Showing posts with label Thích Nữ Giới Hương. Show all posts
Showing posts with label Thích Nữ Giới Hương. Show all posts

Monday, February 18, 2019

QUAN ÂM QUẢNG TRẦN - Thích Nữ Giới Hương

Sách designed by Uyên Nguyên - Lotus Media, Inc.

THÍCH NHƯ ÐIỂN: Người xưa thường nói rằng: "Học hải vô nhai, cần thị ngạn; thanh không hữu lộ, chí vi thê". Nghĩa là: Biển học không bờ, siêng là bến; trời xanh có lối, chí là thang". Mãi cho đến bao giờ, khi nắp quan tài chưa đậy lại, thì lúc ấy con người mới không cần học hỏi nữa; nhưng nếu con người vẫn còn sống, bắt buộc chúng ta phải học hỏi nhiều điều; nghĩa là: học những gì cần phải học để sự hiểu biết của chúng ta được phong phú hơn.

Vào cuối năm 2017 Ni sư Giới Hương ở Hoa Kỳ có nhờ tôi đọc, chỉnh sửa nếu có những lỗi chính tả cũng như ý của câu văn cho hai quyển sách "Luân Hồi trong Kinh Lăng Nghiêm" và "Quan Âm Quảng Trần". Tôi cũng hơi lo, vì thời gian gấp quá; nhưng quyển trước, tôi đã đọc xong và cũng đã viết lời giới thiệu rồi. Lần nầy nhờ đi Nga với hai nơi là Saint Peterburg và Moscow để dự lễ Khánh Thành chùa Thảo Đường từ ngày 18 đến 30 tháng 10 năm 2017; nên tôi đã lợi dụng cơ hội nầy, ban ngày thực hiện những Phật sự tại địa phương và ban đêm về lo đọc sách, sửa lỗi chính tả và cuối cùng viết lời giới thiệu. Sách nầy dày hơn sách trước; nghĩa là sách có 452 trang, mà tôi phải đọc trong 4 ngày từ 18 đến 22 tháng 10 mới xong, vì lẽ sách có nhiều điểm cần phải quan tâm và chỉnh sửa và hôm nay ngày 22 tháng 10 năm 2017 trên chuyến tàu tốc hành từ Saint Peterburg đến Moscow, tôi đã hoàn thành lời giới thiệu nầy.

Sách có 6 chương. Chương đầu giới thiệu về lịch sử của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát của Việt Nam, Trung Hoa và Đại Hàn theo tinh thần Phật Giáo Đại Thừa; với những câu chuyện tưởng như đơn giản dễ hiểu; nhưng khi vào các chương 2,3,4,5... thì độc giả phải dùng trí lực không ít, vì lẽ Ni sư đã kết hợp tánh nghe của Quan Âm thuộc về Nhĩ Căn Viên Thông để hình thành tác phẩm nầy. Lẽ ra nội dung của tác phẩm nầy liên hệ trực tiếp với Kinh Lăng Nghiêm; nhất là phần 25 Vị Thánh trình bày về sở tu, sở chứng của mình; nhưng Ni sư đã khéo léo kết hợp để đưa chung vào tác phẩm "Quan Âm Quảng Trần" nầy để cho có cơ hội làm quen với cả hai tác phẩm cùng một lúc. Vì lẽ tác giả của sách nầy đã minh chứng về Tánh Không một cách quá tỉ mỉ; khiến cho chúng ta không thể nào không đọc chương nầy một cách thích thú được. Đến phần Đức Đại Thế Chí Bồ Tát đi cầu pháp niệm Phật A Di Đà, chúng ta mới thấy tác giả đã khéo léo kết hợp tư tưởng Tịnh Độ để giới thiệu đến những độc giả đó đây, nhằm phổ biến tư tưởng nầy đến với mọi độc giả của mình.

Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát cuối cùng chỉ chấp nhận pháp tu Quan Âm trong 25 pháp tu của các Vị Thánh; bởi vì chỉ có Phản Văn Tự Kỷ mới là phần chính của tánh nghe mà Đức Phật muốn gạn hỏi Ngài A Nan qua 7 cách đi tìm tâm; còn nàng Ma Đăng Già thì đã liễu ngộ tánh nầy, ngay trước cả A Nan, vì Ngài A Nan chỉ chuyên tâm nghe, học, hiểu; nhưng phần hành trì chưa thấu đáo; nên Ngài A Nan vẫn còn là một bậc đa văn hữu học; chứ không phải là bậc Vô Học Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni, khi những vị nầy đã liễu ngộ được pháp tu Quan Âm nầy.

