Showing posts with label Du lịch. Show all posts
Showing posts with label Du lịch. Show all posts

Thursday, January 4, 2018

ĐI DU LỊCH VÀ LÀM NGƯỜI DU KHÁCH

Kỳ Co vẫn còn hoang sơ tại Nhơn Lý cách đây vài năm.
ĐI DU LỊCH VÀ LÀM NGƯỜI DU KHÁCH
Đang đi tung tăng cùng các cô bạn cùng lớp đến từ Philippine, Thái Lan, Bungary đến Áo, gồm Vienna, Innsbruck và Salzburg, được dịp quan sát thêm cuộc sống, con người và đặc biệt là ngành du lịch nơi đây. Rồi một buổi chiều mưa ở Salzburg, nằm trong hostel mà ngẫm nghĩ linh tinh, trong cái đống suy nghĩ hỗn độn, lại liên tưởng đến nước mình, ngày càng có nhiều người có điều kiện đi du lịch, mà chắc vì còn khá mới mẻ, nên đôi khi là người du khách, chưa có nghĩ đến những hệ lụy về hành vi của mình khi đến một điểm mới, được và mất cái gì. Sẵn có những suy nghĩ trong đầu, thì thôi chia sẻ với bạn đọc cùng mối quan tâm.
Trong học thuật thì có nhiều khái niệm về việc di du lịch, nhưng trong bài này xin tạm gác qua góc nhìn hàn lâm, thay vào là quan niệm giản đơn dựa trên chiêm nghiệm của bản thân. Tôi nghĩ đi du lịch, hiểu đơn giản là đi đến một vùng đất lạ để tâm trí và cơ thể tách rời với lối sống hằng ngày, hay nói cách khác là thay đổi lối sống trong thời gian ngắn, với mục đích cơ bản là thư giãn, tìm sự cân bằng, tạo nguồn sống cho bản thân. Nghĩ rằng động cơ đi du lịch là vô chừng, nhưng nhìn chung là để trãi nghiệm cái mới mẻ mà thường ngày không có, và cảm nhận bằng mọi giác quan từ chính mình. Việc đi du lịch thường giúp con người cảm thấy tự tin hơn, bởi hiểu biết hơn qua việc tiếp xúc với nhiều kiểu người, hoàn cảnh, văn hoá, cũng là một loại thách thức bản thân cho ra kế hoạch, sáng kiến, học ngôn ngữ mới, hay đối mặt với điều bất ngờ khác nhau. nhờ vậy, người càng đi du lịch, thì càng trở nên” hiểu biết” hơn nhờ thu nạp một khối lượng thông tin mới trong một thời gian ngắn, tất nhiên không ít thì nhiều, con người càng thông thái hơn, và nhờ vậy lựa chọn chính xác hơn. Đi du lịch, giúp ta tiếp thu cái mới, nhìn cuộc sống đa chiều, để xem người khác sống cuộc sống của họ như thế nào trên cùng một bầu trời này, để hiểu được tại sao họ có mà ta không, tại sao ta không mà họ có, để rồi điều chỉnh và sống một đời tốt đẹp hơn. Bởi nên, lợi ích của việc đi đây đi đó là thiết thực, là một khoảng” đầu tư” cho tương lai, là chìa khoá để yêu cuộc sống, tạo động lực làm việc và hoàn thiện bản thân. Cái lợi ích này hiển nhiên, tùy vào cách nghĩ và lựa chọn riêng của từng người. Thật ra mục đích chính của bài này để bàn đến cái thực trạng ngày càng có nhiều người đi du lịch ở nước ta, nhưng lại ít người nhận ra ý nghĩa của chuyến đi, tận dụng nó, và đặc biệt là ý thức nên làm một người du khách như thế nào, với một thái độ như thế nào để đạt được cái mục đích như trên?
