Showing posts with label Tâm Thường Định. Show all posts
Showing posts with label Tâm Thường Định. Show all posts

Thursday, January 11, 2024

Người Ôm Đại Dương


Người Ôm Đại Dương

Kính tiễn Giác Linh Thầy

Hôm nay thân xác tro bụi của Thầy được hoà vào đại dương mênh mông. Ôi Thái Bình Dương sâu thẳm. Cổ mộ của những con người yêu quê hương dân tộc da diết; cõi của sự sống; sinh tử tử sinh–sự tiếp nối nhiệm mầu. Trời Nam se nắng, mây trắng bay, Thầy thong dong huyễn hóa. Trời Tây mưa gió, buồn hiu. Nhìn về bên kia Đại dương, nhớ thương Thầy, nhớ luôn lời nói giọng thơ của Người.
“Giăng mộ cổ
Mưa chiều hoen ngấn lệ
Bóng điêu tàn
Huyền sử đứng trơ vơ
Sương thấm lạnh
Làn vai hờn nguyệt quế
Ôm tượng đài
Yêu suốt cõi hoang sơ.”
Ôm đại dương
Đến đi huyễn mộng
Tình thương bạt ngàn
Ôm đại dương
Mặt trời chói chang
Gió đùa cùng sóng
Lệ rơi đôi hàng
Ôm đại dương
Ngôi mộ cổ
Cõi tịnh
Bình yên
Ôm đại dương,
tình sâu nghĩa rộng
thênh thang tâm Thầy.
Ôm đại dương,
Từ thiên cổ
đến vô cùng
Trời mây hội tụ
Pháp Hoa muôn trùng.

Ngày Chung Thất của Thầy
Sacramento, CA. Jan.10.24
Tâm Thường Định khế thủ

Saturday, December 16, 2023

Giới Thiệu Kỷ Yếu Tri Ân Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ

TƯỞNG NIỆM BẬC LONG TƯỢNG – TUỆ SỸ tại Chùa Duyên Giác, San Jose. Ảnh Chúc Tiến.


GIỚI THIỆU KỶ YẾU TRI ÂN HT. THÍCH TUỆ SỸ

- “Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng.”[3] 


  Thầy, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, không kể những chức vụ tối cao của Giáo hội như Chánh Thư Ký, kiêm Xử lý Thường Vụ Viện Tăng Thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), còn được gọi là Tuệ Sỹ, là một bậc “Long-tượng", là một nhà thơ nổi tiếng, một giáo sư lỗi lạc, một nhà sư ẩn dật, một học giả đáng kính, một nhà “bất đồng chính kiến”, và là một trong những nhân vật nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất trong Phật giáo và Văn hóa Việt Nam cận đại và hiện đại. Cuộc đời Thầy đã dành hết thời gian vào công cuộc Hoằng Pháp lợi sanh, Thầy luôn dạy chúng tôi/chúng ta, hãy lấy Văn hóa, Xã hội và Giáo dục mà hành hoạt.  Lấy lời Phật dạy, “Duy Tuệ Thị Nghiệp” và “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” làm kim chỉ nam trong đời. Thầy ra đi để lại một gia tài tâm linh vô giá, một di sản văn hoá vô biên cho Phật Giáo Việt Nam. Trong tinh thần đó, chúng ta về đây là để tưởng nhớ công ơn sâu dày của Người và biết thêm về quá trình hình thành tuyển tập “Kỷ Yếu Tri Ân Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ” (đưa sách lên).

  Vào ngày 15 tháng 9, 2023, khi nghe tin Thầy trở bệnh nặng và có thể mất bất cứ lúc nào, Hội Đồng Hoằng Pháp họp để chuẩn bị “hậu sự" và quyết định làm một tuyển tập gọi là Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Hãy nghe anh Thị Nghĩa đề cập ở đây: “Ôn chắc chắn không cần nghe hay đọc những lời ca ngợi, tri ân nhưng đệ tử chúng tôi thì lại rất cần. Tri ân Ôn là một cách căn dặn chính mình để tinh tấn tu học và để nhớ những lời dặn dò của Ôn cho dù Ôn không còn bên cạnh nữa.” Tuyển tập này, kêu gọi quý đệ tử bốn chúng và quý văn nghệ sỹ viết bài trong 10 ngày và hoàn tất trong vòng 1 tháng do Hội Đồng Hoằng Pháp chủ xướng và thành phần nhân sự bao gồm: Hòa thượng Thích Như Điển, Chánh Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp, Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu Phó Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp, Hòa Thượng Thích Bổn Đạt Phó Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp làm cố vấn. 

Chủ biên: Thượng tọa Thích Nguyên Tạng | Thượng tọa Thích Hạnh Viên

Ban Biên tập: Thị Nghĩa Trần Trung Đạo | Nguyên Đạo Văn Công Tuấn | Tâm Huy Huỳnh Kim Quang | Tâm Quang Vĩnh Hảo | Quảng Diệu Trần Bảo Toàn | Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ

Kỹ thuật và Thiết kế: Nguyên Túc Nguyễn Sung | Quảng Pháp Trần Minh Triết |

Nhuận Pháp Trần Nguyễn Nhị Lâm

Bảo trợ: Ban Bảo Trợ Hội Đồng Hoằng Pháp

  Trong khoảng thời gian đó, Ban biên tập đã nhận hơn 100 bài và gần 800 trang, nhưng đã quyết định chỉ chọn 1 hoặc 2 bài cho mỗi tác giả và có những bài chưa đủ thuận duyên để đưa vào. Cuối cùng, cũng xong cuốn kỷ yếu dày 508 trang của 78 tác giả sáng tác về Thầy và may mắn nhất là chính Thầy đã đọc được tập sách và Thầy đã hoan hỷ mỉm cười. Có thể là động lực Thầy sống thêm vài tuần nữa.

