Nhật Hiên: Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ –Thực hành Chánh Niệm như một lối sống và mang Chánh Niệm vào học đường tại Hoa Kỳ
Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ |
Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ (Bạch X. Khỏe) định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1991, hiện đang giảng dạy Hóa học và Hóa học danh dự cho Trường trung học Mira Loma tại thủ phủ Sacramento, CA. Ông quy y với Thiền sư Trừng Quang Thích Nhất Hạnh, có Pháp danh là Tâm Thường Định. Ông đã và đang giảng dạy về Lãnh đạo chánh niệm và phương thức mang chánh niệm vào học đường ở bang California từ năm 2014. Tiến sỹ Bạch cũng giảng dạy cho chương trình huấn luyện giáo viên. Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều công việc xã hội trong cộng đồng. Tháng Ba 2023, TS Bạch Xuân Phẻ được Hiệp hội Giáo viên California (California Teachers Association) vinh danh vì những đóng góp giáo dục thực hành chánh niệm của ông. TS Bạch Xuân Phẻ cũng được trao Giải thưởng Nhân quyền người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương năm 2023 của bang California (CTA Human Right Awards).
***
*Thưa Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ, được biết, tháng Ba 2023, ông được Hiệp hội Giáo viên California (California Teachers Association) vinh danh vì những đóng góp giáo dục đưa thực hành chánh niệm vào trường học. Ông có thể kể rõ hơn về điều này?
Dạ, nhận chân được chánh niệm tỉnh thức (mindfulness) đã giúp tôi và những ai có nhân duyên tiếp cận và thực hành chánh niệm tỉnh thức trong nhiều vấn đề mà chúng ta đang đối mặt như căng thẳng, trầm cảm, tình trạng bạo lực học đường, tự kỷ, bế tắc giao tiếp, mất phương hướng, quá nhiều trò chơi điện tử v.v… ; nên sau khi học chương trình tiến sĩ giáo dục và nghiên cứu về lãnh đạo chánh niệm và chánh niệm tỉnh giác, tôi mới ứng dụng với các học sinh của mình trong lớp cũng như huấn luyện rất nhiều giáo viên cách thức mang chánh niệm vào trường học từ năm 2014. Có khoảng 5,000 giáo viên và học sinh đã tham dự các khoá hội thảo và lớp học của tôi chia sẻ trong Hiệp Hội Giáo Chức ở bang California và nhiều nơi khác. Vì thế, Hiệp hội Giáo viên California (California Teachers Association) vinh danh chúng tôi vào tháng 3 năm 2023.
* Lý do vì sao mà ông quyết định đưa Chánh niệm vào ứng dụng với học sinh?
Năm đầu tiên tôi đi dạy là năm 2002, có một em học sinh tên Chris D., người Mỹ, chết vì tự vẫn. Em chết vì “come out of the closet" khi cho gia đình biết em “là đồng tính luyến ái.” Mẹ của em chấp nhận còn Ba thì không, nên em ấy đã tự treo cổ. Lúc đó, cá nhân tôi rất buồn, có phần tự trách và nghĩ đến việc mình cần phải làm gì thêm nữa để giúp học sinh của mình. Nếu không nhờ thực hành chánh niệm thì tôi đã bỏ dạy rồi. Rất tiếc, từ đó đã có thêm 5 em học sinh trong trường cũng đã tự kết liễu đời mình vì nhiều nguyên nhân khác nhau, và đa phần là dùng súng để tự sát. Trong cộng đồng người Việt của chúng ta cũng vậy, cũng có nhiều trường hợp tương tự, nhưng chúng ta không cầu cứu vì vấn đề sức khỏe tinh thần (mental health) vẫn còn là một “taboo”, một mặc cảm trong cuộc sống và cộng đồng chúng ta. Mong mỏi của tôi và cũng như bao phụ huynh khác là không muốn thêm học sinh hay tuổi trẻ nào lâm vào tình trạng bi thương ấy nữa và tìm mọi cách để phòng ngừa tự vẫn và chuyển hoá nỗi khổ, niềm đau. Chánh niệm giúp chúng ta an ổn trong tâm hồn để từ đó, chúng ta giúp mình giúp người. Mọi thay đổi các cấp cũng vậy, nó bắt nguồn từ bên trong lan ra ngoài, vì bạn không thể cho những gì mình không có.
*Học sinh/giáo viên tiếp nhận như thế nào và có những sự tiến bộ cũng như phản hồi ra sao trước việc này, thưa ông?