Trong cái thời đại văn minh toàn cầu này, khi mà tin tức chỉ sau vài giây là lan toả cả quốc gia, hay khu vực, mỗi hành động của con người có thể bị giám sát bởi ‘công dân toàn cầu” – mạng internet. Việc bay từ lục địa này sang lục địa khác không còn là trở ngại nữa. Theo thống kê của Tổ chức du lịch thế giới, lượng du khách quốc tế la hơn 1 tỷ năm 2016, và con số này sẽ tăng không ngừng trong các năm tiếp theo. Các thách thức cho ngành du lịch toàn cầu được bàn luận, như về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bảo về tài nguyên thiên nhiên tại điểm đến, huấn luyện nhân viên, điều tiết mùa cao điểm, cân bằng các điểm du lịch, ứng dụng công nghệ, v.v. Tuy nhiên, việc bàn luận đến người du khách nên ứng xử như thế nào để cùng giải quyết các vấn đề trên hì hiếm khi nghe đến, trong khi du khách là chìa khoá chính, là nhân tố tạo nên ngành du lịch. Do đó trong bài này, tôi xin chia sẻ vài suy nghĩ khi tôi đang là người du khách, và cũng là người đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Trong bối cảnh hiện nay người du khách, theo tôi, cần ý thức cho bản thân hai yếu tố ‘hiểu biết’ và ‘có trách nhiệm’. Với nền tảng truyền thông hiện nay, để trở thành một du khách “hiểu biết” thì không khó, thông tin đầy trên mạng, và các công ty Du lịch luôn sẵn sàng tư vấn, nhưng còn vế sau thì sao, đi du lịch như thế nào để có trách nhiệm, và ‘trách nhiệm’ ở đây là gì?
Trước tiên, bàn đến Du khách có hiểu biết, đơn giản là người biết lường trước rủi ro có thể xảy ra, bằng cách cung cấp cho bản thân đầy đủ thông tin liên quan đến chuyến đi: giá cả, thời tiết, đặc điểm cư dân bản địa, những gì nên làm và không nên làm, điểm muốn tham quan, lên ngân sách chuyến đi, phương tiện giao thông, vv…điều này chắc ai cũng biết, nhưng không hẳn ai cũng chịu làm, vì lười đọc thông tin, và vì hàng ngàn lý do khác….tuy nhiên, nên tập cho bản thân thói quen này khi đi du lịch, vừa tránh phiền toái, vừa học thêm nhiều kiến thức mới. Đọc và tìm kiếm thông tin và hai kỹ năng không thể thiếu cho mọi ngành nghề trong thời đại ngày nay, bởi vậy nếu lười, bạn chỉ có thể là một du khách” thiếu hiểu biết” trong hoàn cảnh này, hay đơn giản là không tận dụng hiệu quả thời gian, công sức và tiền bạc sử dụng cho chuyến đi. Ví dụ, trước khi đi, thời tiết là nhân tố quan trọng, nhưng du khách dễ bỏ sót và không kiểm tra thời tiết trong những ngày sắp đến, khi đến nơi trời đổ mưa, nhưng du khách vì không biết nên không mang theo dù, hai trường hợp có thể sảy ra, một là tốn thêm tiền để mua dù, hai là ráng chịu trận mưa để rồi bệnh và có thể ảnh hưởng chất lượng cả chuyến đi, dù lựa chọn thế nào thì kết quả đều không hay, và có thể tránh được. Trên thực tế, thời tiết là yếu tố quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch, mùa cao điểm hay thấp điem một phần là do thời tiết, khí hậu quy định. Nếu một sự kiện hoành tráng mà quên đi yếu tố kiểm tra thời tiết, hay dự đoán sai, có thể dẫn đến huỷ toàn sự kiện chẳng hạn.
Bàn về người khách trách nhiệm (responsible tourist). Nhìn chung, ta thấy người Châu Âu khi đi du lịch từ ăn nói, hành động đều rất từ tốn, họ lắng nghe và quan tâm đến các vấn đề cốt lõi, như văn hóa vùng miền, học vài tiếng địa phương, bỏ rác đúng nơi… đó là hình ảnh của người du khách có trách nhiệm. Thật ra người Âu, người Mỹ đã quen với khái niệm này từ lâu, và họ có lịch sử di du lịch lâu đời từ thời Thomas Cook, ông tổ ngành du lịch, nên đa phần họ biết ứng xử đầy khéo léo và chuẩn mực khi đến vùng đất mới, cụ thể qua các điểm sau:

