Showing posts with label Thích Thái Hoà. Show all posts
Showing posts with label Thích Thái Hoà. Show all posts

Wednesday, May 6, 2020

Pháp Học Và Pháp Hành Trì Danh Niệm Phật Trí Quang Thượng Nhân dạy


Pháp Học Và Pháp Hành Trì Danh Niệm Phật

Trí Quang Thượng Nhân dạy


Hậu học: Tỷ khưu Thích Thái Hòa cung kính ghi.

Chiều nay ngày 19 tháng 7 năm Mậu tuất (2018), tôi đến Phương trượng Tổ đình Từ Đàm, đảnh lễ Trí Quang Thượng Nhân, sau khi xuất hạ, Thượng Nhân đã dạy cho tôi những điều hữu ích gồm:

Pháp học: Pháp giới tạng thân A-di-đà-Phật là chỉ cho Thân thể của Phật A-di-đà bao trùm khắp cả không gian và thời gian về mặt không gian là cả mười phương. Về mặt thời gian là bao trùm cả ba đời.

Pháp hành: Niệm Phật đưa đến nhất tâm gồm có hai loại: Niệm lớn tiếng và niệm không có tiếng. Niệm lớn tiếng là niệm rõ ràng từng chữ: Nam Mô A Di Đà Phật. Miệng niệm chậm rãi và to, tai lắng nghe rõ ràng từng tiếng không lầm lẫn, nhờ vậy mà đưa tới nhất tâm. Niệm thầm hay niệm không ra tiếng, nghĩa là niệm: Nam Mô A Di Đà Phật niệm thầm ở trong miệng, nhưng ý thức rất rõ ràng từng chữ Nam Mô A Di Đà Phật, nhờ vậy mà đưa đến nhất tâm. Niệm Phật như vậy, thì Phật A-di-đà luôn luôn ở trên đỉnh đầu. Niệm Phật như vậy, có thể vãng sanh về thế giới Tịnh độ của Ngài hay có thể nhập vào pháp giới tạng thân của Ngài tùy sức hạnh nguyện.


Quan trọng của sáu chữ Nam Mô A-di-đà Phật: Thượng Nhân dạy: Sáu chữ Nam Mô A-di-đà Phật rất quan trọng. Con số sáu một trong những pháp số rất quan trọng trong Phật pháp. Sáu chữ Nam mô A-di-đà Phật liên hệ đến Lục diệu pháp môn. Nghĩa là liên hệ đến sáu pháp quán chiếu hơi thở rất mầu nhiệm.

Bản thân hành trì: mỗi đêm Thượng Nhân niệm danh hiệu Nam mô A-di-đà Phật đến 1800 biến, nghĩa là ba lần sáu. Mỗi lần là sáu trăm. Ba lần sáu = một ngàn tám trăm biến miệng niệm Nam mô A-di-đà Phật và tai lắng nghe một cách rõ ràng không có niệm gì khác khởi lên xen tạp.

Tư thế hành trì: Ngồi kiết già, bán già, hay ngồi trên ghế thõng chân xuống mà niệm, tùy theo điều kiện của thân thể. Tuyệt đối không được nằm ngửa mà niệm Phật. Nếu bệnh có thể nằm ngửa, nhưng không duỗi chân mà co dựng hai chân lên. Khi đi vào Toilet, thì nhớ Phật để trên đầu.

Truyền thống gia đình: Thượng Nhân dạy gia đình tôi đã bảy đời tu tập trì danh Niệm Phật với danh hiệu Nam mô A-di-đà Phật, nay Thượng nhân cũng vậy, làm gì cũng nhớ Phật. Niệm Phật chính là nhớ Phật.

Thượng Nhân dạy: Người tu tập cố gắng sống tinh tấn, tránh bệnh hoạn được bao nhiêu là tốt bấy nhiêu và phải thường quán chiếu cái khổ của bị sanh để tu tập đạt đến cái tâm phiền não vô sanh; phải quán chiếu cái khổ của lão để đạt đến cái tâm bất lão; phải quán chiếu cái khổ của bệnh, để đạt tới cái tâm sáng suốt vô bệnh; phải quán chiếu cái chết để đạt tới cái tâm bất tử. Người tu không có việc gì quan trọng ngoài “Sống và Chết”. Sống chết là việc lớn.


