Showing posts with label Nguyên Lương. Show all posts
Showing posts with label Nguyên Lương. Show all posts

Wednesday, January 22, 2020

GIỚI-THIỆU THƠ PHAN THANH CƯƠNG

GIỚI-THIỆU THƠ PHAN THANH CƯƠNG

Thơ Phan Thanh Cương


“Bình thường thôi”, anh về qua bên núi,
Lá trôi xuôi - đầu suối - những chia lìa.
Anh châm thuốc bên đường, lửa tắt,
Che tay bên này, gió thổi bên kia.” (thơ PTC- Đèo Le 2)
Đọc 4 câu thơ trên của họ Phan viết khi trở về thăm quê cũ Quế Sơn Quảng Nam, nơi có ngọn đèo cao đi được đến đỉnh đèo là le lưỡi thở dốc, các bạn thấy bình thường không? Thật bình thường như lời đầu bài thơ này đã viết. Viết về ngọn đèo thì có núi, lá, suối, gió là bình thường, có người đứng nghỉ mệt bên đèo châm thuốc hút là bình thường, nhưng cái ý chính trong câu “Che tay bên này, gió thổi kia” là không bình thường. Và khi đọc hết những 33 bài thơ của Phan Thanh Cương trên Hương Xưa rồi ngẫm nghĩ, qủa thật thơ của chàng Cương không bình thường chút nào. Bài viết này là cảm nhận của riêng tôi về thơ của Phan Thanh Cương, viết về những điều bất thường đấy.
Lần đầu làm quen với thơ của Cương là một ngày giữa tháng 10 năm 2012, khi tôi mới biết đến trang mạng Hương Xưa, hôm đó có đăng bài thơ “Cõng Em”:
“Thương em tôi cõng qua sông
Nước sông vừa đủ đèo bòng chút thôi
   Nửa em dính với nửa tôi
Cõng em-em cõng-lưng trời-cõng mây”
Nhớ lại hôm ấy khi đọc bài thơ này tôi khoái chí tử. Biết là từ nay đã gặp một “chàng thơ” bất thường với lối ra thơ rất lạ, cũ mà rất mới, vừa tả chân hóm hỉnh cũng vừa lãng mạng ngút trời. Thơ mới đọc tưởng như đùa vui, nhưng đọc qua đọc lại, không còn cười vui được nữa mà thấy xót xa. Những động từ: cõng, dính, đèo bòng, cõng em, cõng mây, em cõng…rất thường ở ngoài nhưng trong thơ nó đã làm nên chuyện. Bài thơ đã kích động đến cá tính “ngang ngạnh, tưng tửng” của tôi. Thích cái nét ngộ nghĩnh, phá phách. Thích cái ngông nghênh, mộc mạc. Thích cái thong thả, ung dung. Thích cái liều lĩnh, bướng bỉnh. Và thích nhất là cái lối Cương mượn hình ảnh bên ngoài để nói lên sâu thẳm của lòng mình. Và rồi trong thơ, Cương đã vẽ những bức tranh đời mình không nhiều màu sắc, chỉ toàn màu đen, xám xịt, qua câu chữ:
“Cõng em, giờ cõng qua thơ
Thơ như sông cũ chia bờ để trôi (thơ PTC – Cõng Em)
Tết tháng Giêng 2014, hẹn trước với Cương bọn mình sẽ về thăm nhà, muốn gặp Cương. Tối 24 Tết đang ở chơi Dalat lạnh tê người, Cương gọi nói là đã uống hết 1 chai Henessy với Ngô Tín và chờ mình đến để mở chai thứ hai. Giọng nói người con trai xứ Quảng bao năm sống ở Saigon, thêm chút hơi men, lần đầu nghe làm cho trời Dalat lạnh trở nên ấm lại. Và rồi chúng tôi đã gặp Cương, cùng với ngựa hoang Nguyễn Đăng Trình, Kim Loan, Kim Đức và một số bạn hữu khác tại nhà hàng của gia đình Ngô Tín tối hôm sau. Người cũng như thơ, thoáng một chút ngang tàng, tưng tửng, phá cách nhưng rất ân cần, dễ gần, dễ mến. Mới bắt tay, bắt thật chặt, lần đầu mà như đã quen nhau từ rất lâu. Cương trong mắt vợ chồng tôi hôm ấy là một chàng đẹp trai, hóm hỉnh, thông minh, lanh lẹ, xin xỉn một cách tự nhiên, thật đáng yêu:
“Đêm cứ cạn ngày cứ sâu
Tắc kè phơi nắng gật đầu vì say”(thơ PTC-Đếm Thời Gian Tôi)
Và đêm hôm đó chúng tôi đã say, không phải vì nắng, mà vì tình thi hữu.
Các bạn vẫn chưa thấy cái gì là bất thường ở đây phải không? đọc tiếp nhé.
Có lần nghe chàng Cương tâm sự với tôi trên Hương XưaNăm em 25 tuổi, mất đi người vợ 21 tuổi, chỉ khác Đồi Tím Hoa Sim của nhà thơ Hữu Loan là "người" để lại đứa con chưa đầy 2 tuổi. Từ đó căn nhà còn lại đúng 3 thế hệ: mẹ, PTC và con trai. Cách đây 9 năm đứa con trai cũng đã theo mẹ, và cũng cách đây 7 năm mẹ PTC cũng đã theo cháu nội”
Tiễn 3 người thân nhất qua đời, thơ của Cương trở thành chỗ để người xưa quay về. Thấp thoáng trong mờ mịt của nhang đèn, hương khói đó là bóng hình của Mẹ, Vợ, và Con Trai. Và nhớ đến ngày tiễn người yêu cũ đi lấy chồng, người yêu mà chàng đã chỉ cõng được qua suối, nhưng không cõng theo được suốt cuộc đời chỉ vì:

