Thursday, September 15, 2011

THÂN GIÁO: Có thể là một Giải pháp cho Tất cả - A young Buddhist perspective

Một trong những thành công của Trại huấn luyện Anoma Ni Liên Tuyết Sơn của Miền Liễu Quán - Photo: BXK

THÂN GIÁO: CÓ THỂ LÀ MỘT GIẢI PHÁP CHO TẤT CẢ

(A YOUNG BUDDHIST PERSPECTIVE)

 

Đ
ạo Phật đã tồn tại và phát triển hơn 2600 năm kể từ khi Đức Phật giác ngộ lúc 35 tuổi. Giáo lý của Ngài được đặt trên nền tảng Từ bi và Trí tuệ qua sự chứng nghiệm của Ngài. Thân giáo là bài pháp vô giá và công dụng nhất mà Ngài đã sống và truyền đạt. Thân giáo là lối hành xử trong đời sống hằng ngày. Sự tiến hóa và hòa bình của nhân loại một phần lớn là nhờ nơi giáo lý giác ngộ rốt ráo của Ngài. Ngày nay, Đạo Phật vẫn là những giải pháp cho nhân loại. Sau đây là bảy phương cách như là giải pháp của Đạo Phật cho quê hương Việt Nam hôm nay và ngày mai.
1. Thiết lập một mindset (tâm/tư duy) thánh thiện
Đầu tiên chúng ta cần có một tư tưởng, một tầm nhìn đúng theo tinh thần Chánh Kiến của nhà Phật. Thánh thiện là những suy nghĩ, lời nói và hành hoạt lợi người, lợi mình ngay trong hiện tại và cho cả tương lai. Thầy Thích Minh Đạt, viện chủ Chùa Quang Nghiêm thường dạy: “Một bác sỹ, một nha sỹ mắc lỗi lầm có thể giết chết một người, nhưng một nhà giáo dục mắc lỗi lầm có thể giết chết cả nhiều thế hệ.” Mà chúng ta, những Phật tử, đều là những nhà giáo dục, vì không sớm thì muộn chúng ta là thầy là cô, là chồng là vợ, là ông là bà v.v... Tuy nhiên, theo những nhà nghiên cứu Hoa Kỳ, tất cả những nhà lãnh đạo giỏi cần có một mindset (lối tư duy) thánh thiện.
Nhưng mindset không thôi vẫn chưa có đủ, chúng ta cần phải có một skillset (hành trạng). Mà thêm skillset vẫn chưa đủ, chúng ta cần phải có một toolset (công cụ). Ví dụ: Một người Huynh trưởng tốt trong GĐPT cần có một mindset “trên cầu học đạo, dưới dìu dắt đàn em”, sau đó còn phải có những hành trạng, kỹ năng chuyên môn, nhưng cũng cần có công cụ, “đồ nghề” để sinh hoạt.
2. Thấu rõ nguyên lý nhân duyên, nghiệp quả
Có thể nói, tất cả những gì chúng ta có hôm nay là do nhân duyên nghiệp của quá khứ và kết quả tương lai đều tùy thuộc vào những hành động, lời nói và suy nghĩ của chúng ta ngay hiện tại. Hiểu rõ nguyên lý này giúp ta thiết kế (design) vận mạng và tương lai của chính mình. You’re in control of your destiny (Bạn đang kiểm soát vận mệnh chính mình), nói một cách khác là: You are your own creator. (Bạn là người sáng tạo của cuộc sống riêng mình). Như Phật dạy: “Nhân nào quả ấy.”
3. Sống tốt với quanh mình trước
Thánh Mahatma Gandhi có nói: “Chúng ta là những thay đổi mà mình hằng mong muốn.” Tất cả thay đổi đều bắt nguồn từ cá nhân rồi đến gia đình, sau đó lan rộng đến cộng đồng và xã hội. Ví dụ: Ở đâu cũng vậy, đều có rác hết. Nếu chúng ta ý thức được, thì sẽ tự động dọn dẹp ngay cho đẹp mắt và bớt hại đến môi sinh. Nói gần hơn, trong nước ta, nhu cầu về tâm linh ngày càng nhiều mà thiếu nhân sự để giúp đỡ đồng bào, nhất là ở những vùng sâu vùng xa. Phật giáo chưa đáp ứng được tại quê nhà, mà cũng có một số ít Tăng Ni đi hóa duyên ở nước khác trong khi Ngũ Minh Pháp và nhất là Thanh Minh của mình chưa có. Hoằng dương chánh pháp trên xứ người chỉ có thể hiện hữu nếu Tăng Ni thành thạo ngôn ngữ nước đó. Hay nói một cách khác là chúng ta phải có đầy đủ ba yếu tố: Bi-Trí-Dũng (Compassion-Wisdom-Courage), hay theo các doanh nhân hay nói là kiến thức, thái độ, và kỹ năng chuyên môn (Knowledge - Attitude - Skill.)
4. Đồng lợi - Lợi người, lợi mình (Mutual Respect/Benefit)
Tất cả các việc làm đều đặt trên nền tảng từ bi, trí tuệ, dũng mãnh và kiên trì để lợi người, lợi mình. Nếu chúng ta ý thức được sự thành công của kẻ khác chính là của mình, sự đau khổ hay thất bại của kẻ khác là của ta, thì ta đã tạo được sự cảm thông, đùm bọc và tương thân tương ái. Đi xa hơn, chúng ta nên ý thức rằng: Lợi ích và quyền lợi của mình là lợi ích và quyền lợi của gia đình ta, của tổ chức ta, của giáo hội ta, của đất nước ta. Hay nói một cách khác, ở nơi đâu tất cả cán bộ các cấp hay nhân sự của tổ chức đặt quyền lợi chung trên quyền lợi cá nhân thì nơi đó sẽ phát triển tốt đẹp và nhanh chóng.
5. Có mặt cho nhau - (Presencing as in the Theory U)
Ca dao Việt Nam có câu. “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao” hay là “một cánh én không làm nên mùa xuân”. Chúng ta cần phải có mặt và tưới tẩm những hạt giống tốt cho nhau. Hay nói theo Glasl, Lemson và Scharmer trong Lý thuyết U thì mình:
1) Liên kết cụ thể ý thức của trưởng nhóm / lãnh đạo với kết quả công việc của họ.
2) Kế hoạch có hệ thống qua sự quan sát, hiểu biết và đồng thuận ra quyết định của cá nhân và tập thể.
3) Đổi mới là không thể thiếu.
4) Hoạch định chính sách (như việc xây dựng các nguyên tắc thiết kế có ý thức cho tổ chức) được kết nối và thích hợp với tầm nhìn đã đồng thuận.
5) Liên hệ để phát triển cá nhân và tổ chức.
Nói tóm lại, làm việc và nuôi dưỡng cho nhau là sự cần thiết để thăng hoa. Hay nói theo Michael Fullan trong Sáu Bí quyết Thay đổi thì đó là:
1) Thương yêu đùm bọc nhân viên/cấp dưới của mình;
2) Kết nối đồng nghiệp với mục đích;
3) Xây dựng tiềm năng là ưu thế;
4) Học hỏi là công việc;
5) Quy tắc chung phải minh bạch và
6) Học hỏi từ hệ thống chính mình.

