Showing posts with label Trần Trung Đạo. Show all posts
Showing posts with label Trần Trung Đạo. Show all posts

Friday, December 8, 2023

Trần Trung Đạo: Cuối cùng sông núi gặp nhau

Trần Trung Đạo: Cuối cùng sông núi gặp nhau

Hình Đức Đạt Lai Lạt Ma đón nhận Kỷ yếu Tri Ân

Chiều thứ Bảy tuần rồi, trong Lễ Tưởng Niệm Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, tôi được giao trách nhiệm tường thuật sự hình thành của Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Tôi thưa nhiều chi tiết nhưng có một chuyện chưa kịp thưa, đó là làm thế nào Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ lại có thể đến tận tay Đức Đạt Lai Lạt Ma và đến một cách nhanh chóng trong khi nhiều nơi tại hải ngoại chưa có. 

Chuyện rằng, sau thời gian biên tập và in ấn, Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ được hoàn tất vào giữa tháng 11, 2023. Cũng trong thời điểm đó, một phái đoàn tăng ni và Phật tử Việt Nam đang chuẩn bị lên đường hành hương viếng thăm các Phật tích tại Ấn Độ. Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Tâm Thường Định và cũng là thành viên của Ban biên tập Kỷ Yếu chợt nghĩ ra một sáng kiến rất trang nghiêm nhưng cũng rất dễ thương: Thỉnh Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ cùng lên đường hành hương với chư tăng ni và đồng bào Phật Tử. Một trong những cuốn Kỷ yếu đầu tiên được gói kỹ và trao cho một Thượng tọa trong đoàn hành hương. 

Thay vì gởi tác phẩm theo hành lý, Thượng tọa đã trân trọng cầm Kỷ Yếu lên máy bay. Chuyến đi được chuẩn bị từ trước. Khi rời Mỹ, giống như nhiều triệu Phật tử Việt Nam khác, Thượng tọa cảm thấy rất nặng lòng. Hòa thượng Tuệ Sỹ vừa viên tịch để lại một nỗi buồn chung trong lòng nhiều triệu Phật tử. Vầng trăng tròn Hạ Nguyên vừa khuất sau rặng Hy Mã Lạp Sơn. 

Thượng tọa xuống máy bay nhưng hành lý không xuống. Tất cả đều bị để lại đâu đó trên hành trình dài, ngoại trừ cuốn Kỷ Yếu. 

Thượng tọa đã chuẩn bị mọi thứ lễ nghi cúng dường nếu được đảnh lễ Đức Đạt Lai Lạt Ma nhưng khi đến nơi thì không có gì cả. Vì thế, khi được phép đảnh lễ Đức Đạt Lai Lạt Ma Thượng tọa chọn dâng lên Ngài cuốn Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ thay vì mang theo để tiếp tục cuộc hành hương. 

Thượng tọa giải thích cho các phụ tá của Đức Đạt Lai Lạt Ma biết bức hình trong trang bìa là Trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, lãnh đạo tinh thần cao nhất của Phật Giáo Việt Nam, vừa viên tịch. Đức Đạt Lai Lạt Ma, sau khi được các phụ tá bạch lên ngài, đã xúc động nhận món quà cúng dường đầy ý nghĩa. 

Ngài có lẽ không đọc được tiếng Việt nhưng khi nhìn ánh mắt tinh anh sâu thẳm của thiền sư Việt Nam trong chiếc áo màu nâu đơn giản Ngài cảm nhận ra được đó là một nhà tư tưởng Phật Giáo lớn, không phải riêng của Phật Giáo Việt Nam thôi mà của Phật giáo thế giới nói chung. Ngài nhận cuốn kỷ yếu và hãnh diện giới thiệu đến chư tăng ni Tây Tạng, Việt Nam và đại chúng đang có mặt để cùng xem hình ảnh một bậc cao tăng vừa viên tịch.

Ngày 30 tháng 11, Đức Đạt Lai Lạt Ma gởi điện phân ưu đến Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong đó có viết: “Tôi rất đau buồn khi được biết Trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ vừa viên tịch ở tuổi 81. Tôi xin dâng lời cầu nguyện lên Cố Hòa Thượng và gửi lời chia buồn đến chư Huynh Đệ Pháp Lữ của Cố Hoà Thượng cũng như đông đảo Phật Tử của Ngài. Tôi được biết rằng Cố Trưởng lão Hòa Thượng đã tận tụy cống hiến hết mình để phụng sự tha nhân. Mặc dù Ngài ấy không còn ở bên cạnh chúng ta nữa; nhưng chúng ta cũng cảm thấy được an ủi rằng Cố Trưởng lão Hòa Thượng đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa. Cách tốt nhất mà các môn đệ của Cố Trưởng Lão Hòa Thượng có thể bày tỏ lòng kính trọng đối với Ngài ấy là noi theo tấm gương của Ngài ấy đã cống hiến hết mình để phụng sự tha nhân. Với những lời cầu nguyện chân thành!”

Quyết định dễ thương của Huynh trưởng Tâm Thường Định khi “cung thỉnh Ôn đi hành hương Ấn Độ” và quyết định sáng suốt của vị Thượng tọa chọn dâng Kỷ Yếu lên Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ diễn ra trong khoảnh khắc. Thế nhưng, sợi tơ nhân duyên giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ không hoàn thành từ những khoảnh khắc đó mà đã được đan dệt trong hằng hà sa số kiếp. Cánh hoa Đàm vừa nở trong một lần hạnh ngộ của hai Ngài. 

Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ không phải là một tác phẩm lớn về văn chương hay học thuật như nhiều tác phẩm mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được tặng trước đây. Thế nhưng Ngài trân quý bởi vì nhờ chiếc cầu nhân duyên đó mà hai Ngài đã gặp nhau.

Hành trạng của hai bậc đại tăng có nhiều điểm giống nhau. Một người lưu vong trên đất khách 64 năm chưa trở về và một người lưu vong trên chính quê hương mình với một án tử hình, 17 năm tù đày và ba lần bị quản thúc. 

Dù bản thân hai Ngài chịu đựng biết bao khó khăn thử thách nhưng thay vì gieo rắc hận thù hai Ngài đã dành hết cả đời để hoằng dương Chánh Pháp của đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni. Mỗi Ngài là tác giả của hàng trăm tác phẩm Kinh Luật Luận uyên thâm bên cạnh tình yêu sâu đậm dành cho dân tộc. Tình thương là ngọn nến không bao giờ tàn.

Hôm nay, hai bậc đại tăng, một vị vừa từ giã quê hương Việt Nam ra đi và một vị còn đang sống lưu vong nơi xứ người. Dù không cùng sinh ra trên một đất nước nhưng cùng mang một đại nguyện vô úy cao dày như Hy Mã Lạp Sơn và một tâm từ bi như nước Sông Hằng cuồn cuộn. 

Cuối cùng, sông núi gặp nhau.

Thị Nghĩa Trần Trung Đạo

Friday, November 24, 2023

Hoà Thượng Tuệ Sỹ và GHPGVNTN trong dòng sống của dân tộc và hướng đi của thời đại

Hòa thượng Tuệ Sỹ biết mình thân đang mang trọng bệnh. Khó khăn duy nhất mà ngài không thể vượt qua là thời gian. Vì không có đủ thời gian để làm hết những điều mình mong muốn nên Hòa thượng ưu tiên hóa những đề án, những công việc phải làm.

Thị Nghĩa Trần Trung Đạo


Dù đứng từ góc cạnh nào, không ai có thể phủ nhận vai trò và sự đóng góp của Phật giáo vào dòng sống của dân tộc Việt. Đạo Phật là một tôn giáo rất đặc biệt trong nền văn minh nhân loại vì đáp ứng được các khao khát của con người theo từng thời đại không phân biệt màu da hay sắc tộc.

Kinh điển giống nhau nhưng đạo Phật mang sắc thái riêng khi đến mỗi quốc độ để từ đó có Phật giáo Nhật Bản, Phật giáo Trung Hoa, Phật giáo Thái Lan, Phật giáo Việt Nam v.v... Nhưng đạo Phật tại Việt Nam rất khác. Đạo Phật Việt Nam hòa tan trong tâm hồn mỗi con người. Tinh thần Phật giáo bàng bạc trong lời ru của mẹ, lời dạy bảo của cha. Một câu thơ, câu văn được các tác giả viết ra đã có tư tưởng Phật giáo dù tác giả không phải là một tín đồ Phật giáo.

Khi dừng chân tại Việt Nam, đạo Phật không chỉ đem lại cho con người những phương tiện cần thiết để đạt đến giải thoát, an lạc như tại nhiều nơi khác mà còn dung hóa và dung hợp một cách hài hòa vào dòng sống dân tộc, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức của dân tộc và là thành lũy tinh thần để bảo vệ Việt Nam.

Sau nhiều trăm năm bị đóng khung trong tứ thư ngũ kinh Nho giáo rồi Trịnh Nguyễn phân tranh, dân tộc Việt lại phải đối diện với Thực dân xâm lược. Ông bà chúng ta bàng hoàng trước sức mạnh cơ khí của Thực dân. Việt Nam trở thành một thuộc địa của Pháp nhưng tinh thần Việt Nam được hun đúc suốt nhiều ngàn năm không vì thế mà mất đi. Dòng văn hóa vẫn tiếp tục chảy dù phải chảy qua những vách đá cheo leo và có khi phải nhỏ từng giọt xuống trái tim người yêu nước.

Người Việt quan tâm đứng trước hai chọn lựa, (1) đi vay mượn các chủ thuyết ngoại lai, mượn súng đạn của ngoại bang về để “giải phóng dân tộc”, thực chất là thay một hình thức nô lệ này bằng hình thức nô lệ khác, (2) nâng cao nhận thức văn hóa, xã hội, chính trị phù hợp với hướng đi thời đại kết hợp với phát huy nội lực dân tộc để tự khai hóa chính mình thay vì “bị khai hóa” bởi thực dân.

