Showing posts with label Nguyễn Minh Tiến. Show all posts
Showing posts with label Nguyễn Minh Tiến. Show all posts

Tuesday, February 25, 2020

Giữa dòng đời hãy Có Mặt Cho Nhau

Giữa dòng đời hãy Có Mặt Cho Nhau

Nguyễn Minh Tiến

Sau 5 lần tổ chức tại nhiều địa điểm khác nhau, buổi sinh hoạt Có Mặt Cho Nhau Lần thứ 6 đã quay lại với thành phố San Jose vào buổi chiều ngày 22 tháng 2 năm 2020, tại chùa Phổ Từ (17327 Meekland Ave. Hayward, CA 94541). Thật trùng hợp tình cờ, một loạt những số 2 trong ngày tháng năm cũng là lần thứ 2 sự kiện quan trọng này được tổ chức tại San Jose và cũng là lần thứ 2 chúng tôi hân hoan quay lại theo lời mời của Ban Tổ Chức để cùng tham dự “có mặt cho nhau”.

Cho đến nay, tên gọi đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa thân thương này đã trở nên quen thuộc với rất nhiều người. Tuy con số những người trực tiếp đến “có mặt cho nhau” không lớn lắm, nhưng thông qua những chương trình truyền thông trực tiếp của chúng tôi, khán thính giả trên toàn cầu đã thực sự biết nhiều đến chương trình này với lượt theo dõi lên đến nhiều ngàn người ở khắp mọi nơi. Hơn thế nữa, hiệu quả thực tế là rất nhiều người thông qua các chương trình sinh hoạt này đã được tiếp cận với nhiều quyển sách hay do Ban Tổ Chức chương trình giới thiệu.

Từ đầu giờ chiều, các anh Bạch Xuân Phẻ (Tâm Thường Định) và Nguyễn Xuân Hiệp (Tâm Định) đã có mặt trước tiên để chuẩn bị trưng bày sách quanh hội trường. Hàng “núi sách” với số lượng lên đến hơn 500 quyển được bày ra quanh phòng đã làm cho không gian của phòng trưng bày có vẻ như hẹp lại, nhưng cũng chính nhờ vậy mà vòng tròn bên trong dành cho khách tham dự trở nên gần gũi và ấm áp hơn giữa thời tiết đang giá lạnh của miền bắc California.

Liên Phật Hội

Không gian ấm áp với sự quy tụ của những người yêu sách

Các tác giả trực tiếp đến dự Có Mặt Cho Nhau lần này có Thượng tọa Thích Từ Lực, Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ, nhà văn Đào Văn Bình, Luật sư Nguyễn Hữu Liêm, Giáo sư Nguyễn Hồng Dũng, cư sĩ Trần Việt Long, cư sĩ Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến. Đặc biệt còn có sự tham dự của nhạc sĩ Nguyễn Quang đến từ Sacramento, người đã mang đến cho khán thính giả những giây phút tuyệt vời khi được lắng nghe anh trình bày hai nhạc phẩm do chính anh sáng tác về chủ đề “sống và chết” với chất giọng trầm buồn nhưng ấm áp và truyền cảm, cùng với tiếng đàn guitar đơn sơ sinh động.

Nhạc Nguyễn Quang không có nhiều điểm mới trong ca từ, bởi trăn trở của anh cũng không đi ngoài những điều vẫn thường được nhắc nhở rất nhiều lần trong giáo pháp nhà Phật, những phù du hư ảo của kiếp người mà bất cứ ai khi tĩnh tâm nhìn lại cũng đều thấy rõ. Thế nhưng, chính điều đó đã cho thấy sự thấm đẫm của tư tưởng Phật giáo trong tâm hồn nghệ sĩ của anh và đặc biệt là được anh thể hiện ra dòng nhạc bằng cách thức rất riêng biệt, rất gợi cảm. Nỗi khao khát tìm về sự thanh thản bình an cho thấy những dằn vặt tâm hồn giữa cuộc đời khổ não mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua. Vì thế, cho dù lời anh tha thiết sẽ an nhiên khi rời khỏi cuộc hồng trần, nhưng dòng nhạc của anh lại toát lên một nỗi ngậm ngùi về thân phận phù du của kiếp người, dẫu biết rằng “danh phận nào cũng chẳng thể mang theo”, dẫu biết rằng “nắng ấm sẽ lên, ngày buồn sẽ qua nhanh”, nhưng dường như những vấn vương trói buộc vẫn chưa thực sự tìm đến được sự vượt thoát mà anh mong muốn.

Nghe anh hát, tự nhiên bỗng thấy đồng cảm với nỗi niềm thao thức của những con người rất “người” ở quanh ta, dù luôn biết rằng cuộc đời là bể khổ nhưng thật không dễ dàng buông xả tất cả để quay về với tự tâm an nhiên. Có thể nói, Nguyễn Quang đã thể hiện được một cách rất thành công “ý đạo tình đời” trong các nhạc phẩm này. Chính vì vậy, những dòng nhạc của Nguyễn Quang như đi thẳng vào lòng người nghe, khơi dậy được những nỗi niềm rung động sâu xa, những rung động rất đời thường nhưng cũng chính là những chất liệu để ươm mầm đạo pháp. Bởi xét cho cùng, nếu không từng trải qua những khổ đau dằn vặt ngậm ngùi của kiếp nhân sinh này thì mấy ai trong chúng ta biết tìm về Đạo pháp?

Liên Phật Hội

Khán thính giả cùng lắng lòng trong tiếng hát của nhạc sĩ Nguyễn Quang

Sau phần trình bày của nhạc sĩ Nguyễn Quang, Ban Tổ Chức giới thiệu các tác giả đến tham dự và cũng đồng thời giới thiệu sơ lược về các sách được trưng bày trong lần này cũng như mục đích và tâm nguyện của những người thực hiện chương trình. Tiếp theo, Ban Tổ Chức dành một khoảng nghỉ ngắn để mọi người được tự do xem lướt qua tất cả những tựa sách được trưng bày. Một tiến bộ đang ghi nhận của Ban Tổ Chức là lần này các sách trưng bày đã được phân chia thành từng khu vực với các chủ đề, các tác giả, nhà xuất bản khác nhau, rất thuận tiện cho sự tìm kiếm của người xem.

Trong thời gian ngắn ngủi này, Ban Truyền Thông Liên Phật Hội cũng đã thực hiện được một số cuộc phỏng vấn ngắn trực tiếp với Giáo sư Nguyễn Hồng Dũng, Huynh trưởng Tâm Định và Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ (Tâm Thường Định) để mang đến cho khán thính giả khắp nơi những thông tin cơ bản nhất về sự kiện này. Nội dung phỏng vấn được truyền phát trực tiếp và có thể xem lại trên Facebook tại đây.

Một tiến bộ đáng ghi nhận khác của lần tổ chức này là Ban Tổ Chức đã giới thiệu khá nhiều các sách Phật học bằng Anh ngữ. Đây chính là nhu cầu cần thiết để giúp mang đạo Phật đến gần với tuổi trẻ hiện nay trên đất Mỹ, bởi đối với đa số các em thì việc tiếp nhận qua Anh ngữ có phần dễ dàng hơn so với các sách Việt ngữ hiện có.

Liên Phật Hội

Rất nhiều sách Phật học bằng Anh ngữ được giới thiệu trong Có Mặt Cho Nhau lần thứ 6

Còn nhớ ở chương trình Có Mặt Cho Nhau lần thứ 2 được tổ chức cũng tại San Jose (Thư viện Tully), một số độc giả đã nêu ý kiến than phiền về sự khan hiếm loại sách dành cho các em thiếu nhi. Để đáp ứng nhu cầu này, chương trình Có Mặt Cho Nhau lần này đã giới thiệu tập sách đặc biệt dành cho thiếu nhi: Em Mơ Cùng Đức Phật, dày 134 trang, in màu toàn bộ với nhiều hình ảnh sinh động minh họa cho những câu chuyện kể được rút ra từ Kinh Bản Sanh, chính là những chuyện tiền thân của đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Sách được dịch giả Nguyễn Minh Tiến chuyển dịch từ Anh ngữ sang Việt ngữ, hy vọng sẽ là bước khởi đầu cho một loạt các tác phẩm bổ ích khác dành cho các em thiếu nhi.

Liên Phật Hội

Dịch giả Nguyễn Minh Tiến giới thiệu tập sách in màu dành cho thiếu nhi: Em Mơ Cùng Đức Phật. Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ đang cầm trên tay tập sách này.

Liên Phật Hội

Những câu chuyện kể với hình minh họa in màu sinh động

Nhìn chung, Có Mặt Cho Nhau không chỉ là một Hội sách (Bookfair) theo ý nghĩa giới thiệu sách thông thường, mà còn là một cơ hội để độc giả có thể trực tiếp giao lưu cùng các tác giả, tạo một mối quan hệ giao tiếp lợi lạc cho cả đôi bên. Người đọc sách qua đây có thể hiểu được nhiều hơn về các tác giả mình yêu thích, trong khi các tác giả viết sách cũng có được những phản hồi quý giá từ độc giả về những đứa con tinh thần đã ra đời của mình. Ngoài ra, chính các tác giả cũng co được cơ hội tiếp xúc và trao đổi kinh nghiệm, tri thức cùng nhau để có thể tiếp tục cống hiến cho người đọc những tác phẩm giá trị và hoàn thiện hơn nữa.

