt nhận ra mọi thứ đều là phù du.
Và thế đó, chỉ thấy, biết để rồi yêu thương nhau hơn nữa. Xin mạn phép phân tích vài đoạn trong bài nhạc mới nhất, “Ta Tìm Nhau” của người bạn, người anh, bất đắc dĩ gọi anh là “ca nhạc sĩ Nguyên Quang” vì anh không thừa nhận anh là nhạc sĩ và cũng không là ca sĩ. Anh là một thạc sỹ kỹ sư ngành công chánh.
Hãy nghe 2 câu mở đầu ca khúc qua hình ảnh thân thương quen thuộc này:
“Trăm năm trước ta vẫn là hạt bụi
Bụi hư vô trôi dạt cõi hư không”,
Nhìn từ con mắt Thiền quán về hạt bụi vô thường trong nhạc của anh, Nguyên Quang đã đưa người nghe bước vào không gian của vô thường, vạn vật vô ngã, nơi đời người được soi chiếu bằng ánh sáng của duyên sinh, duyên khởi và không tướng. Hạt bụi – tượng trưng cho bản thể nhỏ nhoi mỏng manh, không cố định – là hình ảnh quen thuộc trong thiền học: không sinh, không diệt, không nhơ, không sạch, không đến, không đi. Câu hát này gợi chúng ta nhớ đến dòng nhạc Trịnh Công Sơn, với những lời ca như “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi…” – Cả hai cùng chạm đến ý niệm rằng sự sống chỉ là một sự tái sinh, một nhịp cầu tạm, được khởi đầu bằng duyên sinh này và kết thúc bằng một duyên sinh khác trong cõi mộng, thực - ảo mà thôi. Nó như một làn khói nhẹ giữa vô biên muôn trùng.
Rồi kế tiếp, như một pháp thoại, anh đã nhắc nhở rằng, “Tìm nhau hay tìm chính mình?”
“Tìm trăm năm, trăm năm tìm lại mình
Tìm tàn phai để hiểu thấu tình nhau”
Đây là một câu thiền thoại, không chỉ nói đến việc tìm kiếm một cố nhân hoặc người trong mộng, mà sâu xa hơn là hành trình tìm về chính mình, nhận diện “tàn phai” để thấy được bản chất của đời sống và tình yêu. Mong manh và dễ vỡ, nên thấy để yêu thêm hơn. Trong cái nhìn của nhà thiền, mọi cuộc tìm kiếm bên ngoài chỉ là biểu hiện của một cuộc truy vấn bên trong. Và khi “ta tìm em giữa lặng thinh”, thì cũng chính là lúc ta chạm vào cái trống rỗng, sự tịch lặng, trong bản thân – nơi không còn ranh giới giữa người đi tìm và người được tìm. Nếu cái thấy, cái nhìn Ba la mật như thế, thì đã được tìm nhau tự thuở nào.
Hãy nghe những lời kế tiếp, đâu đó hình ảnh của hư vô, lặng thinh và sự tỉnh thức
“Ta tìm nhau giữa dòng đời lặng lẽ
Tìm hư vô, hư vô tìm bóng ai”
Ngôn ngữ trong ca khúc vừa mơ hồ, vừa sâu thẳm, gợi tính thiền định: nơi lặng thinh không phải là vắng lặng, mà là không gian tỉnh thức, không còn bị chi phối bởi ý niệm, cảm xúc và cảm thọ. Cái “bóng ai” kia không phải một người cụ thể, mà có thể là bản thể đích thực – cái mà trong Thiền gọi là “chân như” hay “diệu tâm”. Giữa dòng đời, ta vẫn có thể tìm thấy nhau – nếu ta có mặt trọn vẹn trong từng giây phút.
Rồi sao nữa, như một bài pháp, anh khuyên chúng ta hãy buông đi, âu như là một cái nhìn đầy từ bi đầy trí tuệ vậy.
“Thôi về đi cho ta vui với đời
Theo thời gian làm bạn với gió mây
Trong hư vô ta thấy mình bé lại
Buồn cho em lận đận mối tình si”
Một khi đã nhận ra mình chỉ là hạt bụi nhỏ bé trong cõi ta bà này, không còn chịu sự chi phối của ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) không còn vướng mắc đến hỷ, nộ, ái, ố, dục, lạc, tham, sân, si, thì bỗng nhiên cảm thấy thân nhẹ tựa mây, bay khắp đó đây mà thấy đời vui vậy. “Thôi về đi” không phải là lời oán trách, giận hờn, mà là lời buông xả trong tinh thần tứ vô lượng tâm (bốn tâm rộng lớn), hay người đời nói là có bác ái và chấp nhận. Trong triết lý Phật giáo, buông bỏ không có nghĩa là rời bỏ, mà là sống trong sự hiểu biết, rằng mọi pháp đều không bền vững, không có tự tánh nhất định, không có gì là sở hữu vĩnh viễn. Bài hát không hướng đến kết thúc của một cuộc tình, mà là mở ra lối thoát của “hiểu và thương”, xót xa cho những người đang còn đắm chìm trong mê luyến.
Cuối cùng, nhạc sĩ cũng nhận diện mọi sự phù du huyễn hoặc của cuộc đời, ôi đâu đó cũng là bước đầu của sự tỉnh thức.
“Tìm hư vô hư vô tìm cuộc tình
Nào ngờ đâu chỉ thấy toàn phù du”
Cái “phù du” được nhạc sĩ gọi tên ở đây không phải là bi quan, yếm thế, mà là sự tỉnh thức sau khi nhìn lại những hư ảo mà anh đã trải nghiệm được trong cuộc đời này. Khi nhận ra cuộc tình cũng là một hiện tượng duyên sinh, ta mới thật sự thấy được bản chất của yêu thương – một tình thương không điều kiện, như cái nhìn của kẻ có học và hành thiền, trước viễn cảnh hoa rụng và lá bay.
Ta Tìm Nhau có thể nói là một khúc thiền ca, không chỉ nói về tình yêu, mà còn là một hành trình thiền tập giữa dòng đời vọng động bằng tư duy và ánh sáng của chánh niệm – vượt khỏi ranh giới ngã và nhân, dẫn dắt người nghe đi vào thế giới bất nhị xoá đi những ranh giới giữa ngã và vô ngã, có và không, còn và mất.
Chúc mừng ‘ca nhạc sĩ” đã có thêm một bài hát có ý nghĩa - không trực tiếp cố gắng trả lời, mà để mọi người tự lắng nghe và tự trả lời cho câu hỏi – ở lại trong cái tĩnh lặng để thấy cái sâu lắng, ở lại trong cái mất để thấy cái còn, và từ đó, tìm được mình – không đâu xa cả, mà ngay bây giờ và ở đây.
Nghe đâu có một nhà sư đã lắng nghe bài này 6-7 lần khi anh Nguyên Quang mới bỏ lên YouTube và cũng có cùng cảm nhận. Thôi thì chúng ta cùng quán chiếu vậy. Mời quý vị nghe nhạc phẩm này ở đây, https://www.youtube.com/watch?v=rYYVUyE3r3Q
Chúc đêm nhạc Tình Ca Nguyên Quang với chủ đề “Hạnh Phúc Vẫn Còn Đây” tại Coffee Factory, Nam California vào thứ Bảy, ngày 7 tháng 6, 2025 thành công viên mãn.
Tâm Thường Định
Pinecrest, CA
April 24, 2025
Hình poster cho đêm nhạc Tình Ca Nguyên Quang