  Kỷ yếu này được sắp xếp như sau theo lời nhà văn Vĩnh Hảo, người chấp bút cho lời ngỏ Kỷ Yếu Tri Ân chia sẻ [1]: “Văn hóa và Giáo dục Phật giáo được biểu hiện qua việc học hỏi, tụng đọc, truyền dạy và thực hành Kinh – Luật – Luận mà Thầy đã tận tụy suốt hơn 60 năm phiên dịch, chú giải, sáng tác, giảng dạy trong nhiều trường lớp Phật học tại Việt Nam và ngoài nước qua Paltalk, Zoom Meeting Online, v.v…

Văn hóa và Giáo dục Dân tộc cũng được Thầy phổ hiện qua những sáng tác thơ văn, tiểu phẩm, tiểu luận… về tình tự dân tộc, nhân sinh quan, xã hội dân sự; và trong một góc nhìn nào đó, ngay chính bản án tử hình và những năm trong tù ngục của Thầy cũng là hệ quả của sự biểu hiện nền Văn hóa, Giáo dục nhân bản và khai phóng của dân tộc trong một giai kỳ lịch sử đen tối trên quê hương.

  Trong chiều hướng đó, nội dung tập Kỷ Yếu này dựa theo hành trạng của Thầy Tuệ Sỹ, chia làm 3 phần chính:

Phần I – Phật học: Gồm những sáng tác văn, thơ, biên khảo, tiểu luận của chư vị thức giả, học giả, Tăng Ni, cư sĩ, văn nghệ sĩ nói về Thầy Tuệ Sỹ và ảnh hưởng của Thầy trong tư cách một nhà tư tưởng Phật học, một hành giả Tăng sĩ Phật giáo uyên thâm, trác việt;

Phần II – Văn học: Gồm các sáng tác văn chương, thi phú, mỹ thuật của giới văn học nghệ thuật minh họa về Thầy Tuệ Sỹ như một nhà văn, nhà thơ trứ danh, hàng đầu trong nền văn học Việt Nam; và

Phần III – Đạo Pháp và Dân Tộc: Gồm những sáng tác, nhận định, xã luận, tiểu luận của chư vị học giả, thức giả, đời cũng như đạo, Phật giáo hay tôn giáo bạn, về vai trò của Thầy Tuệ Sỹ trong cương vị lãnh đạo Giáo Hội, cũng như những đóng góp của Thầy bằng hành động hay bằng tâm thức, nhằm xây dựng nền tự do, dân chủ và nhân quyền cho dân tộc Việt Nam.”

 Đó là cấu trúc của Kỷ Yếu Tri Ân Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ. Nhưng để tri ân Thầy một cách sâu sắc nhất, chúng tôi/chúng ta hãy xin mượn lời pháp huynh Tâm Huy Huỳnh Kim Quang, một trong những người học trò được Thầy đặt nhiều kỳ vọng, trong bài “Xưng tán Ân Sư, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ” [2] như là nỗi niềm riêng, chung của tất cả chúng ta đang hiện hữu nơi này.

“...Khi giông bão của lòng người lắng xuống, cơn sóng cuồng nộ của ma quỷ lặng yên, nhưng đau đớn thay, ngôi nhà Giáo Hội gần như thành bình địa! Trên hoang tàn đổ nát ấy Thầy vì hai ngàn năm lịch sử Đạo Phật Việt Nam mà nhận lãnh trọng nhiệm xây dựng lại từ đầu.

Ôi, thiên nan vạn nan! Làm sao để vực dậy nội lực của Giáo Hội giữa thời đại tràn ngập hận thù, nghi kỵ và tà thuyết? Dù thân mang trọng bệnh, nguồn mạch trí tuệ và từ bi vẫn không hề suy giảm, Thầy liễu triệt được rằng chỉ có Chánh Pháp thực sự mới soi tỏ lòng người để xua tan đêm dày tăm tối tham, sân, si.

Từ bi nguyện ấy, Thầy khuyến tấn thành lập Hội Đồng Hoằng Pháp để xiển dương Chánh Pháp đến mọi người, mọi nơi. Cùng lúc, Thầy phục hồi công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam để bảo tồn và phát huy nền văn hóa truyền thống của dân tộc và làm kim chỉ nam cho việc nghiên tầm Phật Pháp.

  Nhờ vậy, niềm tin của Tăng, Ni và Phật tử mười phương đối với vận đồ của Đạo Pháp và Dân Tộc được tăng trưởng và cơ đồ của Giáo Hội được dựng lại.

  Trước lúc ra đi, Thầy nhắc lại hoằng nguyện: “Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng.”[3] Bậc đại sĩ hiện thân trong thế giới này để tiếp tục chí nguyện “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh.” “Bồ-tát bệnh vì chúng sinh còn bệnh. Khi chúng sinh hết bệnh thì bệnh của Bồ-tát cũng hết.”[4]

  Năm ấy, trên đường ngàn dặm cô thân, Thầy gõ thiền trượng mà ngâm rằng, “Ta về một cõi tâm không…”[5] Ấy là cõi tâm rỗng lặng, tịch lặng, hay Niết-bàn. Và Thầy đã lên đường “về cõi tâm không,” vào 4 giờ chiều ngày 24 tháng 11 năm 2023, giờ Việt Nam, tại Chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai, Việt Nam.

Vậy là:

“Việc cần làm đã làm xong,”[6] Thầy quảy dép độc hành trên đường thiên lý,

Đỉnh Lăng-già [7] lung linh bóng nguyệt thấp thoáng cánh chim nhạn lướt về Tây.

