Showing posts with label Trần Kiêm Ðoàn. Show all posts
Showing posts with label Trần Kiêm Ðoàn. Show all posts

Friday, September 25, 2015

ĐIẾU VĂN Tưởng niệm Cụ Bà TÂM DIỆU


ĐIẾU VĂN
Tưởng niệm Cụ Bà TÂM DIỆU

Cụ Bà: Trần Thị Ái, pháp danh: Nguyên Ái, pháp hiệu xuất gia gieo duyên: Tâm Diệu vừa qua đời vào ngày 22 tháng 9 năm 2015 tại thủ phủ Sacramento, California, Hoa Kỳ. Cụ là thân mẫu của huynh trưởng GĐPT Bạch Xuân Khỏe. Tiến sĩ Bạch là út nam trong gia đình.
Nhận được tin buồn nầy, thay mặt cho một số anh chị em huynh trưởng, cựu huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT Việt Nam xin thành kính phân ưu cùng Tang Quyến và kính gởi đến huynh trưởng Bạch Xuân Khỏe trong dịp tang lễ của Cụ Bà (25-9-2015) bài Điếu Văn sau đây:

ĐIẾU VĂN
Tin buồn:
Mùa Vu Lan báo hiếu chưa qua khuất
Hương trầm còn thoảng đâu dây
Bông hồng cài áo chưa tàn
Nhưng duyên hợp vội tan
Tin cụ bà vừa quá vãng
Hỡi ôi!
Cụ bà Nguyên Ái đã ra đi
Xả bỏ báo thân tuổi dương trần tám mốt
Pháp hiệu xuất gia gieo duyên: Tâm Diệu
Trần gian chấp cánh vô thường
Nhớ linh xưa:
Trên quê hương Phú Cát, Bình Định, Việt Nam
Người thiếu nữ ra đời khi cuộc Chiến Tranh Việt Nam bắt đầu ló dạng
Hình bà Mẹ quê trên dãi đất nghèo lặn lội nuôi con
Một gánh quê hương, một gánh gia đình
Hai vai nặng quản chi đời khó nhọc
Ôi! Hương linh vừa xa khuất: 
Là bà yêu, mẹ quý, con thảo, vợ hiền
Là Phật tử tại gia thọ Bồ Tát giới
Là Ưu bà di tâm thành xuống tóc gieo duyên
Buông thả phù vân giữ lòng rỗng lặng
Khiêm cung đến với mọi người với tiếng chào “A Di Đà Phật”
Và nụ cười theo hạnh lành Bồ tát Thường Bất Khinh
Nhớ ngày xưa quê Mẹ:
Duyên Phù Cát về làm dâu Nhơn Lý
Cánh thiệp hồng Trần Thị Ái - Bạch Xuân Long
Cuộc sống thăng trầm theo vận nước gian nan
Nền đạo lý tổ tông, tiếng thơm gia đình dòng họ
Vẫn lưu truyền sá chi đời sướng khổ
Thuở sum vầy cũng như khi chia biệt ly tan
Bởi có niềm tin “nhân nào quả ấy”
Như mây vàng ánh Đạo tỏa vầng trăng
Nhớ những năm tháng giữa Quê Người:
Hơn nửa đời rời nước ra đi
Cuộc gian khổ giữa hai đầu sống chết
Sự lựa chọn nào cũng có riêng nỗi khổ đau
Nhưng duyên lành được tưới tẩm hương Từ bi đạo Phật
Bởi yêu tình thương nên xa lánh hận thù
Xứ lạ quê người đàn con tám đứa
Bờ vai cha, bàn tay mẹ vun bồi
Sự khôn lớn không tính ngày tính tuổi
Mà tính theo tâm đạo giữa đời
Cả gia đình
Dâu rể cháu con đều là Phật tử thuần thành
Ơn mưa pháp ánh Đạo Vàng tắm gội
Bạch Xuân Khỏe, út nam, người con hiếu thảo
Trải hết tin yêu sá gì mưa nắng
Vai nương cha già, tay dìu mẹ yếu đến chùa
Mấy chục năm qua lòng hỷ xả, dạ từ bi bước tới
Trên đường đời thành, trụ, hoại, không
Giữa vô thường không lại hoàn không
Năm nay cài áo hoa hồng
Sang năm hoa trắng mà lòng quặn đau
Nguyện cầu cho hương linh vừa quá vãng:
Sen tàn thay vụ
Đông hết Xuân sang
Sinh diệt không ngừng
Người đời cõi tạm
Đã mãi đem hành thiện, hộ pháp, tu thân làm phước hạnh
Thì tiếc chi mộng ảo bến nơi nầy
Mặc muôn kiếp từ vô chung vô thủy
Nguyện Hương Linh lưu lại cõi Di Đà
Miền Cực Lạc sen hương trầm bảy báu
Tiếng gọi đàn chim cá niệm chân kinh
Chung lời bái biệt hương linh:
Đừng tiếc chi cõi tạm nữa, quay về
Nương Thuyền Từ pháp hội tới bên kia
Thân tứ đại đã trở về nguyên trạng
Chủng tử linh hồn an nhiên trung ấm
Đừng lưu luyến gì không trước cũng không sau
Trong thinh lặng nhiệm mầu
Cầu hương linh giải thoát 
Nam mô tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật

Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn

Tuesday, September 9, 2014

TUỔI TRẺ ĐEM ĐẠO VÀO ĐỜI

TUỔI TRẺ ĐEM ĐẠO VÀO ĐỜI

            Dấu hiệu thoái trào hay hưng thịnh của một tôn giáo không dễ dàng nhận ra qua cách biểu hiện rõ ràng như trường hợp tương tự của một nền kinh tế hay chính trị. Lý do đơn giản bởi vì bản chất của tôn giáo là đời sống tâm linh. Thế giới tinh thần không có đơn vị cụ thể để cân đo, đong đếm… nên lắm khi sự thịnh suy tôn giáo diễn ra nghịch lý với những quy ước đời thường.
Riêng đối với trường hợp Phật giáo thì dấu chỉ thịnh suy được ghi nhận trên phạm hạnh của giới Phật tử xuất gia và phước hạnh của hàng Phật tử tại gia.
Một luận sư Tích Lan, thầy Anzar Mahadi, cho rằng: Một tôn giáo như Phật giáo có dấu hiệu trên đường đi xuống khi giới Phật tử cao niên muốn đem Đời vào Đạo, chấp nhặt những hình thức lễ nghi cầu kỳ đượm mùi mê tín, bị dính mắc với thế giới hình tướng giả danh, chùa to tượng lớn bên ngoài mà lãng quên tôn tượng và tính Phật có sẵn trong chính mình. Ngược lại, là khi tuổi trẻ Phật tử đem Đạo vào Đời để làm sáng đạo giữa cộng đồng thế giới.

Tuổi trẻ tham gia phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam một thời

Khởi đầu thập niên 1930, noi gương Miến Điện, Tích Lan, Nhật Bản và nhất là Trung Hoa với Thái Hư Đại Sư làm chủ xướng, một phong trào chấn hưng Phật giáo đã hình thành ở Việt Nam. Có thể nói tinh thần cốt lõi trong công cuộc chấn hưng Phật giáo là đem đạo vào đời.  Đó là một quá trình hiện đại hóa để khởi động và phát huy vai trò tích cực của đạo Phật, biến tâm linh thuần lý kinh điển thành tâm linh ứng dụng đời đạo hạnh trong cuộc sống. Đặc biệt là khuynh hướng đưa tuổi trẻ vào đạo Phật.
Đầu tiên, tại Sài Gòn năm 1931, Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học ra đời. Sau đó là Hội Lưỡng Xuyên Phật Học do ngài Khánh Hòa, Huệ Quang, Khánh Anh khởi xướng. Tại Trung kỳ, năm 1932 ngài Giác Tiên, Phước Huệ, cư sĩ bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám thành lập Phật Học Hội Trung Kỳ tại chùa Từ Đàm Huế. Năm 1934 ở Ở Bắc kỳ, năm 1934, có ngài Tố Liên, Trí Hải, ông Nguyễn Năng Quốc, Trần Trọng Kim và một số quý ngài thành lập Bắc Kỳ Phật Giáo Tổng Hội. Những hội trên đều có mục đích và chương trình hoạt động giống nhau là chỉnh đốn Thiền môn cho được thanh tịnh, đào tạo một thế hệ mới và hỗ trợ các tu sĩ chân chính có căn bản học thức để hoằng dương Phật pháp.
Cư sĩ Tâm Minh đã cùng với các danh tăng, trí thức Phật giáo, cư sĩ và đại chúng Phật tử có khuynh hướng cấp tiến đương thời đã vực tuổi trẻ dậy. Vực dậy từ bóng mờ bị che khuất sau lưng thế giới người lớn. Các em đã được thế hệ đàn anh thương quý đón mời để dẫn tới trước cửa ngõ Văn hóa Phật giáo. Tuổi trẻ Việt Nam lần đầu được tiếp cận đạo Phật với tư cách của những người trẻ tuổi có tri thức, nhân cách và vị thế riêng chứ không phải là những “ông bà già thu nhỏ” lon ton níu áo chạy theo những cụ già đạo hữu đã thành cây đại thụ trong Vườn Nhà Lam như bao nhiêu năm về trước.
Đây là lần đầu tiên, các em thiếu nhi không phải là những người lớn thu nhỏ mà có hẳn một vai trò được công nhận trong sinh hoạt Phật giáo Việt Nam thời cận đại. Đó là sự ra đời của Gia Đình Phật Hóa Phổ – Tiền thân của Gia Đình Phật Tử Việt Nam – vào năm 1930 với sự tham gia của một thế hệ đàn anh, đàn chị là những nhân vật thành danh, có đầy đủ năng lực và uy tín trong nhiều lĩnh vực, đảm trách vai trò huynh trưởng lãnh đạo, tổ chức và giáo dục.
Năm 1940, đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục, được gọi theo tiếng Pháp là “Commission d’Études Bouddhiques et de Perfectionnement Moral” được thành lập tại Huế. Ngày Phật Đản 1944, một đại hội thanh niên được tổ chức tại đồi Quảng Tế, Huế, khai sinh Gia Đình Phật Hóa Phổ. Đó là tiền thân của Gia Đình Phật Tử sau nầy.
Nhờ viễn kiến với tầm nhìn xa, thấy rộng của Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám và các trí thức, văn nghệ sĩ Phật giáo tuổi trẻ hay thuộc khuynh hướng trẻ đầy nhiệt tình khai phóng nổi tiếng thời bấy giờ mà tinh thần kế thừa của thế hệ trẻ được nuôi dưỡng và phát huy trong khung cảnh cửa thiền. Những tên tuổi đã thành danh như Tráng Thông, Đinh Văn Nam, Võ Đình Cường, Phạm Hữu Bình, Lê Bối, Nguyễn Hữu Ba, Phạm Đăng Trí, Lê Ngọc Thừa, Đinh Văn Vinh, Ngô Văn Giảng, ... đã cùng nhau năng nỗ đóng góp tài năng và tấm lòng cho thế hệ trẻ.
Chủ trương nổi bật nhất của công cuộc chấn hưng dành cho tuổi trẻ là khai phóng và kế thừa. Khai phóng là sự khai thông, mở trói, đối thoại, bình đẳng của mọi khuynh hướng thay đổi theo chiều hướng tích cực của trào lưu tự do dân chủ trên toàn thế giới như cải tiến, chấn hưng. Đó là một tiến trình cải cách và ứng dụng nhằm làm rõ thêm, đẹp thêm, phong phú thêm và hữu dụng thêm từ một thực tại đang bị thoái trào hay đứng yên trong tù đọng và xuống cấp trong lãng quên. Khai phóng là phá bỏ những rào cản giới hạn, nhất quán và quyết đoán mở ra những con đường tươi mới, phát huy những khả năng và tiềm năng tổng hợp để vận dụng vào nỗ lực phá bỏ hiện trạng tiêu cực và xây dựng lại theo hướng tiến tích cực. Nói tóm lại, khai phóng là tiền đề của tự do dân chủ, của cánh cửa thoáng rộng để hiểu và bước vào cửa ngõ của Văn Hóa Phật Giáo.

