Showing posts with label Huỳnh Kim Quang. Show all posts
Showing posts with label Huỳnh Kim Quang. Show all posts

Friday, November 1, 2024

Huỳnh Kim Quang: Cải Thiện Giao Tiếp Giữa Cha Mẹ Và Con Cái Bằng Chánh Niệm

 Cải Thiện Giao Tiếp Giữa Cha Mẹ Và Con Cái Bằng Chánh Niệm

Huỳnh Kim Quang


Làm sao để có sự giao tiếp trong cảm thông và đầm ấm giữa cha mẹ và con cái là mối quan tâm sâu xa đối với những người làm cha mẹ! Điều này lại càng quan trọng hơn đối với những gia đình di dân Việt Nam tại Hoa Kỳ, nơi mà họ vừa đối diện với sự chênh lệch tuổi tác giữa hai thế hệ dẫn đến sự xa cách về cảm thông và hiểu biết lẫn nhau, vừa phải sống trong một xã hội mà trong đó con cái của họ được giáo dục và trưởng thành trong một nền văn hóa khác đưa đến sự dị biệt trong cuộc sống gia đình. 

Tất nhiên, đó không chỉ là thực trạng đối với người Việt di cư ở Mỹ mà còn là thực trạng chung đối với tất cả mọi gia đình di dân trong đất nước Hoa Kỳ. 

Một trong những phương cách giúp cải thiện sự giao tiếp giữa cha mẹ và con cái đã và đang được áp dụng phổ biến là chánh niệm. Nhiều nghiên cứu cho thấy áp dụng phương cách giao tiếp chánh niệm giúp cho cha mẹ và con cái rất nhiều. Chẳng hạn, nó giúp cha mẹ ít cáu kỉnh, thất vọng và bất lực; nó cải thiện sự giao tiếp giữa cha mẹ và con cái; nó giúp tình cảm giữa cha mẹ và con cái đậm đà hơn; nó sửa đổi những sai sót trong hành xử; và nó làm cho cha mẹ giảm bớt căng thẳng.

Chính những điều vừa nêu trên là động lực thôi thúc những người làm cha mẹ và ngay cả con cái đi tìm phương thức cải thiện giao tiếp bằng chánh niệm. Đó cũng là lý do có cuộc hội thảo với đề tài “Giao Tiếp Chánh Niệm Dành Cho Cha Mẹ Và Con Cái Vị Thành Niên” do Tiến Sĩ Bạch Xuân Phẻ chủ trì vào trưa Thứ Bảy, ngày 26 tháng 10 năm 2024 tại Trường Bodhi Academy, 12072 Knott Street, Unit A, Garden Grove, CA 92841.

Chụp hình lưu niệm sau cuộc hội thảo tại Bodhi Academy; Photo Huỳnh Kim Quang.


Tiến Sĩ Bạch Xuân Phẻ hiện đang dạy Hóa Học tại Trường Mira Loma High School ở Thủ Phủ Sacramento, miền Bắc California, Hoa Kỳ. Ông là một hành giả thực hành chánh niệm. Ông cũng là đệ tử tại gia của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh và được Thầy Bổn Sư cho Pháp Danh là Tâm Thường Định. Ông đã và đang dạy cho các nhà giáo dục trong tiểu bang California về Chánh Niệm và Lãnh Đạo Chánh Niệm kể từ năm 2014. Ông đã xuất bản nhiều sách và nghiên cứu về việc áp dụng chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày.

Trong phần tự giới thiệu của những người tham dự cuộc hội thảo. Tôi nghe được nhiều tâm tình và hoàn cảnh của nhiều người. Có người nói đã từng đi nghe Thầy Giáo Bạch Xuân Phẻ hướng dẫn thực hành chánh niệm và đã thực hành một cách hiệu quả rất bất ngờ, nên hôm nay lại đến để học hỏi thêm. Có người cho biết rất thích thú với phương thức chánh niệm. Có người nói vì muốn học chánh niệm để dạy dỗ con cái. Có người nói muốn học chánh niệm để hiểu biết thêm về giới trẻ hầu nối lại khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Có người nói muốn hiểu chánh niệm để học cách cởi mở hơn, vân vân và vân vân… 

Mở đầu của buổi hội thảo, Thầy Giáo Bạch Xuân Phẻ đã giải thích ý nghĩa của chánh niệm. Ông nói rằng chánh niệm là có mặt ngay trong khoảnh khắc hiện tại mà không phán xét. Còn giao tiếp chánh niệm, theo ông cho biết là mang sự tỉnh thức chánh niệm này vào các cuộc nói chuyện, lắng nghe sâu sắc, và nói rõ ràng và có chủ đích. Ông nhấn mạnh rằng phải chánh niệm trong từng suy nghĩ, lời nói và hành động. Ông cho biết cách tốt nhất để thực hành chánh niệm là để tâm theo dõi hơi thở của mình. Ông nói hơi thở là sự nối kết giữa thân và tâm. Chính vì vậy, ngay từ đầu khi bước vào cuộc hội thảo Thầy Giáo Bạch Xuân Phẻ đã cho mọi người hít thở 5 phút. Ông hướng dẫn mọi người cách hít vào thật sâu và biết mình đang hít vào thật sâu. Rồi thở ra chầm chậm và biết mình đang thở ra chầm chậm. 

Quang cảnh những người tham dự trong cuộc hội thảo tại Trường Bodhi Academy. Photo Bodhi Academy.

Đi vào nội dung chính của buổi hội thảo, Thầy Giáo Bạch Xuân Phẻ nêu ra 3 trụ cột chính trong sự giao tiếp chánh niệm giữa cha mẹ và con cái: Có mặt, lắng nghe sâu và ái ngữ.