“Em đi cha mẹ chỉ đường
Tôi đi em chỉ về phương đợi chờ”(thơ PTC-Cõng Em)
Gói những hình ảnh đau thương, buồn tủi đó trong hành trang cùng với quê nhà, chàng Cương xuôi Nam, sống trên đất Saigon xô bồ, làm lại cuộc đời, lâu lâu có dịp ra bờ sông Saigon, nhớ về giòng Thu Bồn, bên người vợ mới, Cương viết:
Ván thuyền ghép gỗ tình tôi
Mái chèo khua tự lòng người khua ra
   Để anh quét dọn phong ba
Giúp nhau khiêng thả bão ra ngoài thuyền
   Ngồi ngay ngắn lại tình duyên
Giữ thăng bằng nhé cho thuyền bớt chao
….
   Chiếu chăn dành đắp qua hồn
Giũ cho sạch hết những phồn hoa xa
   Mai kia ta trở lại nhà…
Dắt theo ngọn sóng làm qùa quê xưa” (thơ PTC-Khoan Nhặt Trên Sông”
Tôi đặc biệt rất thích bài thơ này của Cương. Lời thơ nói lên độ trưởng thành chín mùi trong tình cảm Cương dành vun đắp tình vợ chồng nơi đất khách. Mất mác ta có thể tìm lại được, đau xót thời gian có thể làm nguôi đi, buồn thảm sẽ có ngày vui bù lại, biết thế nên trong trang sách mới đời mình, Cương trân trọng viết về những gì rất gần với mình. Tầm thường thôi nhưng rất đẹp. Thơ viết cho vợ đang sống khó hơn nhiều những bài thơ viết cho người yêu cũ. Nhưng Cương viết được, rất thật, rất gần, vì Cương trân qúi những gì mình đang có. Có người để cùng “giúp nhau khiêng thả bão ra ngoài thuyền”. Và Cương đang cố “giữ thăng bằng nhé cho thuyền bớt chao”.
Từ giữa tháng Tư năm 2012 đến nay, Phan Thanh Cương đã cho chúng ta đọc tâm sự của chàng trên 30 bài thơ, không bài nào giống bài nào. Lúc đầu Cương viết nhiều bài thơ với chỉ 5 chữ, 4 câu. Sau đó có bài 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ rồi cuối cùng là lục bát. Những bài thơ 5,6,7, hay 8 chữ này Cương dành viết cho quê cũ, trường xưa. Cho người Mẹ, người Vợ qua đời, cho người tình cũ. Cương viết cho Tháng Tư chìa lìa, cho hoài niệm tuổi thơ, cho những mất mác của một thế hệ chưa lớn đã gìa.
Khi tả cái cảnh phân chia, chia đôi đất nước hay chia ly tình yêu, Cương tả bằng cảnh “rừng cây khô’, “hồ cạn đáy”. Rồi còn muốn cho rõ hơn, Cương viết:
“Tình đã chuyển dần sang lý
Giữa căn nhà- một vỹ tuyến chia đôi
   Trái đất quay nghiêng trốn ánh mặt trời
Đêm càng tối lằn ranh kia càng rõ”(thơ PTC-Vỹ Tuyến)
Đố ai biết ngụ ý của Cương trong bài thơ này nói gì? Mới đọc thấy như nhà thơ nói đến cái cảnh hai người sống trong một căn nhà nhưng không hòa hợp. Nhưng đọc kỹ thì bắt gặp cái ý này:
   “Tôi không thể biến không thành có
Tay nhân gian không vẽ nổi thiên đường”(thơ PTC-Vỹ Tuyến)
Cương muốn nói đến hình ảnh của Thiên Đường Mù (DTH) đấy, nhưng khéo léo trong ẩn dụ, Cương ép cong người mình xuống đất, trùm chăn lên tận đầu, như không thấy, không nghe , chờ thời gian qua nhanh:
   Thời gian qua,
Tiếng gọi thời gian như khách gọi phà,
Tôi vẫn giằng tâm bên tờ lịch rớt” (thơ PTC-Suối Reo – Tình Ngược)
Con buồn xa lạ giữa quê hương” (thơ NL), lòng của tôi năm 90 khi về thăm trường cũ, cũng như tấm lòng của Cương nhớ lại tháng Tư xưa:
Trường vẫn xưa và người rất mới
Có ai nhìn tôi như khách xa
Tôi lạc vào chính nơi thân thiết nhất
Mình ngồi, mình đứng những phôi pha” (thơ PTC-Về Trường Xưa)
Không như tôi, Cương xa trường, nhưng không xa đất nước, dù Saigon không phải là Quảng Nam, nhưng vẫn còn là đất Việt. Tháng Tư nhà thơ bỏ học, bỏ hết cái cũ, cố học cái mới, nhưng học làm sao được khi chỉ học trong mơ:
“Học cũng trong mơ mẹ ơi có biết
Ngước nhìn trời trách nhẹ một vì sao” (thơ PTC-Tháng Tư Bỏ Học)
Trách nhẹ “Một Vì Sao”, chỉ dám trách nhẹ thế thôi mà từ phương xa đọc đến đây tôi thấy đau điếng đến tê người. Không được tự do để nuốn nói gì thì nói, thơ của Cương không dám “cương” lên được. Không thiếu chữ để dùng, không thiếu từ để tả mà sao nghe như nghèn nghẹn trong lòng. Chịu đựng nhọc nhằn với nắng gío quê nhà, với hạn hán, với mất mùa, người thanh niên nhịn chịu suốt quãng đời thanh niên còi cọc rồi cũng phải lớn lên, không được bằng thân xác thì cũng bằng ý chí:
“Tuổi trẻ băng qua vụ mùa hạn hán,
Cây lúa ngập ngừng rồi cũng lớn theo tôi
….
Xác thân này mẹ nhịn áo cơm cho
Dọ dẫm thời gian trên bãi bờ khô cạn? (thơ PTC-Tháng Tư Bỏ Học)
Đủ lớn để có tình yêu và kỷ niệm, thế hệ của Cương chưa hưởng được bao nhiêu ngày nắng đẹp thì mưa bão tràn về. Cương phải xa trường gần biển, xa người yêu có mái tóc dài như hàng dương, đến vùng rừng núi cao dỡ đất trồng cây:
Ở rừng xa anh tin mình có được:
Cát trường xưa vàng nỗi nhớ trong nhau,
Con sông Hàn còn biết những xưa sau,
Chắc gì lặng im khi gã nông lâm tìm về nơi mới lớn” (thơ PTC-Tháng Tư)
Chắc từ vùng núi một thời làm gã nông lâm, nhà thơ leo lên, tuột xuống không biết bao nhiêu lần ngọn đèo cao dựng ngược, nên đã dành đến 6 bài thơ 8 chữ viết về Đèo Le, nơi cách biệt biển rừng, nơi xa tầm mắt anh em, nơi đã chia lìa tình yêu tuổi nhỏ. Anh ở trên núi, em ở gần biển, xa mặt nhưng quyết không xa lòng, nhà thơ vẫn ấp ủ hình bóng người yêu sống nơi phố thị, vẫn mong tựa vào nhau:
“Đường bên đèo dựa vào vách núi,
Ta băng đèo ta dựa vào nhau” (thơ PTC-Đèo Le 1)
Nhưng đời thay đổi không như Cương đã nghĩ:
“Em bên đông, anh ở bên tây
Bão bên em tạt qua bên này
Đá bên đường vừa lăn xuống dốc,
Có chút gì vừa rơi qua tay…”(thơ PTC-Đèo Le 2)
Và họ đã mất nhau:
Đèo quanh co, lòng người cũng vậy
Em có chồng xa mấy dịp qua đèo?
Bên kia, bên này- hai người đi vắng,
Đến bao giờ đèo thôi cheo leo” (thơ PTC-Đèo Le 3)
Đọc hết 6 bài thơ Đèo Le của Cương, tôi nghĩ thời gian này là thời gian mà tình yêu Cương lên đến đỉnh điểm. Với cuồng nhiệt của tuổi thanh niên, thêm hừng hực lửa tình yêu trai gái, dẫu sống xa người yêu nhưng nhà thơ thấy rất gần với hạnh phúc. Nhưng rồi ước vọng một thời đã bỏ lại trên đèo, sau khi “Em có chồng trước, anh có vợ sau”. Ước vọng thời trai trẻ đó là mây, là mây bay giữa trời. Nhưng thực tế cuộc đời là bến đỗ bình yên:
“Hai bên đèo còn mưa, còn nắng,
Mây còn bay, núi vội an bài” (thơ PTC-Đèo Le 4)
Cương đem lời thơ tả tình, tả cảnh, tả nỗi lòng mình khi yêu cũng như khi xót. Thơ gạn lọc từng lời, trau chuốt từng câu, và chở nặng tương tư sầu mộng. Tình yêu nặng như thế mà Cương viết nhẹ hẫng như lông. Cương dấu lòng mình nơi cỏ hoa khi vui, và nơi giông bão khi buồn. Cương đau nhưng không nói, chỉ mượn gió thu, tiếng võng. Mượn hình ảnh hoàng hôn, hoa cúc. Khóc cùng với gió mưa và giòng sông cũ. Không dám trách người, cũng không dám trách cho số phận. Cứ cho đó là chuyện bình thường:
Đời vẫn là sông, sông cứ chảy
Nước hoàng hôn không trở lại đầu ngày” (thơ PTC-Sóng Thu)
Ừ! Thì cứ cho là bình thường đi vì tình yêu có đến rồi đi, có ngày nắng thì có đêm mưa, nhưng thế gian này có biết bao tình yêu cũ, có mấy ai làm mới lại được bao giờ, mà họ Phan làm được trong thơ. Với Cương thơ là những giòng tâm sự, tâm sự về đời mình, tâm sự về những điều thầm kín. Nhưng qúa khéo léo và tài ba qua cách dùng chữ, chuyện có bất thường mấy cũng thành bình thường với nhà thơ, và từ đó thơ của Cương dễ đi vào lòng người, và vào rồi thì ở luôn trong đó. Không cần dùng những từ hoa mỹ, khó tiêu, hay thừa thãi chỉ có âm mà không có nghĩa. Thơ của Cương không thiếu, cũng không thừa. Đọc đến hết là hết. Nhưng cái bất thường ở chỗ là từ cuối bài thơ ta bắt đầu nhẩm lại những chữ đầu đến cuối mới thấy hết cái hay. Có nhiều bài thơ của các tác gỉa khác chỉ hay một câu, và trong câu đó chỉ một chữ lạ là làm nên bài thơ nhớ đời. Thơ của Cương giàu hơn, không hiểu là vì tác gỉa chắc lọc hay là vì kho tàng ngôn ngữ thơ của Cương qúa phong phú nên tha hồ mà chọn. Chọn được chữ vừa hay ở cái ý nghĩa và hay cả vần điệu. Không o ép, rất vừa vặn, cả từ lẫn tình.
Từ đầu tháng 10 năm 2012, Cương bắt đầu gởi lên HX những bài thơ lục bác. Khác với những bài thơ 5,6,7, 8 chữ Cương đã dùng để tả những bực dọc, xót xa, và suy tư thì khi vào với lục bác, thơ của Cương bắt đầu đung đưa nhẹ nhàng. Trong khuôn khổ bằng trắc thật chỉnh chu, thơ của Cương dịu êm theo vần điệu như bài ca dao, như lời ru của mẹ. Lục bác của Cương rất mượt mà, bóng bẩy, nhưng không làm dáng. Bài thơ Ru Em đăng ngày 28 tháng 9 năm này có những câu thơ thật tình:
“Mượn hương hoa cỏ đâu đây
Mượn trăng làm gối mượn mây chỗ nằm
   Ru người cùng với xa xăm
Bãi dâu xanh lá con tằm nhả tơ” (thơ PTC-Ru Em)
Nói là ru em nhưng cả bài không nhắc đến em, chỉ nhắc đến người, và người em trong bài thơ là em của mọi người. Còn hình ảnh thì lấy trăng lưỡi liềm làm gối, mây bàng bạt làm giường . Gối đó, giường đây nhưng sự đợi chờ vẫn còn xa lắc. Thi sĩ họ Phan dùng khổ thơ lục bác để viết về những tình cảm nhẹ nhàng, xa xăm, mơ hồ. Lời thơ quần quyện, quấn quít vào nhau như đan xen giữa mộng và thực, giữa hư ảo và hiển hiện. Trong tâm linh sâu thẳm và vô thức, thơ của Cương nổi lên, gõ nhẹ lên bờ mặt của tri thức, rồi từ từ chìm vào tiềm thức. Không ngủ yên trong đó lâu, đọc đến một bài thơ khác thì sóng lòng xưa trổi dậy. Ba bài thơ: Mắt Em, Môi Em và Tóc Em, mỗi bài viết cách nhau mỗi tháng, nhưng không rời xa nhau như mắt trên môi, bên tóc:
-       “Cảm ơn đôi mắt nhìn anh
Nhìn anh giữa những màu xanh đất trời” (thơ PTC-Mắt Em)
-       “Gần nhau bóng ngã sông sâu
Bước lên xanh thẳm một màu thời gian” (thơ PTC-Tóc Em)
-       “Răng em trắng buổi tương phùng,
Ai đem hạt ngọc lát cùng giữa hoa” (thơ PTC- Môi Em)
Ba bài thơ, ba màu: màu mắt xanh, màu tóc nâu và màu răng trắng. Rất rõ qua cách tả chân nhưng tả qúa chi tiết, tinh tế đến mức thật đáng yêu. Bài đầu thì tả lúc mới quen nhau qua ánh mắt, ánh mắt có “hai nét cọ vẽ đôi lá lành”. Đến lúc gần nhau vuốt tóc để thấy “không âm mà vẫn tình tang với mình”. Gần hơn chút nữa thì việc gì đã xảy ra trong câu “nụ hôn anh chở phù sa đắp bối”? Diễn biến tình yêu qua ba giai đoạn thời gian, qua ba hình ảnh trên người con gái: cái mắc cở ở xa để nhìn, cái gần tình tứ để vuốt ve, và cái cận kề để cho để nhận. Thơ viết được như thế có còn gọi là bình thường không?
Còn nữa, khi tả cảnh vợ chồng, Cương không nhắc tới những lúc vui hạnh phúc, chỉ tả lúc giận buồn, lúc cơm lạnh canh nguội, lúc mà chàng thấy cần nàng nhiều nhất, vì lúc ấy mới thấy hạnh phúc những khi nàng bên chàng như thế nào:
-       “Gạo tôi lén trộn thơ tình
Em đi, thơ chín một mình tôi nhai” (thơ PTC-Cơm-Thơ)
-       “Tôi vừa viết một cơn mưa
Bốn phương ướt sũng lại chừa nồi canh” (thơ PTC-Quên)
Đọc mấy câu thơ này của mấy ông, tôi nghĩ chắc mấy bà khi giận bỏ nhà đi nhưng “mắt vẫn để lại nhà” vì sợ ở nhà “có thơ mùi khét an lành” hay có đi xa cũng vội quay về. Vừa đi vừa tủm tỉm cười thầm.
Thơ của Cương, khi viết về người nữ, lời thơ trở nên hoa bướm, lả lơi:
Dáng cong qua đoạn hiểm nghèo,
Anh con ong mật lần theo chốn này
   Dáng ngồi ngưng đọng khóm mây
Hình như bàn ghế còn bay hương người” (thơ PTC-Dáng Xuân)
Đọc mấy câu thơ trên của Cương tôi cũng tủm tỉm cười hoài, vì nét độc đáo, lẳng lơ nhưng thanh tao đến vô cùng. Không dám bạo dạn, sỗ sàng vì đây là thơ, nhưng tay chân cũng táy máy, tò mò khi nhìn cái gì cong cong, Cương đành mượn con ong mật đi hành quân thế cho bàn tay mình. Nói thơ của Cương hay, chưa đủ. Nói thơ của Cương rất tình cũng chưa nói hết. Nói thơ của Cương lạ, mới, có sức hấp dẫn, mê hoặc người đọc, quyến rũ người nghe và dày vò tâm thức của những người có nhiều cảm xúc mới đúng. Thơ là sản phẩm của xúc cảm, là tiếng vang vọng của tâm tư, là tâm sự, đúng là tâm sự không nói thành lời, mà chở nhờ trong con chữ. Ngôn ngữ thơ của Phan Thanh Cương đến từ một nơi có nhiều hình ảnh, âm thanh, tư tưởng. Thấy rất thực, nghe rất rõ, nhưng phải cẩn thận đọc đi đọc lại nhiều lần mới thấy hết những cái hay của nó. Tác gỉa không đánh đố người đọc, nhưng cũng không để lời thơ trần trụi phơi bày. Đọc thơ Cương chịu khó bóc bỏ cái vỏ bọc bên ngoài, để thấy phần hồn, cái tác gỉa dấu nhưng không diếm bên trong. Bài thơ “Tiễn Người Trong Mưa” đã nói lên những gì như tôi nghĩ:
“Mưa quên tiếng chạm rạc rào
Hạt mưa rơi đúng chỗ nào cần rơi
…..
   Dính da là áo em thưa
Dính anh, còn những thiếu thừa tương lai
…..
   Nón cùng anh đội tiễn đưa
Tình cùng anh đội khoảng trời mưa giông” (thơ PTC-Tiễn Người Trong Mưa)
Tới đây bạn đọc vẫn chưa thấy điều gì bất thường chứ gì. Thì ta đọc tiếp. Có hai bài thơ viết về Mẹ của Cương đăng trên HX : “Hoàng Hôn Mẹ” và “Trong Gió Xuân” mà tôi cho là hai bài thơ viết cho Mẹ hay nhất từ người con trai mà tôi đã đọc từ trước đến giờ. Như lời tác gỉa đã tâm sự trên đây, vợ Cương mất sớm để lại đứa con trai nhỏ. Bà Nội thay Mẹ nuôi cháu. Rồi cháu cũng đi và không lâu Bà cũng đi theo. Trong một thời gian ngắn, Cương mất hết người thân.Thơ khóc thay cho nước mắt, Cương dùng những tình cảm đẹp nhất để dành viết trong thơ cho những người đã bỏ anh đi. Cho Mẹ, Cương đã viết:
-       “Quanh năm áo mẹ vai sờn
Vết chai thành đá năm hơn tháng dài
…..
   Xưa tre lớn bỡi đọt măng
Nay con già bỡi nhọc nhằn mẹ ơi” (thơ PTC-Trong Gío Xuân)
-       “Cuộc đời có mấy vòng xoay
Xoay qua vòng cuối mới hay được mình
   Con đi ôm hết bình minh
Để lại mẹ với vô tình – hoàng hôn (thơ PTC-Hoàng Hôn Mẹ”
Cho người vợ trẻ qua đời, người chồng tên Cương viết:
Ngủ đi đừng đếm sao khuya
Bao nhiêu ngọn lớn đã chia em rồi
   Chuông chùa đổ một tràng thôi
Không trong lồng kín tôi nào muốn bay” (thơ PTC-Đếm Thời Gian Tôi)
Và cho đứa con trai mệnh yểu người cha trẻ đã khóc:
   “Càn khôn quay trật tòng tong
Măng đi để lại tre ong óng vàng
…..
   Kêu không bằng miệng: con ơi
Ba không muốn ép núi đồi phải nghe (thơ PTC-Viết Ngày Sinh Nhật Con)
Viết cho người thân yêu đã khuất, Cương không dùng những từ ngữ than khóc, sầu bi. Thay vào đó tác gỉa đã dùng: “Thơ là nhang khói bay quanh chốn này”, để chỉ ngậm ngùi: “Lỡ quên bấm một nốt tay. Là tôi thả cánh chim bay về trời”, và để cho cạn lời: “Rượu vơi còn đọng đáy chai nỗi lòng” . Không một câu than thở nhưng nghe như xé ruột bầm gan. Sợ người đọc buồn lây, tác gỉa dùng những câu chữ hơi tưng tửng: lai rai, tòng tong, ong óng, mở ngực ra khoe, khơi khơi, lững lờ…như để tự an ủi là mình không còn buồn nữa, nhưng ta đọc lên là liền lấy tay quệt nước mắt, rồi sau đó cười khan.
Ngoài những bài thơ rất thơ, Cương còn nhuộm màu hóm hỉnh rất có duyên lên vài bài thơ khác. Thơ tưởng chỉ dùng để trêu ngươi, đùa cợt, nhưng đó chỉ là trên thi ngữ thôi, đọc xong rồi biết:
“ Tôi say gió đẩy về nhà
Thấy mẹ thằng bé tưởng là cố nhân
   Sáng ra có một vết bầm
Người xưa đùa giỡn trên phần da tôi” (thơ PTC-Gọi Nhầm)
Đùa giỡn được không? Tôi thấy đau như dao chém chứ không nhẹ như một vết bầm. Viết về nỗi đau, cái mất mà không cho người đọc thấy đau, thấy mất, chỉ thấy tức cười, cười lăn cười bò, cười đến lộn ruột, khi đọc bài thơ Dấu Mông Chiều. Qua bài thơ này, ai cũng thấy cái tài cù lét, chọc cười của Cương thượng thừa đến mức nào. Táo tếu không chịu được:
“Hai vòng cuồn cuộn ngóng trông
Đôi nắp vung ngửa tôi đong trời chiều” (thơ PTC-Dấu Mông Chiều)
Nói thật nếu tác gỉa không dùng tựa đề như trên, đọc bài thơ này ai mà hiểu được ý nhà thơ muốn tả cái gì. Cuối cùng cũng chỉ muốn nói:
Người về đứng giữa đổi thay
Nghiêng vung tuông tuột chiều ngày xưa tôi” (thơ PTC-Dấu Mông Chiều)
Không nghiêm túc vì dùng chữ “tuông tuột” ở đây phải không? bình thường thôi. Vậy thì trước khi đọc thơ của họ Phan, ta phải chuẩn bị một cái đầu biết quan sát, một trái tim mở rộng, và phải bỏ hết những kinh nghiệm đọc thơ xưa cũ, để bắt đầu nghe những cái rất mới. Lúc đầu có thể chưa thích, nhưng sau đó đâm ghiền. Không biết tự bao giờ, và do đâu, những nhà thơ đến từ xứ Quảng có lối làm thơ têu tếu mà thâm. Chữ nghĩa đối với họ chỉ để làm vui tai qua cái âm khi đọc lên. Nhưng cái ý nghĩa thì sâu thăm thẳm. Họ không ngần ngại dùng những chữ thật tầm thường, nhưng khi cho vào câu thơ, nó mang một bộ áo mới. Từ Bùi Giáng đến Luân Hoán, từ Phan Khôi nay đến Phan Thanh Cương, cái tưng tửng chết người ấy, dai dẳng đeo theo ta, làm cho ta nhớ mãi. Hình ảnh con người ấy với giọng thơ bất cần ấy không lẫn vào đám đông thi nhân. Nếu muốn đọc thơ một cách nghiêm trang với khuôn mặt một ông thần trong miếu thì đừng đọc thơ những người này.
Khi xưa Trần Tế Xương vì bất mãn với đời mà làm thơ trào phúng, cay cú. Nay Cương cũng có bất mãn, nhưng sống được, chịu được, nhưng không thể nhịn được. Trên đây đã nói, thơ đến từ cảm xúc, nhà thơ là người giàu xúc cảm. Làm sao không viết ra khi thấy nhiều thứ chung quanh làm ta buồn, đau, và có khi hận. Ba bài thơ: Tiền Ca 1, Tiền Ca 2 và Chiếc Cân Ngày Đó tác gỉa đã dùng để nói lên cái xã hội sống vị vật chất hôm nay. Hãy nghe Cương tả:
-       Theo sông hát cạn ngày hè
Tiền không dùi trống mà nghe xập xình” (thơ PTC-Tiền Ca 1)
-       “Trăng trời ẩn nấp ba mươi
Tiền tôi khuất bóng về nơi phía rằm (thơ PTC-Tiền Ca 2)
-       “Đêm xa mơ thấy trầu cau
Cố quên người móc lên đầu chiếc cân (thơ PTC-Chiếc Cân Ngày Đó)
Cũng bình thường thôi vì những gì nhà thơ viết ra là điều nhiều người biết. Nhưng chắc chắn cái bất thường ở đây là không ai viết được một cách dí dỏm như vậy. Đem tình cảm nghiêm túc mình ra đùa cợt cũng là cách giúp cho tác gỉa tự an ủi với đời, với tình yêu như thế này:
   “Nhìn tôi em thấy những đâu
Tôi như mấy trắng chuyển màu sang đen
   …..
   Còn quen cho trái tình cờ
Hết quen đổi qủa bất ngờ nhân duyên  
…..
   Thả em về những câu thơ
“Tình cờ” xưa vơi “bất ngờ” làm vui
   Để mai em ngó lên trời
Mây tôi trắng lại thuở người nhuộm đen (thơ PTC-Gió Xa)
Viết một hơi hơn 10 trang giấy mà vẫn chưa nói hết những gì cần nói về cái bất thường trong thơ của Phan Thanh Cương. Viết thêm nữa sợ bạn đọc chán qúa vì dài. Bạn đọc cần biết thêm thơ của Cương có những đặc điểm nào nữa không bình thường thì vào đọc những bài thơ cũ Cương đã cho lên Hương Xưa từ trước đến giờ, nhất là đọc những lời phản hồi của bạn đọc, để xem tôi có nói ngoa không. Còn tôi, nhớ lại hôm tháng tư, ngồi ở trời Tây nhớ về trời Đông, đọc bài thơ
Thoáng Quê
nghé con gập ghềnh tìm mẹ    

