Showing posts with label Trần Kiêm Đoàn. Show all posts
Showing posts with label Trần Kiêm Đoàn. Show all posts

Friday, May 21, 2021

Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn: Thoảng Hồ Thơ Việt Trên Đất Mỹ

Thoảng Hồ Thơ Việt Trên Đất Mỹ 

Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn

THOẢNG HỒN THƠ VIỆT TRÊN ĐẤT MỸ


Sáng nay, 20-5-2021, chén trà móc câu Thái Nguyên miên man hương vị quê nhà trở lại với mình sau hơn một năm dài vắng bóng. Lâu nay, vì đại dịch phải uống mãi trà Tàu, trà tứ xứ. Hương trà cũ lại phảng phất hồn quê khi cùng lúc có tin một bé gái người Việt thuộc thế thứ ba trên đất Mỹ đang ở cùng thành phố Sacramento với mình, vừa được giải “thi sĩ khôi nguyên” của tổ chức Thi sĩ Tuổi Trẻ Toàn quốc (National Youth Poet Laureate - NYPL) tại Hoa Kỳ: Đó là Alexandra Huynh (Huỳnh Thụy An), 18 tuổi, vừa đoạt giải. 




Văn bút thơ thẩn lắm khi có nét tình cờ của duyên thơ nhưng thi ca đích thực thường là do “văn chương nết đất, thông minh tính trời” như thi hào Nguyễn Du điểm xuyết Kim Kiều. Thật vậy, người đoạt giải thơ Tuổi trẻ Toàn quốc Hoa Kỳ năm 2021 này là con gái của đôi vợ chồng người Việt gốc Nha Trang. Hai anh chị theo gia đình định cư tại Mỹ theo diện HO-1 năm 1990 và lập gia đình tại Mỹ, sinh được 4 cháu (Thụy An và Thu Bình là hai cháu gái thứ nhì, sinh đôi), hiện đang ở tại Sacramento, thủ phủ tiểu bang California. Thụy An tốt nghiệp thủ khoa trung học Mira Loma và theo học trường đại học Stanford là đại học được xếp hạng trong số 3, 4 trường đại học danh tiếng nhất của Mỹ và toàn cầu. Thụy An cũng là huynh trưởng của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam, sinh hoạt tại chùa Kim Quang, Sacramento. Và, hồn thơ xa vời mà sâu lắng cũng thường là hương hoa của huyết thống. Thụy An là cháu của nhà thơ Duy Năng (1935-2002), một nhà thơ nổi tiếng của miền Nam trước 1975.


Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn AP vào tối ngày 20-5-2021,  Alexandra Huynh nói rằng thơ cũng là một khí cụ đầy sức mạnh để đương đầu với sự thách thức của cuộc sống.

Sinh hoạt với Gia Đình Phật Tử Kim Quang từ lúc còn bé, tâm hồn Thụy An đã được tưới tẩm chất thơ qua ca dao lời ru của Mẹ, qua tiếng hát và lời kinh trong sinh hoạt đầy đạo hạnh và êm đềm của tuổi trẻ Phật tử dưới mái hiên chùa. Chất liệu và suối nguồn thi ca nầy đã thể hiện trong lời nói của Alexandra Huynh với phóng viên quốc tế: “Tiếng Việt tự nó đã là một tiếng nói giàu chất thơ. Trong sinh hoạt văn hóa của người Việt người ta đã nói thành thơ trong cuộc sống hằng ngày.” Thụy An còn cho hay là đã tập viết những lời thơ phổ nhạc từ khi mới 7 tuổi; đặc biệt là sau những lần đọc thơ trước công chúng thì lại càng cảm thấy sức mạnh của chữ nghĩa có tác động tích cực lên tâm lý và tinh thần đại chúng. Alexandra Huynh căn bản sáng tác thơ bằng tiếng Anh nhưng luôn nuôi hy vọng là sẽ có tác phẩm thơ ra đời và sẽ được chuyển ngữ sang “tiếng Mẹ đẻ”, ngôn ngữ Việt Nam.  