1/ Có mặt (presence): Tập trung vào khoảnh khắc hiện tại không xao lãng. Đây là một trong những yếu tố cốt lõi của chánh niệm. Bạn phải để toàn tâm ý vào giây phút hiện tại, không quay về quá khứ, không chạy tới tương lai. Ngay ở đây và bây giờ. Điều đó có nghĩa là khi cha mẹ giao tiếp với con cái của mình thì phải để toàn tâm ý vào sự giao tiếp và câu chuyện đang nói với con cái hay đang nghe con cái mình nói. Bạn không thể vừa giao tiếp mà lại vừa nghĩ tới những chuyện khác đã xảy ra hay chuyện sắp tới. Bạn không thể phân tâm. Bạn phải cho con cái của mình biết rằng bạn đang giao tiếp với chúng bằng cả thân và tâm của bạn. Thầy Giáo Bạch Xuân Phẻ đề nghị các bậc cha mẹ nên nói chuyện với con cái của mình ít nhất 10 phút một ngày và có mặt 100%. Khi cha mẹ làm được điều này thì cũng có thể yêu cầu con cái của mình làm theo. Thầy Giáo Bạch Xuân Phẻ kể rằng mỗi khi ông nói chuyện với con cái ông đều không gắn earphone và ông cũng yêu cầu con mình lấy earphone ra để cùng nhau nói chuyện.   

2/ Lắng nghe (listening deeply): Cho người đang nói chuyện với bạn thấy rằng bạn đang để tâm trọn vẹn đến việc họ đang nói mà không chuẩn bị đáp trả. Thầy Giáo Bạch Xuân Phẻ giải thích rằng những bậc cha mẹ cần học cách lắng nghe. Giữ tâm lắng sâu khi nghe mà không phản ứng, không phán xét. Nghe nỗi khổ đau của con cái. Đặt mình trong vị trí của con cái để nghe chứ không phải vị trí của mình. Thường ngày chúng ta không lắng tâm xuống để nghe mà vừa nghe, vừa nghĩ, vừa nói, vừa làm chuyện khác khiến cho chúng ta không thể nghe một cách trọn vẹn câu chuyện. Như vậy làm sao cha mẹ có thể thấu cảm được điều gì con cái mình muốn nói. 

3/ Ái ngữ (compassionate speech): Nói với sự tử tế, thành thật, và không phán xét. Ái ngữ là nói lời thương yêu, lời hòa nhã, là biểu hiện của tâm từ bi. Cha mẹ khi giao tiếp với con cái bằng những lời yêu thương thì sẽ làm cho con cái cảm nhận được tình thương yêu sâu thẳm đối với họ. Nếu cha mẹ giao tiếp với con cái bằng những lời tục tĩu, bằng lời chửi thề, bằng giọng giận dữ lớn tiếng thì sẽ làm cho con cái sợ hãi hoặc tiêm nhiễm tính nết hung dữ, thô bạo và điều đó sẽ biến con cái mình thành nạn nhân mà đáng lý ra có thể tránh được.

Thầy Giáo Bạch Xuân Phẻ cũng đã nói đến 5 điều mà những bậc cha mẹ cần suy nghĩ trước khi nói điều gì. Năm điều này được ông viết tắt bằng chữ THINK và đã giải thích như sau:

1/ Chữ T = True: Thật, tức là điều mình sắp nói có thật không, hay là điều không thật. 

2/ Chữ H = Helpful: Ích lợi, tức là điều mình sắp nói có ích lợi cho con cái của mình không. 

3/ Chữ I = Inspiring: Cảm hứng, tức là điều mình sắp nói có gây sự cảm hứng cho con cái hay không.

4/ Chữ N = Necessary: Cần thiết, tức là điều mình sắp nói có cần thiết hay không. Nếu cần thì nên, nếu không cần thì thôi.

5/ Chữ K = Kind: Tử tế, tức là điều mình sắp nói có tử tể, có thương yêu hay không.

Nếu những gì mình sắp nói là thật, ích lợi, gây cảm hứng, cần thiết và tử tế thì nói, ngược lại thì đừng. Làm được như vậy cũng sẽ giúp cải thiện sự giao tiếp giữa cha mẹ và con cái.

Thầy Giáo Bạch Xuân Phẻ lưu ý mọi người về những trở ngại thông thường nhất trong sự giao tiếp chánh niệm, bao gồm: 

  • Phán xét: Đưa ra những khẳng định trước khi lắng nghe trọn vẹn.

  • Phản ứng: Nói với sự giận dữ hay chống đối.

  • Làm nhiều thứ: Không để tâm trọn vẹn trong lúc nói chuyện.

Thầy Giáo Bạch Xuân Phẻ cũng đề cập đến việc giải quyết xung đột bằng chánh niệm. Ông nói đến những bước chính cần làm một cách chánh niệm để kiềm chế những bất đồng trong lúc nói chuyện. 

  • Trước khi phản ứng thì nên dừng lại và hít thở vài lần. 

  • Thừa nhận mỗi cảm xúc của nhau trước khi đưa ra giải pháp.

  • Tập trung vào vấn đề, không phải nhắm vào cá nhân và tránh dùng ngôn từ đổ lỗi.

