Tác giả Viên Linh, một nhà báo Quân Đội VNVH trước 1975. Chủ bút nguyệt san Khởi Hành
và Thầy Hạnh Viên tại An Tiêm Studio, California
(Ảnh: Uyên Nguyên)
Từ giữa năm 1963, tại Miền Nam Việt Nam xuất hiện những cây bút viết từ cửa chùa, đặc biệt từ 1964, họ ào ạt đưa ra ánh sáng những sáng tác thơ văn, những biên khảo triết học mang sinh lực đông phương trầm hùng vào giữa không khí Đời Sống, Tuổi Trẻ và Văn Nghệ lúc ấy đã rất chán chường với ảnh hưởng phương tây. Có thể kể Phạm Thiên Thư, Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ, Chơn Pháp Nguyễn Hữu Hiệu, Chơn Hạnh,… trong số đó, Tuệ Sỹ đặc biệt sâu sắc.
KHỞI HÀNH: Đây là bài nói chuyện về Nhà Thơ, Nhà Văn học giả Tuệ Sỹ trong Bàn Tròn An Tiêm / Đàm Trường Văn Nghệ hôm chủ nhật 26.10.03 tại Phòng Sinh Hoạt Nhật Báo Viễn Đông. Chủ đề được chọn nhân vụ công an cộng sản chận đoàn xe của các Tăng sĩ Phật giáo ở đèo Rù Rì, Lương Sơn, hôm 8 tháng 10, mà đúng hôm có cuộc nói chuyện, từ trong nước, Thượng tọa Tuệ Sỹ cho đưa lên mạng lưới thông tin một bài dài 16 trang đánh máy nhan đề Sự Biến Lương Sơn, tường thuật về sự việc. Bài này chỉ nói đan thanh về Tuệ Sỹ trong Văn Học Miền Nam trước 1975.
Trong tờ báo nhiều năm nay, có những bài viết trên mấy tờ báo văn học thiên tả, xuất bản ở Paris và đăng lại, vọng lại trên một hai tờ báo loại phó-bản, hay tương cận, xuất bản ở Quận Cam, rằng Nền Văn Học Miền Nam Việt Nam – Nền Văn Học từ 1945 đến 1975 – là một Nền Văn Học sa đọa, thấp kém; sản sinh bởi những tác giả và tạo ra những tác phẩm phù phiếm, phục vụ giải trí, làm băng hoại tinh thần và nếp sống tuổi trẻ, v.v…, và do đó, Văn Học Việt Nam Hải Ngoại chỉ là phần nối dài của các sự việc và con người, của xã hội và thể chế xấu xa thời đó.
Những luận điệu ấy không phải là không có tác dụng; nếu có ai lưu tâm một chút tới những lối suy nghĩ, những bài viết ấy sẽ thấy chúng được phản ảnh lại qua những câu chê bai Miền Nam, từ Tinh thần đến Con người, rằng Miền Nam thua là phải, rằng đó là những kẻ còn múa may trong hoang tưởng về dĩ vãng, rằng người thức thời thì nên quên hết những gì là Việt Nam Cộng Hòa đi, nên lột xác đi, [ nên xóa bỏ từ quốc ca đến quốc kỳ đi ], nên xóa bỏ hận thù đi, để xây dựng một Đất nước mới đi theo sự chỉ đường của họ.
Sáng nào ta cũng phải nhìn vào tấm gương. Có khi nào, có ai đó chăng, không muốn nhìn mình trong gương nữa? Có ai đó chăng sợ tấm gương? Có ai đó chăng lại muốn lật phía sau ra, nhìn vào mặt thủy của tấm gương?
Tấm gương phản chiếu khuôn mặt ta, chân dung ta, những gì ở xung quanh ta. Nếu ta thấy mình có những nét không vừa ý, thì không phải là đừng soi tấm gương ấy nữa, hay đập tan tấm gương ấy đi. Không phải thế. Mặt thủy của tấm gương có gì, là gì? Đó chỉ là một mặt nhám, sù sì có tác dụng ngăn chặn ánh sáng, và phản chiếu ánh sáng cho ta nhìn thấy mình. Đập vỡ gương đi là đập vỡ mình. Đập vỡ gương đi, bạn cũng không nhìn thấy bóng ai đâu.
Người khác đôi khi cũng là mặt thủy của tấm gương. Người khác phản chiếu mình. Nếu bạn nhìn thấy qua họ những cái không vừa ý về mình, bạn cũng “không nên” đập tan người khác. Tôi không nghĩ bạn có thể làm được dù đôi khi hay lắm khi bạn muốn làm.