Để tồn tại, vượt qua và vươn lên, chư tổ Phật giáo chọn con đường thứ hai. Con đường đó không phải tìm đâu khác, không vay mượn của ai khác mà trở về và phát huy những tố chất uyên nguyên của dân tộc. Nội dung của hành trình về nguồn đó chính là phong trào chấn hưng Phật giáo bắt đầu vào những năm cuối của thập niên 1920.

Giống như ngài Anagarika Dharmapala (1864-1933), nhà văn và nhà đấu tranh cho nền độc lập Tích Lan, các tổ Khánh Hòa, Giác Nguyên, Khánh Anh, Giác Tiên, Phước Huệ, Tố Liên, Trí Hải… của Việt Nam cũng đã rời những thiền phòng để chống gậy trúc đi vào lòng đất nước. Các ngài lắng nghe nỗi đau của dân tộc, đánh thức tinh thần yêu nước, độc lập tự chủ trong lòng mỗi người dân Việt để qua đó phục hưng dân tộc bằng phương tiện giáo dục bởi vì chỉ nâng cao nhận thức mới có thể chuyển hóa hai nguồn bạo lực đến từ Tây phương gồm chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa cộng sản.

Con đường chấn hưng Phật giáo như chư tổ vạch ra là một con đường dài, cần nhiều thời gian và đầy khó khăn nhưng là con đường đích thực.

Sau nhiều thăng trầm, gian khó và hy sinh, cuộc hành hương về nguồn cội đó đã dẫn đến sự ra đời của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) vào tháng Giêng, 1964 tại Chùa Xá Lợi, Sài Gòn. “Thống Nhất”, trong ý nghĩa đó không chỉ là một tập hợp mang tính hình thức của 11 giáo phái ký tên trong Hiến chương 1964 mà là bước phát triển cao hơn của một truyền thống đã có từ nhiều ngàn năm.

Được thành lập trong một giai đoạn lịch sử đầy ngộ nhận, GHPGVNTN dễ được hiểu như là kết quả của một biến cố chính trị. Biến cố có thể là “điểm vỡ” để GHPGVNTN được hình thành nhưng các giá trị hàm chứa trong Hiến chương 1964 của GHPGVNTN không đơn giản chỉ là kết quả của việc đổi thay một chế độ.

Từ đó đến nay, GHPGVNTN là nơi giữ gìn các giá trị tinh thần, các truyền thống văn hóa, lịch sử hai ngàn năm và sau này của Phật giáo Việt Nam. Dù bụi phủ, dù rêu phong căn nhà GHPGVNTN vẫn là căn nhà chính danh và chính thống của mọi người con Phật Việt Nam.

Lịch sử của GHPGVNTN từ khi ra đời tháng Giêng, 1964 cho tới khi Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ chính thức đảm nhiệm chức vụ Chánh Thư Ký kiêm Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống đã gần 60 năm với không biết bao nhiêu gian khó.

Đạo Phật tại Việt Nam không chỉ gồm một nhóm nhỏ những tu sĩ bị tha hóa mà chúng ta thường nghe hay thấy tại Việt Nam. Ẩn mình trong đám mây đen là ánh sáng của vầng dương trí tuệ và che giấu dưới lớp rêu xanh là những viên ngọc từ bi nhẫn nhục. Hàng ngàn, hàng vạn tăng sĩ Phật giáo đang âm thầm chuyên tâm tu tập chờ cơ hội đóng góp thiết thực cho đạo pháp và dân tộc. Các bậc Như Lai Trưởng Tử đó đang dâng hiến cuộc đời cho Phật giáo Việt Nam và Dân tộc Việt Nam trong nhiều cách khác nhau trên khắp ba miền đất nước. Họ có thể chưa nghe nhiều về GHPGVNTN hay chưa đứng hẳn về phía GHPGVNTN. Nhưng không sao. Tất cả vẫn còn đó. Một mai khi có điều kiện thuận lợi chư tôn đức tăng ni sẽ gặp nhau trong tinh thần hòa hợp và thanh tịnh tăng đoàn dưới một mái nhà GHPGVNTN.

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN viên tịch ngày 22 tháng 2, 2020. Trong di chúc, ngài ủy thác quyền điều hành Viện Tăng Thống cho Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ: “đứng đầu vào vị trí của Viện Tăng Thống bảo đảm tiếp tục sứ mệnh của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong tương lai. Tôi hoàn toàn tin tưởng và ủy thác trọng trách này cũng như trao toàn quyền cho Hòa thượng Tuệ Sỹ điều hành mọi hoạt động của Giáo Hội.” (Quyết Định Số T4/QĐ/TT/VTT của Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN)

Tinh hoa và trí tuệ bộc phát trong những ngày tháng cuối đời giúp Đệ Ngũ Tăng Thống nhìn lại con đường giáo hội đã đi qua và thấy rõ hơn con đường trước mắt mà đạo Phật Việt Nam phải hướng tới. Ngài trao trọng trách cho Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ bởi vì, ngoài cơ sở pháp lý là Hiến chương GHPGVNTN và bên cạnh sự thông minh, uyên bác nhiều lãnh vực, Hòa thượng Tuệ Sỹ trước hết vẫn là con người văn hóa và có một tầm nhìn rất xa về tương lai Dân tộc và Phật giáo.

Là một bậc cao tăng dâng hiến cả cuộc đời cho Đạo pháp và Dân tộc, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ biết cuộc vận động chấn hưng Phật giáo từ thập niên 1920 chưa dừng lại mà là một tiến trình liên tục và phải bắt đầu ngay từ nền móng. Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Tuệ Sỹ một cánh cửa mới sẽ mở ra để GHPGVNTN bước đi cùng thời đại.

Hòa thượng Tuệ Sỹ biết mình thân đang mang trọng bệnh. Khó khăn duy nhất mà ngài không thể vượt qua là thời gian. Vì không có đủ thời gian để làm hết những điều mình mong muốn nên Hòa thượng ưu tiên hóa những đề án, những công việc phải làm. Tất cả chỉ vì một mục đích như ngài viết trong Thông Bạch Thỉnh Cử Hội đồng Hoằng pháp: “mang ngọn đèn chánh pháp đến những nơi tăm tối, cho những ai có mắt để thấy, dựng dậy những gì đã sụp đổ, dựng đứng những gì đang nghiêng ngả.”

Nội dung Phật chất chứa đựng trong Hiến Chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (tu chính ngày 12.12.1973) hoàn toàn không thay đổi nhưng đưa đến cho mọi người ở mọi nơi bằng những phương tiện nhanh chóng chưa từng có nhờ kết quả của cuộc cách mạng tin học cuối thế kỷ 20.

Trong “thế giới phẳng” ngày nay, khoảng cách không gian và thời gian không còn là những trở ngại mà là những tiện nghi cần được tận dụng. Kết quả thấy rõ, chỉ trong vòng chưa tới hai năm Tạng Thanh Văn 29 cuốn trong Tam Tạng Kinh Điển đã được ấn hành và công bố. Kỳ diệu thay! Sau gần nửa thế kỷ ngưng trệ vì nhiều lý do nhưng những lời dạy của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni vẫn tiếp tục chảy vào dòng văn hóa Việt Nam và dòng văn minh nhân loại.

Hòa thượng Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống cũng biết việc mở cánh cửa, dựng lối vào cũng chỉ là phương tiện, đào tạo tăng tài để bước vào cánh cửa đó mới chính là mục tiêu quan trọng của GHPGVNTN hôm nay và mai sau. Một căn nhà đẹp bao nhiêu nhưng không được gìn giữ, sửa sang, một ngày cũng dột nát và sụp đổ. Truyền thống nếu không biết phát huy sẽ sớm trở thành một thói quen lạc hậu.

Sau thời gian bị bệnh Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký kiêm Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN, Chủ Tịch Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, Cố Vấn Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN, đã viên tịch đúng 4 giờ chiều ngày 24 tháng 11 năm 2023 nhằm ngày 12 tháng 10 năm Quý Mão, Phật lịch 2567 tại Phương Trượng Đường Chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai, Việt Nam, trụ thế 79 năm, 41 hạ lạp.

Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Đại Lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là ba bậc tôn đức khai sáng một thời đại mới của Phật giáo Việt Nam.

Dù dốc đá cheo leo, dòng Suối Từ vị diệu vẫn chảy dài theo lịch sử dân tộc. Mỗi thời kỳ đều có những bậc cao tăng thạc đức đứng ra chèo lái con thuyền đạo pháp. Công đức của các ngài sẽ không rơi vào quên lãng mà đã nở thành những bông Hoa Đàm làm đẹp con đường hoằng dương Chánh Pháp của đức Thế Tôn.

Nhiều người lo lắng, một mai khi các bậc cao tăng thạc đức của GHPGVNTN viên tịch, các thế hệ tăng sĩ và Phật tử sau này sẽ không biết gì về GHPGVNTN. Xin đừng bi quan. Lịch sử nhân loại đã chứng minh, bạo lực có thể thay đổi một thể chế nhưng không thể xóa đi một nền văn hóa và GHPGVNTN là một phần không thể thiếu của nền văn hóa Việt Nam.

Không một bậc cao tăng thạc đức nào thật sự ra đi. Hành trạng của quý ngài vẫn in dấu sâu đậm trong lòng Dân Tộc và Đạo Pháp. Tác phẩm của các ngài viết, những lời dặn dò của các ngài sẽ còn mãi mãi. Tiếng dương cầm vẫn réo rắt vọng theo dòng Suối Từ Bi. Đời người “như sương mai, như ánh chớp, mây chiều” như Hòa thượng viết trong thơ nhưng ngọn lửa tin yêu và hy vọng không bao giờ tắt cho đến khi nào dân tộc Việt Nam còn tồn tại trên mặt đất này.