Tổ chức văn học nghệ thuật và phát triển Urban Word đã thành lập chương trình Nhà Thơ Trẻ Quốc Gia (NYPL) năm 2017, người đầu tiên được giải là Amanda Gorman. Gorman xuất bản thi phẩm đầu tiên từ năm 2015. Năm 2020, nhà thơ trẻ tuổi da đen nầy đã có vinh dự tên tuổi của mình được giới thiệu và làm nổi bật danh nghĩa tổ chức Nhà Thơ Trẻ Quốc Gia qua phần diễn đọc bài thơ “The Hill We Climb” trong ngày lễ nhậm chức của tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.  Chính Alexandra bày tỏ đã có được sức mạnh tinh thần hỗ trợ và có thêm năng lực sáng tạo thi ca từ hình ảnh Amanda Gorman đọc thơ cho cả thế giới đều nghe. 

 

Thế hệ trẻ người Việt nơi xứ người đã tạo được nhiều thành tích xuất sắc trong gần nửa thế kỷ lịch sử tha hương sau 1975 nhưng phần lớn là trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Đặc biệt về văn chương nghệ thuật, tác phẩm ra đời đòi hỏi tài năng, sự thẩm nhập văn hóa và tài hoa ngôn ngữ. Nguyễn Thanh Việt được giải thưởng Pulitzer năm 2016 về tiểu thuyết The Sympathizer và Alexandra Huynh được giải thưởng thơ năm 2021 đã mang lại niềm tự hào cho cộng đồng người Việt tha hương khi nói về văn học nghệ thuật. Ngoài ra, những tác giả gốc Việt tên tuổi khác cũng góp mặt trên văn đàn thế giới và được tặng các giải thưởng danh giá như Ocean Vuong (Mỹ), Linda Lê (Pháp), Lại Thanh Hà (Mỹ), Kim Thúy (Canada), Nguyễn Hoài Hương (Pháp), Trần Minh Huy (Pháp), Monique Truong (Mỹ), Nam Lê (Úc)… Và, hy vọng một ngày không xa, sẽ có tên tuổi nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ Việt Nam tiếp cận với giải Nobel.

Sáng nay, có tin một số tác giả trong nước ngại dịch thơ của Alexandra Huynh từ tiếng Anh sang tiếng Việt vì không dễ dàng. Thật ra, thơ của Alexandra Huynh thường được sáng tác với sự kết hợp bất ngờ của những hình ảnh đầy tính biểu tượng nối kết thực tại. Ý và tình được diễn cảm bằng những câu chữ khá độc đáo. Một trong nhiều bài thơ với thể loại như thế được nhắc đến nhiều nhất là Lời Nguyện Mùa Thu (Autumn Prayer). Bởi thế, thơ của Alexandra Huynh không dễ dàng cảm nhận trực tiếp khi chuyển ý và chuyển ngữ nên tương đối khó chuyển ngữ một cách trọn vẹn để chuyển tải hết tinh túy của hồn thơ thi nhân qua ngôn ngữ thi ca của tiếng Việt. Mong rằng, tác phẩm dịch thơ bằng tiếng Việt đầu tay sẽ ra mắt sớm như mong ước của “thi sĩ khôi nguyên” trẻ tuổi đã chia sẻ… 

 

LỜI NGUYỆN MÙA THU

đây là nơi tôi nhận mọi thông tin,

mẩu tin xưa cũ của thế giới

chẳng của riêng tôi

nhưng phảng phất mùi cảm thông

 

từ một ông già

với lòng cảm thông thương hại

 

ông giảng cho tôi

về bài học tên gì số mấy

& tôi nuốt xuống

 

cho đến khi ông nhắc đến Việt Nam

(cuộc chiến)

khi đó

tôi bắt đầu thật sự lắng nghe

 

nếu tôi không thể là người hùng

tôi mang tên người di dân gương mẫu

 

     ôi những chiếc thuyền

     & những người trên những chiếc thuyền ấy

     can đảm biết bao & khác xa

     đám tỵ nạn đương thời chúng ta nợ họ

 

Tôi ngậm chặt lưỡi

nghe âm thanh

thân thuộc gần như nhà mình
khi tên Dương Thu Hương mất đi dòng sông

trong miệng lão thầy

và chẳng ai buồn hỏi vì sao

mặt tôi giàn giụa.

