Wednesday, November 23, 2022

Alfred Bloom | Tâm Quảng Nhuận: Hiểu về tinh thần hoạt động xã hội của Phật giáo | Understanding Buddhist Activism

 Alfred Bloom | Tâm Quảng Nhuận: 

Hiểu về tinh thần hoạt động xã hội của Phật giáo | Understanding Buddhist Activism

Trước nhiều vấn đề của năm mới (2011), điều quan trọng nhất là người Phật tử phải đánh giá lại vai trò của mình trong cộng đồng và xã hội. Chúng tôi bức xúc trước thực tế là tại các cuộc thảo luận gần đây về hoạt động tích cực của Phật giáo đã làm nổi bật thực tế rằng, giới Phật tử, ở Hawaii và hải ngoại, nói chung đã thụ động trước nhiều vấn đề xã hội trong cộng đồng. Đúng là các cộng đồng Phật giáo truyền thống nói chung đã không lên tiếng phản đối chiến tranh, dù trước đây ở Việt Nam hay hiện nay ở Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, vào năm 2007, các thanh niên của Hiệp hội Phật giáo trẻ Honpa Hongwanji đã vận động thành công việc tổ chức Ngày Hòa bình hàng năm ở Hawaii tại cơ quan lập pháp. Ngoài ra, cơ quan lập pháp của Phái đoàn Honpa Hongwanji đã tuyên bố công khai ủng hộ HB 444 về Liên minh Dân sự trong cơ quan lập pháp Hawaii. Trong buổi nói chuyện này, chúng ta sẽ khảo sát hoạt động xã hội của Phật giáo trong lịch sử. Đáng tiếc, cuộc khảo sát này còn sơ sài và hạn chế, chỉ sơ lược về các hoạt động được thực hiện bởi những người theo đạo Phật trên khắp thế giới. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng, ở một mức độ nào đó, nó sẽ phản bác và sửa chữa quan điểm cho rằng Phật tử không nhận thức được xã hội theo bản chất của giáo lý.

Lưu ý, chúng ta cần phân biệt một số yếu tố về các cấp độ hoặc chiều kích hoạt động xã hội. Ở cấp độ Cá nhân, đó là Lòng từ thiện. Ở chiều hướng của Xã hội, nhiều Dịch vụ trong thời nay, đã được thực hiện bởi các tổ chức đáp ứng nhu cầu xã hội. Cùng lúc, những Phúc lợi xã hội, được cung cấp bởi chính phủ, nhưng thường tất cả đều có sự vận động và hỗ trợ của những nhóm tôn giáo và xã hội. Tiếp nữa là Chủ nghĩa tích cực xã hội với tư cách là một lực lượng chính trị tranh đấu vì sự cải thiện của toàn xã hội và vì lợi ích tự do, bình đẳng, công bằng.

Trọng tâm của bài tiểu luận này cho thấy các Phật tử đã tích cực tham gia vào xã hội trong suốt lịch sử qua nhiều Hoạt động Từ thiện và Phục vụ Xã hội khi có thể. Những hoạt động này phần lớn xảy ra trong bối cảnh khi mà các nhà lãnh đạo chính trị thiếu trách nhiệm hoặc thờ ơ. Từ trước cho đến nay, dưới những hệ thống chính trị chuyên quyền, Phật giáo luôn gặp khó khăn khi hoạt động xã hội vì nhiều yếu tố không cho phép. Nhưng với các xã hội dân chủ, bây giờ các Phật tử và cộng đồng Phật giáo có thể tham gia vận động hay hành động nhằm cải cách xã hội nói chung.

Trong truyền thống Phật giáo sơ khai, cụ thể được nêu trong Kinh Pháp Cú, chúng ta có thể quan sát một quan điểm đạo đức phổ quát. Một tín ngưỡng Phật giáo cổ xưa cho rằng Bồ tát Di Lặc sẽ thị hiện từ cung trời Tusita (Đâu Xuất) với tư cách là vị Phật tương lai kế tiếp để sửa chữa những điều sai trái trên thế gian. Niềm tin này sau đó đã truyền cảm hứng cho các hội kín mang tính cách mạng ở Nam Á.

Giáo lý Bát Nhã Tam Muội của Ngài Huệ Năng (Hsin-hsing 540-594) ở Trung Quốc đã thách thức Phật giáo truyền thống là thủ bại. Họ tin rằng tất cả mọi người đều có Phật tính và đều đạt được Phật tính như nhau. Họ tôn kính với gassho – chắp tay – với tất cả những người mình gặp gỡ. Giáo phái cũng thành lập Kho bạc Vô hạn, nhấn mạnh Dana (hiến tặng vị tha) cho người nghèo và bệnh tật. Nhưng sau đó đã bị chính phủ đàn áp.

… Theo Kinh Niết Bàn, toàn bộ các thiện pháp là nhân duyên cho việc tái sinh vào cõi tịnh độ… Nguyên nhân thứ hai là việc khuyến khích bố thí, kêu gọi người ta mở rộng đường, đào giếng, trồng cây ăn trái, chăm sóc y tế và thuốc men cho người bệnh, xây dựng khu nhà sư, cúng dường cho những người thọ giới và hoằng pháp, đúc tượng, xây dựng bảo tháp hoặc cúng dường các loại. Những người như vậy [người nuôi dưỡng lòng quảng đại này] sẽ được tái sinh…

Ở Nhật Bản xa xưa, có những ví dụ đáng chú ý về các nhà sư tham gia vào việc nâng cao xã hội, tuân theo Kinh Niết Bàn, điều mà chính phủ đã không làm. Dosho (629-700) nổi tiếng trong việc xây cầu, đào giếng, đặt phà và mở quán ăn cho người nghèo. Ông được cho là người đã đưa phương pháp hỏa táng vào Nhật Bản. Gyogi (670-749) được mọi người yêu quý đến nỗi được đặt cho danh hiệu kính trọng: Bosatsu (Bồ tát, Phật tổ). Ông cũng xây dựng cầu và đê, kênh tưới tiêu, phà và bến cảng, trồng cây ăn quả, thiết lập các ký túc xá cho khách thập phương. Saicho (767-822), người sáng lập giáo phái Tendai Nhật Bản đã kêu gọi Phật tử sống sao cho xứng đáng là Bảo vật Quốc gia, phục vụ xã hội. Kukai (774-835), người từng giới thiệu giáo phái Shingon, đã xây dựng các con đập và trường học, nơi mọi người từ của tầng lớp đều được đón nhận. Kuya, nhà sư nơi một khu chợ, luôn hát, múa và niệm danh hiệu Phật A Di Đà trong khi tham gia vào các hoạt động phục vụ xã hội.