Friday, April 17, 2020

Thích Thái Hòa: Thầy Quảng Độ hết lòng, hết dạ cho Đạo pháp


Thầy Quảng Độ hết lòng, hết dạ cho Đạo pháp

Thích Thái Hòa

Tỳ Kheo Thích Thái Hòa

Sau khi Trí Quang Thượng Nhân từ Tu viện Quảng Hương Già Lam Sài Gòn về Tổ đình Từ Đàm-Huế vào năm 2013, tôi Tỷ khưu Thích Thái Hòa, có duyên lành đến đảnh lễ và hầu Thượng nhân tại Phương trượng Tổ đình Từ Đàm-Huế nhiều lần và đã được Thượng nhân thương, dạy bảo cho nhiều điều hữu ích, liên hệ đến các pháp môn tu học, kinh nghiệm làm việc qua các thời kỳ, việc phiên dịch kinh điển, việc hoằng pháp lợi sinh… Những lời dạy của Thượng Nhân vô cùng quý báu, thiết thực và hữu ích. Trong đó có những điều Thượng nhân dạy có liên hệ đến Hòa thượng Thích Quảng Độ, tôi  kính cẩn ghi lại để sách tấn chính mình qua lời dạy của Thượng nhân và dâng lên cúng dường Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, đệ ngũ Tăng thống GHPGVNTN, nhân ngày Tưởng niệm Chung thất của Người.
Thượng nhân Trí Quang dạy: Trong cuộc đấu tranh 1963, thầy Quảng Độ rất gan dạ, đóng góp sự can đảm vào sự đấu tranh này rất lớn. Thầy Quảng Độ thường ngày sáng sớm từ chùa Giác Minh mang đến chùa Xá Lợi, những bản tin mà thầy dịch từ các báo chí nước ngoài. Những bản tin này được đánh máy, quây Ronio và phát cho phật tử đến chùa Xá Lợi tụng kinh vào những buổi tối. Thầy Quảng Độ đã nhận lời với ban tổ chức, sẵn sàng cầm đầu một đoàn biểu tình, phụ tá thầy Quảng Độ có thầy Chánh Lạc. Dù bị công an cảnh sát ngặn chặn mọi cách, nhưng thầy Quảng Độ đã tìm đủ mọi cách để đến được nơi địa điểm đã quy định, để thực hiện cuộc biểu tình. Thầy Quảng Độ cầm loa phát thanh kêu gọi và điều hành cuộc biểu tình. Loa phóng thanh bị công an cảnh sát đập nát, nhưng thầy Quảng Độ vẫn nói to bằng miệng. Thầy lại bị công an cảnh sát bóp cổ, đánh đá tơi bời, đầu bị téc, máu chảy đầy mặt, nhưng thầy vẫn nói cho quần chúng biết mục đích và ý nghĩa của cuộc biểu tình. Cảnh sát công an bắt thầy Quảng Độ và quần chúng ném lên xe cày, rồi chở đi về An dưỡng địa, nhốt ở trong hàng rào kẽm gai mấy ngày liền. Cuộc biểu tình do thầy Quảng Độ và thầy Chánh Lạc tổ chức bị đàn áp dã man và rất khốc liệt, nhưng rất thành công, vì đã làm cho thế giới biết rõ bộ mặt thật gian ác của chế độ Diệm, đối với Phật giáo qua những bài viết tường trình của các ký giả báo chí ngoại quốc. Vì ngay trong cuộc biểu tình này, một số ký giả ngoại quốc cũng bị hành hung bởi công an cảnh sát. Phải nói rằng, thầy Quảng Độ là một người rất gan dạ. Một vị “Công thần của Phật pháp”.
Thượng nhân kể: “Trong công việc phục hoạt GHPGVNTN, thầy Quảng Độ được thầy Huyền Quang ủy cử đến Già-lam mời tôi đăng lâm Pháp tịch Tăng Thống, trong đại hội bất thường, năm 2003, tại Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định. Tôi nói: “một tuần sau tôi sẽ trả lời”. Sau một tuần, thầy Quảng Độ đến Già-lam gặp tôi, tôi nói: “Thầy Huyền Quang và thầy Quảng Độ sắp xếp mời tôi đăng lâm pháp tịch Tăng Thống, tôi thấy quý thầy sống và làm việc rất có tình, có lý. Nhưng tôi im lặng lâu quá rồi, bây giờ tôi đứng sau quý thầy để hỗ trợ, các thầy cứ làm, mời thầy Huyền Quang làm Tăng Thống. Công lao đối với Giáo Hội, thầy Huyền Quang xứng đáng trong lúc này. Thượng nhân đã nói như vậy với thầy Quảng Độ”.
Điều này không những sau này, tôi được nghe Thượng nhân kể mà trước đó, chính tôi cũng được nghe Trưởng lão Hòa thượng Thích Huyền Quang kể cho nghe tại Tu viện Nguyên Thiều, Bình Định; và Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ cũng  kể lại điều này cho nghe tại Thanh Minh Thiền Viện Sài Gòn vào năm 2003, khi hai Ngài giao trách nhiệm cho tôi và thầy Hải Tạng, đi tham vấn và thỉnh ý các bậc Tôn đức về việc Tổ chức Đại hội bất thường, để phục hoạt GHPGVNTN và cung thỉnh dự kiến các Ngài đăng lâm pháp tịch trong Hội đồng lưỡng viện GHPGVNTN, trong Đại hội bất thường vào năm 2003, tại Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định.
Nhiều lần tôi được hầu Trí Quang Thượng Nhân, tại Phương trượng Tổ đình Từ Đàm-Huế, mỗi khi nhắc đến GHPGVNTN, Thượng nhân thường dạy: “Tôi rất thương tâm huyết của thầy Quảng Độ đối với Đạo pháp, đối với Giáo hội. Thầy Quảng Độ đã nói: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, bây giờ chỉ còn lại như một cột nhà cháy, nhưng tôi vẫn sẵn sàng ôm cột nhà cháy này để chết”.
Thượng nhân nói: Lời nói của thầy Quảng Độ rất “trung kiên và thủy chung”. Tôi hết sức thương quý thầy Quảng Độ, thầy là người hết lòng, hết dạ cho Đạo pháp! Và sau này, tôi mới biết Trí Quang Thượng Nhân đã có lời xưng tán Hòa thượng Thích  Quảng Độ năm chữ “Pháp Vương Trung Lương Kiệt = 法王忠良傑”, trong một bức hoành, rồi cử người mang đến Thanh Minh Thiền Viện, Sài Gòn, để tặng trực tiếp Hòa thượng Thích Quảng Độ.