1- Thể hiện thái độ tôn trọng người dân bản địa qua việc ý thức được sự khác biệt trong văn hoá, để điều chỉnh hành vi ứng xử của bản thân. Ở Châu Âu, du khách Trung Quốc được các chính phủ chào đón vì sức chi tiêu mạnh, nhưng hình ảnh du khách lại không được đánh giá cao trong mắt người dân bản địa chỉ đơn giản vì thói quen nói to nơi công cộng, dù đi theo nhóm đông, hay nhóm lẻ, gọi nhau ý ới, khạc nhổ, chỉ trỏ, và ứng xử cứ như đang ở nước nhà. Người Việt mình cũng không khác biệt là mấy ở phương diện này. Khi đến môi trường hoàn toàn mới, cách tốt nhất là nên quan sát người ta làm nhưng thế nào ở nơi công cộng như tàu điện siêu thị, thì mình theo như thế đó để tránh gây khó chịu cho người xung quanh, không biết thì lịch sự hỏi kèm theo nụ cười thân thiện, không quên cảm ơn dù nguoi ta có biết câu trả lời hay không, đa phần ngừoi bản địa vui vẻ giúp, nhất là với một thái độ thân thiện thì không ai nỡ từ chối.
2- Tôn trọng luật lệ địa phương, XH Châu Âu đa phần quản lý dựa trên tinh thần tự giác, buýt, tàu ít khi kiểm tra vé, hàng hoá bày ra ngoài mà không cần đứng trông, điều này thể hiện con người có niềm tin với nhau, và không có đất cho sự khôn lõi, vặt vãnh. Cách đây không lâu, đọc bài báo về thói ăn cắp vặt của người Việt khi đi học hay du lịch ở nước ngoài mà thật thấy xấu hổ thay. Trên sân quốc tế, mỗi con người là đại diện cho quốc gia, dân tộc mình, nên nếu biết rằng bản thân tham lam, đến mức phạm pháp dù luật pháp nước họ sẽ chỉ phạt, nhưng dòng tít trên báo đài, hay trong ghi chú của cảnh sát, hai từ Việt Nam luôn ở đó. Một trường hợp thì không nói, mười trường hợp như vậy tất nhiên họ phải dè chừng người Việt, nên đừng hỏi vì sao hộ chiếu nước ta không mạnh, người Việt đến hải quan có khi bị dè chừng, câu trả lời cũng một phần từ đây. Tóm lại, vì lợi ích lâu dài cho các thế hệ sau và cho cả hai chữ “Việt Nam” mà hành xử có trách nhiệm khi đi du lịch, đặc biệt là ngoài nước.
3- Có trách nhiệm với môi trường. Thông thường khi đi du lịch, du khách hay có tâm lý dùng thoải mái điện, nước, khăn, vv. trong khách sạn, nhà hàng, với tâm lý ” đã trả tiền rồi, tội gì không sài cho sướng” chính vì vậy ngành du lịch là một trong những ” tội phạm” gây ô nhiễm môi trường, huỷ hoại môi sinh ở nhiều nơi, do rác thải, chất thải, và sử dụng quá nhiều nguồn lưc tự nhiên. Ngừng lại một chút để thấy rằng, dù ở nhà hay đi du lịch, nhiệm vụ của con người trong việc bảo vệ thiên nhiên là như nhau. Vậy nên, điều tiết thói quen sinh hoạt cho môi trường là ở mọi nơi, có cần thiết phải thay khăn tắm, hay ra giường chỉ sau một lần dùng? Ở nhà liệu chúng ta có giặt ra giường mỗi ngày không? Theo tôi thì nó không chỉ vô ích mà còn lãng phí điện nước và tăng xả thải, chưa kể đến khách càng sài nhiều, chi phí vận hành càng cao, cũng góp phần, đẩy giá dịch vụ lên cao trong dài hạn. Hiện nay, có nhiều khách sạn từ hạn sang đến bình dân cho khách lựa chọn thay hay không thay ra giường, hay chỉ thay ra giường khi được yêu cầu, liệu bạn sẽ nói không để có trách nhiệm với môi trường và để giữ gìn điều kiện sống cho con cháu mai sau?
Chỉ là những suy nghĩ hỗn độn, người đọc có thể đồng tình hay không, dù sao thì trăn trở về một lối sống bền vững giữa con người và thiên nhiên vẫn chỉ là một nhánh sông nhỏ giữa các dòng lớn, của muôn vàng thách thức của người Việt và nhân loại nói chung.
Nguyễn Thị Hồng Hà, Salzburg, Austria

