Showing posts with label NHẬT KÝ GIÁO DƯỠNG. Show all posts
Showing posts with label NHẬT KÝ GIÁO DƯỠNG. Show all posts

Monday, January 1, 2018

ĐI THĂM DHARAMSALA -- SỰ VI DIỆU CỦA THÁNH ĐỊA TÂM LINH

ĐI THĂM DHARAMSALA -- 
SỰ VI DIỆU CỦA THÁNH ĐỊA TÂM LINH

       Chúng tôi được cơ duyên trường Đại học Gautam Buddha University mời thuyết giảng với đề tài Đem Chân Thiện Mỹ qua Hình thức Chánh Niệm đến với Giáo viên, Học sinh và Học đường trong Hội nghị quốc tế về "Phật giáo: Các truyền thống, tư tưởng và bất đồng" từ ngày 7-9 tháng 9 năm 2017 tại Đại học Gautam Buddha. Trong dịp này chúng tôi có cơ duyên làm quen với một số Tăng Ni Việt Nam đang du học tại trường Đại học này. Chúng tôi có nhã ý mời quý Thầy Cô đi thăm viếng những thánh tích Phật Giáo nơi này, thế là sau buổi chia sẻ của mình. Chúng tôi được thuận duyên đi thăm Dharamsala, xứ sở của người Tây Tạng tỵ nạn tại Ấn Độ mà Ngài Dalai Lama, người đã định cư ở đây từ năm 1959 khi phải ly hương cố Quốc.
       Từ ký túc xá của Đại học Gautam Buddha, Thầy Nhật Hoà thuê một chiếc xe Uber để đến trạm xe Buýt để đi Dharamsala. Chúng tôi được hân hạnh và diễm phúc được đi cùng với Thầy Đồng Lai, Thầy Nhật Hoá, Sư Cô Thích Nữ Phước Tuệ, Sư Cô Thích Nữ Minh Thức và dĩ nhiên là chúng tôi rất tiếc Sư cô Thích Nữ Liên Trúc không thể đi cùng. Chiếc xe Uber từ từ rời ký túc xá; đúng giờ cao điểm, nên bị kẹt xe như những thành phố lớn khác trên thế giới. Tôi tưởng giao thông ở New York và LA kinh hồn rồi, ở đây còn kinh khiếp hơn nữa vì ai nấy chen chúc dành đường mà đi. Nó từa tựa như ở Việt Nam vậy, nhưng thay vì xe honda thì ở Ấn Độ toàn là xe hơi và đủ loại xe cộ khác. Tới nơi thì cũng đã chạm tối, bãi xe đông người chen chúc và dơ bẩn. Chúng tôi cũng tìm đến được chuyến xe Bus luxury theo những tấm vé mà Thầy Nhật Hoà đã mua trên mạng để đi Dharamsala. Trên chiếc xe du lịch cấp cao này, đa phần là khách du lịch thập phương, Đông Tây đầy đủ--có cả một cặp tình nhân đến từ Do Thái.
       Từ New Delhi đến Dharamsala tốn khoảng 10 tiếng đồng hồ. Chúng tôi lên xe lúc 6:30 và 7:00 tối thì họ rời bến. Xa dần những đường phố đông đúc và bụi bặm của New Delhi, vừa ra thủ phủ hoàng hôn cũng vừa tắt, nhưng khung cảnh ngoại ô thanh bình và im ả. Đường xá ngoại thành và không gian cũng giống như ở Việt Nam, buồn và tẻ nhạc. Thấp thoáng những quán cóc bên đường. Xe chạy tới tấp qua những làng mạc nhỏ hẻo lánh và chúng tôi cũng thiếp dần trong giấc ngủ. Hơn 3 giờ sau, thì chúng tôi vừa tỉnh giấc để được nghỉ ngơi và dùng cơm tối trước khi tiếp tục. Tự nhiên trong đầu, mình mường tược là sẽ có những cái quán nhỏ như bên Việt Nam vậy; nhưng không, đây là một nơi nghỉ thoáng mát và sang trọng. Xuống xe thì có nhạc Ấn Độ mở to như nhạc Mễ Tây Cơ, tự nhiên cũng hết buồn ngủ luôn. Ở đây, người ta bán quán, quà lưu niệm và thức ăn v.v... như các nước Tây phương. Chúng tôi chọn một nhà hàng yên lặng vào ăn để vơi đi tiếng nhạc. Ở Ấn Độ, đa phần thức ăn là những món chay thuần tuý, ít có thịt như những nơi khác. Nên rất hợp vị, chỉ có điều là họ không có đậu hủ như ở nước ta.
