Friday, December 29, 2023

TƯỞNG NIỆM BẬC LONG TƯỢNG – TUỆ SỸ của Cộng Đồng Phật Giáo Việt Nam tại Bắc California

 TƯỞNG NIỆM BẬC LONG TƯỢNG – TUỆ SỸ

của Cộng Đồng Phật Giáo Việt Nam tại Bắc California


  Chương Trình Lễ Tưởng Niệm Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Nguyên Chứng, Hiệu TUỆ SỸ do Cộng Đồng Phật Giáo Việt Nam tại Bắc California đã diễn ra một cách trang nghiêm. Lúc 9:30 sáng, chúng tôi đã thấy các tranh ảnh triển lãm và quầy sách trang trí về Đại Tạng Kinh và hơn 50 tác phẩm của Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ đã trang bày một cách trịnh trọng và đẹp mắt do Htr. Nguyên Cần, Htr. Huệ Cảnh, Htr. Tâm Thường Định và Tủ Sách Phổ Hoà phụ trách. Vào  lúc 9:45 sáng thứ Bảy, 16 tháng 12 năm 2023 tại Chùa Duyên Giác, San Jose, chúng tôi nhận thấy đông đủ quý Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni, quý đồng hương và Gia đình Phật tử đã vân tập đầy đủ tại Chánh điện. 

Đúng 10:00 sáng, đạo hữu MC hướng dẫn chương trình Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng, đã giới thiệu và ghi nhận sự hiện diện của Chư Tôn đức và Đại chúng. Chúng tôi nhận thấy có sự chứng minh và tham dự của Trưởng lão HT. Thích Tịnh Từ, Viện Chủ Tu Viện Kim Sơn, Hoà Thượng Thích Nguyên Siêu, Tổng Thư Ký Hội Đồng Điều Hành, GHPGVNTN Hoa Kỳ, Phó Chánh Thư Ký HĐHP, Hoà thượng Thích Nhật Huệ, Trụ trì Chùa Duyên Giác, thành viên của Hội Đồng Hoằng Pháp, Hoà thượng Thích Thông Đạt, Viện chủ Chùa Đại Nhật Như Lai, Hoà Thượng Thích Trường Phước, Viện Chủ Chùa Quan Âm, Montreal, Québec, Canada, Hoà thượng Thích Từ Lực, Viện chủ Chùa Phổ Từ, Cố vấn Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ, đồng thời là thành viên HĐHP, cùng chư tôn Thượng Toạ, Đại Đức Tăng, v.v... 

Bên Ni Chúng, chúng tôi nhận thấy Ni Trưởng Thích Nữ Đồng Kính, Ni Sư Thích Nữ Tiến Liên, v.v... cùng khoảng 30 Ni chúng khác.  Phía Gia Đình Phật Tử, chúng tôi thấy có các Htr. Cấp Dũng Tâm Duy, Nguyên Thanh,  Quảng Minh, Tâm Nhân, và Quang Ngộ, Htr. Trưởng Ban BHD GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ, ngoài ra còn có Htr. TB của Miền Thiện Minh, Htr. Tâm Nhuần, Htr. TB Miền Liễu Quán, Htr. Thanh Quang, Htr. Tâm Nghĩa và đông đảo quý anh chị của Liên Đoàn Cựu Htr. Huệ Năng, v.v.... Phần quan khách có các cựu học sinh của Trường Đại học Vạn Hạnh, trong đó có đạo hữu Trí Nguyện, Nhiếp ảnh gia Chúc Tiến Donald Phạm (Xin mời xem hình ảnh đính kèm), các cảnh sát ở Thành phố San Jose, và quý quan khách, đồng hương Phật tử.



Sau phần lễ Cầu nguyện với nghi thức Tiến Giác linh do TT. Thích Pháp Trí làm Duy Na, là lời chào mừng của HT Thích Nhật Huệ, người cũng là học trò của Cố Trưởng Lão HT. Thích Tuệ Sỹ khi còn dạy ở Quảng Hương Già Lam ở Sài gòn đầu thập niên 1980. Những nét Đẹp trong cuộc đời của HT Tuệ Sỹ (thay cho phần đọc tiểu sử) đã do HT Thích Nguyên Siêu phụ trách, với phần giới thiệu về công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam, Thầy đã trình bày công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh đã qua và sắp tới. Bộ Đại Tạng Kinh đã được ấn hành đợt 1 vào năm 2021, có 29 quyển tất cả, và đợt 2 có thể sẽ hoàn tất vào Mùa Phật Đản năm 2024. Sau đó, Thầy chia sẻ thật cảm động về vị Thầy của mình, Giác Linh Trưởng Lão Hòa Thượng húy thượng NGUYÊN hạ CHỨNG, hiệu Tuệ Sỹ “Tảo Đăng Giác Ngạn.” Qua đó, Thầy nhấn mạnh 9 cái đẹp vô ngần của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ: 

