Thursday, November 30, 2023

SUY TƯ TỪ MỘT SỰ KIỆN VĂN HOÁ


SUY TƯ TỪ MỘT SỰ KIỆN VĂN HOÁ

Mạc Văn Trang
Trước khi Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ mất, tôi không biết tiểu sử của ông, không hiểu ông có vai trò gì trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN); tôi chỉ đọc mấy bài thơ của ông và bài nhà thơ Bùi Giáng bình thơ Tuệ Sỹ… và cảm thấy mến mộ cả hai người.
Nhưng khi HT Thích Tuệ Sỹ viên tịch, trên mạng xã hội trong và ngoài nước tràn ngập những bài viết về Ngài, tôi bỏ công tìm hiểu, và thấy Nhân cách của Ngài, sự nghiệp của Ngài đã hoàn toàn chinh phục trái tim và khối óc của tôi: Đây đích thực là một vị Chân tu, một Trí thức lớn, một nhà Phật học uyên thâm, một Nhân cách văn hoá không chỉ của Phật giáo mà của Dân tộc.
Điều ngạc nhiên là sau khi Ngài mất 3 ngày, đến sáng nay tôi gõ cụm từ “HT Thích Tuệ Sỹ viên tịch” trên Google xuất hiện Khoảng 178.000 kết quả (0,29 giây), mà trên toàn bộ hệ thống báo chí Nhà nước chỉ có báo Tuổi trẻ đưa tin về sự kiện này.
Vậy là từ trước đến nay và cả khi Ngài mất, toàn hệ thống truyền thông nhà nước không được giới thiệu về Thích Tuệ Sỹ, ém nhẹm mọi thông tin về Ngài, cố tình vùi lấp đi một Nhân cách Văn hoá, một sự kiện Văn hóa đáng được tôn vinh.
Trong Tiểu sử viết:
“Ông thông thạo tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Pali, tiếng Phạn và tiếng Nhật, đọc hiểu tiếng Đức. Ông được giới học giả Việt Nam đánh giá cao vì đã công bố nhiều tiểu luận, chuyên khảo, thơ và nhiều công trình dịch thuật Phật giáo từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật.[1] Lúc bị bắt năm 1984, ông và Thích Trí Siêu, được coi là 2 nhà sư uyên bác nhất của Phật giáo Việt Nam, đang soạn thảo quyển Bách Khoa Phật Học Đại Tự Điển.[2]”
Như vậy nhân vật Thích Tuệ Sỹ gắn liền với cộng đồng GHPGVNTN tạo nên một thực thể văn hoá trong lòng dân tộc. Văn hoá là cái được hình thành tự nhiên trong lịch sử, nó gắn liền với những con người, những cộng đồng sản sinh ra văn hoá; trải qua bao nhiêu biến động của lịch sử nó vẫn tồn tại và tích tụ, toả sáng giá trị trường tồn. Có những thế lực muốn xóa nó đi, nhưng nó vẫn tồn tại dưới nhiều dạng thức và khi có cơ hội sẽ lại phục hưng…
Đảng CS từ khi cầm quyền đã tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng văn hoá tư tưởng, cách mạng Khoa học kỹ thuật, nhằm xóa cái Cũ, xây dựng cái Mới, nhưng nhìn lại tất cả ba cuộc cách mạng đó đều sai lầm và thất bại. Xóa cái CŨ nhưng cuối cùng lại phục hồi cái CŨ mà chẳng ra sao, còn cái MỚI tạo ra nhiều cái phản giá trị!
Ở đây chỉ nói về “Cách mạng Văn hoá tư tưởng” tiến hành bằng cách phá đình chùa, đốt sách cũ, bài trừ “hủ tục, văn hoá phong kiến, thực dân đồi truỵ”...; vùi dập các trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà tu hành chân chính… Còn xây dựng “nền văn hoá mới” đến nay được những gì?
Bao nhiêu Nghị quyết, bao nhiêu cuộc vận động “chống và xây”, bao nhiêu phong trào thi đua “xây dựng văn hoá mới”... suốt từ 1954 rồi 1975 đến nay, mấy mươi năm, để lại những GIÁ TRỊ VĂN HOÁ GÌ đáng được tôn vinh?
- Ta có 5 DI TÍCH VĂN HÓA VẬT THỂ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới cần bảo tồn là: Quần thể di tích Cung đình Huế, phố cổ Hội An, Thánh địa MỸ Sơn, di tích Hoàng thành Thăng Long, thành nhà Hồ. Đó đều là những di sản của chế độ phong kiến để lại, may bị cách mạng phá mà chưa hết!
- Có 15 DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ đã được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại cần được bảo tồn: Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Kinh Bắc, Ca Trù, Hội Gióng, Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Đờn ca Tài tử Nam bộ. Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, Thực hành Then của người Tày- Nùng- Thái, Nghệ thuật Xòe Thái, Nghệ thuật làm gốm của người Chăm.
Tất cả những di sản này đều gắn với những nhân vật, những cộng đồng tạo ra, gìn giữ không gian văn hoá, phát triển nó một cách tự nhiên trong đời sống, trong dòng chảy của lịch sử, trải bao thăng trầm, những vẫn tồn tại…
