Hòa thượng Tuệ Sỹ biết mình thân đang mang trọng bệnh. Khó khăn duy nhất mà ngài không thể vượt qua là thời gian. Vì không có đủ thời gian để làm hết những điều mình mong muốn nên Hòa thượng ưu tiên hóa những đề án, những công việc phải làm.
Thị Nghĩa Trần Trung Đạo
Dù đứng từ góc cạnh nào, không ai có thể phủ nhận vai trò và sự đóng góp của Phật giáo vào dòng sống của dân tộc Việt. Đạo Phật là một tôn giáo rất đặc biệt trong nền văn minh nhân loại vì đáp ứng được các khao khát của con người theo từng thời đại không phân biệt màu da hay sắc tộc.
Kinh điển giống nhau nhưng đạo Phật mang sắc thái riêng khi đến mỗi quốc độ để từ đó có Phật giáo Nhật Bản, Phật giáo Trung Hoa, Phật giáo Thái Lan, Phật giáo Việt Nam v.v... Nhưng đạo Phật tại Việt Nam rất khác. Đạo Phật Việt Nam hòa tan trong tâm hồn mỗi con người. Tinh thần Phật giáo bàng bạc trong lời ru của mẹ, lời dạy bảo của cha. Một câu thơ, câu văn được các tác giả viết ra đã có tư tưởng Phật giáo dù tác giả không phải là một tín đồ Phật giáo.
Khi dừng chân tại Việt Nam, đạo Phật không chỉ đem lại cho con người những phương tiện cần thiết để đạt đến giải thoát, an lạc như tại nhiều nơi khác mà còn dung hóa và dung hợp một cách hài hòa vào dòng sống dân tộc, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức của dân tộc và là thành lũy tinh thần để bảo vệ Việt Nam.
Sau nhiều trăm năm bị đóng khung trong tứ thư ngũ kinh Nho giáo rồi Trịnh Nguyễn phân tranh, dân tộc Việt lại phải đối diện với Thực dân xâm lược. Ông bà chúng ta bàng hoàng trước sức mạnh cơ khí của Thực dân. Việt Nam trở thành một thuộc địa của Pháp nhưng tinh thần Việt Nam được hun đúc suốt nhiều ngàn năm không vì thế mà mất đi. Dòng văn hóa vẫn tiếp tục chảy dù phải chảy qua những vách đá cheo leo và có khi phải nhỏ từng giọt xuống trái tim người yêu nước.
Người Việt quan tâm đứng trước hai chọn lựa, (1) đi vay mượn các chủ thuyết ngoại lai, mượn súng đạn của ngoại bang về để “giải phóng dân tộc”, thực chất là thay một hình thức nô lệ này bằng hình thức nô lệ khác, (2) nâng cao nhận thức văn hóa, xã hội, chính trị phù hợp với hướng đi thời đại kết hợp với phát huy nội lực dân tộc để tự khai hóa chính mình thay vì “bị khai hóa” bởi thực dân.
Để tồn tại, vượt qua và vươn lên, chư tổ Phật giáo chọn con đường thứ hai. Con đường đó không phải tìm đâu khác, không vay mượn của ai khác mà trở về và phát huy những tố chất uyên nguyên của dân tộc. Nội dung của hành trình về nguồn đó chính là phong trào chấn hưng Phật giáo bắt đầu vào những năm cuối của thập niên 1920.
Giống như ngài Anagarika Dharmapala (1864-1933), nhà văn và nhà đấu tranh cho nền độc lập Tích Lan, các tổ Khánh Hòa, Giác Nguyên, Khánh Anh, Giác Tiên, Phước Huệ, Tố Liên, Trí Hải… của Việt Nam cũng đã rời những thiền phòng để chống gậy trúc đi vào lòng đất nước. Các ngài lắng nghe nỗi đau của dân tộc, đánh thức tinh thần yêu nước, độc lập tự chủ trong lòng mỗi người dân Việt để qua đó phục hưng dân tộc bằng phương tiện giáo dục bởi vì chỉ nâng cao nhận thức mới có thể chuyển hóa hai nguồn bạo lực đến từ Tây phương gồm chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa cộng sản.
Con đường chấn hưng Phật giáo như chư tổ vạch ra là một con đường dài, cần nhiều thời gian và đầy khó khăn nhưng là con đường đích thực.