  1. Sở hữu một tư tưởng thời đại quá lớn (tư tưởng triết lý). 

  2. Một nhà Đạo học dung dị đơn sơ. 

  3. Một nhà thơ phủ lấp cả chân trời Đông Tây siêu thực. 

  4. Một nhà tranh đấu bất khuất trước bạo quyền. 

  5. Một bậc Thầy uyên thâm hiến dâng trọn đời cho sự giáo dục thế hệ trẻ. 

  6. Một nhà phiên dịch Đại Tạng Kinh Hàn Lâm mang tính nghiên cứu quốc tế. 

  7. Một Đạo Sỹ hùng tráng như Sư Tử chúa- Đại Trí và thong dong như tượng vương – Đại Hạnh.

  8. Một người đệ tử Phật nêu cao ngọn cờ giác ngộ giải thoát – Hư Không Hữu Tận, Ngã Nguyện Vô Cùng.  


Không khí lắng dịu lại khi nhạc sỹ Nguyên Quang từ Sacramento về trình bày nhạc phẩm, Tôi Vẫn Đợi, Thơ Tuệ Sỹ do chính anh sáng tác. Ôi lời thơ và nhạc thống thiết làm sao, đã nói lên một phần nhỏ cuộc đời của vị Thầy khả kính…


“...Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ

Quên những người xuôi ngược Thái Bình Dương

Người ở lại giữa lòng tay bạo chúa

Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương


Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng

Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu

Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng

Như sương mai, như ánh chớp, mây chiều.”


  Cảm tưởng của Ái hữu Vạn Hạnh, những kỷ niệm ở sân trường do Đạo hữu Trí Nguyện Cao Hồng phát biểu, người từng là học sinh trường Vạn Hạnh và đã cảm ơn Thầy đã dày công dạy giỗ.  Tiếp theo là Cảm Tưởng của GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ do Htr. Trưởng Ban Quang Ngộ Đào Duy Hữu tuyên đọc trước Giác linh HT. Thích Tuệ Sỹ. (Xin đọc nguyên văn ở đây, link đính kèm).

  Kế đến là Ni Sư Thích Nữ Tiến Liên đọc Thư Phân ưu của Ngài Đạt Lai Lạt Ma bằng song ngữ. Rồi lời cảm tưởng của 2 cảnh sát viên người Việt ở thành phố San Jose và kêu gọi sư các Chùa chiền tự viện hãy vận dụng sở cảnh sát mỗi khi có lễ lớn. Tiếp đó, là Đạo hữu Tâm Thường Định nghiêm chỉnh mời tất cả Chư Tôn Đức Tăng Ni và thỉnh chúng thở thật sâu và chậm 3 hơi, một hơi cho chính mình; một hơi cho gia đình hay cho đạo pháp và một hơi để tưởng nhớ Hoà thượng vừa viên tịch và trần trọng giới thiệu Kỷ yếu Tri Ân HT Thích Tuệ Sỹ, (hãy đọc nguyên bài ở đây).

  Rồi Trưởng lão Hoà thượng Thích Tịnh Từ chứng minh buổi lễ đã ban đạo từ, Thầy nhắc lại công hạnh và sự tài ta siêu việt của HT. Thích Tuệ Sỹ. Thầy nhớ là thập niên 60, Cố Trưởng lão Hoà thượng Thích Thiện Siêu mời “chú" Tuệ Sỹ ra Chùa Từ Đàm giảng pháp, có rất đông Phật tử Huế đến tham dự và Thầy còn nhờ một buổi sinh hoạt văn nghệ, trong đó có Ca sỹ Hà Thanh. Thầy Tuệ Sỹ có đánh đài Tỳ Bà và có hàng ngàn người Phật tử và đồng bào Huế tham dự.  Hoà thượng Thích Tịnh Từ cũng có ngắn đến thời gian Thầy còn là học sinh ở Huệ Nghiêm và Thầy Tuệ Sỹ cũng đã đứng lớp dạy quý Thầy, trong đó có Thầy thời 1972-1973. 

  Cuối cùng là lời cảm tạ của Ban Tổ chức của HT Thích Từ Lực. Thầy chia sẻ trong xúc động: "Trước hết và trên hết, hàng hậu học chúng con xin thành kính đảnh lễ Đại Tăng, cảm niệm ân đức sâu dày của chư Tôn đức xa gần đã luôn luôn thương tưởng, yểm trợ chúng con trên đường phụng sự Đạo pháp và nhân sinh. 

         Tiếp đến, chúng tôi cũng xin thành tâm cảm ơn mọi sự giúp đỡ tận tình của Đạo tràng chùa Duyên Giác, mọi đóng góp tinh thần và vật chất của liệt Quý vị cho buổi lễ Tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ hôm nay.

          Riêng đối với quý Anh chị Huynh trưởng GĐPT, lời cảm tạ không dừng ở đây. Xin chúng ta hãy có đôi phút lắng đọng tâm tư, nhớ lại những lời Huấn từ tha thiết của Ôn Tuệ Sỹ ngày nào với tập thể áo Lam: ‘Trong tình tự dân tộc, bằng tâm nguyện Bồ đề, trước những thảm cảnh thiên tại nhân họa, dù vẫn tồn tại những mâu thuẫn quan điểm trong Nội quy hay ngoài Nội quy, tình Lam vẫn trong sáng, cùng hòa hiệp trong Bồ đề nguyện và Bồ đề hành, đến những nơi cần đến, nối dài cánh tay Đại Bi của Bồ tát. Đồng hành với các thế hệ đàn em, học Chánh pháp, hành Chánh đạo, từ những thống khổ muôn vàn của thế giới quanh ta, để nhận thức thực tại bằng chính đôi mắt của chính mình từ chính trái tim của mình, để thấy những mâu thuẫn quan điểm, những bất đồng ý kiến chỉ là những phân biệt vọng tưởng.’ Đã Biết như vậy là chúng ta có thể Vượt thoát và Đi lên được rồi!