Sau đó vào thời đại Kamakura (1185-1332), thiền sư Eisai (1141-1215) đã hiến tặng kim loại đồng đúc tượng, bảo dưỡng người nghèo và chẳng quan tâm đến những lời chống báng từ các đệ tử của mình. Thầy Tịnh độ Shinran (1173-1263) đã thẳng thừng chỉ trích chính phủ Nhật Bản bức hại việc truyền bá Tịnh độ. Ông cũng ghi nhận sự bất bình đẳng công lý phổ biến trong xã hội, điển hình trích dẫn một bài thơ của Hoàng tử Shotoku, tuyên bố rằng khi một người giàu ra tòa giống như ném một hòn đá vào nước, thật dễ dàng. Trong khi đó một người nghèo tìm kiếm công lý, nó giống như ném nước vào đá, không thể thắng. Giáo lý của giáo phái Shin đã truyền cảm hứng cho nhiều cuộc nổi dậy của nông dân trong thời kỳ Muromachi sau này (1392-1573) được gọi là Ikko Ikki. Ikko có nghĩa là “nhất tâm” “một hướng” “một cách” và ám chỉ Phật giáo Shin. “Các cuộc nổi dậy của những người Chung một lý tưởng” Nichiren (1222-1282) đã đi sâu vào việc thay đổi nhận thức về giáo lý Phật giáo sai lầm vốn đe dọa sự tồn tại của Nhật Bản. Ông quan tâm sâu sắc đến vận mệnh quốc gia.

Ở Nhật Bản hiện đại sau khi Minh Trị Thiên hoàng phục hồi vào năm 1868, Phật giáo đã có một số nỗ lực cải cách xã hội. Shin Bukkyo Doshikai (Hội đồng hương tân thời của các Phật tử) bác bỏ mê tín dị đoan và chống giáo sĩ. Nó phản đối sự can thiệp của chính phủ vào tôn giáo và thúc đẩy tu tập cũng như giới đức.

Các phong trào với nền tảng Phật giáo Shinshu là Muga no Ai hay tình yêu vị tha. Những người khác là Shinbukkyo Undo (Phong trào Tân Phật giáo) hay nhà cải cách Seishinshugi (tâm linh) của Kiyozawa Manshi và Hanseikai (Tự phản tỉnh) ở Nishi Hongwanji. Muga no Ai do Ito Shoshin (1876-1963) khởi xướng xuất bản tạp chí Tình yêu vị tha vào năm 1905.

Phong trào Tân Phật giáo tổ chức năm điểm chính:

  1. Nguyên tắc cơ bản là phải có đức tin Phật giáo đúng đắn.
  2. (Phật tử) phải làm việc để truyền bá niềm tin đúng đắn và cho sự cải cách của xã hội.
  3. Chủ trương tự do nghiên cứu Phật giáo và các tôn giáo khác.
  4. Họ không chấp vào việc bảo tồn hệ thống tôn giáo cũ và các nghi lễ là cần thiết.
  5. Họ hoàn toàn bác bỏ sự phục tùng chính trị và chính trị can thiệp vào tôn giáo.

Họ cũng quyên góp tiền để giúp đỡ những người bị thương trong hầm mỏ và ủng hộ giới lao động. Họ chỉ trích sự đàn áp của cảnh sát và vi phạm nhân quyền. Họ đứng về các vấn đề công cộng và ủng hộ việc xóa bỏ mại dâm, cũng như phản đối việc uống rượu và hút thuốc.

Cá nhân đáng chú ý là Takagi Kemmyo (1864-1914), một bộ trưởng của Higashi Hongwanji, người đã chết trong ngục tù, bị buộc tội tham gia vào một âm mưu chống lại chính phủ trong tư cách là một nhà hoạt động xã hội. Kujo Takeko (1887-1928), con gái của Abbott Myonyo ở Hongwanji, phải lao lực khi làm việc để cứu giúp những người bị thương trong trận động đất ở Tokyo năm 1923. Bà cũng là người thành lập bệnh viện Asoka ở Tokyo.

Với sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản sau Thế chiến I, Chính phủ Nhật Bản khắc nghiệt hơn. Cảnh sát mật Kempeitai trở nên khét tiếng. Bất kỳ hình thức phản đối chính sách hoặc hoạt động của chính phủ đều trở nên nguy hiểm cho tính mạng của ai đó. Không có tự do tôn giáo thực sự cho đến sau năm 1945 và sự thất bại của chủ nghĩa phát xít Nhật Bản trong Thế chiến II.

Kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc, đã có nhiều phong trào hòa bình của Phật giáo phản đối chiến tranh và vũ khí hạt nhân. Họ cũng thúc đẩy môi trường trong lành, trong khi một số hoạt động để khắc phục sự phân biệt đối xử chống lại burakumin hoặc những người bị kỳ thị. Ngoài ra, đã có những nỗ lực cải cách bản thân các tông phái Phật giáo khác nhau. Một số nhà nghiên cứu tập trung vào sự hợp tác của các giáo phái Phật giáo với chính phủ quân phiệt nhưng những người khác thì chỉ trích một số giáo lý như Giác Ngộ Bổn Nguyên (Primordial Enlightenment) đã khuyến khích sự tự mãn đồng thời dễ dàng chấp nhận mọi khi chúng bị chính quyền sai khiến.

Với Hongwanji đã có một số phát triển đáng chú ý. Trên nền tảng kinh nghiệm của Nhật Bản trong chiến tranh và các vấn đề xã hội, chúng ta có thể quan sát thấy sự phản đối mạnh mẽ của Hongwanji đối với việc tái vũ trang và vũ khí hạt nhân của Nhật Bản. Trong số các học giả đã có nghiên cứu về cái được gọi là Senji Kyogaku hay Học thuyết thời chiến mà tăng lữ đã hợp tác với Chính phủ để hỗ trợ chiến tranh. Nó dẫn đến việc Hongwanji phải xin lỗi vì đã thông đồng với chính phủ. Họ đã phản đối việc sửa đổi điều khoản chống chiến tranh trong hiến pháp.

Một khía cạnh của sự thông đồng giữa giáo phái và chính phủ là việc giải thích ý nghĩa của lòng vị tha. Ngày nay, chúng ta cho rằng vị tha là một cái nhìn sâu sắc quan trọng của Phật giáo. Tuy nhiên, nó có thể có nhiều nghĩa khác nhau. Trong thời chiến, vị tha được hiểu là hy sinh và chết cho Hoàng đế. Có một cụm từ truyền thống nổi tiếng là Messhi hoko, Bỏ cái tôi và phục vụ công chúng.

Hongwanji cũng đã phản đối mạnh mẽ việc chính phủ tái lập ủng hộ đền Yasukuni, biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt và Thần đạo ở Yasukuni làm nơi yên nghỉ cho tất cả những người lính đã chết trong chiến tranh. Vài năm trước, Abbott cũng là người đứng đầu chính thức của một tổ chức xóa bỏ sự phân biệt đối xử với những người Burakumin bị kỳ thị, được gọi là Dowa Mondai. Trong những năm gần đây đã có mối quan tâm rộng rãi đối với các vấn đề sinh thái và môi trường. Ngoài ra còn có một phong trào nhà tế bần mạnh mẽ hoặc phong trào hoạt động Vihara. Trong nhiều cuộc phỏng vấn và thảo luận bàn tròn, Hòa thượng đã nói rõ rằng những người theo Chân tông phải tham gia vào xã hội và rằng các nguyên tắc của Phật giáo có ý nghĩa xã hội. Hongwanji tiếp tục đấu tranh chống phân biệt kỳ thị.

