Showing posts with label Tiểu luận. Show all posts
Showing posts with label Tiểu luận. Show all posts

Sunday, December 8, 2019

HÃY THỬ TÌM MỘT GIẢI PHÁP - CHỈNH ĐỐN LẠI CHÍNH TA VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC TRƯỚC SỰ PHÂN HOÁ CHIA RẼ!


Posters: designed by Quảng Pháp


HÃY THỬ TÌM MỘT GIẢI PHÁP -
CHỈNH ĐỐN LẠI CHÍNH TA VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC TRƯỚC SỰ PHÂN HOÁ CHIA RẼ!
Chớ tranh cãi và hãy sống không thấy ai là đối thủ.  Kinh Sn 4.8 – Pasura Sutta.


Theo sự mời gọi của Ban Hướng Dẫn miền Quảng Đức, chúng tôi viết bài luận này để góp phần trong buổi hội thảo “Gia Đình Phật Tử Giữa Giáo Hội (Tông và Hệ Phái)” vào tháng 12 năm 2019. Trước tiên, chúng ta đều biết tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPTVN) xuất thân từ cái nôi văn hoá Phật giáo Việt Nam, Cố Đô Huế; và nay, sau hơn 70 năm, đã lan dần đến khắp 5 châu. Mà những vị sứ giả của tổ chức GĐPT là những huynh trưởng đã phát nguyện trọn đời phụng sự cho Đàn em, Đạo pháp, Dân tộc và phụng sự lý tưởng màu Lam. Cũng giống như những Thầy Cô cố vấn giáo hạnh là nhà lãnh đạo tâm linh, Huynh trưởng cũng được xem như những nhà lãnh đạo, ít nhất là ở thế gian. Những huynh trưởng nói riêng, và GĐPT nói chung là những nhịp cầu đã, đang và sẽ đưa giới trẻ đến gần với chùa chiền, với cộng đồng, với con người và đất nước Việt Nam cũng như đến với Đạo pháp.  


Sự hiện hữu và cống hiến của tổ chức GĐPT từ trong nước đến hải ngoại thì miễn bàn. Huynh trưởng đều biết, nói về Phật giáo Việt Nam. Chúng ta có một điểm đặc biệt siêu việt so với các nước khác trên thế giới, đó chính là Tổ chức Gia Đình Phật Tử. Sự hiện hữu này đã là chứng nhân của lịch sử Việt Nam.


Cố Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Đức đệ tứ Tăng thống GHPGVNTN, trong thư gửi ông Vũ Quang, Trưởng Ban tôn giáo chính phủ CHXHCNVN ngày 01.011.1993, lên án âm mưu bóp chết tổ chức GĐPTVN. Hòa thượng nhấn mạnh: “GĐPTVN đã có một quá trình đoàn kết gắn bó, họ không còn là những đồng ấu trẻ thơ mà họ là những con người được un đúc rèn luyện bằng đức tính ĐẠI HÙNG - ĐẠI LỰC - ĐẠI TỪ BI. Họ không phải là những con người ủy mỵ xu thế cầu an mà tâm nguyện của họ lúc nào cũng mong mỏi đem sức sống để hiến dâng cho Đạo pháp và Dân tộc.” Trích như thế, là nói lên tầm quan trọng và cần thiết của tổ chức GĐPT và vai trò của hàng huynh trưởng trong mọi miền của đất nước cũng như ở hải ngoại.


Tại Hoa Kỳ, cư sỹ Tâm Quang -một nhà văn lớn của Phật giáo- Vĩnh Hảo, cũng đã viết trong những năm trước như sau: “Với mục đích “Đào luyện thanh – thiếu – đồng niên thành Phật tử chân chính, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo.” GĐPTVN đã kinh qua 66 năm (*) trong việc giáo dục và đào luyện, nuôi dưỡng bao thế hệ mầm non Phật giáo. Với một bề dầy thời gian như thế, GĐPTVN đã vượt qua nhiều giai đoạn thăng trầm lịch sử của đất nước, chứng kiến bao đổi thay của nhân tâm, thế sự; và vẫn kiên gan tồn tại với chiếc áo màu khói hương, nhu hòa, nhẫn nhục.


Mỗi tuần đưa đón cháu đến chùa sinh hoạt, tôi luôn say mê nhìn ngắm, lắng nghe các em vui chơi, học tập, tụng kinh, hát hò… Tôi thấy một khoảnh sáng của tương lai Phật giáo nằm ở nơi các đoàn sinh GĐPT. Mai sau, tất nhiên các em sẽ theo duyên mà đến với nơi nào thuận lợi nhất—biết đâu lại gắn bó với một tôn giáo khác; nhưng ít ra hạt giống Phật cũng đã được chăm bón kỹ lưỡng ở tuổi thiếu thời, rồi sẽ đơm hoa kết trái vào một lúc nào đó, trong không gian nào đó, dù còn chiếc áo lam hay không. Cảm ơn Gia Đình Phật Tử.


(*) Tính từ khi chính thức thành lập vào các ngày 24, 25 và 26 tháng 4 năm 1951 tại Chùa Từ Đàm, Huế. Còn nếu tính cả giai đoạn có mặt của các Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục (1940), Đoàn Đồng Ấu (1941-1942) và Gia Đình Phật Hóa Phổ (1943) thì GĐPTVN đã có lịch sử gần 80 năm. Vĩnh Hảo


Gia tài của Huynh trưởng GĐPT là giáo lý Phật Đà, được chuẩn bị với tam vô lậu học, tứ vô lượng tâm, tinh thần vô ngã, vị tha, tự độ, độ tha, cùng với sự truyền thừa hơn 70 năm qua với bao trí tuệ, hy sinh, mồ hôi và nước mắt.