      Xin quý Anh Chị hãy dành chút thì giờ đọc lại Thắng Man giảng luận để chúng ta có thể cảm nhận, nhìn ra, thấy được tấm lòng của Ôn Hương Tích suốt một đời vì Đạo, vì Đời, qua từng trang kinh Ôn dịch, chương sách Ôn viết, và từng lời lẽ chân thành cho tuổi trẻ Việt nam của vị Thầy khả kính, bậc Thạc đức trên bục giảng của đại học Vạn Hạnh ngày nào.

   Cuối cùng, chúng con/chúng tôi xin thành kính cầu nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ chư Tôn đức và Liệt Quý vị vạn sự cát tường như ý.”

  Rốt cùng, ai ai cũng hoan hỷ thọ trai – Cơm chay thân mật trong khuôn viên Chùa Phước Duyên quanh hai ảnh bích báo, “Hư không hữu tận, Ngã nguyện vô cùng” như là lời nhắc nhở đại nguyện chung của những bậc tiền bối, mà trong Di chúc của Trưởng lão HT. Thích Tuệ Sỹ đã nhấn mạnh như là hạnh nguyện của chính mình.


Bodhi Media | Tâm Quảng Nhuận


Ảnh: Chúc Tiến Donald Phạm


Monday, December 25, 2023

This Noel - Noel Năm Nay

This Noel

There are days that pass quietly
Like afternoon clouds that swiftly disappear
Tight hands await the night.
Ah, breath and paradise, we can recognize each other!

Noel Năm Nay
Có những ngày lặng lẽ qua
Như áng mây chiều bay vội
Đêm đợi bàn tay khắn khít
Tìm nhau hơi thở địa đàng!

Giáng Sinh Sacramento, 2023.


Version 2, đoạn cuối!
Nhận ra hơi thở thiên đường trong nhau!
Recognizing the breath of paradise in each other!
Thơ BXP

Saturday, December 16, 2023

Giới Thiệu Kỷ Yếu Tri Ân Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ

TƯỞNG NIỆM BẬC LONG TƯỢNG – TUỆ SỸ tại Chùa Duyên Giác, San Jose. Ảnh Chúc Tiến.


GIỚI THIỆU KỶ YẾU TRI ÂN HT. THÍCH TUỆ SỸ

- “Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng.”[3] 


  Thầy, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, không kể những chức vụ tối cao của Giáo hội như Chánh Thư Ký, kiêm Xử lý Thường Vụ Viện Tăng Thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), còn được gọi là Tuệ Sỹ, là một bậc “Long-tượng", là một nhà thơ nổi tiếng, một giáo sư lỗi lạc, một nhà sư ẩn dật, một học giả đáng kính, một nhà “bất đồng chính kiến”, và là một trong những nhân vật nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất trong Phật giáo và Văn hóa Việt Nam cận đại và hiện đại. Cuộc đời Thầy đã dành hết thời gian vào công cuộc Hoằng Pháp lợi sanh, Thầy luôn dạy chúng tôi/chúng ta, hãy lấy Văn hóa, Xã hội và Giáo dục mà hành hoạt.  Lấy lời Phật dạy, “Duy Tuệ Thị Nghiệp” và “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” làm kim chỉ nam trong đời. Thầy ra đi để lại một gia tài tâm linh vô giá, một di sản văn hoá vô biên cho Phật Giáo Việt Nam. Trong tinh thần đó, chúng ta về đây là để tưởng nhớ công ơn sâu dày của Người và biết thêm về quá trình hình thành tuyển tập “Kỷ Yếu Tri Ân Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ” (đưa sách lên).

  Vào ngày 15 tháng 9, 2023, khi nghe tin Thầy trở bệnh nặng và có thể mất bất cứ lúc nào, Hội Đồng Hoằng Pháp họp để chuẩn bị “hậu sự" và quyết định làm một tuyển tập gọi là Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Hãy nghe anh Thị Nghĩa đề cập ở đây: “Ôn chắc chắn không cần nghe hay đọc những lời ca ngợi, tri ân nhưng đệ tử chúng tôi thì lại rất cần. Tri ân Ôn là một cách căn dặn chính mình để tinh tấn tu học và để nhớ những lời dặn dò của Ôn cho dù Ôn không còn bên cạnh nữa.” Tuyển tập này, kêu gọi quý đệ tử bốn chúng và quý văn nghệ sỹ viết bài trong 10 ngày và hoàn tất trong vòng 1 tháng do Hội Đồng Hoằng Pháp chủ xướng và thành phần nhân sự bao gồm: Hòa thượng Thích Như Điển, Chánh Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp, Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu Phó Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp, Hòa Thượng Thích Bổn Đạt Phó Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp làm cố vấn. 

Chủ biên: Thượng tọa Thích Nguyên Tạng | Thượng tọa Thích Hạnh Viên

Ban Biên tập: Thị Nghĩa Trần Trung Đạo | Nguyên Đạo Văn Công Tuấn | Tâm Huy Huỳnh Kim Quang | Tâm Quang Vĩnh Hảo | Quảng Diệu Trần Bảo Toàn | Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ

Kỹ thuật và Thiết kế: Nguyên Túc Nguyễn Sung | Quảng Pháp Trần Minh Triết |

Nhuận Pháp Trần Nguyễn Nhị Lâm

Bảo trợ: Ban Bảo Trợ Hội Đồng Hoằng Pháp

  Trong khoảng thời gian đó, Ban biên tập đã nhận hơn 100 bài và gần 800 trang, nhưng đã quyết định chỉ chọn 1 hoặc 2 bài cho mỗi tác giả và có những bài chưa đủ thuận duyên để đưa vào. Cuối cùng, cũng xong cuốn kỷ yếu dày 508 trang của 78 tác giả sáng tác về Thầy và may mắn nhất là chính Thầy đã đọc được tập sách và Thầy đã hoan hỷ mỉm cười. Có thể là động lực Thầy sống thêm vài tuần nữa.

