Tượng Tưởng niệm Hoà thượng Thích Thiện Trì tại Chùa Kim Quang, Sacramento, CA. |
và Hoà thượng Thích Minh Đạt
Hoà Thượng
Thích Thiện Trì – Chúng Trung Tôn
Chúng tôi vốn là hàng hậu
học và đến với Phật giáo thật sự chỉ khi bước vào ngưỡng cửa Đại học, trường
University of Nebraska – Lincoln, lúc đó nhân duyên chỉ đủ để sinh hoạt trong tổ
chức Gia Đình Phật Tử và cộng đồng, nhưng thiếu phần tu học nghiêm túc. Mãi đến
khi chuyển về UC Davis để học chương trình hậu đại học thì mới có cơ duyên học
Phật và thực hành Phật pháp. Trong số nhiều những vị ân sư, tôn sư của chúng
tôi, có cố Hoà Thượng Thích Thiện Trì và Hoà Thượng Thích Minh Đạt mà chúng tôi
hôm nay mạo muội viết về hai Thầy như một sự tưởng nhớ trong tinh thần và văn
hoá ưu việt của Dân tộc Việt Nam đó là: Nhớ ơn, biết ơn, và đền ơn.
Hoà thượng Thích Thiện Trì thường dạy cho hàng
Huynh trưởng: “Các con sinh hoạt cho
đàng hoàng, đi đâu cũng đàng hoàng, làm gì cũng đàng hoàng vì mình là người con
Phật.” Đối với quý bác trong đạo tràng, Thầy dạy: “Quý vị hãy tinh tấn tu học
vì nếu không tu thì mình mãi mãi lẩn quẩn trong vòng sanh tử luân hồi khổ lắm. Hãy
chuyên cần tu tập. Đến với công chúng, Thầy lại khuyên bảo: “Từ cái mạnh đến
cái mạnh thì rất dễ, từ cái yếu đến cái mạnh mới là cái mạnh thật sự.”
Khi tôi đến
sinh hoạt với GĐPT Kim Quang vào năm 1999 thì Thầy đã ngã bệnh, nhưng chúng tôi
vẫn học được những bài học vô giá qua thân bệnh của Thầy. Thầy luôn bảo, Phật ở
trong tâm Thầy và ở trong tâm con và luôn nhờ vả hay nhắc nhở đọc kinh cho Thầy
nghe, nhưng thực sự là đọc cho chính bản thân mình vì khi đọc sai thì Thầy đều
biết là mình sai chỗ nào. Đây là tiểu sử chi tiết có cập nhật mà Thầy Thích
Viên Lý và chúng tôi trong Ban Thư Ký, viết về Hoà Thượng khi Thầy thu thần thị
tịch.
Hòa Thượng Thích Thiện Trì thế danh Nguyễn Duy
Hiến, Pháp danh Như Phụng, Pháp tự Thiện Trì, Pháp hiệu Ấn Ðạo thuộc dòng Lâm Tế
Chánh Tông đời thứ bốn mươi hai, Thầy sanh ngày 19 tháng 02 năm 1934 tại xã
Nhơn Khánh, quận An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh. Thầy xuất thân từ một gia đình thuần
túy Phật Giáo, thân phụ và thân mẫu của Thầy đã khuất và Thầy có tất cả 10 anh
em, 5 trai và năm gái. Trong đó có 3 người con trai đã xuất gia đầu Phật, là bản
thân Thầy, Hoà thượng Thích Thiện Hữu, và Thượng toạ Thích Viên Mãn mất vừa vài
năm trước.