Buổi hội thảo dù kéo dài 2 tiếng đồng hồ, nhưng Thầy Giáo Bạch Xuân Phẻ đã có cách làm cho mọi người không cảm thấy mỏi mệt, uể oải, buồn chán bởi vì ông đã thực hiện các trò chơi mà cũng là những trắc nghiệm những gì đã được thảo luận xen kẽ vào các đề mục mà ông đang hướng dẫn. Ngoài ra ông còn cho các người tham dự đặt câu hỏi hay phát biểu cảm nghĩ hoặc kinh nghiệm cá nhân trong những vấn đề mà ông đang nói đến. Đó là phương pháp sư phạm chuẩn mực và sáng tạo mà Thầy Giáo Bạch Xuân Phẻ đã đem ra áp dụng trong cuộc hội thảo.

Một phần quang cảnh những người tham dự trong cuộc hội thảo tại Bodhi Academy. Photo Huỳnh Kim Quang .

Khi cuộc hội thảo chấm dứt, mọi người đã chào đón cô Mỹ Hạnh là người điều hành Trường Bodhi Academy, nơi mà cuộc hội thảo diễn ra. Cô Mỹ Hạnh đã có lời chào mừng mọi người và giới thiệu sơ qua về Trường Bodhi Academy. Cô cho biết rằng Trường Bodhi Academy đã khai giảng từ tháng 8 năm nay và hiện Trường có 14 học sinh theo học các lớp dạy kèm sau giờ học và thực tập chánh niệm để giúp các em nâng cao khả năng tập trung trong việc học nhiều hơn. Cô Mỹ Hạnh kêu gọi mọi người giúp quảng bá chương trình dạy kèm sau giờ học và thực hành chánh niệm. Cô cũng cho biết Trường đang rất cần sự trợ giúp tài chánh để trang trải các chi tiêu. 

Được biết Bodhi Academy là trung tâm bất vụ lợi dạy kèm sau giờ học duy nhất tập trung vào việc giáo dục trẻ em trong cách liên kết toàn diện qua việc thêm vào thực hành chánh niệm trong học đường. Trung tâm này được sáng lập và điều hành bởi các chuyên gia giáo dục tự nguyện có học vị sau đại học và tiến sĩ cống hiến cho việc nuôi dưỡng khả năng tích cực trong mỗi trẻ em để tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững, an lạc và thành công. Chương Trình Sau Giờ Học Chánh Niệm kết hợp (iMAP) của Bodhi Academy cung cấp nơi vui thích và an toàn cho các học sinh tiểu học, lớp 7 và lớp 8. Các chương trình của Trường gồm dạy kèm, giúp làm bài tập ở nhà, phát triển sinh hoạt trong lớp học tích cực, thực hành các kỹ thuật chánh niệm, và cải thiện các kỹ năng xã hội-cảm xúc bổ sung mà không được dạy tại các trường truyền thống.  

Lịch học trong niên khóa 2024-2025 như sau:

  • Từ ngày 12 tháng 8 năm 2024 đến ngày 30 tháng 5 năm 2025;

  • Mở cửa từ 2:30 chiều tới 6 giờ chiều vào các ngày Thứ Hai, Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Sáu, và Thứ Tư mở cửa từ 1 giờ chiều tới 6 giờ chiều.

Độc giả muốn biết thêm chi tiết về Trường Bodhi Academy, xin liên lạc qua điện thoại: (657) 549 – 4627; hoặc qua Email: academy@bodhiyouth.org; hoặc vào trang Web của Trường: https://academy.bodhiyouth.org.


Huỳnh Kim Quang | Việt Báo


Thursday, September 21, 2023

Tâm Huy Huỳnh Kim Quang: Từ Việc Dịch Đại Tạng Kinh Tiếng Việt Tới Phục Hưng Văn Hóa Dân Tộc


Tối Thứ Sáu, ngày 26 tháng 11 năm 2021, theo giờ California, Đại Hội Hội Đồng Hoằng Pháp lần thứ nhất đã diễn ra trên Zoom Meeting với sự tham dự có lúc lên tới hơn 400 người, gồm chư tôn đức Tăng, Ni, các vị giáo sư Tiến Sĩ, các nhà nghiên cứu Phật Học, các nhà văn hóa dân tộc và Phật Giáo, và Cư Sĩ Phật tử từ khắp nơi trên thế giới.

Đây là sự kiện hiếm có đối với sinh hoạt của Phật Giáo Việt Nam trên toàn cầu từ trước tới nay. Điều đặc biệt hơn nữa là chủ đề của Đại Hội xoay quanh việc phiên dịch và ấn hành bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam có tính cách hàn lâm nghiên cứu mang tầm vóc quốc tế giống như bộ Đại Tạng Kinh Đại Chánh Tân Tu của Nhật Bản, mà từ trước tới nay đã được các học giả, các nhà nghiên cứu văn học, sử học, tôn giáo và Phật Học từ Đông tới Tây Phương tham khảo. Việt Nam nếu có một Đại Tạng Kinh tiếng Việt có phẩm chất và tầm vóc như vậy sẽ giúp góp phần vào việc phục hưng các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Hai vị diễn giả chính trong Đại Hội này là Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ và Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát. Nhưng trước hết xin giới thiệu khái quát về Đại Tạng Kinh.

Đại Tạng Kinh

Đại Tạng Kinh nói cho đủ là kho tàng chứa đựng Tam Tạng Giáo Điển Phật Giáo gồm Kinh, Luật và Luận, mà tiếng Bắc Phạn (Sanskrit) gọi là Tripiṭaka và tiếng Nam Phạn (Pali) gọi là Tipiṭaka. Kinh là những lời dạy của Đức Phật hay của các vị đệ tử của Đức Phật đã trùng tuyên lại lời Phật dạy và được Đức Phật xác chứng. Luật là những giới luật được Đức Phật đặt ra để giúp chúng đệ tử xuất gia và tại gia của Ngài nhiếp thọ thân khẩu ý trong đời sống hàng ngày để làm tăng trưởng đạo lực giải thoát và giác ngộ. Luận là những giải thích để làm rõ hơn lời Phật dạy trong Kinh và các giới luật do Phật chế ra.