chắc chi mình nó chạy tìm    

người về chạy qua vườn cũ

cỏ cây xa lạ đứng im

cuốc kêu nhát gừng lẻ bạn          

chắc chi mình nó gọi bầy      

người về vào trong ẩn giọng

tiếng lòng đo được  bằng giây

rộn ràng con chim chột dột        

cỏ tranh móc ngọn tre quê          

cuối chiều vàng theo cái tổ

nhà xưa trắng buổi quay về?

Và tôi đã khóc khi viết phản hồi cho Cương trên Hương Xưa:
Gởi Cương,
Thơ của Cương anh phải đọc đi đọc lại nhiều lần vì không bao giờ đọc hết một lần, vì sợ đọc xong chữ thì hết nhưng lòng cảm chỉ mới bắt đầu. Nếu có ai hỏi anh ngay bây giờ anh đang nghĩ gì, anh sẽ bảo anh đang bị bài thơ của Cương làm nóng rát ruột gan và ràn rụa nước mắt. Đúng đấy, một bài thơ viết không biết tự lúc nào nhưng cho đăng vào thời điểm này thật không còn ý nghĩ nào lớn hơn. Hình ảnh con chim cuốc của em trong thơ anh ngỡ như em đang viết về những người xa quê như anh, kêu hoài cái tiếng kêu não lòng ấy mà có tìm lại qua khứ được đâu! Lời con chim quốc (cuốc) đau lòng : "Anh một mình như chim cuốc lạc đôi" của anh, em đã mượn và đưa vào thơ: 


"cuốc kêu nhát gừng lẻ bạn 
chắc chi mình nó gọi bầy 
người về vào trong ẩn giọng
tiếng lòng đo được bằng giây"...

Năm xưa, anh có đứa em gái bị cho lên rừng:


"Em mót củi nhặt cây khô đun bếp
Nước suối gánh về nấu cháo thay cơm
Nhà phố thị bỏ lên rừng làm rẫy
Thân sậy giữa rừng, đau đớn, rét run"

Ở phương xa, người anh nghe tin chỉ biết nhìn trời mà khóc:

"Cảm ơn ai cho em bài học lớn
Con thú là người chỉ thiếu hai tay"

Người em gái năm ấy, bây giờ là cô giáo dạy Văn, mà đọc những giòng chữ này chắc nó cũng sẽ khóc như anh đang khóc đây. Nhưng bây giờ nước mắt của Anh không còn dành cho riêng nó, cho riêng ai, mà cho những gì rất khác.


Cũng bình thường thôi! phải không Cương.
Nguyên Lương
Horsham tháng 11, 2014

p.s. Bonus: 


CÕNG EM
Phan Thanh Cương

Thương em tôi cõng qua sông
Nước sông vừa đủ đèo bồng chút thôi
Nửa em dính với nửa tôi
Cõng em – em cõng – lưng trời – cõng mây
Nụ cười em, gió ngang vai
Tiếng chân rẽ nước thành hai giọng cười
Cõng em chồng nắng lên đôi
Nhẹ như lau lách vẫy lời yêu thương

Em đi cha mẹ chỉ đường
Tôi đi em chỉ về phương đợi chờ
Cõng em, giờ cõng qua thơ
Thơ như sông cũ chia bờ để trôi
Ngực em còn ấm lưng tôi
Mưa khuya có lạnh nửa người không em?…

Sunday, June 28, 2015

TRANH THƠ-NHẠC Thanh An thực-hiện

Xin được trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc TRANH THƠ-NHẠC, 
 do Thanh An phối-hợp trên Trang nhà Làng Huệ