Tuổi trẻ Phật tử Việt Nam ngày nay trước nhu cầu chấn hưng Phật giáo

Cuối thập niên 1970 và đầu thâp niên 1980, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật ứng dụng vi tính (computer) và mạng lưới thông tin toàn cầu (internet – world wide web) đã dấy lên những bước tiến nhảy vọt trong lĩnh vực truyền thông đại chúng. Với lượng thông tin đồ sộ và không thiếu vắng về bất cứ một ngõ ngách hay vấn đề nào, hầu như hết thảy mọi cơ chế xã hội và truyền thống tâm linh, văn hóa trên toàn thế giới bị đánh động và thức dậy để tự tìm hiểu, nhìn ngắm hay đánh giá lại chính mình. Đây chính là tiền đề và động cơ chủ yếu trong các cuộc cải cách chính trị, cải tiến xã hội và chấn hưng tôn giáo.   
Phật giáo Việt Nam còn ở trong một vị thế đặc biệt hơn là đã liến tiếp trải qua những chặng đường lịch sử cam go sau 1963 và 1975, nên vấn đề chấn hưng hiện đại hóa Phật giáo là một nhu cầu cấp thiết, nếu không muốn đạo Phật khỏi bị thoái trào trước những đối lực cải đạo ngày càng tăng.
Nói về tuổi trẻ Phật tử thì phải nói đến tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam mà những đoàn sinh tiền phong thời 1930, 1940 nay phần đông đã quá vãng hay đang là những cụ già lum khụm. Biến cố lịch sử 1975 là “ngọn lửa thử vàng” cho sức sống và vai trò sinh động của tuổi trẻ Phật tử trước thời cuộc.  Bảy mươi năm, một đời người “thất thập cổ lai hy”, thông qua Gia Đình Phật Tử, tuổi trẻ tin theo hay có cảm tình với đạo Phật đã chứng tỏ niềm tin bất thối chuyển về sự hiện hữu và tác dụng cứu khổ của đạo Phật giữa cuộc đời thường đã “ba chìm” trên quê hương và “bảy nổi” nơi quê người.
Theo thầy Thích Đạo Tịnh thì hiện nay đã có 1250 đơn vị Gia Đình Phật Tử Việt Nam và các đoàn thể Cựu Huynh Trưởng (Hương Sen, 2014) sinh hoạt hàng tuần tại trong nước và trên khắp thế giới. Có thể nói đây là những chiếc cầu thế hệ bắt qua những bến bờ tâm hồn khác biệt về tuổi tác, hoàn cảnh và bộ phái…
Tuổi trẻ Việt Nam có khuynh hướng Phật giáo ngày nay, bên cạnh tổ chức Gia Đình Phật Tử, có rất nhiều nhóm phái và cá nhân độc lập năng nỗ tham gia những sinh hoạt Phật giáo dưới nhiều hình thức như học Phật, tu học, hành hương, từ thiện, xã hội. Nhìn qua lăng kính tích cực và tinh thần hóa giải của đạo Phật, tuổi trẻ Phật tử đang làm sáng đạo bằng cách đem đạo vào đời. Cụ thể là giới trẻ đã hiểu đạo và hành đạo với tinh thần “tâm không ngăn ngại nên không sợ hãi” của trí Bát Nhã (cao rộng) và tâm Ba La Mật Đa (hoàn mỹ) vào đời. Đó chính là tinh thần Từ Bi, Trí Tuệ cốt tủy của đạo Phật đã được thế hệ đàn anh trao truyền lại cho thế hệ đàn em làm điểm tựa cho hành động cụ thể: Bi, Trí, Dũng.
Tính từ ngày đoàn Đồng Ấu Phật Tử thành lập năm 1935 dành cho thiếu niên Phật Tử từ 12 đến 18 tuổi trong hoàn cảnh đất nước nhiều biến động không ngừng cho đến khi gia đình Phật tử Cựu Kim Sơn, đơn vị Gia Đình Phật Tử Việt Nam đầu tiên ở nước ngoài thành lập tại San Francisco năm 1976 tới nay, tuổi trẻ Phật tử đã trải nghiệm một chặng đường dài 70 năm sức mạnh của tinh thần Bi, Trí, Dũng.