Liên kết với giáo phái Higashi Hongwanji, có Kaiho Shinshu Kyokai. Phong trào này nhằm giải phóng Burakumin bị phân biệt đối xử. Họ đã cảnh giác việc xem xét kỹ lưỡng giáo lý Phật giáo để tìm bất kỳ sự hỗ trợ nào cho sự phân biệt kỳ thị. Họ rất nhạy cảm với ý tưởng về nghiệp. Khi nghiệp được giải thích một cách trừu tượng, nó trở thành số phận và được sử dụng để giải thích bất kỳ giới hạn và điều kiện nào. Việc trở thành Burakumin được coi là kết quả của hành động trong quá khứ ở một kiếp sống khác và xác lập sự phân biệt đối xử. Sự phân biệt đối xử này bắt đầu từ trong Phật giáo với những công việc không trong sạch như đồ tể, thợ thuộc da, và những vấn đề đối đãi liên quan người chết v.v. Nếu bạn đã xem bộ phim Nhật Bản Người tiễn đưa, cốt truyện xoay quanh thái độ đối với những người đối xử với người quá cố.

Chúng ta cũng nên lưu ý rằng có lẽ Nichiren là nhà hoạt động Phật giáo nổi bật nhất. Bỏ qua những cân nhắc về giáo lý và luận chiến, Nichiren tin rằng quốc gia đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng do xung đột nội bộ và khả năng xâm lược nước ngoài của người Mông Cổ. Nichiren chống đối chính phủ vì đã không tuân theo lời dạy của kinh Pháp Hoa. Ông là vị thầy Phật giáo bị ngược đãi nhiều nhất nhưng can đảm nhất vì ông quan tâm đến hạnh phúc của xã hội.

Trong hoàn cảnh hiện đại của chúng ta, hầu hết các phong trào hòa bình ở Nhật Bản đều bắt nguồn từ truyền thống Nichiren và nổi bật nhất là giáo phái Nipponzan Myohoji được chú ý vì đi bộ và giống tiếng trống khắp thế giới vì hòa bình.

Soka Gakkai cũng bắt đầu với nỗ lực cải cách xã hội. Người sáng lập Makiguchi Saburo, một giáo viên địa lý, đã bắt đầu một phong trào tương tự như phong trào Khôi phục đạo đức ở phương Tây. Nó được đặt tên là Hiệp hội học thuật để trau dồi các giá trị văn minh. Anh ấy liên kết với Nichiren Shoshu như một cơ sở tôn giáo. Makiguchi bị cầm tù trong chiến tranh vì phản đối chiến tranh. Anh ta chết trong ngục thất. Một phần thành công của phong trào của ông sau chiến tranh và thông qua quá trình tái thiết dựa trên thực tế rằng đây là nhóm duy nhất không hợp tác với chính phủ như các giáo phái khác đã làm. Trong phong trào mà chúng ta biết sau này, sự nhấn mạnh vào việc lợi lạc thế gian nhờ trì tụng danh hiệu Kinh Pháp Hoa đã nhận được nhiều tiếng tăm hơn, cũng như sự lan truyền nhanh chóng ở Nhật Bản, Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Tại Nhật Bản, nó đã thành lập một đảng chính trị Đảng Chính phủ trong sạch-Komeito. Sinh thái và Hòa bình hiện là chủ đề chính của họ.

Bên ngoài Nhật Bản, chúng ta nên lưu ý đến công việc của Tiến sĩ B. R. Ambedkar (1891-1956) với tư cách là người tham gia xây dựng Hiến pháp Độc lập của Ấn Độ. Ông cũng đã khiến hàng nghìn người cải đạo sang Phật giáo. Chúng ta cũng nhớ đến những nhà sư Việt Nam dũng cảm đã tự thiêu để phản đối chiến tranh.

Và, lấy cảm hứng từ sự phản đối chiến tranh Việt Nam, Hội Ái hữu Hòa bình Phật giáo được khởi xướng ở Hawaii bởi Robert Aitken Roshi, một thiền sư đã viên tịch. Giờ đây, nó đã trở thành một nỗ lực quốc gia chịu ảnh hưởng của nhà hoạt động Phật giáo Việt Nam Thích Nhất Hạnh và Đức Đạt Lai Lạt Ma, người đấu tranh cho nhân quyền ở Tây Tạng và thế giới. Phong trào Phật giáo nhập thế ở phương Tây cũng được truyền cảm hứng bởi ông Sulak Sivaraksa của Thái Lan và Tiến sĩ A. T. Ariyaratne của Sri Lanka. Tiến sĩ Ariyaratne đã thành lập một cơ quan dịch vụ xã hội Sarvodaya giúp mọi người thông qua các tổ chức làng xã để cứu trợ và phát triển, Danh xưng có nghĩa là sự thức tỉnh của tất cả thông qua nổ lực chung.

Chúng ta cũng có thể lưu ý đến xuất thân Phật giáo của bà Aung San Suu Kyi ở Miến Điện (Myanmar), người đã bị chính quyền đàn áp từ lâu vì bà kiên quyết ủng hộ nền dân chủ. Tiến sĩ Ken Tanaka kêu gọi sự chú ý đến một phong trào Tịnh độ hiện đại ở Đài Loan với sự tham gia xã hội tích cực hơn: “Kiến lập và Tịnh độ nhân gian.” (Phật Tịnh Độ Tông, tr. 15.)

Ngoài ra còn có Hội Cứu trợ Từ bi Phật giáo Từ Tế tổ chức các phòng khám y tế và thực hiện các dịch vụ xã hội trên khắp thế giới. Tổ chức Tzu Chi có nguồn gốc từ Đài Loan vào năm 1966 bởi Master Cheng-yen. Nó tham gia vào chăm sóc y tế, giáo dục và truyền bá Phật giáo trên khắp thế giới. Khởi đầu với 30 thành viên, những bà nội trợ tiết kiệm hai xu từ tiền mua hàng tạp hóa mỗi ngày để giúp đỡ người nghèo, quỹ hiện có tình nguyện viên ở 47 quốc gia và 372 văn phòng trên toàn thế giới.

Từ những ví dụ về hoạt động Phật giáo lịch sử và đương đại cho thấy rằng Phật giáo có thành tích hoạt động xã hội ủng hộ phúc lợi con người, nhân quyền và công lý, cộng đồng Phật tử nhập cư ở Hawaii và đại lục, đặc biệt là người Nhật, dường như bị tụt hậu trong những nỗ lực đó. Tuy nhiên, tình huống này cũng phải được hiểu theo lịch sử.

Phật giáo đến Hawaii ban đầu như một chỗ dựa tinh thần cho các gia đình lao động Nhật Bản trên các đồn điền đường. Được du nhập trực tiếp từ quê hương, Phật giáo phản ánh những điều kiện phổ biến ở Nhật Bản vốn đã được định hình trong bối cảnh chế độ chuyên quyền qua nhiều thế kỷ. Trong suốt lịch sử của mình, chính quyền Nhật Bản hạn chế tiếp cận và giảng dạy quần chúng, đặc biệt là trong thời kỳ Tokugawa (1800-1898) tự cô lập. Chức năng chính của các ngôi đền, tự viện là thờ phụng tổ tiên và duy trì trật tự xã hội.

Ngoài ra, vì tôn giáo của tầng lớp lao động, bị tách biệt trong các đồn điền, không có quyền công dân hoặc sự công nhận về chính trị hoặc xã hội, các thành viên nhập cư hướng nội đến các ngôi tự viện nơi họ nhận được sự hỗ trợ tinh thần và các nguồn lực để xác nhận cá nhân. Các ngôi đền được xây dựng và chủ yếu hoạt động như các tổ chức xã hội và cộng đồng, duy trì các trường dạy ngôn ngữ và các hoạt động văn hóa, đồng thời là trung tâm nghi lễ của đức tin.