Nguồn: VOA

Wednesday, September 27, 2023

Thị Nghĩa Trần Trung Ðạo: Tiếng Vọng Của Suối Từ

 

Thầy Tuệ Sỹ bên tháp Ôn Ðổng Minh (Ảnh: Tâm Nhãn)

“Cầu mong các con có đủ dũng mãnh để đi bằng đôi chân của mình, nhìn bằng đôi mắt của mình; tự xác định hướng đi cho chính mình. Thầy sẽ là người bạn đồng hành với các con trên đoạn đường bóng xế của đời mình.” 

Đó là câu kết luận trong lá thư Thượng Tọa Tuệ Sỹ gởi các tăng sinh Huế. Mặc dù thầy viết riêng cho các tăng sĩ trẻ còn đang tu học trong nước, lá thư đã làm xúc động hàng triệu trái tim người con Phật ở mọi nơi, mọi giới, trong đó có tôi. Không một người Phật Tử nào, đọc xong những lời nhắn nhủ thiết tha như những lời trối trăn thống thiết của Thượng Tọa Tuệ Sỹ mà không cảm thấy xót xa thương mến. Xót xa thương mến thầy, xót xa thương mến cho số phận của Dân Tộc và Đạo Pháp. Vẫn biết rằng mai đây “ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dần mục nát” như thi hào Vũ Hoàng Chương đã viết trong Lửa Từ Bi, nhưng tôi tin, những lời nhắn nhủ từ trái tim của một bậc thầy đáng kính sẽ mãi mãi như giòng suối Từ, dài vô tận, rộng bao la, đã chảy hơn hai ngàn năm lịch sử và sẽ chảy qua nhiều thế hệ Phật Tử Việt Nam. Cũng bên dòng suối Từ ngọt ngào đó, chúng tôi, những đoàn viên Gia Đình Phật Tử Việt Nam, đã gặp nhau, đã từng chia nhau từng ngụm nước trong lành của tình thương và trí tuệ. Và vì thế, những cảm nhận được ghi lại ở đây, là những cảm nhận của một đoàn viên Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Tôi đến với đạo Phật từ năm bảy tuổi qua ngưỡng cửa của Gia Đình Phật Tử. Tôi đến với đạo Phật không phải vì đặc tính huyền bí linh thiêng tôn giáo nhưng đơn giản vì đạo Phật đem lại cho tôi những món ăn tinh thần mà tôi cần từ thuở chào đời: tình thương và lòng tha thứ. Tôi kính yêu Đức Phật bởi vì ngài bắt đầu hành trình giải thoát như một con người. Ngài đã từ chối cuộc sống cao sang, bỏ lại sau lưng cung vàng điện ngọc, mang chiếc bình bát đựng đầy ắp tình thương đi vào thế giới khổ đau của nhân loại trong một chiếc áo vàng và đôi chân đất. Nhiều nhà khoa học, kể cả Albert Enstein, đến với đạo Phật không phải vì đức Phật là đấng giác ngộ siêu nhiên nhưng vì ngài là nhà khoa học, nhà giáo dục, là người thầy đạo đức của con người. Đạo Phật không ban cho con người cứu cánh nhưng giúp cho con người những phương tiện cần thiết để tự đạt tới cứu cánh an lạc cho chính mình.

Tôi cũng yêu Gia Đình Phật Tử, tổ chức hướng dẫn thanh thiếu niên tu học theo tinh thần Phật Giáo. Gia Đình Phật Tử thắp lên trong hồn tôi ngọn lửa tin yêu để đời tôi không còn lạnh lùng, không còn cô đơn và không còn sợ hãi. Tôi có anh, có chị, có em. Gia đình tôi không còn heo hút dưới rặng tre già hiu quạnh, nhưng đã đông vui, nhộn nhịp hẳn lên. Tôi cảm nhận được rằng tình thương không phải nằm trong lời rao giảng suông nhưng là một điều có thật. Tôi được dạy để thương yêu nhân loại và chúng sinh như thương yêu chính bản thân mình. Gia Đình Phật Tử dạy tôi cách sống hòa mình vào tập thể, cho tôi thấy được sự quan trọng và trách nhiệm của một con người trong cộng đồng xã hội, biết sống cho mình và sống cho người khác. Tôi học cách mở mang sự hiểu biết trong tinh thần Phật Giáo khoa học, khai phóng và dung hợp. Gia Đình Phật Tử không những dạy tôi làm người phải sống cho một mục đích hướng thiện và nhân bản nhưng cũng can đảm chấp nhận những khó khăn để đạt tới mục đích tốt đẹp đó. Ngày tôi rời làng quê ở xứ Quảng ra đi, hành trang trí thức của tôi không có gì ngoài Bi Trí Dũng.

Thế hệ của tôi, từ đó lớn lên trong mùa bão lửa ngút ngàn của quê hương với bao nhiêu khó khăn vất vả. Nhưng càng vất vả bao nhiêu tôi càng biết cám ơn hạt giống Bi Trí Dũng do Gia Đình Phật Tử gieo trồng trong tâm hồn thơ ấu của tôi. Năm 1981, tôi rời tổ quốc ra đi theo tiếng gọi tự do. Nước biển Đông mênh mông, rừng phương Tây bát ngát, nhưng trong những đêm khuya, như con nai lạc nhớ về đoàn, về đội, tôi vẫn lắng tai nghe tiếng hú thân quen vọng về từ ký ức.

Ký ức của tôi về Gia Đình Phật Tử từ khi bảy tuổi cho đến ngày nay thì rất nhiều. Chuyện vui và chuyện buồn. Chuyện để mỉm cười và những chuyện đã làm tôi rơi nước mắt trong mỗi lần nhớ lại. Tuy nhiên, hình ảnh làm tôi nhớ và cảm động nhất vẫn là buổi chiều Chủ Nhật đầu năm 1977 khi tôi đến chùa Ấn Quang để thăm bổn sư tôi khi nghe tin thầy từ Hội An vào dự đại hội lần thứ bảy của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Tôi vừa không có tư cách đại biểu và vừa ngại công an dòm ngó, nên chỉ biết ngồi trong quán Café bên kia đường Sư Vạn Hạnh để chờ thầy họp xong. Thầy tôi không vào tham dự đại hội nhưng tôi không biết nên vẫn cứ chờ mãi từ buổi trưa cho đến lúc trời chiều. Chùa Ấn Quang, cách đó hai năm là trung tâm điều hành Phật sự của Phật Giáo Việt Nam, hằng ngày tấp nập kẻ đến người đi, giờ đây là một ngôi chùa vắng vẻ. Trong đại hội trước, chùa Ấn Quang với những ống kính truyền hình, tiếng phóng viên trực tiếp truyền thanh của các hãng tin quốc tế, nhộn nhịp bao nhiêu, đại hội lần này diễn ra trong im lặng bấy nhiêu. Các “cư sĩ Phật Tử”, các “đệ tử trung thành”, các “chính trị gia Phật Giáo”, các “người hùng cách mạng”, v.v. đã không còn trở lại. Ngọn gió công danh đã thổi họ về hướng khác. Nhiều trong số họ đã sang Mỹ, sang Pháp, sang Anh. Một số khác còn ở lại và đang tiếp tục kiếm sống bằng nghề cũ, nhưng đã thay lời rao “dân tộc và đạo pháp”, bằng lời ca tụng “dân tộc và chủ nghĩa xã hội” để thích hợp hơn với xu hướng chính trị của thời đại mới.

Trong lúc tôi đang miên man suy nghĩ về thế thái nhân tình trong quán Café bên đường Sư Vạn Hạnh, thì một Gia Đình Phật Tử khoảng 20 em, vài em ngành thanh, một số ngành thiếu và khá đông ngành oanh vũ bước vào chùa. Họ chở nhau bằng xe đạp. Các em lớn, chắc để tránh dòm ngó, đã mặc thêm bộ đồ thường, khi bước vào chùa mới cởi áo ngoài ra. Tôi không biết họ thuộc đơn vị nào vì tôi không nhớ chùa Ấn Quang có Gia Đình Phật Tử riêng. Không giống như ngoài Trung, mỗi chùa thường có một Gia Đình Phật Tử, và ngoại trừ những ngày lễ lớn, các gia đình sinh hoạt cố định trong sân chùa hay trong đoàn quán mình, các Gia Đình Phật Tử Sài Gòn Gia Định, có khi sinh hoạt luân lưu ở các chùa trong thành phố. Tiếng còi quen thuộc lại được thổi lên. Cả đoàn nghiêm chỉnh bắt ấn Tam Muội, hát bài Sen Trắng để chào đoàn kỳ, trước khi lắng nghe anh huynh trưởng dặn dò đôi điều cần thiết. Tôi ngồi khá xa, không nghe anh nói gì nhưng qua khuôn mặt nghiêm trang đượm một màu buồn, tôi thầm nghĩ, chắc anh không có gì vui để gởi gắm cho các em ngoài tình thương và niềm hy vọng. Gần một giờ sau, cả đoàn sắp thành một vòng tròn nhỏ, cầm chéo tay nhau và hát bài Dây Thân Ái trước khi tan hàng. Tôi nghe lòng mình cũng hát: “Dây Thân Ái lan rộng muôn nhà. Tay sắp xa nhưng tim không xa. Vui tươi ta biết trong lòng nhớ lòng. Ca hát vang không gian đơm hoa. Đường tuy xa nhưng tình bao la. Tiến bước theo hương thơm nhà lưu truyền. Dù cách xa ngàn dặm nhưng gần. Gan thép ta chia tay đừng buồn.”