Liên Phật Hội

Giới thiệu các tác giả tham dự chương trình Có Mặt Cho Nhau

Tiếp theo, phần nội dung chính của chương trình được dành để mời các diễn giả giới thiệu về một số tác phẩm chọn lọc trong những sách được trưng bày lần này. Các phần giới thiệu này đã mang đến cho người xem rất nhiều thông tin về các tác giả cũng như tác phẩm của họ, nhưng nhìn chung chưa có được sự hệ thống cần thiết để nêu bật những điểm chính yếu, do đó có vẻ như chưa thực sự giúp người nghe nắm rõ được những thông tin nổi bật nhất của từng tác giả và tác phẩm, mặc dù mỗi diễn giả đều thể hiện rõ sự uyên bác, hiểu biết rất nhiều về tác giả mà họ giới thiệu. Đây là một trong những điểm Ban Tổ Chức cần lưu ý khắc phục trong những lần tổ chức sau này, để những phần giới thiệu tác giả cần được xoáy vào trọng tâm với các điểm nhấn cần thiết, giúp người nghe dễ tiếp nhận hơn.

Với hơn 500 tựa sách được giới thiệu chỉ trong một buổi chiều, có thể nói là người xem thực sự không đủ thời gian để tiếp cận. Tuy nhiên, điều may mắn là hầu hết những sách được giới thiệu ở đây hiện đều có thể tiếp cận và tìm hiểu qua các “kho sách” trực tuyến như ở đây hoặc ở đây, (và ở đây của Tâm Thường Định). Độc giả cũng có thể tìm kiếm dễ dàng bằng cách gõ tên sách vào thanh tìm kiếm của Amazon. Hơn thế nữa, nếu quý vị liên lạc trực tiếp với chúng tôi qua email (lienphathoi@gmail.com) thì có thể mua sách với giá chỉ bằng 60% giá phát hành qua Amazon.

Tâm tình với các tác giả và Ban Tổ Chức trước giờ chia tay, Thượng tọa Thích Từ Lực cũng đưa ra một số góp ý quý giá cho những lần tổ chức về sau. Thầy nói, nên có kế hoạch thật cụ thể về những lần tổ chức trong năm, và trong số những lần đó nên có sự tổ chức thích hợp cho các tác giả hoặc mở rộng hơn đến đông đảo người đọc. Điều này là hợp lý, vì cách tổ chức những sự kiện như vậy cần có sự điều chỉnh chương trình khác biệt nhau. Chẳng hạn, những buổi họp mặt của các tác giả nên được tổ chức như những cuộc hội luận trao đổi về các chủ đề sáng tác, trong khi những buổi tiếp xúc với đông đảo độc giả cần phải dành thời gian linh hoạt cho việc giới thiệu cụ thể các tác phẩm được trưng bày.

Liên Phật Hội

Thượng tọa Thích Từ Lực, Viện chủ chùa Phổ Từ, chụp hình lưu niệm cùng Ban Tổ Chức Có Mặt Cho Nhau và các tác giả

Khi chúng tôi chuẩn bị rời chùa về khách sạn, hai huynh trưởng Tâm Thường Định và Tâm Định vẫn còn đang loay hoay với những chiếc bàn dài đầy sách chưa thu dọn xong, trong khi hết thảy mọi người đều đã ra về. Chúng tôi cùng nán lại phụ giúp cả hai xếp sách vào thùng để đưa trở về Sacramento trước khi sẽ đưa ra trưng bày trong lần tổ chức sắp tới. Hai chàng tuổi trẻ này quả thật đang nhiệt tình cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp giáo dục và văn hóa của cộng đồng, cũng là một trong những công việc quan trọng nhất của sự nghiệp hoằng pháp. Không có những đóng góp thầm lặng này, rất nhiều lời dạy của đức Như Lai hẳn sẽ không đến được với đông đảo những người Phật tử khắp nơi trên thế giới. Những nỗ lực của họ trong một chừng mực nhất định đã khơi dậy được sự quan tâm của cộng đồng đối với văn hóa đọc và qua đó giúp mọi người tiếp cận được với nhiều phần Giáo pháp quan trọng của đạo Phật gửi gắm trong những trang sách được phát hành đi khắp nơi mỗi ngày, và đó cũng chính là những nền tảng văn hóa tâm linh đang vô cùng “khan hiếm” trong xã hội hiện đại này.

Quả thật chúng ta đang rất cần nhiều hơn nữa những bàn tay, những khối óc và những tấm lòng vàng để cùng vun đắp và nuôi dưỡng chương trình non trẻ này. Mục tiêu đề ra quá lớn và con đường phía trước còn quá xa, trong khi nhân lực, tài lực hiện có thật vô cùng ít ỏi. Mong ước một ngày không xa, mô hình sinh hoạt Có Mặt Cho Nhau sẽ lan tỏa rộng trong thế hệ trẻ hôm nay, để tri thức và đạo đức trở thành những phẩm chất không bao giờ thiếu vắng. Còn gì ấm áp và hạnh phúc hơn khi giữa dòng đời vô định này mỗi chúng ta đều luôn sẵn sàng có mặt cho nhau?

Được biết, Có Mặt Cho Nhau lần thứ 7 sẽ tổ chức tại Florida (Chùa Pháp Vũ, 716 N . Dean Rd. Orlando, FL 32825) trước khi những người bạn trẻ của chúng ta lại đến miền nam California và tổ chức Có Mặt Cho Nhau lần thứ 8 tại Viện Việt Học (15355 Brookhurst St., Suite 222, Westminster, CA 92683).

Quý vị nào quan tâm muốn tìm hiểu thêm chi tiết hoặc muốn đóng góp tinh thần, tài vật cho chương trình, hoặc cần được hỗ trợ trong việc mua sách, xin vui lòng liên lạc một trong các địa chỉ sau đây:

- Huynh trưởng Tâm Thường Định (Bạch Xuân Phẻ): email: tamthuongdinh@gmail.com. Cell: (916)-607-4066.

- Huynh trưởng Tâm Định: (619) 488-7279

- Nhà xuất bản Liên Phật Hội: lienphathoi@gmail.com hoặc nguyenminh@pgvn.org - Phone: (714) 889-0911

Nhà xuất bản Liên Phật Hội hiện đang có chương trình hỗ trợ giảm 40% giá bán đối với tất cả các kinh sách Phật học đang được phát hành.

Sunday, December 8, 2019

Theo Dấu Chân Xưa (Tham luận tại Hội thảo “GĐPT giữa Giáo Hội”)



Tác giả Nguyễn Minh Tiến sinh năm 1961 tại thôn Cổ Lũy, xã Tư Hiền, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, thuộc miền Trung Việt Nam, trong một gia đình Phật tử thuần thành. Từ năm 1968 đã theo gia đình lưu lạc sinh sống qua nhiều nơi. Hiện nay anh đang định cư tại huyện Tân Thành thuộc tỉnh BRVT. Nguyễn Minh Tiến lấy bút danh Nguyên Minh từ những tác phẩm thơ, nhạc đầu tiên cho đến những bài viết ngắn trên các tập san được phát hành nội bộ từ nhiều năm trước, trong đó có tờ Nội san Đạo Uyển được nhiều người biết đến mà Nguyên Minh là một trong những người tham gia biên tập. Mặc dù vậy, trong những công trình nghiên cứu và dịch thuật, hiệu đính, anh thường ký tên thật là Nguyễn Minh Tiến.