Tôi thiển nghĩ, mọi người tiếp cận tốt. Tôi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ các giáo viên. Tôi còn nhớ khoảng 7 năm trước, có một giáo viên bảo rằng, học khoá Chánh niệm tỉnh giác đã giúp cô ấy có khả năng dạy thêm 5 năm nữa và 2 năm trước, Cô ấy đã về hưu. Có người nói: “Sau 10 năm giảng dạy, hội thảo dựa trên chánh niệm này đã thay đổi sâu sắc việc giảng dạy của tôi theo chiều hướng tốt hơn”. Hoặc: “Đây là một sự thực hành hữu ích cho mọi người. Đối với giáo viên, thiền định giúp giảm bớt căng thẳng và giúp giáo viên có cách tiếp cận hữu ích hơn với học sinh của mình”. Hoặc: “Sẽ rất hữu ích khi chúng ta nhớ dừng lại và lắng nghe người khác, có lòng từ bi đối với người khác”. Hoặc: “Tôi đã bắt đầu áp dụng chánh niệm vào buổi sáng với các học sinh của mình và dường như nó giúp ích cho bọn trẻ trong suốt cả ngày” v.v…
Còn các em học sinh thì học hỏi rất nhiều và đó là lý do tại sao, lớp này, Science and Art of Mindfulness (Khoa học và Nghệ thuật của Chánh niệm Tỉnh Giác) vẫn tiếp tục được dạy cho các em tại trường trung học Mira Loma.
Nhiều em cho biết, lớp học đã dạy cho học sinh về suy nghĩ và cảm xúc của chính mình, đồng thời đưa ra gợi ý về cách đối phó với những suy nghĩ và cảm xúc đó. Sinh viên khác thì nói lớp học rất tốt cho học sinh vì đây là thời điểm tốt để học sinh/sinh viên năm cuối dành một giờ để suy nghĩ về bản thân thay vì căng thẳng về yêu cầu tốt nghiệp và/hoặc đại học. Có em tâm sự nhận thấy sự thay đổi trong cách đối xử với bản thân và những người khác kể từ khi bắt đầu. Chánh niệm đã giúp em giải quyết các tình huống theo cách tốt hơn và đưa ra những quyết định thông minh hơn khi buồn bã. Ngay cả khi căng thẳng, em vẫn sử dụng chánh niệm và làm từng việc một và thư giãn, nhờ đó em có một ngày bớt căng thẳng hơn. Em khác cho biết, chánh niệm giúp em giữ bình tĩnh trong mọi tình huống cuộc sống, nhìn vấn đề một cách tích cực hơn là chỉ tiêu cực v.v…
*Ngoài lớp học, trong cuộc sống ngày thường của mình, ông thực hành Chánh niệm như thế nào? Ai là người Thầy, người dẫn dắt ông đến với Thiền định, Chánh niệm?
Trước hết, tôi muốn nói một chút về Chánh niệm. Chánh niệm, tiếng Pali là Sammàsati, là sự tỉnh giác, biết rõ mọi thứ đang tức thì diễn ra trong chính mình và chung quanh mình một cách trọn vẹn. Chánh niệm, một trong tám chi phần quan trọng của Bát chánh đạo, vốn được xem là con đường tám lối (lanes) đưa đến sự an vui và giải thoát, là chân lý thứ 4 (Đạo đế) trong Tứ Diệu Đế.
Chánh niệm tỉnh giác là trái tim của thiền tập và sự biết rõ những gì phát sanh, tồn tại và hủy diệt ngay trong mỗi khoảnh khắc của hiện tại. Hay nói một cách khác, chánh niệm là sự nhận thức, biết rõ (tuệ tri) được những gì đang có mặt, đang xảy ra. Chánh niệm đưa chúng ta quay trở lại với giây phút hiện tại. Giây phút hiện tại là điều duy nhất chúng ta có thể nhận biết được sự có mặt rất mong manh của mình – bây giờ và ở đây. Nó như việc đánh răng hằng ngày, nên tôi cố gắng thực tập và hành trì như là một lối sống, trong mọi việc hàng ngày. Chẳng hạn, rửa chén cũng là phương thức thực hành chánh niệm. Lúc rửa chén thì để tâm trọn vẹn vào việc rửa chén chứ không phải làm cho xong. Hay thậm chí chúng ta có thể thực hành chánh niệm khi đi tắm, khi đi đường, lái xe, chờ trả tiền, khi đi shopping…
Tôi học hỏi từ rất nhiều Thầy Cô từ địa phương đến quốc tế, nhưng người có ảnh hưởng lớn nhất—dẫn dắt đến con đường chánh niệm và lan tỏa chánh niệm cho người khác là Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. Người đứng thứ 11 trong 14 vị có tầm ảnh hưởng nhất của Phật giáo đến với nhân loại. (Theo cuốn sách The Buddhist World–Thế Giới Phật Giáo được nhà xuất bản Routledge ấn hành năm 2016, do giáo sư Phật học John Powers của trường Đại học Quốc Gia Úc Đại Lợi–Australian National University biên tập.)