Nói chung, chúng ta cần phải làm tròn trọng trách và chức năng của chính mình trong gia đình và trong mọi tổ chức.
6. Sức mạnh của đoàn kết (Collaboration with other organizations for sustainable change)
Cộng tác với các tổ chức, hội đoàn có tầm nhìn xa và có giá trị cốt lõi thánh thiện để thay đổi cuộc sống của quần sinh. Các cuộc cách mạng lớn đều cần một sự đoàn kết. Sự thay đổi trong đạo Phật cũng vậy, cần sự tương thân tương trợ lẫn nhau. Sức mạnh của tổ chức và networking là cần thiết để tạo ra các thay đổi cho bây giờ và mai sau.
7. Hành giả - Be a Buddhist Practitioner
Trong cuộc đời Đức Phật, bài pháp quý giá và hữu dụng nhất là thân giáo mà chính Ngài đã sống và truyền đạt. Thân giáo hay cách hành xử trong đời sống hằng ngày của Đức Phật là kim chỉ nam trong cuộc sống của chúng ta. Còn kinh luật luận chỉ là phương tiện. Nói rộng ra, kinh điển là những gì Đức Phật muốn dạy cho chúng sinh, mà mục đích tối hậu là gì chúng ta đều đã biết. Vậy xin hãy là một hành giả xứng đáng. Như Thầy Thích Đạo Quảng, một vị Tăng tài trẻ tại hải ngoại có dạy: Mỗi người chúng ta có ba cuộc sống: cuộc sống cá nhân (private life), cuộc sống công cộng (public life), và cuộc sống tâm linh (spiritual life). Khi chúng ta có cuộc sống tâm linh, chúng ta có tất cả ba cuộc sống vừa kể. Vậy, chúng ta hãy cùng thực hành sự giáo dưỡng của Đấng từ phụ Thích Ca Mâu Ni bằng thân giáo, khẩu giáo và ý giáo của Ngài.
Kết luận
Với sự phát triển kỹ thuật và kinh tế ngày càng nhanh so với phát triển tâm linh. Mỗi người con Phật, dù là xuất gia hay tại gia, trai hay gái, già hay trẻ, trong tổ chức GĐPT hay không, đều phải học và thực hành cách chuyển hóa. Sửa chữa những vụng về, những tập khí không tốt để chúng ta từng bước hướng thiện. Ngoài ra, chúng ta cần phải nhiệt thành, làm tròn trách nhiệm và chức năng của mình trong mọi hoàn cảnh. Nếu là nhà lãnh đạo uyên bác thì cần phải có Ngũ Minh Pháp trong nhà Phật hoặc bốn loại thông minh ở đời: Mental Intelligence - Physical Intelligence - Emotional Intelligence and Spiritual Intelligence. Thông minh về tâm thần, Thông minh về vật lý, Thông minh về cảm xúc/trí tuệ, và Thông minh về tâm linh.
Nói chung, chúng ta phải “tu thân”. Mà trước khi “tu thân” thì chúng ta phải “thành ý và chánh tâm”, (là thực hành từ bi và trí tuệ) để rồi “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” vậy. Sau cùng, xin mượn lời khuyên của Thầy Thích Minh Đạt đã cho người viết như lời cuối cho bài tham luận này: Muốn trở thành một lãnh đạo tốt, nên cần có ba yếu tố sau:
1. Thành thật với chính mình - không vì tư lợi.
2. Thành thật với mọi người - nói sao làm vậy - lời nói đi đôi với việc làm.

3. Tha thiết, thành thật trong mọi công việc mà mình đề xuất.

Tâm Thường Định
Tham Khảo:
·        1. Covey, S. (2004). The 8th Habit: From Effectiveness to Greatness. New York: Free Press
·        2. Senge, P., et. al. (2005). Presence: Exploring Profound Change in People Organizations, and Society. New York: Currency Doubleday.
·        3. Senge, P. et al. (2010), The Necessary Revolution: Working together to create a sustainable world, New York: Broadway Books.
·        4. Thích, Đạt M. (2011). Góp Nhặt Lá Rơi. Stockton, CA. Chùa Quang Nghiêm.
·        5. Thích, Hạnh N. (2007). The Art of Power. New York: HarperOne.
·         

No comments:

Post a Comment