Vị thượng thủ thứ hai của Hongwanji đã ủng hộ các cuộc đình công đa chủng tộc vào những năm 1920 tại Oahu, Hawaii, khiến cộng đồng chiếm ưu thế đáng kể. Ông đã viết các bài luận về sự tương thích giữa Phật giáo và dân chủ, đồng thời kêu gọi sự chú ý đến thói đạo đức giả của người Mỹ, trong khi tự cho mình là một nền dân chủ, đã có những nỗ lực đàn áp và vi phạm quyền của người Nhật. Người ta đã cố gắng đóng cửa các trường dạy tiếng Nhật, trong khi truyền giáo Cơ đốc giáo nhấn mạnh rằng một người chỉ có thể là một người Mỹ tốt nếu một người theo đạo Cơ đốc. Chiến tranh thế giới thứ hai đã mang lại sự nghi ngờ và từ chối các quyền đối với tăng lữ và tổ chức Phật giáo. Trong khi cộng đồng người Nhật ở Hawaii phần lớn tránh bị giam giữ, không giống như cộng đồng ở đất liền, Phật tử khó có thể “hoạt động tích cực” như chúng ta hiểu hiện nay về hoạt động tích cực.

Với sự trùng tu sau năm 1945, các ngôi chùa và hội chúng lấy lại niềm tin vào truyền thống của họ và xây dựng lại các cơ sở của mình, ở đây và trên đất liền. Theo kinh nghiệm của riêng tôi khi đến Hawaii vào năm 1970, tôi nhận thấy rằng mọi người vẫn còn chịu áp lực. Sẽ dễ kiếm được việc làm trong xã hội hơn nếu một người theo đạo Thiên chúa. Những sinh viên có nền tảng Phật giáo sẽ không dễ dàng thừa nhận họ là Phật tử. Dần dần dưới sự lãnh đạo của Kanmo Imamura, con trai của vị vị thượng thủ thứ hai, việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo và các chương trình nghiên cứu Phật giáo trong các khoa triết học và tôn giáo tại Đại học Hawaii đã góp phần vào việc ngày càng công nhận Phật giáo là một nền giáo dục chính và có ảnh hưởng niềm tin giữa các nền văn hóa trên thế giới. Tất nhiên, đã có những phát triển đáng kể ở đại lục, nơi các tổ chức, phân khoa Tôn giáo mọc lên để giảng dạy các tôn giáo trên thế giới và nhiều chương trình Phật giáo đã được khởi xướng với sự quan tâm đến Thiền và nhữngc hình thức Phật giáo khác. Do đó, trên khắp đất nước từ những năm 60 trở đi, sự quan tâm đến Phật giáo ngày càng tăng với sự gia tăng học bổng, các khóa học và ấn phẩm cũng như sự gia tăng ở các trung tâm nhỏ với một vị thầy và các tín đồ như Diamond Sangha ở Hawaii. Hiện nay còn có các nhóm Thiền Chánh niệm và Thiền Vipassana cũng như đại diện cho truyền thống Phật giáo Tây Tạng.

Do môi trường thay đổi và sự thừa nhận tích cực về sự đa dạng của các con đường tâm linh trong xã hội Hoa Kỳ, những người Phật tử đã bắt đầu phát triển tiếng nói và cách tiếp cận của riêng họ đối với các vấn đề đương đại. Nó đã chuyển từ sự thụ động được thúc đẩy bởi nền tảng văn hóa và lịch sử và sự thiếu tự tin với tư cách là một tín ngưỡng thiểu số sang một tín ngưỡng với thông điệp cần được lắng nghe trong xã hội phân cực của chúng ta. Tại Hawaii, Hiệp hội Phật giáo Quốc tế Hawaii được khởi xướng như một tổ chức giáo dục và đã đưa ra những tuyên bố công khai về hôn nhân đồng giới và chiến tranh ở Iraq.

Thông điệp của Phật giáo kêu gọi chúng ta nhận ra rằng, nhiều vấn đề của chúng ta là do xung đột của bản ngã, cá nhân; cộng đồng, và chúng ta cần tự phản tỉnh. Tất cả các vấn đề của chúng ta không phải do hoàn cảnh bên ngoài hay do người khác tạo ra. Các cuộc tranh luận là hai mặt và cuộc sống dân chủ đòi hỏi sự pha trộn giữa các lợi ích và mong muốn cạnh tranh nhau.

Phật giáo cũng nhấn mạnh đến sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta, điều này có thể chống lại sự gây chia rẽ và cuối cùng là tự chuốc lấy thất bại, hiện đang thống trị nền văn hóa của chúng ta. Chủ nghĩa cá nhân tràn lan, nơi chỉ có thể có người chiến thắng, coi thường kẻ thua cuộc, đang phá hoại kết cấu xã hội mà tất cả chúng ta cần phải sống có ý nghĩa.

Phật giáo sẽ chống lại sự kết hợp giữa chủ nghĩa dân tộc, Cơ đốc giáo và chủ nghĩa tư bản kinh tế đang thống trị xã hội của chúng ta và làm suy yếu trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và ngành công nghiệp vì lợi ích vật chất. Phật giáo, bằng cách khuyến khích tự kiểm điểm và tự phê bình, sẽ thúc đẩy tinh thần trách nhiệm chung và sự thừa nhận rằng chúng ta không thể tồn tại và thịnh vượng trừ khi chúng ta cũng giúp người khác tồn tại và thịnh vượng. Phật giáo sẽ đặt trách nhiệm xã hội lên hàng đầu và nói rõ rằng tự do thực sự là không thể chia cắt.

Phật giáo có thể đóng góp tiếng nói của mình và củng cố các nguyên tắc tự do và công lý vốn là dấu ấn của lịch sử và xã hội Hoa Kỳ. Nó cũng có thể khiến chúng ta khiêm tốn nhận ra rằng chúng ta đã thường xuyên không tuân theo những lý tưởng cao nhất của nền dân chủ của mình. Hoàn cảnh hiện tại, nơi có nhiều người tìm kiếm, mang đến cho Phật giáo một cơ hội chưa từng có trong lịch sử để mang cái nhìn sâu sắc về đạo đức và tâm linh của mình vào xã hội đương đại.

_________________________

Tâm Quảng Nhuận lược dịch từ nguyên bản tiếng Anh “Understanding Buddhist Activism” của tác giả Alfred Bloom, Giáo sư danh dự, Đại học Hawaii, đăng trên trang Shin Drarma Net | Buddhist Study Center, Honpa Hongwanji Mission Of Hawaii

Friday, November 18, 2022

Huỳnh Kim Quang dịch: Khởi nguyên và truyền bá của Phật pháp

Huỳnh Kim Quang dịch: 

Khởi nguyên và truyền bá của Phật pháp

Nguyên tác: Đức Đạt Lai Lạt Ma 

và Ni Trưởng Thubten Chodron

 

Giới thiệu: Đức Đạt Lai Lạt Ma là nhà lãnh đạo tinh thần của người dân Tây Tạng, là người đã nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1989, và là người cổ võ từ bi và hòa bình khắp thế giới. Ngài khuyến khích sự hòa hợp giữa các tôn giáo trên thế giới và tham gia vào nhiều cuộc đối thoại với các nhà khoa học hàng đầu. Xuất gia làm tu sĩ từ thơ ấu, Tỳ Kheo Tenzin Gyantso đã hoàn tất các chương trình học Phật theo truyền thống và tốt nghiệp bằng geshe, tương đương Tiến Sĩ Phật Học. Nổi tiếng với sự thông thái và tấm lòng độ lượng, chứng đắc thiền định, và khiêm tốn, Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn nói, “Tôi chỉ là một tu sĩ Phật Giáo đơn giản.”