 "Tranh mang mầu sắc Quê-Hương. Nhạc Dân-Tộc đặc-sắc do các nhạc sĩ trình-tấu tuyệt-vời . Thơ rất ngắn nhưng tình lại rất  dài". NHLD
Lời dẫn:  
        Ðúng là những bài thơ ngắn  nhưng chở nặng tình người, tình đời và tình yêu. Trong suốt những vần thơ của nhiều tác gỉa ta đều thấy chung một điều là họ làm thơ không phải để phô diễn hay chuyên chở điều gì cao siêu, xa lạ. Họ chỉ muốn ta dừng chân, thở nhẹ, lắng nghe và nhìn lại cuộc đời quanh ta. Ở đây ta không chỉ đọc thơ, nghe thơ và còn được nhìn thơ nữa. Ta có cảm giác như nắm được hơi thở, chụp được ánh mắt, ru theo lời nhạc và nhiều hơn cả là tâm hồn rung lên như cành hoa lắc lay trước gió rộn ràng.
        Ðâu đây ta vẳng nghe tiếng sáo, tiếng đàn tranh quyện vào nhau những âm thanh quen thuộc từ thuở nằm nôi, nhưng cứ tưởng như đang vọng về từ cõi nào xa lơ xa lắc. Thơ, nhạc và tranh họa quê hương đã lồng vào nhau. Không cần phải khi đọc một bài thơ rồi ngồi tưởng tượng tiếng sáo diều hay nhớ đến khói lam chiều trên mái nhà tranh quê cũ. Cũng không phải giải nghĩa ra nhà thơ muốn nói về điều gì. Không khúc mắc nhưng cũng không qúa dễ dãi trong thi từ, những bài thơ ngắn, nối với nhau, như những tảng mây quyện quần, bay bay theo tiếng gió.
        Tiếng gió, tiếng lòng, hay tiếng nhạc...như tiếng ai đang gọi ta từ bên kia bờ vô thức.
         Kỷ niệm cùng với tâm tình sống mãi với thời gian trong những bài thơ có tranh và nhạc hoạ.
Ðẹp, hay và lạ lắm!
Nguyên Lương

Click here:

Thursday, April 2, 2015

Giới thiệu - Én Liệng Truông Mây của Vũ Thanh by Nguyên Lương


Kính gởi đến qúi thân hữu,
      Chương trình ra mắt tập trường thiên tiểu thuyết lịch sử của tác giả Vũ Thanh sẽ được tổ chức vào ngày 11 tháng 4 tại tư gia Nguyên Lương-Vân Các. Thư này Hoài Việt xin thông báo đến qúi vị ở xa không đến dự được. Một số ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Vũ Thanh sẽ được trình bày bởi anh em văn nghệ sĩ Hoài Việt trong buổi tiệc. Nhà thơ Nguyễn Hoàng Lãng Du sẽ thay mặt Hoài Việt giới thiệu về tác giả, và một phần bài viết dưới đây sẽ được chính tác giả trình bày khi giới thiệu tác phẩm. 
Kính nhờ qúi nhà báo, những vị có phương tiện phát thanh, truyền hình cho đăng và phổ biến bài viết này rộng rãi để đưa tập sách gía trị đến người đọc và những thức giả quan tâm đến lịch sử nước nhà.
Nay kính, 
Thay mặt nhóm Hoài Việt
Nguyên Lương
Hân hạnh giới thiệu đến độc giả khắp nơi bộ trường thiên tiểu thuyết dã sử:

Én Liệng Truông Mây
tác giả Vũ Thanh

            Tham khảo hơn 20 tài liệu, viết ròng rã trong 20 tháng, mùa Xuân năm 2014 nhà văn, nhạc sĩ Vũ Thanh đã cho ra mắt một tuyệt tác phẩm đồ sộ Én Liệng Truông Mây gồm 4 tập, dài gần 2000 trang sách. Bốn tập Én Liệng Truông Mây đã được xuất bản mới chỉ là phần một trong bộ trường thiên tiểu thuyết lịch sử nhan đề Tây Sơn Tam Kiệt gồm ba phần: Én Liệng Truông Mây, Nhất Thống Sơn Hà, Gia Định Tam Hùng. Viết về một thời đại nhiễu nhương của một cung Vua Lê, hai phủ Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn, thời nước Ðại Việt bị chia cắt Đàng Trong, Đàng Ngoài mà trong chính sử đã có rất nhiều thiếu sót hay cố tình che dấu, thật không dễ chút nào. Vũ Thanh đã phải vất vả, lặn lội đi tìm những chi tiết lâu nay chỉ được dân gian truyền miệng hay từ những tài liệu chưa từng được đưa ra ánh sáng để hoàn thành cốt chuyện cho thật khả tín và hấp dẫn người đọc. Những huyền thoại lịch sử của hơn 30 năm từ lúc khởi nghĩa đến thống nhất đất nước của triều đại Tây Sơn oanh liệt, đã bị vua quan nhà Nguyễn Gia Long che dấu, bôi nhọ hay cố tình bóp méo, bỏ quên, nay được nhà văn Vũ Thanh viết lại và làm sáng tỏ hơn dưới hình thức của một trường thiên tiểu thuyết. Cùng một phong cách viết của những bộ truyện tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng của Trung Hoa như Hán Sở Tranh Hùng (Mộng Bình Sơn dịch) hay Thủy Hử (tác gỉa Thị Nại Am, Kim Thánh Thán dịch), tác giả đã dựa vào một số nhân vật lịch sử có thật và những biến động của thời cuộc, hư cấu thêm vào những câu chuyện theo truyền thuyết của dân gian, để đưa người đọc trở về với lịch sử hình thành xứ Ðàng Trong của Chúa Nguyễn. Tuy nhiên, Vũ Thanh đã không chỉ tiểu thuyết hoá câu chuyện lịch sử thời đó, mà bàng bạc trong 2000 trang sách, tác giả đã vẽ lại một xã hội rất linh động của thời dân tộc ta mở nước tiến vào phía Nam. Triết lý sống, phong cách, và tinh thần khai phóng của con người Ðại Việt thời chúa Nguyễn đã được phát họa rất đầy đủ cho ta thấy nhờ đâu mà dân ta đã tóm thâu hết phần phía Nam của nước Việt ngày nay từ tay người Chiêm Thành, người Miên mà không tốn một giọt máu. Và nhờ đâu mà những người Hoa gốc Minh Hương, đã đến và khai khẩn vùng Lục tỉnh trước chúng ta, đành phải chịu thuần phục làm bầy tôi và dâng đất cho chúa Nguyễn.

            Theo chính sử thì năm 1600, tướng Nguyễn Hoàng vì lo sợ ông anh rể là Trịnh Kiểm sát hại nên đã xin Vua Lê đem quân vào đóng ở Thuận Hoá, nói là tình nguyện đi làm tướng trấn biên cương giữ an ninh mặt phía Nam chống lại quân Chiêm Thành quấy nhiễu. Rời xa Thăng Long, Nguyễn Hoàng đã âm thầm xây dựng Ðàng Trong thành một thế lực độc lập, vững mạnh, từ từ mở rộng đất nước từ sông Gianh trở vào tận miền Nam với mục đích là phò nhà Lê nhưng thực chất là đối đầu với thế lực chúa Trịnh Ðàng Ngoài. Sau 50 năm đầu chia đôi đất nước, chiến tranh huynh đệ tương tàn, khốc liệt hai bên bờ sông Gianh, cuối cùng cả hai chúa Trịnh, Nguyễn đã chấp nhận đất ai người đó ở. Hơn 120 năm sống trong hòa bình, 9 đời chúa Nguyễn đã có công mở mang bờ cõi, giao tiếp buôn bán với phương Tây, tạo dựng một Ðàng Trong thịnh vượng vững vàng. Ðến đời chúa Võ Vương do nhu nhược, ham chơi, đã bị quyền thần Trương Phúc Loan lấn áp, thao túng, lũng đoạn triều đình, vơ vét của dân làm của riêng bằng sưu cao thuế nặng làm cho dân tình lầm than, ai  oán. Thuận theo lòng người, năm 1771 anh em nhà Tây Sơn nổi lên khởi nghĩa từ Qui Nhơn và 2 năm sau chiếm được thành. Năm 1774 chúa Trịnh nhân cơ hội thấy Ðàng Trong suy yếu đem quân vượt sông Gianh đánh vào Nam và chiếm được thành Phú Xuân. Quân Tây Sơn giả vờ thuần phục chúa Trịnh, dồn hết sức lực tấn công Chúa Nguyễn. Năm 1777 hai chúa Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương lần lượt bị Tây Sơn bắt giết. Nguyễn Ánh kế vì lên ngôi vương nhưng bị Tây Sơn đánh đuổi chạy qua trốn ở Xiêm La. Cuối cùng, năm 1786 chúa Trịnh Ðàng Ngoài cũng bị Tây Sơn tiêu diệt, chấm dức tình trạng chia đôi đất nước và thống nhất sơn hà. Tính từ khi chúa Trịnh Tráng đem quân đánh chúa Nguyễn Phúc Nguyên năm 1625, đến khi nhà Tây Sơn dẹp được cả chúa Nguyễn lẫn chúa Trịnh vừa đúng 160 năm chia cắt trong ngoài.