Tuổi trẻ đem đạo Phật vào thế giới phương Tây

Sau năm 1975, hằng triệu người Việt mới thật sự sống ở thế giới phương Tây, nhất là Hoa Kỳ, so với trước đây họ đến đất nước nầy chỉ để thăm viếng hay liên hệ dịch vụ. Trong mớ hành lý còn sót lại sau chặng đường lao đao chìm nổi, có dành một góc khuất cho đời sống tâm linh. Dẫu đó là khuynh hướng thờ phụng Ông Bà, hành đạo theo Thiên Chúa giáo hay Phật giáo… thì vẫn là một cách riêng có sự tương tác giữa đạo và đời.
Đối với xã hội phương Tây thì việc thờ cúng ông bà là sự thể hiện một hình thái văn hóa riêng của từng cá nhân và gia đình, chẳng ăn nhập gì với cuộc sống đại chúng. Thiên Chúa giáo là một tôn giáo cộng đồng cơ bản của phương Tây. Chỉ có Phật giáo là con đường tâm linh tươi mới đến từ một phương Đông huyền bí. Đối với người Âu, Mỹ bề mặt nổi của hình thức lễ nghi, chùa viện, tăng đoàn, đạo tràng chỉ mới là lớp đèn màu trang trí ngoài da. Lý thuyết nhà Phật và phương cách thâm nhập, thực hành mới là xương thịt, là nhu cầu thực sự của xã hội phương Tây khi tiếp cận với đạo Phật.
Bởi vậy, trong gần 40 năm đạo Phật Việt Nam thâm nhập vào xã hội phương Tây, văn hóa Phật giáo đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong nếp nghĩ thiên về tâm linh của người Âu Mỹ. Đặc biệt là giới trí thức Phật tử và nhất là giới trẻ thông thạo cả hai ngôn ngữ mẹ đẻ và ngoại ngữ cũng như hòa quyện được hai nền văn hóa Đông, Tây là những đóng góp tích cực nhất cho quá trình đem đạo vào đời.
Trong mùa An cư Kiết Hạ năm nay, 2014, trong cộng đồng văn hóa Phật giáo tại Hoa Kỳ, nhiều bậc tôn túc, thiện tri thức và cư sĩ, Phật tử có một niềm vui về giới trẻ Phật tử. Trong số nhiều thành viên của các tổ chức tuổi trẻ Phật tử ở hải ngoại thành đạt ưu hạng trong học vấn và học vị, có những huynh trưởng Gia Đình Phật Tử như Bạch Xuân Khỏe (bút hiệu: Tâm Thường Định). Anh là một cựu Liên đoàn trưởng Gia Đình Phật Tử Kim Quang, thành phố Sacramento; một đạo hữu thuần thành của chùa Kim Quang và một thiền sinh học Phật ở tu viện Thiền tông Việt Nam – Diệu Nhân – California. Qua những năm năng nỗ sinh hoạt với cộng đồng Phật giáo ở nhiều chùa viện, Khỏe đã đem đạo Phật vào đời sống tri thức (learner) và trí thức (intellectual) của mình thể hiện trên nhiều mặt.