Cung kính ghi
Tỷ khưu Thích Thái Hòa


Pháp vương trung lương kiệt

Phật giáo thống nhất tăng thống Quảng Độ trưởng lão pháp giám
(Lạc khoản phải)
Như Lai ứng thế nhị lục tứ nhất niên, Pháp khế trưởng lão Trí Quang cúi đầu bái tụng.
(Lạc khoản trái)
Nghĩa:

Đấng kiệt xuất thiện lương một lòng với Phật.

Tăng thống PGTN Trưởng lão Quảng Độ chứng biết cho.
Kẻ có ước hẹn trong dòng pháp, Trưởng lão Trí Quang cúi đầu khen ngợi.

Saturday, December 14, 2019

Nền giáo dục vượt qua

Thích Thái Hòa: Nền giáo dục vượt qua

Hòa Thượng Thích Thái Hòa
Sự nghiệp học hành của ta thiết lập trên nền tảng của tham, thì ta càng học lòng tham của ta càng tăng thêm, nên càng học càng dẫn ta đến đời sống láo lường và thủ đoạn để thủ lợi. Và hậu quả của cái học ấy dẫn đến hại mình, hại người trong đời này và đời sau.
Sự nghiệp học hành của ta thiết lập trên nền tảng của sân hận, thì ta càng học là lòng sân và sự thù hận của ta đối với mọi người càng tăng lên, nên càng học ta càng tăng thêm sự hung hăng, tranh chấp, phê phán và bạo động với mọi người. Hậu quả của cái học ấy dẫn đến hại mình, hại người trong đời này và đời sau.
Sự nghiệp học hành của ta thiết lập trên nền tảng của ngu si, tà kiến, thì ta càng học là càng hiểu sai chân lý và sự ngu dốt, tính chấp ngã nơi ta càng tăng thêm, nên càng học lại càng dẫn ta đến chỗ ngu si, vô trí. Hậu quả của cái học ấy dẫn ta đến chỗ hại mình, hại người ngay trong đời này và đời sau.
Sự nghiệp học hành của ta thiết lập trên nền tảng của tâm bồ – đề, thì ta càng học, lòng tham nơi ta càng teo lại, sự hiểu biết nơi ta càng lúc càng tăng lên, tình thương nơi ta càng được mở ra rộng lớn. Kết quả của sự học ấy, giúp ta gần gũi và khám phá được sự thật của cuộc sống, dẫn đến đời sống lợi mình, lợi người trong hiện tại và tương lai.
Sự nghiệp học hành của ta thiết lập trên nền tảng của nguyện, nghĩa là ta học với ước nguyện duy nhất là thành tựu sự nghiệp trí tuệ để giúp đời, nên ta càng học là hạnh phúc của ta càng tăng lên, sự hiểu biết của ta đối với mọi vấn đề càng lúc càng sâu xa và chính xác. Kết quả của sự học ấy, dẫn ta đi đến đời sống chí thượng, có đầy đủ năng lực để sống đời giải thoát và tự do.
Sự nghiệp học hành của ta thiết lập trên nền tảng của hành, nghĩa là ta học những gì cao quý, tốt đẹp và ta biến cái đó trở thành hiện thực trong đời sống của ta, nên ta học là để hành và để trở thành nếp sống, chứ không phải học là để tích lũy kiến thức, để giỏi lý luận, để tranh biện hơn người và nêu cao bản ngã. Kết quả của sự học trên nền tảng của hành, giúp ta tiêu trừ được bản ngã, và có khả năng giúp ta chấm dứt được những nhận thức sai lầm, những tư duy phiến diện, đem lại cho ta và người, một nếp sống an bình thiết thật ngay trong hiện tại và tương lai.
Nền giáo dục thiết lập trên nền tảng của tham dục, sân hận, si mê và hữu ngã, nó có khả năng dẫn đưa cả người dạy và người học chạy đua theo dòng chảy của ái thủ và hữu trong mười hai duyên khởi và bị dòng chảy ấy nhận chìm trong biển đời sinh tử.
Nên, ở kinh Bộc lưu, đức Phật dạy cho các Tỷ – khưu rằng, đối với dòng chảy ấy không nên đi theo, không nên dừng lại, vì đi theo sẽ bị chúng nhận chìm và dừng lại thì sẽ bị chúng trói buộc mà cần phải vượt qua.
Vượt qua dòng chảy của tham, sân, si, kiêu mạn và chấp thủ đối với sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn nơi tâm ta, ta mới có thể vượt qua được dòng chảy của sinh tử, để đến được bến bờ giải thoát và giác ngộ.
Phát khởi tâm bồ – đề hướng tới đời sống chí thượng, nuôi dưỡng tâm ấy bằng chất liệu của nguyện và hạnh, qua lục độ và bốn nhiếp sự, ta vượt qua tử sinh và sẽ đem lại lợi ích cho nhiều người, không những trong hiện tại mà còn cả tương lai.
Nền giáo dục Phật giáo vượt qua tham sân si, vượt qua sự chấp thủ năm uẩn này, có gốc rễ từ đức Thế Tôn và được chư vị Tổ sư chứng nghiệm và truyền thừa trải qua các thời đại. Ấy là nền giáo dục Phật giáo không cần khoa bản mà chỉ cần “dĩ tâm ấn tâm”. Nghĩa là thầy dùng tâm giác ngộ mà ấn chứng vào tâm giác ngộ của học trò, để xác nhận rằng, người học trò ấy có khả năng kế thừa kho tàng của chánh pháp và làm cho chánh pháp sáng rỡ giữa thế gian này, để đem lại lợi ích cho hết thảy muôn loài.
Nếu Phật giáo không thiết lập giáo dục trên nền tảng vượt qua này, thì ta lấy cơ sở nào để bảo rằng, đó là nền giáo dục Phật giáo. Người giáo dục và người được giáo dục đều chạy theo tham dục và khuếch đại bản ngã, thì lấy cơ sở nào, để ta bảo rằng, họ là những người làm giáo dục và được giáo dục ở trong Phật giáo?!
Thích Thái Hòa