*Được biết, ông là một Phật tử và có những hoạt động trong cộng đồng Phật Giáo của người Việt ở hải ngoại?
Dạ tôi là Huynh trưởng của tổ chức Gia Đình Phật Tử, một tổ chức bất vụ lợi, với mục đích “Đào luyện thanh - thiếu - đồng niên thành Phật tử chân chính. Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo và dân tộc Việt". Chúng tôi làm việc và học hỏi trong tinh thần Hoà-Tin-Vui và Bi-Trí-Dũng. Ngoài ra, chúng tôi cũng là cư sĩ nên bất cứ công tác Phật sự nào cần sự giúp đỡ thì luôn có gắng đảm nhận khi thuận duyên đưa đẩy.
*Bên cạnh đó, ông cũng hay dịch thơ Thầy Thích Tuệ Sỹ và đóng góp vào việc hình thành cuốn Kỷ yếu tri ân Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ?
Đúng thể, tôi rất thích thơ của Thầy Tuệ Sỹ. Thơ của Thầy sâu sắc, trừu tượng, có nhiều ẩn dụ, và thông điệp ngầm. Trong đó, có nhiều bài tôi muốn dịch ra tiếng Anh để tuổi trẻ hiểu thêm về một con người tài ba xuất chúng, một bậc Long tượng và có lần chúng tôi đã biên tập và xuất bản cuốn sách mang tên, “Tuệ Sỹ - Vị Thầy của Bốn Chúng”. Cuốn sách đó đã tái xuất bản được 4 lần.
Về tập Kỷ yếu Tri ân Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, lúc đó được tin Thầy ngã bệnh nặng và có thể ra đi bất cứ lúc nào, vì thế những người thân cận của Thầy tại hải ngoại mới nghĩ đến việc làm một Kỷ yếu Tri ân cấp bách để cho Thầy đọc trước khi người “nhập Niết bàn". Đó là một cố gắng lớn của nhiều người khi kêu gọi viết trong vòng 10 ngày và hoàn tất trong vòng 1 tháng, nhưng đã hoàn tất với sự đóng góp của nhiều cây bút, biên tập viên trong và ngoài nước.
Quý vị nào quan tâm có thể vào trang mạng www.hoangphap.org để đọc toàn bộ file PDF của Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã được uploaded.
*Xin ông kể một chút về mối quan hệ của ông với Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ?
Thuở đầu tôi chỉ là người hâm mộ thơ văn của Thầy và sau đó trở thành học trò của Thầy khi nghe Thầy giảng dạy online và qua các trại huấn luyện Gia Đình Phật Tử nhất là khi học bậc Lực cho trại Vạn Hạnh. Những năm cuối đời của Thầy thì tôi có được thiện duyện cộng sự với Thầy trong những Phật sự được giao phó. Nhưng chính yếu tôi vẫn là một người học trò muộn màng của Thầy.
Ở Thầy, tôi học hỏi rất nhiều điều từ tư cách, lãnh đạo bằng thân giáo đến văn thơ, thi phú, nhưng phần lớn là về Phật học cho đến những ngày cuối đời của Thầy trên giường bệnh. Cũng như những vị Tổ đi trước, Thầy luôn dạy “lấy trí tuệ làm sự nghiệp” và căn dặn lấy văn hoá, xã hội, và giáo dục làm nền tảng sinh hoạt. Thầy cũng luôn dặn lấy Bồ Tát Đạo, Bồ Tát Hạnh và Bồ Tát Hành mà hành hoạt. Tôi xin trích một đoạn ngắn tôi viết trong bài “Thầy Tuệ Sỹ – bậc Thạc đức và Nhà giáo dục lớn” nằm trong tập Kỷ Yếu Tri Ân:
“Trong cuốn sách đầy ảnh hưởng ‘Du Già Bồ Tát Giới’ (2010), Thầy đã nêu rõ tầm nhìn của mình về giáo dục, lấy nền tảng Bồ Tát Hạnh, Bồ Tát Đạo và Bồ Tát Hành làm kim chỉ nam cho một thế giới ngày càng tốt đẹp hơn, an bình và thịnh vượng. Thầy tin rằng, văn hoá và giáo dục không những chuẩn bị cho cá nhân trở thành công dân tích cực, thăng tiến mà còn nuôi dưỡng các giá trị nhân văn, dân chủ, tương đồng, khoan dung và trách nhiệm xã hội. Ý tưởng của Thầy tiếp tục định hình các cuộc thảo luận về vai trò của giáo dục trong việc thúc đẩy tâm từ, hoà bình, các khía cạnh xã hội dân chủ nhân văn.