Nhìn các em đi ra khỏi chùa, lòng tôi chợt dâng lên một niềm đau xót như chính mình đang trong cuộc chia ly. Tôi nhìn theo bóng các em khuất dần phía cuối con đường. Những con nai tơ tội nghiệp kia vẫn vô tình reo vui bên bờ suối mà không biết phía sau lưng bầy sói dữ đang chờ. Tôi tự hỏi, họ cầm tay nhau hôm nay, không biết tuần sau có còn được cầm tay nhau nữa hay không. Họ gặp nhau hôm nay, tuần sau có còn gặp lại nhau đông đủ như thế nữa hay không. Không ai có thể trả lời khi cả nước đang bị quay cuồng trong cơn lốc. Các công trình thủy lợi, chính sách kinh tế mới, các buổi mít-tinh thức chờ trắng mắt, các chiến dịch lượm lon, lượm giấy, các kế hoạch nhỏ, các buổi học tập “Năm điều Bác Hồ Dạy” sẽ một ngày không xa, cuốn hút tâm hồn chân thiện mỹ của các em vào quỹ đạo của lọc lừa và dối trá. Tôi lo cho các em, lo cho số phận của tổ chức đã hun đúc tôi nên người, lo cho tương lai của Phật Giáo Việt Nam, và tương lai của quê hương Việt Nam mà tôi yêu tha thiết. Tương lai đất nước Việt Nam sẽ ra sao khi một đứa bé mới lớn lên mỗi ngày phải học thuộc lòng những câu đầy sắc máu: “Hạnh phúc tính theo đầu người, là anh giết được bao nhiêu giặc Mỹ. Như cây yêu đời sinh được mấy muôn hoa. Giết chúng đi, chỉ còn một đường thôi : giết chúng. Ôi hôm nay lòng ta như họng súng.” (Suy Nghĩ 1966, thơ Chế Lan Viên). ” Ôi hôm nay lòng ta như họng súng”!, nếu trước 1975, có ai bảo tôi đó là thơ Chế Lan Viên, tác giả của Điêu Tàn với những câu thơ rất dể thương “Có một người nghèo không biết Tết. Mang lì chiếc áo độ thu tàn. Có đứa trẻ thơ không biết khóc. Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran” mà tôi thuộc nằm lòng từ ngày biết đọc văn thơ, tôi chắc chắn không tin.

Tôi cũng vô cùng kính phục tinh thần can đảm của anh huynh trưởng mà tôi chưa có dịp biết tên anh. Thật ra, lúc đó tôi cũng không có ý định tìm hiểu tên anh, bởi vì, ngay giữa tâm hồn tôi, anh đã có một cái tên rất đẹp: Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Anh như con chim đầu đàn đang bay ngược chiều cơn bão lớn, cố giương đôi cánh tả tơi để che chở cho đám chim non. Tôi đau xót nghĩ đến bao nhiêu sự bức chế mà các cấp huynh trưởng Gia Đình Phật Tử đã phải chịu đựng từ sau 1975. Tôi vẫn nhớ lời Hòa Thượng Thích Long Trí nói với tôi trong dịp về Hội An thăm ngài vào năm 1976: “Công việc chính của thầy bây giờ là đi thăm nuôi.” Ý thầy muốn nhắc đến việc nhà cầm quyền lần lượt bắt giam hay gây khó dể các huynh trưởng Gia Đình Phật Tử tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng sau 1975. Không một đại lễ Phật Đản, Vu Lan, Phật Thành Đạo nào mà không có cảnh bắt bớ, tự phê, tự kiểm theo sau. Những trấn áp, đe dọa đó đã làm các huynh trưởng Hạnh Minh Hồ Tấn Anh, Hứa Văn Xuân của Gia Đình Phật Tử Quảng Nam, không còn chọn lựa nào khác hơn là thắp lên ngọn đuốc để đánh thức lương tri nhân loại, bằng chính nhục thể của mình.

Tôi nhớ lại cảnh Hòa Thượng Thích Trí Độ, lãnh đạo tinh thần tối cao của Phật Giáo miền Bắc, trong chiếc áo sơ-mi trắng ngắn tay, già nua run rẩy trên khán đài đưa tay hoan hô đả đảo theo đám thiếu nhi quàng khăn đỏ trong buổi “diễu binh mừng chiến thắng” trước dinh Độc Lập mấy ngày sau 30-4-1975, tôi cảm thấy đau xót và xấu hổ. Hòa Thượng Thích Trí Độ, bổn sư của nhiều cao tăng Phật Giáo mà tôi từng nghe ca ngợi là cụ già mặc áo sơ-mi trắng đó hay sao?. Đâu là uy nghiêm của một bậc tôn sư? Đâu là danh dự của một tôn giáo có lịch sử dài hai mươi thế kỷ? Một chiếc áo tràng nâu ngài cũng không được mặc đừng nói gì là giáo hội, là tiền đồ đạo pháp. Sau này, có dịp hỏi thăm một giáo sư từ miền Bắc vào tiếp quản trường Luật về tình hình Phật Giáo miền Bắc, tôi biết Phật Giáo miền Bắc gần như không còn gì cả. Những ngôi chùa nổi tiếng như Trấn Quốc, chùa Thầy, chùa Đậu, chùa Dâu, chùa Tây Phương, chùa Hương Tích, v.v… chỉ là những di tích lịch sử của một thời phong kiến xa xưa còn để lại. Phật giáo Việt Nam, nếu may mắn được nhắc đến, chỉ là Phật Giáo của đời Lý, đời Trần, Phật Giáo của Lý Công Uẩn, của Trần Thái Tông, chứ không phải Phật Giáo của thời ngài Tố Liên, ngài Vĩnh Nghiêm, ngài Tuệ Tạng. Đảng và nhà nước Cộng Sản nghiên cứu Phật Giáo Lý Trần chỉ để chứng minh tính thời đại, tính lịch sử đã qua của Phật Giáo như một món đồ cổ văn hóa, dấu vết của một thời vang bóng chứ không nhằm khai triển và phát huy các tinh hoa vượt thời gian và vượt không gian của Phật Giáo. Trong suốt mấy mươi năm, Phật giáo miền Bắc không được phép xây thêm một ngôi chùa nào, không được phép xây dựng một Phật Học Viện nào, không được phép tổ chức một Giới Đàn nào và dĩ nhiên cũng không đào tạo được thế hệ tăng ni nào cả.

Sau 28 năm, mặc dù văn minh thế giới và trào lưu tư tưởng con người đã đạt rất nhiều tiến bộ, cơn bão vô thần càn quét suốt 28 dài trên đất nước Việt Nam đầy bất hạnh vẫn chưa dừng. Nhân loại đã bước vào kỹ nguyên dân chủ đa nguyên. Năm 1974, chỉ có 41 nước trong số 150 quốc gia trên thế giới theo chế độ dân chủ, phần lớn là các quốc gia kỹ nghệ tân tiến Châu Âu. Năm 1990, ba phần năm tổng số quốc gia trên thế giới theo chế độ dân chủ. Từ anh chăn cừu trên thảo nguyên Mông Cổ cho đến người thợ mỏ Nam Phi đều đã có quyền chọn lựa người lãnh đạo cho đất nước mình. Dân chủ đã trở thành một hiện tượng toàn cầu (a global phenomenon). Thế nhưng Việt Nam thì không hay ít nhất thì chưa. Dân chủ tại Việt Nam vẫn là con đường một chiều dành riêng cho các lãnh tụ cao cấp của đảng Cộng Sản Việt Nam. Dân tộc Việt Nam vẫn tiếp tục sống như một đàn chim trong chiếc lồng sắt, không hay biết gì về thế giới bên kia. Thật đúng như chị Vũ Thúy Hà, vợ của bác sĩ tù nhân Phạm Hồng Sơn, phát biểu trong bài phỏng vấn ký giả Evan Williams trên đài ABC Úc mới đây: “Chúng tôi thường nghe đến dân chủ nhưng thú thực chưa bao giờ biết nó là cái gì cả.”

Sau 28 năm, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đại diện của truyền thống hai ngàn năm Phật Giáo Việt Nam, vẫn tiếp tục bị đàn áp. Những chùa chiền, thiền viện, tự viện không chịu tuân phục chỉ thị của đảng, không chịu khép mình vào bộ máy lãnh đạo của đảng, đã bị ức chế trăm điều. Đảng Cộng Sản Việt Nam không những chỉ xúc phạm đến Phật Giáo Việt Nam nhưng còn xúc phạm truyền thống đạo đức, vốn là một phần quan trọng của nền tảng văn hóa dân tộc Việt Nam.

Lá thư của thầy Tuệ Sỹ cũng nhắc đến bao gương hy sinh cao quý mà nhiều thế hệ tăng ni đã phải hy sinh cho đạo pháp và dân tộc. Thầy viết: “Di sản được tích lũy ròng rã hằng thế kỷ, bằng bao tâm tư qua bao khổ lụy đau thương, bằng máu và nước mắt của biết bao Tăng Ni, Phật tử; mà những người gầy dựng nên di sản đó bằng bi nguyện và hùng lực của mình, có vị bị bức tử bởi bạo quyền, có vị suốt năm tháng dài chịu tù đày, bị lăng nhục. Nhưng sống hay chết, vinh hay nhục, không làm dao động tâm tư của những ai biết sống và chết xứng đáng với phẩm cách của con người, không hổ thẹn với phẩm hạnh cao quý của bậc xuất gia.” Thầy Tuệ Sỹ không viết danh hiệu các bậc tôn đức tăng ni tử đạo hay đang mang gánh nặng dân tộc và đạo pháp trên vai, nhưng là người Phật Tử Việt Nam, làm sao chúng ta có thể quên, trên mỗi bước chân chúng ta đi hôm nay vẫn còn nghe vọng lại niềm đau nhức của bao nhiêu bậc tôn sư và tiền nhân đi trước.