 

& nhớ đến chiếc bàn buồn bã,

trong góc xó lớp học

tôi viết lời nguyện cầu

cho lũ trẻ sắp vào chật lớp này:

 

hãy để đám trẻ được xưng tên chúng như mẹ chúng đã từng gọi thế.

hãy để điệp khúc được xướng lại hay cố gắng & cố gắng như thế.

hãy để những câu chuyện không pha chất trọ trẹ

& giữ lại thanh âm không phiên dịch.

hãy để lũ trẻ điền vào khoảng trống bằng ký ức.

 

 

     ừ thì rau ngò. ừ thì tơ lụa. ừ thì tiếng giậm chân. căn nhà đôi. mật ngọt.
     tràng hạt. ừ thì nhựa đường. tiếng trống. những đôi giày. những lọn tóc.
     ừ thì nén hương. bánh mì. giây xích. đồng kẽm. ừ thì những ngôi sao.
     những ca khúc. những xôn xao trên truyền hình dây cáp, dòng sông. ừ thì
     những số nhân. số nhiều. ừ tình yêu. ừ tình yêu.

 

hãy để ký ức được kể lại bằng những khối u trong tim

hãy cho lũ trẻ biết tên gọi thực thụ của nỗi buồn.

hãy để chúng kết âm thanh thành hy vọng.

& rút tỉa từ những bi hùng ca của tổ tiên.

hãy để danh dự không bắt chúng làm con tin.

hãy để huyết thống chúng trở thành nguyên bản.

hãy để những gì mắt thấy tai nghe trở thành ngôn ngữ chính.

 

Alexandra Huynh

Hòa Bình Lê phỏng dịch

 

Trong buổi lễ công bố nhà thơ thắng giải National Youth Poet Laureate, Alexandra Huynh đã diễn đọc bài thơ Di Sản với nội dung tạm chuyển ngữ tiếng Việt như sau: 

 

z-1-alexandra-huynh

những ngày này tôi hoan nghênh sự im lặng

cảm nhận vòng tay của trái đất

cả những lúc vắng âm thanh

tôi vẫn lắng nghe mọi câu chuyện

vẫn được gọi là hư cấu

 

tôi khắc chúng xuống lối đi

để biết hướng nào là nhà

đôi khi tôi để yên cho tiếng ồn cứ là tiếng ồn

không để cho nghĩa vụ phân trí    

tôi không phải là máy móc gia dụng

cũng không phải là sinh vật phục vụ trong nhà

 

tôi là con người

tôi là con người

có sự hiện hữu bên ngoài cảm giác tội lỗi

có thứ từ ngữ dành riêng cho cảm xúc

và tôi không sợ gọi đúng tên nó

  

Trí óc tôi không phải nhà tù

mà là lăng kính

và tôi hiểu rằng

những chiếc bóng tăm tối hiện ra

trong sự hiện hữu của ánh sáng 

 

và ngày tháng của tôi không đếm được
dẫu chúng là con số

nên tôi đếm bằng sự tử tế

và nhắc đến tình yêu nhiều hơn lời tạm biệt

tôi đếm những bữa ăn thay vì sức nặng mang theo

và mang theo những điều hữu ích ngày sau

 

Một vài điều tôi nghiệm ra

Đôi vớ vẫn là vớ

dù chúng có lẫn lộn,

mọi điều tôi nghe về một căn phòng sạch vẫn đúng,

bạn có thể nhìn thấy nụ cười đằng sau cái khẩu trang,

cách tôi nói chuyện với bản thân

là cách tôi nói chuyện với bạn,

tôi nên gỡ nút câm của mình ra thường xuyên hơn,

tôi cần nước nhiều hơn tôi nghĩ tới,

nếu những người trong căn phòng này có thể mỉm cười,

nếu những người trong căn phòng này đều là người.