        Sau khi buổi cơm chay thanh tịnh và đạm bạc. Chúng tôi chơi với nhau vài trò chơi nhỏ của Gia đình Phật tử trước khi lên xe. Đâu đó pha lẫn tiếng cười trong điệu nhạc phấn khởi ở xứ Ấn. Hành trình 6 tiếng đồng hồ kế tiếp trong đêm khuya nên chúng tôi cũng chập chờn trong giấc ngủ.
        Trời đã sáng thì xe cũng đang trên con đèo quanh co. Nhìn xuống là thấy những hố xấu, cảnh vậy xanh um tùm và không khí thì dễ chịu. Mới đó, mà xe cũng đã đến thị trấn DHARAMSALA. Sau đó chúng tôi đến với nơi Ngài Đạt Lai Lạt Ma thường trú, rất tiếc là hôm đó Ngài phải đi Âu Châu để giảng pháp. Ngồi chờ phái đoàn Thầy đi qua là lòng cũng hoan hỷ. Nếu được vào diện kiến Ngài và được Ngài thuyết giảng, tôi tin chắc là Ngài cũng ngắn nhủ cho mình và hàng Phật tử Việt Nam như những lời của anh Tâm Diệu viết trong Bài Pháp Tuyệt Vời Của Đức Đạt Lai Lạt Ma Dành Cho Phật Tử Việt Nam Trên Đỉnh Dharamsala như sau:
 Khoảng 12 giờ trưa, Ngài ra trước dinh đón gặp và tự tay trao tặng cho từng người, mỗi người một bức hình tôn trượng đức Phật thờ tại Đại tháp Bồ Đề Đạo Tràng. Sau đó chụp hình chung lưu niệm với từng nhóm trong đoàn do đoàn quá đông, và cuối cùng ngài nói một bài pháp ngắn khoảng năm phút.
 Sau lời chào mừng ngắn gọn với đoàn Phật tử Việt Nam, ngài nói ngay rằng: Đức Phật không phải là đấng tạo hóa (Creator). Ngài là một con người bình thường, đã tu hành và đã giác ngộ viên mãn, và đối với đạo Phật, mọi sự mọi vật đều do nhân duyên sinh khởi, do tác động của định luật nhân quả: Law of Cause and Effect”. Ngài nói tiếp rằng “muốn đạt được hạnh phúc chân thật thì cần phải có một tinh thần an lạc, và muốn có tinh thần an lạc, cần phải có tình thương và lòng từ bi (love and compassion)[1], làm sao để chúng ta phát triển được tình thương và lòng từ? Chỉ nghĩ đến cũng chưa đủ, chúng ta cần phải làm sao để chuyển hóa tâm niệm và hành động của mình trong đời sống hàng ngày. Chìa khóa cho một thế giới hòa bình, hạnh phúc và an lạc bản thân chính là phát triển tình thương và lòng từ bi.” Ngài cũng nhắc nhở “mỗi người chúng ta đều có Phật tánh và cần nỗ lực thực hành để trờ thành vị giác ngộ như Phật đã thành”. Ngài cũng không quên nhắc nhở Phật tử Việt Nam“nên đọc và thực hành kinh Đại Bát Nhã (Mahà Prajnàpàramità Sùtra), nhất là những phẩm nói về Từ Bi, Trí Tuệ, Ba La Mật Đa (paramitas) và Tánh Không (emptiness)…”
        Về với cái nôi của người Tỵ nạn Tây Tạng tại Ấn Độ, lòng mình chùn xuống và những nói năng hay suy nghĩ mông lung bổng trở thành vô nghĩa. Thôi thì, chúng tôi đã ngồi yên, tĩnh lặng và quán chiếu.