Hãy bình tâm mà nhìn lại và quán chiếu, thì huynh trưởng lắm lúc sinh hoạt quá ‘tài tử’ và dường như huynh trưởng cho đi những gì mình đã và đang có, mà đôi khi chưa kịp nạp thêm năng lượng yêu thương, chưa trao dồi kiến thức thế gian hay gia công thêm công phu, nội điển. Nói một cách khác, chúng ta chưa thực sự nghiêm khắc tự chỉnh đốn lại chính mình để thăng tiến. Các hàng huynh trưởng thường nhắc nhở các em đoàn sinh, “Chúng ta chỉ cho những gì mình có”. Có lẽ huynh trưởng cũng phải tự nhắc chính mình và nhắc chung cho tổ chức rằng: “Chúng ta cũng không thể cho những gì mình không có”. Huynh trưởng cho đi rất nhiều mà nhận lại thì chẳng bao nhiêu. Bao nhiêu thế hệ đoàn sinh và huynh trưởng đã gầy dựng, rồi cũng như những chiếc lá vàng mùa thu, bay vèo trong gió. Ngày nay, ở hải ngoại, các em đến lớp 12 thì cũng đã quá bận bịu với việc học hành riêng và bắt đầu nghỉ sinh hoạt. Vậy huynh trưởng đang dạy những gì khi các em đến hoặc còn sinh hoạt với GĐPT trong một thời gian ngắn? Biết bao nhiêu đoàn sinh / huynh trưởng, một thời, đã qua trại Huấn luyện Anoma Ni Liên Tuyết Sơn / A Dục Lộc Uyển và đến trại Huyền Trang, Vạn Hạnh thì nay chỉ còn lại trên đầu ngón tay. Nhưng không vì thế mà chúng ta thờ ơ, mà ngược lại chúng ta cũng đã tìm tòi những phương pháp tốt nhất (best practices), rèn luyện chính mình để đáp ứng được nhu cầu cần thiết và cấp bách của tuổi trẻ Phật giáo.


Tất cả cũng đến rồi đi, việc còn lại là đi như thế nào cho vững chãi, an lạc và vui vẻ. Khi có tình thương, khi có hạt giống Bồ đề trong ta và trong em, thì chúng ta biết đó là những gì rất đẹp và cần thiết cho cuộc đời này. Chỉ với tinh thần cởi mở, của Từ Bi và Trí Tuệ trong giáo lý Phật Đà, chúng ta sẽ buông buông, bỏ bỏ. Nhưng rồi, chúng ta phải tiếp tục hành trình và sứ mệnh của người Huynh trưởng, vì thế việc chỉnh đốn chính mình, từ thân-khẩu-ý đến lối hành hoạt trong GĐPT phải là một sự ưu tiên trên hết. Việc của tổ chức, của cộng đồng, của giáo hội, v.v… không nên là những ưu tiên hàng đầu, nhưng chúng ta luôn song hành. Vậy hãy là huynh trưởng chuyên nghiệp thay vị huynh trưởng tài tử quý anh chị nhé. (Xin mở ngoặc huynh trưởng chuyên nghiệp, phần lớn, là những huynh trưởng đi sinh hoạt đều đặn, chuyên cần, tinh tấn, làm gương tốt cho đàn em và cho gia đình mình, đi sinh hoạt có sự chuẩn bị bài vở, có trách nhiệm với tổ chức, v.v… và huynh trưởng tài tử thì có thể thiếu đi phần chuyên nghiệp, hoặc kiểu như ‘hãy nghe anh dạy, chứ đừng nhìn anh làm', hay là sinh hoạt đến đi như lá mùa thu. 


CHỈNH ĐỐN CÁ NHÂN


Nhìn vào thực tế, nội điển của mỗi huynh trưởng chưa phát triển cùng tầm với tiềm năng và kiến thức vốn đã có sẵn. Đa phần những huynh trưởng tại hải ngoại đều có học vấn và bằng cấp đàng hoàng. Tuy nhiên nói chung, vì việc cơm-áo-gạo-tiền, nên đôi khi huynh trưởng không có đầu tư nhiều thời gian và công sức cho cuộc sống tâm linh của chính mình. Vậy, việc đầu tiên và trên hết huynh trưởng hãy chỉnh đốn lại chính mình, rồi kế tiếp là chỉnh đốn lại tổ chức để từ đó mới có thêm năng lượng lành mạnh, thương yêu và vị tha để tiếp tục con đường Hoa sen trắng trong thời đại mới. Nếu huynh trưởng quyết tâm chuyển hoá những cái nhỏ nhặt xuất từ thân khẩu ý như không chịu Lễ Phật, hút thuốc thiếu chánh niệm, ăn nói thiếu lịch sự, lễ độ hay chịu khó chuyển hóa những vụng về, chấp ngã, chấp kiến, v.v... thì chúng tôi tin chắc là huynh trưởng sẽ thành công trong việc chuyển hoá cho tổ chức GĐPT, có lợi lạc cho nhiều người, và làm đẹp đạo, thơm đời. 


Sư Ông Làng Mai, nói thẳng hơn trong cuốn sách Đạo Phật của Tuổi Trẻ, nhắc nhở chung rằng hãy, “Chỉnh đốn lại Gia Ðình Phật Tử”, thế mà tổ chức vẫn chưa làm tốt điều Thầy dạy. Xin được trích ở đây: Thầy nhắc, “…Phải thực tập như thế nào để những khổ đau, bất hòa, chia rẽ, ganh tị, những bực bội trong Gia Đình Phật Tử đó tan biến đi. Khi Gia Đình Phật Tử thực tập được những điều đó rồi thì mới có khả năng can thiệp vào những gia đình của đoàn sinh và giúp cho họ thoát khổ. Đó là sứ mệnh của Gia Đình Phật Tử. Vì vậy cho nên về lại đơn vị Gia Đình Phật Tử của mình, ta phải dùng phương pháp quán chiếu của Bụt để nhận diện trong gia đình có những nỗi khổ, niềm đau nào không. Quán chiếu trong từng đoàn viên, từ Huynh Trưởng đến Oanh Vũ, xét xem có những niềm đau trong tâm của từng người không. Đó gọi là quán chiếu về sự thật thứ nhất. Phải công nhận, phải nhận diện những đau khổ có mặt trong Gia Đình Phật Tử. Phải thấy được những bản chất, những triệu chứng của đau khổ đó. Rồi phải biết phương pháp để chuyển hóa. Không phải ta chỉ học thuộc lòng bốn sự thật mà Đức Thế Tôn dạy là Khổ, Tập, Diệt, Đạo thôi. Như vậy không có lợi ích gì hết. Ta có thể nói được trôi chảy về Tứ Diệu Đế, nhưng mà ta không có khả năng áp dụng giáo lý đó trong đời sống đích thực của mình."