Wednesday, July 11, 2018

CON ĐƯỜNG GIÁO DỤC - Thích Thái Hòa

CON ĐƯỜNG GIÁO DỤC
 Thích Thái Hòa
Thầy Thái Hòa - Phông hình: Pháp Uyển


Hạnh phúc là từ ngữ không phải tất cả chúng ta chỉ nói với nhau trên môi, mà còn là niềm ước mơ muôn thuở trong lòng của mỗi chúng ta và nó cũng là định hướng cho chúng ta trong mỗi việc làm hàng ngày.
Tuy ước mơ và định hướng như vậy, nhưng ở trong đời đã có mấy ai có hạnh phúc và khám phá ra được ý nghĩa đích thực của nó?
Có người cho rằng, hạnh phúc là những cảm giác dễ chịu và lâng lâng khi mắt ta tiếp xúc với các hình sắc và màu sắc thích ý; hay hạnh phúc là những cảm giác dễ chịu khi tai ta nghe những âm thanh vi diệu; mũi ta ngửi những hương thơm; lưỡi ta tiếp xúc và nếm được những mùi vị thích ý của các loại thực phẩm; thân ta xúc chạm với các đối tượng khả ái của thân thể và những sự tiếp xúc ấy đã cho ta những cảm giác thích ý, vừa lòng; ý ta tiếp xúc với các đối tượng làm phát sinh trong ta những cảm giác dễ chịu từ một điểm đến toàn thể và phát triển từ một điểm thấp nhất đến một điểm cao nhất.
Nếu ý nghĩa của hạnh phúc là như thế, thì chúng cũng chưa bao giờ là ý nghĩa hạnh phúc hiện thực cho mỗi chúng ta và trong mỗi chúng ta chưa một ai từng đạt được và sống với ý nghĩa hạnh phúc như thế.
Vì không phải lúc nào và ở đâu, ta nhìn mọi hình sắc cũng vừa ý; không phải lúc nào và ở đâu ta nghe mọi âm thanh cũng vừa ý; không phải lúc nào và ở đâu ta ngửi các hương thơm cũng vừa ý; không phải lúc nào và ở đâu lưỡi ta tiếp xúc với các mùi vị cũng vừa ý; không phải lúc nào và ở đâu thân ta tiếp xúc với mọi đối tượng cũng vừa ý và không phải lúc nào và ở đâu, ý ta tiếp xúc với mọi đối tượng cũng đều thích ứng và vừa ý.
Tiếp xúc mọi đối tượng với tâm vừa ý, thì cảm giác dễ chịu bắt đầu khởi lên trong ta và như vậy là ta bắt đầu có hạnh phúc; tiếp xúc với mọi đối tượng với tâm không vừa ý, thì những cảm giác khó chịu bắt đầu khởi lên trong ta và như vậy là ta bắt đầu có khổ đau.
Khổ đau và hạnh phúc đến với mỗi chúng ta đều tùy thuộc từ các cảm nhận. Cảm nhận vừa ý là cho ta hạnh phúc và cảm nhận không vừa ý là cho ta đau khổ. Và nếu ta sống ở trong trạng thái tâm thức vô cảm, thì ta chẳng có hạnh phúc hay khổ đau gì cả. Sống với trạng thái tâm thức vô cảm, thì ta đang sống mà ta như đã chết. Và một người đang sống mà xem như đã chết, không ai bảo rằng, người ấy là người hạnh phúc cả.
Ta nhìn sâu vào trong tự thân của mỗi chúng ta, ta thấy rằng, phần nhiều ta có khả năng đi tìm cầu hạnh phúc hơn là khả năng tiêu diệt khổ đau. Và phần nhiều chúng ta có khả năng tiêu diệt hạnh phúc hơn là có khả năng tiêu diệt khổ đau. Và mọi phương pháp giáo dục của con người ở trong các xã hội quá khứ và hiện nay cũng đều thúc đẩy con người đi tìm kiếm hạnh phúc hơn là đào tạo con ngườì có khả năng trừ diệt nguyên nhân gây ra đau khổ cho chính họ.
Mọi phương pháp dạy cho con người tránh né khổ đau hay trốn chạy khổ đau để tìm kiếm hạnh phúc đều không phải là những phương pháp giáo dục hoàn chỉnh. Phương pháp giáo dục hoàn chỉnh là phương pháp giúp cho con người có cách nhìn chính xác đối với bản thân họ; đối với các cảm giác của họ; đối với tâm thức của họ và đối với những gì liên hệ với họ từ bên trong đến bên ngoài, từ bản thân đến gia đình và xã hội, cũng như mọi môi trường sinh hoạt liên hệ từ đời nầy và đời sau của họ, khiến cho họ có những hiểu biết chính xác về đời sống của chính họ và có khả năng tự bảo vệ cũng như tự thăng hoa đời sống ấy.
Đời sống con người không thể nào có hạnh phúc, khi chính trong đời sống của con người bị nợ nần và bị vây hãm bởi vật chất, bị nợ nần và bị vây hãm bởi tình ái, bị nợ nần và bị vây hãm bởi nghiệp báo.
Khi ta nhìn mọi hình sắc, ta nghe mọi âm thanh, ta ngửi mọi hương thơm, ta nếm mọi mùi vị, ta xúc chạm mọi đối tượng của thân và ý với tâm bận rộn, với tâm bị ràng buộc bởi các nợ nần và bị vây hãm đủ các thứ nợ nần tình ái và nghiệp báo, thì không tài nào ta có được cảm giác dễ chịu, chứ nói gì đến hạnh phúc.
Bị nợ nần và bị vây hãm bởi vật chất, bị nợ nần và bị vây hãm bởi tình ái hay bị nợ nần và bị vây hãm bởi nghiệp báo là kết quả do lòng tham, sự sân hận và tâm tà kiến của mỗi chúng ta đem lại.
Lòng tham, sự sân hận và tâm tà kiến là gốc rễ làm cho mọi khổ đau trong đời sống của chúng ta phát sinh, làm cho hạnh phúc trong đời sống của chúng ta không bao giờ hiện hữu.
Mỗi khi chúng ta nỗ lực tạo ra vật chất bởi những tác động của lòng tham, thì càng có vật chất bao nhiêu là chúng ta càng bị rơi vào những tình trạng nô lệ vật chất và càng bị khổ đau bởi chúng bấy nhiêu. Và mỗi khi chúng ta càng nỗ lực tạo ra vật chất bởi tác động của lòng hận thù và tâm tà kiến bao nhiêu, thì chúng ta càng bị trở thành nô lệ vật chất và bị khổ đau bởi vật chất bấy nhiêu.
Mỗi khi chúng ta nỗ lực tạo ra những tình cảm với nhau bởi sự tác động của lòng tham và tâm tà kiến, thì tình cảm của chúng ta, càng ngày càng đầy ắp thất vọng và hận thù, và thất vọng, hận thù sẽ chồng chất lên hận thù và thất vọng. Và bất cứ hành động nào của chúng ta được tác động bởi tâm tham lam và tính ích kỷ, thì chúng đều dẫn chúng ta đi tới nợ nần và nô lệ nghiệp báo khổ đau.
Nô lệ nghiệp báo mới là sự nô lệ đáng kinh hãi nhất. Tại sao? Vì nó là sự nô lệ chính xác nhất, do chính tâm thức và hành động của ta tạo ra. Chính do lòng tham, sự sân hận và tâm tà kiến của ta tạo ra nó. Sự nô lệ ấy dẫn ta đi từ đời nầy qua kiếp khác trong bóng đêm của thất vọng và khổ đau.
Hạnh phúc thực sự chỉ có mặt với chúng ta, khi chúng ta có một đời sống không bị nợ nần đối với vật chất, không bị nợ nần đối với tình ái và không bị nợ nần với nghiệp báo. Người không còn mắc bất cứ món nợ nào của vật chất, của tình ái và của nghiệp báo mới là người thực sự có hạnh phúc và tự do.
Nền giáo dục thực tiễn, hiện đại và toàn diện là nền giáo dục, giúp cho chúng ta không phải chỉ biết tháo gỡ những hiện tượng khổ đau và những hình thái sinh hoạt bất ổn của chúng ta, mà phải giúp cho chúng ta một cách nhìn chính xác về khổ đau của con người và phương pháp tháo gỡ nguyên nhân sinh khởi khổ đau ấy nơi mỗi con người chúng ta.
Nền giáo dục ấy, phải biết giúp cho ta tháo gỡ những nợ nần vật chất mà thân thể ta đã vay muợn, phải biết giúp đỡ cho ta tháo gỡ những nợ nần đối với tình ái mà tâm ý ta đã vay mượn và phải biết giúp đỡ cho ta tháo gỡ những nợ nần nghiệp báo do những hành động thiện ác của ta đã vay mượn.
Một nền giáo dục, thực tiễn, hiện đại và toàn diện đối với con người phải là nền giáo dục được thiết lập trên nền tảng của chính kiến. Nghĩa là một nền giáo dục được thiết lập trên nền tảng của sự hiểu biết giữa con người với con người, giữa con người với các vật thể và xã hội qua quan hệ nhân duyên, nhân quả và nghiệp báo, không phải một dạng mà nhiều dạng, không phải một đời mà nhiều đời và trong các sự quan hệ ấy, mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về hành vi thiện ác của chính mình, không phải trước quan tòa phán xử luật pháp mà chính trước tòa án nhân quả nghiệp báo của tâm mình.
Nền giáo dục ấy, phải biết dạy cho con người chạm trán với sự thực của khổ đau và hạnh phúc của kiếp người; phải biết dạy cho con người chạm trán được với những gốc rễ khổ đau của kiếp người và những phương pháp làm thay đổi những gốc rễ khổ đau ấy, thành những chất liệu của an lạc và hạnh phúc.