NGỒI ĐÂY ĐẤT TỊNH
Ngồi thiền trên mãnh đất thiêng
Nghe đâu vạt nắng nghiêng nghiêng vô thường
Vai tròn còn đọng hạt sương
Hơi đều thở nhẹ tỏa hương ngát lòng

Để rồi, chúng tôi thấy được rằng, mọi thứ rồi cũng sẽ qua đi. Cái còn lại là gì nhỉ? Thôi thì uống nước, nóng lạnh tự biết vậy. Xin kính mời quý vị, đến DHARAMSALA thăm một lần trong đời cho biết. Chúng tôi xin kết chúc bằng bài thơ này.

KHÔNG KHÔNG – SUNYATA SUNYATA
Tưởng rằng cõi có là không
Cõi không là có có-không bạt ngàn
Bây chừ sông núi rõ ràng
An vui tự tại buộc ràng chi mô!
Kính chúc tất cả chúng ta luôn bình an trong sáu thời, ba cõi. Xin chia sẻ một số ảnh chụp trong khuôn viên tư dinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma và thị trấn DHARAMSALA

Tâm Thường Định

Tham khảo / Reference:
1.     Tâm Diệu, (2015). Bài Pháp Tuyệt Vời Của Đức Đạt Lai Lạt Ma Dành Cho Phật Tử Việt Nam Trên Đỉnh Dharamsala. Tải xuống từ https://thuvienhoasen.org/a9575/bai-phap-cua-duc-dat-lai-lat-ma-danh-cho-phat-tu-viet-nam

Notes: Bài này viết cho Chánh Pháp Số 74


Sunday, November 12, 2017

NHẬT KÝ GIÁO DƯỠNG - TU LÀ ĐỂ BIẾT CHÍNH MÌNH THEO TRUYỀN THỐNG THIỀN TÔNG VIỆT NAM

Buổi vấn đáp ngoài trời. Ảnh BXK
NHẬT KÝ GIÁO DƯỠNG – 
TU LÀ ĐỂ BIẾT CHÍNH MÌNH THEO TRUYỀN THỐNG THIỀN TÔNG VIỆT NAM


Thiền hành - ảnh lấy trên Nhà văn Trần Kiêm Đoàn's fb 
Cuối tuần qua, chúng tôi lại có duyên tham dự Khoá tu học mùa Thu hằng năm của Thiền Viện Diệu Nhân ở Rescue, CA. Khoá tu năm nay có chủ đề: Tu Là Biết Mình. Thiền viện này là một chi nhánh của Thiền Tông Việt Nam từ trong nước do Đại Lão Hoà Thượng Thích Thanh Từ dung hợp từ thập niên 70's. Có thể nói, pháp môn Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ 20 xuất xứ từ Tu Viện Chân Không (1970-1986) và Thiền Viện Thường Chiếu từ năm (1974 cho đến nay) do Ngài chủ trương và hướng dẫn. Vì chúng tôi, chỉ được nhân duyên tu học có hai ngày mà lại bán trú nên có thể những gì chúng tôi viết và cảm nhận ở đây không đầy đủ. Vậy mong quý vị rộng lượng mà hoan hỷ.