Thời Đức Phật còn tại thế tất cả những lời Ngài dạy về Kinh và Luật (thời kỳ này chưa có Luận) đều được chúng đệ tử của Ngài ghi nhớ thuộc lòng mà chưa được viết thành văn. Vào mùa an cư kiết hạ đầu tiên sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn (544 năm trước tây lịch), Đệ tử lớn của Đức Phật là Tôn Giả Đại Ca Diếp (Mahākāśyapa) đã chủ trì một cuộc kết tập Kinh điển lần đầu tiên tại Thành Vương Xá (Rajgir), Ấn Độ, quy tụ khoảng 500 vị A La Hán. Trong kỳ kết tập này vị trùng tuyên Kinh là Tôn Giả A Nan (Ananda) và vị trùng tuyên Giới Luật là Tôn Giả Ưu Ba Li (Upali). Đến lần kết tập Kinh Điển thứ 3 vào khoảng 200 năm sau Đức Phật nhập Niết Bàn, tức thành văn bản để lưu truyền về sau. Lần kết tập thứ ba này còn có thêm Luận Tạng. Sau đó còn nhiều cuộc kết tập Kinh Điển được tổ chức tại nhiều nơi gồm Ấn Độ, Tích Lan. Giai đoạn đầu Tam Tạng được khắc vào lá bối, cho nên có danh từ “bối diệp kinh” tức là kinh chép trên lá bối.

Tập hợp ba tạng Kinh, Luật và Luận được viết thành văn gọi là Tam Tạng Kinh hay Đại Tạng Kinh.

Theo Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ và Giáo Sư Lê Mạnh Thát, trong bài thuyết trình tại Đại Hội Hội Đồng Hoằng Pháp, nói rằng hiện nay nói đến Đại Tạng là bao gồm trong ba ngôn ngữ chính: Pali Tạng, Hán Tạng và Mật Tạng. Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ cho biết rằng:

“Phật Giáo có ba hệ gồm Thượng Toạ Bộ với Tạng Pali, hệ Bắc phương Đại Thừa Phật Giáo với Hán Tạng và hệ Kim Cang Thừa Mật Bộ với Tây Tạng.”

Pali Tạng sử dụng tiếng Pali được lưu truyền qua các nước Phật Giáo phía Nam của Ấn Độ như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Cam Bốt, v.v… Hán Tạng sử dụng tiếng Hán được lưu truyền qua các nước phía Đông Bắc của Ấn Độ như Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam, v.v… Mật Tạng sử dụng tiếng Tây Tạng được lưu truyền tại Tây Tạng.

Đại Tạng Kinh bằng chữ Hán là nói chung tất cả Đại Tạng được dịch từ tiếng Phạn, Pali sang chữ Hán. Nhưng nếu kể riêng thì trong đó có nhiều bộ Đại Tạng Kinh của các nước Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản, như bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh của Nhật Bản cũng bằng chữ Hán, dù hoàn toàn do người Nhật biên tập lại.

Theo Hòa Thượng Tuệ Sỹ và Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát thì bộ Hán Tạng của người Trung Hoa cũng không phải hoàn toàn do người Trung Hoa biên dịch mà trong đó có nhiều nhà Phật Học từ các nước khác đóng góp.

Chẳng hạn, ngài An Thế Cao vào đầu thế kỷ thứ nhất là người nước An Tức đã đến Trung Hoa vào năm 148 sau tây lịch đã dịch nhiều bộ kinh trong đó có Kinh An Ban Thủ Ý; hoặc Cư Sĩ Ngô Chi Khiêm người nước Đại Nguyệt Chi đã đến sống ở TQ vào thời Tam Quốc thế kỷ thứ 3 sau tây lịch đã dịch nhiều bộ Kinh trong đó có bộ Kinh Duy Ma; hay ngài Cưu Ma La Thập (Kumārajīva) người nước Kế Tân (Kashmir) đến TQ vào thế kỷ thứ 5 sau tây lịch và dịch rất nhiều bộ Kinh nổi tiếng từ Phạn sang Hán như bộ Kinh A Di Đà, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, và các bộ Luận như Bách Luận, Trung  Luận, Đại Trí Độ Luận, Thập Nhị Môn Luận, v.v…

Trong số những vị ngoại quốc đóng góp vào Hán Tạng còn có người Việt Nam như ngài Khương Tăng Hội với bản Lục Độ Tập Kinh, và ngài Đại Thừa Đăng (hay Đại Thừa Quang hay Phổ Quang) là vị Tăng Việt Nam thuộc hàng môn đệ và giúp ngài Huyền Trang nhuận bút các bản dịch từ Phạn sang Hán (theo Giáo Sư Lê Mạnh Thát), v.v…

Hán Tạng đã được hình thành qua thời gian dài cả ngàn năm từ đầu kỷ nguyên tây lịch tới đời nhà Tống thế kỷ thứ 10 tây lịch. Hòa Thượng Thích Thiện Siêu trong bài “Quá Trình Hình Thành Đại Tạng Kinh Hán Văn” đã cho chúng ta biết qua quá trình hình thành Đại Tạng Kinh chữ Hán như sau:

“Từ Hậu Hán (58 – 219) đến đời nhà Lương (502 – 556) trong khoảng 500 năm đã dịch được 419 bộ (theo Xuất Tam Tạng Ký của Lương Tăng Hựu). Đến đời Tống Thái Tổ (917 Tây lịch) mới khởi sự gom tất cả bản kinh đã dịch rải rác đó đây lại khắc in thành Đại Tạng kinh. Lần khắc kinh này xảy ra ở Thành đô đất Thục (Tứ Xuyên) nên gọi là Thục Bản Đại Tạng kinh, trải qua 12 năm mới khắc xong, cộng được 5.000 quyển. Đây là Đại tạng kinh đầu tiên ở Tàu. Tiếp sau đó có các Đại tạng kinh được khắc in như Đông Thiền Tự Bản năm 1080, do trú trì chùa Đông Thiền khắc in trong 24 năm, được 6.000 quyển, rồi đến Khai Nguyên Tự Bản khắc in năm 1112, Tư Khê Tự Bản (Triết Giang) khắc in năm 1132, Tích Sa Bản (Giang Tô) năm 1231 do Ni sư Hoằng Đạo khắc in trong vòng 79 năm, Phả Ninh Tự Bản khắc in năm 1269, Hoằng Pháp Tự Bản (Bắc Kinh) khắc in năm 1277. Bản Cao Ly khắc in theo Thuộc Bản năm 1011 – 1047 và thời Minh Trị Thiên Hoàng (1868 – 1912) tại Nhật có súc loát Đại Tạng kinh và Tục Tạng kinh gồm 8.534 quyển.”

Nói về bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh của Nhật Bản, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ cho biết như sau:

“Trở lại vấn đề, chúng ta biết bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh do người Nhật biên tập dưới thời Đại Chánh xuyên suốt đến thời Chiêu Hoàng trải qua mười mấy năm. Họ tập hợp 100 Tiến Sĩ về văn học để tập hợp lại, soạn lại dựa trên bản Cao Ly, bản Tống. Các nhà biên tập này tiến hành dựa trên phương diện văn bản học, sửa những lỗi sai lầm bắt gặp chẳng hạn như với nội dung này thì bản Tống in như thế, chữ như thế nhưng bản Cao Ly in như thế và chữ như thế và người dịch sẽ chọn chữ đúng. Người ta tập hợp lại thành bản như ngày nay chúng ta có đó là bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Tuy Đại Chánh (Taisho) là vị vua người Nhật, bộ này của người Nhật nhưng trong đó phân nữa là các bản Kinh của người Hán, dịch Phạn-Hán do các Phạn Tăng từ Ấn Độ qua và một số người Hán như Ngài Huyền Trang phiên dịch. Phần Nhật Bản là phần sớ giải được để dưới tên Tục Kinh Sớ Bộ tức là giảng các Kinh tiếp tục theo người Trung Hoa, cọng thêm Tục Luật Sớ Bộ và Tục Luận Sớ Bộ. Đây là bộ Đại Tạng chuẩn mực của thế giới mà chính người Trung Hoa không làm nổi.

“Vào khoảng 1950-1960, người Hoa in dưới tên Trung Hoa Đại Tạng Kinh và tách rời phần Trung Hoa và bỏ phần Nhật Bản (do vấn đề tác quyền chưa có).  Tuy nhiên, sau này, Nhật Bản yêu cầu giữ nguyên bản quyền với tên Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh và cả thế giới phải tuân theo. Đây được xem là nguồn tài liệu cơ bản và được xem là kho tàng chính yếu của Đại Thừa Phật Giáo.”

Đại Tạng Kinh tiếng Việt

Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát nhấn mạnh về nhu cầu dịch Đại Tạng Kinh sang tiếng Việt:

“Vì rằng cái cần thiết phải dịch ra tiếng Việt, để dân tộc mình có đọc, và biết. Kinh quá nhiều, phải học qua chữ Hán rồi đọc học kinh thì quá lâu. Nên từ xưa tổ tiên mình đã từng dịch mà mình mất.”

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ cũng đã nói đến sự quan trọng của việc dịch Đại Tạng Kinh chữ Hán ra chữ Việt:

“Vấn đề phiên dịch Kinh điển ra tiếng Việt để phổ biến là điều bắt buộc. Chúng ta không thể sửa đổi lịch sử được, bắt buộc phải dùng tiếng Latinh là điều không thể chối cãi. Cho dù đây là công cụ nô dịch cố đánh tan truyền thống dân tộc nhưng là lịch sử, và không ai có thể thay đổi lịch sử được. Vì lẽ đó, chúng ta phải dịch ra Tiếng Việt gọi là chữ quốc ngữ. Gọi là quốc ngữ cho dù không có gì là quốc gia trong đó. Đó là chữ La Mã chứ không phải chữ của dân tộc ta, chỉ có chữ Nôm mới chính là chữ của dân tộc ta. Từ thời kỳ Phật Giáo phục hưng, quý ngài đã cố gắng dịch Kinh Phật nhưng trong thực tế thì chỉ dùng trong việc tụng kinh cầu phước. Xét về phương diện chuẩn mực hàn lâm thì chưa đủ để nghiên cứu. Do bởi, quý ngài lúc xưa tự học chữ quốc ngữ nên lối dịch còn văn Hán rất nhiều, một phần không đủ sách để nghiên cứu đặc biệt là về tiếng Phạn.”