  Kỷ yếu này được sắp xếp như sau theo lời nhà văn Vĩnh Hảo, người chấp bút cho lời ngỏ Kỷ Yếu Tri Ân chia sẻ [1]: “Văn hóa và Giáo dục Phật giáo được biểu hiện qua việc học hỏi, tụng đọc, truyền dạy và thực hành Kinh – Luật – Luận mà Thầy đã tận tụy suốt hơn 60 năm phiên dịch, chú giải, sáng tác, giảng dạy trong nhiều trường lớp Phật học tại Việt Nam và ngoài nước qua Paltalk, Zoom Meeting Online, v.v…

Văn hóa và Giáo dục Dân tộc cũng được Thầy phổ hiện qua những sáng tác thơ văn, tiểu phẩm, tiểu luận… về tình tự dân tộc, nhân sinh quan, xã hội dân sự; và trong một góc nhìn nào đó, ngay chính bản án tử hình và những năm trong tù ngục của Thầy cũng là hệ quả của sự biểu hiện nền Văn hóa, Giáo dục nhân bản và khai phóng của dân tộc trong một giai kỳ lịch sử đen tối trên quê hương.

  Trong chiều hướng đó, nội dung tập Kỷ Yếu này dựa theo hành trạng của Thầy Tuệ Sỹ, chia làm 3 phần chính:

Phần I – Phật học: Gồm những sáng tác văn, thơ, biên khảo, tiểu luận của chư vị thức giả, học giả, Tăng Ni, cư sĩ, văn nghệ sĩ nói về Thầy Tuệ Sỹ và ảnh hưởng của Thầy trong tư cách một nhà tư tưởng Phật học, một hành giả Tăng sĩ Phật giáo uyên thâm, trác việt;

Phần II – Văn học: Gồm các sáng tác văn chương, thi phú, mỹ thuật của giới văn học nghệ thuật minh họa về Thầy Tuệ Sỹ như một nhà văn, nhà thơ trứ danh, hàng đầu trong nền văn học Việt Nam; và

Phần III – Đạo Pháp và Dân Tộc: Gồm những sáng tác, nhận định, xã luận, tiểu luận của chư vị học giả, thức giả, đời cũng như đạo, Phật giáo hay tôn giáo bạn, về vai trò của Thầy Tuệ Sỹ trong cương vị lãnh đạo Giáo Hội, cũng như những đóng góp của Thầy bằng hành động hay bằng tâm thức, nhằm xây dựng nền tự do, dân chủ và nhân quyền cho dân tộc Việt Nam.”

 Đó là cấu trúc của Kỷ Yếu Tri Ân Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ. Nhưng để tri ân Thầy một cách sâu sắc nhất, chúng tôi/chúng ta hãy xin mượn lời pháp huynh Tâm Huy Huỳnh Kim Quang, một trong những người học trò được Thầy đặt nhiều kỳ vọng, trong bài “Xưng tán Ân Sư, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ” [2] như là nỗi niềm riêng, chung của tất cả chúng ta đang hiện hữu nơi này.

“...Khi giông bão của lòng người lắng xuống, cơn sóng cuồng nộ của ma quỷ lặng yên, nhưng đau đớn thay, ngôi nhà Giáo Hội gần như thành bình địa! Trên hoang tàn đổ nát ấy Thầy vì hai ngàn năm lịch sử Đạo Phật Việt Nam mà nhận lãnh trọng nhiệm xây dựng lại từ đầu.

Ôi, thiên nan vạn nan! Làm sao để vực dậy nội lực của Giáo Hội giữa thời đại tràn ngập hận thù, nghi kỵ và tà thuyết? Dù thân mang trọng bệnh, nguồn mạch trí tuệ và từ bi vẫn không hề suy giảm, Thầy liễu triệt được rằng chỉ có Chánh Pháp thực sự mới soi tỏ lòng người để xua tan đêm dày tăm tối tham, sân, si.

Từ bi nguyện ấy, Thầy khuyến tấn thành lập Hội Đồng Hoằng Pháp để xiển dương Chánh Pháp đến mọi người, mọi nơi. Cùng lúc, Thầy phục hồi công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam để bảo tồn và phát huy nền văn hóa truyền thống của dân tộc và làm kim chỉ nam cho việc nghiên tầm Phật Pháp.

  Nhờ vậy, niềm tin của Tăng, Ni và Phật tử mười phương đối với vận đồ của Đạo Pháp và Dân Tộc được tăng trưởng và cơ đồ của Giáo Hội được dựng lại.

  Trước lúc ra đi, Thầy nhắc lại hoằng nguyện: “Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng.”[3] Bậc đại sĩ hiện thân trong thế giới này để tiếp tục chí nguyện “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh.” “Bồ-tát bệnh vì chúng sinh còn bệnh. Khi chúng sinh hết bệnh thì bệnh của Bồ-tát cũng hết.”[4]

  Năm ấy, trên đường ngàn dặm cô thân, Thầy gõ thiền trượng mà ngâm rằng, “Ta về một cõi tâm không…”[5] Ấy là cõi tâm rỗng lặng, tịch lặng, hay Niết-bàn. Và Thầy đã lên đường “về cõi tâm không,” vào 4 giờ chiều ngày 24 tháng 11 năm 2023, giờ Việt Nam, tại Chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai, Việt Nam.