Nhờ túc duyên thù thắng nên khi vừa tròn 17 tuổi,
ý thức được lẽ vô thường sinh diệt và thực trạng khổ đau của cuộc đời, Ngài đã
phát tâm thế phát xuất gia để noi theo hạnh xuất trần thượng sĩ. Khởi đầu, Ngài
xuất gia với Cố Hòa Thượng thượng Huệ hạ Chiếu trụ trì Tổ Ðình Thập Tháp, Bình
Ðịnh. Sau thời gia tu học tại Tổ Ðình Thập Tháp, nhận thấy Ngài là bậc thông
minh dĩnh duệ, nên Hòa thượng bổn sư đã gởi Ngài đến tu học tại Tổ Ðình Sơn
Long, Tuy Phước. Sau khi Hòa thượng Bổn sư viên tịch năm 1965, Ngài cầu pháp y
chỉ với Hòa Thượng thượng Kế hạ Châu là sư thúc của Ngài và được ban cho Pháp
hiệu Thích Ấn Ðạo. Hòa Thượng thọ Ðại Giới năm 1968 tại Phật Học Viện Trung Phần
Hải Ðức, Nha Trang. Sau khi tốt nghiệp ưu hạng chương trình Phật Học Chuyên
Khoa Liễu Quán tại Tổ Ðình Linh Quang, Huế, năm 1971, Ngài được Giáo Hội bổ nhiệm
làm Giảng Sư và Giáo Thọ cho nhiều Phật Học Viện tại các tỉnh miền Trung và miền
Nam như Giám Thị và Giáo Thọ Phật Học Viện Trung Phần Hải Ðức, Nha Trang; Giáo
Thọ Phật Học Ni Trường Diệu Quang, Nha Trang; Giám Học Phật Học Viện Nguyên Hương
tại Phan Thiết; Giảng Sư tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam Sài Gòn v. v… Do đạo hạnh
khả kính, Ngài được cung thỉnh làm trụ trì chùa Kim Quang tại Phan Thiết. Dù Phật
sự đa đoan, Hòa Thượng vẫn cố gắng đầu tư thì giờ và tâm lực để phiên dịch và
trước tác.
|
Những kinh điển mà Ngài đã dịch gồm có:
– Kinh Kim Quang Minh, Kinh Dược Sư, Kinh A–Di–Ðà,
Kinh Di Lặc, Kinh Bát Ðại Nhân Giác, Phật Thuyết Phân Biệt Kinh, Bát Nhã Tâm
Kinh.
Ngoài những dịch phần trên, Hòa Thượng còn
biên soạn nhiều bài nghiên cứu lịch sử Phật Giáo hết sức giá trị. Ðã từng là Chủ
Nhiệm Tạp Chí Nguyồn Sống và còn là một nhà thơ với những bài thơ thiền vị.
Sau thời gian gặp khó khăn dưới chế độ Cộng Sản
và vì chí nguyện hoằng pháp lợi sanh, Hòa Thượng đã vượt biển tìm tự do năm
1980 để tiếp tục lý tưởng phụng sự chánh pháp và dân tộc. Suốt thời gian tạm cư
tại trại tỵ nạn Galang, Nam Dương, Ngài đã thành lập chùa Kim Quang, chùa Quan
Âm và tận lực hướng dẫn đồ chúng tu học và đã trở thành một biểu tượng ngời
sáng làm nơi quy hướng của những người con Phật đang bơ vơ lạc lõng tại xứ người.
Sau khi định cư tại Hoa Kỳ năm 1981 Hòa Thượng càng nổ lực hơn nữa trong vai
trò của một Trưởng Tử Như Lai, tác Như Lai sứ, thừa Như Lai sự. Những chức vụ
mà Ngài đã đảm nhiệm theo thời gian là:
Hội Trưởng Hội Phật Giáo Việt Nam tại
Sacramento và Trụ Trì Chùa Kim Quang
Phó Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Tại
Hoa Kỳ
Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự của Tổng Hội Phật
Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ
Thành Viên Hội Ðồng Ðại Diện của Giáo Hội Phật
Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ–Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo
Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Luật Giáo Hội Phật Giáo
Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ–Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo
Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự của Giáo Hội Phật
Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ–Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo.
Hoà thượng còn lãnh đạo tinh thần các Hội và
Chùa như Chùa Vạn Hạnh, Rochester, NY; Chùa Từ Hiếu, Buffalo, NY; Chùa Quan Âm,
Binghamton, NY;Chùa Phổ Quang, Salt Lake City, UT.
Ngoài việc xiển dương Chánh Pháp cứu độ quần sanh,
Ngài còn sát cánh với Giáo Hội tích cực vận động cho sự tự do, bình đẳng, dân
chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Ngài là bậc Thầy đặc biệt thương yêu, hết lòng
quan tâm nâng đỡ, giáo dưỡng và xây dựng tổ chức Màu Lam Của Gia Ðình Phật Tử
Việt Nam.