Trong bài viết “Giới Thiệu Công Trình Phiên Dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam,” Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ và Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát cho biết tổng quát về sự nghiệp phiên dịch Kinh điển ở Việt Nam như sau:

“Sự nghiệp phiên dịch Kinh điển ở nước ta được bắt đầu rất sớm, có thể trước cả thời Khang Tăng Hội, mà dấu vết có thể tìm thấy trong Lục Độ Tập Kinh. Ngôn ngữ phiên dịch của Khang Tăng Hội là Hán văn. Hiện chưa có phát hiện nào về các bản dịch Kinh Phật bằng tiếng quốc âm. Suốt trong thời kỳ Bắc thuộc, do nhu cầu tinh thông Hán văn như là sách lược cấp thời để đối phó sự đồng hóa của phương Bắc, Hán văn trở thành ngôn ngữ thống trị. Vì vậy công trình phiên dịch Kinh điển thành quốc âm không thể thực hiện. Bởi vì, công trình phiên dịch Tam tạng tại Trung Hoa thành tựu đố sộ được thấy ngày ngay chủ yếu do sự bảo trợ của triều đình. Quốc âm chỉ được dùng như là phương tiện hoằng pháp trong nhân gian.

“Cho đến thời Pháp thuộc, trước tình trạng vong quốc và sự đe dọa bởi văn hóa xâm lược, văn hóa dân tộc có nguy cơ mất gốc, cho nên sơn môn phát động phong trào chấn hưng Phật giáo, phổ biến kinh điển bằng tiếng quốc văn qua ký tự La-tinh. Từ đó, lần lượt các Kinh điển quan trọng từ Hán tạng được phiên dịch theo nhu cầu học và tu của Tăng già và Phật tử tại gia. Phần lớn các Kinh điển này đều thuộc Đại Thừa, chỉ một số rất ít được trích dịch từ các A-hàm. Dù Đại thừa hay A-hàm, các Kinh Luận được phiên dịch đều không theo một hệ thống nào cả. Do đó sự nghiên cứu Phật học Việt nam vẫn chưa có cơ sở chắc chắn.”

Dù trải qua nhiều thời kỳ có nhiều vị Tăng, Ni và cư sĩ đã dịch Kinh, Luật và Luận từ chữ Hán sang chữ Việt, nhưng như Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã nói ở trên là đa phần những bản dịch đó chưa đủ chuẩn mực hàn lâm để nghiên cứu. Nên việc dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam kỳ này là nhắm vào mục tiêu này để VN có được một bộ Đại Tạng Kinh có tầm vóc uy tín quốc tế.

Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam trải qua nhiều triều đại, không phải chỉ chư Tăng, Ni mới thấy được tầm mức quan trọng của Đại Tạng Kinh, mà ngay cả các vị vua cũng nhìn thấy được điều này. Như Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát đã kể chuyện các vua nhà Tiền Lê và nhà Trần xem Đại Tạng Kinh như bảo vật:

“Bản thời nhà Trần viết bằng máu, Tam Tạng thời Vua Lê Đại Hành, Lê Long Đỉnh xin được Đại Tạng khắc bản của Triệu Khuôn Dẫn mà năm 972 VN đã gửi sứ qua xin đem về. Ngài Vạn Hạnh, Khuông Việt, Pháp Thuận đã đề xuất Vua Lê Đại Hành trong mối quan hệ ngoại giao thì xin TQ cấp cho Đại Tạng Kinh. Thư xin thì bây giờ không còn. Nhưng thư sau khi đánh thắng quân Nguyên 3 lần, bao nhiêu thơ văn do cụ Trần Nhân Tông ghi lại trong 23 lá thư, do chiến tranh đốt phá, đào mồ, giết người của các tướng giặc Nguyên. Sau khi kết thúc chiến tranh, lặp lại hoà bình thì một trong những chuyện đầu tiên phải làm đó là cụ Trần Nhân Tông gởi thư qua xin lại bộ Đại Tạng Kinh.

“Về rồi sau này cho khắc bản, mình cho nhập tạng. Tác phẩm Thượng Sĩ Ngữ Lục được nhập tạng của Đại Tạng Kinh Việt Nam. Thời đó các Vua, Quan, Công Thần, Hoàng tộc đã chích máu để viết kinh. Nhưng bây giờ mình không còn văn bản hay hiện vật do giặc Minh chiếm đóng đã đem phá hết, giờ mình không còn nữa.”

Còn một điều trọng đại khác nữa cho thấy việc có một Đại Tạng Kinh tiếng Việt là điều thật sự cần thiết để duy trì một Đạo Phật đúng nghĩa với chánh tín và chánh trí. Điều này đã được Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ nhắc tới:

“Cái gì sai và mơ hồ thì lật Tam Tạng Thánh Điển ra để mà hiểu và làm lại cho đúng. Nên cần thiết đóng góp vào [việc dịch Đại Tạng Kinh] kể cả các cư sĩ cũng vậy. Cư sĩ muốn đóng góp cho quốc gia, xã hội, đất nước bằng sự hiểu biết của một người Phật tử thì cũng phải dựa trên Tam Tạng Thánh Điển. Trong giáo pháp, Đức Phật đã dạy cư sĩ tại gia phải sống đời như thế nào để phục vụ và hưởng thụ ngũ dục của người tại gia mà vẫn phục vụ được xã hội như một người tại gia mà vẫn đi vững vàng trên thánh đạo, thì đó là những lời Phật dạy rất rõ ràng.”