Khác với những chi nhánh Thiền tông khác ở Trung Hoa (Ví dụ như Tào Ðộng, Lâm Tế, Quy Ngưỡng… Thiền tông Việt Nam mà Hoà thượng đề xướng có ba dòng tư tưởng hay 3 cái mốc thời gian lớn, đó là thời Ngài Nhị Tổ Huệ Khả thời Ngài Lục Tổ Huệ Năng, và dĩ nhiên cũng là quan trọng nhất đó là cái mốc cuối cùng, Đức Vua Trần Nhân Tông (1258-1308), Sơ Tổ Trúc Lâm. Lúc bấy giời Ngài dung hợp tinh hoa của các nhánh Thiền thiện hành như Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Ðường để thành lập phái thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Theo cuốn sách, Thiền Tông Việt Nam, Đại Lão Hoà Thượng Thích Thanh Từ cho biết sự dung hợp này từ ba vị tổ sư thiền, “Nơi Nhị Tổ, chúng tôi ứng dụng pháp an tâm. Nghĩa là biết rõ tâm suy tưởng lâu nay là hư ảo, không để nó đánh lừa, lôi dẫn chúng ta chạy theo trần cảnh, nên nói "Vọng tưởng không theo". Mỗi khi nó dấy lên đều biết rõ như vậy. Một khi hành giả nhận diện bản chất hư ảo của chúng thì chúng tự biến mất…” Rồi Ngài tiếp,
…Với Lục Tổ, chúng tôi ứng dụng sáu căn không dính mắc sáu trần làm hướng tiến tu. Ðó là câu "Bất ưng trụ sắc sanh tâm..." trong kinh Kim Cang được Ngũ Tổ giảng cho Lục Tổ. Nhưng làm sao căn không dính trần? Ðương nhiên phải dùng trí tuệ Bát-nhã quán chiếu, thấy các pháp duyên hợp hư dối như huyễn như hóa. Vì thế trong kinh Pháp Bảo Ðàn, sau phẩm Hành Do là đến phẩm Bát-nhã. Nhờ trí tuệ Bát-nhã soi rọi thấy rõ các pháp duyên sanh, không có chủ thể (vô ngã), không cố định (vô thường) nên tâm không nhiễm trước sắc... do đó căn, cảnh không dính mắc nhau. Căn, cảnh không dính mắc nhau là Vô Niệm, Vô Tướng, Vô Trụ, đó là chủ trương của Lục Tổ.
         Lại có một cách khác, nếu hành giả kiến tánh như Lục Tổ, hằng sống với thể tánh bất sanh bất diệt của mình thì còn gì bận bịu với vọng tưởng hư dối, với sáu trần giả hợp. Ði đứng nằm ngồi không lúc nào rời tự tánh chính mình. Ðược thế thì ung dung tự tại, nên nói "đói ăn khát uống".
        - Ðến Sơ Tổ Trúc Lâm, trong bài kệ "Câu Có Câu Không", đoạn thứ tư nói "Nón tuyết giày hoa, ôm cây đợi thỏ", là tinh thần Bát-nhã của Lục Tổ. Các pháp hư giả như nón tuyết, như đôi giày bằng hoa, tạm có rồi tan mất, mới thấy đẹp rồi héo xàu, có gì lâu bền. Nếu chấp giữ nó là người ngu, như kẻ "ôm cây đợi thỏ". Toàn thể pháp đối đãi đều không thật, do phương tiện bày lập, giống như dây sắn dây bìm, một phen cắt đứt chúng mới là an vui tự tại. Ðấy là tinh thần hai câu kết của bài kệ "Cắt đứt sắn bìm, đó đây vui thích". Vừa dấy niệm là đối đãi, vừa thốt lời là đối đãi, nếu dứt hết đối đãi thì còn niệm nào để khởi, còn lời gì để nói. Ðây là hằng sống thật với thiền.”
Nói tóm lại, Ngài chủ trương "Thiền, Giáo đồng hành" và nhấn mạnh rằng:
          “Ðể thấy rõ nét lối dung hợp pháp tu qua ba vị Tổ trên, chúng tôi cô đọng lại bằng những lối tu:
1. Biết vọng không theo, vì vọng tưởng là những tâm niệm hư ảo. 
2. Ðối cảnh không tâm, vì nó là tướng duyên hợp giả dối tạm bợ. 
3. Không kẹt hai bên, vì đối đãi là không thật.
4. Hằng sống với cái thật, không theo cái giả, vì giả là luân hồi, thật là giải thoát. 
            Khoá tu này được sự chứng minh và giảng dạy của Ni Trưởng Trụ trì Thích Nữ Như Đức và Ni Sư phó Trụ trì Thích Nữ Hạnh Phước của Thiền Viện Viên Chiếu tại Việt Nam, Ni sư viện chủ Thiền Viện Diệu Nhân và Ni sư Thích Nữ Thuần Bạch, nguyên là Viện chủ Thiền Viện Diệu Nhân. Ngoài những vị giáo thọ rừng cột của Thiền Viện Diệu Nhân, Ni Sư Thích Nữ Thuần Chánh và Ni Sư Thích Nữ Thuần Hậu là những vị giáo thọ thuyết giảng từ bên Việt Nam qua hệ thống webcam cùng hướng dẫn những Phật tử xa gần hành trình và ứng dụng bốn lối tu học của Thiền Tông Việt Nam thật khéo léo và linh động hướng dẫn.
            Trong hai ngày chúng tôi tinh chuyên tu học; nhận thấy ở đó năng lượng tu tập của Đại chúng rất là cao và sự hành trì một cách nghiêm mật. (Xin xem chương trình tu học ở phần phụ mục). Trong không gian và thời gian ấy, trong đó có buổi Phật pháp vấn đáp cũng như những buổi thọ trai, chúng tôi thấy lòng từ của quý Ni sư thật mênh mông và ai ai cũng hoan hỷ, cảm nhận được sự an lành, vững chải và thanh thoát. Riêng chúng tôi, không biết nói gì hơn chỉ chia sẻ một chùm thơ nho nhỏ như là dấu mốc thời gian trong sự trải nghiệm của khoá tu này.
            Sáng sớm lên Thiền viện, chúng tôi không những được buổi bình minh êm ả nhẹ nhàng đón tiếp mà có cả vầng trăng mỉm cười vô sự. Rồi chúng tôi viết:

HƠI THỞ NHẸ
Sáng nay Trăng qua núi
Vẫn thanh tao nhẹ nhàng
Nhìn Trăng không dính mắt
Hơi thở này nhẹ tan.