Ôi, lời thơ năm xưa nay đã hóa thành Thiên nhạc ngân vang tận những tầng trời cao vút để cung tiễn bước chân trở về của vị hóa thân Đại Sĩ.

“Đã đi thì đã đi rồi

Thượng phương trùng điệp thấy gì nữa đâu…”[8]

Con cúi đầu đảnh lễ Giác Linh Thầy tôn kính và lạy tạ ân đức giáo hóa cao dày của Thầy."

Thôi thì:

Thầy đi nhẹ gót về quê Nội

Trở lại trần gian hoá độ Người

Chúng con đồng nguyện Bồ Tát Hạnh

Thuyền từ Bát Nhã đến bến Không. 


Nam mô Từ Lâm Tế Chánh tông tứ thập tứ thế, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội, Tăng Thống Viện Chánh Thư Ký Xử lý Thường Vụ, húy thượng NGUYÊN hạ CHỨNG, hiệu TUỆ SỸ, Trưởng lão Hòa thượng Giác linh thùy từ chứng giám.


Xin cúi đầu

Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ


P.s. Xin xem Thông báo: Về việc phát hành Kỷ Yếu Tri Ân HT Thích Tuệ Sỹ ở đây.

https://thuvienphatviet.com/thong-bao-ve-viec-phat-hanh-ky-yeu-tri-an-ht-thich-tue-sy/


Chú thích:

[1] Vĩnh Hảo chấp bút: Lời ngỏ | Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng THÍCH TUỆ SỸ. Hội Đồng Hoằng Pháp, tải xuống ngày 5 tháng 13, 2023. https://hoangphap.org/loi-ngo-ky-yeu-tri-an-hoa-thuong-thich-tue-sy/

[2] Tâm Huy Huỳnh Kim Quang: Xưng tán Ân Sư, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Hội Đồng Hoằng Pháp, tải xuống ngày 5 tháng 13, 2023. https://hoangphap.org/tam-huy-huynh-kim-quang-xung-tan-an-su-hoa-thuong-thich-tue-sy/

[3] Trích lời nguyện của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ trong Di Chúc Tang Lễ.
[4] Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, Tuệ Sỹ dịch.
[5] Câu thơ đầu trong tập thơ “Thiên Lý Độc Hành” của Thầy Tuệ Sỹ (1945-2023) đã được xuất bản vào năm 2021.
[6] Trích từ tứ định cú trong Kinh A-hàm: “Ngã sanh dĩ tận, phạm hạnh dĩ lập, sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu.” (Sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn đời sau nữa)
[7] Lăng-già (Lanka) là tên một ngọn núi nằm trên Đảo Tích Lan (Sri Lanka). Truyền thuyết kể rằng lúc Đức Phật còn tại thế đã đến đây để giảng Kinh Lăng-già (Laṅkāvatārasūtra – Nhập Lăng-già Kinh). Đây là bộ kinh được Tổ Bồ-đề-đạt-ma (Bodhidharma) mang từ Ấn Độ sang Trung Hoa vào cuối thế kỷ thứ 5 và đầu thế kỷ thứ 6 để truyền đạo Thiền.
[8] Phạm Công Thiện, “Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Lặng Im,” 2009.


Xin xem hình ảnh ở đây tại nhà Quảng Đức.


Friday, November 24, 2023

Thầy Tuệ Sỹ - bậc Thạc đức và Nhà giáo dục lớn

 

Thầy Tuệ Sỹ 

 - bậc Thạc đức và Nhà giáo dục lớn

 

  Theo Từ điển Bách khoa Toàn thư mở (Wikipedia) nói về Thầy Tuệ Sỹ, “... Ông là một học giả uyên bác về Phật giáo, nguyên giáo sư thực thụ của Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, nhà văn, nhà thơ, dịch giả và là một người bất đồng chính kiến với Chính phủ Việt Nam. Ông hiện là Xử lý Thường Vụ Viện Tăng Thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Ông thông thạo tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Pali, tiếng Phạntiếng Nhật, đọc hiểu tiếng Đức. Ông được giới học giả Việt Nam đánh giá cao vì đã công bố nhiều tiểu luận, chuyên khảo, thơ và nhiều công trình dịch thuật Phật giáo từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật.[1] Lúc bị bắt năm 1984, ông và Thích Trí Siêu, được coi là 2 nhà sư uyên bác nhất của Phật giáo Việt Nam, đang soạn thảo quyển Bách khoa Phật học Đại Tự điển.[2][3]

  Vì thế khi viết về một bậc Thầy của Bốn chúng, Hòa Thượng Thích Nguyên Chứng, Pháp hiệu là Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký kiêm Xử Lý Thường vụ Viện Tăng Thống, một bậc “Long Tượng,” một vị thiền sư, một học giả lỗi lạc, một nhà thơ, một bậc Thầy của nhiều vị Thầy, thì cá nhân người viết không có đủ khả năng hay ngôn từ để viết về Ngài. Thôi thì xin chia sẻ nơi đây những lời thô thiển của một kẻ hậu học, bằng tình nghĩa Thầy trò bấy nhiêu năm qua, được học hỏi và làm việc dưới sự chỉ bảo, dìu dắt và nâng đỡ của Thầy. 

  Với rất nhiều người, HT. Thích Tuệ Sỹ, là một nhà thơ, một cao tăng thạc đức, một nhà giáo dục, một nhà lãnh đạo nổi tiếng của GHPGVNTN, v.v... và v.v… Nhưng đối với người viết có thể ca ngợi Thầy là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực văn hoá và giáo dục tại Việt Nam. Những đóng góp sâu sắc của Thầy cho Phật giáo, triết lý và giáo dục đã để lại nhiều dấu ấn không thể phai mờ. Ở Thầy, người viết học từ Thân, Khẩu Ý của Thầy và trong trong cách tư duy về phương thức học hỏi, giảng dạy, và hành trì giáo lý của Đấng Từ Phụ.