Vậy là:

“Việc cần làm đã làm xong,”[6] Thầy quảy dép độc hành trên đường thiên lý,

Đỉnh Lăng-già [7] lung linh bóng nguyệt thấp thoáng cánh chim nhạn lướt về Tây.

Ôi, lời thơ năm xưa nay đã hóa thành Thiên nhạc ngân vang tận những tầng trời cao vút để cung tiễn bước chân trở về của vị hóa thân Đại Sĩ.

“Đã đi thì đã đi rồi

Thượng phương trùng điệp thấy gì nữa đâu…”[8]

Con cúi đầu đảnh lễ Giác Linh Thầy tôn kính và lạy tạ ân đức giáo hóa cao dày của Thầy."

Thôi thì:

Thầy đi nhẹ gót về quê Nội

Trở lại trần gian hoá độ Người

Chúng con đồng nguyện Bồ Tát Hạnh

Thuyền từ Bát Nhã đến bến Không. 


Nam mô Từ Lâm Tế Chánh tông tứ thập tứ thế, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội, Tăng Thống Viện Chánh Thư Ký Xử lý Thường Vụ, húy thượng NGUYÊN hạ CHỨNG, hiệu TUỆ SỸ, Trưởng lão Hòa thượng Giác linh thùy từ chứng giám.


Xin cúi đầu

Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ


P.s. Xin xem Thông báo: Về việc phát hành Kỷ Yếu Tri Ân HT Thích Tuệ Sỹ ở đây.

https://thuvienphatviet.com/thong-bao-ve-viec-phat-hanh-ky-yeu-tri-an-ht-thich-tue-sy/


Chú thích:

[1] Vĩnh Hảo chấp bút: Lời ngỏ | Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng THÍCH TUỆ SỸ. Hội Đồng Hoằng Pháp, tải xuống ngày 5 tháng 13, 2023. https://hoangphap.org/loi-ngo-ky-yeu-tri-an-hoa-thuong-thich-tue-sy/

[2] Tâm Huy Huỳnh Kim Quang: Xưng tán Ân Sư, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Hội Đồng Hoằng Pháp, tải xuống ngày 5 tháng 13, 2023. https://hoangphap.org/tam-huy-huynh-kim-quang-xung-tan-an-su-hoa-thuong-thich-tue-sy/

[3] Trích lời nguyện của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ trong Di Chúc Tang Lễ.
[4] Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, Tuệ Sỹ dịch.
[5] Câu thơ đầu trong tập thơ “Thiên Lý Độc Hành” của Thầy Tuệ Sỹ (1945-2023) đã được xuất bản vào năm 2021.
[6] Trích từ tứ định cú trong Kinh A-hàm: “Ngã sanh dĩ tận, phạm hạnh dĩ lập, sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu.” (Sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn đời sau nữa)
[7] Lăng-già (Lanka) là tên một ngọn núi nằm trên Đảo Tích Lan (Sri Lanka). Truyền thuyết kể rằng lúc Đức Phật còn tại thế đã đến đây để giảng Kinh Lăng-già (Laṅkāvatārasūtra – Nhập Lăng-già Kinh). Đây là bộ kinh được Tổ Bồ-đề-đạt-ma (Bodhidharma) mang từ Ấn Độ sang Trung Hoa vào cuối thế kỷ thứ 5 và đầu thế kỷ thứ 6 để truyền đạo Thiền.
[8] Phạm Công Thiện, “Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Lặng Im,” 2009.


Xin xem hình ảnh ở đây tại nhà Quảng Đức.


Nhật Hiên: Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ –Thực hành Chánh Niệm như một lối sống và mang Chánh Niệm vào học đường tại Hoa Kỳ

 Nhật Hiên: Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ –Thực hành Chánh Niệm như một lối sống và mang Chánh Niệm vào học đường tại Hoa Kỳ

Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ

Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ (Bạch X. Khỏe) định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1991, hiện đang giảng dạy Hóa học và Hóa học danh dự cho Trường trung học Mira Loma tại thủ phủ Sacramento, CA.  Ông quy y với Thiền sư Trừng Quang Thích Nhất Hạnh, có Pháp danh là Tâm Thường Định. Ông đã và đang giảng dạy về Lãnh đạo chánh niệm và phương thức mang chánh niệm vào học đường ở bang California từ năm 2014. Tiến sỹ Bạch cũng giảng dạy cho chương trình huấn luyện giáo viên. Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều công việc xã hội trong cộng đồng. Tháng Ba 2023, TS Bạch Xuân Phẻ được Hiệp hội Giáo viên California (California Teachers Association) vinh danh vì những đóng góp giáo dục thực hành chánh niệm của ông. TS Bạch Xuân Phẻ cũng được trao Giải thưởng Nhân quyền người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương năm 2023 của bang California (CTA Human Right Awards). 


***


*Thưa Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ, được biết, tháng Ba 2023, ông được Hiệp hội Giáo viên California (California Teachers Association) vinh danh vì những đóng góp giáo dục đưa thực hành chánh niệm vào trường học. Ông có thể kể rõ hơn về điều này?


