THƠ GIỮA ĐỜI
Thoạt cầm thi phẩm thứ 3 của Bạch
Xuân Phẻ trên tay với nhan đề Tỉnh,
người đọc bỗng tự hỏi rằng: “Đây là một trạng thái Tỉnh thức hay Tĩnh lặng?”
Sau khi đọc trên 100 bài thơ đủ thể
loại trong bản thảo của tập thơ Tỉnh, người đọc sẽ thấy được sự hiện hữu của cả
hai khái niệm Tỉnh táo và Tĩnh tâm trong tập thơ nầy.
Tập thơ mở đầu bằng một đoản văn viết
về Mẹ và một bài thơ về Mẹ. Tiếp theo là một đoản văn viết về Cha và một bài thơ
về Cha:
Trà Sớm
Sáng tinh mơ
Sương mờ đang phủ
Ngoài kia tơ trời ủ rũ
Cùng Ba lặng lẽ
Thảnh thơi nâng nhẹ trách trà.
Tình cảm chân phương, nồng đượm như
nguồn tình lãng đãng trong ca dao.
Khó hình dung được tác giả là một
nhà giáo, chuyên nghiệp dạy môn khoa học cho nhà trường Mỹ; lớn lên và thành đạt
trên đất Mỹ mà lại mang cảm xúc thi ca dạt dào và khuynh hướng sống thực, ngôn
từ diễn cảm phong phú trong tiếng nói Việt Nam đến như thế.
Mỗi bài thơ của Bạch Xuân Phẻ là một sự hòa quyện giữa nguồn tình sâu đậm
về con người, quê hương, gia đình và tâm đạo.
Đối tượng thi ca trong Tỉnh không
mơ hồ, bàng bạc mà thể hiện cụ thể và rõ ràng như khi anh viết về phụ mẫu, thầy
tổ, thân nhân, bằng hữu…
Viết về quê hương Nhơn Lý, anh viết
bằng cảm xúc và hoài niệm sâu lắng:
Trong
ký ức từ khi bập bẹ
Quê
hương tôi đẹp những trưa hè
Tiếng
Mẹ già ầu ơ trong gió
Con
lớn dần trong những vần thơ
Khi đứng trước một vườn thơ – dẫu là
vườn đại chúng hay vườn nhà – thì nét đẹp của thơ vẫn có dáng vẻ và thế giới riêng
của nó. Thơ của Bạch Xuân Phẻ mang dấu tích và lai lịch của chính anh vì thi sĩ
là người sáng tác những vần thơ, chứ không phải là người “chế tác” thơ theo những
khuôn mẩu nhất định nào cả. Thơ có trước
con người. Sự im lặng thâm viễn và miên trường ẩn dấu của vũ trụ là thơ không lời
trước khi con người sinh ra. Ánh sáng, bóng
tối, núi xanh và mây trắng là ấn tượng thi ca trước khi con người có mặt. Thi ca là sản phẩm hồn nhiên và tinh túy nhất
của sinh vật địa cầu có tư tưởng. Cho nên,
thơ chẳng từ đâu tới hay về đâu cả. Thơ
là sự cảm nhận Tỉnh từ trong Tĩnh lặng, nên thể tánh của thơ là như
như vắng lặng. Bạch Xuân Phẻ đã có thiện
duyên khi tìm được cảm xúc cho những dòng thơ trôi chảy từ suối khe tĩnh lặng của
nhà Phật.
Ai có duyên với thơ thì nắm bắt và
cảm nhận được thơ ngay trong lòng mình.
Kẻ không duyên với thơ thì thơ vắng bóng trong toàn vũ trụ. Ngôn từ thi ca đích thật nhất là một loại mật
ngữ cảm nhận chứ chẳng bao giờ hiện hữu để ca ngâm.
Với cái “duyên” cảm nhận về thơ như
thế, người yêu thơ đi vào thế giới thơ của Bạch Xuân Phẻ bằng những bước chân rất
Tỉnh, để từ đó tiếp cận với con người
và tác phẩm của anh. Có thể nói đời sống
tâm linh và tinh thần từ bi, trí tuệ của đạo Phật là nguồn suối cảm xúc và tư
duy đầy ắp trong thơ anh.
Trong vòng “hệ lụy hạnh phúc” là đà
giữa cuộc đời thường, rõ ràng ảnh hưởng dòng tư tưởng Phật giáo sẽ đưa ý và tình
trong thơ Bạch Xuân Phẻ đi sâu và xa hơn trong những vần thơ hôm nay và đang tới.
Cầm tập thơ “Tỉnh” trên tay, người đọc dẫu có khắt khe hay hỷ xả cũng sẽ hoan hỷ. Đó là niềm vui tinh thần khi nhận ra món quà
ngôn ngữ của một người bạn trẻ làm văn nghệ đang chăm chút cho cây hoa tiếng Việt
vẫn còn hiện hữu và đang có khả năng vươn lên trong khu vườn bạt ngàn tiếng Mỹ
và giữa trùng trùng ngôn ngữ thế giới.
Với người có cơ duyên gần với triết lý nhà Phật,
thơ là biểu tượng của những cơ duyên, có điều kiện tự phát khởi, níu kéo, hòa
quyện, kết hợp nhau mà thành. Không thời,
không hạn; chẳng từ vô trước, chẳng tới vô sau.
Và sứ mệnh cao viễn nhất của thơ cũng chỉ là
“thơ thẩn” vì kẻ tạo ra thơ coi nghìn thế giới
như hạt cát và hạt cát như nghìn thế giới;
một sát na tâm có khi là vĩnh cửu:
To see a world in a grain of sand,
And a heaven in a wild flower,
Hold infinity in the palm of your hand,
And eternity in an hour.
William Blake
Thấy thế giới từ trong lòng hạt cát
Và thiên cung trong một nụ hoa đồng
Nắm vô hạn trong lòng tay của bạn
Và vĩnh hằng trong một thoáng hư không
Đến với thế giới thơ của Bạch Xuân Phẻ
bằng một tâm hồn thoáng rộng như thế mới
thấy được Tỉnh trong Mê và Tĩnh trong Động.
Trần Kiêm Đoàn
Sacramento, đầu Xuân Canh Dần 2010
No comments:
Post a Comment