  Là một nhà giáo dục lớn mẫu mực và có tầm nhìn xa rộng, Thầy đã và đang là ngọn hải đăng cho nhiều thế hệ, trong đó có người viết. Đầu thập niên 1970s, Thầy đã được thỉnh cử làm vị giáo sư chính thức của Đại Học Vạn Hạnh nổi tiếng lúc bấy giờ dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, cũng như tại Viện Cao Đẳng Phật học Hải Đức Nha Trang. Đầu thập niên 1980s, Thầy đã làm Giáo thọ sư cho những vị Thầy ở Quảng Hương Già Lam, và bắt đầu Thập niên 1990s và 2000s, Thầy tiếp tục nuôi dưỡng và dạy dỗ vô số tăng tài và ủng hộ các cư sĩ tại gia bằng cách gửi học trò của mình xuất ngoại nhằm trau dồi thăng tiến cả hai lãnh vực nội điển và ngoại điển. Trong nước thì Thầy cố vấn, dạy bảo, dìu dắt và nâng đỡ cho tổ chức Gia Đình Phật Tử truyền thống, và các lớp học online xuyên lục địa.

Thầy là một nhà giáo dục lớn mà người viết đã thọ nhận; lối giáo dục của Thầy thông suốt qua thân giáo, khẩu giáo và ý giáo. Từ khi nghe Thầy trở bệnh nặng và có thể không qua khỏi, tâm can người viết cảm thấy bồn chồn, lo lắng và bất định. Tâm chưa tịnh đủ để viết những gì muốn thổ lộ. Giờ đây, chỉ xin viết những đoản văn đứt đoạn như nhắc lại đôi chút kỷ niệm ân cần với Thầy với lòng biết ơn vô hạn.

 

Những Đoản Văn Đứt Đoạn Về Thầy


   Thầy là một người giản dị, thư thái, rất nghệ sĩ và hài hước. Chúng tôi đến với Thầy trước nhất là vì văn học nghệ thuật, với những đoản thơ ngắn nhập đề như “Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn, ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về", và cả một tuyển tập Giấc Mơ Trường Sơn. Sau nữa là những bài học Phật pháp online, những chương trình Tu học hoặc trại Huấn luyện của tổ chức Gia đình Phật tử, sau này là cơ hội làm việc để tiếp nối Thầy trong công cuộc Hoằng dương Chánh pháp và con đường Giáo dục Văn hoá mà Thầy đã vạch ra. Chúng tôi đã dịch một số thơ văn của Thầy và học hỏi rất nhiều điều khi có cơ hội tiếp cận Thầy qua email, phone hay những lần tiếp xúc ngắn với Thầy khi về Việt Nam. 

  Những lần đọc một bài thơ hay, một áng văn đẹp của Thầy, người viết tập tành dịch ra tiếng Anh và gởi Thầy đọc lại. Thầy góp ý và dạy bảo thêm vì có những chỗ người dịch chưa hiểu hết tâm ý của Thầy và người chỉ bảo tận tường. Qua đó mới hiểu được những tư tưởng sâu thẳm của Thầy, cũng như những từ ngữ ẩn dụ, tượng hình phổ thông;  như các từ: ‘Em’, ‘mắt biếc’, ‘quán trọ’ v.v… ‘Quán trọ' trong thơ của Thầy không chỉ là thời gian cho việc ở tù của Thầy mà là một quãng đời của con người trên trái đất này và xa hơn nữa và trong kiếp sống luân hồi của mình. Tinh thần bất khuất của Thầy là bài học thân giáo Thầy dành cho tất cả mọi người con Việt. Trước án tử hình và sau này là tù chung thân với tội là “tuyên truyền lật đổ chính quyền,” Thầy đã chịu tù hơn 10 năm, đến năm 1998 nhà nước bảo Thầy viết giấy “xin khoan hồng”, để được trả tự do, Thầy trả lời: “Chúng tôi đã không công nhận giá trị của phiên tòa này, tính pháp lý của bản án này, các ông không có quyền giam giữ chúng tôi thì sao lại có quyền khoan hồng hay ân xá chúng tôi.” Thầy cũng đã có lần âm thầm tuyệt thực và viết một lá thư gửi cho nhà cầm quyền, nói “một là tôi tự do ở đâu tôi muốn, hai là vào tù trở lại, chứ mấy ông không thể thả tôi ra khỏi nhà tù nhỏ để nhốt tôi vào nhà tù lớn hơn là cả đất nước này.”  Cuối cùng tháng 9 năm 1998, Thầy cũng được trả tự do. Nhưng Thầy vẫn thanh thản, bao dung, tự tại không oán than chi hết. 

Thầy luôn khuyên bảo chúng tôi và những người chung cùng làm việc với Thầy là “Lấy văn hoá và giáo dục làm hành trang cho cuộc đời mình.” Đó là việc dài lâu; chính trị hay các thể chế chỉ là tạm thời. Thầy vẫn thường nhắc đi nhắc lại như thế. 