Tại sao Vũ Thanh phải viết Én Liệng Truông Mây

            Lịch sử loài người luôn lập lại: "nơi nào có áp bức, nơi đó có đấu tranh". Trong suốt bề dày của lịch sử Ðại Việt, bất cứ triều đại nào làm mất lòng dân là thời đó có loạn biến, khởi nghĩa. Sống trong cảnh lầm than, cơ cực lại bị hiếp đáp, bóc lột, nhũng nhiễu, nhiều sĩ phu áo vải đã tập hợp nông dân chỉ với gậy gộc, tầm vông đã dám nổi lên chống lại triều đình trung ương. Nhiều cuộc khởi nghĩa bị dẹp tan, thủ lãnh bị phanh thây, nhưng ý muốn đổi đời, cứu người, thay đổi xã hội đã hun đúc bao anh hùng lớp lớp đứng lên làm lịch sử. Thời hậu bán thế kỷ 18, ở Ðàng Trong, Quốc Phó Trương Phúc Loan và bè lũ cậy quyền áp bức phủ Chúa, hà hiếp và bóc lột dân lành là cơ hội tốt cho nông dân nổi dậy. Nhiều phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân chống triều đình Chúa Nguyễn nổ ra liên tục, trong đó tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa ở Truông Mây do Chàng Lía lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa chợt phát, vội tàn, nên trong chính sử, thời sử cũng như hậu sử không có ghi chép nhiều về cuộc binh biến này. Nhưng riêng với người dân Ðàng Trong, nhất là người dân xứ Qui Nhơn, Bình Ðịnh, nơi thủ lĩnh có tên là Chàng Lía đã hợp cùng anh em nổi dậy ở Truông Mây, Hoài Nhơn, thì câu chuyện về cuộc khởi nghĩa này vẫn được truyền tụng trong mãi mãi dân gian.

            Là người con được sinh ra từ vùng đất võ Bình Ðịnh, Vũ Thanh đã đem hết tâm huyết, tìm tòi, nghiên cứu viết lại những dữ kiện, làm rõ những bí ẩn, giải thích những khúc mắc của giai đoạn lịch sử hào hùng nơi quê hương mình. Sách sử của các triều đại thường được các sử gia viết với mục đích kể công, đánh bóng thành qủa của vua quan thời đại mình. Những gì thiếu tính tích cực thường bị các sử gia thời đó dấu nhẹm hay bóp méo. Hãy nhìn một triều đại Tây Sơn oai hùng, rạng rỡ, vững mạnh đã làm cho nước Xiêm La ở phía Nam bạt vía, tiêu  hồn, và nhà Thanh ở phía Bắc nể nang, kiêng dè mà vua tôi nhà Nguyễn Gia Long đã chỉ ghi lại trong sách sử như một bọn thảo khấu loạn thần, một đám "ngụy" không hơn không kém, thì với cuộc khởi nghĩa của Chàng Lía bị coi là bọn giặc cỏ, không cần nhắc tới, không có gì lạ. Nhà biên khảo Quách Tấn, người gốc Qui Nhơn, trong Non Nước Bình Ðịnh cũng chỉ nhắc đến câu chuyện Chàng Lía đã khởi nghĩa và thất bại trong vài trang sách, dựa vào hai câu ca dao truyền miệng trong dân gian:
"Chiều chiều én liệng truông mây
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành"

            Với Vũ Thanh, câu chuyện Chàng Lía không phải đơn giản chỉ có thế. Muốn hiểu biết sâu xa về nguyên nhân cuộc khởi nghĩa đưa đến thành công vang dội của anh em nhà Tây Sơn bắt đầu từ năm 1771 chống lại Phú Xuân, trước hết phải biết rõ về cuộc khởi nghĩa và nguyên nhân thất bại của anh em Truông Mây trước đó vài năm. Theo tác giả, Chàng Lía và Nguyễn Nhạc ở đất Tây Sơn sinh ra cùng thời, chơi với nhau cùng những người bạn thơ ấu trong làng. Dù là bạn nhưng hai con người có hai nguồn gốc, tư tưởng, sở học, gia thế, hoài bão rất khác nhau nên kết cuộc thành, bại cũng khác nhau. Trong bộ  trường thiên tiểu thuyết lịch sử Tây Sơn Tam Kiệt, tác gỉa đã dành đến 4 tập sách dày viết về tình trạng xã hội, dân tình, thế thái và những điều kiện lịch sử chín mùi để sau này Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa được thành công. Nói cách khác, muốn biết nhờ đâu mà nhà Tây Sơn đã khởi nghĩa thành công thì phải biết đến nguyên nhân dẫn đến thất bại của cuộc khởi nghĩa Truông Mây.
            Vì mồ côi cha, phải cùng mẹ lưu lạc, sống trong nghèo đói, bị xã hội khinh rẻ, chà đạp nên Lía nuôi lòng thù ghét bọn nhà giàu, trọc phú và quan quyền. Lía nổi loạn cùng với anh em với một mục đích là cướp của nhà giàu chia cho dân nghèo, như một Robinhood của đất Ðại Việt. Tác giả đã phân tích cặn kẽ về tâm lý nhân vật, cá tính của những thủ lãnh, cũng như tất cả những chiến thuật, chiến lược mà Truông Mây đã sử dụng để chống lại triều đình, vốn đã suy yếu và mục rữa từ bên trong bởi bọn tham quan ô lại. Với thời cơ thuận lợi đó, Truông Mây đã nâng cao chí hướng, từ cướp của nhà giàu phát cho nhà nghèo, họ đã muốn đánh đổ cả triều đình mục nát để lập lại một xã hội mới, giúp người dân nghèo có được một cuộc sống ấm no. Nhưng những anh hùng, hiệp sĩ của Truông Mây đã thất bại. Vì theo tác giả thì: "anh hùng thì nhiều nhưng chơn chúa chỉ có một". Cho nên điều kiện xã hội tuy đã chín muồi để thay đổi nhưng nó vẫn phải cần một vì chơn chúa xuất hiện. Và theo cái động lực vô thức của lịch sử cùng sự phát triển xã hội, Nguyễn Nhạc, người anh cả của ba anh em Tây Sơn đã xuất hiện như một vì chơn chúa để tiếp nối tinh thần Truông Mây, dẫn đến Nhất Thống Sơn Hà.

Thông điệp của Vũ Thanh trong Én Liệng Truông Mây

            Mục đích của tác giả khi viết Én Liệng Truông Mây không đơn thuần chỉ để "mua vui cũng được một vài trống canh". Bàng bạc trong gần 2 ngàn trang sách Vũ Thanh nói đến thảm cảnh bôi mặt đá nhau của con dân nước Việt có thể sẽ đưa đất nước đến hoạ diệt vong. Trong 4 tập sách tác giả luôn nhắc nhớ đến tính đoàn kết, một yếu tố tối cần thiết để đất nước trường tồn và duy trì tinh thần bất khuất của dân tộc Ðại Việt.

            Ðể biện minh cho dũng khí của đám nghĩa binh Truông Mây nổi loạn, Vũ Thanh đã viết theo lời trần tình, biện minh của Chàng Lía cho công cuộc nổi dậy: "...Mọi người sinh ra đều có quyền được bình đẳng. Từ vật chất đến tinh thần. Sự nghèo khó của một vài cá nhân đơn lẻ còn có thể qui cho số mệnh, nhưng cả một tập thể to lớn nghèo khổ, chỉ có một số ít người quyền hành giàu có, thì đó là sự bất công chứ không còn là số mạng nữa. Sự bất công ấy được tạo ra bỡi một số ít kẻ đang nắm quyền hành trong tay..." (tr. 54, tập 4). Cái triết lý sống và dấn thân đó của sĩ phu, với thời đại nào cũng đúng, không chỉ riêng thời Trương Phúc Loan tiếm quyền chúa Nguyễn. Thượng bất chánh, hạ tất loạn, người dân chống lại hôn quân và sẵn sàng nổi loạn vì muốn đòi lại cái quyền được sống an lạc, thảnh thơi, không bị nhũng nhiễu, hà hiếp. Viết về những hiệp sĩ trong tập thể Truông Mây, tác giả nhấn mạnh: "...Cái đạo lý của giới anh em Truông Mây là trừ ác hành thiện, cứu khốn phò nguy, bênh vực người nghèo khó. Họ bất cần Vua hay Chúa, nếu Vua Chúa chỉ là bọn tàn bạo làm hại muôn dân như triều đình Phú Xuân và Thăng Long..." (tr. 35, tập 4). Một triều đại muốn cho dân thuận theo thì người đứng đầu phải là một minh quân, nói dân nghe, làm dân theo, và ngược lại.