Cuộc đời của Ngài là một tấm gương sáng ngời,
một bài học sống vô giá qua nhiều khía cạnh nhất là thời gian Hòa Thượng bị bệnh
để độ chúng. Dù trải qua thời gian dài với bệnh duyên đầy thức thách nhưng Hòa
Thượng vẫn giữ được đạo phong tự tại, uy nguy, thanh thoát của mình và chứng tỏ
được đạo hạnh khả kính của một bậc Tôn túc giáo phẩm thạc đức. Ðây là thời gian
mà đại chúng học ở Hòa Thượng những bài Pháp không lời đầy đủ khế cơ, khế lý.
Thuận thế vô thường Hòa Thượng đã an tường xả
bỏ báo thân lúc 8 giờ 20 tối ngày 31 tháng 7 năm 2003, nhằm ngày mồng 3 tháng 7
năm Quý Mùi tại thủ phủ Sacramento, California, Hoa Kỳ. Thế thọ 69, Ðạo lạp 52,
Hạ lạp 36. Dù xác thân tứ đại huyễn hóa của Hòa Thượng không còn nữa nhưng những
lời dạy cao quý nhất là những hành hoạt đầy vị tha vô ngã của Ngài đối với Dân
Tộc và hình ảnh vấn thân tận tụy hy hiến cho Ðạo của Hòa Thượng vẫn còn mãi
trong trái tim của hàng triệu người con Phật.
Vô thường thị thường, tịch diệt phi diệt, nhất
tâm cầu nguyện giác linh Hòa Thượng thượng phẩm thượng sanh, bất vi bổn thệ, hồi
nhập ta bà để hoàn thành hạnh nguyện độ sanh cao cả.
Nam Mô Tự Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhị Thế
húy thượng Như hạ Phụng, tự Thiện Trì, hiệu Ấn Ðạo giác linh Hòa Thượng thùy từ
chứng giám.
Khi Thầy tịch, cố Đại Lão Hoà thượng Thích Huyền
Quang từ Tu Viện Nguyên Thiều, lúc bấy giờ đầu tháng 8, 2003, thay mặt Hội Ðồng
Lưỡng Viện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất có điện thư như sau:
Tôi vô cùng thương tiếc một vị Trưởng tử của
Như Lai đã ra đi trong khi Phật Pháp đang cần kẻ xiển dương đắc lực, và ngỏ lời
tán thán công đức Hòa Thượng một lòng chia sẻ mọi chướng duyên với Thầy Tổ nơi
quê nhà, dốc lòng vấn thân trong công cuộc giải trừ Pháp nạn, gây duyên hòa hợp
trong Tăng chúng để cùng tiến bước. Nên tôi có lời kính điếu:
Trời mây nhẹ bước về quê Phật
Ðất nước nặng tình nhớ bóng Thầy
Sự ra đi của Hòa Thượng là một mất mác lớn cho
Cộng Ðồng Phật Giáo, nhưng đồng thời dựng lên tấm gương sáng cho Pháp hữu và
đàn hậu học noi theo.
Nhân danh Hội Ðồng Lưỡng Viện, Giáo Hội Phật
Giáo Việt Nam Thống Nhất, tôi chân thành gởi lời phân ưu đến Văn Phòng II Viện
Hóa Ðạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ cùng môn đồ
Pháp quyến, và nguyện cầu cho Giác Linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.