Hong Ha
Student of European Master in Tourism Management. Believing in climate change is existential, human takes responsibility of changing climate. Writing about tourism is my hobby as well as away to make myself useful at the certain points. 
Nguyễn Thị Hồng Hà Tốt nghiệp ngành Quản Trị Du Lịch, Nhà hàng và Khách sạn trường ĐH Hoa Sen. Từng hoạt động trong lĩnh vực tổ chức đua thể thao mạo hiểm, quản lý dự án phát triển cộng đồng tại vườn quốc gia, thiết kế và điều phối chương trình du lịch, phát triển sản phẩm. Là người yêu thích du lịch, thể thao, thiên nhiên và hoạt động bảo vệ môi trường. Hiện đang học chương trình Thạc sỹ Quản trị du lịch Châu Âu (EMTM) ở Đan Mạch, Slovenia và Tây Ban Nha.


Monday, June 15, 2015

Nhật ký Sapa, Lao Cai by Hồng Hà

Xin được trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả, bài viết rất thực từ con tim của đứa cháu gái dễ thương, Hồng Hà.

                     Nhật ký Sapa, Lao Cai
                                                      Ngày 08 tháng 06 năm 2015

            Khi nghĩ về Sapa thì mơ mộng về một vùng đất sương mù, các dãy núi cao và ruộng bật thang, những người phụ nữ H' Mông trong trang phục bắt mắt và cuộc sống giản dị của họ. Vậy là sau bao năm lăn lộn, "cày bừa" mệt mỏi, cuối cùng quyết định đến được " vùng đất hứa", để xem sapa có như trong tưởng tượng.
Đặt vé tàu Oriental từ Hà nội lên Lao Cai, mất 8 tiếng ngủ mê mệt. Mặc dù là dân làm du lịch lâu năm, nhưng vẫn chưa quen với style kinh doanh của ngoài Bắc. Cứ dáo dác tìm con tàu màu đỏ, in chữ Oriental express như hình trong tấm vé, hóa ra nó chỉ là 1 toa của tàu thống nhất !!!. Uh thì cũng được, giường nằm êm ái, ngủ ngon, gặp thêm 2 người bạn đồng toa từ Colombia và Úc. Sau một hồi chát chít với hai người mới thì nằm ngủ ngay vì thấm mệt.
5h sáng, nghe tiếng gõ cửa, tưởng là đã đến nơi hóa ra chị nhân viên trên tàu mời cafe hoặc trà. Trong trạng thái ngái ngủ " dạ, chị cho em ly cafe nhé". Sau khi phuc vụ hết mọi nguoi trong toa, chị ấy thỏ thẻ: " cho xin 20 ngàn một ly". Oop, cứ nghĩ là dịch vụ bao gồm trong "tàu hạng tốt" này chứ, những người bạn mới cũng ngơ ngác, vậy nên mình mời luôn để "vớt vát" lại đôi chút cảm xúc khó tả này.
             Từ Tp. Lào Cai đến Sapa cũng tầm 30' bằng xe đò ( sau khi mặc cả với nhà xe 150k/ khách, có thể rẻ hơn nữa), nếu đi taxi thì khoảng 500k. Đường đi vòng vèo trên sườn núi, cảnh đẹp mê hồn, một màu xanh phủ khắp mọi nơi, mây đáp trên các đỉnh núi, và rồi...ruộng bậc thang hiện ra, như hình ảnh trong các tạp chí mình hay thấy. Tâm trạng phấn chấn hẳn lên. Đến thị trấn sapa, một thị trấn nhỏ, ooh… có phần lộn xộn, đường xá nhiều đoạn đang xây hay xuống cấp, các loại xe chen chút nhau trên một con đường nhỏ hẹp, tài xế chạy " điêu luyện" đến hết hồn...có chút gì đó bát nháo trong cái thanh bình chung của đất trời Tây Bắc. Phụ nữ và trẻ em H'mông có mặt ở khắp mọi nơi, trên đường phố, trước nhà hàng, trước của khách sạn. Lúc đầu mình phân vân không biết họ đang làm gì, chắc là bán hàng, họ chủ động bắt chuyện với du khách, cười nói vui vẻ và tiếng Anh thì tốt đến ngạc nhiên. Một khung cảnh mới mẻ hiện ra trước mắt, vừa truyền thống, vừa hiện đại, vừa lẫn lộn…