Sau nhiều thăng trầm, gian khó và hy sinh, cuộc hành hương về nguồn cội đó đã dẫn đến sự ra đời của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) vào tháng Giêng, 1964 tại Chùa Xá Lợi, Sài Gòn. “Thống Nhất”, trong ý nghĩa đó không chỉ là một tập hợp mang tính hình thức của 11 giáo phái ký tên trong Hiến chương 1964 mà là bước phát triển cao hơn của một truyền thống đã có từ nhiều ngàn năm.
Được thành lập trong một giai đoạn lịch sử đầy ngộ nhận, GHPGVNTN dễ được hiểu như là kết quả của một biến cố chính trị. Biến cố có thể là “điểm vỡ” để GHPGVNTN được hình thành nhưng các giá trị hàm chứa trong Hiến chương 1964 của GHPGVNTN không đơn giản chỉ là kết quả của việc đổi thay một chế độ.
Từ đó đến nay, GHPGVNTN là nơi giữ gìn các giá trị tinh thần, các truyền thống văn hóa, lịch sử hai ngàn năm và sau này của Phật giáo Việt Nam. Dù bụi phủ, dù rêu phong căn nhà GHPGVNTN vẫn là căn nhà chính danh và chính thống của mọi người con Phật Việt Nam.
Lịch sử của GHPGVNTN từ khi ra đời tháng Giêng, 1964 cho tới khi Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ chính thức đảm nhiệm chức vụ Chánh Thư Ký kiêm Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống đã gần 60 năm với không biết bao nhiêu gian khó.
Đạo Phật tại Việt Nam không chỉ gồm một nhóm nhỏ những tu sĩ bị tha hóa mà chúng ta thường nghe hay thấy tại Việt Nam. Ẩn mình trong đám mây đen là ánh sáng của vầng dương trí tuệ và che giấu dưới lớp rêu xanh là những viên ngọc từ bi nhẫn nhục. Hàng ngàn, hàng vạn tăng sĩ Phật giáo đang âm thầm chuyên tâm tu tập chờ cơ hội đóng góp thiết thực cho đạo pháp và dân tộc. Các bậc Như Lai Trưởng Tử đó đang dâng hiến cuộc đời cho Phật giáo Việt Nam và Dân tộc Việt Nam trong nhiều cách khác nhau trên khắp ba miền đất nước. Họ có thể chưa nghe nhiều về GHPGVNTN hay chưa đứng hẳn về phía GHPGVNTN. Nhưng không sao. Tất cả vẫn còn đó. Một mai khi có điều kiện thuận lợi chư tôn đức tăng ni sẽ gặp nhau trong tinh thần hòa hợp và thanh tịnh tăng đoàn dưới một mái nhà GHPGVNTN.
Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN viên tịch ngày 22 tháng 2, 2020. Trong di chúc, ngài ủy thác quyền điều hành Viện Tăng Thống cho Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ: “đứng đầu vào vị trí của Viện Tăng Thống bảo đảm tiếp tục sứ mệnh của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong tương lai. Tôi hoàn toàn tin tưởng và ủy thác trọng trách này cũng như trao toàn quyền cho Hòa thượng Tuệ Sỹ điều hành mọi hoạt động của Giáo Hội.” (Quyết Định Số T4/QĐ/TT/VTT của Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN)
Tinh hoa và trí tuệ bộc phát trong những ngày tháng cuối đời giúp Đệ Ngũ Tăng Thống nhìn lại con đường giáo hội đã đi qua và thấy rõ hơn con đường trước mắt mà đạo Phật Việt Nam phải hướng tới. Ngài trao trọng trách cho Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ bởi vì, ngoài cơ sở pháp lý là Hiến chương GHPGVNTN và bên cạnh sự thông minh, uyên bác nhiều lãnh vực, Hòa thượng Tuệ Sỹ trước hết vẫn là con người văn hóa và có một tầm nhìn rất xa về tương lai Dân tộc và Phật giáo.
Là một bậc cao tăng dâng hiến cả cuộc đời cho Đạo pháp và Dân tộc, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ biết cuộc vận động chấn hưng Phật giáo từ thập niên 1920 chưa dừng lại mà là một tiến trình liên tục và phải bắt đầu ngay từ nền móng. Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Tuệ Sỹ một cánh cửa mới sẽ mở ra để GHPGVNTN bước đi cùng thời đại.