Nói ngắn gọn, là người anh trưởng, chị trưởng, chúng ta cần học Phật và hành theo giáo lý Phật Đà để áp dụng vào đời sống hằng ngày của mình để chuyển hoá chính mình, gia đình mình, các em đoàn sinh và những người chung quanh, rồi từ đó lan rộng đến cộng đồng và xã hội. Trong pháp Ngũ Minh của người Huynh trưởng, Nội Minh có thể nói là quan trọng nhất.


Hơn thế nữa là một huynh trưởng GĐPT, một người lãnh đạo trong một tổ chức giáo dục, trước hết chúng ta tâm niệm, như những huynh trưởng tiền bối, rằng: “Mang niềm tin đến các em, đến mọi người, cho quốc gia, dân tộc… bằng tâm huyết, bằng hành động cụ thể và thiết thực, bằng gương sáng hiền hòa, nhẫn nhục, tháo vát, nói ít làm nhiều; và bằng cách khai sáng hiển lộ tiềm lực và khả năng Từ Bi - Trí Tuệ - Dũng Mãnh của Đạo Phật nhập thế. Với thời gian ngắn ngủi của một kiếp người, chúng ta nguyện tinh tấn, kiến lập an lạc-hạnh phúc cho chính mình, cho các em mình, cho gia đình mình, cho tổ chức, cho Đạo pháp, cho Dân tộc và cho nhân quần xã hội…” (Appendix A)


Quý trưởng niên tiền bối lão thành cũng đã nhấn mạnh:


“Là Sứ giả, người Huynh trưởng tiếp nhận hai nhiệm vụ song hành: tu học rèn luyện, đồng thời dấn thân đem đạo vào đời. Hai nhiệm vụ này là hai tín lực nhân quả và tương duyên, suốt đời Tự Độ và Độ Tha của Huynh trưởng.


Là Sứ giả, người Huynh trưởng luôn luôn tâm niệm Vô ngã-vị tha, hòa đồng cùng tập thể, thương yêu đùm bọc nhau, sách tấn nhau dõng mãnh tinh tấn và đồng thời nêu gương cho thế hệ kế thừa.


Là sứ giả, người Huynh trưởng nhận mệnh lệnh của chính mình: mệnh lệnh của Con Tim, Khối Óc của chính Huynh trưởng đã tìm ra hướng đi của cuộc đời; Lý tưởng GĐPT – Đó cũng chính là tín nguyện khi quy y, lúc đeo Hoa Sen, khi phát nguyện Thọ Cấp…


CHỈNH ĐỐN TẬP THỂ


Về tổ chức, chúng ta đang chia bị phân hoá, rời rạc, chia rẽ và thiếu đoàn kết. Và còn rất nhiều điều cần đề cập đến, tuy nhiên ai cũng nên thấu hiểu cấu trúc Gia Đình trong Gia đình Phật tử.


Những vị tiền bối khi thành lập tổ chức GĐPT cho đây là Gia Đình trước rồi Phật Tử sau. Vì đây chính là gia đình thứ hai, gia đình tâm linh sau gia đình huyết thống, của tất cả Huynh trưởng và đoàn sinh. Điều này rất đúng cho rất nhiều anh chị em từ trong đến ngoài nước, quý ACE đều cho sinh hoạt GĐPT như là gia đình thứ hai, nơi quay về của chính mình của mỗi lần sinh hoạt.


Sư Ông Làng Mai cũng đã dạy, “Gia Đình Phật Tử cũng được cấu tạo bởi những thành viên giống như những gia đình khác. Trong đó có người lớn đóng vai trò phụ huynh và có người nhỏ đóng vai trò con em. Giữa những phụ huynh với nhau cũng có khổ đau, có bất hòa, có giận hờn, rồi cũng có thể đi tới tan rã. Trong mỗi cá nhân của thành viên Gia Đình Phật Tử, trong mỗi Huynh Trưởng hay mỗi đoàn sinh cũng có tình trạng những hạt giống tốt không được tưới tẩm khi tới với nhau. Có thể các Huynh Trưởng chưa học được phương pháp tưới tẩm những hạt giống tốt trong các em và trong bản thân của mình. Đã vậy trong khi nói, khi làm, khi chơi, lại vô tình tưới những hạt giống xấu. Nếu những hạt giống xấu mạnh hơn hạt giống tốt thì khổ đau sẽ tràn lấp, sẽ chiếm thế thượng phong. Vì vậy cho nên người nào cũng đi tìm những trò giải trí, những thức ăn, thức uống để quên đi nỗi khổ niềm đau trong lòng của mình. Nếu Gia Đình Phật Tử lâm vào tình trạng như vậy thì làm sao Gia Đình Phật Tử đóng được vai trò của mình mà can thiệp vào tình trạng của đoàn sinh, giúp cho gia đình của đoàn sinh đó bớt khổ?