Hãy xem, Thiền sư Thích Nhất Hạnh với pháp môn “Phật giáo Làng Mai”, đã trở thành cộng đồng Phật giáo Làng Mai quốc tế có ở hơn một chục cơ sở ở các nước là sự kiện văn hoá rất lớn.
Vậy mà Năm 2007 Phật Giáo Làng Mai mới được hoạt động ở Việt Nam; nhưng chưa bao lâu đã bị đánh đuổi tơi bời, phải chạy sang Thái Lan lập ra Phật giáo Làng Mai tại đất nước Thái và phát triển mạnh mẽ.
“Một bài viết trên Tạp chí Phật giáo Tricycle vào năm 2008 đã chỉ trích rằng nếu bạn thực hành Bát Chánh Đạo tại Việt Nam, trong đó có chánh ngữ (nói lời đúng đắn, công bình, ngay thẳng), chánh mệnh (sống chân chính bằng khả năng của mình, không luồn cúi, không ăn bám kẻ khác), và chánh nghiệp (hành động theo lẽ phải), thì bạn có thể sẽ ngồi tù vì “tội tuyên truyền chống nhà nước”.
“Nhận xét vừa nêu cũng trùng hợp với nhận định của thiền sư Nhất Hạnh sau vụ việc Bát Nhã vào 2009, khi các tu sinh Làng Mai bị đuổi ra khỏi một ngôi chùa của GHPGVN tại tỉnh Lâm Đồng: “Trong thời Thực dân, trong thời ông Diệm và ông Thiệu, tuy hành đạo có khó khăn thật đấy, nhưng người tu cũng không bị kiểm soát gắt gao quá đáng như trong hiện tại. Người ta chỉ muốn có một đạo Phật của tín mộ, của thờ cúng, người ta không muốn có một đạo Phật có khả năng lãnh đạo tinh thần và văn hóa đạo đức cho quốc dân.”
Nhìn vào Phật giáo nước nhà thấy rõ GHPGVNTN và Phật Giáo Làng Mai có những nhân vật văn hóa lỗi lạc gắn liền với sinh hoạt của các cộng đồng này, tạo ra những giá trị văn hoá dẫn dắt phật tử tu tập theo Chánh đạo, đem lại nhiều lợi ích cho cá nhân và xã hội bền vững.
Vì vậy tôi nghĩ, đừng nhân danh cái gì mà xoá bỏ GHPGVNTN và Phật giáo Làng Mai. Xoá đi là tội lỗi với dân tộc, với Phật giáo nước nhà. Mà xóa cũng không được vì nó gắn liền với những con người, những nhân cách văn hoá lớn tạo dựng nên cộng đồng văn hoá đó; nó sẽ tồn tại lâu dài.
Theo thiển nghĩ, GHPGVNTN và Phật giáo Làng Mai cũng là tiếp nối, phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. “Thiền phái Trúc Lâm (zh. 竹林禪派) là một tông phái của Thiền tông Việt Nam, hình thành từ thời nhà Trần, do Vua Trần Nhân Tông sáng lập. Trúc Lâm vốn là hiệu của Trần Nhân Tông từ khi xuất gia ở động Vũ Lâm (Ninh Bình), đồng thời cũng là hiệu của Thiền sư Đạo Viên, tiền bối của Trần Nhân Tông, Tổ thứ hai của dòng Thiền này. Thiền phái Trúc Lâm có ba Thiền sư kiệt xuất là Nhân Tông (Trúc Lâm Đầu Đà), Pháp Loa và Huyền Quang (gọi chung là Trúc Lâm Tam tổ).
Đây là cội nguồn văn hoá dân tộc đáng tự hào, cần được bảo tồn, chấn hưng, phát triển, vì các giá trị văn hoá ấy gắn liền với tên tuổi những nhân cách văn hoá lớn và những di sản văn hoá phi vật thể đồ sộ, vô cùng phong phú.
Còn Nhà nước muốn “chỉ đạo xây dựng” GHPGVN thành nền văn hoá Phật giáo XHCN với các hoạt động “Dâng sao giải hạn”, “trục vong”, “phóng sinh”, “cúng lễ, cầu xin”... thì cứ chỉ đạo; nhà nước tôn vinh mấy ông sư nói: Dâng sao giải hạn mỗi người đóng 200 ngàn, nhà chùa lỗ chổng vó ra; càng nghèo càng phải cúng dường để thoát nghèo… thì cứ tôn vinh. Những đừng vì muốn tôn vinh “cái của mình” mà đi xoá bỏ cái tốt đẹp thuộc về nhân dân, thuộc về dân tộc. Thời đại này rồi, hãy để văn hoá “trăm hoa đua nở”, cạnh tranh với nhau thì chỉ thêm phong phú và cái tốt đẹp sẽ được cuộc sống nuôi dưỡng, cái xấu hại sẽ bị loại bỏ…
Bộ Văn hoá có đem hết 350.000 tỷ đồng đầu tư chấn hưng Văn hóa GHPGVN cũng không sao tạo ra được những nhà sư như Thích Nhất Hạnh, Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu và cộng đồng phật tử tu theo những vị Chân tu này.
Văn hoá nảy sinh từ cuộc sống, các nhà văn hóa lỗi lạc như Trời Đất sinh ra để dẫn dắt những cộng đồng văn hoá đó; nó hình thành tự nhiên, chẳng có Nghị quyết hay ai chỉ đạo xây dựng nên được!
Cho nên đường lối quản lý văn hoá là phát hiện ra những sự kiện văn hoá, nhân vật văn hoá, cộng đồng văn hoá có giá trị Chân, Thiện, Mỹ đích thực thì bảo tồn, tạo điều kiện cho nó phát triển bình thường trong đời sống xã hội và có thể trở thành những di sản văn hoá của dân tộc và nhân loại.
27/11/2023
Mạc Văn Trang

No comments:

Post a Comment