Khi Thầy tịch, cá nhân chúng tôi đã lấy một
bài thơ bất hủ, Tĩnh Toạ, của Thầy để viết về người trong một đêm giá lạnh và lẻ
loi khi hầu kim quan của Thầy; bài thơ như sau:
TIỄN THẦY
(Kính dâng Cố H. T. Thích
Thiện Trì)
TĨNH lặng tối đầu tiên Thầy
tịch
TỌA trai đường nghe tiếng
mưa rơi
Biển vẫn vỗ như vọng về tang tóc
Cả thể gian chìm trong nỗi xót xa
Rền khóc vang khắp cõi Ta Bà
Sóng thút thít nghẹn ngào nuối tiếc
Vỗ vào gành gào không kể xiết
Non sông, trò dại sắp long đong
Cao Trường Sơn, đất Mẹ chạnh lòng
Vách núi trơ vơ Thầy vắng bóng
Đá cảm lạnh khi Người ly biệt
Xây tiếng lòng nghe quá xót thương…
Thiền quán lại lời dạy vô thường
Sư Ông bảo đến đi đừng bận
Ngồi quán biết có sinh có diệt
Tĩnh mới hay huyễn tướng diệt sinh
Tọa mới thấu lẽ còn lẽ mất
Lưng chừng thay không thấy diệt sinh
Trời đất cũng tuân lý vô thường
Mây có biến cũng thành nước mát
Trắng và đen, có không, không khác
Bay đậu, mất còn lẽ tự nhiên.
Nhưng có lẽ ngậm ngùi, cảm động và xúc tích nhất
là điếu văn Tiễn Biệt Và Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Thiện Trì của GHPGVNTNHN–HK
mà nhà văn Vĩnh Hảo chấp bút có tựa là:
LƯNG TRỜI
MÂY TRẮNG BAY
Kính lễ
Giác linh Cố Hòa Thượng,
Lẽ sinh–diệt
còn–mất, hàng trưởng tử Như Lai ai lại chẳng thẩm thấu. Chính vì thế–gian vô
thường sinh diệt mà khởi phát hạnh nguyện xuất trần; một đời, nhiều đời
hành bồ–tát đạo để cứu khổ chúng sanh. Vậy mà, khi người thị–hiện huyễn–tướng sinh–diệt để
rời bỏ trần gian này, lòng chúng tôi lại đau như cắt.
Thâm
tình huynh–đệ, thầy–trò, thường ngày không bày tỏ, không nói năng, mỗi người
mỗi nơi tận tụy hành đạo, đến khi mất nhau, cảm giác như rơi rụng cả tay chân, buồn không nói được.
Giờ này
gặp nhau, đốt hương lòng, khêu đèn tuệ, nói với nhau bằng ngôn ngữ của nhà Thiền,
hiểu với nhau bằng tâm–ấn Tào–khê, tưởng chừng tâm–tâm rọi chiếu vào nhau mà
không cần khai ngôn phát ngữ. Nhưng nhìn ở giới hạn một đời qua nhân
duyên pháp–lữ tương phùng ngắn ngủi, chúng ta chỉ một lần đến, một lần
đi; vậy, nếu người đã mượn lẽ mộng–ảo phù–hưđể thị hiện sự đến–đi còn–mất, thì chúng tôi cũng xin mượn ngôn
ngữ huyễn–hóa phi–chân để biểu lộ thâm tình bạn đạo trong giờ phút tiễn–biệt phân–ly.
Ôi, làm
sao quên được, một đời người, một hành trình, năm mươi hai năm học đạo hành đạo không biết mỏi mệt, hạnh nguyện hộ đạo cứu đời gánh nặng
hai vai, bước chân đến đâu đạo tràng nở hoa đến đó.
Người đã dịch kinh
Kim Quang Minh, giáo lý Viên–đốn để lại cho đời không ai không nhớ. Công đức này, chẳng phải đã được cảm ứng
với thân vàng Thế Tôn rọi chiếu để khai mở ngôi chùa Kim Quang!* Từ Kim Quang Phan Thiết đến Kim
Quang Hoa Kỳ, từ Vạn Hạnh, Từ Hiếu đến Quan Âm, Phổ Quang... ánh kim quang như
soi sáng con đường người đi.
Đâu chỉ riêng Kinh Kim Quang Minh, người còn để tâm phiên
dịch những Kinh Đại Thừa khác để dẫn đạo quần chúng, góp phần hoằng dương chánh–pháp. Nào Kinh Di Đà, Dược Sư, Di Lặc, cho đến Bát Nhã Tâm Kinh, Bát Đại Nhân Giác và Phật Thuyết Phân Biệt Kinh...