Như thế, cấu trúc Gia Đình Phật Tử cũng phải lấy Gia đình làm nền tảng, là trên hết. Trong đó có Tổ Tiên, Ông Bà, Anh Chị Em và những giá trị cốt lõi làm nên con người Việt Nam. Bên cạnh đó GĐPT có Thầy Cô, quyến thuộc họ hàng, và bạn hữu. Nếu tự hỏi, huynh trưởng và đoàn sinh tự hào những gì về con người Việt, ở điểm nào, giá trị nào? Thì có lẽ một trong những câu trả lời đó là “giá trị gia đình”, trên kính dưới thương, cả 3 thế hệ sống chung cùng thuận thảo, hiếu kính, v.v... Vậy, ngày sinh hoạt hằng tuần cũng phải là ngày sinh hoạt chung của đại gia đình. Hãy cho nó là “ngày của riêng mình” hay là “Ngày Chủ Nhật ngày của Chúng mình”; và nói xa hơn và sâu sắc hơn như Htr. Nhật Quang Khánh, cựu Liên Đoàn Trưởng GĐPT Kim Quang, sau một thời gian hành hương xứ Phật, anh chuyển đổi cách nhìn là chúng ta nên xem mỗi lần sinh hoạt là ‘mỗi lần vacation của chính mình’ vậy. Mà thực, khi huynh trưởng gần gũi với các em thì tâm hồn sẽ trẻ trung hơn. Đại gia đình huynh trưởng cấp Tâm Tựu Sử Thành khi sinh hoạt ở Việt Nam, hay huynh trưởng Nguyên Túc Nguyễn Sung, Phó Trưởng Ban NCHL của Miền Thiện Hoa tại Mỹ là những điển hình, tuyệt đẹp. Chuẩn mực và vô giá.


Trong gần 30 năm sinh hoạt với GĐPT tại Hoa Kỳ từ cấp đơn vị đến Trung Ương, chúng tôi cũng đã và đang làm tốt GĐPT và cố gắng đưa GĐPT thoát ra ngoài khuôn viên Chùa, Hội, v.v… hòa nhập vào thế giới bên ngoài, nhưng cuối cùng chúng tôi nhận chân rằng, tổ chức GĐPT không có đủ nhân sự, thời gian và tài nguyên để phát triển theo chiều hướng bên ngoài và theo cho kịp trào lưu của thời đại. Cái mà tổ chức GĐPT có thể làm và làm rất tốt, đó là hướng nội: Làm tốt đơn vị của mình, giúp đỡ Chùa, Viện, v.v... tại địa phương ngày càng tốt hơn và làm điểm tựa cho các anh chị em và giới trẻ quay về trong bất cứ lúc nào.


Những việc trong tổ chức GĐPT có thể thay đổi hoặc những cải cách của Đơn vị, Miền, Trung Ương, Hải Ngoại, Thế Giới là những ‘Project-based’ mà anh em cùng chung làm. Như người anh chị em cùng chung Gia đình, nếu muốn làm mới làm nhanh, ví như, sơn nhà hay xây lại hàng rào đang sập, thì tất cả đều chung tay làm. Chúng ta làm rất nhanh lẹ, đẹp đẽ và gọn gàng trong tình huyết thống hay pháp hữu. Nói xa hơn, những việc cải cách từ hình thức đến nội dung trong Gia đình, cũng nên là project-based—dựa trên những dự án chung có lợi mình, lợi người, ngay bây giờ và cho cả tương lai.

MỖI CHÙA, TỰ VIỆN, v.v… LÀ MỘT ‘GIÁO HỘI’


Thêm vào đó, đồng hành cùng Chư Tôn Đức Tăng Ni, tổ chức GĐPT nên chuyển hướng để giúp làm sao mỗi Chùa, Tự viện, Hội, v.v… là một trung tâm văn hóa Phật giáo. Một nơi sinh hoạt chung cho tất cả, trong đó có gia đình nhỏ và cộng đồng lớn hơn. Có thể nói, mỗi Chùa, Tu Viện, Hội v.v…  là một ‘giáo hội’, cái đẹp của Phật Giáo của biết bao nhiêu thế kỷ trước là không có ‘giáo hội’, không có tổ chức như “Toà thánh Vatican”; Giáo hội chỉ là phương tiện, nhưng có lẽ chưa phải là phương tiện thiện xảo trong thời đại này hay ít nhất là rất giống với Cơ đốc giáo. (Một đề tài khác, mà chúng ta cần nghiên cứu và trình bày sau khi đủ thuận duyên.)


Hơn nữa, vì chúng ta tái chấp nhận lại cấu trúc Gia Đình Phật Tử là một “Gia đình” trên hết, nên Gia đình thì có gia đình này có gia đình khác, cũng như những thành phần trong gia đình đó. Có những thành viên hay đơn vị hoàn hảo, giỏi giang hơn những đơn vị hay thành viên khác, và cũng có những đụng chạm, vụng về, v.v… nhưng trên nền tảng gia đình thì huynh trưởng và đoàn sinh đều thương yêu, đùm bọc, nâng đỡ cho nhau. Vì thế ‘giáo hội’ nào cũng vậy, cũng là Tổ Tông, Ông Cha Chú Bác, chúng ta cũng nên trung dung, ủng hộ, hướng về, giúp đỡ… trong khả năng và hoàn cảnh của riêng mình. 


Cũng xin nêu thêm rằng, GĐPT là một phần tử của một Gia đình lớn, trong một ‘giáo hội’ địa phương, nhưng là một phần tử, một đứa con đã trưởng thành, có quyền hành hoạt và quyết định riêng của cho vận mệnh và tương lai của mình, cũng như có trách nhiệm chung cùng với Chùa, Viện hay ‘giáo hội’ đó.  Gia đình Phật tử phải là cánh tay phải của đạo tràng địa phương. Huynh trưởng nên dung hoà, cứ thực hành nhất thừa, bất nhị, tam quy, tứ nhiếp pháp, ngũ giới, lục độ, thất Bồ Đề Phần, Bát Chánh Đạo, v.v… không nên phân biệt theo tinh thần của đức Phật thì chúng ta sẽ bớt phiền toái, khổ luỵ, v.v… và mọi sự lại được hanh thông, an hoà hơn và có hạnh phúc.


