Monday, February 18, 2019

QUAN ÂM QUẢNG TRẦN - Thích Nữ Giới Hương

Sách designed by Uyên Nguyên - Lotus Media, Inc.

THÍCH NHƯ ÐIỂN: Người xưa thường nói rằng: "Học hải vô nhai, cần thị ngạn; thanh không hữu lộ, chí vi thê". Nghĩa là: Biển học không bờ, siêng là bến; trời xanh có lối, chí là thang". Mãi cho đến bao giờ, khi nắp quan tài chưa đậy lại, thì lúc ấy con người mới không cần học hỏi nữa; nhưng nếu con người vẫn còn sống, bắt buộc chúng ta phải học hỏi nhiều điều; nghĩa là: học những gì cần phải học để sự hiểu biết của chúng ta được phong phú hơn.

Vào cuối năm 2017 Ni sư Giới Hương ở Hoa Kỳ có nhờ tôi đọc, chỉnh sửa nếu có những lỗi chính tả cũng như ý của câu văn cho hai quyển sách "Luân Hồi trong Kinh Lăng Nghiêm" và "Quan Âm Quảng Trần". Tôi cũng hơi lo, vì thời gian gấp quá; nhưng quyển trước, tôi đã đọc xong và cũng đã viết lời giới thiệu rồi. Lần nầy nhờ đi Nga với hai nơi là Saint Peterburg và Moscow để dự lễ Khánh Thành chùa Thảo Đường từ ngày 18 đến 30 tháng 10 năm 2017; nên tôi đã lợi dụng cơ hội nầy, ban ngày thực hiện những Phật sự tại địa phương và ban đêm về lo đọc sách, sửa lỗi chính tả và cuối cùng viết lời giới thiệu. Sách nầy dày hơn sách trước; nghĩa là sách có 452 trang, mà tôi phải đọc trong 4 ngày từ 18 đến 22 tháng 10 mới xong, vì lẽ sách có nhiều điểm cần phải quan tâm và chỉnh sửa và hôm nay ngày 22 tháng 10 năm 2017 trên chuyến tàu tốc hành từ Saint Peterburg đến Moscow, tôi đã hoàn thành lời giới thiệu nầy.

Sách có 6 chương. Chương đầu giới thiệu về lịch sử của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát của Việt Nam, Trung Hoa và Đại Hàn theo tinh thần Phật Giáo Đại Thừa; với những câu chuyện tưởng như đơn giản dễ hiểu; nhưng khi vào các chương 2,3,4,5... thì độc giả phải dùng trí lực không ít, vì lẽ Ni sư đã kết hợp tánh nghe của Quan Âm thuộc về Nhĩ Căn Viên Thông để hình thành tác phẩm nầy. Lẽ ra nội dung của tác phẩm nầy liên hệ trực tiếp với Kinh Lăng Nghiêm; nhất là phần 25 Vị Thánh trình bày về sở tu, sở chứng của mình; nhưng Ni sư đã khéo léo kết hợp để đưa chung vào tác phẩm "Quan Âm Quảng Trần" nầy để cho có cơ hội làm quen với cả hai tác phẩm cùng một lúc. Vì lẽ tác giả của sách nầy đã minh chứng về Tánh Không một cách quá tỉ mỉ; khiến cho chúng ta không thể nào không đọc chương nầy một cách thích thú được. Đến phần Đức Đại Thế Chí Bồ Tát đi cầu pháp niệm Phật A Di Đà, chúng ta mới thấy tác giả đã khéo léo kết hợp tư tưởng Tịnh Độ để giới thiệu đến những độc giả đó đây, nhằm phổ biến tư tưởng nầy đến với mọi độc giả của mình.

Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát cuối cùng chỉ chấp nhận pháp tu Quan Âm trong 25 pháp tu của các Vị Thánh; bởi vì chỉ có Phản Văn Tự Kỷ mới là phần chính của tánh nghe mà Đức Phật muốn gạn hỏi Ngài A Nan qua 7 cách đi tìm tâm; còn nàng Ma Đăng Già thì đã liễu ngộ tánh nầy, ngay trước cả A Nan, vì Ngài A Nan chỉ chuyên tâm nghe, học, hiểu; nhưng phần hành trì chưa thấu đáo; nên Ngài A Nan vẫn còn là một bậc đa văn hữu học; chứ không phải là bậc Vô Học Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni, khi những vị nầy đã liễu ngộ được pháp tu Quan Âm nầy.

Phần Ngài Ưu Ba Ly đi tìm tự tánh của chính mình cũng đã vượt qua khỏi cả 8 ông Hoàng tử muốn đi xuất gia, mặc dầu họ đã đến gặp Phật trước cả Ưu Ba Ly; nhưng tám Vị nầy phải qua một tuần lễ gạn lọc tâm để thanh tẩy những ngã mạn, tà kiến khi còn là những ông Hoàng tử của xứ Ca Tỳ La Vệ. Vì vậy cho nên người xưa đã đặt một bài kệ để tán dương hạnh nầy của Ngài Ưu Ba Ly như sau:
Đắc độ thân tiền bát vương tử
Lăng Nghiêm hội thượng chứng viên thông 
Hoằng tuyên luật giáo Tỳ Ni tạng
Phật pháp do như tự thế long.

Nghĩa:
Đắc độ cả trước 8 ông Hoàng
Lăng Nghiêm pháp hội chứng thần thông 
Hoằng truyền giới luật, tạng Thanh Văn
Phật pháp từ đây đà hưng thịnh.


Toàn văn cũng như ngữ nghĩa của quyển sách nầy tác giả muốn giới thiệu đến các pháp tu từ tiệm đến thứ. Đó là pháp Sa Ma Tha, Tam Ma và Thiền Na. Nếu hành giả nào đi trọn vẹn được quảng đường tiệm rồi đến thứ trong việc tu học như thế nầy thì Đại Viên Cảnh Trí của A Lợi Da thức đã viên thành nhiệm vụ của mình là đưa hành giả từ chỗ sơ cơ về đến bờ giác ngộ giải thoát. Tôi xin trân trọng giới thiệu tác phẩm giá trị nầy đến với Quý độc giả khắp muôn phương và theo tôi, nếu quý vị nào có duyên đọc quyển nầy trước thì cũng nên tìm đọc quyển "Luân Hồi trong Kinh Lăng Nghiêm" thì sẽ được bổ túc cho nhau về việc đi tìm Tâm nầy; hoặc ngược lại, nếu vị nào đọc quyển "Luân Hồi trong Kinh Lăng Nghiêm" trước thì cũng nên tìm đọc quyển "Quan Âm Quảng Trần "nầy để cả Lý và Sự được viên dung.

Tôi biết rằng quyển sách nầy cũng đã được Ni sư Thích Nữ Giới Hương cho dịch sang Anh Văn để giới thiệu đến những độc giả chuyên đọc Anh ngữ. Đây là một việc làm không đơn giản, vì Tánh Không và tự tánh Di Đà không phải là một việc đơn giản để người ngoại quốc hiểu và thực hành; nhưng với trách nhiệm là một Giáo sư Đại học Phật giáo Việt Nam với học hàm Tiến sĩ, bận rộn cho không biết bao nhiêu công việc, mà Ni sư đã hoàn thành được cả hai tác phẩm nầy bằng hai ngôn ngữ cả Việt lẫn Anh văn, quả là một việc quá phi thường. Cho nên tôi mong rằng các độc giả hãy cố gắng đọc từ trang đầu đến trang cuối để được lợi lạc nhiều hơn.

(Viết xong lời giới thiệu nầy vào lúc 16 giờ ngày 22 tháng 10 năm 2017 trên chuyến tàu tốc hành chạy từ Saint Peterburg về Moscow, Liên Bang Nga.)

No comments:

Post a Comment