Phần Ngài Ưu Ba Ly đi tìm tự tánh của chính mình cũng đã vượt qua khỏi cả 8 ông Hoàng tử muốn đi xuất gia, mặc dầu họ đã đến gặp Phật trước cả Ưu Ba Ly; nhưng tám Vị nầy phải qua một tuần lễ gạn lọc tâm để thanh tẩy những ngã mạn, tà kiến khi còn là những ông Hoàng tử của xứ Ca Tỳ La Vệ. Vì vậy cho nên người xưa đã đặt một bài kệ để tán dương hạnh nầy của Ngài Ưu Ba Ly như sau:
Đắc độ thân tiền bát vương tử
Lăng Nghiêm hội thượng chứng viên thông 
Hoằng tuyên luật giáo Tỳ Ni tạng
Phật pháp do như tự thế long.

Nghĩa:
Đắc độ cả trước 8 ông Hoàng
Lăng Nghiêm pháp hội chứng thần thông 
Hoằng truyền giới luật, tạng Thanh Văn
Phật pháp từ đây đà hưng thịnh.


Toàn văn cũng như ngữ nghĩa của quyển sách nầy tác giả muốn giới thiệu đến các pháp tu từ tiệm đến thứ. Đó là pháp Sa Ma Tha, Tam Ma và Thiền Na. Nếu hành giả nào đi trọn vẹn được quảng đường tiệm rồi đến thứ trong việc tu học như thế nầy thì Đại Viên Cảnh Trí của A Lợi Da thức đã viên thành nhiệm vụ của mình là đưa hành giả từ chỗ sơ cơ về đến bờ giác ngộ giải thoát. Tôi xin trân trọng giới thiệu tác phẩm giá trị nầy đến với Quý độc giả khắp muôn phương và theo tôi, nếu quý vị nào có duyên đọc quyển nầy trước thì cũng nên tìm đọc quyển "Luân Hồi trong Kinh Lăng Nghiêm" thì sẽ được bổ túc cho nhau về việc đi tìm Tâm nầy; hoặc ngược lại, nếu vị nào đọc quyển "Luân Hồi trong Kinh Lăng Nghiêm" trước thì cũng nên tìm đọc quyển "Quan Âm Quảng Trần "nầy để cả Lý và Sự được viên dung.

Tôi biết rằng quyển sách nầy cũng đã được Ni sư Thích Nữ Giới Hương cho dịch sang Anh Văn để giới thiệu đến những độc giả chuyên đọc Anh ngữ. Đây là một việc làm không đơn giản, vì Tánh Không và tự tánh Di Đà không phải là một việc đơn giản để người ngoại quốc hiểu và thực hành; nhưng với trách nhiệm là một Giáo sư Đại học Phật giáo Việt Nam với học hàm Tiến sĩ, bận rộn cho không biết bao nhiêu công việc, mà Ni sư đã hoàn thành được cả hai tác phẩm nầy bằng hai ngôn ngữ cả Việt lẫn Anh văn, quả là một việc quá phi thường. Cho nên tôi mong rằng các độc giả hãy cố gắng đọc từ trang đầu đến trang cuối để được lợi lạc nhiều hơn.

(Viết xong lời giới thiệu nầy vào lúc 16 giờ ngày 22 tháng 10 năm 2017 trên chuyến tàu tốc hành chạy từ Saint Peterburg về Moscow, Liên Bang Nga.)

Nếp Sống Tỉnh Thức của Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV - Thích Nữ Giới Hương

Sách designed by Uyên Nguyên, Lotus Media Inc. 