Một nền giáo dục, thực tiễn, hiện đại và toàn diện là nền giáo dục ấy, dạy cho con người phải biết họ là gì trong sự liên hệ giữa họ và nghiệp báo của chính họ, phải dạy cho con người biết họ là gì trong mỗi suy nghĩ, hành động và lời nói của họ, để họ thực sự có khả năng suy nghĩ và duy trì những gì cần thiết cho đời sống tốt đẹp của chính họ và loại bỏ những gì đã cản trở sự bước tới đời sống cao thượng của chính họ.
Một nền giáo dục, thực tiễn, hiện đại và toàn diện là nền giáo dục ấy, dạy cho con người biết đoạn tận những nguyên nhân sinh khởi khổ đau, và những phương pháp diệt tận khổ đau, hơn là chỉ biết trốn chạy khổ đau hay là ôm lấy những nguyên nhân khổ đau mà kiếm tìm hạnh phúc, hay là vẽ ra những bức tranh hạnh phúc chứa đầy những ý niệm tưởng tượng trong tương lai.
Một nền giáo dục, thực tiễn, hiện đại và toàn diện là nền giáo dục ấy, dạy cho con người biết rõ những yếu tố tạo nên hình thể của họ là gì, phải biết những cảm giác đang diễn ra trong họ là gì, khi họ tiếp xúc với mọi đối tượng, ngay cả những đối tượng thuộc về không gian hay tâm thức.
Sở dĩ, con người có quá nhiều khổ đau và thụ động trong cuộc sống, là do con người không có khả năng nhìn lại tâm mình để làm chủ và thanh lọc những gì không cần thiết cho hạnh phúc và nuôi dưỡng những gì cần thiết cho đời sống cao thượng.
Vì vậy, nền giáo dục, thực tiễn, hiện đại và toàn diện không phải chỉ nhắm tới phát triển những kiến thức hay là những hiểu biết thuộc khoa học tự nhiên, mà còn phải biết nhắm tới làm chủ tâm ý trong mọi trạng huống.
Nếu tâm ý của con người bị hỗn loạn, thì con người không có khả năng sử dụng những phát minh của khoa học tự nhiên để phục vụ con người. Và nếu con người không có khả năng làm chủ tâm ý của mình, thì con người trở thành vật nô lệ cho những phát minh khoa học hơn là làm chủ khoa học. Bấy giờ khoa học không phải phục vụ con người mà giết chết con người và môi trường sinh thái của nó.
Mọi phương pháp giáo dục là nhắm tới giúp cho con người, hiểu rõ chính họ và chung quanh họ là gì một cách chính xác mà không phải áp đặt hay ru ngủ.
Tóm lại, một nền giáo dục thực tiễn và toàn diện, nền giáo dục ấy phải hội đủ các yếu tố sau đây:
1.Nền giáo dục phải giúp cho những đối tượng được giáo dục có cách nhìn chính xác và toàn diện đối với mọi vấn đề không phải chỉ ở trong một khoảng không gian mà cả mọi không gian và không phải chỉ ở trong một giai đoạn mà xuyên suốt mọi thời gian và không phải chỉ một đối tượng mà hết thảy vạn hữu.
2.Nền giáo dục phải giúp cho mọi đối tượng được giáo dục có cách suy tư chính xác và toàn diện đối với một vấn đề hay mọi vấn đề, trước khi phát ngôn hay hành động. Không phát ngôn và hành động theo những gì mà những suy tư của mình chưa chính xác đối với một vấn đề có liên hệ đến nhiều không gian, nhiều thời gian và nhiều đối tượng.
3.Nền giáo dục phải giúp cho mọi đối tượng được giáo dục có một cách phát ngôn chính xác. Cách phát ngôn ấy, không đứng trên những lập trường, quan điểm hay thành kiến mà đứng từ nơi cái thấy, cái biết và cái suy tư chính xác về sự thật đang liên hệ đến con người cũng như môi trường sinh hoạt và tồn tại của nó.
4.Nền giáo dục phải giúp cho mọi đối tượng được giáo dục có hành động hợp lý và chính xác. Hành động hợp lý là hành động không gây thiệt hại cho người để mình được lợi và cũng không để cho mình bị thiệt hại trước những mưu lợi của người khác. Hành động hợp lý là hành động không phải chỉ biết đem lại cái lợi cho mình và người trong nhất thời mà xuyên suốt cả mọi thời gian, không phải chỉ biết đem cái lợi cho mình và cho người trong một điểm mà toàn thể. Và hành động chính xác là hành động không viễn vông và mơ hồ. Hành động chính xác là hành động có khả năng làm dẫn sinh những kết quả tất yếu, như chính nó đã hành động qua cái thấy và cái suy tư chính xác.
5.Nền giáo dục phải giúp cho mọi đối tượng được giáo dục nuôi dưỡng đời sống của họ một cách hợp lý giữa cung và cầu. Cung và cầu không hợp lý sẽ dẫn sinh những tệ hại cho thân và tâm, và sẽ phát sinh những tệ nạn khác của xã hội.
6.Nền giáo dục phải giúp cho mọi đối tượng được giáo dục phát triển những khả năng hợp lý. Phát triển khả năng hợp lý là phát triển khả năng đem lại những hạnh phúc và an lạc cho cả thân và tâm của chính họ. Thân phát triển hạnh phúc mà tâm không phát triển hay ngược lại đều là sự phát triển không hợp lý. Sự phát triển khả năng của thân và tâm không hợp lý sẽ dẫn đến một đời sống bị thân bệnh hoặc tâm bệnh. Và mỗi khi thân bệnh cũng chính là tâm bệnh và ngược lại.
7.Nền giáo dục phải giúp cho mọi đối tượng được giáo dục cần có những sự nhớ nghĩ hợp lý. Nhớ nghĩ hợp lý là luôn nhớ nghĩ đến sự có mặt thân và tâm của con người; nhớ nghĩ đến sự phát triển và sự hủy diệt của thân và tâm con người; nhớ nghĩ đến sự nuôi dưỡng thân và tâm của con người, qua các sự tiếp xúc liên hệ đến môi trường sinh thái của thân và tâm, đồng thời biết rõ những gì đang liên hệ làm sinh khởi những cảm giác và tri giác hợp lý hay không hợp lý đối với thân tâm, trong quá trình thăng hoa ý nghĩa của cuộc sống.
Những cảm giác và tri giác hợp lý là những cảm giác, tri giác không đưa đến sự tàn hoại đối với thân và tâm không phải chỉ trong hiện tiền mà còn cả dài lâu về sau. Ghi nhớ hợp lý là ghi nhớ lịch sử phát triển thân và tâm của con người và thế giới của nó, qua những tác nhân và tác duyên trong cả một dòng chảy của nhân duyên vô tận và trong dòng chảy của nhân duyên ấy, nhân duyên của con người và thế giới của nó có thể thay đổi hoặc xấu hoặc tốt.
8.Nền giáo dục phải giúp cho mọi đối tượng được giáo dục cần có một tâm hồn định tĩnh và sâu lắng hợp lý. Tâm là chủ của thân. Tâm không yên thì mọi sinh hoạt của thân đều bị rối loạn. Tâm của con người càng định tĩnh bao nhiêu, thì những hành động của họ càng chín chắn và ít sai lầm bấy nhiêu.
Suy nghĩ, phát ngôn và hành động của con người ít sai lầm hoặc không sai lầm, sẽ tạo nên một xã hội loài người văn minh. Một xã hội loài người chỉ thực sự văn minh, khi nào xã hội ấy, biết thiết lập một nền giáo dục con người hoàn thiện cả hai mặt thân và tâm cùng với những gì liên hệ đối với chúng.
Một nền giáo dục có nội dung đầy đủ tám yếu tố như vậy là một nền giáo dục thực tiễn và toàn diện. Nếu thiếu, không hội đủ tám yếu tố ấy, sẽ không đáp ứng đuợc nhu cầu hạnh phúc của con người và nếu vượt quá tám yếu tố ấy sẽ làm cho đời sống con người bị đi hỏng chân và sẽ bị ngã quỵ trước khi bình minh xuất hiện.
Một nền giáo dục biết áp dụng và điều hợp tám yếu tố ấy một cách linh động và thực tiễn, thì hạnh phúc và an lạc không phải đến với thế giới con người từ những hứa hẹn hay ước mơ, mà chính là từ cuộc sống mang tính giáo dục nhân quả dung hợp và chuyển hóa một cách hiện thực và sống động.
Và một nền giáo dục như vậy, làm phát sinh ý thức tự trách nhiệm về hành vi nhân quả thiện ác đối với cá nhân và cộng đồng; làm dẫn sinh khả năng tự tín và sáng tạo nơi chính những đối tượng được giáo dục. Và xã hội loài người chúng ta thực sự chỉ có văn minh, khi nào nền giáo dục của chúng ta, biết khởi động và chuyển hóa từ cách nhìn nhân duyên, nhân quả một cách sinh động nầy.
Một sự kiện xấu xảy ra cho ta, không phải ta chỉ biết chấp nhận và khắc phục hậu quả, mà còn phải biết khắc phục và chuyển hóa nhân duyên của chúng. Không những vậy, mà ta còn phải biết tập hợp và liên kết những nhân duyên tốt đẹp khiến cho chúng tự dung hợp, chuyển hóa và sáng tạo.
Nền giáo dục như vậy rất cần thiết cho đời sống hòa bình, an lạc và vãng hồi trật tự cho xã hội con người của chúng ta ngày nay.