Kính thưa Chư Tôn Đức trong Hội đồng Chứng minh.Kính thưa quý vị trưởng bối trong Hội luận đoàn.Kính thưa quý anh chị em Huynh trưởng và toàn thể quý vị quan khách.
Tham luận này, đúng như tên gọi của nó, sẽ không đề cập đến điều gì mới mẻ hơn là những lời dạy từ xa xưa của Đấng Từ Phụ. Mặc dù vậy, những gì nêu ra sẽ được nhận thức và trình bày theo cảm nhận chủ quan của bản thân người viết, nghĩa là dựa trên những trải nghiệm thực tế hiện nay chứ không chỉ là sự lặp lại hoàn toàn theo khuôn thước cũ.Trên tinh thần đó, người viết sẽ đề cập đến một số phẩm tính cần thiết của người dẫn dắt GĐPT và sau đó là gợi ý một vài phương hướng trong việc hoàn thiện hoạt động của GĐPT.
I. NGỌN ĐUỐC SOI ĐƯỜNG
Đức Phật dạy: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi.” Tuy vậy, trong thực tế không phải tất cả mọi người đều có đủ trí tuệ để thắp lên ngọn đuốc soi đường cho chính mình. Vì thế, trong hầu hết mọi trường hợp thì chúng ta luôn cần đến những ngọn đuốc soi đường từ các bậc thiện tri thức. Ngay từ thời Phật còn tại thế, chính bản thân ngài cũng là một ngọn đuốc soi đường vĩ đại cho tất cả Thánh chúng đệ tử cũng như biết bao nhiêu người khác noi theo.Và trong suốt hơn 25 thế kỷ qua, bằng vào những chất liệu quý giá có được từ lời dạy của Ngài, nhiều ngọn đuốc tiếp nối cũng đã được các bậc Thầy Tổ qua từng thời đại lần lượt thắp lên, soi sáng cho cả nhân loại này trên con đường tìm kiếm an vui, xa lìa đau khổ.
Từ thực tế đó, chúng ta hiểu được rằng, trên con đường tu học và hành trì Phật pháp, mặc dù yếu tố nỗ lực tự thân của mỗi người luôn được xem là quyết định, nhưng sự soi sáng và dẫn dắt của chư Tôn đức Tăng-già cũng như các bậc trưởng bối, huynh trưởng, thiện tri thức vẫn luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng.
Đối với thế hệ trẻ là những mầm non đang phát triển, rất nhiều phẩm tính tốt đẹp của các em chỉ vừa mới hình thành chưa thực sự vững vàng nhưng đồng thời cũng có không ít những ham muốn lệch lạc, những khát vọng mơ hồ bởi sự nhận thức chưa định hình đúng hướng, thì vai trò dẫn dắt của những bậc đàn anh đàn chị là vô cùng thiết yếu, có thể quyết định một phần lớn tương lai của các em.
Mặc dù vậy, dường như chúng ta đang vấp phải một sự “phản kháng” âm thầm nhưng rất đáng lo ngại khi khoảng cách giữa thế hệ trẻ và rất trẻ với các bậc đàn anh đàn chị đang ngày càng gia tăng. Số lượng các em về chùa ngày một giảm dần và sự quan tâm đến sinh hoạt GĐPT cũng suy giảm như một hệ quả. Nhiều nguyên nhân khác nhau đã được nêu ra, trong đó có cả những khác biệt về môi trường sống, về sự chuyển biến của thời đại và kể cả những khác biệt về văn hóa hay khoảng cách thế hệ…Tuy nhiên, cho dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì đây vẫn là một thực trạng không thể phủ nhận, chỉ cần quan sát các sinh hoạt hiện thời của hầu hết các GĐPT, chúng ta đều có thể nhận ra được thực trạng này. Và theo nhận định của riêng tôi thì đây không chỉ là vấn đề của các GĐPT ở hải ngoại, mà ngay cả thực trạng trong nước hiện thời cũng đang đối mặt với vấn đề tương tự.
Thừa nhận thực trạng này không phải là một cách nhìn bi quan về thực tại, mà chính là sự khởi đầu cần thiết để xác lập những bước đi đúng hướng cho một tương lai tốt đẹp hơn. Và chính từ thực tế khuynh hướng “lạnh nhạt” của thế hệ đàn em đang ngày càng gia tăng mà vai trò dẫn dắt của các bậc anh chị trưởng lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nói cách khác, trong thực trạng hiện nay, nếu như mỗi một huynh trưởng không thắp lên được một ngọn đuốc soi đường cho chính bản thân mình và dẫn dắt các em, thì nguy cơ lệch lạc của cả một thế hệ đi sau sẽ là rất lớn. Rất nhiều các giá trị truyền thống về tâm linh, đạo đức và kể cả bản sắc dân tộc Việt sẽ có nhiều khả năng mai một hoặc biến dạng.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đánh mất niềm tin vào thế hệ trẻ, vào khả năng hướng thiện của tự thân các em. Nhưng chúng ta hoàn toàn không thể phủ nhận một thực tế là trách nhiệm của những người đi trước phần lớn nằm ở chỗ tạo ra một môi trường phát triển và trưởng thành tốt nhất cho các em.Điều này chúng ta đã may mắn nhận được từ thế hệ cha anh ngày trước, và do đó chúng ta cũng phải có một trách nhiệm tương tự đối với thế hệ trẻ hôm nay.Hơn bao giờ hết, việc thắp lên những ngọn đuốc soi đường vào thời điểm này là vô cùng quan trọng và cần thiết, cho chính tự thân mỗi người chúng ta cũng như cho thế hệ trẻ tiếp bước theo sau.
Nói cách khác, khi tự thân mỗi người chưa thực sự quay lại suy xét để tự giải quyết và hoàn thiện những vấn đề của chính mình, để thắp lên ngọn đuốc trí tuệ soi đường cho chính mình, thì mọi nỗ lực để làm thay đổi hoàn cảnh hay cải thiện thực trạng hiện nay sẽ không thể nào mang lại kết quả như mong muốn.
Trong kinh Đại Bát Niết-bàn, Đức Phật dạy rằng: “Thường xét lỗi mình, không nói chỗ khiếm khuyết của người.”(Thường tỉnh kỷ quá, bất tụng bỉ đoản.) Chúng ta không thể mặc nhiên nhận về mình quyền dẫn dắt, dạy dỗ thế hệ trẻ khi chưa soi rọi lại chính bản thân mình để tự tu sửa và hoàn thiện. Nguyên lý giáo dục truyền thống của Phật giáo luôn nhấn mạnh ở sự thực hành hơn là lý thuyết, và do đó đối với hầu hết các bậc thầy chân chánh xưa nay thì hiệu quả thân giáo của các ngài luôn vượt xa so với sự dạy dỗ bằng lời nói. Không cần nói nhiều, nhưng chỉ bằng đức độ và phẩm hạnh tỏa sáng, một vị thầy có thể truyền trao rất nhiều những giá trị tâm linh và đạo đức cho hàng đệ tử. Ngược lại, một vị thầy cho dù uyên bác, thuyết giảngrất nhiều nhưng kém về phẩm hạnh thì sẽ không có khả năng trao truyền những điều tốt đẹp cho đệ tử. Danh xưng Hòa Thượng vốn được dịch nghĩa là “thân giáo sư”, tức là bậc thầy dạy dỗ bằng chính hành vi tự thân của mình. Điều này càng cho chúng ta thấy rõ hơn nữa ý nghĩa của việc tu dưỡng phẩm hạnh tự thân là quan trọng như thế nào.
Khi tu dưỡng tự thân, mỗi chúng ta sẽ trở thành một ngọn đuốc sáng, soi đường cho chính mình và cho người khác. Đây chính là ý nghĩa căn bản của nguyên tắc “tự giác giác tha” trong Phật giáo. Cái gọi là nguồn sáng, một khi không tự nó tỏa sáng thì không thể có khả năng soi sáng quanh nó, đó là lẽ tất nhiên. Chính vì vậy, Tuệ Trung Thượng Sĩ, bậc thầy của vua Trần Nhân Tông đã có lần dạy rằng: “Việc của chúng ta là xem lại chính mình, [điều mình mong muốn] không thể có được từ người khác.” (Phản quan tự kỷ bản phận sự, bất tùng tha đắc.) Lời dạy này đến nay vẫn còn giữ nguyên ý nghĩa thiết thực của nó.
Trên nguyên tắc, GĐPT là tập hợp của những người con Phật, những người có cùng một niềm tin, một lý tưởng, và hơn thế nữa còn là có chung một nguồn mạch, một huyết thống tâm linh. Chính vì vậy, ngay từ khi thành lập thì hai chữ “gia đình” đã được chọn làm một phần trong tên gọi của tổ chức. Trong ý nghĩa này, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình phải là mối quan hệ thân ái, yêu thương và hòa hợp, không thể là mối quan hệ dựa trên quyền uy hay thế lực.Do đó, sự dẫn dắt của các anh chị trưởng đối với thế hệ đàn em vừa là bổn phận và trách nhiệm, vừa là biểu hiện tất yếu của tình thương yêu. Và như vậy, sự tu dưỡng tự thân của mỗi người vừa mang ý nghĩa tự hoàn thiện để lợi lạc cho chính mình, vừa là điều kiện tất yếu để có thể thực hiện vai trò soi sáng và dẫn dắt thế hệ đàn em.