Lịch sử Phật Giáo Việt Nam sẽ mãi mãi ghi đậm hình ảnh các tăng ni và đồng bào Phật tử các giới đã hy sinh trong mùa pháp nạn 1975. Hình ảnh các tăng ni đã tự thiêu tập thể tại chùa Dược Sư Cần Thơ cuối năm 1975. Hình ảnh của cố Hòa Thượng Thiện Minh bi hỏi cung, hành hạ đến chết và xác bị đem ra chôn ngoài bìa rừng Hàm Tân năm 1978. Hình ảnh ngài Quảng Độ cùng với bà mẹ già 80 tuổi bị đày ra một ngôi chùa hẻo lánh, sống trong khó khăn, đói khát ở Thái Bình từ năm 1982. Hình ảnh Hòa Thượng Huyền Quang, lãnh đạo tinh thần tối cao của Phật Giáo Việt Nam, bị công khai sỉ nhục trên đài truyền hình năm 1980. Hình ảnh cố huynh trưởng Hạnh Minh Hồ Tấn Anh tự thiêu trong ngày 2 tháng 9 năm 2001. Hình ảnh thân xác cháy đen của huynh trưởng Hứa Văn Xuân tự thiêu ở chùa Lan Hương tỉnh Quảng Nam tháng 10 năm 2001. Và bao nhiêu sự hy sinh âm thầm của những bậc bồ tát, các thánh tử đạo khác đã vì an lạc của đồng bào và tương lai của đạo pháp mà phát tâm hoàn thành đại nguyện.

Trong khoảnh khắc ngậm ngùi lo lắng cho quê hương và đạo pháp, lá thư của thầy đã vực tôi về lại với con đường chánh: “Các con hãy tự rèn luyện cho mình một tín tâm bất hoại; một đức tính dũng mãnh vô úy; nỗ lực tự huân tập trí tuệ bằng văn, tư, tu để nhìn rõ sự tướng chân ngụy, để thấy và biết rõ mình đang ở đâu, đang đi về đâu; không nhắm mắt phóng càn theo cỗ xe lộng lẫy bên ngoài nhưng rệu rã bên trong, đang lao xuống dốc dài không định hướng.” Thưa vâng. Giống như hình ảnh vô úy của anh huynh trưởng đứng trong sân chùa Ấn Quang năm 1977, tôi dặn lòng hãy giữ lấy niềm tin vào chánh pháp và trung thành với lý tưởng của một đoàn viên Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Đạo Phật là đạo của tình thương và tình thương chính là kỳ quan tinh thần vĩ đại nhất của văn minh nhân loại. Vó ngựa của đạo quân Hồi Giáo đã san bằng trung tâm văn hóa Phật Giáo Nalanda, tàn sát hàng triệu Phật Tử Ấn Độ nhưng đạo Phật vẫn tồn tại và phát triễn. Lời Phật dạy sau hơn hai ngàn sáu trăm năm vẫn còn được nghe từ đỉnh Hy Mã Lạp Sơn cho đến tận vùng băng tuyết xa xôi của xứ Siberia, Tây Á. Những lời kinh Phật được tụng từ tu viện đơn sơ ở cố đô Anuradhapura, Tích Lan, còn vang vọng đến giãng đường hiện đại của đại học Harvard, nước Mỹ. Cây Bồ Đề đầu tiên nơi đức bổn sư thành đạo bị đốn ngã nhưng hàng trăm triệu hạt giống bồ đề khác đã mọc và lớn lên tươi tốt khắp thế gian. Niềm tin và chân lý bao giờ cũng mạnh hơn cường quyền và bạo lực.

Một đoạn thư khác của thầy Tuệ Sỹ: 

“Một chút phù danh, một chút thế lợi, một chút an nhàn tự tại; đấy chỉ là những giá trị nhỏ bé, tầm thường và giả ngụy, mà ngay có người đời nhiều kẻ còn vất bỏ không tiếc nuối để giữ tròn danh tiết. Chớ khoa trương bảo vệ Chánh pháp, mà thực tế chỉ là ôm giữ chùa tháp làm chỗ ẩn núp cho Ma vương, là nơi tụ hội của cặn bã xã hội.” 

Đây là một nhắc nhỡ vô cùng quan trọng dành cho mọi người Phật Tử. Thầy cảnh giác các hiện tượng thỏa hiệp, đầu hàng, tiêu cực, sợ hãi đang còn phổ biến trong sinh hoạt Phật Giáo trong nước, cũng như thái độ xa lánh, thờ ơ ở ngoài nước. Xây chùa lớn, chùa đẹp để làm gì trong khi cả một dân tộc đang trầm luân trong độc tài, nghèo nàn, lạc hậu? Đức Phật chẳng đã từng bảo đệ tử dọn cơm cho người ăn mày đói khát được ăn no trước khi nghe pháp hay sao? Thân không an thì làm sao Tâm an được.

Dân Tộc và Đạo Pháp không phải là khẩu hiệu đấu tranh chính trị nhằm lật đổ một chính quyền như một số người đang bôi nhọ mục đích đấu tranh của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hiện nay, nhưng là một thực thể gắn liền từ trong máu huyết của mỗi người Phật Tử Việt Nam. Trong suốt dòng lịch sử, sinh mệnh Phật Giáo Việt Nam bao giờ cũng gắn liền với sinh mệnh dân tộc, cùng vui với niềm vui của đất nước và cùng chia một nổi đau chung của đất nước. Phật giáo không chủ trương độc tôn thống trị và cũng chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam, đã đóng một vai trò như thế. Trong thời đại Lý Trần, thời đại vàng son của Phật giáo Việt Nam, nhiều nhà sư đã tham gia trực tiếp vào việc trị nước chăn dân, và hầu hết vua chúa không những đều là Phật tử mà còn là tổ của các Thiền tông lớn, nhưng không phải vì thế mà Phật giáo trở thành lực lượng thống trị xã hội. Trái lại, các tôn giáo khác tại Việt Nam vẫn tồn tại và có ảnh hưởng quan trọng trong mọi sinh hoạt văn hóa xã hội, thương yêu và gắn bó với nhau. Các nhà vua thời Lý, thời Trần với quyền hạn tuyệt đối, nhưng thay vì xây dựng những đền chùa nguy nga bằng mồ hôi nước mắt của nhân dân, các ngài đã để lại cho chúng ta ngày ngay những tổ đình uy nghiêm, tôn kính nhưng với một kiến trúc vô cùng khiêm nhượng. Tại sao? Đơn giản bởi vì các ngài là những vì vua nhân từ, lãnh đạo một đất nước vừa nghèo khó, vừa phải lo chống đở các triều đại Bắc phương không ngừng xâm lấn. Các ngài đã biết đặt sự an lạc của dân tộc lên trên sự hưng thịnh riêng của tôn giáo mình. Nước và sữa còn có thể phân ly nhưng Đạo Phật Việt Nam và Dân Tộc Việt Nam không thể nào và cũng không ai có thể làm phân ly được. Câu thơ của Hòa Thượng Mãn Giác “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông” mang ý nghĩa vô cùng thân thương và tha thiết như thế đấy.

Khi đọc lần nữa câu kết luận của thầy: “Cầu mong các con có đủ dũng mãnh để đi bằng đôi chân của mình, nhìn bằng đôi mắt của mình; tự xác định hướng đi cho chính mình”, tôi chợt nhớ đến các em ngành thiếu, ngành oanh vũ trong sân chùa Ấn Quang buổi chiều năm 1977. Hai mươi sáu năm rồi, các em oanh vũ ngày xưa đã lớn. Và các em đoàn viên Gia Đình Phật Tử, nếu sinh ra ở hải ngoại trong cùng thời điểm, thì nay cũng đã trưởng thành. Thế hệ của các em lớn lên trong thời bình, không phải trải qua những ngày khốn khó. Nhiều trong số các em đang là những chuyên gia lỗi lạc trong nhiều ngành khoa học kỹ thuật, kinh tế xã hội ở nước ngoài. Nhưng trong tâm hồn các em, dòng suối Từ vẫn chảy, và trái tim của các em vẫn hướng về nơi có bóng Từ Quang tỏa sáng. Các em, chứ không ai khác, phải có trách nhiệm xây dựng lại đoàn, đội của mình một cách thích hợp với môi trường mà các em đang sống. Đừng sợ mất bởi vì mất để còn hơn là cố bám víu nhưng biết rằng sẽ mất vĩnh viễn. Các em, chứ không ai khác, phải biết tự làm vở chiếc vỏ dày bảo thủ trong tâm thức, trong tổ chức của các em, để những mầm xanh Bi Trí Dũng được có cơ hội lớn lên trên nền đất mới. Các em, chứ không ai khác, phải biết bay qua những ao tù nước đọng của quá khứ hoài nghi và định kiến, để phát huy tinh thần Bi Trí Dũng bằng thái độ khai phóng và dung hợp trong thời đại toàn cầu.

Được như thế, tôi tin, một ngày không xa, các em sẽ cùng với hàng trăm ngàn đoàn viên Gia Đình Phật Tử trong nước mang ngọn lửa tình thương, tin yêu và hy vọng thắp sáng bầu trời đất mẹ Việt Nam. Đêm tối sẽ qua đi. Bình minh sẽ đến. Trong sân chùa Trấn Quốc, Từ Đàm, Viên Giác, Ấn Quang, Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi … những con chim oanh vũ lại cất cao tiếng hát. Sau lưng các em sẽ không còn đàn sói già rình rập nhưng là tiếng suối Từ róc rách, tiếng chuông chùa nhè nhẹ êm đưa. Các em sẽ hãnh diện và sung sướng bạch với Hòa Thượng Viện Trưởng: “Vâng, chúng con không còn sợ hãi nữa thầy ơi”. Cám ơn thầy.

Boston 2003
Trần Trung Ðạo
Trích Ðêm Nghe Sông Hằng Hát, Lotus xuất bản, 2017)

PL. 2547
Quảng hương Già lam
Ngày 28. 10. 2003

Các con thương quý,

Trong những ngày gần đây, những biến động tuy làm sửng sốt thế giới nhưng hầu như chỉ làm gợn sóng một ít nơi đây để giữ yên cho giấc ngủ đông miên kéo dài qua hai thập kỷ của Phật giáo Việt nam.