Sunday, February 12, 2017

Tân Xuân tỉnh thức – Xuân Đinh Dậu


Pháp thoại: Tân Xuân tỉnh thức – Xuân Đinh Dậu
                                                           Thích Thái Hòa

Nam Mô Bổn Sư Thích ca Mâu Ni Phật;
Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Từ Thị Di Lặc Tôn Phật.
Thưa đại chúng,
Hôm nay là ngày mồng hai Tết, năm Đinh Dậu. Đại chúng đã vân tập tại Tịnh nhân Thiền đường chùa Phước Duyên – Huế, dâng lời tác bạch cúng dường đầu năm lên Tam Bảo và chúc tết chư Tăng tại bản tự. Tôi xin thay mặt chư Tôn đức, ghi nhận lời tác bạch chúc tết đầu năm của quý vị và sau đây tôi xin chia sẻ pháp thoại Tân Xuân tỉnh thức đến quý vị, xin quý vị yên lặng lắng nghe.
Thưa quý vị,
Năm Bính Thân đi qua, năm Đinh Dậu lại về, xin Đại chúng ngồi thật yên lặng để quán chiếu những vấn đề mà tôi sắp chia sẻ đến với quý vị hôm nay.
Cũ và mới.
Quý vị hãy quán chiếu hai chất liệu cũ và mới ở trong đời sống của mỗi chúng ta.
Quý vị thấy rằng, năm Bính Thân đã đi qua là năm cũ, năm Đinh Dậu đang đến với chúng ta là năm mới. Năm cũ là cũ với năm mới và năm mới hôm nay sẽ là năm cũ của sang năm.
Năm này là năm mới của năm ngoái, nhưng nó sẽ là năm cũ của sang năm. Có đôi người không hiểu thế nào là cũ và mới, từ đó sinh ra hai khuynh hướng trong đời sống của chính họ, đó là khuynh hướng bảo thủ và khuynh hướng đổi mới. Hai khuynh hướng này luôn luôn xung đột nhau và tạo ra mâu thuẫn cho chính họ và cho những người xung quanh họ. Không biết được trong cái cũ, có cái mới và không biết được trong cái mới, có cái cũ là sự hiểu biết của chúng ta bị thiệt thòi rất là nhiều đối với đời sống. Người nào chỉ thấy cái cũ mà không thấy cái mới, thì đời sống của người đó bị rơi vào sự bảo thủ một cách phiến diện;  Người nào chỉ thấy cái mới mà không thấy cái cũ, thì người ấy suốt ngày chạy rong ngoài đường rượt bắt cái này, thả cái kia và tự cho mình là người đổi mới hay là người tiến bộ. Nhưng thật ra trong đời sống của họ, chẳng có gì là đổi mới và chẳng có gì tiến bộ cả.
Trong thiền quán giúp cho chúng ta thấy rằng, không có cái cũ nào là cái cũ đơn thuần và cũng không có cái mới nào là cái mới đơn thuần. Cái mới có mặt trong cái cũ là cái mới có cơ sở để tồn tại và phát triển. Cái mới như vậy sẽ không bị mất gốc. Cái cũ có mặt trong cái mới có tác dụng làm cho cái mới có giá trị bền vững, khiến cho cái mới không bị hỏng chân. Đồng thời cái cũ có mặt trong cái mới, cái cũ ấy không bị lên mốc và không bị bỏ quên. Chúng ta phần nhiều chỉ nhìn thấy cái mới đơn thuần, chứ ít ai nhìn thấy cái mới có mặt trong cái cũ và cái cũ cũng đang có mặt ở trong cái mới. Với cái thấy này, giúp cho chúng ta có khả năng tái tạo cái cũ thành cái mới một cách bền vững. Với cách thấy này, giúp cho chúng ta tái tạo một đời sống mới, trên một nền tảng tốt đẹp mà chúng ta vốn có từ bản thân với những sự hỗ trợ từ phước báo của gia đình và tổ tiên chúng ta. Khi chúng ta hiểu được như vậy, thì chúng ta sẽ không rơi vào hai thế lực cũ và mới đối đầu với nhau. Nếu cũ và mới đối đầu với nhau, thì cuối cùng cũ cũng không ra gì và mới cũng chẳng ra gì. Mùa xuân thật sự có mặt, khi nào người già biết chấp nhận cái mới của người trẻ và người trẻ biết chấp nhận cái cũ của người già. Mới và cũ, già và trẻ là hai mặt của một thực tại sống động. Những người trẻ do nhận ra được điều này, nên họ rất thương quý người già và không bao giờ có những lời khiếm nhã với người lớn tuổi. Và người già cũng nhận ra được điều này, nên họ cũng không bao giờ, khinh thường người trẻ. Ta chỉ có mùa xuân khi người lớn biết ôm ấp người trẻ, và người trẻ không quên ơn người lớn. Sở dĩ, trong đời sống, ta không có mùa xuân, vì người lớn không biết chấp nhận những tư duy mới mẻ của người trẻ và người trẻ không biết chấp nhận và kế thừa những tinh túy từ người lớn.
Xã hội không êm ấm và rối loạn, vì chúng ta không biết chấp nhận nhau. Người trẻ phải nhớ rằng, mình mới hôm nay, nhưng  rồi mình sẽ cũ ngày mai. Mình mới nơi này, nhưng mình sẽ là cũ ở nơi kia và mình cũ ở nơi này, nhưng mình sẽ mới ở nơi khác. Nên, chúng ta không có mới hay cũ  luôn đâu, chúng ta mới hôm nay, nhưng rồi chúng ta sẽ cũ ngày mai. Chúng ta già và cũ hôm nay, nhưng sẽ trẻ và mới ngày mai. Khi nào chúng ta hiểu được thực tại vốn như vậy, thì chúng ta mới có đủ khả năng chế tác ra mùa xuân cho chính chúng ta, cho gia đình chúng ta, cho xã hội của chúng ta. Mùa xuân và hạnh phúc là điều có thực cho những ai biết tiếp nhận cái mới từ cái cũ và từ nơi cái cũ mà đổi mới.
Thuận và nghịch.
Có cái nghịch nào mà không có cái thuận và có cái thuận nào mà không có cái nghịch. Về mặt thời gian, có ngày thì có đêm, ngày là nghịch của đêm và đêm là nghịch của ngày. Nhưng cả ngày và đêm đều mang đến sự sống cho mỗi chúng ta, cho mọi sinh vật và ôn hòa cho mọi môi sinh. Chỉ có những người tà kiến mới chấp nhận ngày mà không chấp nhận đêm, hoặc chấp nhận đêm mà không chấp nhận ngày, khiến cho họ khổ công đối phó và triệt tiêu nhau.
Ta không thấy được tác dụng của ban ngày như chính nó và không thấy được tác dụng của ban đêm như chính nó, thì chính chúng ta là người điên đảo, sống với sự đảo lộn khiến đêm trở thành ngày và ngày trở thành đêm; do đó trong đời sống của chính ta xuân không ra xuân, hạ không ra hạ, thu không ra thu, đông không ra đông. Và cũng vì sống với thời gian đảo lộn như vậy, nên khiến không gian cũng bị đảo lộn, làm cho biển không ra biển, sông không ra sông, núi không ra núi, ruộng không ra ruộng… Tất cả những đảo lộn ấy đều có gốc rễ từ tà kiến. Do tà kiến, nên không thấy được giá trị và tác dụng hỗ tương của thuận và nghịch, khiến nhiều người sống không có mùa xuân và không có khả năng tạo ra mùa xuân cho chính mình và nhiều người.