Trong lĩnh vực tri thức thuần túy, Bạch Xuân Khỏe là một người trẻ tuổi Phật tử học Phật khiêm cung và đầy thiện chí. Luận án Tiến sĩ (Doctoral Dissertation) của anh vừa trình duyệt và bảo vệ thành công vừa qua là một công trình Phật học Ứng dụng với đề tài: Tinh Thần Chánh Niệm Trong Lãnh Đạo (Mindful Leadership). Nội dung luận án nhấn mạnh tiêu đề rằng: “Một Nghiên Cứu về Hiện Tượng các Tu Sĩ  Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ đối với Vai TLãnh Đạo Tinh Thần những Đóng Góp của quý Ngài cho Xã Hội.” (A Phenomenological Study of Vietnamese Buddhist Monks in America with Respect to their Spiritual Leadership Roles and Contributions to Society.) Sau nhiều năm tham khảo, nghiên cứu ở giảng đường và thư viện kết hợp với nhiều cơ hội được tiếp cận học hỏi và tham khảo với quý Thầy, Sư Cô… mùa Hè năm 2014, Bạch Xuân Khỏe đã đỗ “ông Nghè” từ đại học Drexel University tại Sacramento.  
Về phương diện trí thức đích thực thì một người có tri thức và dùng tri thức của mình để làm những điều tốt đẹp cho mình và cho người là một người trí thức.
Tân tiến sĩ Bạch Xuân Khỏe đã thể hiện được phẩm chất trí thức khi đồng thời trong ngày lễ tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Giáo Dục (Doctor of Education), anh đã tổ chức lễ ra mắt hai tác phẩm mới, một bằng tiếng Anh và một bằng tiếng Việt:
- AWAKEN Buddhism Nature and Life
- Tưởng Niệm và Tri Ân
Đây là hai tập thơ tiếp nối những tác phẩm thơ mà anh đã xuất bản từ những năm trước đây. Điều đáng nói ở đây không phải là khía cạnh phê bình nhận định văn học mà là cái Tâm của tác giả, khi anh tự nguyện cống hiến phần lợi tức phát hành sách cho quỹ sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử Kim Quang, Thiện Tâm và quỹ xây dựng chùa Kim Quang. 
Ngoài vị thế của một Phật tử thuần thành, Khỏe cũng là người có gia đình vợ con để lo toan và làm giáo sư khoa học tại trường trung học Mira Loma để sinh sống. Thế nhưng anh vẫn “nhín” được chút thì giờ để sinh hoạt thường xuyên tại các chùa, học hành và viết lách trong bao nhiêu năm mới được như ngày nay. Bởi thế, trong bài viết về tuổi trẻ Phật tử đem Đạo vào Đời, xin đưa trường hợp Bạch Xuân Khỏe như một ví dụ điển hình để minh họa cho tinh thần tích cực hướng thượng của tuổi trẻ Phật tử hôm nay đối với dân tộc, đạo pháp, gia đình và bản thân của chính mình. Anh là một người bình thường như muôn nghìn người bình thường khác. Nhưng “bình thường tâm thị đạo” khi có tâm thành với đạo, nghĩa vụ với đời, ân tình với người thân và bằng hữu.
Trong khung cảnh Phật giáo Việt Nam đang bị vây bủa bởi ảnh hưởng tiêu cực nặng nề của tinh thần phân tranh, phân hóa ngày càng làm cho người Phật tử ưu tư suy nghĩ như hiện nay, vấn đề chấn hưng và hiện đại hóa Phật giáo đang trở thành một nhu cầu bức thiết. Đạo Phật là biển cả mênh mông chẳng nổi sóng ba đào hay khô cạn đi vì biến động của những dòng sông, con suối. Nhưng nếu cộng đồng người theo đạo Phật trong một vùng đất hay một thời kỳ nào đó gặp chướng duyên vì những sự phân tranh phi Phật pháp giữa các bộ phái và hàng giáo phẩm thì sẽ bị đánh mất đi duyên lành tu học trong kiếp làm người “bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ” hôm nay.
Dẫu sao thì hy vọng vẫn đang dấy lên khi có những tấm lòng tuổi trẻ Phật tử đượm duyên lành đem Đạo vào đời, tạo khả năng làm cho đạo Phật càng ngày càng sáng tỏ hơn trên con đường cứu khổ, mua vui. Tuy tất cả chỉ là phương tiện nhưng trong nhân đã có quả và trong phương tiện đã có mầm của cứu cánh. Ước mong thế hệ kế thừa là những mầm măng mọc đều, mọc thẳng dựng lại những bức thành tươi mới cho đạo Phật Việt Nam.  