Nói tóm lược, nền tảng sinh hoạt của tổ chức là Gia đình và trong gia đình đó, mỗi cá nhân con em mình có thể làm rất tốt những việc ở ngoài đời, ở thế gian. Việc còn lại là chúng ta, những bậc Thầy Tổ, Cha Mẹ, Anh Chị Em, và Pháp hữu, có bổn phận và trách nhiệm dìu dắt, nâng đỡ, ủng hộ, vỗ về, dung hòa, thông cảm với nhau như những thành viên trong gia đình đó. Và nếu chúng ta chưa làm được điều đó, thì ít nhất là đừng có làm gì hết. First Do No Harm. Hãy hành trì nghiêm mật những giới luật căn bản của người huynh trưởng. Chúng ta, là người trong gia đình, không nên ‘vạch áo cho người xem lưng’. Con đường hướng tới của GĐPT là cùng dìu dắt và nâng đỡ để chúng ta cùng vươn lên. Ngạn ngữ của Phi Châu nói, “nếu đi nhanh thì đi một mình, nhưng nếu đi lâu thì phải đi nhiều người.” Con đường tu học và giáo dục trong GĐPT là công việc dài hạn và cần nhiều người cùng đồng hành như ‘ăn cơm có canh, tu hành có bạn’ vậy.


TINH THẦN BỒ TÁT HẠNH VÀ BỒ TÁT ĐẠO


Tất cả những gì huynh trưởng trong tổ chức GĐPT làm đều phải đặt trên nền tảng Bồ Tát Hạnh và Bồ Tát Đạo. (Kính giới thiệu và mời quý anh chị đọc Du-Già Bồ Tát Giới của Thầy Tuệ Sỹ). Hơn 2600 năm trước, Thái tử Tất Đạt Đa, vì nhờ ra khỏi cung thành, mà thấy và chứng kiến tận mắt cảnh sinh già, bệnh lão, chết chóc và sự thảnh thơi, an vui tự tại, rồi từ đó ngài phát Tâm Bồ Đề xuất gia tìm đạo giải thoát để chứng nghiệm chân lý tột cùng, ngày này chúng ta không cần ra khỏi thành, chúng ta cũng đã thấy được cảnh sinh-lão-bệnh-tử nhan nhản trên mạng truyền thông xã hội social media, truyền thanh, truyền hình, v.v…, nên huynh trưởng cần phát triển thêm tâm Bồ Đề để vơi đi nỗi khổ của chúng sanh mà ai cũng đã một lần phát nguyện. 


Thêm vào đó, tổ chức GĐPT cần thêm những huynh trưởng gương mẫu, nhất là những huynh trưởng cao niên và thâm niên của tổ chức. Mong quý anh chị vẫn tiếp tục sinh hoạt tại địa phương của mình để làm những tấm gương sáng hay ít nhất là những lần trại mạc, hội thảo, tu học chung, v.v… Kính mong quý anh chị hãy làm chủ thời khóa sinh hoạt, tu học và làm chủ cái Tâm Bồ Đề của mình, như Thầy Thái Hoà cũng có dạy, trong Con Đường Giáo Dục: “Nếu con người không có khả năng làm chủ tâm ý của mình, thì con người trở thành vật nô lệ cho những phát minh khoa học hơn là làm chủ khoa học…” Vậy, nếu huynh trưởng tự chủ thân tâm cũng như sinh hoạt của chính mình, của tổ chức, thì mọi lam sự và Phật sự mới có thể thành tựu viên mãn.


Tuy tổ chức GĐPT trong và ngoài nước chưa có thể kiện toàn những vấn đề cấp bách như Việt Ngữ / Ngoại ngữ, Sử Việt, cải tiến chương trình Phật pháp bốn cấp, hành chánh, phương pháp giáo dục, cơ cấu, hệ thống, v.v…, nhưng với lý tưởng và chí nguyện của người Huynh trưởng đã một lần thệ nguyện thì không có việc gì chúng ta làm không được. Và chắc chắn là quý anh chị và bạn còn nhớ:
“Thuấn nhã đa tánh khả tiêu vong,
Thước ca la tâm vô động chuyển.”
(Giả sử hư không kia có thể tiêu tan,
Tâm nguyện của chúng con đây không bao giờ thay đổi) 


Vậy con đường hướng tới của tổ chức GĐPT là đẩy mạnh việc sinh hoạt lành mạnh, tu học và giáo dục. Mà con đường giáo dục của chúng ta trong quá khứ, bây giờ và vị lai là phát triển Bồ Tát Hạnh và Bồ Tát Đạo. Sự hành hoạt tích cực và âm thầm của những bậc Thầy quanh ta là những tấm gương vô giá. Vậy hãy cố gắng học hỏi những tinh hoa của những bậc Thầy Tổ hay những bậc thiện hữu tri thức mà ta đang có. Và đó cũng là tinh yếu của Kinh Bát Đại Nhân Giác vậy (Appendix B). 


Trước sự phân hoá và chia rẽ của các Ban Hướng Dẫn, cơ cấu tổ chức, các “Giáo Hội”, và Phật Giáo Việt Nam, tổ chức Gia Đình Phật Tử, ít ra là ở hải ngoại, nên chọn hướng sinh hoạt trung dung, độc lập, không lệ thuộc vào một “Giáo Hội” nào nhất định. (Dĩ nhiên, Gia Đình Phật Tử trước hết vẫn luôn là đứa trung kiên của Giáo Hội PGVNTN, và vẫn thống thuộc và liên kết sinh hoạt với nhau trong hệ thống tổ chức GĐPTVN). Sự chỉnh đốn lại chính mỗi cá nhân huynh trưởng, chỉnh đốn lại tổ chức từ giờ phút này là ưu tiên trên hết để phụng vụ cho tha nhân theo tinh thần tự độ, độ tha; tự giác giác tha, để rồi giác hạnh viên mãn.