Tỳ Kheo Ni Thubten Chodron trở thành vị nữ tu sĩ Phật Giáo kể từ năm 1977. Lớn lên tại Los Angeles, ni trưởng tốt nghiệp với bằng danh dự trong ngành lịch sử từ Đại Học UCLA và tốt nghiệp ngành giáo dục tại Đại Học USC. Sau nhiều năm nghiên cứu và dạy Phật Học tại Châu Á, Châu Âu, và Hoa Kỳ, ni trưởng trở thành người khai sơn và trú trì Tu Viện Sravasti Abbey tại Tiểu Bang Washington. Là người quảng bá những giải thích cụ thể của chính bà về cách nào áp dụng giáo lý Phật Giáo vào đời sống hằng ngày, ni trưởng là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy nhất, gồm “Buddhism for Beginners” [Phật Giáo Cho Người Sơ Cơ]. Ni Trưởng là người hiệu đính tác phẩm “Insight into Emptiness” [Quán Chiếu Vào Không Tánh] của Khensur Jampa Tegchok. Muốn biết thêm thông tin về ni trưởng Thubten Chodron xin vào các trang mạng: www.sravastiabbey.org hay www.thubtenchodronbooks.org)

Ni trưởng Thubten Chodron và Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. (Sravasti Abbey)

Không phải mọi người đều suy nghĩ giống nhau. Họ có những nhu cầu, lợi ích, và bản chất khác nhau trong hầu hết mọi lãnh vực của đời sống, bao gồm tôn giáo. Là bậc thầy trí tuệ, đức Phật trao truyền giáo pháp uyển chuyển tùy theo căn cơ sai biệt của chúng sinh. Chúng ta sẽ quan sát sự phát triển của hai truyền thống Phật Giáo chính chứa đựng những giáo pháp này, là truyền thống Pàli và Sanskrit. Nhưng trước hết, chúng ta bắt đầu với câu chuyện về cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Cuộc đời Đức Phật

Trong quan điểm thông thường đối với hai truyền thống, đức Cồ Đàm Sĩ Đạt Ta, vị hoàng tử từ dòng tộc Thích Ca, được sinh ra và lớn lên gần lãnh địa mà ngày nay là biên giới của Ấn Độ và Nepal vào thế kỷ thứ 5 hay 6 trước tây lịch, ngài có lòng từ bi và xuất chúng trong nghệ thuật và học thuật của thời đại ngài. Ngài sống trong cung điện suốt thời thơ ấu, nhưng khi thành niên ngài đã khám phá những sự việc bên ngoài cung thành. Trên đường phố nọ, ngài thấy một người bệnh, một lão già, và một xác chết, khiến cho ngài suy nghĩ về bản chất khổ đau của cuộc đời. Khi nhìn thấy một vị khất sĩ thong dong tự tại, ngài quán xét đến khả tính giải thoát khỏi vòng luân hồi. Và vì vậy, năm hai mươi chin tuổi, ngài rời hoàng cung, rũ bỏ trang phục hoàng gia, và thực hành đời sống của một vị khất sĩ thong dong.

Ngài đã tham học với các vị đạo sư lớn của thời đại ngài và thông đạt những kỹ thuật thiền định của họ nhưng khám phá ra rằng chúng không đưa tới giải thoát. Trải qua 6 năm ngài thực hành khổ hạnh nghiêm khắc trong rừng, nhưng rồi nhận thấy rằng sự hành hạ thân xác không thuần hóa được tâm, nên ngài tu theo con đường trung đạo giữ gìn thân thể khỏe mạnh cho lợi ích của việc tu tập tâm linh mà không phóng túng chạy theo các tiện nghi không cần thiết.

Ngồi dưới gốc cây bồ đề nơi mà ngày nay là Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) tại Ấn Độ, ngài nguyện không đứng dậy cho đến khi đạt thành giác ngộ viên mãn. Vào đêm trăng tròn tháng tư âm lịch, ngài đã hoàn thành tiến trình tẩy trừ tất cả vô minh và phát triển tất cả thiện pháp, và ngài đã trở thành đức Phật giác ngộ hoàn toàn (sammàsambudha [chánh biến tri], samyaksambudha [cháng đẳng giác]). Lúc đó ngài đã 35 tuổi, và 45 năm kế tiếp ngài đi giảng dạy giáo pháp mà ngài đã chứng ngộ qua kinh nghiệm tự thân cho những người đến để nghe.

Đức Phật dạy cho tất cả mọi người, nam và nữ, từ tất cả giai tầng xã hội, chủng tộc và tuổi tác. Nhiều người trong số những người đó chọn con đường từ bỏ đời sống gia đình và đi theo con đường xuất gia tu hành, và vì thế cộng đồng tăng già đã được phát sinh. Khi các đệ tử của ngài thành tựu giác ngộ và trở thành những vị thầy trí tuệ, thì họ chia xẻ với những người khác về điều mà họ đã tu học được. Từ đó giáo pháp được truyền bá khắp Ấn Độ cổ thời. Nhiều thế kỷ tiếp theo, Phật Pháp đã được truyền bá xuống phía nam tới Tích Lan [Sri Lanka]; phía tây tới A Phú Hãn ngày nay; đông bắc tới Trung Hoa, Đại Hàn, và Nhật Bản; đông nam tới Đông Nam Á và Nam Dương; và phía bắc tới Trung Á, Tây Tạng, và Mông Cổ. Trong những năm gần đây, nhiều trung tâm Phật Pháp đã mở ra tại Châu Âu, Châu Mỹ, các nước cộng hòa cựu Sô Viết, Úc Châu và Phi Châu.

Tôi cảm thấy có mối quan hệ sâu xa với đức Phật Cồ Đàm cũng như lòng tri ân sâu sắc đối với giáo pháp của ngài và đối với tấm gương cuộc đời ngài. Ngài có sự quán chiếu sâu vào các hoạt động của tâm mà chưa hề được biết trước đó. Ngài dạy rằng cái nhìn của chúng ta ảnh hưởng đến kinh nghiệm chúng ta và những kinh nghiệm khổ đau và hạnh phúc không phải do những người khác đưa tới mà là sản phẩm của vô minh và phiền não ngay trong chính tâm thức chúng ta. Sự giải thoát và giác ngộ hoàn toàn là trạng thái khác của tâm, không phải ngoại cảnh.

Kinh điển Phật Giáo và sự truyền bá của Chánh Pháp

Thừa hay Đạo là đồng nghĩa. Trong khi chúng đôi khi được dùng để nói đến một tiến trình tu tập tâm linh, chuyên môn mà nói chúng đề cập tới trí tuệ tỉnh thức gắn liền với sự buông xả tự nhiên.