Dạ, nhận chân được chánh niệm tỉnh thức (mindfulness) đã giúp tôi và những ai có nhân duyên tiếp cận và thực hành chánh niệm tỉnh thức trong nhiều vấn đề mà chúng ta đang đối mặt như căng thẳng, trầm cảm, tình trạng bạo lực học đường, tự kỷ, bế tắc giao tiếp, mất phương hướng, quá nhiều trò chơi điện tử v.v… ; nên sau khi học chương trình tiến sĩ giáo dục và nghiên cứu về lãnh đạo chánh niệm và chánh niệm tỉnh giác, tôi mới ứng dụng với các học sinh của mình trong lớp cũng như huấn luyện rất nhiều giáo viên cách thức mang chánh niệm vào trường học từ năm 2014. Có khoảng 5,000 giáo viên và học sinh đã tham dự các khoá hội thảo và lớp học của tôi chia sẻ trong Hiệp Hội Giáo Chức ở bang California và nhiều nơi khác. Vì thế, Hiệp hội Giáo viên California (California Teachers Association) vinh danh chúng tôi vào tháng 3 năm 2023.


* Lý do vì sao mà ông quyết định đưa Chánh niệm vào ứng dụng với học sinh?


Năm đầu tiên tôi đi dạy là năm 2002, có một em học sinh tên Chris D., người Mỹ, chết vì tự vẫn. Em chết vì “come out of the closet" khi cho gia đình biết em “là đồng tính luyến ái.” Mẹ của em chấp nhận còn Ba thì không, nên em ấy đã tự treo cổ. Lúc đó, cá nhân tôi rất buồn, có phần tự trách và nghĩ đến việc mình cần phải làm gì thêm nữa để giúp học sinh của mình. Nếu không nhờ thực hành chánh niệm thì tôi đã bỏ dạy rồi. Rất tiếc, từ đó đã có thêm 5 em học sinh trong trường cũng đã tự kết liễu đời mình vì nhiều nguyên nhân khác nhau, và đa phần là dùng súng để tự sát. Trong cộng đồng người Việt của chúng ta cũng vậy, cũng có nhiều trường hợp tương tự, nhưng chúng ta không cầu cứu vì vấn đề sức khỏe tinh thần (mental health) vẫn còn là một “taboo”, một mặc cảm trong cuộc sống và cộng đồng chúng ta. Mong mỏi của tôi và cũng như bao phụ huynh khác là không muốn thêm học sinh hay tuổi trẻ nào lâm vào tình trạng bi thương ấy nữa và tìm mọi cách để phòng ngừa tự vẫn và chuyển hoá nỗi khổ, niềm đau. Chánh niệm giúp chúng ta an ổn trong tâm hồn để từ đó, chúng ta giúp mình giúp người. Mọi thay đổi các cấp cũng vậy, nó bắt nguồn từ bên trong lan ra ngoài, vì bạn không thể cho những gì mình không có.


*Học sinh/giáo viên tiếp nhận như thế nào và có những sự tiến bộ cũng như phản hồi ra sao trước việc này, thưa ông? 


Tôi thiển nghĩ, mọi người tiếp cận tốt. Tôi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ các giáo viên. Tôi còn nhớ khoảng 7 năm trước, có một giáo viên bảo rằng, học khoá Chánh niệm tỉnh giác đã giúp cô ấy có khả năng dạy thêm 5 năm nữa và 2 năm trước, Cô ấy đã về hưu. Có người nói: “Sau 10 năm giảng dạy, hội thảo dựa trên chánh niệm này đã thay đổi sâu sắc việc giảng dạy của tôi theo chiều hướng tốt hơn”. Hoặc: “Đây là một sự thực hành hữu ích cho mọi người. Đối với giáo viên, thiền định giúp giảm bớt căng thẳng và giúp giáo viên có cách tiếp cận hữu ích hơn với học sinh của mình”. Hoặc: “Sẽ rất hữu ích khi chúng ta nhớ dừng lại và lắng nghe người khác, có lòng từ bi đối với người khác”. Hoặc: “Tôi đã bắt đầu áp dụng chánh niệm vào buổi sáng với các học sinh của mình và dường như nó giúp ích cho bọn trẻ trong suốt cả ngày” v.v…


Còn các em học sinh thì học hỏi rất nhiều và đó là lý do tại sao, lớp này, Science and Art of Mindfulness (Khoa học và Nghệ thuật của Chánh niệm Tỉnh Giác) vẫn tiếp tục được dạy cho các em tại trường trung học Mira Loma. 


Nhiều em cho biết, lớp học đã dạy cho học sinh về suy nghĩ và cảm xúc của chính mình, đồng thời đưa ra gợi ý về cách đối phó với những suy nghĩ và cảm xúc đó. Sinh viên khác thì nói lớp học rất tốt cho học sinh vì đây là thời điểm tốt để học sinh/sinh viên năm cuối dành một giờ để suy nghĩ về bản thân thay vì căng thẳng về yêu cầu tốt nghiệp và/hoặc đại học. Có em tâm sự nhận thấy sự thay đổi trong cách đối xử với bản thân và những người khác kể từ khi bắt đầu. Chánh niệm đã giúp em giải quyết các tình huống theo cách tốt hơn và đưa ra những quyết định thông minh hơn khi buồn bã. Ngay cả khi căng thẳng, em vẫn sử dụng chánh niệm và làm từng việc một và thư giãn, nhờ đó em có một ngày bớt căng thẳng hơn. Em khác cho biết, chánh niệm giúp em giữ bình tĩnh trong mọi tình huống cuộc sống, nhìn vấn đề một cách tích cực hơn là chỉ tiêu cực v.v…


Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ trong giờ dạy Chánh niệm

*Ngoài lớp học, trong cuộc sống ngày thường của mình, ông thực hành Chánh niệm như thế nào? Ai là người Thầy, người dẫn dắt ông đến với Thiền định, Chánh niệm? 