            Trong câu chuyện Chàng Lía, tác giả không nhằm khai thác và lý giải tại sao người Việt chia rẽ chém giết nhau, mà đã dùng đó làm cái cớ kêu gọi người dân Nam phải đoàn kết, để cùng nhau chiến đấu chống ách thống trị phân quyền của hai phủ Chúa, có thể đưa đến họa diệt vong đến từ phương Bắc. Diệt vong không phải chỉ xảy ra khi mất chủ quyền, lãnh thổ mà đã xảy ra khi người dân quên mất văn hóa và cội nguồn của mình. Vì không biết mình là ai, cần phải làm gì để được trường tồn. Viết lại lịch sử trong thời buổi trong ngoài phân tranh, nêu những quan hệ mật thiết giữa vua quan Ðàng Trong với Thanh triều hơn là triều đình Vua Lê, Chúa Trịnh Ðàng Ngoài, tác giả đã nhắc nhở cho con dân nước Việt nhớ rằng: dầu ở Đàng Trong hay Đàng Ngoài vẫn là con dân một nước Ðại Việt, và chuyện chia cắt, phân tranh chỉ là giai đoạn.
            Trước hiểm họa lấn chiếm từ một nước lớn luôn rình rập, buộc nước nhỏ phải mở mang bờ cõi cho đủ lớn mạnh để gồng mình chống lại ngoại xâm. Người dân Việt thời ấy từ miền Bắc di cư vào miền Trung, rồi từ miền Trung vô miền Nam, khai phá mở đường, biến  những vùng đất bị hoang hóa do người Miên bỏ đi thành những cánh đồng lúa màu mỡ nuôi sống một Ðàng Trong từ sông Gianh trở vào. Một giai đoạn di dân vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc mà từng đoàn người, đa số là những tội nhân bị đày ải, những người hành khất không nhà, dân nghèo khổ không ruộng cày...theo thuyền buôn thuận gió bấc vào tận Giản Phố, Gia Ðịnh, Trấn Biên...rồi mở đường, mở cõi, đến tận mũi Cà Mau . Họ đã sống hòa thuận như anh em một nhà, chung lưng với người dân Miên, dân Chiêm và cả người Hoa đã đến miền Nam trước và cùng nhau biến những vùng đất mặn phù sa thành những cánh đồng bát ngát. Nơi vùng đất mới lập, thiếu phép tắc, kỷ cương, luật lệ, đã không thiếu những cuộc tranh giành quyền lợi đẫm máu của những nhóm người. Nhưng với tinh thần khai phóng, rộng mở và dĩ hoà vi qúy, dân di cư Ðại Việt đã hóa giải được hết những khác biệt về văn hóa, phong tục với các nhóm dân khác và tất cả đều quay về tuân phục triều đình trung ương Ðàng Trong.

            Nhìn lại lịch sử ta thấy trong cái rủi có cái may, sau suy vong tất đến thời hưng thịnh. Giả sử nếu đầu thế kỷ thứ 17 không có chuyện tướng Nguyễn Hoàng (Chúa Tiên) xin vào miền Trung lánh nạn, để rồi nhân cơ hội nước Chiêm Thành tự diệt và nước Cao Miên có nội loạn thì biên giới nước Ðại Việt cùng lắm cũng chỉ tới Qui Nhơn nơi vua Lê Thánh Tông đã đánh chiếm được thành Chà Bàn năm 1471 và đưa di dân từ miền Bắc vào đây khai khẩn. Nhu cầu mở cõi vào tận miền Nam để đủ mạnh chống lại vương triều Ðàng Ngoài là công trình mở rộng đất nước vĩ đại nhất của lịch sử dân Việt. Công lao mở nước của 9 đời Chúa ở Ðàng Trong, đến đời Nguyễn Phúc Thuần (Chúa Ðịnh), đã bị ô uế. Một tên Quốc Phó Trương Phúc Loan tham quyền đã làm mất lòng dân, tạo cơ hội nổi loạn của nhóm nghĩa sĩ Truông Mây Chàng Lía để mở màn cho anh em Tây Sơn khởi nghĩa liền sau đó và thống nhất sơn hà.
 
            Chàng Lía là hình ảnh của một sĩ phu phải hành động khi quốc gia suy vong. Lía là hiện thân của người nông dân thất học, nghèo hèn, nhưng làm đúng việc mà nhân dân mong đợi nên khi đứng lên đã nói dân nghe, làm dân theo. Lía không có tham vọng làm vua, Lía chỉ muốn giúp đám dân nghèo bằng một tấm lòng hiệp nghĩa, một tình thương to lớn của một người hiệp sĩ, của một kẻ đồng bệnh tương lân. Cho nên, dù sau này Truông Mây đã có một người quân sư tài ba như Trần Lâm, cuộc khởi nghĩa cuối cùng cũng đành thất bại chỉ vì lòng thương người của vị chủ tướng Lía, khi họ vừa chiến đấu chống triều đình, vừa phải chia xẻ lương thực nuôi đám dân nghèo tụ tập đến nương nhờ, những người dân mà lẽ ra triều đình phải có bổn phận nuôi nấng họ. Truông Mây không thành công, nhưng đã cho những anh hùng thời đại ấy biết nỗi khát khao muốn vùng lên của người dân, và công việc lật đổ một bạo quyền đã mục rữa, mất lòng dân, rất cần thiết và có thể thực hiện được. Thời đại nào cũng có người tài. Ðất nước càng loạn lạc, người tài xuất hiện càng nhiều. Ðất nước thái bình, người dân sống an lành, sĩ phu ra làm quan để vỗ về và chăm lo cho bá tánh. Hình ảnh những người hiệp sĩ trong Én Liệng Truông Mây là hình ảnh của những sĩ phu thời đại, ý thức được vai trò cần phải nhập thế, đi làm cách mạng. Những sĩ phu văn võ song toàn, bên những mỹ nhân sắc đẹp nghiêng thành, thế mà họ vẫn không bị sắc dục cám dỗ, coi nhẹ tình cảm gái trai, hy sinh cuộc sống riêng tư mà mưu cầu đại cuộc.
            Với một đất nước nước nhỏ bé trong tình trạng phân tranh, những anh hùng liệt nữ thời đó đã sớm ý thức: muốn cho tổ quốc trường tồn, trước hết là phải làm sạch xã hội. Bọn tham quan là cặn bã, ung nhọt cần phải bị tiêu diệt, để chấn hưng kinh tế, giúp quốc thái dân an, mới mong có được một nội lực hùng mạnh hầu giữ vững cõi bờ. Khi lòng dân đã qui về một mối, Vua của nước Ðại Việt không còn phải qùy lụy xin làm và được ban cho chức An Nam Quốc Vương từ nước lớn ban quyền, như bố thí, mà phải là một vị Hoàng Ðế toàn quyền, oai dũng, không còn phải lệ thuộc vào ai. Từ thời lập quốc, cho đến cận sử, duy nhất chỉ có thời nhà Tây Sơn, sau khi thống nhất sơn hà đã xưng Ðế (Trung Ương Hoàng Đế Nguyễn Nhạc) mà không cần sự ưng thuận hay chấp chiếu của triều đình phương Bắc. Ðó là một thời oanh liệt vẻ vang nhất của dân tộc, người dân Ðại Việt đã ngẩng cao đầu không biết sợ ngoại bang. Muốn được như thế, không phải chỉ có người cầm quyền tài giỏi mà toàn dân phải cùng chung sức, quyết tâm và đoàn kết một lòng. Rủi thay, những thời hoàng kim như thế rất hiếm, và nếu có cũng không dài, trong lịch sử hình thành nước Ðại Việt.

Một tiểu thuyết lịch sử cần phải đọc

   Người ham mê đọc sách kiếm hiệp sẽ tìm thấy trùng trùng trong Én Liệng Truông Mây những cảnh so tài, tranh phân tuyệt kỹ, giữa những cao thủ võ lâm. Những đường roi, bài quyền, khinh công, phi tiêu ... của những hiệp sĩ nước Việt khi đụng độ với những tay anh chị cát cứ trong vùng đất mới. Trên đường thiên lý từ miền Trung vào Nam, những sĩ phu thời đó phải đấu tranh liên tục và chống chọi thường xuyên với tàn dư quân Chiêm Thành còn sót, những lãnh chúa người Hoa trong nhóm phản Thanh phục Minh lánh nạn, và tham vọng lấy lại vùng đất đã mất của người Cao Miên. Những trận đấu quyền so tài cao thấp trên khán đài, những lần tập kích bọn buôn lậu, thảo khấu, quan quyền... được tác giả, với một bút pháp tài tình, diễn tả từng chi tiết như đưa ta về thời mở cõi và như người khán giả được chứng kiến tận mắt.
            Ðơn cử một cảnh "biểu diễn" võ thuật sau đây được tác gỉa mô tả giữa một bên là tráng sĩ người Việt, một bên là cao thủ người Hoa: " ...Trần Nguyên Hảo rút thanh Ô Long Ðao ra khỏi vỏ. Một tiếng ngân trầm vang lên mang theo một luồng hơi lạnh xoáy buốt màng nhĩ. Thanh đao đen tuyền một màu từ cán đến lưỡi, trông rất nặng nhưng có vẻ không sắc bén lắm, dù thế thanh đao vẫn toát lên một sự cương mãnh uy nghi. Ông rung mạnh tay đao ra chiêu tấn công tên đại ca Lãnh Diện Truy Hồn. Tên cầm đầu thấy đường đao dũng mãnh của Nguyên Hảo vội vàng thoái lui một bước né tránh rồi vung kiếm phản công..". (tr. 18, tập 1).

            Không chỉ nói chuyện đánh kiếm so tài cao thấp đời nay, tác giả đã đưa người đọc về với qúa khứ huy hoàng xa xưa với những tài sản trí tuệ bị bỏ quên, nay nhân dịp nhắc nhớ đến lịch sử của một dân tộc Bách Việt oai hùng:
"...Kỹ thuật luyện kiếm đúc gươm của dòng Bách Việt đã đạt đến trình độ rất cao như Âu Dã Tử nước Việt, Cao Lỗ nước Âu Lạc chẳng hạn. Về sau người Hán thống trị Trung Nguyên và các nước nhỏ lân bang nên đã sở hữu luôn kho tàng trí tuệ đó. Họ đã cố xóa đi hoặc bưng bít, cấm đoán các dân tộc nhỏ nhắc nhở về cội nguồn tinh hoa trí tuệ của tổ tiên mình. Cho nên lâu dần chúng ta cứ ngỡ rằng những tài năng và tài sản qúi báu kia là của người Hán..." (tr. 60, tập 2).