             Đến Victoria, khách sạn theo phong cách cổ điển, mái ngói, gỗ, không gian ấm cúng, nằm trên đỉnh đồi và có phần tách biệt với trung tâm thị trấn. Dịch vụ rất tốt, nhân viên thân thiện và nhiệt tình. Sau khi ổn định, vác chiếc xe máy tham quan thị trấn, nhà hàng, khách sạn mọc khắp nơi, khách Tây, khách Ta khá nhộn nhịp. Chạy xe đến Thác Bạc, lên cao gió càng lạnh và cảnh vật càng tuyệt đẹp. Từ trên cao, con đường đèo ngoằn ngèo hiện ra trước mắt ngày một rõ hơn, mây bao phủ khắp nơi. Tới thác, sự háo hức có phần tụt xuống, con thác nhỏ đổ từ trên núi, nằm kẹp giữ hai cầu thang bê tông, và rác có mặt ờ khắp mọi nơi. Người ta xây bậc thang để khách dễ leo lên cao, nhưng nhìn chung lại chẳng ăn nhập gì cảnh vật nơi đây, bê tông và sắt thép vẫn luôn là " những cái mụn" của nàng tự nhiên. Sau tầm 20 phút leo lên, leo xuống các bậc thang, chúng tôi chạy tiếp đến đèo Trạm Tôn. Từ đỉnh đèo nhìn xuống thung lũng, một màu xanh mướt! trên đỉnh có vài người bán khoai nướng, trứng luột mời mọc nhưng mình chỉ mỉm cười và lắc đầu. Đang chìm đắm trong vẻ đẹp của tự nhiên thì bị "đánh thức" bởi một câu chửi từ người bán hàng " cái con khách người Việt Nam, tao mời mày ăn mà miệng câm như hến thế kia, mày cười cái gì?" Ngộ ra rằng ông ta đang chửi mình, sau đó là một tràng xyz... Cảm hứng cứ thế mà bay đi vèo vèo, thôi rút về cho nhanh để tìm chốn bình yên với một ly cafe nóng vậy ...
          Thật tình thì đến Sapa thì đừng mong sẽ có một tách cafe ngon, hay đồ ăn hợp khẩu vị. Có rất nhiều nhà hàng Tây - Ta mọc khắp thị trấn, nhưng chất lượng cũng chỉ tương đối. Trong số ít những nơi mình ăn được ở đây là NH Dao Đỏ và Le petite Gecko.
Ngày hôm sau, mình trek 13km qua 3 làng đồng bào, nhóm 5 người do cty Tom travel tổ chức. Trời mưa nhẹ, nên đường đi khá trơn trượt; mới sáng đã có nhóm phụ nữ H'mông đợi sẵn trước khách sạn, và đi theo cùng đoàn; có cảm giác như mỗi người "kèm" một khách...lúc đầu thấy không thoải mái vì biết họ muốn gì, nhưng về sau thấy dễ chịu hơn vì sự thân thiện và cởi mở của họ; trên suốt chặng đường họ giúp du khách tận tình qua những đoạn trợn trượt. Sau 4 tiếng trekking qua 2 làng, cảm nhận một cuộc sống thanh bình, giản dị với con trâu và ruộng bậc thang xây dựng qua hàng trăm năm trước.
            Dừng lại nhà hàng trong bảng để ăn trưa, và đây cũng là lúc chia tay với nhóm phụ nữ H' Mông. Chị Nhị đi cùng mình, lấy từ trong gùi ra vài món đồ thổ cẩm mời mọc; uh, thì sau một đoạn đường dài cũng phải mua cái gì đó để cảm tạ sự giúp đỡ từ họ, cuối cùng mình mua một túi xách nhỏ, giá khá đắt nhưng để giúp bữa cơm cho cả gia đình họ một ngày thì cũng đáng.
           Có thể thấy du lịch dần thay đổi cuộc sống của người đồng bào ở đây như thế nào. Phụ nữ và trẻ em H' Mông sáng sớm lên thị trấn bán thổ cẩm, hoặc đi theo khách về bản; sau khi bán được món đồ, họ về phụ chồng, cha làm ruộng…. Đàn ông sau khi chở vợ con lên thị trấn thì trở về nhà cày xới, chờ vợ con về.
Trong nhà hàng, có một nhóm 3 cô cậu nhỏ đến mời mọc mua vòng tay, thấm mệt mình chỉ biết lắc đầu. Có cô nhóc rất kiên trì, chỉ một câu “ cô mua cho cháu đi” mà lăp lại đến cả trăm lần, cuối cùng mình quay lại nghiêm mặt bảo” cô không thích, nên cô không mua đâu. Mà việc của cháu là đi chơi, đi học, còn kiếm tiền là của người lớn” …và rồi, cô bé trả lời “ nhưng mẹ cháu bảo cháu làm thế” và tiếp tục lặp lại câu nói ấy, dí vòng tay vào người mình. Đến đây thì chỉ biết thở dài và nhắm mắt lại. Cũng phải, cuộc sống người Việt mình nhìn chung đã khổ rồi, huống chi người vùng cao. Trên suốt chặng đường, ấn tượng mãi cảnh em bé còn đỏ hỏn, chắc chỉ 1-2 tháng tuổi, trên lưng mẹ khóc théc vì khát sữa, vì cái lạnh. Người mẹ dù đang đi theo khách, cuối cùng dừng lại và cho bé bú, một người phụ nữ khác cầm dù che mưa, cảnh tượng diễn ra ngay triền núi, trời mưa rả rich, cả đoàn thấy vậy dừng lại chờ hai mẹ con, nhưng người mẹ lại quyết định đi tiếp, vừa cho con bú, vừa đi xuống dốc núi, trong đôi dép lào cũ sờn…