Nhìn trong bối cảnh rộng hơn thì GĐPT chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ là một tổ chức riêng lẻ. Từ khi thành lập đến nay, GĐPT luôn gắn bó và trưởng thành ngay trong lòng Đạo pháp, dưới sự soi sáng và dẫn dắt của chư Tôn Đức trong Tăng-già. Do vậy, mối quan hệ giữa GĐPT và Giáo Hội trước hết là mối quan hệ thầy trò, mối quan hệ giữa người dẫn dắt và người được dẫn dắt.Trong quan hệ đó, chư tăng chính là những ngọn đuốc soi đường và dẫn dắt GĐPT trong sự tu tập và hành trì cũng như trong mọi sinh hoạt thường nhật. Và trong vai trò đó, phẩm hạnh cũng như đạo đức của mỗi một bậc thầy luôn là nguồnđộng lực thúc đẩy, nuôi dưỡng sự trưởng thành và hoàn thiện của GĐPT. Do ý nghĩa này, sự tu dưỡng của chư tăng luôn ảnh hưởng trực tiếp đến sự dẫn dắt GĐPT, bởi trước hết thì mỗi một vị thầy cũng đều đang trên đường tu tập, cũng là một thành phần của tứ chúng đồng tu trong Giáo pháp của đức Thế Tôn. Khi một vị thầy có nỗ lực tu tập để hoàn thiện phẩm hạnh và đạo đức của chính bản thân vị ấy, thành quả tốt đẹp này cũng sẽ ảnh hưởng tích cực đến những thành viên GĐPT đang sinh hoạt, tu tập dưới sự dẫn dắt của thầy. Một lần nữa, ý nghĩa tỏa sáng của những ngọn đuốc soi đường lại có thể được nhìn thấy ở đây.
II. PHẨM TÍNH CẦN THIẾT
Hãy nói một cách cụ thể hơn, những phẩm tính nào là cần thiếtđể duy trì và phát triển một tập thể? Ở đây, chính đức Phật đã nhiều lần đề cập đến những phẩm tính này. Đối với tập thể, có sáu nguyên tắc hay phẩm tính phải đạt được và gìn giữ để bảo đảm sự hoàn thiện và phát triển của tập thể đó. Sáu nguyên tắc hay phẩm tính này được gọi chung là Lục hòa kính. Mặc dù xưa nay Lục hòa kính vẫn thường được đề cập đến như những khuôn thước của Tăng-già, nhưng trong thực tế đây cũng là những khuôn thước vô cùng tốt đẹp và có thể được vận dụng trong mọi đoàn thể, ngay cả trong phạm vi những người cư sĩ tại gia. Do vậy, Lục hòa kínhhoàn toàn có thể được vận dụng để hoàn thiện tổ chức GĐPT, để tạo ra môi trường sinh hoạt tốt đẹp và phát triển thuận lợi.
Trước hết, hai chữ “hòa kính” trong tên gọi nói lên yêu cầu chung của các nguyên tắc này, đó là hướng đến sự hòa hợp và tôn kính lẫn nhau. Trong một tập thể mà mọi người có thể sống chung hòa hợp và duy trì được sự kính trọng lẫn nhau thì chắc chắn là tập thể ấy đã có được nền tảng căn bản nhất để tồn tại và phát triển. Ngay từ khi thành lập Tăng đoàn, đức Phật cũng đã thường xuyên nhắc nhở chư tăng phải luôn biết sống trong tinh thần hòa kính này. Những chuyện kể về Lục quần tỳ-kheo vào thời Phật còn tại thế cho chúng ta biết được rằng chính vì họ không giữ theo tinh thần hòa kính trong Tăng đoàn nên mới thường xuyên phạm vào những điều sai trái,là nguyên nhân khiến đức Phật phải chế định rất nhiều điều giới.
Ba phẩm tính đầu tiên của Lục hòa kính đề cập đến ba phạm trù tổng quát là thân, khẩu, ý, bao gồm thân hòa cộng trú (身和共住), khẩu hòa vô tranh(口和無諍) và ý hòa đồng sự (意和同事).Nói theo cách dễ hiểu nhất, thân hòa cộng trú là cùng sống chung hòa hợp, khẩu hòa vô tranh là lời nói hòa hợp không tranh cãi, và ý hòa đồng sự là hòa hợp ý kiến để cùng nhau thực hiện công việc. Như vậy, với ba phẩm tính đầu tiên này, chúng ta đã có thể làm cho một tập thể trở nên hòa hợp và tránh xa được những sự tranh cãi, bất hòa, cùng thống nhất ý kiến trong những công việc chung của tập thể đó.
Nhìn chung, ba phẩm tính này có thể xem như là mục tiêu mong muốn đạt được của mọi đoàn thể. Nhưng làm thế nào để đạt được những mục tiêu tốt đẹp này? Hẳn nhiên không thể chỉ đơn giản đề ra là có thể đạt được, cho dù mỗi người chúng ta đều rất muốn như vậy. Vì thế, giáo pháp Lục hòa kính nêu lên ba nguyên tắc, có thể xem là những phương thức để đạt đến các mục tiêu trên. Những nguyên tắc này bao gồm giới hòa đồng tu (戒和同修), kiến hòa đồng giải (見和同解) và lợi hòa đồng quân (利和同均).
Giới hòa đồng tu nghĩa là cùng nhau tu tập trong tinh thần của giới luật, cùng nghiêm trì giới luật. Giới luật là chuẩn mực chung của mọi người con Phật, bất kể đó là hàng đệ tử xuất gia hay tại gia. Cư sĩ có giới luật của cư sĩ, đó là Năm giới. Chư tăng có giới luật của chư tăng, đó là Đại giới tỳ-kheo hay Cụ túc giới. Khi mọi người trong tập thể đều nghiêm giữ theo tinh thần giới luật giống như nhau, những hành vi, lời nói và ý tưởng xấu ác đều sẽ bị ngăn chặn, và những điều tốt đẹp đều có cơ hội được phát huy. Đây chính là môi trường lý tưởng để ba phẩm tính thân hòa cộng trúkhẩu hòa vô tranh và ý hòa đồng sựcó thể phát triển dễ dàng.
Hơn thế nữa, những giới luật của hàng xuất gia và tại gia như vừa nhắc đến bên trên đều là những giới “tận hình thọ” (盡形壽), nghĩa là được phát nguyện thọ nhận suốt đời, không có thời điểm chấm dứt, trừ phi người thọ giới cảm thấy không thể thọ trì được nữa và xin xả giới. Vì thế, nguyên tắc giới hòa đồng tu có thể xem là một nguyên tắc quan trọng và có ý nghĩa lâu dài, bởi nó giúp thiết lập một nền tảng chung cho tất cả những người cùng phát nguyện thọ giới giống nhau.Dựa trên căn bản này, nếu bất kỳ thành viên nào trong tổ chức không thực sự nghiêm trì giới luật mà mình đã thọ nhận thì đó chính là đi ngược lại với nguyên tắc giới hòa đồng tu. Và thiếu đi yếu tố giới hòa đồng tu thì tất nhiên không thể phát huy được hiệu quả của Lục hòa kính như mong muốn.
Kiến hòa đồng giải có thể hiểu nôm na là sự chia sẻ tri thức giữa tất cả mọi người trong một tập thể. Tri thức là vốn quý được tích lũy và phát triển hoàn toàn khác biệt ở mỗi người. Sự chênh lệchtri thức thường có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến cảm giác xa lạ, ít gần gũi trong một tập thể, bởi những người thua kém thường mang mặc cảm, trong khi những người vượt trội thường có khuynh hướng phát triển sự cao ngạo. Chính vì vậy, nguyên tắc kiến hòa đồng giải giúp mọi người đến gần nhau hơn, xóa bỏ dần sự cách biệt và nhất là mang lại lợi ích chung cho tập thể. Theo các luận giải xưa thì kiến hòa đồng giải thường được hiểu là sự hòa hợp nhờ có chung một nền tảng tri kiến, đó là cách nhận thức về mọi vấn đề đúng thật như lời Phật dạy. Tuy vậy, chúng ta cũng có thể hiểu sự hòa hợp về tri kiến ở đây như là sự chia sẻ và trao đổi, thảo luận một cách cởi mở để cùng nhau đạt đến một nền tảng hiểu biết chung, một nhận thức chung.
Lợi hòa đồng quân được hiểu là sự chia đều những lợi lạc có được, ở đây hàm ý những nguồn lợi về vật chất. Chúng ta đều biết, sự phân chia không đồng đều về lợi nhuận rất thường là nguyên nhân chính gây bất hòa và chia rẽ trong mọi tổ chức. Khi những thành viên trong tổ chức cảm thấy không hài lòng, cảm thấy mình bị đối xử bất công do không được phân chia lợi nhuận hợp lý, phản ứng của họ thường là sẽ dẫn đến sự chia rẽ, tan rã. Chính vì vậy mà ngay cả trong Tăng đoàn đức Phật cũng vẫn đề ra nguyên tắc này để ngăn chặn từ đầu nguyên nhân gây chia rẽ. Lợi hòa đồng quân hướng đến sự sống chung hòa hợp với tất cả nguồn lợi luôn được chia đều cho mọi thành viên trong tổ chức. Nguyên tắc này thể hiện sự bình đẳng và đối trị với tâm tham lam vốn có của mỗi người, nuôi dưỡng sự quan tâm chia sẻ cùng nhau trong cùng đoàn thể.
Với ba nguyên tắc giới hòa đồng tukiến hòa đồng giải và lợi hòa đồng quân,mọi thành viên trong tổ chức sẽ cùng nhau tạo ra một môi trường tốt đẹp và lý tưởng để phát triển ba phẩm tính mong muốn là thân hòa cộng trúkhẩu hòa vô tranh và ý hòa đồng sự.  Như vậy, sự kết hợp vận dụng Lục hòa kính chính là phương thức cụ thể và khả thi để giúp hoàn thiện và phát triển GĐPT. Bằng vào tính sáng tạo của các anh chị trưởng, chúng ta chắc chắn có thể vận dụng theo nhiều cách khác nhau để phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng Gia Đình.Bằng cách sử dụng Lục hòa kính như những nguyên tắc chủ đạo, mọi phương thức được vận dụng phù hợp với các nguyên tắc này chắc chắn đều sẽ mang lại hiệu quả tốt đẹp.