Nói tóm lược, mỗi huynh trưởng Gia Đình Phật Tử là mỗi sứ giả của Như Lai, và là những nhà lãnh đạo hiện đại, những người anh, những người chị đang gieo rắc những hạt giống từ bi khắp muôn phương cho nhiều thế hệ, huynh trưởng và đoàn sinh Gia Đình Phật Tử hãy lấy giáo lý Phật đà làm nền tảng, lấy yêu thương, châm ngôn Hòa-Tin-Vui, Bi-Trí-Dũng làm hành trang, và lấy Bồ Tát Đạo làm lẽ sống. Ở đó, chúng ta sẽ có một gia đình, một cộng đồng, một xã hội an hoà hơn, từ bi hơn và dễ sống hơn.


Lời chót, xin gởi lại quý huynh trưởng câu hỏi này để cùng suy ngẫm và hành động, “Chúng ta đã, đang, và sẽ làm gì cho cuộc sống của chính mình / gia đình mình ngày càng tốt hơn, tổ chức được thăng hoa, tốt đẹp hơn và xã hội được lành mạnh/từ bi/tử tế hơn?” Nếu huynh trưởng nào đã đặt câu hỏi đó, chúng tôi tin chắc là quý anh chị em đã có những câu trả lời thích đáng rồi. Cầu chúc cho quý anh  chị em chân cứng đá mềm để tiếp tục vững bước trên con đường Hoa Sen Trắng.


Kính chào tinh tấn.
Tâm Thường Định


Tài liệu tham khảo:


1. Thích Thái Hoà, Con đường giáo dục. Tải xuống từ


2. Cao Chánh Hựu, Lời phát nguyện của Huynh trưởng GĐPT,


3. Tâm Thường Định. THÂN GIÁO: CÓ THỂ LÀ MỘT GIẢI PHÁP CHO TẤT CẢ (A YOUNG BUDDHIST PERSPECTIVE). Tải xuống từ 


4. Tâm Lương - Nguyễn Minh Hiền (Lữ Hồ). LỜI PHÁT NGUYỆN trong cuốn Tâm Niệm Người Huynh Trưởng. Tài liệu do Htr. Nhuận Pháp cung cấp.


5. Làng Mai. Kinh Tám Điều Giác Ngộ Của Các Bậc Đại Nhân (Làng Mai)  


6. Plum Village. Discourse on the Eight Realizations of the Great Beings 


7. Thich Nhat Hanh, Two Treasures: Buddhist Teachings on Awakening and True Happiness (Parallax Press, 2006)


8. Thich Nhat Hanh, Awakening of the Heart (Parallax Press, 2012)


APPENDIX A 


LỜI PHÁT NGUYỆN trong cuốn Tâm Niệm Người Huynh Trưởng của anh Tâm Lương - Nguyễn Minh Hiền (Lữ Hồ) do anh Cao Chánh Hựu đọc trong Buổi Phát Nguyện của mình.


Tổ chức GĐPTVN như một đóa sen sung sức, đâm chồi nẩy lộc từ đất Thần Kinh rồi trải rộng dần đến mọi miền quê hương và, gần đây, lan tỏa cùng khắp hải ngoại.


Là Sứ giả của Tổ chức, người Huynh trưởng phát nguyện trọn đời phụng sự Đạo Pháp, phụng sự GĐPTVN.


Là sứ giả, người Huynh trưởng nhận mệnh lệnh của chính mình: mệnh lệnh của Con Tim, Khối Óc của chính Huynh trưởng đã tìm ra hướng đi của cuộc đời; Lý tưởng GĐPT – Đó cũng chính là tín nguyện khi quy y, lúc đeo Hoa Sen, khi phát nguyện Thọ Cấp.


Là Sứ giả, người Huynh trưởng thọ nhận di huấn của Tổ chức: Đó là Nội Quy, Quy Chế đã được un đúc truyền thừa – Đó là di huấn của chư sáng lập viên, của quý Anh Chị tiền bối và, cao hơn hết là di huấn của Đức Phật.


Là Sứ giả, người Huynh trưởng tiếp nhận hai nhiệm vụ song hành: tu học rèn luyện, đồng thời dấn thân đem đạo vào đời. Hai nhiệm vụ này là hai tín lực nhân quả và tương duyên, suốt đời Tự Độ và Độ Tha của Huynh trưởng.


Là Sứ giả, người Huynh trưởng luôn luôn tâm niệm Vô ngã-vị tha, hòa đồng cùng tập thể, thương yêu đùm bọc nhau, sách tấn nhau dõng mãnh tinh tấn và đồng thời nêu gương cho thế hệ kế thừa.


Là Sứ giả, người Huynh trưởng luôn điều phục Thân, Khẩu, Ý ở mọi nơi, trong mọi lúc, và mọi hoàn cảnh…, bằng cử chỉ, hành động, bằng ngôn ngữ, tác phong – của Chân Chính Phật Tử.


Là Sứ giả, người Huynh trưởng không xao lãng tu học và hành trì Chánh Pháp-Phật Pháp là hành trang quan trọng nhất để Huynh trưởng thực hiện sứ mệnh cao cả thọ nhập. Phật Pháp không phải là lý luận suông, cũng không phải là giáo điều trang sức cho nhận thức. Đạo Phật, đích thực, là Đạo thực hành.


Là Sứ giả, người Huynh trưởng tâm niệm: Mang niềm tin đến các em, đến mọi người, cho quốc gia, dân tộc… bằng tâm huyết, bằng hành động cụ thể và thiết thực, bằng gương sáng hiền hòa, nhẫn nhục, tháo vát, nói ít làm nhiều; và bằng cách khai sáng hiển lộ tiềm lực và khả năng Từ Bi - Trí Tuệ - Dũng Mãnh của Đạo Phật nhập thế.