Trong không khí được bao trùm bởi trạng thái ứ đọng của vũng nước ao tù, bị cắt đứt với mạch nguồn quá khứ, bị che chắn khuất tầm nhìn tương lai; trong không khí đó tâm tư ước nguyện của thế hệ non trẻ, của thế hệ tăng ni sinh mới lớn, như được bộc lộ trong những ngày vừa qua, từ Bình định cho đến Thừa thiên – Huế, là dấu hiệu của nguồn mạch ngầm vẫn luân lưu bất tuyệt trong dòng lịch sử truyền thừa của Phật giáo Việt nam. So với khối lượng tăng ni sinh trong cả nước, các con chỉ là một nhóm nhỏ. Ít, nhưng đây là những hạt lúa chắc. Nhiều, nhưng chỉ là võ trấu, và là những hạt chưa được ủ mầm mà đã mục rỗng bên trong.

Các con hãy tự hào, với niềm tự hào trong trắng và vô tư của tuổi trẻ, từ thời điểm cột mốc này, đã một lần và mãi mãi đứng thẳng trên đôi chân của chính mình, bằng đôi mắt trí tuệ và hùng lực mà nhìn thẳng không khiếp sợ vào quyền lực xấu ác của thế gian, tự xác định hướng đi cho bản thân để làm những việc cần làm cho chính mình và cho mọi người.

Thế hệ của thầy, những thanh niên trang lứa được nuôi dưỡng để dựa vào chiến trường của cuộc chiến tranh ý thức hệ, được giáo dục để biết hận thù giai cấp. Nhưng may thay, giòng suối Từ vẫn âm thầm tuôn chảy, để xoa dịu những đau thương mất mát; để hàn gắn những đổ vỡ điêu tàn của dân tộc.

Các con lớn lên trong thời đại thanh bình, nhưng các con lại bị ném vào giữa một xã hội mất hướng. Quê hương và đạo pháp là những mỹ từ thân thương nhưng đã trở thành sáo rỗng. Các bậc cao tăng thạc đức, một thời đã đánh thức lương tâm nhân loại trước cuộc chiến hung tiền, đã giữ vững con thuyền đạo pháp trong lòng dân tộc; nay chỉ còn lại bóng mờ, và quên lãng.

Thế hệ các con được giáo dục để quên đi quá khứ. Nhiều người trong các con không biết đến Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất là gì; đã làm gì và cống hiến những gì cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục, hòa bình dân tộc, trong những giai đoạn hiểm nghèo của lịch sử dân tộc và đạo pháp của đất nước. Một quá khứ chỉ mới như ngày hôm qua mà di sản vẫn còn đó nhưng đã bị chối bỏ một cách vội vàng. Di sản được tích lũy ròng rã hằng thế kỷ, bằng bao tâm tư qua bao khổ lụy đau thương, bằng máu và nước mắt của biết bao Tăng Ni, Phật tử; mà những người gầy dựng nên di sản đó bằng bi nguyện và hùng lực của mình, có vị bị bức tử bởi bạo quyền, có vị suốt năm tháng dài chịu tù đày, bị lăng nhục. Nhưng sống hay chết, vinh hay nhục, không làm dao động tâm tư của những ai biết sống và chết xứng đáng với phẩm cách của con người, không hổ thẹn với thẩm hạnh cao quý của bậc xuất gia.

Người xuất gia, khi cất bước ra đi, là hướng đến phương trời cao rộng; tâm tính và hình hài không theo thế tục, không buông mình chìu theo mọi giá trị hư dối của thế gian, không cúi đầu khuất phục trước mọi cường quyền bạo lực. Một chút phù danh, một chút thế lợi, một chút an nhàn tự tại; đấy chỉ là những giá trị nhỏ bé, tầm thường và giả ngụy, mà ngay cả người đời nhiều kẻ còn vất bỏ không tiếc nuối để giữ tròn danh tiết. Chớ khoa trương bảo vệ Chánh pháp, mà thực tế chỉ là ôm giữ chùa tháp làm chỗ ẩn núp cho Ma vương, là nơi tụ hội của cặn bã xã hội. Chớ hô hào truyền pháp giảng kinh, thực chất là mượn lời Phật để xu nịnh vua quan, cầu xin một chút ân huệ dư thừa của thế tục, mua danh bán chức. Xưa kia, khi vua chúa bắt sư tăng cúi đầu nhận tước lộc của triều đình để làm tôi tớ cho vương hầu, chư Tổ đã sẵn sàng đặt đầu mình trước gươm bén, giữ vững khí tiết của người xuất gia, bước theo dấu chân vô úy, vô cầu, của các bậc Thánh Ðệ tử, được gói gọn trong thanh quy: Sa môn bất kính vương giả.

Nhẫn nhịn đời nhưng không để cho quyền lực đen tối của đời sai sử. Tùy thuận thế gian, nhưng không tự đánh chìm trong dòng xoáy ô trược của thế gian. Các con hãy tự rèn luyện cho mình một tín tâm bất hoại; một đức tính dũng mãnh vô úy; nỗ lực tự huân tập trí tuệ bằng văn, tư, tu để nhìn rõ sự tướng chân ngụy, để thấy và biết rõ mình đang ở đâu, đang đi về đâu; không nhắm mắt phóng càn theo cỗ xe lộng lẫy bên ngoài nhưng rệu rã bên trong, đang lao xuống dốc dài không định hướng.

Mỗi thế hệ có vấn đề riêng của nó, do những biến thiên của xã hội chung quanh, do những biến cố dao động mang tính thời đại. Thế hệ của thầy thừa hưởng được nhiều từ Thầy Tổ, nhưng chưa hề báo đáp ân đức giáo dưỡng cao dày trong muôn một. Chỉ mới tròn ba mươi tuổi, đã phải khép lại cổng chùa, xách cuốc lên rừng, xuống biển, cũng mưu sinh lao nhọc như mọi người. Rồi lại vào tù, ra khám, lênh đênh theo vận nước thăng trầm. Sở học và sở tri cũng cùn mòn theo tuổi đời, năm tháng. Duy, chưa có điều gì thất tiết để điếm nhục tông môn, uổng công Sư trưởng tài bồi. Một chút niềm tin chưa hề thoái thất, chỉ mong cùng chia xẻ với thế hệ kế thừa. Một thế hệ đang trưởng thành để khởi tô ngọn đèn Chánh pháp giữa một đất nước thấm nhuần phong hóa.

Cầu mong các con có đủ dũng mãnh để đi bằng đôi chân của mình, nhìn bằng đôi mắt của mình; tự xác định hướng đi cho chính mình. Thầy sẽ là người bạn đồng hành với các con trên đoạn đường bóng xế của đời mình.

Thầy,
(ấn ký)
Tuệ Sỹ

Letter from Venerable Thich Tue Sy, First Deputy, Institute for the Propagation of the Dharma, Unified Buddhist Church of Vietnam, in an address to Buddhist monks in training at Thua Thien – Hue, in response to their letter to the Venerable Thich Thien Hanh requesting a cessation on Venerable Thien Hanh’s hunger strike

Buddhist year of 2547
Quang Huong Gia Lam
28th day of October, 2003

Dear disciples,

In these recent days, there has been chaos that shocks the world yet they leave but little waves around here, as if to un-stir a long sleep through the winters that has been dormant for over two decades for Buddhism in Vietnam.

In the atmosphere that is surrounded with a state of stagnation, like one found in an imprisoned body of stagnant water, where the heart of life is forbidden from its past, and hidden from the vision of the future, it is in this atmosphere that the mind and wishes of a younger generation, the generation of young Buddhist monks and nuns in training who have become of age, were expressed in the last several days, from Binh Dinh to Thua Thien – Hue; these are signs from a source of life which, like ground water, has been circulating endlessly in the history of traditional Vietnamese Buddhism. Compared to the number of monks and nuns still in training in the whole country, you are but a very small group. Few and elite in number, yet you are the solid seeds of rice grains. While others may be many, they may be but rice husks, or seeds that have not been germinated, yet already are rotten from within.

You should be proud, with the pure and innocent pride of your youth, for from this milestone and day onwards, you have once and forever stood high and straight on your own feet, and with your eyes of wisdom and courageous strength, you have fearlessly looked straight in the eyes of malicious power of the world, and have determined your own direction and path in which to accomplish what is necessary for your own being, and for others.

As for my generation, young men were brought up to take side in a battlefield of what is called “the war of ideology”. They were educated to experience the social class hatred. Fortunately, the spring of Compassion was still quietly overflowing to help calm the suffering and the losses, and to heal the shattered and the ruins of the nation.

You have been growing up in the years of peace, yet were thrown into a society that has lost its direction. “Motherland” and “traditional religion” are words that sound utterly familiar yet have become so empty and distant. Numerous religious dignitaries, Venerable Buddhist monks with the highest of morals, those who had once woke the conscience of humanity in the ferocious wars before and during our times, who had preserved a place for traditional religion in the heart of this nation and its people, now only to be forgotten, and remain but a shadow.

Your generation has been taught to forget the past. Many of you do not know what the Unified Buddhist Church of Vietnam is and what it had done and contributed for the foundation of our culture, education, and national peace through all those times of peril in the history of our country and its traditional religion of Buddhism. Our past is as vivid as yesterday; our heritage exists, yet so hastily declined. This heritage has been continually accumulated and nourished for centuries by countless minds and souls, with countless sufferings and pain, by blood and tears of countless Buddhist leaders, monks and nuns, and lay Buddhists alike. These were people who had helped build that heritage with their compassionate aspiration and their chivalrous strength. There were those who were forced into death by malicious authority. There were those who had been isolated through years and decades of imprisonment. Regardless, whether living or passed, honored or disgraced, these mischievous conditions that were brought upon them had never shaken the minds and souls of those who knew how to live and die with honor, worthy of human dignity, and never to be underserving or shameful, were these Buddhist dignitaries, the profound men of faith who had left their homes for the happiness of others.