Một đời giáo dục,
không chỉ dạy học, dịch kinh, mà còn đem thân giáo tiếp cận với mọi người, cảm hóa
bao nhiêu môn đồ với thân tướng trang nghiêm, ngời sáng; nụ cười hiền hòa, bao dung. Đó chẳng phải là biểu hiệu của Trí tuệ và Từ bi đã từng được unđúc và phổ nhuận hay sao?
Được như
vậy cũng nhờ đồng chơn xuất gia: tuổi trẻ đã sớm dấn thân vào cửa Thiền, cơm rau dưa đạm bạc mỗi
ngày, câu kinh tiếng kệ, nuôi lớn chí nguyện xuất trần của bậc đại trượng
phu. Từ nền tảng này mà bước lên hàng cao tăng giới đức về sau.
Với chí
nguyện kiên cường, lại thêm mẫn tuệ, siêng năng, người đã ghi lại những dấu tích cao đẹp trong
công cuộc hoằng pháp lợi sinh qua những chức vụ và trách nhiệm mà Giáo Hội
trong nước, ngoài nước giao phó:
– Đạo học thâm
viễn: người đã từng được Giáo Hội tín nhiệm giao cho những trọng trách liên quan đến việc
giáo dục và đào tạo Tăng tài. Nào là Giám–thị Phật học viện Hải Đức Nha–trang,
nào là Giám–học Phật học viện Nguyên Hương Phan–thiết... nơi đâu cũng chu
toàn trách vụ.
– Giới
luật nghiêm minh: người đã từng là Phó Hội Chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, và là
Thành viên Hội Đồng Đại Diện, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Luật, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống
Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ... chức vụ nào cũng tích cực đảm nhận và
hết lòng xây dựng.
Từ việc
lớn đến việc nhỏ, đối với tăng ni cũng như đối với hàng cư sĩ, không phật–sự nào người chối từ. Cho
đến việc nâng đỡ và giáo dục cho tổ chức thanh thiếu niên Gia Đình Phật Tử, người cũng dành cả tình thương bao la như của một từ phụ.
Công đức to lớn
như thế, Giáo hội trong–ngoài ghi công, mà Tăng Ni và phật–tử hậu học còn chưa có dịp đền đáp, thì người đã hiện thân lão bệnh, buông xả mọi phật–sự để tĩnh tu
trong hoàn cảnh khó khăn, nghịch chướng.
Đi, đứng, nằm, ngồi, bốn oai nghi thong dong tự tại trở thành sự khổ nhọc vô
vàn trong thân bệnh vô thường. Vậy mà vẫn an nhẫn hành đạo giữ đạo trong niềm
an lạc vững chãi; kiên trì niệm Phật, Thiền quán để nêu gương
sáng cho đồ chúng khắp nơi.
Ôi
thương làm sao, một thân khổ bệnh mà nụ cười lúc nào cũng nở trên môi! Bài học
nhẫn nhục, chẳng phải người đã kinh qua đến chỗ kỳ cùng!
Suy niệm
cuộc đời của người, với hành trạng tu tập và hoằng đạo như thế,
bao công đức không ghi hết được, bao tiếc thương cũng không thay được niềm tri ân.
Người
còn nhớ chăng, bài thơ Tĩnh Tọa một thời người nhã hứng ngâm nga, đã trở thành
thi kệ thiền–gia tuyệt bút cho muôn sau:
"Biển cả rền sóng vỗ
Non cao vách đá xây
Thiền sư ngồi tĩnh tọa
Lưng trời mây trắng bay. "
(thơ
Thích Thiện Trì)
Bài thơ
ngắn, tâm mênh mang, nếu không phải là bậc xuất trần thượng sĩ thì không sao có
được khẩu khí cao vời đến thế.
Mà đã phiêu hốt
vô ngại như vậy thì chúng tôi còn gì để bi lụy thở than! Thôi thì, một nén hương
lòng, ba hồi chuông trống, cúi đầu tiễn đưa, xin nương nơi vần thơ cũ của người, ghi lại mấy câu giã biệt:
Biển rộng sáng ngời tâm sứ giả
Non cao vượt thoát chí trượng
phu
Tĩnh tọa trong dòng đời khổ bệnh
Mây trắng bay giữa cõi hư phù.