THÍCH NHƯ ÐIỂN: Ðức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng là một vị Thánh Tăng trong hiện kiếp, hầu như ít có người Phật Tử nào trên thế giới mà chẳng biết hay nghe đến danh tiếng của Ngài, ngay cả những người không phải là Phật Tử. Trên từ các bậc Quân Vương, Hòang Hậu, Tổng Thống, Thủ Tướng; dưới cho đến những người cùng đinh trong xã hội Ấn Độ, Tây Tạng v.v... không ai là không biết đến Ngài. Ngài là biểu tượng của lòng từ bi và trí tuệ, bình đẳng cũng như hài hòa. Đây là một vị Bồ Tát tái sanh vậy.

Ai đã có duyên gặp được Ngài hay đọc sách của Ngài rồi thì không thể nào không có một ấn tượng sâu xa nào đó. Nhất là nụ cười và những lời giáo huấn đơn giản, nhưng sâu sắc của Ngài. Năm 1959 Ngài chính thức có mặt tại Ấn Độ và suốt hai mươi năm như vậy Ngài lo ổn định đời sống tại Dharamsara, thuộc miền Bắc Ấn Độ, cho chính Ngài cũng như cho dân chúng Tây Tạng đang tỵ nạn tại đó. Đến năm 1979 Ngài bắt du hành sang Hoa Kỳ và cũng trong năm nầy ngoài việc tiếp xúc với các chính giới Hoa Kỳ, Ngài đã nhận tước hiệu Tiến Sĩ Triết Học Phật Giáo tại Đại Học Đông Phương (University of Oriental Studies, LA, USA) do cố Hòa Thượng Tiến Sĩ Thích Thiên Ân, Viện Trưởng Viện Đại Học nầy trao tặng. Đây là niềm vinh dự của Phật Giáo Việt Nam chúng ta tại Hải Ngọai lúc bấy giờ. Rồi kể từ đó đến nay, riêng Phật Tử và chư Tăng Ni Việt Nam của chúng ta ở trong cũng như ngoài nước có không biết bao nhiêu là cơ hội để được tiếp xúc, học hỏi, đãnh lễ, cúng dường Ngài. Đây là một phước báu của chúng ta.

Riêng chúng tôi và chùa Viên Giác tại Hannover, Đức Quốc đã được vinh dự đón tiếp Ngài hai lần vào ngày 18 tháng 6 năm 1995 và ngày 20 tháng 9 năm 2013 cũng như vô số lần khác tại Ấn Độ, Hamburg, Frankfurt, Schneverdingen v.v… mỗi lần như thế chúng tôi thấy được ấm áp, có sự gia trì từ Ngài. Đồng thời chúng tôi cũng có duyên để đọc rất nhiều sách viết về Ngài như: Nước tôi và dân tôi, tự do trong lưu đày v.v… đặc biệt chúng tôi cũng đã viết lời tựa cho quyển sách dịch từ tiếng Anh “My Son, the Dalai Lama 14“ do Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng dịch sang Việt Ngữ. Nay có Ni Sư Thích Nữ Giới Hương, Trụ Trì chùa Hương Sen tại Hoa Kỳ đã viết và dịch xong tác phẩm “Nếp sống tỉnh thức“ của Ngài gồm 2 tập. Tập 1 dày 192 trang khổ A4 và tập thứ 2 dày 298 trang cũng khổ A4. Thật ra đây là lần tái bản thứ 3 chứ không phải là lần đầu tiên; nhưng Ni Sư Giới Hương mới nhờ tôi viết lời giới thiệu. Do vậy tôi phải cất công đọc hai tập sách nầy trong nhiều ngày liền để viết nên lời giới thiệu nầy.