Ngoài ra, khi nhìn lại môi trường sinh hoạt trong mỗi một Gia Đình, dựa trên những tiêu chí của Lục hòa kính như vừa được nêu trên, chúng ta cũng có thể tìm ra được những nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu hay hoạt động kém hiệu quả. Bởi vì, có thể nói hầu hết những nguyên nhânđó đều là do không phù hợp với các nguyên tắc Lục hòa kính.
Việc vận dụng Lục hòa kínhsẽ tạo ra một môi trường hòa hợp và phát triển cho GĐPT.Tuy nhiên, yêu cầu dẫn dắt, hướng dẫn các em còn đòi hỏi nhiều hơn thế. Vì vậy, chúng ta cần đề cập thêm đến những phẩm tính cần thiết mà người anh chị trưởng cần phải có để có thể thành công trong việc dẫn dắt các em. Các phẩm tính này thường được đức Phật nhắc đến trong nhiều kinh điển với tên gọi là Tứ nhiếp pháp,và thường được hiểu như là bốn phương pháp nhiếp phụclòng người. Nói một cách dễ hiểu hơn, đây là những phương pháp có thể giúp các anh chị trưởng đạt được sự đồng thuận, ủng hộ từ các em, để các em chấp nhận đi theo sự dẫn dắt của mình.
Tứ nhiếp pháp bao gồm bốn phạm trù là bố thí nhiếp, ái ngữ nhiếp, lợi hành nhiếp và đồng sự nhiếp.
Bố thí nên được hiểu theo nghĩa rộng là chia sẻ vô điều kiện những giá trị thuộc quyền sở hữu của mình cho người khác.Những giá trị đó có thể là vật chất, nhưng cũng có thể là những giá trị thuộc về tinh thần hay tri thức. Vì vậy, trong Phật pháp thường nói đến các loại bố thí như tài thí (chia sẻ tài vật), pháp thí (chia sẻ hiểu biết về giáo pháp) và vô úy thí (tạo ra sự che chở, bảo vệ hoặc trấn an, giúp người khác không còn sợ sệt).Thực hiện một trong những sự chia sẻ, giúp đỡ này thì đều gọi chung là bố thí. Trong tâmlý giao tiếp thông thường, người nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ từ người khác luôn khởi sinh một ấn tượng, tình cảm tốt đẹp và gần gũi hơn với người đã giúp mình. Đây chính là ý nghĩa vận dụng thiết thực của bố thí nhiếp, nghĩa là sử dụng hành vi bố thí, chia sẻ như một phương tiện để thu phục lòng người.
Ái ngữ là sự tỉnh giác trong lời nói, ngôn từ, luôn chú ý chọn lựa cách diễn đạt hiền hòa, từ ái và thích hợp để không gây tổn thương cho người khác. Người thực hành ái ngữ dễ dàng chiếm được tình cảm từ người khác, bởi tâm lý rất thông thường là bất cứ ai cũng thích được nghe những lời hòa ái, êm dịu. Đây cũng chính là ái ngữ nhiếp trong ý nghĩa là sử dụng ái ngữ như một phương tiện thu phục lòng người.
Lợi hành có nghĩa là làm những việc mang lại lợi ích cho người khác, hay nói đơn giản hơn là những hành vi lợi tha. Khi sự có mặt của chúng ta trong một tập thể luôn mang lại lợi ích cho người khác bằng những nỗ lực hành vi thiết thực và cụ thể, thì việc người khác chấp nhận nghe theo sự dẫn dắt của chúng ta cũng là điều hợp lý và dễ hiểu. Trong ý nghĩa này, khi người anh chị trưởng luôn tâm niệm thực hiện lợi hành nhiếp, chắc chắn sẽ dễ dàng chiếm được tình cảm và sự đồng thuận từ các em.
Đồng sự có thể hiểu đơn giản là cùng nhau làm việc. Tuy nhiên, trong đồng sự nhiếp thì hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta sẽ chấp nhận cùng làm hết thảy mọi việc với các em, mà sự hợp tác, cùng làm chung này luôn phải có ý nghĩa dẫn dắt các em theo về con đường tiến bộ, hay nói khác hơn là một cách “đồng sự” có chọn lọc. Và trong một ý nghĩa khác, việc thực hành “đồng sự” chính là để giúp chúng ta gần gũi với các em hơn, thấu hiểu được những suy nghĩ và mong muốn của các em, từ đó mới có thể có sự hướng dẫn thích hợp. Một người hướng dẫn chỉ biết đưa ra những mệnh lệnh, chỉ dẫn về mặt lý thuyết mà không gần gũi, không chung tay thực hiện cùng các em thì không thể nào tạo ra được sự gắn bó tình cảm cũng như sự dẫn dắt có hiệu quả.
Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự là bốn phương thức được sử dụng để chinh phục lòng người, nhưng cũng chính là bốn pháp tu tập để hoàn thiện bản thân mình. Vì thế, chúng ta có thể thấy rằng việc tu dưỡng tự thân luôn được xem là yếu tố quyết định trước khi có thể dẫn dắt người khác. Sự giáo dục bằng chính hành vi tự thân của mình, hay thân giáo, bao giờ cũng là phương thức hiệu quả nhất.
III. KẾT LUẬN
Sự thay đổi hoàn thiện của bất kỳ một tổ chức nào cũng đều phải bắt đầu từ nỗ lực vươn lên của mỗi một thành viên trong tổ chức ấy. Không một phép mầu nào có thể giúp chúng ta đạt được những thành quả mong muốn mà không cần đến sự chung tay xây dựng của tất cả mọi người. GĐPT trước hết là một tổ chức tập hợp của những người con Phật, những người đã sẵn có tâm nguyện đi theo con đường tu dưỡng và hướng thiện do đức Phật khai sáng. Đây là một ưu điểm rất lớn mà không một tổ chức, đoàn thể nào khác có được. Do đó, mọi nỗ lực kiện toàn hay thúc đẩy sinh hoạt của GĐPT đều không thể xa rời lời Phật dạy. Trong ý nghĩa đó, những phẩm tính và phương thức được đề cập đến trong tham luận này không nhằm vạch ra những bước đi hay biện pháp cụ thể cho từng GĐPT, nhưng có thể xem là những nguyên tắc chung vô cùng khái quát dựa trên lời Phật dạy. Vì thế, cho dù chúng ta có vận dụng bất kỳ giải pháp cụ thể nào cũng sẽ không đi ra ngoài những khuynh hướng đó. Một cách tổng quát, có thể tóm gọn thành các nguyên tắc chính sau đây.
Thứ nhất, nguyên tắc thân giáo đòi hỏi sự tu dưỡng tự thân của mỗi người là điểm khởi đầu trước nhất. Bất kỳ ai muốn đứng ra dẫn dắt người khác thì trước hết cũng đều phải tự tu dưỡng hoàn thiện bản thân mình. Trước khi làm một ngọn đuốc soi đường cho tha nhân, bản thân chúng ta phải có khả năng tự tỏa sáng để soi đường cho chính mình.
Thứ hai, nguyên tắc tự lợi lợi tha đòi hỏi bất kỳ giải pháp hay hành động nào cũng phải mang lại lợi lạc cho chính mình và lợi lạc cho tha nhân. Sự tu tập đúng hướng trong Phật pháp luôn mang lại lợi ích cho chính bản thân mình và người khác. Nếu một pháp tu nào mang lợi lạc cho người khác nhưng gây tổn hại đến bản thân người tu tập thì nhất thiết phải xem xét lại, vì đó không thể là Chánh pháp theo lời Phật dạy.Bởi vì mọi nỗ lực đúng Chánh pháp sẽ luôn luôn mang lại lợi ích cho chính bản thân mình và người khác.
Cuối cùng, cho dù những lời dạy của đức Phật cách đây hơn 25 thế kỷ, nhưng thực tế đã chứng minh Giáo pháp của ngài vẫn giữ nguyên tính chính xác và lợi lạc khi được vận dụng vào thời đại hiện nay. Dù vậy, để có thể thực sự phát huy được những lợi lạc từ lời dạy của đức Phật, chúng ta cũng cần phải biết vận dụng khéo léo sao cho phù hợp với những điều kiện thực tế của thời hiện đại. Nói cách khác, cho dù về mặt nguyên tắc thì Giáo pháp vẫn không thay đổi, nhưng trong sự thực hành vận dụng vào từng hoàn cảnh thực tế hiện nay, chúng ta nhất thiết phải cần đến tính sáng tạo và sự linh hoạt thích nghi. Nói theo thuật ngữ Phật giáo thì đây là nguyên tắc tùy duyên bất biến. Và chính nguyên tắc này sẽ giúp mỗi người chúng ta vận dụng khéo léo những lời Phật dạy vào trong từng trường hợp cụ thể, mang lại lợi ích cho chính bản thân ta và mọi người quanh ta.
Khi nêu ra những nguyên tắc như trên qua tham luận này, người viết mong rằng có thể đóng góp phần nào theo hướng tìm tòi và xây dựng nên những phương thức hoạt động mới từ những chất liệu xưa nhưng không cũ. Thực trạng và những vấn đề cần giải quyết của hôm nay quả thật không dễ dàng, nhưng tôi tin chắc rằng với niềm tin chân chánh và nỗ lực tu tập đúng hướng, các anh chị trưởng hiện nay sẽ tìm được những phương cách hoạt động thích hợp để duy trì và phát triển GĐPT. Mặt khác, mong rằng trên tinh thần tự giác giác tha, chư tăng trong Giáo Hội sẽ tiếp tục là những ngọn đuốc sáng soi đường dẫn dắt và luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho GĐPT.