            Những cảnh trai tài gái sắc cùng ngắm trăng trên sông nước hữu tình cũng được thi vị hoá làm cho câu chuyện chiến tranh thù hận và chết chóc giảm bớt đi cường độ. Khi tả cảnh chia ly giữa đôi trai tài gái sắc, Vũ Thanh đã khéo léo lồng vào đó một hình ảnh dứt khoác của anh hùng Trần Lâm quyết quên mình vì thù nhà, nợ nước và một bên là tấm lòng trung trinh dâng hiến trọn vẹn cho người mình yêu một cách âm thầm của cô tiểu thư tuyệt sắc Tiểu Hồng:
"...Trăng đã nhú lên, họ ngồi im lặng ngắm trăng, không nói thêm một lời nào nữa. Cho đến lúc mặt trăng tròn vành vạnh treo cao trên đỉnh núi, họ thả ngựa chầm chậm trở về. Hôm sau, Trần Lâm gĩa từ mọi người ra đi, Tiểu Hồng bày một cuộc rượu nhỏ tiễn đưa. Ðêm đó qua màn nước mắt, dưới ánh bạch lạp nơi cô phòng, Tiểu Hồng đã gói gọn cảnh chia li ấy bằng mấy dòng thơ:
Run tay chuốc chén đăng trình
Cõi lòng nhi nữ mông mênh giọt sầu
Người đi cố bước đi mau
Người về trắng những canh thâu nhớ người
Ðường tình nay đã chia đôi
Gặp nhau chi để ngậm ngùi mất nhau..
(tr. 328, tập 3).

            Dầu đã quyết chí lên đường dấn thân trong thời đại nhiễu nhương, những hiệp sĩ thời Truông Mây khởi nghĩa không chỉ đi tìm cái sống trong cái chết, họ vẫn ung dung với bầu rượu túi thơ, đúng nghĩa với cái thú tiêu dao thi tửu, mỗi khi có dịp. Ðọc một đoạn sau đây để xem tài Vũ Thanh tả cảnh uống rượu của một dũng sĩ qua sông và ông lão lái đò trên bến My Lăng, trên dòng sông Côn thơ mộng: "Trần Lâm nâng chung rượu lên môi, một cảm giác mát lạnh truyền qua những ngón tay, một mùi hương vừa thoảng vừa nồng bốc lên mũi thật khoan khoái. Chàng nhấm môi một chút, vị nồng nàn, lăn tăn tê nơi đầu lưỡi. Uống trọn chung hơi ấm đã theo chất rượu chạy dần xuống bao tử sau đó lan tỏa khắp châu thân. Chàng "khà" lên một tiếng và đặt chung xuống bàn..." (tr. 354, tập 3).
  
            Ðể lý giải một phần sự thất bại của nghĩa sĩ Truông Mây, tác giả mượn lời của thầy giáo Hiến, thầy dạy học cho Nguyễn Huệ, một bộ não của phong trào Tây Sơn sau này, nói với Nguyễn Nhạc như để nhắc nhở: "...Làm hiệp sĩ khác với làm chiến sĩ cách mạng. Làm chiến sĩ cách mạng thì thắng lợi là trên hết, đôi khi phải đạp lên trên mọi thứ để đi tới đích. Còn hiệp sĩ thì thấy việc nghĩa dẫu chết cũng không từ. Chính cái tinh thần ấy đã đẩy Truông Mây vào thế kẹt hiện nay là phải vừa chuẩn bị đánh giặc vừa nuôi một đàn con đông, trong khi nhà lại chật và nghèo. Họ vì lòng nghĩa hiệp mà đứng ra gánh vác miếng ăn cho hàng vạn người nghèo sắp chết đói, đây là một nghĩa cử cao đẹp, nhưng chính nghĩa cử ấy sẽ đẩy họ vào chỗ chết..." (tr.. 239, tập 4).

            Về phần của thủ lãnh Truông Mây, sau khi bị quân binh triều đình đánh bại, đồng bọn bị thảm sát, chỉ còn: "Lía cõng Trần Lâm băng mình trong đêm khuya, lòng hoảng loạn tơi bời. Mới ngày nào, thành Truông Mây còn sừng sững, rực rỡ tinh kỳ, anh em đông đủ, hào khí ngất trời mà nay chỉ sau một đêm đã tan nát, vùi chôn dưới đống tro tàn. Hơn bốn ngàn nghĩa sĩ giờ chỉ còn lại một mình chàng và Trần Lâm đang im lìm trên lưng chưa biết sống chết ra sao. Bao nhiêu hình ảnh tang thương, chết chóc, cứ quay cuồng trong đầu, những cái chết thê thảm của anh em nghĩa binh, xác của người vợ mà chàng thương yêu hết mực bị giẫm nát..." (tr. 442, tập 4).

            Chàng Lía chết, Truông Mây tan rã, nhưng đó chỉ mới là sự chấm dứt của một biến cố trong trang sử Việt để chuẩn bị mở một trang sử khác mãnh liệt hơn, oai hùng hơn. Chàng Lía mất đi đã hơn 240 năm qua, nhưng âm vang và ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa của những anh hùng Truông Mây, trong tâm trí người dân đất Bình Ðịnh đến nay vẫn chưa phai nhạt. Vũ Thanh đã dựng lại cho ta thấy những thảm cảnh lịch sử, những sai lầm của các triều đại, những  nỗi đớn đau và chịu đựng của người dân cùng khổ thời đó để chỉ mong một điều là thời nay con dân Việt sẽ học được bài học, để vết nhơ của lịch sử không còn tái diễn.

            Với những ai có lòng thương dân, yêu nước, hãy đọc những lời chàng hiệp sĩ Trần Lâm đã khóc và thề với vong linh người thân: "... Cha mẹ và em hãy yên lòng nhắm mắt, con sẽ dùng thanh kiếm này để tiêu diệt lũ sâu dân mọt nước, đem lại thanh bình, cơm no áo ấm cho muôn dân. Con đã vĩnh viễn mất đi gia đình nhỏ thì nhất định sẽ xây dựng cho bằng được một gia đình lớn. Ðó là quốc gia, là dân tộc này..." (tr. 12, tập 4).

            Vũ Thanh đã đem tâm huyết, trí tuệ và trải lòng mình trên những con chữ, chuyên chở tâm tình, mơ ước cũng như hoài vọng, rằng: muốn luận về tương lai ta phải biết và thuộc lịch sử của qúa khứ. Những bài học lịch sử luôn đáng gía, chỉ vì không học hết để biết, hay học rồi quên, nên nhiều lãnh tụ đã thất bại chua cay. Là người đọc, bổn phận chúng ta là tiếp tay với tác giả để phổ biến tác phẩm này càng rộng, càng nhiều, càng xa, càng tốt. Ðó là một nghĩa cử không khó lắm để làm.

            Tác giả Vũ Thanh tâm sự: "Dã sử mang tính trí tuệ giống như một lối mòn, đi nhiều, đi hoài, lối mòn đó sẽ thành quan lộ dẫn tới lịch sử". Người Tàu gần đây rất thành công khi đã hoàn thành những bộ phim hấp dẫn lôi cuốn, thu hút người xem. Họ cho dựng lại những câu chuyện lịch sử, đa số là hư cấu, tuyên truyền về một nước Trung Hoa thật vĩ đại, hào hùng để quảng bá hình ảnh một nước Trung Hoa đã lớn mạnh như thế từ mấy ngàn năm trước. Phương tiện giải trí tưởng vô thưởng vô phạt này đã giúp cho người Tàu đánh bóng hình ảnh, cùng lúc biện minh cho công việc bành trướng lãnh thổ, lấn chiếm lân bang của Bắc Kinh gần đây như là việc phải làm của một nước lớn mạnh trong vùng đối với những nước nhỏ yếu kém như thời xa xưa đã làm. Qua phương tiện truyền thông, và bị ảnh hưởng bởi phim ảnh, đa số người Việt vô tình đã hiểu lịch sử Tàu còn rõ hơn lịch sử nước nhà. Đó là nỗi đau nhược tiểu! Cho nên  những đóng góp của tác giả Vũ Thanh trong tác phẩm Én Liệng Truông Mây đã thổi một luồng gió mới vào nền văn học dã sử nước nhà, giúp đẩy lùi ảnh hưởng văn hóa mang tính truyền bá ngoại lai.

 Dân Việt phải thuộc sử Việt nếu không muốn bị vong bản, mất gốc, đưa đến mất nước.

Ðó là cũng là những hành động vì đại cuộc, quốc gia, và dân tộc này vậy.

Nguyên Lương
Horsham, tháng 4, 2015