Trước hết, tôi muốn nói một chút về Chánh niệm. Chánh niệm, tiếng Pali là Sammàsati, là sự tỉnh giác, biết rõ mọi thứ đang tức thì diễn ra trong chính mình và chung quanh mình một cách trọn vẹn. Chánh niệm, một trong tám chi phần quan trọng của Bát chánh đạo, vốn được xem là con đường tám lối (lanes) đưa đến sự an vui và giải thoát, là chân lý thứ 4 (Đạo đế) trong Tứ Diệu Đế.


Chánh niệm tỉnh giác là trái tim của thiền tập và sự biết rõ những gì phát sanh, tồn tại và hủy diệt ngay trong mỗi khoảnh khắc của hiện tại. Hay nói một cách khác, chánh niệm là sự nhận thức, biết rõ (tuệ tri) được những gì đang có mặt, đang xảy ra. Chánh niệm đưa chúng ta quay trở lại với giây phút hiện tại. Giây phút hiện tại là điều duy nhất chúng ta có thể nhận biết được sự có mặt rất mong manh của mình – bây giờ và ở đây. Nó như việc đánh răng hằng ngày, nên tôi cố gắng thực tập và hành trì như là một lối sống, trong mọi việc hàng ngày. Chẳng hạn, rửa chén cũng là phương thức thực hành chánh niệm. Lúc rửa chén thì để tâm trọn vẹn vào việc rửa chén chứ không phải làm cho xong. Hay thậm chí chúng ta có thể thực hành chánh niệm khi đi tắm, khi đi đường, lái xe, chờ trả tiền, khi đi shopping…


Tôi học hỏi từ rất nhiều Thầy Cô từ địa phương đến quốc tế, nhưng người có ảnh hưởng lớn nhất—dẫn dắt đến con đường chánh niệm và lan tỏa chánh niệm cho người khác là Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. Người đứng thứ 11 trong 14 vị có tầm ảnh hưởng nhất của Phật giáo đến với nhân loại. (Theo cuốn sách The Buddhist World–Thế Giới Phật Giáo được nhà xuất bản Routledge ấn hành năm 2016, do giáo sư Phật học John Powers của trường Đại học Quốc Gia Úc Đại Lợi–Australian National University biên tập.)


*Được biết, ông là một Phật tử và có những hoạt động trong cộng đồng Phật Giáo của người Việt ở hải ngoại? 


Dạ tôi là Huynh trưởng của tổ chức Gia Đình Phật Tử, một tổ chức bất vụ lợi, với mục đích “Đào luyện thanh - thiếu - đồng niên thành Phật tử chân chính. Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo và dân tộc Việt". Chúng tôi làm việc và học hỏi trong tinh thần Hoà-Tin-Vui và Bi-Trí-Dũng. Ngoài ra, chúng tôi cũng là cư sĩ nên bất cứ công tác Phật sự nào cần sự giúp đỡ thì luôn có gắng đảm nhận khi thuận duyên đưa đẩy. 


*Bên cạnh đó, ông cũng hay dịch thơ Thầy Thích Tuệ Sỹ và đóng góp vào việc hình thành cuốn Kỷ yếu tri ân Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ?


Đúng thể, tôi rất thích thơ của Thầy Tuệ Sỹ. Thơ của Thầy sâu sắc, trừu tượng, có nhiều ẩn dụ, và thông điệp ngầm. Trong đó, có nhiều bài tôi muốn dịch ra tiếng Anh để tuổi trẻ hiểu thêm về một con người tài ba xuất chúng, một bậc Long tượng và có lần chúng tôi đã biên tập và xuất bản cuốn sách mang tên, “Tuệ Sỹ - Vị Thầy của Bốn Chúng”. Cuốn sách đó đã tái xuất bản được 4 lần. 


Về tập Kỷ yếu Tri ân Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, lúc đó được tin Thầy ngã bệnh nặng và có thể ra đi bất cứ lúc nào, vì thế những người thân cận của Thầy tại hải ngoại mới nghĩ đến việc làm một Kỷ yếu Tri ân cấp bách để cho Thầy đọc trước khi người “nhập Niết bàn". Đó là một cố gắng lớn của nhiều người khi kêu gọi viết trong vòng 10 ngày và hoàn tất trong vòng 1 tháng, nhưng đã hoàn tất với sự đóng góp của nhiều cây bút, biên tập viên trong và ngoài nước.


Quý vị nào quan tâm có thể vào trang mạng www.hoangphap.org để đọc toàn bộ file PDF của Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã được uploaded.


*Xin ông kể một chút về mối quan hệ của ông với Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ? 


Thuở đầu tôi chỉ là người hâm mộ thơ văn của Thầy và sau đó trở thành học trò của Thầy khi nghe Thầy giảng dạy online và qua các trại huấn luyện Gia Đình Phật Tử nhất là khi học bậc Lực cho trại Vạn Hạnh.  Những năm cuối đời của Thầy thì tôi có được thiện duyện cộng sự với Thầy trong những Phật sự được giao phó. Nhưng chính yếu tôi vẫn là một người học trò muộn màng của Thầy. 