Tuesday, October 22, 2019

Từ Hội sách San Jose, nghĩ về văn hóa đọc

Từ Hội sách San Jose, nghĩ về văn hóa đọc
Nguyên Minh - Nguyễn Minh Tiến
Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn - Từ Hội sách San Jose, nghĩ về văn hóa đọc
Thời gian gần đây, “văn hóa đọc” dường như đã trở thành một mỹ từ thường xuyên được nhắc đến với nhiều bài viết rất tha thiết, rất nhiệt tình cổ xúy chuyện đọc sách giấy, nhất là đối với thế hệ trẻ hiện nay. Thử vào Google và nhập từ khóa tìm kiếm là “văn hóa đọc”, chúng ta dễ dàng tìm thấy hàng loạt các bài viết loại này của nhiều tác giả trong cũng như ngoài nước. Mặc dù vậy, tác động thúc đẩy hay tạo chuyển biến trong thực tiễn dường như chưa được là bao.

Không cần nhìn đến những con số thống kê này nọ liên quan đến lãnh vực này, mà dường như lúc nào cũng “về phe” với những người không mấy khi đọc sách - vì chúng luôn nói lên rằng họ đang thuộc về đa số, chỉ cần tìm hiểu ngay từ các em trẻ tuổi quanh ta, ngay trong gia đình cũng như ngoài xã hội, có phần chắc chắn là quý vị sẽ thấy rằng việc gặp được những em thực sự ham mê đọc sách dường như là hết sức hiếm hoi.

Đã có quá nhiều những phân tích về nhiều nguyên nhân khiến thói quen đọc sách dần dần mai một trong thế hệ trẻ hiện nay, nên bài viết này sẽ không lặp lại. Vấn đề tôi muốn nêu lên ở đây là sự nhìn nhận đúng về thực tế đang diễn ra và cùng nhau bàn đến những phương thức tích cực, hiệu quả để góp phần chuyển biến thực trạng hiện nay theo hướng tốt hơn.

Trong một chừng mực nào đó, chúng ta có thể phải thừa nhận một thực tế là mọi khuynh hướng xã hội đều vận hành theo quy luật tự nhiên của nó, và những gì không còn phù hợp với hôm nay tất yếu phải bị cộng đồng đào thải. Nhìn lại trong lịch sử, khi Nho học bị đào thải bởi sự phát triển của chữ Quốc ngữ, một nhà Nho đã thống thiết kêu lên:

“Đạo học ngày nay đã chán rồi,
Mười người đi học, chín người thôi.”
(Than đạo học - Trần Tế Xương)

Thế nhưng sự đào thải đó là tất yếu và không ai có thể cưỡng lại được. Xét cho cùng, xã hội phát triển được cũng chính là nhờ quy luật đào thải đó.

Tuy nhiên, sự suy thoái của văn hóa đọc lại cần phải nhìn từ một góc độ khác, bởi nó không phải là một sự “đào thải tất yếu” như “cái học nhà Nho” trong quá khứ. Nó là một hiện tượng không đang có mà thế hệ cha anh đi trước cần phải nhận về mình phần trách nhiệm là đã không duy trì được thói quen đọc sách vốn có của thế hệ mình để truyền lại đến thế hệ tiếp theo.

Một số độc giả có thể không tán thành với nhận định này và sẵn sàng đổ lỗi cho Internet, cho khối lượng thông tin ảo khổng lồ mà các em ngày nay có thể dễ dàng tiếp cận mọi lúc mọi nơi. Tôi đồng ý một phần với những lý do này, nhưng xin quý vị một điều là hãy quay nhìn lại chính mình. Trong thời gian con em của quý vị lớn lên trong gia đình, có bao nhiêu lần các cháu, các em được nhìn thấy quý vị say mê đọc một cuốn sách? Và nếu thời gian này không nhiều lắm, xin đừng trách các em vì sao không có được một thói quen đọc sách ngay từ thuở nhỏ.

Nếu có quý vị nào trả lời theo hướng tích cực với câu hỏi trên, tôi xin nghiêng mình bái phục, nhưng trong đa số trường hợp tôi nhìn thấy, thì hầu hết người lớn chúng ta trong những năm qua dường như đã quá bị cuốn hút vào những thay đổi trọng đại trong đời sống. Hoàn cảnh gia đình, môi trường xã hội, định chế sinh hoạt v.v... đã khiến cho những quyển sách dần dần xa rời hẳn tầm tay của chúng ta, không còn giống như khi ta còn trẻ. Đó là một thực tiễn. Và một trong những hệ quả của thực tiễn này là chúng ta đã không truyền lại được thói quen đọc sách cho thế hệ đi sau. Tất nhiên, đây cũng chỉ là một trong nhiều lý do, nhưng tôi muốn nhắc đến vì nó là một lý do mà ta có thể thay đổi được.

Đối với những ai không đồng ý với nhận định trên và vẫn cho rằng văn hóa đọc trong thời đại này thực sự không còn thích hợp, tôi xin trưng dẫn vài con số có tính toàn cầu trong biểu đồ sau đây:

Liên Phật Hội

Như được thấy trong hình (thống kê của năm 2018), bình quân mỗi người dân Ấn Độ hiện nay dành ra gần 11 tiếng đồng hồ để đọc sách trong một tuần lễ. Người Mỹ đứng ở cuối bảng trên, nhưng cũng có gần 6 giờ đọc sách mỗi tuần. Vậy mỗi người chúng ta, sau khi đọc qua những dòng này, hãy tự xét lại trong tuần qua bản thân mình đã có được bao nhiêu thời gian đọc sách? Nếu chúng ta vẫn đồng ý rằng đọc sách là một thói quen tốt và mong muốn con em mình đọc sách, vậy thì tự thân chúng ta không thể không nêu gương trước.

Và một lần nữa, vẫn là những con số thống kê. Người Mỹ đứng cuối bảng trong thống kê về thời gian đọc sách như trên, nhưng chúng ta hãy cùng xem qua các thống kê chi tiết hơn về thói quen đọc sách của họ:

Liên Phật Hội

Theo thống kê này, trong năm 2018 có 74% người Mỹ đã từng đọc ít nhất là một quyển sách và 67% đã đọc từ sách in trên giấy, không phải sách điện tử. Có 77% người Mỹ ở độ tuổi dưới 29 có đi mua sách trong năm 2018. Quả thật đây đều là những con số có thể xem là “lý tưởng” đối với tình hình đọc sách của người Việt chúng ta hiện nay, cho dù chúng ta chưa có được những con số thống kê cụ thể và chính xác về thói quen đọc sách của người Việt.

Như vậy, trong thực tế chúng ta có thể làm được gì để thúc đẩy thói quen đọc sách của tuổi trẻ hiện nay? Một trong những nỗ lực đáng trân quý nhắm đến mục đích này vừa được thực hiện tại San Jose vào ngày 19 tháng 10 vừa qua: Hội sách “Có Mặt Cho Nhau - Lần 2” - giới thiệu hơn 300 tựa sách của nhiều tác giả khác nhau, với số lượng có thể lên đến gần ngàn quyển.

Liên Phật Hội

Một góc Hội sách “Có Mặt Cho Nhau - Lần 2”

Theo Ban Tổ chức cũng như những người tham dự, Hội sách đã thành công trong nhiều khía cạnh, từ mục tiêu giới thiệu sách đến với độc giả cũng như tạo điều kiện chia sẻ tâm tình giữa các tác giả với độc giả của mình.

Mặc dù số lượng người đến tham gia trực tiếp khá khiêm tốn so với tầm vóc tổ chức, nhưng “Có Mặt Cho Nhau” đã thực sự thành công đúng như tên gọi của sự kiện vì tạo ra được một không khí ấm áp và thân tình trong suốt buổi chiều diễn ra sự kiện. Các diễn giả đều có cơ hội chia sẻ một phần kinh nghiệm và thao thức của mình đến với độc giả, và tất cả người tham gia đều được dành cho cơ hội để trực tiếp nêu câu hỏi với các diễn giả. Ngoài ra, sau khi chọn được những quyển sách vừa ý, người đọc còn có thể xin chữ ký trực tiếp từ các tác giả, và rõ ràng đây là một cơ hội hiếm hoi mà bất cứ người yêu sách nào cũng đều trân quý.

Liên Phật Hội

Độc giả chụp hình lưu niệm với các tác giả cũng là diễn giả trong Hội sách

Nhìn qua danh sách các diễn giả đều là những nhà văn, nhà Phật học, các giáo sư, tiến sĩ đã khá quen thuộc với độc giả qua hàng loạt tác phẩm đã lưu hành như thầy Thích Pháp Cẩn, Giáo sư Trần Kiêm Đoàn, Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ, Nhà văn Trần Việt Long, Nhà văn Đào Văn Bình, Cư sĩ Nguyễn Minh Tiến, Giáo sư Nguyễn Hồng Dũng v.v...