           Ngày hôm sau, trời mưa lớn hơn, sương mù dày hơn. Cũng chẳng muốn làm gì ngoài việc ngủ trễ hơn một chút sau một hành trình dài. Định leo thêm ngọn Fanxipan, nhưng thời gian không cho phép, 40km hiking đi về trong ngày thì hơi bị quá sức. Thời tiết này thật chẳng phù hợp cho việc leo núi, và người ta lại đang xây cáp treo tới đỉnh, đường đi có phần nhớt nhát. Ngẫm lại, có nên hay không xây cáp treo tới “ Nóc nhà Đông Dương “? Với mình, sau mấy năm làm trong nghề, thấy rằng đây là điều không cần thiết và lãng phí. Nếu Sapa hướng đến đối tượng khách Tây, thì người Tây lại rất thích hiking, camping, hoạt động thể thao ngoài trời, nên nếu chú trọng phát triển tour hiking đến Fanxipan, tập trung cung ứng dịch vụ tốt từ đưa đón, ăn nghỉ, HDV, thiết bị an toàn…. thì chắc chắn sẽ có nhiều người đến Sapa hơn nữa. Nếu Sapa chú trọng đến khách Việt, khách châu Á, thì có thể cần thiết có cáp treo, nhưng một khi không quản lý tốt hơn hiện tại thì Fanxipan có thể là điểm rác tiếp theo cần phải xử lý. Ngoài ra, việc xây dựng cáp treo sẽ góp phần làm giảm nhu cầu hiking, trekking đến Fanxipan - một loại hình thể thao nên được phát triển hơn nữa, đặc biệt cho giới trẻ Việt.
             Sapa đẹp lung linh như là món quà tạo hóa, và rồi Sapa đang mất dần vẻ đẹp của nó bởi việc xây dựng lộn xộn các khách sạn, nhà hàng, bởi rác ở khắp mọi nơi, giao thông thiếu quy hoạch; Sapa đang mất đi nét dân tộc bởi thực trạng chèo kéo mua hàng từ người đồng bào, và thiếu tính hấp dẫn bởi ít ỏi về hoạt động du lịch. Hy vọng rằng các anh chị lãnh đạo tại Sapa có cách nhìn thẳng thắng về các vấn đề hiện tại và hành động để khắc phục, để Sapa không dần lu mờ đi trên danh sách top 20 điểm đến của Việt Nam, mà ngược lại ngày càng tiến xa hơn.
HH