Thế nhưng lúc nào cũng có kẻ xui ta làm việc ấy. Quên Miền Nam đi, quên quá khứ ấy và Nền Văn Học ấy đi… Họ có thể thành công trong một giai đoạn ngắn dài tùy trường hợp, giờ đây người ta có thể thấy, ngay tại Miền Nam, sách báo cũ của Tiền Chiến và của hơn Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam đã và đang được in lại, chính thức hay bán chính thức, để tên tác giả cũ hay xóa tên tác giả cũ đi, thay vào bằng những cái tên của họ. Báo chí Hải ngoại, trong có tờ Khởi Hành, đã loan tin nhiều trường hợp có tên tuổi chứng minh.
Như thế là làm sao? Nó quá rõ ràng: Miền Nam dù cho có những bất toàn bất cập của nó trong tiến trình sinh lập, song đó vẫn là một Miền Đất Nước Hiến Định, với đầy đủ các cơ chế của một Quốc gia, từ Lập Hiến tới Lập Pháp và các guồng máy điều hành hay Giám sát mà rồi chóng hay chầy, Việt Nam ngày nay hay ngày mai, sẽ phải đi lại con đường ấy. Lịch sử sẽ diễn lại, chỉ có thời gian là chậm lại năm ba chục năm. Tuệ Sỹ là gì trong bối cảnh ấy?
Ai đào tạo ra Con Người ấy?
Tại sao hôm nay ta nói về Tuệ Sỹ?
Thưa, Tuệ Sỹ là người được Miền Nam đào tạo. Tuệ Sỹ là sản phẩm của Miền Nam. Tuệ Sỹ là tấm gương trí thức thao thức về vận Nước sáng nhất tôi được biết trong Thời Thế chúng ta.
Nhà văn nhà thơ Viên Linh đang giới thiệu đặc san Văn Học,
số đặc biệt chủ đề Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát.
Bìa do ông trình bày, bố cục bằng chữ thư pháp của chính ông. (Ảnh: Uyên Nguyên)
Cố Hòa Thượng Thích Đức Nhuận, trong một bài viết năm 2001, sẽ dùng làm Tựa cho một cuốn sách do Chơn Pháp Nguyễn Hữu Hiệu sẽ xuất bản về Tuệ Sỹ, viết như sau:
“Trải qua trên hai phần ba thế kỉ trong cuộc sống, kiểm điểm lại đời mình tôi nhận thấy: Trên lãnh vực văn học nghệ thuật, và cả ý chí nữa, tôi đặc biệt lưu tâm tới hai người trẻ tuổi: Tuệ Sỹ và…” [Chúng tôi tạm không nói tên người thứ hai này, vì hôm nay chỉ nói về Tuệ Sỹ]
“Tôi thương yêu và tin tưởng hai học giả nghệ sĩ này chẳng những vì tài hoa xuất chúng, học vấn uyên thâm, quán triệt đông tây kim cổ, đạo và đời của họ, mà còn là vì, nhất là vì chí khí ngất trời,…” “thời gian lặng lẽ trôi, đặc biệt từ 26 năm qua, từ ngày cả dân tộc đất nước Việt Nam bị chìm đắm trong cơn bão táp oan khiên nhất của lịch sử thời đại, dưới sự thống trị của chủ nghĩa cộng sản tàn bạo phi nhân, càng chứng tỏ tình thương và lòng tin của tôi đã đặt đúng chỗ, đúng người.” (Bài tựa cho cuốn sách về Tuệ Sỹ, chưa xuất bản)
Hòa thượng Mãn Giác, trong dịp trò chuyện với các học trò cũ tại Đại học Vạn Hạnh, mà ông là Phó Viện Trưởng và Tuệ Sỹ là Phân khoa trưởng Phật học, đã nói: “Tuệ Sỹ đã tu từ ngàn kiếp trước, Phật giáo VN phải đợi đến 350 năm mới có được một Thiền sư uyên bác như Tuệ Sỹ! (Theo Quảng Đức, cựu sinh viên Vạn Hạnh. Bài Quảng Đức đăng trong số này)
Năm 1974, Tuệ Sỹ đưa cho báo Thời Tập cái truyện ngắn nhan đề Piano Sonata 14. Truyện đã đăng ngay, và ở Hải Ngoại đã được đăng lại trên Khởi Hành số 29. Trong lời giới thiệu, Viên Linh viết: “Truyện Piano Sonata 14 của Tuệ Sỹ đáng kể là một trong những truyện ngắn hay nhất của Việt Nam” (Khởi Hành 29.3.1997)