Đức Phật chuyển vận bánh xe Chánh Pháp, thiết lập sự tu tập của ba thừa: Thanh Văn Thừa (Sàvakayàna, Sràvakayàna), Duyên Giác Thừa (Paccekabuddhayàna, Pratyekabuddhayàna), và Bồ Tát Thừa (Bodhisattayàna, Bodhisattvayàna). Theo truyền thống Sanskrit, ba thừa khác nhau trong giới hạn của động lực thành tựu mục đích đặc biệt, đối tượng thiền định chính của họ, và số công phu và thời gian cần thiết để đạt được mục tiêu. Giáo lý và người tu tập của ba thừa hiện hữu trong cả truyền thống Pali và Sanskrit. Nói chung, những người tu tập Thanh Văn Thừa thì trên nguyên tắc là theo truyền thống Pali, và người nào tu tập Bồ Tát Thừa thì trên nguyên tắc là theo truyền thống Sanskrit. Ngày nay trong thế giới chúng ta, khó có ai tu tập theo Duyên Giác Thừa.

Giáo pháp của đức Phật truyền bá rộng tại Ấn Độ trong nhiều thế kỷ sau khi đức Phật nhập niết bàn và được mang đến Tích Lan từ Ấn Độ bởi hoàng tử và công chúa của Vu A Dục trong thế kỷ thứ 3 trước tây lịch. Những kinh điển sớm nhất được truyền đạt bằng miệng bởi bhànakas – các vị tu sĩ trùng tuyên các kinh điển – và theo các nguồn sử liệu Tích Lan, thì kinh điển được viết thành văn vào khoảng thế kỷ thứ nhất trước tây lịch để hình thành kinh điển Pali. Trải qua nhiều thế kỷ, bắt đầu tại Ấn Độ và sau đó được tăng cường bởi những tu sĩ Sinhala trong ngôn ngữ Sinhala cổ, khung luận giải về kinh điển được xây dựng. Trong thế kỷ thứ 5 dịch giả và luận sư vĩ đại Phật Âm (Buddhaghosa) biên soạn nhiều bộ luận cổ và phiên dịch chúng sang tiếng Pali. Ngài cũng viết kiệt tác Thanh Tịnh Đạo Luận (Visuddhimagga) và nhiều bộ luận khác. Một vị tu sĩ ở Miền Nam Ấn Độ khác là ngài Hộ Pháp (Dhammapàla), sống một thế kỷ sau đó và cũng viết nhiều bộ luận bằng tiếng Pali. Pali hiện là thánh ngữ thống hợp cả Phật Tử Nguyên Thủy.

Khởi nguyên vào thế kỷ thứ nhất trước tây lịch, truyền thống Sanskrit trở thành quan điểm và từ từ lan truyền khắp Ấn Độ. Các hệ thống triết học tại Ấn Độ — Tỳ Bà Sa (Vaibhasika), Kinh Lượng (Sautrantika), Du Già (Yogacara, còn gọi là Duy Tâm [Cittamatra] hay Duy Thức [Vijnanavada]), và Trung Quán (Madhyamaka) — mở ra như là những học giả phát triển các quan điểm khác nhau trên các điểm chưa được giải thích minh bạch trong các kinh. Dù nhiều giáo nghĩa của truyền thống Pali được chia xẻ với cái này hay cái khác của 4 hệ thống giáo nghĩa này, nó không thể sánh ngang với bất cứ cái nào trong chúng.

Nhiều đại học Phật Giáo mọc lên – Nalanda, Odantapuri, và Vidramasila – và có nhiều Phật tử từ nhiều truyền thống khác nhau và các trường phái triết học cùng nhau nghiên cứu và thực hành. Tranh luận triết học là một tập tục Ấn Độ cổ xưa rất phổ biến; những người thua cuộc được dự kiến chuyển qua trường phái của những người thắng cuộc. Các nhà hiền triết Phật Giáo phát triển tranh luận và lý luận hợp lý để chứng minh giá trị của giáo pháp và để đánh bạc các cuộc tấn công có tính cách triết học của những người không phải Phật Giáo. Những nhà tranh luận Phật Giáo nổi tiếng cũng là những hành giả vĩ đại. Dĩ nhiên, không phải tất cả hành giả Phật Giáo đều thích thú trong phương cách này. Nhiều người thích nghiên cứu kinh điển hay để tu thiền ở những trú xứ thanh vắng.

Ngày nay, 3 tạng kinh có mặt trong 3 thứ tiếng: Pali, Trung Hoa, và Tây Tạng; tạng kinh tiếng Sanskrit không được biên tập tại Ấn Độ. Mỗi tạng kinh được chia ra làm 3 “tạng” (pitaka) – hay các thể loại của giáo pháp — được liên kết với 3 lãnh vực chuyên biệt. Tạng Luật chứa đựng giới luật thiền môn, Tạng Kinh nhấn mạnh thiền định, và Tạng Luận nói đến trí tuệ.

Tạng kinh tiếng Trung Hoa được ấn hành lần đầu tiên vào năm 983, và nhiều bản dịch khác đã được ấn hành sau đó. Ấn bản tiêu chuẩn được dùng ngày nay là Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh [Taishò Shinshù Daizòkyò] được in tại Tokyo vào năm 1934. Nó chứa đựng 4 phần: kinh, luật, luận, và tạp tạng được viết bằng tiếng Trung Hoa. Tạng tiếng Hoa thì rất bao quát, chia xẻ nhiều văn bản với kinh văn tiếng Pali và Tây Tạng. Đặc biệt, các Kinh A Hàm trong tạng tiếng Hoa tương xứng với 4 bộ Nikàyas đầu tiên trong tạng Pali.

Tạng tiếng Tây Tạng được biên tập và hệ thống hóa bởi Buton Rinpoche vào thế kỷ thứ 14. Bản dịch đầu tiên của tạng tiếng Tây Tạng được ấn hành voà năm 1411 tại Bắc Kinh. Các ấn bản sau đó được in tại Nartang ở Tây Tạng vào khoảng từ năm 1731 tới 1742 và sau đó được in tại Dergé và Choné. Tạng Tây Tạng được biên tập thành Kangyur — lời Phật [kinh] trong 108 cuốn – và Tengyur – các bộ đại luận từ Ấn Độ [luận] trong 225 cuốn. Hầu hết những cuốn này đều được dịch sang tiếng Tây Tạng trực tiếp từ tiếng Ấn Độ, chính yếu là tiếng Sanskrit, dù một vài cuốn được dịch từ tiếng Trung Hoa và Trung Á.

Truyền thống Pali [Nam Truyền]

Phật Giáo truyền bá tới Tích Lan, Trung Hoa, và Đông Nam Á nhiều thế kỷ trước khi đến Tây Tạng. Tôi kính trọng chư vị là những bậc đàn anh, đàn chị của chúng tôi.

Nguyên Thủy [Theravàda] hiện nay bắt nguồn từ Thượng Tọa Bộ [Sthaviravàda], một trong 18 bộ phái vào thời xưa ở Ấn Độ. Danh xưng Theravàda không có vẻ chỉ cho một trường phái có mặt tại Ấn Độ trước khi Phật Giáo truyền bá tới Tích Lan. Biên niên sử tiếng Sinhala là Dìpavamsa dùng danh xưng Theravada vào thế kỷ thứ 4 để mô tả các Phật Tử tại đảo quốc này [Tích Lan]. Có 3 hệ phái phụ của Theravada, mỗi hệ phái mang một danh xưng riêng: Abhayagiri [Vô Úy Sơn] (Dharmaruci – Pháp Lạc), Mahàvihàra [Đại Tự, Đại Tịnh Xá], và Jetavana [Kỳ Viên]. Các vị Theravada thuộc phái Abhayagiri có mối liên hệ gần gũi với Ấn Độ và mang nhiều yếu tố Sanskrit. Những vị Theravada thuộc phái Jetavana cũng giống như thế, nhưng mức độ ít hơn, trong khi chư vị Theravada thuộc phái Mahàvihàra thì vẫn giữ giáo lý Theravada chính thống. Vào thế kỷ thứ 12 vị vua xứ này đã bãi bỏ các truyền thống của hai phái Abhayagiri và Jetavana và trộn lẫn các vị tu sĩ đó vào phái Mahàvihàra, là phái vẫn còn nổi bật.