 

Ngay cả khi tôi tự tháo gỡ tôi khỏi

thế giới quy mô này

tôi biết mình hiện hữu.

 

Cuộc chiến vẫn tiếp diễn

ngay dưới hai bàn chân tôi;

Không cần hình ảnh chứng mình điều đó.

Nghi lễ khải hoàn đang diễn ra
trong huyết thống tôi.

Không cần dải băng-rôn chứng minh điều đó.

Tôi là sự chiến thắng.

Mỗi ngày tôi thở.

Và nhiều năm sau này,

khi trở thành tổ tiên

tôi sẽ cho chúng biết

về sự can đảm của khoảng cách,

và cách chúng ta

nắm không gian thay vì nắm tay nhau.

Tôi sẽ cho chúng biết

màu sắc của sự can đảm; 

âm vang của sự mất mát lan truyền

suốt một thế hệ,

và đám trẻ trở thành thầy cô giáo;

hiểu được tình yêu không định nghĩa bằng tuổi tác.

Tôi sẽ cho chúng biết trên mảnh đất này

chúng ta tước đoạt từ những người

chúng ta không bao giờ có thể đáp trả,

nhưng chúng ta sẽ cố gắng & cố gắng,

tôi sẽ cho chúng biết

mỗi dấu chân được cảm nhận như thế nào

phía bên kia hành tinh.

Vì vậy hãy để ý thật kỹ

đặt chân duy nhất về hướng sự thật.

 

Các bạn đã thừa hưởng sự im lặng,

bây giờ hãy cất cao tiếng hát. 

Alexandra Huỳnh đọc thơ 
Việt Báo phỏng dịch

 

Bình trà xanh Bắc Thái đã cạn nhưng hương vị quê nhà vẫn còn thoảng hương thơm và vị ngọt. Hồn thơ Việt trong thinh lặng vẫn còn lan tỏa năng lượng cho những thế hệ kế thừa.

 

                                            Sacramento, Ngày Phật Đản 2565-2021

                                                           Trần Kiêm Đoàn

Sunday, October 20, 2019

BA THẾ HỆ PHẬT TỬ CÓ MẶT CHO NHAU - CHIA SẺ TÂM TÌNH

BA THẾ HỆ PHẬT TỬ

CÓ MẶT CHO NHAU - CHIA SẺ TÂM TÌNH

Hình ảnh lưu niệm Hội sách Có Mặt Cho Nhau lần thứ 2 tại San Jose
   

 
Quan khách và ban thuyết trình trao đổi ý kiến

Sách của hơn 20 tác giả thuộc cả 3 thế hệ được trưng bày và bán giá tượng trưng

BA THẾ HỆ PHẬT TỬ
CÓ MẶT CHO NHAU - CHIA SẺ TÂM TÌNH 
    Hôm nay, thứ Bảy 19-10-2019, tại Thư Viện Tully thành phố San Jose, California, nhóm Phật tử trẻ do Huynh trưởng Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ đến từ Sacramento, phối hợp cùng một số Huynh trưởng, Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam trong vùng Bắc Cali tổ chức một “Hội Chợ Sách” (Book Fair). Đây là một sinh hoạt tương đối hiếm hoi trong sinh hoạt Văn hóa Phật giáo Việt Nam ở Hải Ngoại với ba thế hệ chung một con đường: Thế hệ Đàn Anh – Đàn Chị (Lão niên), thế hệ Bắc Cầu (Trung niên), thế hệ Đàn Em (Thanh thiếu niên).