                        Sacramento, cuối mùa An cư Kiết hạ 2014

                                              Trần Kiêm Đoàn

Monday, February 17, 2014

TỈNH - THƠ GIỮA ĐỜI

Thư pháp Võ Việt Tuấn
TỈNH
THƠ GIỮA ĐỜI

Thoạt cầm thi phẩm thứ 3 của Bạch Xuân Phẻ trên tay với nhan đề Tỉnh, người đọc bỗng tự hỏi rằng: “Đây là một trạng thái Tỉnh thức hay Tĩnh lặng?”
Sau khi đọc trên 100 bài thơ đủ thể loại trong bản thảo của tập thơ Tỉnh, người đọc sẽ thấy được sự hiện hữu của cả hai khái niệm Tỉnh táoTĩnh tâm trong tập thơ nầy.
Tập thơ mở đầu bằng một đoản văn viết về Mẹ và một bài thơ về Mẹ. Tiếp theo là một đoản văn viết về Cha và một bài thơ về Cha:
     Trà Sớm
Sáng tinh mơ
Sương mờ đang phủ
Ngoài kia tơ trời ủ rũ
Cùng Ba lặng lẽ
Thảnh thơi nâng nhẹ trách trà.

Tình cảm chân phương, nồng đượm như nguồn tình lãng đãng trong ca dao.
Khó hình dung được tác giả là một nhà giáo, chuyên nghiệp dạy môn khoa học cho nhà trường Mỹ; lớn lên và thành đạt trên đất Mỹ mà lại mang cảm xúc thi ca dạt dào và khuynh hướng sống thực, ngôn từ diễn cảm phong phú trong tiếng nói Việt Nam đến như thế.
  Mỗi bài thơ của Bạch Xuân Phẻ là một sự hòa quyện giữa nguồn tình sâu đậm về con người, quê hương, gia đình và tâm đạo.  Đối tượng thi ca trong Tỉnh không mơ hồ, bàng bạc mà thể hiện cụ thể và rõ ràng như khi anh viết về phụ mẫu, thầy tổ, thân nhân, bằng hữu…
Viết về quê hương Nhơn Lý, anh viết bằng cảm xúc và hoài niệm sâu lắng:

Trong ký ức từ khi bập bẹ
Quê hương tôi đẹp những trưa hè
Tiếng Mẹ già ầu ơ trong gió
Con lớn dần trong những vần thơ

Khi đứng trước một vườn thơ – dẫu là vườn đại chúng hay vườn nhà – thì nét đẹp của thơ vẫn có dáng vẻ và thế giới riêng của nó. Thơ của Bạch Xuân Phẻ mang dấu tích và lai lịch của chính anh vì thi sĩ là người sáng tác những vần thơ, chứ không phải là người “chế tác” thơ theo những khuôn mẩu nhất định nào cả.  Thơ có trước con người. Sự im lặng thâm viễn và miên trường ẩn dấu của vũ trụ là thơ không lời trước khi con người sinh ra.  Ánh sáng, bóng tối, núi xanh và mây trắng là ấn tượng thi ca trước khi con người có mặt.  Thi ca là sản phẩm hồn nhiên và tinh túy nhất của sinh vật địa cầu có tư tưởng.  Cho nên, thơ chẳng từ đâu tới hay về đâu cả.  Thơ là sự cảm nhận Tỉnh từ trong Tĩnh lặng, nên thể tánh của thơ là như như vắng lặng.  Bạch Xuân Phẻ đã có thiện duyên khi tìm được cảm xúc cho những dòng thơ trôi chảy từ suối khe tĩnh lặng của nhà Phật.
Ai có duyên với thơ thì nắm bắt và cảm nhận được thơ ngay trong lòng mình.  Kẻ không duyên với thơ thì thơ vắng bóng trong toàn vũ trụ.  Ngôn từ thi ca đích thật nhất là một loại mật ngữ cảm nhận chứ chẳng bao giờ hiện hữu để ca ngâm.
Với cái “duyên” cảm nhận về thơ như thế, người yêu thơ đi vào thế giới thơ của Bạch Xuân Phẻ bằng những bước chân rất Tỉnh, để từ đó tiếp cận với con người và tác phẩm của anh.  Có thể nói đời sống tâm linh và tinh thần từ bi, trí tuệ của đạo Phật là nguồn suối cảm xúc và tư duy đầy ắp trong thơ anh.
Trong vòng “hệ lụy hạnh phúc” là đà giữa cuộc đời thường, rõ ràng ảnh hưởng dòng tư tưởng Phật giáo sẽ đưa ý và tình trong thơ Bạch Xuân Phẻ đi sâu và xa hơn trong những vần thơ hôm nay và đang tới.
Cầm tập thơ “Tỉnh” trên tay, người đọc dẫu có khắt khe hay hỷ xả cũng sẽ hoan hỷ.  Đó là niềm vui tinh thần khi nhận ra món quà ngôn ngữ của một người bạn trẻ làm văn nghệ đang chăm chút cho cây hoa tiếng Việt vẫn còn hiện hữu và đang có khả năng vươn lên trong khu vườn bạt ngàn tiếng Mỹ và giữa trùng trùng ngôn ngữ thế giới.
 Với người có cơ duyên gần với triết lý nhà Phật, thơ là biểu tượng của những cơ duyên, có điều kiện tự phát khởi, níu kéo, hòa quyện, kết hợp nhau mà thành.  Không thời, không hạn; chẳng từ vô trước, chẳng tới vô sau.
        Và sứ mệnh cao viễn nhất của thơ cũng chỉ là 
“thơ thẩn” vì kẻ tạo ra thơ coi nghìn thế giới 
như hạt cát và hạt cát như nghìn thế giới; 
một sát na tâm có khi là vĩnh cửu:
               To see a world in a grain of sand,
               And a heaven in a wild flower,
               Hold infinity in the palm of your hand,
               And eternity in an hour.
                                    William Blake
               Thấy thế giới từ trong lòng hạt cát
               Và thiên cung trong một nụ hoa đồng 
               Nắm vô hạn trong lòng tay của bạn
               Và vĩnh hằng trong một thoáng hư không
        Đến với thế giới thơ của Bạch Xuân Phẻ 
bằng một tâm hồn thoáng rộng như thế mới 
thấy được Tỉnh trong MêTĩnh trong Động.
 