            Sau khoá ngồi thiền dài 1 tiếng đồng hồ là buổi ăn sáng và đi thiền hành. Dưới sự hướng dẫn của Ni sư Thuần Bạch, hãy về với tự tánh của mình. Đây là dịp Phản Quan Tự Kỷ. Ngoài việc nhìn ra chính mình, chúng tôi còn thấy những cái đẹp chung quanh.

VẺ ĐẸP QUANH TA
Con đường mới quanh co khúc khuỷu
Từng bước chân thanh thản điềm nhiên
Cây cao thấp giữa thiên nhiên
Có cùng vẻ đẹp triền miên bạt ngàn!

            Sau phần, thiền hành lại là phần thiền toạ trước khi dùng trưa cũng theo nghi thức Thiền Tông Việt Nam. Lần này, thú thật, ngồi lâu lúc đầu, thân cũng hơi bất an, nhưng sau đó khắc phục được cái thân. Cái tâm an dần, như lời chỉ dạy Biết vọng không theo, khởi lên bỏ xuống. Rồi sau buổi cơm trưa chay thật ngon và tinh khiết, là lúc chúng tôi có giờ tự do; thế là có thời gian và cơ hội cho chúng tôi thưởng thức không gian núi đồi yên tĩnh ở đây.

BỨC TRANH BAN TRƯA
Ngồi đây gió mát nắng hanh
Phong cầm sáu nhịp xanh xanh cõi này
Duy trì tỉnh thức quanh đây
Ô kìa thanh thoát áng mây qua đồi.

            Nhưng có lẽ hấp dẫn nhất là những buổi pháp thoại và những lúc hành thiền tự do dưới trời trăng mây gió.

NGỒI THIỀN DƯỚI TRĂNG

Ngồi Thiền gió mát trăng thanh
Lung linh ánh nguyệt 
Long lanh tâm mình.
Tâm lặng lẽ 
Giữa sinh linh
Rõ ràng thường biết 
Cõi tình 
Như Lai.

            Có những lúc, dường như chúng tôi cũng…

BẤT ĐỘNG

Trăng thanh vằng vặc sáng
Giữa núi đồi cỏn con
Tiếng côn trùng nỉ non
Phật ngồi yên bất động

Ta có đi trong mộng?
Hay thánh địa linh thiêng
Rõ ràng chốn thiền viên
Tâm bất sinh bất diệt

            Bất động để thấy gì bạn có biết…

NHÌN TRĂNG THẤY GÌ?

Nhìn trăng ánh sáng tám chiều
Tưởng gần, không phải, mỹ miều rất xa
Tịch lặng Phật tánh trong ta
Trở về tánh Phật rỗng rang nhiệm mầu

Thấy trăng tạp niệm trong đầu
Khởi lên, bỏ xuống dính đâu niệm này
Ánh trăng vằng vặc lung lay
Đều thân hơi thở mảy may nhẹ nhàng

Trăng vàng cùng gió mùa sang
Từ bi, tĩnh lặng bước ngang tâm mình
Rọi soi Phật tánh lung linh
Thường hằng thanh tịnh lặng thinh mỉm cười.

            Khi chúng ta có sự vắng lặng thanh thản ở tâm hồn, chúng ta có thể nhận chân ra nhiều điều. Phản quan tự kỷ cũng là vậy, không chạy theo những dục vọng bên ngoài, không bị dính mắt.  Khi chúng ta có khả năng biết vọng không theo (Let it be) thì chúng ta tăng tưởng thêm bước nữa đó là không dính mắt (Let it go) hay rõ ràng thường biết trong mỗi sát na vậy, thì chúng ta có thể trực chỉ chơn tâm. Ở đây, chúng tôi thấy Chơn Tâm đó là Phật tánh mà chúng tôi ví von là Mẹ. Có thể vì 'rứa', mà cuối cùng có lẽ chúng tôi thấy được Trăng là Mẹ và Mẹ là Phật; Tâm Mẹ là Tâm Phật và tất cả rồi cũng qua trời thái không mà thôi.