Men of Buddhist faith, once leave their homes, are aiming to reach a broader and higher horizon for humanity; their mentality and manifestations may not seem worldly as the rest, yet they would not come short of themselves and ever become yielding to the depraving values of worldly temptations. They would not bend to any despotic power. A little fame and glory, some little worldly gains, some of life’s little contentment; these are but of little values, so ordinary and unreal that even some lay people would un-regretfully disregard them, and would readily discard them in order to preserve their integrity, let alone men of the Buddhist faith. Boast not about your effort to protect your religion when in reality, you only embrace the house of worship as the place of refuge for evils, a place where all decaying elements of society come together. Brag not about your preaching and propagating of the Dharma when in reality, you only borrow Buddha’s words to flatter the authorities, asking for the return of favors, buying fame and selling titles. In the old days, at times when imperial authorities were forcing monks into submitting themselves for the receiving of titles and riches upon becoming servants of the royal families, our religious forefathers were ready to have their lives taken under the sword of evil, just so they could preserve the dignity as men of faith, following the non-desiring and fearless foot steps of Bodhisattva, whose virtues were clearly demonstrative of the noble rule: Men of faith are unyielding to the royals and riches.

Be enduring and patient with life, yet not to be controlled by its dark power. Be in accordance and at harmony with life, yet not to be sunken amidst the swirl of its impurity. Be committed to train yourself for that imperishable virtue of trustworthiness, and the virtue of unconditionally fearless bravery. Make good, the effort of self discipline in order to acquire knowledge and wisdom through education and literature, contemplation, and practice, so that you can see matters in their own truth or fallacious manifestations, to know where you are at, where you are going, and not to close your eyes and throw yourself at the vehicle of glory which is always looking luxurious from outside, but disturbing and decaying from within, and is hurling down a long and steep road with no intended direction.

Each generation faces its own issues and problems, brought about by the changes in the surrounding environment and society, as a result of series of frictions and events that are unique to that time period. My generation inherited a lot from our Masters, yet we’ve never had the chance to repay with gratitude, all of their kindness and devoted teachings that deem one in a million through the realms of heaven and earth. I was only 30, when the doors to the temple had to be shut closed, then with hoe, up into the forest, and down in the sea I went, making a living in severe hardship like others. Then in and out of prison, drifting with the rise and fall of our country’s fate. Academically acquired learning and knowledge have become dull and out dated with aging, as time passes. Yet, not once, has there been a wrongful deed I had done to dishonor the Buddhist sect, its institutions and community, or it would put to waste, the teachings of Venerable Master. With un-diminishing faith that has never once been dimmed, my wish is only to share it with the inheriting generation. A generation has matured, and has initiated the torch of True Dharma amidst a land that has long imbibed such virtues called dignity, morality, and integrity. May you have enough strength to walk on your own feet, see with your own eyes, and make your own path. I will be a friend walking beside you for the remainder of my journey, which is already nearing sunset.

Your master
Tuệ Sỹ

Friday, September 15, 2023

Thị Nghĩa Trần Trung Đạo: Có Một Vầng Trăng Vẫn Đợi Chờ

 

Tuần lễ này 18 năm trước, tháng 9, 2005, tôi đến Nam California để giới thiệu tập 3 tác phẩm Tâm Bút, Giấc Mơ Việt Nam và Thơ Trần Trung Đạo. Vì là buổi giới thiệu tác phẩm nên ban tổ chức chỉ gởi thư cung thỉnh một số tôn đức lãnh đạo văn hóa của giáo hội hay cùng có một Quê hương Quảng Nam Đà Nẵng với tôi đến tham dự. Hòa Thượng Thích Hành Đạo, người Quảng Nam, Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu, Tổng Vụ Trưởng Văn Hóa, đều quang lâm tham dự.

Anh Lê Văn Thạnh, Hội trưởng Hội Cựu Sinh Viên Đại Học Vạn Hạnh, cung thỉnh Hòa Thượng Thích Mãn Giác với tư cách Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh và cũng là thi sĩ Huyền Không, tác giả của bài thơ “Nhớ Chùa” viết từ năm 1949.

Nhưng Thầy có thân bệnh nên không đến được. Thầy viết trên giấy một tin nhắn và nhờ anh hội trưởng trao lại. Tôi nhớ rõ dòng chữ của Thầy “Đạo ơi, thầy bịnh quá, không thể đến được, con gởi cho thầy một tập thơ.” Dĩ nhiên tôi gởi ngay.

Thầy trò chúng tôi sau cơn bão đã gặp lại nhau trong tang lễ của Huynh trưởng Viên Lạc Phạm Gia Bình năm 1993. Từ đó mỗi khi Thầy về thăm chùa Phật Giáo Việt Nam tại Boston tôi đều đến đảnh lễ và thầy trò kể lại chuyện xưa. Chùa Pháp Hoa nơi thầy trú bên kia hẻm 220 Trương Minh Giảng, văn phòng Phó Viện Trưởng rộng và nhộn nhịp ở tầng một, nụ cười hiền hòa, giọng Huế đọc thơ nhẹ nhàng của Thầy. Trong không gian Vạn Hạnh ngày đó tràn ngập thơ và thơ. Bên cạnh Vũ Hoàng Chương, Trụ Vũ, Tuệ Sỹ, Hoài Khanh, Bùi Giáng, Trần Đới v.v… còn có Huyền Không.

Ta từ sinh tử về chơi
Ngồi trên chóp đỉnh mỉm cười với trăng
Thân ta là giải đất bằng
Tâm ta là nước sông Hằng mênh mông.
(Thơ Huyền Không, tức HT Mãn Giác)

Hôm đó cầm lá thư ngắn của Thầy, tôi cảm động nhưng không biết đó là tin nhắn cuối cùng. Sáng ngày 13 tháng 10, 2006, tôi nhận được tin Thầy ra đi và ngồi xuống viết bài thơ dưới đây để kính tiễn giác linh Thầy chúng tôi:

THẦY ĐÃ ĐI RỒI
(Kính tiễn Giác Linh Hòa Thượng Thích Mãn Giác, Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh)

Thầy đã đi rồi buổi sáng nay
Giọt sương vừa rụng giữa bàn tay
Tiếng chuông thiền tịnh ngân chưa dứt
Mà học trò xưa vĩnh biệt thầy
Thầy hết đau rồi, tâm thảnh thơi
Hết buồn nhân thế chuyện đầy vơi
Thong dong nhẹ bước qua bờ giác
Trả lại buồn vui lẫn khóc cười
Thầy đã về thăm phố Huế mơ
Thuyền Từ chở nặng một hồn thơ
Huế ơi mấy độ trăng tròn khuyết
Có một vầng trăng vẫn đợi chờ
Thầy đã đi rồi thương nhớ thôi
Ngàn năm bóng hạc trắng lưng trời
Dẫu xưa đã biết không là có
Sao vẫn buồn, nghe chiếc lá rơi
Thầy đã đi rồi, qua bến sông
Bài thơ năm đó khắc trong lòng
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.”