Kể từ khi đạo Phật Việt Nam cùng với làn sóng người Việt di dân tỵ nạn ra nước ngoài sau năm 1975, các sinh hoạt Phật sự như xây chùa, dựng tượng, lễ hội, văn nghệ, tiệc gây quỹ... bừng lên và phát triển ngày một rầm rộ trong các cộng đồng người Việt nước ngoài nhưng những sinh hoạt mang tính văn hoá tôn giáo thì ngày càng vắng bóng. Nguyên nhân thì có nhiều mặt, nhưng trực tiếp thì vẫn là do giá trị thực dụng ngắn hạn và lợi nhuận kinh tế làm chủ.

Hội Sách Phật Học “Có Mặt Cho Nhau” lần thứ hai nầy giới thiệu trực tiếp cũng như gián tiếp tác phẩm và tác giả Phật giáo Việt Nam thời cận đại và hiện đại trong vòng 50 qua.
Những tác giả thuộc thế hệ đàn anh như Thích Nhất Hạnh, Thích Thanh Từ, Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, Thích Mãn Giác, Nghiêm Xuân Hồng, Phạm Công Thiện… Những tác giả viết về Phật giáo thuộc thế hệ “Bắt cầu” cỡ trung niên – lên lão như Thích Như Điển, Thích Tự Lực, Thích Nguyên Tạng, Thích Thiện Long, Đào Văn Bình, Vĩnh Hảo, Trần Trung Đạo, Trần Việt Long, Huỳnh Kim Quang, Nguyên giác Phan Tấn Hải, Nguyễn Minh Tiến, Nguyễn Hoàng Lãng Du. Ngô Viết Trọng, Trần Kiêm Đoàn…  và các tác giả thuộc thế hệ trẻ như Bạch Xuân Khỏe, Nguyễn Hồng Dũng, Phan Mẫn…
Quan khách và ban thuyết trình trao đổi ý kiến