                                Trần Kiêm Đoàn

                    Sacramento, đầu Xuân Canh Dần 2010


Tuesday, June 7, 2011

GIỚI THIỆU THI PHẨM: MẸ, CẢM XÚC VÀ EM CỦA BẠCH XUÂN PHẺ - Trần Kiêm Ðoàn

GIỚI THIỆU THI PHẨM:
MẸ, CẢM XÚC VÀ EM
CỦA
BẠCH XUÂN PHẺ

Trong những giai thoại văn học Ðông- Tây nổi tiếng của thế giới văn chương, những giai thọai được nhắc đến nhiều nhất là thái độ vô tình, có khi đến độ khước từ và vùi dập, của thế hệ văn bút đàn anh đối với tác giả đàn em lần đầu mới nhập cuộc.  Những thi sĩ tài danh Việt Nam như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Nhược Pháp… hay những tác giả lớn của nền văn học thế giới như Appolinaire, Kafka, Eliot… cũng từng bị các ông chủ báo ném những sáng tác đầu tay vào sọt rác. Tình cờ có người nhặt được mới khám ra đó là những “mớ rác” của thiên tài!
Bởi vậy, bất cứ một thái độ vội vàng hay chủ quan nhận định nào dành cho một tác phẩm thi ca, nhất là một tác phẩm đầu tay đều rất dễ phiến diện.  Tôi thường tự nhắc mình phải ghi nhận điều nầy một cách nghiêm túc khi đọc thơ.  Và cũng với tinh thần cẩn trọng như thế tôi mở từng trang bản thảo tập thơ “MẸ, CẢM XÚC VÀ EM” của Bạch Xuân Phẻ ra đọc.
Với nghệ thuật, nhất là văn học nghệ thuật, thi ca là một lãnh vực mang tính huyền thọai nhiều nhất vì thơ và người làm thơ xuất hiện giữa đời vừa hiện thực vừa ảo ảnh.  Thơ vần vũ như hải triều nhưng thơ cũng bay lãng đãng như sương như khóị Những cảm xúc và ngôn từ trong Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế, Trường Tương Tư của Lý Bạch, Dưới Cầu Mirabeau của Appolinaire, La Lac của Lamartine, Ðôi Mắt Người Sơn Tây của Quang Dũng, Tinh Huyết của Hàn Mặc Tử… là những hạt ngọc thơ của nhân loạị  Cho nên người đời sau làm thơ không phải là những người đi tìm lại dấu vết những hạt ngọc đó mà là kẻ lên đường sáng tạo những viên ngọc mới cho thi cạ
Với một tinh thần trân quý dành cho thơ, tôi đọc những sáng tác văn chương của những cây bút trẻ Việt Nam tại hải ngọai, mà đặc biệt là Hoa Kỳ với sự thích thú của một người đang lang thang trong khu rừng chữ nghĩa với ước mong thấy được một vài bóng dáng của viên ngọc lạ thi cạ  Ðọc thơ, bình văn của tuổi trẻ Việt Nam tại Mỹ, trước hết, người đọc cần đặt người làm thơ và tác phẩm vào bối cảnh thực tế của nó.
Bạch Xuân Phẻ và tác phẩm đầu tay “MẸ, CẢM XÚC VÀ EM” là một trường hợp điển hình.  Với một ít vốn liếng tiếng Việt mang theo tới xứ người ở vào lứa tuổi học trò, Phẻ đã tự trau giồi để giữ gìn và phát huy tiếng mẹ đẻ của mình song song với chương trình học hành và sinh hoạt với bạn bè, xã hội xung quanh hoàn toàn bằng tiếng Anh.  Suốt những năm dài đằng đẵng trên ghế nhà trường của bậc trung học và đại học Mỹ, cho đến khi tốt nghiệp đại học ra làm giáo sư khoa học tại trường trung học Mira Loma, dù tiếng Việt không hề có một cơ hội nào góp mặt với chương trình học và dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, nhưng Phẻ đã âm thầm nuôi dưỡng ngôn ngữ mẹ đẻ trôi chảy luân lưu trong tâm trí của mình.  Xa hơn thế nữa, Phẻ đã chọn cho mình một con đường muôn lần gian khó hơn, so với một người biết tiếng Việt bình thường:  Ðó là LÀM THƠ  !