MẸ VẦNG TRĂNG THÁI KHÔNG

Mẹ vầng trăng sáng tỏ
Soi nẻo đường con đi
Càng ngày con càng rỏ
Tâm Mẹ luôn từ bi.

            Trở lại Thiền Tông Việt Nam tại hải ngoại, có hai cơ sở tiêu biểu mà chúng tôi thường quên biết ở California đó là. Chư Tăng ở Thiền Viện Đại Đăng ở Basall, nam California và Chư Ni ở Thiền Viện Diệu Nhân ở Rescue, bắc California. Sự hành trì nghiêm mật của những nơi như thế là tương lai và hoài bảo của Phật giáo Việt Nam. Xin mời các bạn hãy cùng chúng tôi tham dự những khoá tu học kế tiếp. Xin hãy vào trang nhà www.dieunhan.net để tiếp thêm chi tiết. Cầu chúc tất cả quý độc giả sáu thời an lành.

Tâm Thường Định



Thứ năm 5 tháng 10:                
4:45 AM                 THỨC CHÚNG
5:30 – 6:30              TỌA THIỀN
7:30                         ĐIỂM TÂM
9:00 – 9:45              KHAI MẠC KHÓA TU
                                KHÓA LỄ SÁM HỐI
10:00 – 11:00          HƯỚNG DẪN KHÓA TU: NS Thuần Tuệ
11:30                       THỌ TRAI
12:50 PM                CHỈ TỊNH
1:50 PM                  THỨC CHÚNG
2:00 – 3:00              TOẠ THIỀN
3:30 – 4:30              PHÁP THOẠI: NS Hạnh Phước - Giảng qua webcam
5:00                         DÙNG CHIỀU          
6:00 – 7:30              THAM VẤN
7:45 – 8:45              TOẠ THIỀN
9:30                         CHỈ TỊNH
Thứ sáu 6 tháng 10:  
4:45 AM                 THỨC CHÚNG
5:30–6:30                TỌA THIỀN
7:30                         ĐIỂM TÂM
8:30–9:30                THIỀN HÀNH TỰ DO
9:45–10:00              LỜI NHẮC
10:00–11:00            TỌA THIỀN
11:30                       THỌ TRAI
12:50 PM                CHỈ TỊNH
1:50 PM                  THỨC CHÚNG
2:00 – 3:00              TỌA THIỀN
3:30–4:30               PHÁP THOẠI: NS Thuần Hậu - Giảng qua webcam
5:00                         DÙNG CHIỀU
7:00                         SÁM HỐI
7: 45 -  8:45             TỌA THIỀN
9:30                         CHỈ TỊNH
        Thứ Bảy 7 tháng 10:   
                        4:45 AM                     THỨC CHÚNG
5:30 – 6:30              TỌA THIỀN
7:30                         ĐIỂM TÂM
8:30 – 9:00              THIỀN HÀNH: NS Thuần Bạch hướng dẫn
9:10 – 9:50              CÔNG TÁC
10:10 - 11:10           PHÁP THOẠI: NS Thuần Bạch
11:30                       THỌ TRAI
12:50 PM                CHỈ TỊNH
1:50 PM                  THỨC CHÚNG
2:00 – 3:00              PHÁP THOẠI: NS Thuần Chánh - Giảng qua webcam
3:30 - 4:30              TỌA THIỀN
5:30                         DÙNG CHIỀU
7:00                         SÁM HỐI
7:45 - 8:45               TỌA THIỀN
8:50 - 9:10               LỜI NHẮC CUỐI NGÀY
9:30                         CHỈ TỊNH
         Chủ Nhật 8 tháng 10:  
                     4:45 AM                         THỨC CHÚNG
5:30 – 6:30              TỌA THIỀN
7:30                         ĐIỂM TÂM
8:30 – 9:00              THIỀN HÀNH: NS Thuần Bạch hướng dẫn
9:10 – 9:50              CÔNG TÁC
10:10–11:10            PHÁP THOẠI: NS Thuần Tuệ
11:30                       THỌ TRAI
12:50 PM                CHỈ TỊNH
1:50 PM                  THỨC CHÚNG
2:00 – 3:15              THIỀN TRÀ
3:30 – 4:00              BẾ MẠC KHÓA TU

                               HOÀN MÃN