Ngoài ra còn rất nhiều tác giả gửi sách đến trưng bày giới thiệu tại Hội sách lần này nhưng không trực tiếp đến tham dự được như Hòa thượng Thích Như Điển, 
Thượng tọa Thích Nguyên Tạng, Nhà văn Nguyên Giác, Nhà văn Như Hùng, Nhà văn Vĩnh Hảo, Tâm Huy Huỳnh Kim Quang, Thị Nghĩa Trần Trung Đạo, Nguyễn Hoàng Lãng Du, Hoàng Long, Hoang Phong, Nhuỵ Nguyên, Nhà văn Nguyễn Duy Nhiên, Nhà thơ Hà Nguyên Du, v.v... 

Một số tác giả nổi tiếng từ lâu trong lãnh vực Phật học cũng được giới thiệu trong Hội sách lần này như Thầy Thích Tuệ Sỹ, Thầy Thích Nhất Hạnh, Hoà thượng Thích Mãn Giác (Huyền Không), Hoà thượng Thích Thanh Từ, 
Thầy Thích Từ Lực, Ni Sư Thích Nữ Trí Hải, Ni sư Hạnh Huệ, Ni sư Thuần Bạch, Ni sư Thuận Tuệ, Ni sư Giới Hương, Thích Nữ Khánh Năng v.v...

Dẫn chương trình là Giáo Sư Tiến Sĩ Phan Mẫn, một Giáo sư Khoa trưởng Đại học đến từ Sacramento.

Có thể nói, quy mô của Hội sách tuy không lớn lắm nhưng số lượng sách trưng bày và giới thiệu lần này đã khiến người tham dự phải hết sức ngạc nhiên và thích thú. Những giây phút gặp gỡ và trao đổi thân tình giữa các tác giả với độc giả là những giây phút vô cùng đáng nhớ cho cả đôi bên. Sức mạnh kết nối của những câu chữ, ngôn từ dường như được thể hiện một cách vô cùng cụ thể và sinh động khi những độc giả lần đầu tiên trực tiếp gặp mặt tác giả mình yêu thích nhưng đôi bên đều cảm thấy như vô cùng thân quen và gần gũi.

Liên Phật Hội

Xem sách, chọn sách là niềm vui trong hội sách

Đó là nói về những gì đã thực sự diễn ra trong Hội sách “Có Mặt Cho Nhau” tại San Jose vào ngày 19 tháng 10 năm 2019 vừa qua. Vấn đề còn lại là tiếng vang của sự kiện trong lòng độc giả, những người đến tham dự và kể cả những người không có điều kiện đến tham dự. Liệu những ảnh hưởng tích cực của sự kiện này có thể lượng định đến mức nào và chúng ta có thể làm được gì để cải thiện hơn nữa trong những lần tổ chức về sau?

Theo suy nghĩ chủ quan của người viết bài này, đã tham gia hội sách như một tác giả, thì hạn chế lớn nhất của lần tổ chức này là khả năng tiếp cận với độc giả. Như đã nói, số người trực tiếp đến tham dự hội sách là quá khiêm tốn đối với tầm vóc của sự kiện, xét từ góc độ công phu mà Ban Tổ chức đã bỏ ra để chuẩn bị cũng như từ góc độ quy tụ được các tác giả, diễn giả đến tham gia đều là những nhà văn, nhà nghiên cứu, các giáo sư, tiến sĩ mà tên tuổi đã được khẳng định qua thời gian với những cống hiến của họ cho văn hóa Phật giáo.

Ba ngày trước khi khai mạc sự kiện này, chúng tôi đã có một buổi hội luận nhỏ gồm anh Trần Việt Long (San Jose), Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ (Sacramento), anh Phan Trung Kiên (San Diego) và cá nhân tôi ngồi tại Westminster. Chúng tôi đã trao đổi sơ qua một vài vấn đề liên quan đến hội sách nhằm mục đích giới thiệu đến với người xem ở nhiều nơi. Buổi hội luận được phát trực tiếp qua Facebook cũng như được lưu lại trên YouTube và tính đến hôm nay, khi tôi viết bài này, đã có hơn 1.400 lượt xem. Con số người tiếp cận thông tin này lớn hơn rất nhiều chục lần số người trực tiếp đến tham dự Hội sách.

Liên Phật Hội
Các tác giả tham gia Hội luận trước ngày khai mạc
Điều này nói lên một thực tế trong điều kiện hiện nay. Đó là, việc dành thời gian trực tiếp đến tham gia sự kiện thường rất khó khăn đối với nhiều người, ngay cả khi đó là một ngày nghỉ cuối tuần, nhưng việc tiếp cận thông tin qua mạng Internet thì dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều. Tất nhiên, chúng ta không thể phủ nhận giá trị thực tiễn vô cùng quý giá của những giây phút trực tiếp gặp gỡ giữa độc giả và tác giả hoặc giữa các độc giả với nhau, nhưng nếu như song song với sự kiện này chúng ta có thể ghi lại đầy đủ diễn tiến của sự kiện và phát đi trực tiếp qua mạng Internet cũng như lưu giữ lại, thì chắc chắn số lượng người tiếp cận thông tin sẽ tăng lên rất nhiều, qua đó hiệu quả quảng bá cũng như sự thúc đẩy tích cực của sự kiện này chắc chắn càng được nâng cao hơn nữa.

Và cũng từ nhận định trên đã đưa chúng tôi đến suy nghĩ rằng, tại sao chúng ta không thường xuyên tổ chức những buổi trao đổi, hội luận thời lượng ngắn với các tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu v.v... để giới thiệu về những quyển sách có giá trị cao, được chọn lọc kỹ? Như trong phần phát biểu của mình tại Hội sách, tôi có nêu rõ nhược điểm lớn nhất hiện nay của truyền thông đại chúng là nó cung cấp cho người đọc một lượng thông tin quá lớn và quá dễ dàng tiếp cận, dẫn đến tính chọn lọc rất thấp và người đọc rất dễ bị mất thời gian vô ích vì những quyển sách kém giá trị. Nếu chúng ta có thể thường xuyên giới thiệu đến người đọc những quyển sách hay theo cách như trên, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tích cực đến việc thúc đẩy văn hóa đọc. Và đây là điều chúng ta hoàn toàn có thể làm được với điều kiện kỹ thuật thông tin trong hiện tại, vì các tác giả, diễn giả có thể ngồi tại nhà để tham gia hội luận vào một ngày giờ định trước mà không phải mất thời gian di chuyển.

Nếu thực hiện theo cách này, số lượng người tiếp cận thông tin sẽ được nâng cao và từ đó giúp cho hiệu quả truyền bá được nâng cao. Và hơn thế nữa, trong phương thức này, mỗi người chúng ta đều có thể góp phần tích cực, chẳng hạn như bằng cách chia sẻ đường link các buổi “giới thiệu sách online” này đến với bạn bè của mình trên mạng xã hội. Với sự góp sức của nhiều người, tính lan tỏa của những sự kiện này sẽ càng được nâng cao hơn nữa. Và đây có thể là phương thức khả thi tốt nhất trong hiện tại.

Một khía cạnh thứ hai cần đề cập ở đây là sự nhận thức chưa đầy đủ về văn hóa đọc. Rất nhiều người hiện nay chưa hiểu hết hoặc chưa trực tiếp trải nghiệm được những khía cạnh tích cực của thói quen đọc sách, do đó mà tự bản thân họ không thường xuyên đọc sách cũng như không quan tâm đúng mức đến việc thúc đẩy, khuyên bảo con em mình đọc sách.

Tuy nhiên, những ai đã tự mình trải nghiệm niềm đam mê đọc sách đều có thể cảm nhận rất rõ ràng sự khác biệt giữa việc đọc một trang sách trên giấy với việc thu thập hàng loạt thông tin trên không gian ảo. Trong khi những thông tin có được từ không gian ảo chỉ nhằm phục vụ cho việc tìm hiểu một vấn đề nào đó, thì việc đọc một trang sách giấy mang lại nhiều sự thú vị tinh tế mà sách điện tử không bao giờ có được.

Khác biệt thứ nhất là về độ tin cậy. Trong khi những thông tin có được từ không gian ảo không hề có được một sự bảo chứng đáng tin cậy nào, ngay cả tên tác giả cũng có thể thường xuyên bị ghi nhầm, thì một bản in trên sách giấy luôn có độ tin cậy cao hơn và thường tạo được sự quen thuộc cho độc giả ngay từ lúc nhìn vào tên tác giả mà mình yêu thích. Mỗi bản sách in luôn được các tác giả nâng niu trau chuốt từ lúc mới hình thành cho đến lúc lưu hành, trong khi đó có rất nhiều bài viết trên mạng chỉ hình thành qua đêm hoặc thậm chí tức thời, ngẫu hứng, nên không bao giờ có thể là chỗ dựa đáng tin cậy để mở mang tri thức.