Phật Giáo bị tổn hại nặng nề sau khi thủ đô Tích Lan bị thất thủ bởi lực lượng Cola vào năm 1017. Tăng đoàn Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni đã bị tiêu diệt, dù vậy tăng đoàn Tỳ Kheo đã được phục hồi khi vụ Tích Lan thình các vị tu sĩ từ Miến Điện đến và làm lễ truyền giới. Phật Pháp đã hưng thịnh trở lại tại Tích Lan, và Tích Lan được xem như trung tâm của thế giới Phật Giáo Nguyên Thủy [Theravada]. Khi tình trạng giáo pháp của Theravada hay dòng dõi tăng già trong một quốc gia bị ảnh hưởng bất lợi, các nhà lãnh đạo thỉnh cầu chư tăng từ quốc gia Phật Giáo Theravada khác tới để truyền giới. Điều này vẫn còn tiếp tục cho tới ngày nay.

Vào cuối thế kỷ thứ 18 vua Thái Lan Ràma I bắt đầu xóa bỏ các yếu tố Bà La Môn và mật giáo, dù vậy ngày nay vẫn còn những dấu vết với nhiều ngôi chùa Phật Giáo Thái Lan còn giữ tượng thần Bà La Môn 4 mặt trong sân chủa. Vua Ràma IV (khoảng năm 1851-68), làm tu sĩ gần 30 năm trước khi lên ngôi kế vị, chứng kiến tình trạng buông lung của giới luật và nền giáo dục Phật Giáo và đã thực hiện sự cải tổ tăng già sâu rộng. Qua việc thỉnh tang già truyền thống từ Miến Điện sang, nhà vua đã bắt đầu Pháp Tương Ưng Bộ (Dhammayuttikà Nikàya), thống nhất những bộ phái khác vào Đại Bộ (Mahà Nikàya), chỉ thị cho cả hai bộ giữ gìn giới luật thiền môn chặt chẽ hơn, và đặt hai bộ dưới một thẩm quyền giáo hội duy nhất. Chấn chỉnh lại nền giáo dục thiền môn, nhà vua viết hàng loạt sách giáo khoa trình bày sự tiếp cận Giáo Pháp hợp lý hơn và giảm thiểu bớt những yếu tố văn hóa nhân gian không phải Phật Giáo bám vào Phật Giáo Thái Lan. Khi Thái Lan ngày càng trở nên thống nhất hơn, chính quyền gánh lấy thẩm quyền để đề cử những người thọ giới. Luật Tăng Già (Sangha Act) năm 1902 đặt tất cả các tu việndưới sự kiểm soát của triều đình qua một cơ chế thẩm quyền tập trung đối với toàn thể tăng già trong Hội Đồng Tăng Già Tối Cao (Mahathera Samakhom) được lãnh đạo bởi Vua Sãi (sangharàja). Người an hem cùng cha khác mẹ của Vua Ràma V là Hoàng Tử Wachirayan, soạn các sách giáo khoa mới là nền tảng cho các cuộc thi khảo hạch của tăng già toàn quốc. Những kỳ thi khảo hạch này cải thiện kiến thức của tu sĩ cũng như làm nổi bật các vị tu sĩ là những người thăng hoa trong giáo hội.

Chủ nghĩa thực dân làm tổn hại Phật Giáo tại Tích Lan, nhưng mang lại lợi ích cho một số người Tây Phương theo Phật Giáo, đặc biệt Nhà Thông Thiên Học Helena Blavatsky và Henry Olcott, đã thúc đẩy các cư sĩ Phật Giáo như Anagàrika Dhamamapàla để trình bày Phật Giáo trong ngôn ngữ hợp lý hơn và để nối kết với các Phật Tử trên toàn thế giới. Phật Giáo cống hiến thời điểm vực dậy cho Tích Lan trong việc đương đầu với chủ nghĩa thực dân và thiết lập một quốc gia độc lập.

Chủ nghĩa thực dân đã không làm tổn hại nhiều Phật Giáo tại Miến Điện, và nó thực sự kích thích nhà vua thỉnh cầu các tu sĩ phải dạy thiền minh sát (vipassanà meditation) trong triều đình. Chẳng bao lâu nhiều cư sĩ từ tất cả giai tầng xã hội đều học tập thiền. Tu sĩ Ledi Sayadaw (1846-1923) và Tu sĩ Mingon Sayadaw (1868-1955) mở các trung tâm thiền cho phật tử, và Tu sĩ Mahasi Sayadaw (1904-82) truyền đạt lời dạy của ngài cho những vị giáo thọ cư sĩ. Loại thiền này hiện phổ biến tại Miến Điện.

Phương thức để chọn vua sãi thì khác nhau. Tại Thái Lan, họ thường được chỉ định bởi nhà vua. Tại nhiều nước khác sử dụng sự niên cao lạp trưởng hay quá trình bán dân chủ. Thẩm quyền của vua sãi thì khác nhau: một số là các nhân vật bù nhìn; những vị khác như là ngài Mahà Ghosananda của Cam Bốt có ảnh hưởng rất lớn vì đức độ tu tập, các tác phẩm lợi lạc của họ, và sự thăng hoa của thay đổi xã hội. Vua sãi Thái Lan, ngôi vị có mặt kể từ thế kỷ thứ 18, là một phần của hệ thống quốc gia xử lý những vấn đề quan trọng của tăng già. Vị đó có thẩm quyền hợp pháp đối với các tự viện, các công tác với chính quyền thế tục, và được hỗ trợ bởi Hội Đồng Tăng Già Tối Cao. Tại Cam Bốt ngôi vị vua sãi đã biến mất trong thời kỳ Khờ Me Đỏ cai trị, nhưng vào năm 1981 thì chính quyền đã tái lập lại ngôi vị này.

Trong nhiều trường hợp, các chính quyền quốc gia tạo ra các thay đổi có tác dụng phụ của việc làm giảm bớt vai trò truyền thống của vua sãi như là những bậc đạo sư và lương y và việc thay thế họ với các hệ thống thế tục của nền giáo dục và y khoa hiện đại. Kết quả, các tăng sĩ Theravàda, cũng như các đồng đạo của họ tại những quốc gia theo truyền thống tiếng Phạn [Sanskrit], đã suy nghĩ lại vai trò của họ trong xã hội khi đối diện với hiện đại hóa.