2

  Nhớ lần đầu tiên gặp Thầy bằng xương bằng thịt tại Hương Tích Phật Việt, nhờ  thầy Hạnh Viên sắp xếp. Buổi gặp gỡ thật đạo vị và thân tình. Thầy hiền từ, gần gũi, đa tài và khôi hài. Nhưng ấn tượng nhất là lần gặp ở một miền quê hẻo lánh. Hôm đó chúng tôi đón xe khách, tài xế chạy suốt đêm từ Saigon đến Dambri thì trời đã quá nửa đêm và hai chúng tôi được bỏ lại ở một ngã ba đường. Thầy Quảng Ngộ, thị giả của Thầy, chạy xe Honda máy ra đón và đưa chúng tôi về Thị Ngạn Am yên ả và trầm mặc. Trời khuya, nên chúng tôi ngủ lại ở nhà chính để sáng hầu chuyện cùng Thầy. Dambri, Bảo Lộc, Lâm Đồng, sáng đó, trời mát dịu, không gian như rỗng lặng và thời gian như chậm lại. Bên Thầy, thăm hỏi và hàn huyên. Sau đó tôi xin Thầy cái tên để gieo duyên làm đệ tử của Thầy và làm bút hiệu để làm việc. Thầy bảo vậy gọi anh bằng “Thiên Nhạn,” nghe hai chữ này, tự nhiên lòng khựng lại vì không dám. Bởi lẽ chữ “Nhạn” là tên của Dì Ba mình và có vẻ con gái, mà mình là đấng mày râu. Không muốn nhận và không dám nhận vì cánh Nhạn Trời này có phải là những điều Thầy muốn gửi gắm như trong bài thơ “Nhạn Quá Trường Không” của Thiền Sư Hương Hải mang tinh thần nhập thế của Phật giáo Đại thừa?

Bài thơ như sau:
“Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.”

Thiền Sư Thanh Từ đã dịch bài như sau:

“Nhạn bay trên không
Bóng chìm đáy nước
Nhạn không có ý để dấu
Nước không có tâm lưu bóng.”

Nghĩ thế nên con nào dám, xin Thầy cho tên khác. Sau một hồi hầu chuyện qua lại cùng Thầy, Thầy bảo giữ y nguyên như vậy. Và đó cũng là lối giáo dục bằng ý giáo của Thầy, dạy hàng đệ tử của mình–hãy dấn thân theo tinh thần nhập thế. Đem Đạo vào đời để làm cho cuộc đời bớt khổ thêm vui. Tên đặt hay ngôn ngữ cũng chỉ là phương tiện dấn thân của Bồ Tát Hạnh và Bồ Tát Đạo.


3

  Món quà trân quý từ Thầy. Ngoài những biệt tài ưu việt về Phật học, văn chương, triết lý, âm nhạc, v.v… Thầy còn viết những câu đối thật tuyệt vời và chữ thảo thật đẹp. Món quà quý giá đầu tiên mà Thầy tặng cho người viết là một thư pháp chữ Hán. 

Thư pháp là bài kệ tán trong kinh Lăng Già như sau:


“Tri nhân pháp vô ngã

Phiền não cập nhĩ diệm

Thường thanh tịnh vô tướng

Nhi hưng đại bi tâm."

https://lh5.googleusercontent.com/qoS29rbQfW9p1NKKR4dNo1RjIxcih7XH48IQ_2qVxgYgqLoxYvBA8YzxrZ8tnwX90R7Z0eDPzK1CRggGExGFWF5khvYA7I-g-98ci8mmYQRyAiCczgQurwWDZwTXbEQYCFxGsWEhc8-5dFjx8gTVAA

  Và theo chúng tôi hiểu nghĩa bài kệ này như sau: Biết người và pháp đều vô ngã / Phiền não cùng sở tri chướng / Vốn thanh tịnh, vô tướng... / (nên) khởi tâm đại bi. Sau này, chúng tôi được biết, Thầy dạy rất rõ trong bài Dẫn vào Thế giới Văn học Phật giáo, theo đó văn học Phật giáo lấy tư tưởng của Giáo lý Phật đà, lấy “tâm nguyện đại bi, đại trí và đại hùng” để bước.

Món quà kế tiếp là Thầy viết lời giới thiệu cho cuốn sách “Chánh niệm – Chất liệu tỉnh giác trong cuộc sống và học đường” của chúng tôi, trong đó Thầy đã dạy, “Tập sách không phải tập hợp một mớ lý thuyết, mà dẫn dụng những ứng dụng cụ thể và những kết quả đạt được, hoặc lớn hoặc nhỏ, rất đáng khích lệ.

Đối với các huynh trưởng Gia Đình Phật tử, với tâm nguyện, với trách nhiệm tự nhận, ước mong hướng dẫn các đoàn sinh, các đàn em của mình, trưởng thành trong Chánh pháp; bằng nhận thức và hành động được tu dưỡng, được tài bồi, của Phật pháp trong nhiều năm, tập sách này là tư liệu tham khảo cần thiết để tăng trưởng nhận thức, phát huy những tinh hoa trong Phật pháp trao truyền cho các thế hệ đàn em, vì một xã hội hài hòa, an lạc, một dân tộc bao dung nhân ái trong một đất nước thanh bình.

Tiết Nhi đồng Việt Nam 2021”


  Đó là những món quà quý giá Thầy tặng cho chúng tôi, và đó cũng là lời gửi gắm dạy dỗ cho hàng huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT nói riêng và tuổi trẻ Phật giáo nói chung là lấy tâm nguyện Đại bi, lấy hạnh nguyện và con đường Bồ Tát mà hành hoạt và hiến dâng cho cuộc đời. Một lối giáo dục đầy từ bi, bác ái, nhân văn, thực tiễn và khai phóng.