Ở Thầy, tôi học hỏi rất nhiều điều từ tư cách, lãnh đạo bằng thân giáo đến văn thơ, thi phú, nhưng phần lớn là về Phật học cho đến những ngày cuối đời của Thầy trên giường bệnh. Cũng như những vị Tổ đi trước, Thầy luôn dạy “lấy trí tuệ làm sự nghiệp” và căn dặn lấy văn hoá, xã hội, và giáo dục làm nền tảng sinh hoạt. Thầy cũng luôn dặn lấy Bồ Tát Đạo, Bồ Tát Hạnh và Bồ Tát Hành mà hành hoạt. Tôi xin trích một đoạn ngắn tôi viết trong bài “Thầy Tuệ Sỹ – bậc Thạc đức và Nhà giáo dục lớn” nằm trong tập Kỷ Yếu Tri Ân: 


“Trong cuốn sách đầy ảnh hưởng ‘Du Già Bồ Tát Giới’ (2010), Thầy đã nêu rõ tầm nhìn của mình về giáo dục, lấy nền tảng Bồ Tát Hạnh, Bồ Tát Đạo và Bồ Tát Hành làm kim chỉ nam cho một thế giới ngày càng tốt đẹp hơn, an bình và thịnh vượng. Thầy tin rằng, văn hoá và giáo dục không những chuẩn bị cho cá nhân trở thành công dân tích cực, thăng tiến mà còn nuôi dưỡng các giá trị nhân văn, dân chủ, tương đồng, khoan dung và trách nhiệm xã hội. Ý tưởng của Thầy tiếp tục định hình các cuộc thảo luận về vai trò của giáo dục trong việc thúc đẩy tâm từ, hoà bình, các khía cạnh xã hội dân chủ nhân văn.


Nói tóm lại, những đóng góp của Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ cho nền giáo dục Phật giáo còn kéo dài hơn cả cuộc đời Thầy qua công trình đồ sộ phiên dịch Đại Tạng Kinh bằng tiếng Việt. Đó là một di sản tâm linh, một di sản giáo dục rất lớn từ trước đến nay của Phật Giáo Việt Nam. Sự hành trì nghiêm mật, sự trải nghiệm và trí tuệ vô biên của Thầy tiếp tục truyền cảm hứng cho hàng đệ tử xuất gia và tại gia, các nhà giáo dục Phật Giáo, cũng như các giới văn nghệ sĩ đến các nhà hoạt động xã hội. Tam giáo (thân, khẩu, ý giáo) của Thầy có thể là định hình cho các hoạt động giáo dục hoặc những người tự cho mình là nhà giáo dục / giáo viên trên toàn thế giới có tầm nhìn chung để nương vào và hành hoạt. Ý tưởng và hoài bão của Thầy đặc biệt phù hợp trong bối cảnh giáo dục ngày nay, trong đó nhấn mạnh đến nhân bản, dân tộc, và sự dấn thân của giới trẻ để tư duy, phê phán và phát triển đạo đức và tâm linh theo đà phát triển kỹ thuật và khoa học của thế kỷ 21 này.”


*Thưa Tiến sĩ, ông có muốn nói gì thêm với quý bạn đọc về việc thực hành Chánh niệm, Thiền định trong đời sống hàng ngày? Đặc biệt là việc thực hành Chánh niệm sẽ giúp ích như thế nào đến vấn đề sức khỏe tâm thần của con người trong một thế giới đầy bất ổn, chia rẽ, thù hận như hiện nay?

Các nhà nghiên cứu đã chứng minh Thiền Chánh niệm là một trong những phương pháp chăm sóc sức khỏe thay thế cho việc giảm bớt căng thẳng, lo lắng, trầm cảm và đồng thời có thể mang lại lợi ích tốt cho sức khỏe thể chất, tinh thần của con người. Nó cũng là phương cách học một lối sống có ý nghĩa và hài hòa với những trải nghiệm tích cực từ trong ra ngoài. 

Nói ngắn lại, chánh niệm là một nếp sống. Sống chánh niệm tỉnh thức giúp chúng ta nhận chân được cuộc đời tương tác tương sinh tương duyên như nó là. Vẻ đẹp của gia đình, cộng đồng và xã hội trong cuộc đời tuỳ thuộc vào suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta. Hãy tập lắng nghe để hiểu, nhìn sâu để thương, và hành hoạt trong nền tảng lợi mình và lợi người ngay bây giờ và cho cả tương lai. 

Thế giới như chị nói, vốn đã “bất ổn, chia rẽ và đầy thù hận” thì chúng ta hãy sống làm sao để vơi bớt những hận thù, chia rẽ và bất an đó. Hãy cố gắng sống, “sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp đời bớt khổ". Chánh niệm giúp ta thấy mọi sự như là mà không đánh giá, phản ứng tiêu cực, chỉ nhận chân mọi sự việc, cảm thọ để rồi phản hồi một cách tích cực trên nền tảng lợi mình và lợi người, ngay bây giờ và cả tương lai. Chánh niệm cũng giúp chúng ta khai triển lòng từ, đem tâm từ bi hỷ xả đến với người khác. Có chánh niệm, chúng ta suy nghĩ và hành hoạt một cách chín chắn và tốt hơn, sống trọn vẹn với người mình thương, với tất cả mọi người và với cuộc đời quý giá này. 

* Chân thành cảm ơn ông.

Nhật Hiên (thực hiện)

Nguồn: https://www.diendantheky.net/2023/12/nhat-hien-tien-si-bach-xuan-phe-thuc.html