Luận án Tiến Sĩ của Ni Sư Thích Nữ Giới Hương viết bằng tiếng Anh có liên quan về Tánh Không và khi Cô cho chuyển dịch sang Việt ngữ, tôi cũng đã đọc và đã viết lời giới thiệu cho luận án giá trị nầy. Văn phong dịch thuật rất trôi chảy, lịch lãm cũng như uyên bác, lột tả hết được những ngôn từ Phật Học qua sự chuyển dịch. Ấy là một sự thành công. Thứ đến, những lời dạy của Ngài là vàng, là bạc, là kim cương qua cái nhìn từ bi và trí tuệ, dưới nhãn quan Phật học, khó có một chính trị gia hay một nhà Thần Học nào có thể qua khỏi được những nhận xét về cuộc đời, phương cách sống được như vậy. Ví dụ như câu chuyện về sức khỏe. Ngài bảo “khi người ta còn trẻ, người ta dùng rất nhiều thời gian và sức lực để đi kiếm cho thật là nhiều tiền và đến khi già, người ta dùng rất nhiều tiền để đi mua sức khỏe“. Đó là một chân lý mà ít ai quan tâm để ý đến; nhưng sau khi nghe hay đọc được rồi, thì đây chính là một công án, mà mỗi người trong chúng ta nên tự giải đáp về đời sống nan giải có liên quan đến sức khỏe của mình. Từ chương 1 đến chương 3 tác phẩm nầy đã giới thiệu về đất nước Tây Tạng, Tiểu Sử của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 cũng như sự truyền thừa của 14 đời Đạt Lai Lạt Ma từ thế kỷ thứ 14 đến nay. Đồng thời Ni Sư cũng đã cố công dịch lại tất cả những giải thưởng mà Ngài đã nhận lãnh được trên thế giới. Qua đây, chúng ta thấy được việc giải Nobel Hòa Bình của Thụy Điển và Na Uy cấp cho Ngài năm 1989 là một điều hiển nhiên vậy.

Từ chương thứ 4 đến chương thứ 9 là nội dung có liên quan đến trí tuệ, tình thương, giáo dục, chính trị, văn hóa, Tôn Giáo, ngọai giao, bệnh tật, khổ nạn của chúng sanh v.v… tất cả đều được thể hiện qua những bài giảng của Ngài. Đa phần là những câu hỏi và những câu trả lời ngắn gọn, nhưng rất súc tích, hàm chưa phẩm hạnh của một bậc Đạo Sư có cả Pháp Học và Pháp Hành. Cô Giới Hương có công chia ra từng chương một và gồm nhiều đề tài khác nhau, được sắp theo thứ tự A, B, C… khiến cho người đọc dễ nắm bắt vấn đề khi cần tham khảo. Đặc biệt nhất ở chương cuối Cô đã dịch những Pháp Ngữ của Ngài qua Tác Phẩm “The Joy of Living and Dying in Peace“ rất là tuyệt vời. Do vậy, tôi xin tán dương, ca ngợi để viết nên lời giới thiệu chân thành nầy. Một bữa ăn ngon, người ta chỉ có thể no đủ trong mấy tiếng đồng hồ; nhưng một khái niệm và nhận chân về trí tuệ, nếu chúng ta nắm bắt được từ lời dạy của Ngài, chắc chắn chúng ta sẽ được lợi ích suốt đời. Đây là món ăn tinh thần mà người Phật Tử xuất gia cũng như tại gia không thể nào không quan tâm được.

Dịch sách và viết sách không phải là vấn đề giản đơn chỉ là trau chuốt những con chữ cho độc gỉa đọc, hiểu và tìm tòi, mà ở đây còn là vấn đề niềm tin vào một Tôn Giáo nữa. Dịch không thừa mà cũng không thiếu ý chính của Tác Gỉa. Đó là bổn phận của người dịch và người viết sách. Nay Ni Sư Giới Hương đã làm được hai nhiệm vụ nầy. Quả là điều tuyệt diệu. Nếu ai đó chỉ nhìn qua đề tựa của quyển sách rồi khen đẹp, khen hay; chẳng khác nào chúng ta nhìn những món ăn ngon được bài trí trên bàn, nhưng chúng ta chưa cầm đũa để thưởng thức những món ăn ấy. Vậy xin mời bạn, kể cả những người thuộc các Tôn Giáo khác hãy ngồi ngay vào bàn tiệc tinh thần nầy để đọc, nghiền ngẫm, tra cứu những lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, để chúng ta cùng thẩm thấu, đón nhận những món ăn tinh thần cao qúy nầy.

Xin kính mời chư Tôn Đức cùng tất cả Qúy Phật Tử và những người khác Đạo hãy dành một ít thời gian để đọc qua dịch phẩm nầy. Chắc rằng sẽ mang đến cho Qúy Vị nhiều lợi lạc trong đời sống tâm linh của mình.

Viết xong lời giới thiệu nầy vào ngày 4 tháng 2 năm 2016 tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc.

Thích Như Điển,
Phương Trượng chùa Viên Giác Hannover.