Thi sĩ quá cố Bùi Giáng nói về Tuệ Sỹ: “Nhưng ai có ngờ đâu nhà sư kính đáo e dè kia, không hề bao giờ có vướng lụy, lại còn mang một nguồn thơ Việt phi phàm? Một bài thơi KHÔNG ĐỀ của ông đủ khiến ta khiếp vía, mất ăn mất ngủ: Mới nghe 4 câu thôi, tôi đã cảm dạ. Tôi hoảng vía đề nghị: Đại sư nên gác bỏ viết sách đi. Và làm thơ tiếp nhiều cho. Nếu không thì nền thi ca Việt mất đi một thiên tài quá lớn.” (Bùi Giáng, Đi vào Cõi Thơ Tuệ Sỹ)
Dịch giả Huỳnh Kim Quang là môn sinh của Tuệ Sỹ, mà cũng là người dịch cuốn sách Lão Tử ra Việt ngữ, nhưng dịch theo một bản Thiền, và nhan đề là Kinh Đức Đạo chứ không phải Đạo Đức Kinh như ta thường biết. Anh Huỳnh Kim Quang đã dịch những bài Thơ Trong Tù của Tuệ Sỹ ra Việt Ngữ. Phần lớn thơ trong tù của Tuệ Sỹ viết bằng Hán văn, trong tập gọi là Ngục Trung Mỵ Ngữ. Anh viết: “Trong giới Phật học không ai xa lạ gì tài năng ưu việt của Thầy Tuệ Sỹ về chữ Hán. Mấy bài thơ chữ Hán mà người viết đề cập trong bài này được Thầy sáng tác hầu hết ở trong tù từ 1979-1980 và từ 1984 đến nay. Đây là một bài:
CÚNG DƯỜNG
Phụng thử ngục tù phạn
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian trường huyết hận
Bỉnh bát lệ vô ngôn.
Dịch giả bình giải cho thấy tâm thức Tuệ Sỹ qua 20 chữ ấy:
Dâng chén cơm tù này
Cúng dường lên Đức Thế Tôn Tối Thắng
Nghĩ đến thế gian máy lửa triền miên
Nên vừa bưng chén cơm mà nghẹn ngào đẫm lệ.
“Bài thơ diễn tả Một hình ảnh thật thiêng liêng va cảm động: Vị tu sĩ ở trong tù đến giờ ăn trưa vẫn cử hành nghi thức thọ trai một cách nghiêm cẩn. Hai tay nâng bát cơm lên để cúng dường Đức Phật trước khi vị ấy thọ thực. Vừa nâng bất cơm lên vừa quán tưởng đến sự khổ đau của chúng sanh, của dân tộc mà bậc đại sỹ cảm nghe thương xót ngậm ngùi. Khi chúng sanh hết khổ đau thì bậc đại sỹ mới hết đau xót. Đó là tấm long Từ Bi của Bồ Tát vậy.” (Huỳnh Kim Quang, Đọc thơ Tù Chữ Hán của Thầy Tuệ Sỹ, Chân Nguyên số 30, 132-142)
Nhà Văn Vĩnh Hảo, tác giả trên 10 cuốn truyện dài và truyện ngắn, xuất bản từ 1989 đến 2002, trong có những cuốn như Mẹ, Quê Hương và Nước Mắt, Thiên Thần Quét Lá, Cởi Trói, tập 1 và 2, viết như sau trong bài “Đọc Thơ Tuệ Sỹ”: “Ngoài những điều xưng tụng về trí tuệ thâm viễn và quảng bác của ông trong chốn Thiền môn cũng như bên ngoài xã hội, thực sự cái điều khiến tôi “mê” Tuệ Sỹ nhất là tâm hồn nghệ sĩ của ông. Dù ông đang đạo mạo trang nghiêm nơi đạo tràng hay bục giảng, tôi vẫn cứ thấy được cái “thơ” thoát ra từ con người ông như thường. Cõi thơ Tuệ Sỹ Dị Thường Sâu Thẳm. Cõi ấy không có lối đi bằng chân. Chỉ có thể thả hồn mình vào đó mà thôi.” (Vĩnh Hảo, Khởi Hành 73.3.2002)
Dù chỉ tồn tại hơn Hai Mươi Năm, Nền Văn Nghệ Miền Nam Việt Nam sẽ được ghi nhận đánh giá, nghiên cứu không thua gì Giai đoạn Văn Nghệ Tiền Chiến, mà Tiền Chiến cũng chỉ kéo dài mạnh mẽ từ tháng 3, 1932 – là ngày tờ Phụ Nữ Tân Văn số 122 đăng bài “Một Lối Thơ Mới Trình Chánh Giữa Làng Thơ” trong có Bài thơ Tình Già của Phan Khôi. Giai đoạn này chấm dứt vào tháng 8.1945, là ngày cuộc Kháng chiến chống Pháp khởi sự, chấm dứt giai đoạn Tiền chiến, một giai đoạn trước sau có 13 năm, 5 tháng (tính theo sinh kỳ của những tờ báo Quốc ngữ có ảnh hưởng nhất). Sự ảnh hưởng của giai đoạn Tiền chiến không chấm dứt tức khắc, vì ngày nay tuy không mấy người còn viết theo lối đó, nhưng người đọc thì còn mãi mãi. Cũng vậy, Văn Học Miền Nam không chấm dứt vào 30 tháng 4, 1975. Ảnh hưởng của nó còn lâu dài về sau. Báo chí Miền Nam, và Văn Học Miền Nam đã ảnh hưởng ngược lại ra Bắc. Như chúng ta đều biết.