4

  Một buổi tối trời se lạnh, khoảng đầu năm 2021, có một cú điện thoại gọi qua Viber app, xa lạ với tên gọi là “Yibo”, đang lưỡng lự là có bắt phone không. Sau một hơi thở sâu và chậm, chúng tôi quyết định nghe điện thoại. Ồ thì ra đó là Ôn Tuệ Sỹ từ bên Nhật gọi qua Hoa Kỳ. Đó cũng là sự bắt đầu cho chuỗi thời gian nối kết Thầy và Chư Tăng Ni tại Hải Ngoại để từ đó dẫn đến sự thành lập Hội Đồng Hoằng Pháp và các Phật sự quan trọng khác. Làm việc với Thầy mới thấy sự kham nhẫn và khiêm nhường của Thầy. Có những văn bản mà Thầy viết rất hay chí tình chí nghĩa; tình đạo, tình đời viên dung, rất người và ký với những tên tuyệt diệu và khiêm nhượng với vị trí của Thầy. Những lần Thầy ký Thiện thệ tử, Vãn bối Tỳ-kheo, Bỉnh Pháp Tỳ-kheo, v.v… Nhưng có một văn bản, Thầy ký “Tiểu Tăng” Thích Tuệ Sỹ đã làm tôi bật khóc vì thương Thầy, thương cho đại cuộc và thương cho Giáo hội. Mặc dù trên lãnh vực hành chánh, cương vị của Thầy lớn hơn so với những vị Thầy khác, nhưng Thầy vẫn ký là “Tiểu Tăng,” làm chúng tôi càng phục và càng thương Thầy. Có lần lắng nghe Thầy tâm sự, tôi càng thương và đồng cảm với Thầy và nhận chân rằng con đường Thầy đang đi rất lẻ loi, Giáo hội thiếu nhân sự và có rất ít người cùng đồng hành. Tuy nhiên mỗi khi có ai đó có phước duyên gặp gỡ và làm việc cùng Thầy thì những vị đó đều là những người đồng hành, những kẻ cùng tử và trung kiên. 

  Trở lại việc giáo dưỡng của Thầy, có những lúc có vài trắc trở vì không gian và thời gian để đưa đến một vài sự hiểu lầm nhau, Thầy dạy, “chuyện nghi ngờ lặt vặt, ai có ác ý hay thiện ý gì cũng không quan trọng.” Nhiều khi Thầy dạy rất ngắn và chúng tôi lãnh ngộ và thái độ yên lặng–gìn giữ cho thân tịnh tâm an để tiếp tục làm việc. Bậc minh sư đó, lúc nào cũng tận tuỵ và dạy dỗ học trò đúng lúc đúng thời.


5

  Đối với Tăng Ni, Thầy đã viết, hướng dẫn và tạo niềm tin qua các tiểu luận như,  Định hướng tương lai cho Tăng Ni trẻ, Thư gửi các tăng sinh Thừa Thiên-Huế, bao nhiêu Thông điệp, Chúc thư, v.v… Cho hàng cư sỹ Thầy gửi gắm và dạy dỗ qua nhiều tác phẩm như: Du-già Bồ tát giới, Thắng Man giảng luận, Huyền Thoại Duy-Ma-Cật, tiểu luận như Văn minh tiểu phẩm, Trí thức phải nói, Thư Chào mừng Đại hội Cư sĩ Phật giáo Hải ngoại, v.v… Đối với tuổi trẻ, Thầy đã giảng dạy qua Đạo Phật với Thanh niên  – Buddhism & The Youth, Tuổi trẻ Lên Đường, Suy nghĩ về hướng giáo dục đạo Phật cho tuổi trẻ, v.v…

  Với GĐPT thì vô số kể, chúng tôi xin kể một vài câu chuyện khác: Thầy lúc nào cũng thương yêu, động viên và dạy bảo GĐPT bằng Thân, Khẩu và Ý giáo của mình. Năm 2004, Thầy khuyến khích và bảo trợ tài chánh cho Ban huynh trưởng GĐPT Miền Quảng Đức, Sài Gòn tổ chức thi hội hoạ, văn thơ... Năm đó, Thầy đã bảo trợ từ vật chất đến tinh thần, đích thân đến chứng minh. Thầy đã khuyến tấn quý anh chị em lam viên tổ chức và tham dự những hội hè, mở ra một truyền thống đẹp cho tổ chức GĐPT. Ở hải ngoại, Thầy thường xuyên thăm hỏi và để ý đến sự đoàn kết của Tổ chức cũng như những huynh trưởng có trình độ / khả năng hội nhập những hội đoàn quốc tế vì Thầy luôn quan niệm GĐPT cần phải vươn lên theo chiều hướng văn minh và phát triển của xã hội.

https://lh3.googleusercontent.com/45WFYwwJ5w-c3ZGWGnzx6DspyHesgm4Vf96gatOhDQhsBYMwHn-bp5SoC1VgKtkb2JLpeCGXCBZ9w0EbFs5uzmC9pFdJ3ehacSAOxx3qKm25gQeFEW9Vau1q69gVacIMjEaghQDgR1UpjaMtPnfgdA

  Thầy có nhiều niềm tin yêu và hy vọng vào tuổi trẻ. Có một em sinh viên trẻ, Pháp danh Tâm Thuần, viết tiểu luận về thơ Thầy và rất dũng cảm để chia sẻ trên mạng mặc dù có thể bị khó khăn trong việc học của em. Thầy email bảo rằng, “Tôi đã đọc hết Tiểu luận của Cô bé Tâm Thuần. Bài viết rất vững. Trình độ xúc cảm và nhận thức về thơ khá sâu. Dù sao đây cũng chỉ là một Tiểu luận mang tính báo cáo nhiều hơn, nhận thức thơ qua các phê bình của nhiều tác giả chứ chưa thấy được cảm xúc thơ của chính người đọc thơ và người làm thơ. Tôi thật sự cảm động và rất vui về tương lai với một thế hệ mới có tâm hồn cao đẹp như thơ, để cho đất nước này cũng đẹp tình người như những bài thơ.