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ cũng cho biết cột mốc lịch sử quan trọng trong việc dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam là việc Viện Tăng Thống GHPGVNTN đã quyết định thành lập Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng vào năm 1973:

“Cột mốc lịch sử là 1973, chư tôn trong Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống GHPGVNTN do Thượng Toạ Trí Quang làm Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống, kế đến là Thượng Toạ Đức Nhuận, và Xử lý Viện Tăng thống là Hòa Thượng Đôn Hậu tức Ngài Linh Mụ, quyết định thành lạp Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng. Biên bản này đã đề cập trong tập Tài liệu Đại Hội hôm nay, cho thấy rõ tầm quan trọng trong vấn đề phiên dịch. Các quy định về nguyên tắc phiên dịch, nguyên tắc tổ chức lớn nhỏ ra sao cũng được nói rõ. Sư cụ Thiện Hoà cũng đã phát nguyện xây dựng một cơ sở riêng biệt cho Hội Đồng Phiên Dịch. Nơi đây, các vị dịch sư có thể sinh hoạt, cư trú và cúng dường đầy đủ tứ sự để chuyên tâm vào việc phiên dịch kinh điển. Song, chỉ là năm 1973, các năm sau đó thì công trình không thực hiện được.

“Đầu tiên là 10 vị Trưởng Lão trong Hội Đồng Trung Ương, sau đó bổ sung thêm 08 vị trong Hội Đồng Phiên Dịch, tổng cộng 18 vị. Hiện nay, chư vị đã viên tịch hết chỉ còn lại 1 vị mà thôi.” (Thực tế còn lại 2 vị là Hòa Thượng Thích Thanh Từ và Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Nhưng Hòa Thượng Thích Thanh Từ bị bệnh bất động nên chỉ còn Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ kế thừa sự nghiệp phiên dịch Tam Tạng.)

Ngày nay, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ thừa kế tâm nguyện của chư vị Trưởng Lão trong Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng năm 1973 để thành lập Ban Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, gồm HT Thích Tuệ Sỹ là Trưởng Ban, HT Thích Như Điển là Chánh Thư Ký, HT Thích Nguyên Siêu và HT Thích Thái Hòa làm Phó Thư Ký. Ban này sẽ hoạt động cho đến khi đủ cơ duyên để thành lập lại Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng chính thức như năm 1973.
18 VỊ TÔN TÚC HỘI ĐỒNG PHIÊN DỊCH TAM TẠNG: 1. Hòa Thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014); 2. Hòa Thượng Thích Trí Quang (1923-2019); 3. Hòa Thượng Thích Minh Châu (1918-2012); 4. Hòa Thượng Thích Nhật Liên (1923-2010); 5. Hòa Thượng Thích Đức Nhuận (1924 – 2002); 6. Hòa Thượng Thích Quảng Độ (1928-2020); 7. Hòa Thượng Thích Thiện Siêu (1921-2001); 8. Hòa Thượng Thích Huyền Vi (1926-2005); 9. Hòa Thượng Thích Trí Thành (1921-1999); 10. Hòa Thượng Thích Huệ Hưng (1917-1990); 11. Hòa Thượng Thích Trung Quán (1918-2003); 12. Hòa Thượng Thích Đức Tâm (1928 – 1988); 13. Hòa Thượng Thích Thuyền Ấn (1927-2010); 14. Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm (1911 – 2003); 15. Hòa Thượng Thích Thiền Tâm (1925-1992); 16. Hòa Thượng Thích Thanh Từ (1924 – ); 17. Hòa Thượng Thích Bửu Huệ (1914-1991); 18. Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ (1943 – )

Dịch Đại Tạng Kinh tiếng Việt để phục hưng văn hóa dân tộc

Có người sẽ hỏi việc dịch Đại Tạng Kinh có liên quan gì đến việc phục hưng văn hóa dân tộc? Để có thể trả lời câu hỏi này, trước hết nên biết qua ảnh hưởng của việc dịch Kinh Điển Phật Giáo lớn cỡ nào hay sâu rộng cỡ nào đối với nền văn hóa và nền văn học của một quốc gia.

Trong bài viết “Quá Trình Hình Thành Đại Tạng Kinh Hán Văn,” Hòa Thượng Thích Thiện Siêu đã nêu ra các ảnh hưởng của việc dịch Đại Tạng Kinh Trung Hoa ngày xưa. Hòa Thượng Thích Thiện Siêu đã trích thuật nhận xét của ông Lương Khải Siêu viết trong cuốn “Phật Học Nghiên Cứu Thập Bát Thiên” được xuất bản tháng 4 năm 1930 nói đến ảnh hưởng trên từ ngữ, ngữ pháp, văn thể và sự phát triển văn học của Trung Hoa.

“Việc dịch Kinh Phật đã kích thích cuộc cách mạng trong văn học Trung Hoa. Tập thơ dài đầu tiên trong các bài thơ cổ của Trung Hoa, tập “Khổng Tước Đông Nam Phi” và những áng văn học thuật của Trung Hoa cận đại như tiểu thuyết, ca khúc đều chịu ảnh hưởng mật thiết từ lối văn dịch Kinh Phật, nhất là từ bộ “Phật Bổn Hạnh Tán” của Bồ-tát Mã Minh. Bộ này là một bản trường ca trên 30.000 tiếng, như là một bộ tiểu thuyết, đã lấy nguyên liệu từ bốn bộ A-hàm. Chính văn kinh Phật đã giúp cho giới văn nghệ Trung Hoa giàu khả năng tưởng tượng, cách tân bút pháp, như loại văn bạch thoại, các bộ tiểu thuyết Tây Du Ký, Sưu Thần Ký, Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng là những tác phẩm đã chịu ảnh hưởng không ít từ các bộ Đại Trang Nghiêm Kinh Luận, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Đại Bát Niết-bàn, cho đến các bản tập dịch, truyền kỳ, đan từ các trường thiên ca khúc từ đời Tống, Nguyên, Minh về sau, cũng đã gián tiếp chịu ảnh hưởng các bộ Phật Bổn Hạnh Tán, v.v…”