Số đặc biệt báo Văn Học, chủ đề Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát.
Bìa do ông trình bày, bố cục bằng chữ thư pháp của chính ông. (Ảnh: Uyên Nguyên)
Còn phía người đọc, tôi tin rằng hầu hết người đọc Việt Nam hiện nay là người đọc của Tiền Chiến xưa cộng với người đọc của Thời Kỳ Kháng Chiến Chống Pháp 9 năm, và người đọc của Văn Học Miền Nam. Những người đọc đã từ khước Văn học cộng sản. Tôi không thấy các nhà sách quốc doanh trong nước in lại thơ truyện cách mạng đấu tố, cải cách ruộng đất viết bởi những Tố Hữu, Nguyễn Công Hoan, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, mà chỉ thấy đầy rẫy thơ văn của Lãng Mạn Tiền Chiến, đến thơ Kháng Chiến Quang Dũng, Hữu Loan, Hoàng Cầm…
Tuệ Sỹ không được các nhà phê bình Văn Học Miền Nam nói đến đầy đủ, chỉ bởi chúng ta, Miền Nam, chưa đào tạo được bao nhiêu nhà phê bình văn học. Chỉ có vài người, đáng kể nhất là Cao Huy Khanh, tác giả loạt bài 15 năm Văn Xuôi Miền Nam đăng trên Khởi Hành và Thời Tập trước 1975 [Khi đăng trên Thời Tập sau đó, loạt bài đã sửa lại là 20 Năm Văn Xuôi]. Nói đến Tuệ Sỹ trước 1975 cũng chỉ có vài người, trong có Bùi Giáng, Nguyễn Hữu Hiệu và chúng tôi. Chủ yếu, Thơ Văn Tuệ Sỹ khởi đăng báo ở Miền Nam, ngoài tờ Tư Tưởng của Vạn Hạnh do chính Tuệ Sỹ chủ biên ra, chỉ đăng trên Khởi Hành và Thời Tập. Sau đó có đăng trên tờ Vấn Đề do Vũ Khắc Khoan chủ trương.
Tinh hoa của Thơ Văn Miền Nam, cộng với Trí Tuệ của vị chân tu thi sĩ, thể hiện rỡ ràng trong Thơ Truyện Tuệ Sỹ. Vần điệu Tuệ Sỹ chứa chan tình cảm, mà lạ thay không phải tình cảm yêu đương. Câu văn Tuệ Sỹ nồng nàn tuổi trẻ, mà lạ thay không phải tuổi trẻ nam nữ. Thơ Văn ông là kết đọng của sương mai buổi sớm, nắng gió ban trưa, và tiếng thu không của chuông chùa khi chiều tối. Nó thanh nhã, êm đềm, trầm tư, tự tại, bao la, mênh mông. Và giữa những thứ ấy là bóng dáng của một trang kinh Phật nguyên thủy. Xa xa là bước chân phiêu bạt băng ngàn vượt suối của một lão trượng nào đó, và bóng Mẹ mờ mờ phía một ngôi chùa ở Thượng Lào, nơi Tuệ Sỹ đã ôm bình bát khất thực cùng một đoàn Tăng sĩ, và đôi chân rất nhỏ đi một đôi dép rất mỏng ấy đã vượt Trường Sơn về Quê Mẹ, vào lúc 11 tuổi. Tôi tin rằng Tuệ Sỹ sẽ còn vượt Trường Sơn nữa, và vượt ngược Trường Sơn, dựng lại Đất Nước.
VIÊN LINH