Huyễn hóa vẽ vời cơn đại mộng
Một tâm bày hết thế gian âm
Ngồi yên, nghe rền cơn sóng vỗ
Sóng – nước: chẳng qua chỉ một
thôi.
Có đến, có đi,
là việc huyễn
Chẳng ai tĩnh tọa trong dòng đời
Cũng không mây trắng trên trời biếc
Tịch lặng không bờ: tâm vô tâm.
Kính thưa Giác Linh cố Hòa thượng,
Nói theo
lý–tánh tuyệt đối thì như thế. Nhưng dù sao thì giữa trần gian mộng mị, nơi lưng trời
vẫn có vầng mây trắng bay; và, xin tiễn biệt vầng mây trắng ấy, bay qua vòm trời
vô tận. Tiễn biệt một bậc Chúng Trung Tôn trở về nơi tịch diệt, vô sanh...
Nam Mô Từ
Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhị Thế húy thượng Như hạ Phụng, tự Thiện Trì, hiệu Ấn Đạo, giác linh Hòa
Thượng Tôn Sư thùy từ chứng giám.
* Năm 1973, tượng Phật bằng vàng ròng trồi lên nơi một trại lính ở Phan Thiết,
dân địa phương thỉnh tượng về tôn trí và xây dựng
một ngôi chùa, thỉnh Hòa Thượng Thích Thiện Trì làm trụ trì khai sơn và ngài đã đặt tên chùa là Kim
Quang.
Hoà Thượng
Thích Minh Đạt – Nụ Cười Vô Sự
Chân dung Hoà Thượng Thích Minh Đạt - Bìa sau tập sách Góp Nhặt Lá Rơi của Thầy |
Vị tôn sư thứ hai của tôi trong bài này là Thầy
Thích Minh Đạt, người thường khuyến tấn và dạy bảo chúng tôi, những người Huynh
trưởng và thế hệ kế thừa, rằng: "Một bác sỹ, một nha sỹ mắc lỗi lầm có thể
giết chết một người, nhưng một nhà giáo dục nếu mắc lỗi lầm có thể giết chết cả
nhiều thế hệ.” Thầy cũng dạy trong bài Mỉm Cười rằng:
“Nếu ngày mai tôi chết
Mà chưa kịp mỉm cười
Xin quý Thầy giúp tôi
Cho nhe răng một tí
Đừng há
lớn lạnh môi!”
Thầy tôi đó có lúc khó khăn, nghiêm túc, nhưng
luôn vui vẻ, ôn hoà và giản dị. Trong dịp chúng tôi làm tập sách “Thầy Tôi” cô
đọng lại những vị Tôn túc mà tác giả là những vị Thầy Cô khả kính và quý pháp hữu
kính trọng, nên tôi viết lại bài này về Thầy như một lời tưởng nhớ và tri ân
khi Thầy—người luôn ủng họ và dìu dắt chúng con—vẫn còn hiện hữu trên cõi Ta Bà
ngũ trược nhưng huyền diệu này.
Hoà Thượng Thích Minh Đạt là người khai nguyên
Chùa Quang Nghiêm tại Stockton, CA. Thầy lấy tên Chùa Quang Nghiêm là do nơi
giáo dưỡng Thầy hồi nhỏ khi còn ở Việt Nam, đó là Tổ Đình Ấn Quang và Phật Học
Viện Huệ Nghiêm. Thầy tên là Mai Xuân Bổn. Sanh ngày 27 tháng 10 năm Tân Tỵ,
1941 tại làng Hà Nhuận, Xã Xuyên Thái, Quận Duy Xuyên, Tỉnh Quảng Nam.
Thầy vốn là con trai trưởng trong một gia đình
Nho giáo, 4 gái 2 trai của Cụ Ông Mai Văn Phu và Cụ Bà Nguyễn Thị Truyền, Pháp
danh Diệu Duyên. Thầy mất Cha từ nhỏ, chỉ lúc 8 tuổi (1949) để lại Mẹ già tảo tần
nuôi dưỡng và dạy dỗ 2 đứa con ăn học vì các người con gái đã mất từ rất bé. Rồi
thầy đã lớn khôn và trưởng thành khi Cha mất sớm, mới 16 tuổi (1957) Thầy phải
đành ‘nghỉ học’ ở nhà làm nông để giúp Mẹ. Sau một năm khổ nhọc, Thầy bàn cùng
Mẹ nên hưởng ứng chương trình di dân vào Nam ở đồng bằng Sông Cữu Long theo
chính sách của tổng thống Ngô Đình Diệm.