Hòa thượng Tuệ Sỹ biết mình thân đang mang trọng bệnh. Khó khăn duy nhất mà ngài không thể vượt qua là thời gian. Vì không có đủ thời gian để làm hết những điều mình mong muốn nên Hòa thượng ưu tiên hóa những đề án, những công việc phải làm. Tất cả chỉ vì một mục đích như ngài viết trong Thông Bạch Thỉnh Cử Hội đồng Hoằng pháp: “mang ngọn đèn chánh pháp đến những nơi tăm tối, cho những ai có mắt để thấy, dựng dậy những gì đã sụp đổ, dựng đứng những gì đang nghiêng ngả.”
Nội dung Phật chất chứa đựng trong Hiến Chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (tu chính ngày 12.12.1973) hoàn toàn không thay đổi nhưng đưa đến cho mọi người ở mọi nơi bằng những phương tiện nhanh chóng chưa từng có nhờ kết quả của cuộc cách mạng tin học cuối thế kỷ 20.
Trong “thế giới phẳng” ngày nay, khoảng cách không gian và thời gian không còn là những trở ngại mà là những tiện nghi cần được tận dụng. Kết quả thấy rõ, chỉ trong vòng chưa tới hai năm Tạng Thanh Văn 29 cuốn trong Tam Tạng Kinh Điển đã được ấn hành và công bố. Kỳ diệu thay! Sau gần nửa thế kỷ ngưng trệ vì nhiều lý do nhưng những lời dạy của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni vẫn tiếp tục chảy vào dòng văn hóa Việt Nam và dòng văn minh nhân loại.
Hòa thượng Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống cũng biết việc mở cánh cửa, dựng lối vào cũng chỉ là phương tiện, đào tạo tăng tài để bước vào cánh cửa đó mới chính là mục tiêu quan trọng của GHPGVNTN hôm nay và mai sau. Một căn nhà đẹp bao nhiêu nhưng không được gìn giữ, sửa sang, một ngày cũng dột nát và sụp đổ. Truyền thống nếu không biết phát huy sẽ sớm trở thành một thói quen lạc hậu.
Sau thời gian bị bệnh Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký kiêm Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN, Chủ Tịch Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, Cố Vấn Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN, đã viên tịch đúng 4 giờ chiều ngày 24 tháng 11 năm 2023 nhằm ngày 12 tháng 10 năm Quý Mão, Phật lịch 2567 tại Phương Trượng Đường Chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai, Việt Nam, trụ thế 79 năm, 41 hạ lạp.
Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Đại Lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là ba bậc tôn đức khai sáng một thời đại mới của Phật giáo Việt Nam.
Dù dốc đá cheo leo, dòng Suối Từ vị diệu vẫn chảy dài theo lịch sử dân tộc. Mỗi thời kỳ đều có những bậc cao tăng thạc đức đứng ra chèo lái con thuyền đạo pháp. Công đức của các ngài sẽ không rơi vào quên lãng mà đã nở thành những bông Hoa Đàm làm đẹp con đường hoằng dương Chánh Pháp của đức Thế Tôn.
Nhiều người lo lắng, một mai khi các bậc cao tăng thạc đức của GHPGVNTN viên tịch, các thế hệ tăng sĩ và Phật tử sau này sẽ không biết gì về GHPGVNTN. Xin đừng bi quan. Lịch sử nhân loại đã chứng minh, bạo lực có thể thay đổi một thể chế nhưng không thể xóa đi một nền văn hóa và GHPGVNTN là một phần không thể thiếu của nền văn hóa Việt Nam.
Không một bậc cao tăng thạc đức nào thật sự ra đi. Hành trạng của quý ngài vẫn in dấu sâu đậm trong lòng Dân Tộc và Đạo Pháp. Tác phẩm của các ngài viết, những lời dặn dò của các ngài sẽ còn mãi mãi. Tiếng dương cầm vẫn réo rắt vọng theo dòng Suối Từ Bi. Đời người “như sương mai, như ánh chớp, mây chiều” như Hòa thượng viết trong thơ nhưng ngọn lửa tin yêu và hy vọng không bao giờ tắt cho đến khi nào dân tộc Việt Nam còn tồn tại trên mặt đất này.
Nguồn: VOA
No comments:
Post a Comment