Hòa Thượng Thích Thiện Siêu cũng trích thuật nhận định của học giả Trung Hoa Hồ Thích cũng đồng tình với nhận định trên của Lương Khải Siêu:

“Hồ Thích, một học giả lớn hiện đại của Trung Hoa cũng có nhận định tương tự khi ông viết trong “Hồ Thích Văn Tồn” (và được dẫn bởi sách Phật Giáo Chính Tín của Thánh Nghiêm) như sau: “Trong các kinh do Cưu-ma-la-thập dịch có các bộ Kinh Kim Cang, Pháp Hoa và Duy-ma-cật được lưu hành rất rộng rãi và lâu dài, đã có ảnh hưởng không nhỏ trong giới văn học và mỹ thuật của Trung Hoa. Bộ kinh Pháp Hoa tuy không phải là tiểu thuyết, nhưng là cuốn sách có nhiều ý vị văn học, trong đó có một số truyện ngụ ngôn đẹp nhất trong văn học thế giới.”

Tại Hoa Kỳ, vào giữa thế kỷ thứ 19, Phong Trào Siêu Việt Mỹ (American Transcendentalism) là phong trào triết học, xã hội và văn học khởi đầu vào giữa thập niên 1830s tại New England ở Hoa Kỳ. Năm 1837, nhà văn người Mỹ Henry David Thoreau (1817-1862) đã dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Anh Phẩm Dược Thảo Dụ của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, là bản Kinh Phật đầu tiên được dịch và phổ biến tại Mỹ. Trong đó Thoreau lấy cảm hứng từ thí dụ lời Phật dạy như nước mưa tưới xuống cây cỏ tùy theo lớn nhỏ mà thọ dụng khác nhau cho quan điểm về môi trường thiên nhiên của ông.

Điều đó cho thấy rằng nếu có một bộ Đại Tạng Kinh tiếng Việt đầy đủ và chuẩn mực hàn lâm thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với mọi thành phần xã hội từ giới trí thức đến giới học thuật, tư tưởng, văn học và văn hóa của Việt Nam. Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã nói rằng:

“Về hiện trạng văn tự Việt Nam hiện tại đối với công tác phiên dịch rất cần thiết. Đối với người Nhật họ phải dịch ra để phổ biến, giới tri thức không rành chữ Hán cũng có điều kiện, có tài liệu để nghiên cứu. Ngay đối với những người học kinh tế hiểu sơ về chữ Hán nhưng khi cần tài liệu nghiên cứu về Kinh tế trong Phật giáo họ có thể đọc tài liệu tiếng Nhật và nếu cần đi sâu sẽ đi thẳng vào chữ Hán.”

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ trong Đại Hội Hội Đồng Hoằng Pháp cũng đã đề cập đến lý do vì sao Nhật Bản đã thực hiện bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh với sự góp mặt của 100 vị Tiến Sĩ. Theo Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Phật Giáo có một quá trình truyền bá lâu đời tại Nhật Bản, là cơ sở của chủ nghĩa dân tộc và đoàn kết quốc dân. Vì vậy, thực hiện bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh là tạo dựng vững chắc cho cơ sở chủ nghĩa dân tộc và đoàn kết quốc gia để họ vực dậy nội lực dân tộc. Sau đó triều đình phong kiến Nhật Bản tiến hành thực hiện giấc mộng Đại Đông Á để làm bá chủ Đông Nam Á. Nhưng khi tham vọng bá chủ xâm lược lên đến cao trào và bùng nổ ra trong Thế Chiến Thứ Hai, Nhật Bản đã bị khối đồng minh đánh bại.

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ nhấn mạnh rằng việc dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam là để phục hưng những giá trị văn hóa dân tộc, để đóng góp vào việc phát triển đất nước. Thực tế lịch sử cho thấy rằng khi Phật Giáo hưng thịnh thì cũng là lúc đất nước cường thịnh, như Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát đã nói: “Phật Giáo gắn bó với dân tộc mình ngay từ đầu. Truyền thuyết về nguồn gốc người Việt Nam cũng có trong kinh Phật Giáo.” Kinh Phật Giáo mà Giáo Sư Trí Siêu nói đó chính là Lục Độ Tập Kinh của Khương Tăng Hội dịch vào thế kỷ thứ 3 tây lịch.

Để kết luận bài viết này, xin mượn lời của Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát đã viết trong tác phẩm “Tổng Tập Văn Học Phật Giáo Việt Nam Tập 1, Phần II về Khương Tăng Hội, Mục II Nghiên Cứu Về Lục Độ Tập Kinh, như sau:

“Lục Độ Tập Kinh còn là văn bản thiết định những chủ đề tư tưởng lớn của Phật Giáo Việt Nam, làm tiền đề cho những phát triển tư duy Phật Giáo Việt Nam, mà thành quả đầu tiên phát hiện cho đến nay là sáu lá thư trao đổi giữa Lý Miễu, Đạo Cao và Pháp Minh vào khoảng những năm 450.”

Đó chính là lý do tại sao, việc thực hiện bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam có vai trò quan trọng và cấp bách trước sự lung lay của nền Phật Giáo truyền thống và sự phá sản của nền văn hóa khai phóng, độc lập, tự chủ và nhân bản của dân tộc Việt Nam.

Nguồn: https://sentrangusa.com/2021/12/04/tam-huy-huynh-kim-quang-tu-viec-dich-dai-tang-kinh-tieng-viet-toi-phuc-hung-van-hoa-dan-toc/