Chúng ta hãy nhìn sâu vào tính chất thuận và nghịch trong từng hơi thở vào và ra của mỗi chúng ta, để chúng ta có thể tiếp nhận mùa xuân ngay nơi hơi thở vào và ra này. Hơi thở vào đối nghịch với hơi thở ra, hơi thở ra đối nghịch với hơi thở vào. Chúng ta chấp nhận hơi thở ra mà không chấp nhận hơi thở vào thì mùa xuân của chúng ta ở đâu? Chấp nhận hơi thở vào mà không chấp nhận hơi thở ra, thì sự sống của chúng ta như thế nào? Chúng ta ai cũng thở vào và thở ra, nhưng chúng ta ít ai để ý đến hơi thở vào và ra của chính mình và trân trọng nó trong từng phút giây của sự sống. Thở vào và thở ra hay nhập và xuất thực phẩm mỗi ngày của thân thể chúng ta đều là những tố chất tạo nên mùa xuân cho chúng ta. Nếu chúng ta chỉ có thở vào mà không thở ra hoặc thở ra mà không thở vào hay chúng ta chỉ có nhập thực phẩm vào miệng trên mà không xuất phế phẩm ra ở miệng dưới, thì mùa xuân sẽ không bao giờ có mặt với chúng ta. Mùa xuân không bao giờ có mặt cho những ai chỉ biết ăn mà không biết đi toilet. Thuận và  nghịch là hai yếu tố luôn luôn tương tác trong đời sống của mỗi chúng ta. Chúng ta phải biết như vậy, để khi thở vào, chúng ta thở cho hết lòng và khi thở ra chúng ta cũng phải thở bằng tất cả tấm lòng. Chúng ta phải biết thuận nghịch một cách rõ ràng như vậy, để khi ban ngày đến, chúng ta sống cho đẹp đối với ban ngày và khi đêm về, chúng ta cũng sống cho đẹp đối với ban đêm. Khi ăn chúng ta phải ăn cho đẹp, khi đi toilet chúng ta cũng phải đi toilet cho hết lòng. Khi ăn, ta phải có tỉnh thức, từ bi và biết ơn trong khi ta ăn và trong khi đi toilet, ta cũng phải có tỉnh thức, từ bi và biết ơn trong khi ta đi toilet. Hay khi thở ra và thở vào, ta đều phải thở ở trong sự tỉnh thức, từ bi và biết ơn. Tất cả những cái thuận nghịch đó đều tạo nên mùa xuân cho chúng ta, nếu chúng ta có tỉnh thức, từ bi và biết ơn đối với chúng. Khi thở ra giúp ta có 50% hạnh phúc, khi thở vào giúp ta có 50% hạnh phúc. Cũng vậy,  khi ăn giúp ta có 50% hạnh phúc và khi đi toilet giúp ta có 50% hạnh phúc. Như vậy, muốn hạnh phúc 100%, ta phải có tỉnh thức, từ bi và biết ơn trong khi ta thở vào và ra hay trong khi ta ăn và trong khi ta đi toilet mỗi ngày.
Cho nên, chúng ta phải tiếp nhận mùa xuân ngay nơi cảnh thuận nghịch của mỗi chúng ta. Người ghét ta có thể tạo nên mùa xuân cho chúng ta, nếu chúng ta biết ôm ấp, lắng nghe những lời chỉ trích từ phía đối lập. Cái bất hạnh lớn nhất của chúng ta là không có ai chỉ trích hay góp ý cho chúng ta. Cái bất hạnh nhất của chúng ta là chúng ta chỉ cử động được một phía hoặc một phần của thân thể mà không có khả năng cử động toàn thân thể. Chúng ta chỉ chuyển động được một phần thân thể bên trái, mà không có khả năng chuyển động được phần thân thể bên phải, thì xuân đến với chúng ta chỉ có nửa vời. Xuân đến với ta nửa vời là do chúng ta có sự hiểu biết nửa vời đối với xuân. Mùa xuân thực sự có mặt với chúng ta, khi chúng ta biết chấp nhận sự thuận nghịch trong đời sống của mỗi chúng ta với sự tỉnh thức, từ bi và biết ơn. Chính sự tỉnh thức, từ bi và biết ơn giữa thuận và nghịch, tạo thành cho chúng ta một mùa xuân toàn diện.
Mất và được.
Nhìn lại năm Bính Thân, chúng ta thấy chúng ta mất gì và được gì. Chúng ta cũng sẽ nhìn lại năm Đinh Dậu, chúng ta sẽ mất gì và chúng ta sẽ được gì. Chúng ta được một tuổi thì chúng ta cũng mất đi một tuổi. Sống giữa cõi đời không có ai được hoàn toàn và cũng không có ai mất hoàn toàn. Trong cái được đã có mầm mống của cái mất và trong cái mất cũng có mầm mống của cái được. Chân lý xưa nay vốn như vậy. Sở dĩ, chúng ta không có mùa xuân, vì chúng ta không có khả năng chấp nhận cái mất có mặt ở trong cái được và cái được có mặt ở trong cái mất. Phần nhiều chúng ta chỉ chạy theo cái được và từ chối cái mất, nên chúng ta không có khả năng chế tác mùa xuân cho chính chúng ta và chúng ta cũng không có khả năng hiến tặng mùa xuân cho nhiều người. Nên nhớ, sống giữa đời không có ai là người hoàn toàn mất hay hoàn toàn được. Mỗi ngày đi qua đời ta là mỗi ngày ta đều có được và mất. Nếu không có được và mất mỗi ngày, thì làm gì trong đời sống của mỗi chúng ta có mùa xuân, mùa hạ, mùa thu và mùa đông.
Cho nên, chúng ta phải nhìn kỹ năm Bính Thân ta được gì, ta mất gì? Năm Đinh Dậu ta được gì, ta mất gì.  Và những năm tiếp theo ta sẽ được gì, ta sẽ mất gì. Nếu chúng ta là những người có trí ở trong cuộc đời, thì chúng ta nên để cho lòng tham, sự sân hận, sự trách móc, sự si mê, mù quáng, cố chấp mất đi ngay nơi những hành động của chúng ta, mất đi ngay nơi những suy nghĩ của chúng ta và nếu chúng ta là những người có trí thì hãy để những nguyên nhân sinh khởi khổ đau mất đi, ngay trong mọi hành hoạt của chúng ta, khiến chúng ta đạt được những tâm ý vô tham, đạt được những tâm ý trong sáng không giận dữ, không vì mình quên người. Những bậc có trí trong đời, sống với tâm ý được và mất như vậy, nên họ lúc nào, ở đâu, sống với ai cũng có an lạc, cũng có mùa xuân cho chính họ và cho người khác. Chúng ta nên nhớ rằng, điểm hẹn cuối cùng của được là mất. Chúng ta hãy thường xuyên quán chiếu điều này, để chúng ta thực sự có tự do trong khi ta được và thực sự có tự do trong lúc ta mất. Nhờ quán chiếu thường xuyên như vậy mà tâm ta có sự tỉnh thức và tự do giữa được và mất, khiến xuân đối với ta không bị giới hạn bởi một mùa mà bốn mùa đều là xuân. Trí hay ngu, phàm hay thánh, mê hay ngộ, Phật hay chúng sanh, nếu có khác nhau, thì khác nhau ở điểm này mà không phải điểm nào khác.
Sống ở trên đời có ai mà không được, có ai mà không mất. Nhưng được ở trong sự tỉnh thức và mất cũng ở trong sự tỉnh thức là cái được và cái mất của bậc Thánh trí mà những kẻ phàm phu cần phải noi theo để học tập. Được ở trong sự tỉnh thức và mất cũng ở trong sự tỉnh thức, nên cả được và mất đều tạo thành mùa xuân cho chúng ta.
Kiêu hãnh và thất bại
Năm này là năm của chú gà trống Đinh Dậu. Tiếng gà gáy oang oang trong đêm trường cô tịch, để báo điểm giờ giấc cho con người thức dậy, đó là niềm kiêu hãnh của chú gà trống. Nhưng cũng có khi do sự kiêu hãnh này mà chú gà bị thất bại về sự hiểu biết và giao tiếp đối với những gì chung quanh chú và láng giềng của chú. Do bệnh kiêu hãnh này, nên trong kho tàng ca dao Việt Nam đã có một câu nhận định rất hay về chó và gà: “Chó ỷ nhà, gà ỷ vườn”.  Chó ỷ nhà, nên chú chó chỉ quanh quẩn trong nhà của chú và không có khả năng chấp nhận bất cứ chú chó nào từ phía láng giềng đến nhà của chú. Gà ỷ vườn, nên chú gà chỉ quanh quẩn trong khu vườn của chú và không có khả năng chấp nhận bất cứ chú gà nào từ hàng xóm đến sinh hoạt trong vườn của chú. Chú gà chỉ kiêu hãnh ở trong bốn bức tường vườn của chú mà thôi. Kiêu hãnh ở trong bốn bức tường là kiêu hãnh sinh ra từ sự cục bộ và ngu dốt. Do ngu dốt mà kiêu hãnh. Do ngu dốt mà cục bộ. Càng kiêu hãnh từ sự ngu dốt lại càng bần tiện. Đem sự bần tiện mà giữ vườn, thì mọi sự hiện hữu ở trong khu vườn ấy đều là phản ảnh đúng cái bần tiện của kẻ giữ vườn cục bộ vậy. Cho nên, kiêu hãnh từ sự ngu dốt là trá hình của mọi sự thất bại.