Với thời gian ngắn ngủi của một kiếp người, chúng ta nguyện tinh tấn, kiến lập an lạc-hạnh phúc cho chính mình, cho các em mình, cho gia đình mình, cho tổ chức, cho Đạo pháp, cho Dân tộc và cho nhân quần xã hội…


THE VOWS OF COMMITMENT TO BE A BUDDHIST FAMILY LEADER  by Tâm Lương - Nguyễn Minh Hiền (Lữ Hồ) that Mr. Tâm Huệ Cao Chánh Hựu. Chief of Interim Guiding Board Section, of Vietnamese Overseas Buddhist Family Organization read in his ceremony. 


Like an energetic lotus, the Vietnamese Buddhist Family Organization has sprung its buds and shot out of the Imperial Land, gradually spreading out over every bit of fatherland, and recently onto foreign soils.


As a missionary of the Family, a senior has a life commitment to serve the Dharma as well as the Organization.


As a commissioned, the senior will receive orders from him/herself. They should be a command from his/her heart, his/her mind that has unearthed the direction for his/her life: the ideal of the Family. It would be also a sworn dedication when taking refuge, pinning the Lotus emblem, being ready to receive organization grades.


As a commissioned, a senior receives traditional instructions from the Family. There are Bylaws, transferred and added up Regulations. These should be transferred instructions from its founders, from elder men and women, and above of all, from Buddha’s Teachings.


As a commissioned, a senior receives two parallel assignments: practice and train, and at the same time to have an engagement to bring the Teachings into real life. These two assignments have a double-fold of trustful forces of cause/effect and inflection of causes, and they must be of self-liberation as well as liberation for others, or the altruist liberation of a senior.


As a commissioned, a senior must always meditate on “Selflessness - Altruism”, harmoniously integrate into the collective, give out mutual love and support, encourage everyone to attain clairvoyance, and at the same time be a role model to the posterior generations.


As a commissioned, a senior always has to regulate their Body, Tongue, Mind everywhere, at every moment, in every condition… in their gestures, actions, language, attitude – as a true Buddhist member.


As a commissioned, a senior won’t ever give up practicing, studying and observing the True Dharma – Buddhist Teachings should be the most important gear for a senior to implement his/her most holiest mission of integral engagement. Buddha’s Teachings shouldn’t be merely pure reasoning, nor ornamental beliefs to conscious knowledge. Buddhism is a religion in action.


As a commissioned, a senior must maintain their commitment: to bring Beliefs to the young, to everyone, every country, every nation… by his/her heart, real and necessary actions, by exemplars of tolerance and integration, patience, perseverance, “fewer words, more action”; by extracting and exposing hidden strengths and forces of the Compassion-Wisdom-Courage of the engaged Buddhism.


In the short span of man’s life, we are committed to advance in true knowledge, build up peace and happiness for ourselves, our young, our family, our Organization, our Dharma or Teachings, our nation, and our social mass in general.


Translated by Hoa Đàm/Lotus Media Group (2019)


APPENDIX B. 

Kinh Tám Điều Giác Ngộ Của Các Bậc Đại Nhân (Làng Mai)

Là đệ tử Bụt thì nên hết lòng, ngày cũng như đêm, đọc tụng và quán niệm về tám điều mà các bậc đại nhân đã giác ngộ.
Điều thứ nhất là giác ngộ rằng cuộc đời là vô thường, chế độ chính trị nào cũng dễ sụp đổ, những cấu tạo của bốn đại đều trống rỗng và có tác dụng gây đau khổ, con người do tập hợp của năm ấm mà có, lại không có thực ngã, sinh diệt thay đổi không ngừng, hư ngụy và không có chủ quyền. Trong khi đó thì tâm ta lại là một nguồn suối phát sinh điều ác và thân ta thì là một nơi tích tụ của tội lỗi. Quán chiếu như trên thì dần dần thoát được cõi sinh tử. (C)
Điều thứ hai là giác ngộ rằng càng lắm ham muốn thì lại càng nhiều khổ đau, rằng bao nhiêu cực nhọc trong cõi sinh tử đều do ham muốn mà có. Trong khi đó người ít ham muốn thì không bị hoàn cảnh sai sử, lại cảm thấy thân mình và tâm mình được thư thái. (C)
Điều thứ ba là giác ngộ rằng vì tâm ta rong ruổi chạy theo danh lợi không bao giờ biết chán cho nên tội lỗi ta cũng theo đó mà càng ngày càng lớn. Các bậc Bồ Tát thì khác hẳn: họ luôn luôn nhớ nghĩ đến phép tri túc, an vui sống với đời đạm bạc để hành đạo và xem sự nghiệp duy nhất của mình là sự thực hiện trí tuệ giác ngộ. (C)
Điều thứ tư là giác ngộ rằng thói quen lười biếng đưa đến chỗ đọa lạc; vì vậy con người phải chuyên cần hành đạo, phá giặc phiền não, hàng phục bốn loài ma và ra khỏi ngục tù của năm ấm và ba giới. (C)
Điều thứ năm là giác ngộ rằng chính vì vô minh nên mới bị giam hãm trong cõi sinh tử. Các vị Bồ Tát thường xuyên nhớ rằng phải học rộng, biết nhiều, phát triển trí tuệ, đạt được biện tài để giáo hóa cho mọi người, để cho tất cả đạt tới niềm vui lớn. (C)
Điều thứ sáu là giác ngộ rằng vì nghèo khổ cho nên người ta sinh ra có nhiều oán hận và căm thù, và vì thế lại tạo thêm những nhân xấu. Các vị Bồ Tát biết thế cho nên chuyên tu pháp bố thí, coi kẻ ghét người thương như nhau, bỏ qua những điều ác mà người khác đã làm đối với mình và không đem tâm ghét bỏ những ai đã làm ác. (C)
Điều thứ bảy là giác ngộ rằng năm thứ dục vọng gây nên tội lỗi và hoạn nạn. Người xuất gia tuy sống trong thế tục nhưng không nhiễm theo cái vui phàm tục, thường quán niệm rằng tài sản của mình chỉ là ba chiếc áo cà sa và một chiếc bình bát, tất cả đều là pháp khí, rằng chí nguyện xuất gia của mình là sống thanh bạch để hành đạo, giữ phạm hạnh cho thanh cao và đem lòng từ bi để tiếp xử với tất cả mọi người. (C)
Điều thứ tám là giác ngộ rằng vì lửa sinh tử cháy bừng cho nên mọi loài đang chịu biết bao niềm thống khổ. Biết vậy cho nên ta phải phát tâm Đại Thừa, nguyện cứu tế cho tất cả mọi người, nguyện thay thế cho mọi người mà chịu khổ đau vô lượng, khiến cho tất cả chúng sinh đều đạt tới niềm vui cứu cánh. (C)
Tám điều nói trên là những điều giác ngộ của các bậc đại nhân, Bụt và Bồ Tát; những vị này đã tinh tiến hành đạo, tu tập từ bi và trí tuệ, đã cưỡi thuyền pháp thân đến được bến Niết Bàn. Khi trở về lại cõi sinh tử độ thoát cho chúng sinh, các vị đều dùng tám điều giác ngộ ấy để khai mở và chỉ đường cho mọi người, khiến cho chúng sanh ai cũng giác ngộ được cái khổ của sinh tử, lìa bỏ được ngũ dục và hướng tâm vào con đường thánh.
Nếu đệ tử Bụt mà thường đọc tụng tám điều này thì mỗi khi quán niệm diệt được vô lượng tội, tiến tới giác ngộ, mau lên chính giác, vĩnh viễn đoạn tuyệt với sinh tử, thường trú trong sự an lạc. (CCC)