Nói tóm lại, những đóng góp của Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ cho nền giáo dục Phật giáo còn kéo dài hơn cả cuộc đời Thầy qua công trình đồ sộ phiên dịch Đại Tạng Kinh bằng tiếng Việt. Đó là một di sản tâm linh, một di sản giáo dục rất lớn từ trước đến nay của Phật Giáo Việt Nam. Sự hành trì nghiêm mật, sự trải nghiệm và trí tuệ vô biên của Thầy tiếp tục truyền cảm hứng cho hàng đệ tử xuất gia và tại gia, các nhà giáo dục Phật Giáo, cũng như các giới văn nghệ sĩ đến các nhà hoạt động xã hội. Tam giáo (thân, khẩu, ý giáo) của Thầy có thể là định hình cho các hoạt động giáo dục hoặc những người tự cho mình là nhà giáo dục / giáo viên trên toàn thế giới có tầm nhìn chung để nương vào và hành hoạt. Ý tưởng và hoài bão của Thầy đặc biệt phù hợp trong bối cảnh giáo dục ngày nay, trong đó nhấn mạnh đến nhân bản, dân tộc, và sự dấn thân của giới trẻ để tư duy, phê phán và phát triển đạo đức và tâm linh theo đà phát triển kỹ thuật và khoa học của thế kỷ 21 này.”
*Thưa Tiến sĩ, ông có muốn nói gì thêm với quý bạn đọc về việc thực hành Chánh niệm, Thiền định trong đời sống hàng ngày? Đặc biệt là việc thực hành Chánh niệm sẽ giúp ích như thế nào đến vấn đề sức khỏe tâm thần của con người trong một thế giới đầy bất ổn, chia rẽ, thù hận như hiện nay?
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh Thiền Chánh niệm là một trong những phương pháp chăm sóc sức khỏe thay thế cho việc giảm bớt căng thẳng, lo lắng, trầm cảm và đồng thời có thể mang lại lợi ích tốt cho sức khỏe thể chất, tinh thần của con người. Nó cũng là phương cách học một lối sống có ý nghĩa và hài hòa với những trải nghiệm tích cực từ trong ra ngoài.
Nói ngắn lại, chánh niệm là một nếp sống. Sống chánh niệm tỉnh thức giúp chúng ta nhận chân được cuộc đời tương tác tương sinh tương duyên như nó là. Vẻ đẹp của gia đình, cộng đồng và xã hội trong cuộc đời tuỳ thuộc vào suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta. Hãy tập lắng nghe để hiểu, nhìn sâu để thương, và hành hoạt trong nền tảng lợi mình và lợi người ngay bây giờ và cho cả tương lai.
Thế giới như chị nói, vốn đã “bất ổn, chia rẽ và đầy thù hận” thì chúng ta hãy sống làm sao để vơi bớt những hận thù, chia rẽ và bất an đó. Hãy cố gắng sống, “sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp đời bớt khổ". Chánh niệm giúp ta thấy mọi sự như là mà không đánh giá, phản ứng tiêu cực, chỉ nhận chân mọi sự việc, cảm thọ để rồi phản hồi một cách tích cực trên nền tảng lợi mình và lợi người, ngay bây giờ và cả tương lai. Chánh niệm cũng giúp chúng ta khai triển lòng từ, đem tâm từ bi hỷ xả đến với người khác. Có chánh niệm, chúng ta suy nghĩ và hành hoạt một cách chín chắn và tốt hơn, sống trọn vẹn với người mình thương, với tất cả mọi người và với cuộc đời quý giá này.
* Chân thành cảm ơn ông.
Nhật Hiên (thực hiện)
Nguồn: https://www.diendantheky.net/2023/12/nhat-hien-tien-si-bach-xuan-phe-thuc.html