Ở Đồng Tháp Mười, mùa hè thì đồng hoang nắng
cháy và mùa đông thì nước ngập; Thầy cùng Mẹ dọn về Saigon sống với bà con trên
đường Sư Vạn Hạnh vào năm 1959 mà phước duyên lớn nhất là ở gần chùa Ấn Quang,
nơi Thầy thường đưa Mẹ về chùa lễ Phật.
Có thể nói, đây là một thiện duyên đã đưa Thầy
vào đạo pháp. Năm 1960 Thầy Quy Y với Hoà Thượng Thiện Hoà với tên là Minh Đạt;
lúc này Thầy cũng xin xuất gia mà không được chấp nhận vì chưa có phép của Mẹ. Tuy
nhiên, được sự thương mến trong Tăng Chúng nên Thầy ở trong chúng tập sự xuất
gia, trong đó có Đại Đức Thích Minh Tâm.
Bổn sư của Thầy, Hoà Thượng Thiện Hoà, biết điều
đó, nhưng Ngài làm ngơ được hiểu như một sự đồng ý ngầm. Đại Đức Thích Minh Tâm
đã âm thầm xuống tóc cho Thầy và Bổn Sư của Thầy chỉ còn biết hoan hỷ chấp nhận.
Năm 1963 trong dịp An Cư năm đầu tiên ở Chùa Tuyên Linh, Bến Tre, Thầy được thọ
giới Sa Di với Hoà Thượng Vĩnh Đạo làm Đàn Đầu.
Tháng 11 năm 1963, Thầy trở về Saigon lưu trú
Chùa Xá Lợi, ở đây Thầy đã nỗ lực học chương trình phổ thông “đốt giai đoạn”. Năm
1965, Thầy tiếp tục công trình Phật học của mình ở Phật Học Viện Huệ Nghiêm. Năm
1969, Thầy được thọ Đại Giới và chính thức được cho vào dòng kệ của Tông Môn với
tên là Nguyên Đức, đời 44, thuộc dòng kệ Tổ Sư Liễu Quán. Năm 74, ngài Hòa Thượng
Bửu Huệ ban cho pháp tự là Giác Chánh, lấy Pháp Hiệu là Minh Đạt như tên quy y
lúc ban đầu. Thầy đã tuhọc và làm việc ở Huệ Nghiêm cho đến năm 1979 khi Thầy
đi vượt biên qua Hoà Kỳ.
Như hàng triệu người Việt Nam tha hương, Thầy
cũng nổi trôi theo mệnh nước và đã đến Mỹ mùa thu năm 1979. Thuở đầu Thầy trú tại
Chùa Từ Quang, San Francisco. Trong 4 năm này, Thầy cũng đi học và cùng lúc góp
phần văn hoá Phật giáo Bắc California. Thầy cùng Cố Hoà thượng Thích Thiện Trì,
Hoà thượng Thích Tịnh Từ và Hoà thượng Thích Tín Nghĩa là những pháp lữ một thời.
Hè năm 1983 về Phật sự tại thành phố Stockton, lập Hội Phật Giáo Việt Nam
Stockton vào tháng 8 năm 1983 và kiến lập Chùa Quang Nghiêm vào đầu năm 1984. Ở
Miền Bắc California, ngoài Hoà thượng Thích Thanh Cát và Sư Bà Đức Viên, Cố Hoà
thượng Thích Thiện Trì, Hoà thượng Thích Tịnh Từ và Thầy là bộ tam tòng lâm
pháo thủ Phật giáo Việt Nam Bắc California.
Thầy rất năng động và đảm trách nhiều chức vụ
hành chánh như sau theo thứ tự thời gian.