Khác biệt thứ hai là sự tương giao sống động giữa người đọc và người viết. Một tác phẩm in ấn khi đến tay người đọc, nếu được chấp nhận thì có thể trở thành cầu nối giữa người đọc với tác giả đó. Người đọc luôn có được cảm giác giao tiếp sống động giữa người với người qua từng câu chữ, hoàn toàn khác với những bản sách điện tử vốn chỉ là những tín hiệu vô hồn. Đặc biệt là khi người đọc có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp với tác giả viết sách, thì những quyển sách trong tay họ sẽ không chỉ đơn thuần là quyển sách nữa, mà nó thực sự trở thành một phương tiện tương giao sống động giúp họ cảm thấy gần gũi hơn với những tư tưởng, cảm xúc được tác giả truyền tải trong tác phẩm.

Mối quan hệ tương tác giữa tác giả và độc giả là một điều rất thật mà hầu hết những người viết sách đều đã từng cảm nhận. Trong thực tế, tôi đến San Jose lần này là lần thứ ba và hai lần trước đây là vào năm 2016. Trong cả ba lần ghé lại thành phố này, những người hân hoan chào đón tôi, dành cho tôi những tình cảm thắm thiết cũng như chăm lo việc ăn ở cho tôi chính là những độc giả đã từng đọc sách của tôi. Trước khi được kết nối với nhau qua những quyển sách, chúng tôi là những người hoàn toàn xa lạ, không hề biết đến nhau. Chính những câu chữ, đoạn văn trong sách đã giúp chúng tôi trở thành bạn hữu và dành cho nhau những tình cảm chân thành cũng như sự trân quý lẫn nhau. Điều này chắc chắn sẽ không bao giờ có được nếu như mọi người chỉ biết đến tôi qua các bài viết trên mạng Internet.

Tất nhiên, còn rất nhiều điểm khác biệt nữa mà chỉ những ai có được thói quen và niềm đam mê đọc sách mới có thể nhận biết hết được. Đáng tiếc thay, thói quen hay niềm đam mê quý giá này lại không phải là điều tự nhiên có được, mà thường phải trải qua sự rèn luyện, hun đúc từ thuở nhỏ. Trong khi đó, hầu hết các bậc phụ huynh ngày nay đều không quan tâm đúng mức đến việc dạy dỗ, khuyên bảo hay uốn nắn con em mình ngay từ thuở nhỏ để khi lớn lên chúng có được tài sản quý giá này. Chính vì vậy, việc ngày nay chúng ta lên tiếng ca ngợi và cổ xúy văn hóa đọc đã trở thành một nỗ lực khá muộn màng và thường không mấy hiệu quả.

Điều thứ ba tôi muốn nói đến trong bài viết này là đối tượng nhắm đến khác nhau của từng loại sách. Trong một bài viết ngay sau Hội sách này, anh Trần Kiêm Đoàn có ý “trách nhẹ” việc nhiều tác giả chỉ luôn chú ý đến những “thuyết giảng cao vời”, những điều “quá uyên thâm” hoặc “cao xa vời vợi” mà không nghĩ nhiều đến những nhu cầu gần gũi, dễ hiểu hơn của tuổi trẻ. Trong thực tế, Hội sách này có hơn 20 tựa sách của riêng tôi viết cho tuổi trẻ như Thắp ngọn đuốc hồng, Hát lên lời thương yêu, Đừng đánh mất tình yêu, Hoa nhẫn nhục, Những tâm tình cô đơn, San sẻ yêu thương v.v... Nhưng chính tôi khi dạo tìm cũng rất khó khăn mới nhận ra được những quyển sách này, vì chúng nằm lẫn trong nhiều quyển sách khác thuộc trình độ cao như anh Trần Kiêm Đoàn đã nhắc đến. Nên chăng, trong những lần tổ chức về sau, Ban Tổ chức cần có sự sắp xếp phân loại rõ ràng, khu vực nào là sách nghiên cứu, khu vực nào là sách Phật học chuyên sâu, sách Phật học căn bản, và đặc biệt là những sách dành cho tuổi trẻ. Như vậy sẽ dễ dàng hơn cho độc giả trong việc chọn mua sách.

Điều tất nhiên là vẫn còn rất nhiều việc cần làm và chúng ta có thể chung tay cùng làm để hướng đến một tương lai tốt hơn cho con em chúng ta trong lãnh vực này. Tuy nhiên, một sự kiện như “Có Mặt Cho Nhau” quả thật là rất đáng ngợi khen và khích lệ. Những khuôn mặt trẻ tích cực trong sự kiện này như Bạch Xuân Phẻ, Nguyễn Xuân Hiệp, Phan Mẫn... chắc chắn sẽ là những hạt nhân tốt để tiếp tục quy tụ ngày càng nhiều hơn nữa những tài năng trẻ với thiện chí sẵn sàng đóng góp vì cộng đồng. Và hơn thế nữa, với sự chung tay góp sức của nhiều người, mong rằng trong tương lai sẽ tiếp tục có thêm nhiều sự kiện như vậy với sự tổ chức hoàn thiện hơn, với quy mô lớn hơn và mang lại nhiều hiệu quả hơn.

Xin cảm ơn Ban Tổ chức Hội sách, những người đã âm thầm nỗ lực trong suốt thời gian dài để chuẩn bị cho sự kiện đáng nhớ này. Xin cảm ơn tất cả những độc giả đã đến tham dự cũng như cả những người không đến tham dự được nhưng vẫn luôn dành nhiều tình cảm khích lệ cho những người tổ chức. Và với tất cả sự lạc quan tin tưởng, xin hẹn gặp tất cả mọi người ở “Có Mặt Cho Nhau” lần thứ 3.

Liên Phật Hội

Liên Phật Hội

Liên Phật Hội

Liên Phật Hội

Liên Phật Hội

Liên Phật Hội

Saturday, October 21, 2017

Lời giới thiệu - Tâm Bút Bạch Xuân Phẻ

Bìa sách - Designed by Uyên Nguyên.
Lotus Media Inc, sắp xuất bản vào tháng 9, 2017
                                          Lời Giới Thiệu

Tôi gặp Bạch Xuân Phẻ tại nhà anh ở thủ phủ Sacramento của California vào một buổi chiều dịu nắng, có sự hiện diện của Giáo sư Trần Kiêm Đoàn và Nhạc sĩ Nguyên Quang. Chúng tôi đều biết nhau qua tên tuổi, nhưng đây là lần đầu tiên được trực tiếp gặp gỡ trò chuyện cùng nhau.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Bạch Xuân Phẻ là anh còn khá trẻ so với hình dung của tôi qua những gì được nghe biết về anh: những đóng góp trong ngành giáo dục tại California cũng như nhiều hoạt động liên quan đến tuổi trẻ Việt Nam tại Hoa Kỳ, cùng với sức viết không mệt mỏi qua các đề tài Phật giáo và giáo dục được lưu hành rộng rãi trên các trang mạng Thư Viện Hoa Sen, Hoa Vô Ưu, Quảng Đức... 

Dù đã có học vị Tiến sĩ và đang làm công tác giảng dạy chính thức trong hệ thống trường công lập của California, Bạch Xuân Phẻ chưa thực sự hài lòng với những đóng góp giới hạn trong phạm vi chương trình giáo dục hiện có. Vì thế, từ nhiều năm qua anh đã nỗ lực rất nhiều để đưa phương pháp giáo dục Phật giáo, đặc biệt là pháp tu Chánh niệm mà chính anh đang thực hành, vào các trường học tại California. Với tri thức, kinh nghiệm và tấm lòng chân thành quan tâm đến sự nghiệp giáo dục tuổi trẻ, anh đã được mời đến giảng dạy về phương pháp đưa Chánh niệm vào nhà trường tại nhiều trường học ở California, và đặc biệt là ở Hội nghị thượng đỉnh Giáo viên California (California Teachers Summit) tổ chức tại trường Đại học Tiểu Bang California Sacramento (CSUS) vào ngày 31 tháng 7 năm 2015, anh là một trong các diễn giả được mời lên thuyết trình trước khoảng 400 cử tọa là giáo viên, hiệu trưởng, hiệu phó của các trường.

Giáo dục là mối quan tâm muôn thuở của bất kỳ xã hội nào, cho dù là phương Đông hay phương Tây, bởi giáo dục luôn là yếu tố quyết định sự đào luyện và định hình thế hệ tương lai, từ đó hình thành mọi phẩm chất tốt đẹp của xã hội. Chính từ quan điểm đó, chúng tôi rất vui mừng khi có cơ hội giới thiệu cùng quý độc giả Việt Nam tập Tâm Bút này của Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ, với rất nhiều những kinh nghiệm và thao thức của anh đối với thế hệ trẻ hôm nay.

Và không chỉ riêng vấn đề giáo dục, Tâm Bút này còn là sự chắt lọc những cảm xúc, suy tư và trải nghiệm của Bạch Xuân Phẻ qua các chủ đề về Quê hương, dân tộc, về Đạo pháp, cuộc sống, cũng như những phân tích và cảm nhận rất sâu sắc của anh trong Văn học nghệ thuật...

Với niềm hân hoan đồng cảm trong tinh thần phụng sự và vị tha luôn thể hiện bàng bạc qua những văn thơ của anh, tôi xin trân trọng giới thiệu tập sách này đến với quý độc giả gần xa. Hy vọng đây sẽ là món quà đầy ý nghĩa cho những tâm hồn rộng mở khắp bốn phương.

Trân trọng,
Nguyễn Minh Tiến