Đa số các nhà xuất bản chuyên đề hay có in ấn các tác phẩm Phật học cũng được giới thiệu ra mắt sách như các nhà xuất bản Lá Bối, Vạn Hạnh, Quảng Đức, Lotus Media Inc., Hương Tích Phật Việt, Việt Ananda Foundation… 
Mặc dầu hình thức sách báo giấy đã bị sách báo mạng online lấn chiếm đến 50, 60% nhưng văn hóa đọc vẫn còn là phương tiện tri thức và tiêu khiển chuyển tải những thông tin văn chương, xã hội đến khoa học, nghệ thuật của toàn thế giới. Theo thăm dò của World Atlas và Văn Hóa Á Châu (Asian Culture Foundation -ACF) về Văn Hóa Đọc (Reading Culture) thì những quốc gia chiếm hàng đầu về thời gian đọc sách làm cho người ta ngạc nhiên. Trung bình số giờ một người dân đọc sách báo mỗi tuần là: Ấn Độ (10 giờ 42 phút), Thái Lan (9 giờ 24 phút), Trung Quốc (8:00 giờ); trong khi Pháp (6:54), Mỹ (4:42), Nhật (4:06), Hàn Quốc (3:06) và Việt Nam (1.2)…
Bên cạnh sinh hoạt giới thiệu tác phẩm và tác giả, buổi sinh hoạt "Có Mặt Cho Nhau 2" cũng tạo cơ hội sinh hoạt chung, để chia sẻ và “truyền lửa cho nhau” thông qua hình thức tâm tình của tác giả và thảo luận một số đề tài văn học nghệ thuật, những thao thức và kinh nghiệm hoằng pháp Phật giáo.
Nội dung buổi sinh hoạt sách “Book fair” chuyển dần từ thoáng ưu tư “Sách vở ích gì cho buổi ấy. Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già…” của kẻ sĩ từ thời Nguyễn Khuyến (1835-1909) trên quê hương đến hôm nay trên đất khách tại các nước Âu Mỹ, vai trò phát huy văn hóa, phục vụ xã hội và tiêu khiển cho đời của sách báo. 
Sự quan hệ giữa việc đọc sách báo tiếng Việt và hiện trạng tổ chức, Gia Đình Phật Tử có một sự tương tác qua lại và ai cũng thấy được điều đó. Ngày xưa, tuổi trẻ Phật tử lớn lên và đượm nhuần tình Đạo trên quê hương qua những tác phẩm văn chương trong vắt của các huynh trưởng như Ánh Đạo Vàng, Thử Hoà Điệu Sống, Mùa Gặt Ác… của anh Võ Đình Cường; Phật Pháp căn bản của quý thầy Thích Chân Trí, Thích Thiện Hoa… Nhưng càng ngày sách báo Phật giáo càng vượt cao quá tầm tay với của tuổi trẻ. Và 50 năm qua, nhất là tại các nước Âu Mỹ thì sách báo và chữ nghĩa tiếng Việt đã thành “Ngoại Ngữ” đối với thế hệ sinh ra và lớn lên tại các nước ngoài. Chín mươi phần trăm đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam sinh hoạt với nhau bằng tiếng nước ngoài. Sách báo, thuyết pháp, băng giảng, phim ảnh… về đạo Phật hầu hết nhắm vào đối tượng phụ huynh và ít còn quan tâm tới con em. Như tuần nay, kẻ đang viết những dòng này dẫn hai cháu Ái Linh và Tấn Lực đi sinh hoạt tại GĐPT – KQ ở địa phương. Khi hỏi các cháu là có thuộc bài tụng “Đệ tử kính lạy, đức Phật Thích Ca…” không? Thì hai cháu đều thuộc. Nhưng khi hỏi nghĩa tiếng Việt thì các cháu đều không trả lời được và nói là “Chẳng hiểu gì cả!” Hai cháu cũng cho biết là hát các bài hát nhưng chẳng hiểu nghĩa là gì, mặc dầu mỗi buổi sáng sinh hoạt vào thứ Bảy hàng tuần các cháu đều phải học 2 giờ tiếng Việt. Tấn Lực là đoàn sinh Thiếu Nam và Ái Linh là Đội trưởng đội Thiếu nữ. Hai cháu Linh, Lực đều đã sinh hoạt GĐPT 7 năm rưỡi. Chiều nay hỏi các bạn GĐPT của Linh, Lực thì cũng nghe trả lời là “Chẳng hiểu gì cả” như thế!  
Lỗi tại ai?
Thưa chư quý nhân! Đã đến lúc chúng ta cần chấm dứt thói quen tiêu cực là chỉ tay vào nhau mà đổ lỗi cho người vì không ai có lỗi cả. Từ các bậc Tôn Đức đến hàng phụ huynh và Phật tử ai cũng tha thiết muốn cho các mầm non GĐPT và Phật tử tuổi trẻ đều hiểu Đạo và sống Đạo bình thường. Nhưng nguyên nhân và hệ quả ở đây nằm ở Người thì ít mà nằm ở chỗ Phương Pháp Giáo Dục và phương tiện truyền đạt là chủ yếu.