Thích Nhất Hạnh dịch, (Bát Đại Nhân Giác Kinh, 779 tạng Kinh Đại Chánh)
Kinh Tám Ðiều Giác Ngộ của Các Bậc Ðại Nhân: Kinh này được dịch từ kinh Bát Ðại Nhân Giác của tạng Hán, do thầy An Thế Cao dịch từ tiếng Phạn. Ðây là kinh 779 của tạng kinh Ðại Chính. Hành giả có thể tham khảo thêm kinh A Na Luật Bát Niệm của tạng Pali (Anuruddhamahàvitakkasutta) trong Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikàya) và kinh Bát Niệm, kinh số 74 của bộ Trung A Hàm (Kinh 26 của tạng kinh Ðại Chính). Kinh này tuy ngắn nhưng có đầy đủ những đề tài quán chiếu căn bản đưa tới tuệ giác và giải thoát. Xin tham khảo sách Kinh Tám Ðiều Giác Ngộ Của Các Bậc Ðại Nhân của thiền sư Nhất Hạnh chú giải.


Discourse on the Eight Realizations of the Great Beings



Wholeheartedly, day and night, disciples of the Awakened One should recite and meditate on the Eight Realizations discovered by the Great Beings.
The First Realization is the awareness that the world is impermanent.
Political regimes are subject to fall. Things composed of the four elements are empty, containing within them the seeds of suffering. Human beings are composed of Five Aggregates and are without a separate self. They are always in the process of change – constantly being born and constantly dying. They are empty of self and without a separate existence. The mind is the source of all confusion, and the body the forest of all unwholesome actions. Meditating on this, you can be released from the round of birth and death.
The Second Realization is the awareness that more desire brings more suffering.
All hardships in daily life arise from greed and desire. Those with little desire and ambition are able to relax, their body and mind free from entanglement.
The Third Realization is the awareness that the human mind is always searching outside itself and never feels fulfilled.
This brings about unwholesome activity. Bodhisattvas, on the other hand, know the value of having few desires. They live simply and peacefully, so they can devote themselves to practicing the Way. They regard the realization of perfect understanding to be their only career.
The Fourth Realization is the awareness that indolence is an obstacle to practice.
You must practice diligently to transform unwholesome mental states that bind you, and you must conquer the four kinds of Mara in order to free yourself from the prisons of the Five Aggregates and the Three Worlds.
The Fifth Realization is the awareness that ignorance is the cause of the endless round of birth and death.
Bodhisattvas always listen to and learn from others so their understanding and skillful means can develop, and so they can teach living beings and bring them great joy.
The Sixth Realization is the awareness that poverty creates hatred and anger, which creates a vicious cycle of negative thoughts and actions. When practicing generosity, bodhisattvas consider everyone – friends and enemies alike – to be equal. They do not condemn anyone’s past wrongdoings or hate even those presently causing harm.
The Seventh Realization is the awareness that the five categories of sensual desire – money, sex, fame, overeating and oversleeping – lead to problems.
Although you are in the world, try not to be caught in worldly matters. A monk, for example, has in his possession only three robes and one bowl. He lives simply in order to practice the Way. His precepts keep him free from attachment to worldly things, and he treats everyone equally and with compassion.
The Eighth Realization is the awareness that the fire of birth and death is raging, causing endless suffering everywhere.
Take the Great Vow to help all beings, to suffer with all beings, and to guide all beings to the Realm of Great Joy.
These Eight Realizations are the discoveries of great beings, Buddhas and Bodhisattvas who have practiced diligently the way of understanding and love. They have sailed the Dharmakaya boat to the shore of nirvana, and have then returned to the ordinary world, free of the five sensual desires, their minds and hearts directed toward the Noble Way.
Using these Eight Realizations, they help all beings recognize the suffering in the world.
If disciples of the Buddha recite and meditate on these Eight Realizations, they will put an end to countless misunderstandings and difficulties and progress toward enlightenment, leaving behind the world of birth and death, dwelling forever in peace.

Designed by Quảng Pháp