Tổng thư ký Hội Đồng Điều Hành Tổng Hội Phật
Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ;
Vụ Trưởng Vụ Thanh Niên và Gia Đình Phật Tử
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ;
Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Luật Giáo Hội Phật
Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ;
Chánh Đại Diện Miền Liễu Quán Giáo Hội Phật
Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ
Ngoài ra, Thầy thương yêu, un đúc và giáo dưỡng
tổ chức GĐPT; Thầy còn làm Cố Vấn Giáo Hạnh GĐPT Miền Liễu Quán, Miền Thiện
Minh, và GĐPT Vạn Hạnh.
Về sau, vì tình trạng sức khỏe không cho phép và
sự rốn ren của Giáo Hội, Thầy cùng Hoà thượng Tịnh Từ nghỉ mọi việc hành chánh
của giáo hội về lo việc tỉnh tu và đào tạo Tăng Ni tại bổn tự.
Trong sự nghiệp giáo dưỡng Tăng Ni của Thầy từ
năm 1984, Thầy đã có nhiều khoá lớp, nhưng đa phần vì duyên lành chưa đủ nên số
đông đệ tử xuất gia của Thầy đã không tiếp tục con đường cao thượng là “Tác như
lai sứ, hành như lai sự”. Một vài đệ tử của Thầy mà chúng tôi thường gặp hay
nghe là Thầy Hương Huệ – Thích Đạt Từ và một số Thầy Cô về nương tựa tu học. Ngoài
ra Thầy còn dạy hàng Huynh trưởng GĐPT, trong số đó là Htr. Quang Ngộ, Nguyên
Phú, Nguyên Nhơn, Nguyên Cần, Nhật Quang Đạo, Tâm Thường Định, Nguyệt Kim Tường,
Nhật Quang Khánh, Quảng Mỹ v. v…
Cuộc đời Thầy là thế––như thị. Những lúc làm
việc và học hỏi với Thầy, chúng tôi đã rút ra những bài học bổ ích cho cuộc sống
hàng ngày. Điều quan trọng nữa là bài học thân giáo của Thầy: phong cách hiền
hòa và đức độ lan tỏa từ Thầy êm đềm như dòng sông Thu Bồn xứ Quảng. Chúng tôi
là một trong những số người nhiều may mắn đó. Trong bất cứ lúc nào, nếu có dịp,
Thầy thường nhắc nhở: " Học Phật có nghĩa là học để thành Phật". Vậy
chúng ta cùng đọc, chiêm nghiệm và thực hành những gì mình có thể.
Rốt cùng, hai vị Tôn Sư học đạo của tôi đó, suốt
đời luôn tận tụy phục sự nhân sinh. Hạnh nguyện và Công đức của hai Thầy đã và
đang trải qua nhiều kiếp nhân sinh. Có thể nói, hạnh nguyện đó là Hạnh nguyện
Phổ Hiền, trên kính lễ Chư Phật đến hồi hướng công đức đến mọi loài mà chúng ta
đã biết trong 10 Đại Nguyện Phổ Hiền Bồ Tát như sau:
Một là kính lễ chư Phật;
Hai là khen ngợi Như Lai;
Ba là cúng dường rộng khắp;
Bốn là sám hối nghiệp chướng;
Năm là tùy hỉ công đức;
Sáu là thỉnh Phật thuyết
pháp;
Bảy là thỉnh Phật thường
trụ ở đời;
Tám là tinh tấn tu học
theo Phật;
Chín là hằng thuận chúng
sinh;
Mười là hồi hướng đến khắp tất cả.
Chúng
con xin đãnh lễ quý Thầy và xin sám hối nếu có những lỡ lầm sơ suất. Chúng con
nguyện học và làm việc theo những gì chúng con đã học từ những bậc anh minh, đạo
cao đức trọng, mà trong đó có hai Thầy.
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.
Tâm Thường Định
Cẩn bút
Tham khảo:
Kỷ yếu Tưởng Niệm Hoà Thượng Thích Thiện Trì,
Chùa Kim Quang xuất bản năm 2004.
Góp Nhặt Lá Rơi. Thích Minh Đạt, Chùa Quang
Nghiêm xuất bản năm 2011.
Thích Thiện
Hữu. Personal Communication. January 11, 2015.
No comments:
Post a Comment