Thế hệ đàn anh – mà nhất là những nhân vật viết lách và thuyết giảng cao vời lý nhà Phật – hầu như quên bẵng các em, các con, cháu quanh mình nên viết toàn những chuyện cao xa vời vợi; thuyết pháp những điều thâm uyên, trong khi tuổi trẻ đang cần những Ánh Đạo Vàng, những Bông Hồng Cài Áo… Hiện tượng áo thụng vái nhau và nhân danh “Phật sự đa đoan” để mãi nghĩ đến cây cành đại thụ, cảnh giới mười phương mà quên mất những chồi non đang nhú dưới cánh tay mình đang làm cho tuổi trẻ xa dần môi trường Phật đạo! 
Khi có quý Sư Cô từ miền Nam California nêu lên câu hỏi làm sao tìm ra giải pháp cho vấn đề là các đoàn sinh GĐPT ngày một thưa dần vì các con, cháu không muốn đến chùa. Trong lúc các vị diễn giả và hội thảo viên còn hăng say trao đổi trong vòng hội luận thì có một vị “phát biểu ngoài luồng” từ dãy ghế sau cùng: “Cả trăm, cả ngàn cuốn sách tiếng Việt hay ho bày trên bàn, trên giá, trên kệ mà có cuốn nào tui mua được tặng cho cháu tui đọc đâu nào. Buồn quá hà!”
Cuộc hội luận còn đi xa hơn khi vấn đề được nêu lên là tại sao chùa to tượng lớn mọc lên nhiều đến thế nhưng không có những mô thức nhà giữ trẻ kiểu “Vườn Trẻ Kiều Đàm” hay trường học kiểu “Tư Thục Bồ Đề” của Phật giáo miền Nam Việt Nam trước 1975 để đưa mầm non hướng về đạo Phật? 
Có chăng một cuộc Hội Luận và Hội Sách lần tới đặt trọng tâm vào tuổi trẻ hướng Phật.
Đã đến lúc người Phật tử Việt Nam, nhất là tại Hoa Kỳ, cần xem lại lịch sử người Tàu và Phật giáo của họ trên đất Mỹ gần 200 năm trước, khi người Tàu ồ ạt vào Mỹ làm thuê trong những cơn sốt tìm vàng (Gold Rush) vào những năm 1800 - 1850. Họ mang Phật giáo Trung Hoa theo và con số chùa chiền cùng tăng đoàn, giáo hội tăng lên theo đời sống kinh tế và dân số sinh sản nhân lên nhanh chóng. Vì không có sự đầu tư cho tuổi trẻ Phật tử gần như chúng ta bây giờ nên khi thế hệ đàn anh đàn chị di dân đầu tiên khuất bóng, thế hệ sinh ra và lớn lên ở Mỹ không còn quan tâm hỗ trợ việc chùa chiền nên vô số chùa viện phải bán đi và những hội Phật giáo giải tán vì vừa thiếu kinh tế hỗ trợ, vừa vắng bóng tín đồ.  
 Phật giáo Tích Lan, Tây Tạng, Nhật Bản, Trung Hoa ở Mỹ đã chuyển hướng. Thay vì xây dựng chùa viện quá nhiều về số lượng, họ tập trung về chất lượng. Tây Tạng, Trung Hoa xây dựng những ngôi chùa đồ sộ với kinh phí hằng chục triệu đô la, thu hút ồ ạt khách hành hương bốn phương cũng như nội địa.
Nói về tình hình Phật giáo Việt Nam hiện nay, từ tầng lớp Phật tử sơ cơ cho đến bậc tôn túc, hàng giáo phẩm… đều thấy rõ sự thoái trào nghiêm trọng đang diễn ra trước mắt: Trong nước thì bị toàn trị - công cụ hóa; ngoài nước thì phân tranh cùng cực, hoàn toàn vắng bóng lãnh đạo. Nhà cháy, lửa bốc cao thì ai cũng thấy. Nhưng chúng ta đang cần phương tiện cứu hóa thích ứng và phương pháp sử dụng phương tiện ấy đúng đắn và hữu hiệu. Lửa cháy! Nếu cứ chỉ tay nhau, đổ lỗi cho nhau, cãi nhau tranh thắng hay la làng la xóm thì có ích gì?!
Cuộc Hội Sách “Có Mặt Cho Nhau 2” mới chỉ là một biểu tượng “mềm” của tinh thần thống nhất văn hóa Phật Giáo trên phương diện  nhân văn. Văn hóa Phật giáo là một tập đại thành của của văn hóa đọc, văn hóa ứng xử và văn hóa tu hành. 
Cám ơn “Có Mặt Cho Nhau 2”. Mong “Có Mặt Cho Nhau 3” sẽ bàn về văn hóa ứng xử để cùng nhau cố gắng lấp cạn dần và thu hẹp lại những hầm hố chia rẽ là vấn đề trước mắt của chúng ta hôm nay.   
                                                             San Jose – Sacramento 19-10-19
                                                                      Trần Kiêm Đoàn