         Thơ của Phẻ trong “MẸ, CẢM XÚC VÀ EM” là cả một vườn thơ trong sáng.  Sự trong sáng giao hòa trên cả ba khía cạnh:  Ngôn từ, ý tưởng và nhạc điệụ
Người yêu thơ sẽ có cơ hội tiếp cận với tác giả một cách nhẹ nhàng, nhưng cũng đầy ấn tượng của cảm xúc và nghệ thuật qua gần 150 bài thơ vừa minh họa, vừa diễn cảm, vừa phân tích và cũng vừa nói lên thái độ sống của Phẻ về cha mẹ, về quê hương và dân tộc.  Phẻ đã biểu cảm được tình cảm thiết tha mà không tô vẽ; nồng nàn mà không khách sáo; gần gũi mà không thô cứng khi viết về mối thâm ân của cha mẹ qua các bài thơ Nhớ Mẹ, Lòng Mẹ, Nhớ Về Mẹ, Vu Lan 99, Có Bao Giờ Cha Biết…  Hình ảnh Quê Hương của Phẻ cũng không phải là những gì vĩ đại xa xôi mà là những gì hết sức thân thương, gần gũi của xã Nhơn Lý, Bình Ðịnh.  Và khái niệm dân tộc của Phẻ cũng khởi nguồn từ những khuôn mặt thân ái của gia đình, người tình và bè bạn quanh mình.
         Mẹ ơi thương mẹ vô vàn
         Mẹ là suối nước non ngàn của con.
                           (Nhớ Về Mẹ)ï
         Có một nét bàng bạc làm cho Thơ của Bạch Xuân Phẻ trở thành mượt mà, lãng mạn và đam mê hơn, đấy là sự hiện hữu của “…VÀ EM” – một người tình xứ Huế. Hình như người tình xứ Huế trong thơ Phẻ có những nét lạ lùng về cả cảm xúc lẫn suy tư mà chính người tự hào là “Huế chay” như tôi cũng phải mĩm cười thú vị và bị lôi cuốn vào cái “cảm xúc Huế mà chưa phải Huế” rất đáng yêu của Phẻ.  Thì ra, nét đáng yêu của người “khi yêu bỗng trở thành thi sĩ” đó là do Phẻ viết và nghĩ về Huế qua nhân dáng của người tình gốc Huế nhưng lớn lên ở Mỹ, chứ bản thân tác giả chưa bao giờ ra Huế…  Ai ra xứ Huế thì ra…!
         Ta chết ngất một thời, em gái Huế
         Thân mảnh mai, gò má đỏ hây hây
         Nụ cười đó, mái tóc huyền rất mượt
         Nay xa rồi, hình bóng vẫn đâu đâỵ
                           (Dĩ Vãng Một Cuộc Tình – Viết thay…)
         Một hình ảnh khác tạo dấu ấn đậm nét trong suy tưởng và niềm tin  của Bạch Xuân Phẻ là mái chùa Kim Quang và Gia đình Phật tử Kim Quang, nơi đã ghi dấu những bước trưởng thành của Phẻ về tri thức, về đức tin, về tình yêu, tình bạn và tình ngườị  Cho nên, những vần thơ của Phẻ trong thi phẩm: “Mẹ, Cảm Xúc và Em” cũng mang dư âm tiếng hát của Kim Quang một thời và mãi mãi:
         Tình Lam ấy, tôi không thể thiếu
         Mất em đi, tôi mất một đời!
                  (Tìm đâu một cõi đẹp như mơ)
         Ðọc thơ Bạch Xuân Phẻ, tôi không có ý so sánh, không cất công truy tìm những gì cao siêu nhảy múa xa hơn ngoài THƠ-chính-nó.  Thơ Phẻ tươi tắn và chân phương đầy ý nhị như ca dao của vùng quê hương ven miền duyên hải Nhơn Lý, Bình Ðịnh. Người đọc dù nghiêm khắc hay hào sảng đến mức nào cũng tìm thấy mầu trời hy vọng của tuổi trẻ, màu hứa hẹn của tình yêu và màu rực rỡ của niềm tin trong mỗi bài, mỗi ý của tác giả.
Trong sinh họat văn học nghệ thuật của người Việt ở Hải Ngoại, tác phẩm thi ca “Mẹ, Cảm Xúc và Em” là một sự đóng góp thật đáng quý trong dòng thơ tươi mát, trẻ trung đang luân lưu trôi chảy từ nguồn đến biển; từ quê mẹ đến quê người và từ quê người vọng âm về quê mẹ.
         Xin được giới thiệu Bạch Xuân Phẻ và thi phẩm đầu tay “Mẹ, Cảm Xúc và Em” đến quý độc giả và các thiện hữu yêu thơ với lòng quý mến và trân trọng.

Trần Kiêm Ðoàn

Tháng 01 năm 2004