Cũng vậy, ở trong đời, những ai tự cho mình là thế này, là thế kia với tâm đầy kiêu hãnh, thì mùa xuân sẽ không bao giờ xảy ra cho chính họ. Kiêu hãnh có mặt ở đâu, thì ở đó có sự dừng lại và thoái hóa. Kiêu hãnh là nguyên nhân của mọi sự thoái hóa và thất bại.
Khiêm nhẫn và thành Công
Khiêm là khiêm cung, nhẫn là kham nhẫn. Không có sự thành công nào mà không đi từ nơi khiêm cung, không có sự thành công nào mà không đi từ sự kham nhẫn. Không có khiêm cung, không có kham nhẫn chúng ta sẽ không có thành công. Thành công rồi mà chúng ta không có khiêm cung thì thành công đó là trá hình của sự thất bại. Có nhiều người thành công, nhưng không duy trì được sự thành công của mình lâu dài, vì thiếu tính khiêm cung. Cho nên, mùa xuân không bao giờ hiện hữu một mình, mùa xuân hiện hữu với mùa đông, mùa xuân hiện hữu với mùa hạ, mùa xuân hiện hữu với mùa thu. Mùa xuân rất khiêm cung và kham nhẫn đối với các mùa, nên mùa xuân luôn luôn có mặt ở trong các mùa và là niềm hy vọng, cũng như là sức sống của các mùa. Nên, mùa xuân là điểm đến và thành công của tất cả các mùa.
Cũng vậy, trong đời sống sự khiêm nhẫn tạo nên thành công cho chúng ta. Sự khiêm nhẫn tạo thành mùa xuân cho tất cả chúng ta.
Chấp nhận và chuyển hóa
Trong cuộc đời này không có ai hiểu hết được ai. Vì sao? Vì con người là một sự hiện hữu trong dòng sinh diệt tương tác và tương tục giữa nhân duyên và nhân quả của tâm thức nhiều đời. Không hiểu được nhân duyên, nhân quả, chúng ta không bao giờ hiểu được con người. Nhân duyên, nhân quả của con người được tạo nên từ chính tâm thức của chính họ và được xông ướp bởi hoàn cảnh của họ. Do tâm thức sai biệt, khiến tác nghiệp sai biệt và do tác nghiệp sai biệt, nên chúng ta tuy là người, nhưng không có người nào giống người nào. Chúng ta là con người, chúng ta có thể biết nhau, quen nhau, nhưng chúng ta không bao giờ hiểu biết hết nhân duyên, nhân quả, nghiệp báo của nhau và không bao giờ hiểu biết hết những diễn biến trong tâm thức của nhau.
Năm ngón tay ở nơi bàn tay của mỗi chúng ta, không có ngón nào giống ngón nào. Không có ngón nào giống ngón nào hết, đó là sự thật. Chúng ta phải thấy sự thật này để chấp nhận sự khác biệt của nhau và giúp nhau tạo nên hạnh phúc. Mùa xuân chỉ thật sự có mặt, khi chúng ta biết chấp nhận nhau và cùng nhau chuyển hóa những yếu tố thấp kém từ nơi nhận thức, từ nơi tâm hồn, để cùng nhau thăng hoa cuộc sống. Biết chấp nhận sự khác biệt của nhau để cùng nhau chung sống, đó là một trong những sự thông minh của con người. Biết chấp nhận cái hay của nhau để học hỏi và chấp nhận cái dở của nhau để giúp nhau chuyển hóa là con người có khả năng bước thêm một bước nữa để tiến bộ và cùng nhau đi tới với một mùa xuân đích thực của cộng đồng. Biết chấp nhận cái xấu của nhau để giúp nhau chuyển hóa; biết chấp nhận cái tốt của nhau để giúp nhau thăng hoa, đó là một ý thức tiến bộ. Ý thức ấy đẩy chúng ta đi tới với mùa xuân. Thiếu sự hiểu biết này, chúng ta không bao giờ có tiến bộ và chúng ta không bao giờ có sức mạnh của sự sống. Đây là điều mà tất cả chúng ta cần phải thường xuyên quán chiếu, để mùa xuân không còn là một sự mơ ước mà là một hiện thực trong đời sống của mỗi chúng ta.  
Chấp nhận một sự thật cao quý, thì ai cũng có thể, nhưng chấp nhận một sự thật phũ phàng thì rất ít người có thể. Người có sức sống và có niềm tin, họ có khả năng chấp nhận cả hai sự thật ấy để tái tạo hạnh phúc cho chính họ. Chúng ta biết chấp nhận sự thật, dù là một sự thật phũ phàng, thì mọi tiến bộ mới có thể bắt đầu sinh ra trong đời sống của mỗi chúng ta và khi ấy, chúng ta mới có khả năng tạo ra mùa xuân cho chính chúng ta.
Tôi nhớ cách đây hơn 20 năm, khi tôi đang còn dạy ở Tổ đình Từ Hiếu- Huế, các nhà nghiên cứu về giáo dục của Anh, Pháp, Đức và Hoa Kỳ, họ đến nghiên cứu hệ thống giáo dục của Việt Nam. Khi họ đến Huế để nghiên cứu, họ có đến chùa Từ Hiếu – Huế gặp tôi và xin trao đổi một số vấn đề giáo dục có liên quan đến Phật giáo Bộ phái và Đại thừa. Sau khi trao đổi xong, họ than phiền với tôi rằng: “Nền giáo dục Việt Nam hiện nay không có gì phát triển so với các quốc gia trong vùng”.  Họ nói: “Họ thấy ở Việt Nam trong thời điểm này nhà hàng, nhà ăn phát triển nhiều hơn nhà trường. Nhà hàng, nhà ăn phát triển rất sang trọng so với các nước trong vùng, nhưng các trường học rất ít phát triển và rất cũ kĩ, kể cả những phương pháp giáo dục”.
Khi nghe như vậy, tôi rất khó chịu, cảm thấy xấu hổ, lòng tự ái dân tộc trong tôi phát sinh, mặc dù tôi đang là một tu sĩ Phật giáo. Vì tự ái, tôi đã cố gắng biện minh cho những yếu kém ấy. Tôi đã nói với các nhà nghiên cứu ấy rằng: “Ở Việt Nam chúng tôi, mỗi gia đình là mỗi trường học. Mỗi người làm cha mẹ là mỗi thầy giáo, cô giáo của gia đình. Giáo dục của Việt Nam rất chú trọng đến gia giáo hơn là học đường”. Nghe tôi biện minh như vậy, những nhà nghiên cứu ấy đều gật đầu. Họ cảm ơn tôi và ra về. Nhưng khi họ ra về, tôi cảm thấy xấu hổ, vì mình chỉ có khả năng che giấu và biện minh cho sự yếu kém mà không có khả năng chấp nhận sự thật của yếu kém. Bấy giờ, tôi tự trách mình là tu tập còn quá yếu không dám chấp nhận sự thật đang diễn ra trước mặt mình và chung quanh mình. Cho đến bây giờ, mỗi khi tôi nghĩ đến điều mà mình đã từng biện minh ấy, tôi cảm thấy tự xấu hổ và liền khởi tâm sám hối.
Kể câu chuyện này, tôi mong rằng, trong mỗi chúng ta phải dẹp đi mọi tự ái, mọi kiêu hãnh phù phiếm, để cho mùa xuân chân lý được hiển lộ ra trong đời sống của mỗi chúng ta. Bệnh nhân che giấu bệnh với bác sĩ, thì chỉ có chết thôi, chứ không có một bác sĩ tài năng và lương tâm nào có thể cứu giúp bệnh nhân thoát khỏi bệnh.
Chúng ta chỉ có mùa xuân, khi nào chúng ta thấy và biết chấp nhận sự thật của các mùa hạ, mùa thu và mùa đông ở trong đời sống và ở trong mọi hành hoạt tỉnh thức và từ bi của chúng ta.
Kính chúc Đại chúng một mùa xuân mới đầy hạnh phúc, an lạc ở trong sự tỉnh thức và từ bi.
                (Thầy Thích Thái Hòa giảng – Đệ tử: Nhuận Phật Hạnh – Nhuận Hạnh Châu kính phiên tả)