Có một điều khiến tôi suy nghĩ. Post Tiểu luận của Cô Bé lên thì rất tốt cho nhiều người, gợi hứng niềm tin về một thế hệ trẻ nhiều tình tự dân tộc; nhưng còn đang học, không biết việc phổ biến này sẽ ảnh hưởng đến việc học của Cô Bé hay không. Chế độ không cho phép ai phê bình nó. Điều này tất cả chúng ta đều hiểu rõ. Anh cũng nên nói chuyện với Cô Bé về điều này.”

  Điều muốn nhấn mạnh ở đây, là Thầy đã và đang quan tâm cho giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên cũng như đặt niềm tin vào tuổi trẻ. Dĩ nhiên, em nữ sinh viên này rất vui được Thầy khen và đồng thuận cho đăng trong sự can đảm của mình. Âu đó cũng là những lời gửi gắm của Thầy đến em sinh viên Tâm Thuần nói riêng, cũng như bao nhiêu sinh viên trẻ khác trong đất nước hình chữ S thân yêu và khắp mọi nơi. Thầy luôn tin yêu, hy vọng, bảo vệ và tạo cảm hứng cho giới trẻ Việt Nam.


6. 

  Những lúc làm việc với Thầy, mới thấy sự làm việc nghiêm túc, nhưng phóng khoáng và dân chủ của Thầy. Thầy rất chỉnh chu, tỉ mỉ khi làm việc. Chúng tôi nhớ khi làm cuốn Thiền Định Phật Giáo Khởi Nguyên và Ảnh Hưởng; cuốn Tổng Quan Về Nghiệp với Thầy và anh Nguyên Đạo Văn Công Tuấn bên Đức, càng biết là Thầy làm việc nghiêm túc, tinh cần và rất quy củ; từ góp ý bìa cho đến footnote, Thầy làm việc từ sáng đến chiều và làm việc bất cứ lúc nào Thầy khoẻ. Có lần Thầy bảo vào ngày thứ Bảy (Sat, Sep 18, 2021, 3:57 PM) “Quyết định chọn bìa này đi, bìa không có hình, nếu mọi người vui vẻ chấp nhận. Nếu không đồng ý, có hình Phật cho vui mắt một chút thì cũng được, vui vẻ đồng ý với nhau là được.” Thầy không bảo thủ và nhường quyền quyết định cho số đông. Nhưng nói ở đây là Thầy làm việc luôn cả ngày lẫn đêm, thậm chí vào cuối tuần. Một lần khác, mới vừa ăn sáng xong. Cuốn TQVN đã đọc đi đọc lại đến 6 lần vì Thầy cần sửa những footnote. Thầy dạy, vào ngày thứ Năm, (Thu, Oct 7, 2021), 7:06 giờ sáng, “Thế thì tốt đẹp rồi, có thể ấn hành được rồi. Sách đã làm xong. Sự đóng góp nhiệt tình của các huynh đệ để sách được hoàn chỉnh. Chân thành tán thán công đức của các huynh đệ đã trực tiếp hoặc gián tiếp cho sách.”

Thầy cũng thực sự thân mật với những người làm việc cùng Thầy. Thầy luôn gọi nhau là “anh” như tình pháp hữu. Chúng tôi nhớ là chưa có bao giờ Thầy gọi chúng tôi là “con”; lúc nào cũng gọi là “anh” hoặc tên Phẻ mặc dù chúng tôi có lúc gọi Thầy là “Thầy”, là “Hòa Thượng”, là “Ôn”, nhưng Thầy cứ gọi chúng tôi là “anh” hoặc “quý anh”. Âu đó cũng là một lối giáo dục từ khẩu giáo và thân giáo của Thầy.

7.

  Trong cuốn sách đầy ảnh hưởng “Du Già Bồ Tát Giới” (2010), Thầy đã nêu rõ tầm nhìn của mình về giáo dục, lấy nền tảng Bồ Tát Hạnh, Bồ Tát Đạo và Bồ Tát Hành làm kim chỉ nam cho một thế giới ngày càng tốt đẹp hơn, an bình và thịnh vượng. Thầy tin rằng, văn hoá và giáo dục không những chuẩn bị cho cá nhân trở thành công dân tích cực, thăng tiến mà còn nuôi dưỡng các giá trị nhân văn, dân chủ, tương đồng, khoan dung và trách nhiệm xã hội. Ý tưởng của Thầy tiếp tục định hình các cuộc thảo luận về vai trò của giáo dục trong việc thúc đẩy tâm từ, hoà bình, các khía cạnh xã hội dân chủ nhân văn.


  Nói tóm lại, những đóng góp của Thầy, Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ, cho nền giáo dục Phật giáo còn kéo dài hơn cả cuộc đời Thầy qua công trình đồ sộ phiên dịch Đại Tạng Kinh bằng tiếng Việt. Đó là một di sản tâm linh, một di sản giáo dục rất lớn và từ trước đến nay của Phật Giáo Việt Nam. Sự hành trì nghiêm mật, sự trải nghiệm và trí tuệ vô biên của Thầy tiếp tục truyền cảm hứng cho hàng đệ tử xuất gia và tại gia, các nhà giáo dục Phật Giáo, cũng như các giới văn nghệ sĩ đến các nhà hoạt động xã hội. Tam giáo của Thầy có thể là định hình cho các hoạt động giáo dục hoặc những người tự cho mình là nhà giáo dục / giáo viên trên toàn thế giới có tầm nhìn chung để nương vào và hành hoạt. Ý tưởng và hoài bão của Thầy đặc biệt phù hợp trong bối cảnh giáo dục ngày nay, trong đó nhấn mạnh đến nhân bản, dân tộc, và sự dấn thân của giới trẻ để tư duy, phê phán và phát triển đạo đức và tâm linh theo đà phát triển kỹ thuật và khoa học của thế kỷ 21 này.