Trần Trung Đạo
Boston, Hoa Kỳ 13-10-2006

Sunday, May 3, 2020

Trần Trung Ðạo: Những Lần Gặp Phật


Trước cửa tiệm bán quà du lịch. (Rockport, Massachusetts)
ROCKPORT, MASSACHUSETTS
Một lần ghé thăm Rockport, một thành phố du lịch nhỏ, cách Boston khoảng một giờ lái xe. Dọc hai bên đường phố hẹp là những quán bán quà kỷ niệm du lịch.
Tôi đi ngang một tiệm bán hàng điêu khắc. Nhiều tượng Phật được trưng bày. Tôi dừng lại. Trước khi chụp vài tấm hình, tôi đứng thẳng, nhìn các tượng Phật và chắp tay vái một vái. Du khách tấp nập và hình như có ai đó đang nhìn tôi.
Rất nhiều người nghĩ chỉ có Phật được đặt trên chánh điện nghiêm trang trầm hương nghi nghút mới là Phật, còn Phật ở các cửa tiệm, ở những phòng trưng bày nghệ thuật, viện bảo tàng thì không phải.
Thật ra, hình tượng chỉ để nhắc nhở. Phật trong tâm, trong suy nghĩ có tánh thiện, trong nhận thức, và vì thế, Phật ở mọi nơi. Khoảnh khắc ta nghĩ đến Phật là lúc Phật hiện ra trong ta. Bất cứ nơi nào, bất cứ hoàn cảnh nào.
Tuần trước đó tôi đi chùa nhân lễ Phật Đản. Thầy trụ trì rất vui và bảo “Lâu lắm con không về chùa, lát nữa con lên nói vài lời với các đạo hữu nhân ngày Phật Đản”. Tôi không chuẩn bị gì nhưng nói rất dễ dàng vì Đạo Phật có rất nhiều điều hay, nét đẹp để nói về. Tôi nói sở dĩ đức Phật chọn một nơi nhiều bất công, nghèo nàn như Ấn Độ để thị hiện chỉ vì tình thương của đức Phật dành cho con người.
Chùa Ấn Độ Giáo nổi tiếng ở Chennai nhưng các tiệm chung quanh phần lớn là “bán” tượng Phật.CHENNAI, INDIA (Chennai, India)
CHENNAI, INDIA
Phật ở Ấn Độ cũng không khác gì Phật ở Rockport tấp nập.
Một lần ở Chennai, tôi hỏi người chủ tiệm món hàng nào được du khách ưa chuộng nhất, người chủ tiệm trả lời “tượng Phật”.
Đức Phật là biểu tượng của tình thương và Đạo Phật là đạo của tình thương. Ai lại không muốn mang về nhà một biểu tượng từ bi, bác ái và bao dung như thế dù người đó thuộc tôn giáo nào.
Trong ý nghĩa đó, Đạo Phật không chỉ là đạo riêng của những người Phật Tử mà là đạo chung của con người, bởi vì con người còn tồn tại đến hôm nay là nhờ có tình thương. Thế giới con người sẽ tận diệt nếu một ngày tình thương không thắng được hận thù.
Một tiệm coi bói ở Cape Cod, Massachusetts
CAPE COD, MASSACHUSETTS
Mới “gặp Phật” ở Rockport tháng trước, nay lại “gặp Phật” ở Cape Cod. Lần này tôi không lạy Phật. Phật ở Cape Cod được dùng như một loại trang sức hay chỉ để lừa bịp khách hàng.
Một tượng đức Phật được đặt trước cửa một tiệm coi bói, một tượng đức Phật được đặt trong lồng kính chung với áo quần, một tượng đức Phật được dựng trên lối đi như để chào đón khách hàng, một số tượng đức Phật bị nhốt bên trong cửa sắt của một khu vườn dường như lâu rồi không ai chăm sóc.
Buôn bán tượng Phật là một kỹ nghệ đang được thịnh hành, bắt đầu từ quê hương đức Phật. Bước xuống phi trường quốc tế New Delhi hình ảnh đầu tiên những khách phương xa bắt gặp là bàn tay đức Phật. Bước vào tiệm bán đồ kỷ niệm cho du khách ở nhiều nơi trên xứ Ấn, hình ảnh được trưng bày nhiều nhất cũng là đức Phật. Khuôn mặt bao dung, nụ cười nhân hậu của ngài rất thu hút khách thập phương.
Tuy nhiên, đúng như Giảng sư Tây Tạng Dzongsar Jamyang Khyentse viết, Ấn Độ là quốc gia đã lãng quên người con yêu quý của mình: Đức Phật. Bởi vì di sản của đức Phật không phải là khuôn mặt bao dung, nụ cười nhân hậu hay ngay cả đền đài mà là những lời dạy của ngài. Rất hiếm tại Ấn Độ có nơi phát hành các kinh sách Phật Giáo, phần lớn chỉ bán các tượng Phật hay giữ đền thờ để thu tiền.
Nhìn những tượng Phật ở Cape Cod, tôi thầm mơ ước, ngày nào người Mỹ nói riêng và Tây Phương nói chung không còn nhìn các tượng Phật như món đồ trang trí mà cùng tìm hiểu, cùng lắng nghe những lời khuyên của đức Phật, ngày đó nhân loại sẽ hòa bình.
Một người Nhật lễ Phật trước khi xuống trạm xe điện để đi làm.KYOTO, NHẬT (Kyoto, Nhật Bản)
Tại Nhật, đạo Phật trở thành một đạo dân tộc, cùng với Thần Đạo (Shinto) đã và đang tồn tại một cách hài hòa. Đạo dân tộc không nên hiểu theo nghĩa là quốc giáo hay đạo riêng của một nước nhưng tư tưởng Phật Giáo thấm đậm vào đời sống văn hóa và con người Nhật.
Người dân Nhật không đến chùa lễ Phật, tụng kinhh thường xuyên nhưng trên đường đi làm họ có thể dừng chân ở một ngôi chùa, kéo dây chuông ba lần, chắp tay cầu nguyện.
Người hướng dẫn du lịch kể lại khi người Nhật sinh con, cha mẹ thường ẳm con đến đền Thần Đạo để làm lễ cầu nguyện nhưng khi qua đời thường làm đám tang theo nghi lễ Phật Giáo.
Đa số là các ông bà già cầu tài lộc. (Seoul, Nam Hàn)
SEOUL, NAM HÀN
Seoul thì khác. Đạo Phật một thời hưng thịnh tại Triều Tiên đang mờ dần vào quá khứ. Thống kê năm 2005, chỉ 25% dân số xác nhận là tín đồ Phật Giáo nhưng con số đó đã xuống thấp dần đến mức ngày nay Phật Giáo tại Nam Hàn không còn được xác định một cách rõ ràng như một tôn giáo mà đang hòa chung vào tập tục văn hóa.
Chùa Jogyesa, ngôi chùa lớn nhất tại Seoul, được biết như là một địa điểm du lịch nhiều hơn là Thiền Viện chính của tông phái Jogye. Cám dỗ vật chất đã thu hút các thế hệ trẻ đi theo, bỏ lại sau lưng họ những cụ già ngồi đếm từng ngày cuối của đời mình trong lời kinh tiếng kệ. Các tượng Phật dễ tìm thấy ở khu shopping Insadong hơn là tại các ngôi chùa.
Đạo Phật là đạo của con người với các giá trị tình thương và sự thật nhưng để mang tình thương và sự thật đến cho con người, Phật Giáo cũng cần thay đổi cách hoằng dương.
Monterey, California
MONTEREY, CALIFORNIA
Trên con đường chính dọc bờ vịnh Monterey có một tiệm Ấn Độ bán đồ kỷ niệm cho du khách. Một phụ nữ Ấn ngoài 60 tuổi và một thanh niên Ấn trạc 30 tuổi đang coi tiệm. Một số hình tượng đạo Hindu như Lord Shiva, Lord Brahma v.v.. được trưng bày nhưng đa số là tượng Phật.
Tôi dừng lại chụp một số hình những tượng Phật được đặt bên ngoài. Chàng thanh niên bước ra ngăn cản. Anh chỉ tấm giấy nhỏ “No photography” gắn trên một trong những tượng Phật. Tôi ngừng, nhưng không quên phản ứng “Tấm giấy quá nhỏ để thấy”, và tôi lại tiếp “Lẽ ra anh nên để cho du khách chụp hình thoải mái. Bức tượng đẹp sẽ gây cho họ ấn tượng đẹp khi nhìn lại. Biết đâu vì thế họ sẽ trở lại mua. Cho dù không mua, họ sẽ giúp anh quảng cáo miễn phí khi gởi cho bạn bè họ.”
Chàng thanh niên dịu giọng “Vâng, anh nói cũng đúng.” Tuy nói vậy anh ta vẫn không lấy cái bảng cấm chụp hình xuống. Tôi bước vào tiệm. Chàng thanh niên hỏi tôi muốn mua tượng Phật nào không. Tôi đáp “Tôi là Phật Tử nhưng cám ơn, tôi không mua.”
Tôi muốn thử anh ta một câu rất dễ “Anh biết Đức Phật ra đời ở đâu không?” “Nepal”, chàng thanh niên đáp ngay. “Anh google chứ gì?” Anh cười “Đúng vậy.”Lý do tôi đoán anh ta google vì người có kiến thức lịch sử căn bản cũng có thể biết Đức Phật đản sanh tại một vương quốc của nước Ấn Độ, ngày nay thuộc lãnh thổ Cộng Hòa Nepal. Tôi giải thích “Đúng ra anh nên trả lời là Ấn Độ nay thuộc Nepal vì khi Đức Phật ra đời chưa có nước Nepal. Là người Ấn anh cũng nên hãnh diện là nơi Đức Phật ra đời.”
Anh không nói gì nhưng người đàn bà lớn tuổi gật đầu.
Nhiều báo chí ca ngợi sự phục hồi Phật Giáo tại Ấn Độ bởi vì đi đâu họ cũng gặp hình tượng Đức Phật. Nụ cười Đức Phật có thể nhận ra từ khi du khách bước xuống phi trường New Delhi cho đến một quán nhỏ bán đồ kỷ niệm ven đường.
Tôi không lạc quan như vậy. Cao trào phục hưng phải được đánh dấu bằng tăng đoàn, tu viện, thiền viện, trung tâm nghiên cứu, đại học, thiện trí thức, tín đồ. Đạo Phật không phải là một món đồ để trưng bày, một thị hiếu dù hấp dẫn bao nhiêu.
Nhìn những đồng bạc cắc và viên đá mỏng viết chữ “fortune” đặt dưới chân một tượng Phật, tôi định nói với anh Đức Phật không mang may mắn tài lộc gì đến cho ai cả, nhưng rồi đổi ý. Nói để làm gì, một người không biết nơi sinh của một trong số rất ít bậc thầy của nhân loại thì Đức Phật trong mắt anh đơn giản chỉ là một món hàng.
Braintree, Massachusetts
BRAINTREE, MASSACHUSETTS
Nhớ lại chuyện nhiều năm trước. Không bao lâu sau khi dọn về nhà mới, ngày nọ nhìn ra đường, một tu sĩ Phật Giáo còn khá trẻ đang đứng ngắm căn nhà đang treo bảng bán. Vợ tôi nhìn tôi “Anh đến đâu là có chùa theo đó.” Lúc đầu tôi tưởng là thầy đi lạc nhưng khi bước ra hỏi mới biết vợ tôi nói đúng.
Thật vậy, vài tháng sau, căn nhà của người láng giềng trở thành ngôi thiền viện. Thiền viện Bồ Đề như tên chùa được khắc vào viên đá trước cổng ra vào. Ngoại trừ những ngày lễ lớn ghé qua thăm và chúc sức khỏe các thầy, tôi ít khi đến chùa và cũng không nhớ hết pháp hiệu các thầy. Một phần vì bận rộn với đời sống và phần khác cũng không cảm thấy cần thiết. “Trong núi không có Phật” như Tổ Trúc Lâm đã dạy thì trong chùa cũng chưa hẳn có Phật. Đến chùa để tìm gì?
Ngày còn nhỏ tôi thường niệm hồng danh Đức Phật và ngủ nhiều năm dưới chân ngài. Những đêm khuya im vắng tôi ngồi dưới hiên chùa ngắm hàng vạn vì sao mọc kín vòm trời. Tôi tâm sự với ngôi sao những chuyện thầm kín nhất, những chuyện tôi chưa từng nói với ai và cho dù tôi muốn cũng chẳng có ai gần gũi để cùng san sẻ.
Qua Mỹ cũng thế. Tôi niệm Phật và nghĩ đến những lời dạy của ngài ở bất cứ nơi đâu dù khi ngồi nhìn những đám mây bay bên kia cửa sổ phi cơ, những đêm thao thức và ngay cả những chiều kẹt trên xa lộ. Tôi yêu đạo Phật vì đạo Phật là đạo của tình thương, bao dung và tha thứ.
Tôi chợt hiểu ra, đến chùa không phải để “gặp Phật” mà gặp lại chính mình.
Trần Trung Đạo