  Cuối cùng, chúng tôi có niềm tin sâu sắc là Thầy vẫn còn với chúng ta. Có lần chúng tôi nói với Thầy rằng là hàng đệ tử tứ chúng cần Thầy phải sống thêm 10 năm nữa để cho Công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh được thành tựu viên mãn. Thầy cười bảo, “10 năm thì không dám, nhưng chắc 3 năm thì được.” Nhưng đến giờ này thì chỉ hơn 1 năm thôi. Vậy mong Thầy tiếp tục sống để làm điểm tựa cho hàng hậu học. Chúng con cũng xin nguyện sẽ “tái sinh” và đồng hành cùng Thầy tiếp tục công việc phiên dịch Đại Tạng Kinh còn dang dở. 


Thầy ơi! 

Tháng 10 mưa rơi

Thuyền từ Giáo hội

Chỉ còn Thầy thôi! 


Nam Mô Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai.


Đầu tháng 10, Sacramento, California

Xin cúi đầu

Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ


Tài liệu cần tham khảo:


1. “Amnesty International, ASA 41/010/1998, December 1998”. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 5 năm 2003. Truy cập ngày 16 tháng 5 năm 2003.


2. “Niên Biểu Phật giáo Việt Nam”. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2007.


3. Bách khoa toàn thư mở wikipedia. Tiểu Sử Thích Tuệ Sỹ https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%ADch_Tu%E1%BB%87_S%E1%BB%B9. Tải xuống ngày 30 tháng 9, 2023.


4. Thích Tuệ Sỹ: Dẫn Vào Thế Giới Văn Học Phật Giáo - https://hoangphap.org/tue-sy-dan-vao-the-gioi-van-hoc-phat-giao/ Tải xuống ngày 1 tháng 10, 2023.


5. Thích Tuệ Sỹ: Định hướng tương lai cho Tăng Ni trẻ. https://quangduc.com/a50534/dinh-huong-tuong-lai-cho-tang-ni-tre


6. Thiền Định Phật Giáo: Khởi Nguyên và Ảnh Hưởng (Vietnamese Edition) 

https://www.amazon.com/Thi%E1%BB%80n-%C4%90%E1%BB%8Anh-Nguy%C3%AAn-H%C6%AF%E1%BB%9Eng-Vietnamese/dp/1087924367/ref=sr_1_7


7. Thích Tuệ Sỹ: Văn minh tiểu phẩm - https://quangduc.com/a5113/van-minh-tieu-pham, Tải xuống ngày 2 tháng 10, 2023.



8. Thích Tuệ Sỹ: Thư gửi các tăng sinh Thừa Thiên-Huế, https://sentrangusa.com/2020/09/09/thich-tue-sy-thu-gui-cac-tang-sinh-thua-thien-hue-cua-thay-tue-sy/ Tải xuống ngày 1 tháng 10, 2023.


9. Thích Tuệ Sỹ: Đạo Phật với Thanh niên – Buddhism & The Youth https://hoangphap.org/ht-thich-tue-sy-dao-phat-voi-thanh-nien-buddhism-the-youth/ Tải xuống ngày 1 tháng 10, 2023.


10. Thích Tuệ Sỹ: Trí thức phải nói,

https://saigonnhonews.com/nhin-lai-lich-su/thich-tue-si-tri-thuc-phai-noi/ Tải xuống ngày 1 tháng 10, 2023.


11. Thích Tuệ Sỹ: Thư Chào mừng Đại hội Cư sĩ Phật giáo Hải ngoại, https://bodhimedia.net/reading_Thu-Chao-Mung-%C3%90ai-Hoi-Cu-Si_ccqttdgt.html Tải xuống ngày 1 tháng 10, 2023.


12. Thích Tuệ Sỹ: Du-già Bồ tát giới. Sách phát hành trên hệ thống Amazon vào ngày 12 tháng 10, 2019. https://www.amazon.com/DU-GI%C3%80-T%C3%81T-GI%E1%BB%9AI-Vietnamese/dp/1087809150 


13. Thích Tuệ Sỹ: Thắng Man giảng luận. Sách phát hành trên hệ thống Amazon vào ngày 6 tháng 3, 2019. https://www.amazon.com/Th%E1%BA%AFng-Man-Gi%E1%BA%A3ng-Lu%E1%BA%ADn-Vietnamese/dp/0359483631/ref=sr_1_1?crid=1XXA57FQYGT4D


14. Thích Tuệ Sỹ: Huyền Thoại Duy-Ma-Cật. Sách phát hành trên hệ thống Amazon vào ngày 18 tháng 6, 2014.

https://www.amazon.com/Huyen-Thoai-Duy-Cat-Vietnamese/dp/1500243086/ref=sr_1_1


15.  Thích Tuệ Sỹ: Tuổi trẻ Lên Đường. https://phatviet.info/tue-sy-tuoi-tre-len-duong/ 


16. Thích Tuệ Sỹ: Suy nghĩ về hướng giáo dục đạo Phật cho tuổi trẻ. https://phebach.blogspot.com/2015/11/suy-nghi-ve-huong-giao-duc-ao-phat-cho.html


Trích: Kỷ yếu tri ân HT Thích Tuệ Sỹ | Hội đồng Hoằng Pháp ấn hành tháng 10/2023