Phật Giáo tại Trung Hoa

Phật Giáo du nhập vào Trung Hoa trong thế kỷ thứ nhất tây lịch, đầu tiên là qua Con Đường Tơ Lụa từ các lãnh địa vùng Trung Á nơi mà Phật Giáo đã thịnh hành và sau đó bằng đường biển từ Ấn Độ và Tích Lan. Vào thế kỷ thứ 2, một tu viện Phật Giáo Trung Hoa đã có mặt, và việc phiên dịch kinh điển Phật Giáo sang tiếng Trung Hoa đã được thực hiện. Những bản dịch lúc đầu sử dụng thuật ngữ không tương xứng nhau, dẫn tới một số hiểu lầm tư tưởng Phật Giáo, nhưng vào thế kỷ thứ 5, các thuật ngữ phiên dịch trở nên ổn định hơn. Đầu thế kỷ thứ 5 cũng đánh dấu sự phiên dịch các bộ luật nhiều hơn. Qua nhiều thế kỷ, các vị hoàng đế bảo trợ cho các nhóm phiên dịch, vì thế nhiều kinh, luận, và sớ giải Phật Giáo từ Ấn Độ và Trung Á được dịch sang tiếng Trung Hoa.

Phật Giáo Trung Hoa vẫn còn giữ sự đa dạng của các tông phái. Một số quan điểm và hành trì thông dụng cho tất cả mọi tông phái, trong khi những quan điểm và hành trì khác chỉ dành cho các tông phái riêng biệt. Một số tông phái khác nhau dựa trên trên các giáo nghĩa triết học của họ, những tông phái khác dựa trên phương thức hành trì, còn những tông phái khác nữa thì do các kinh văn chính của họ. Theo lịch sử, có 10 tông phái chính phát triển tại Trung Hoa.

1/ Thiền được mang đến Trung Hoa bởi vị thiền sư Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma [Bodhidharma] vào đầu thế kỷ thứ 6. Ngài là tổ thứ 28 tại Ấn Độ và là sơ tổ thiền tông tại Trung Hoa. Hiện nay, có 2 thiền phái còn tồn tại: Lâm Tế [Linji, J. Rinzai] và Tào Động [Caodong, J. Soto]. Lâm Tế chủ yếu sử dụng công án [koan] — những câu nói khó hiểu để thách thức hành giả vượt qua giới hạn của tâm thức khái niệm – và nói đến sự hốt nhiên giác ngộ. Tào Động tập trung nhiều hơn vào việc “chỉ đang ngồi” và từ từ đi xa hơn nữa.

Chư vị thiền sư lúc đầu dựa vào Kinh Lăng Già [Lankavatara Sutra] và Kinh Bát Nhã [Prajnaparamita Sutra] như Kinh Kim Cang [Vajracchedika Sutra], và một số vị sau đó dựa theo ý tưởng Như Lai Tạng [tathagatagarbha], hay “Phật tính.” Kinh Thủ Lăng Nghiêm [Surangama Sutra] là phổ biến trong Thiền Tông Trung Hoa. Ngày nay hầu hết những hành giả Thiền tại Hàn Quốc và một số hành giả Thiền Trung Hoa học Trung Quán – triết lý Trung Đạo. Thiền Sư Đạo Nguyên [Dogen Zenji] và Thiền Sư Minh Am Vinh Tây [Myoan Eisai] đã góp phần vào việc đem Thiền vào Nhật Bản trong thế kỷ 13.

2/ Tịnh Độ Tông dựa vào 3 bộ Kinh Tịnh Độ — Tiểu và Đại A Di Đà Kinh hay Vô Lượng Thọ Kinh [Sukhavativyuha Sutra] và Kinh Quán Vô Lượng Thọ [Amitayurdhyana Sutra]. Tông này nhấn mạnh đến việc trì tụng danh hiệu đức Phật A Di Đà và tinh tấn cầu nguyện để được vãng sinh về tịnh độ của Ngài, mà ở đó có đủ tất cả hoàn cảnh cần thiến để thực hành Chánh Pháp và đạt tới giác ngộ viên mãn. Tịnh độ cũng có thể được xem như tự tánh thanh tịnh của chính tâm mình. Chư vị đại sư Trung Hoa như Trí Khải [Zhiyi], Hám Sơn Đức Thanh [Hanshan Deqing], và Ngẫu Ích Trí Húc đã viết các bộ luận về sự tu tập Tịnh Độ, trình bày cách đạt được sự an lạc và giác ngộ bản chất của thực tại trong khi chú tâm vào Phật A Di Đà. Sau thế kỷ thứ 9, sự tu tập Tịnh Độ nhập vào nhiều tông phái khác tại Trung Hoa, và ngày nay nhiều tu viện Trung Hoa tu tập cả Thiền và Tịnh Độ. Ngài Pháp Nhiên đã mang giáo nghĩa Tịnh Độ truyền vào Nhật Bản vào cuối thế kỷ thứ 12.

3/ Thiên Thai Tông được thành lập bởi Huệ Tư [Huisi] (515-76). Đệ tử của ngài là Trí Khải (538-97) thiết lập tiến trình tiệm tu từ dễ tới sâu nhất, với giáo nghĩa tối hậu được chứa đựng trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa [Saddharmapundarika Sutra], Kinh Đại Bát Niết Bàn [Mahaparinirvana Sutra], và Đại Trí Độ Luận [Mahaprajnaparamita-upadesa] của ngài Long Thọ. Tông phái này quân bình giữa tu và học.

4/ Hoa Nghiêm Tông dựa vào Kinh Hoa Nghiêm [Avatamsaka Sutra], được dịch sang tiếng Trung Hoa vào khoảng năm 420. Đại sư Đỗ Thuận [Dushun] (557-640) và đại sư Tông Mật [Zongmi] (781-841) là những vị tổ của Tông Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm Tông nhấn mạnh đến sự tương duyên của tất cả con người và hiện tượng và mối tương nhập với vũ trụ. Cá nhân ảnh hưởng thế giới, và thế giới ảnh hưởng cá nhân. Triết lý Hoa Nghiêm Tông cũng nhấn mạnh đến bồ tát hạnh đem lại lợi lạc cho tất cả chúng sinh trong thế giới.

5/ Tam Luận Tông hay Trung Quán Tông được thành lập bởi nhà phiên dịch Ấn Độ vĩ đại Cưu Ma La Thập [Kumarajiva] (334-413) và trên nguyên tắc dựa vào Trung Quán Luận Tụng [Mulamadhyamakakarika] và Thập Nhị Môn Luận [Dvadasanikaya Sastra] của ngài Long Thọ [Nagarjuna] và Bách Luận [Satake Sastra] của ngài Đề Bà [Aryadeva – Thánh Thiên]. Đôi khi Đại Trí Độ Luận của ngài Long Thọ được thêm vào bộ luận chính thứ 4 của Tam Luận Tông. Tam Luận Tông dựa vào Kinh Bát Nhã [Prajnaparamita Sutra] và theo sau là Kinh Vô Tận Ý Sở Thuyết [Aksayamatinirdesa Sutra] trong việc khẳng định rằng những bộ kinh này tuyên thuyết ý nghĩa tối hậu của giáo pháp Phật Đà.

6/ Du Già Tông [cũng gọi là Duy Thức Tông hay Pháp Tướng Tông] dựa vào Kinh Giải Thâm Mật [Samdhinirmocana Sutra] và Luận Du Già Sư Địa [Yogacaryabhumi Sastra], Luận Thành Duy Thức [Vijnaptimatrasiddhi Sastra], và các bộ luận khác của Ngài Di Lặc [Maitreya], ngài Vô Trước [Asanga] và Ngài Thế Thân [Vasubandhu]. Ngài Huyền Trang [Xuanzang] (602-64) đã dịch những kinh luận quan trọng này và thành lập tông này sau khi ngài trở về Trung Hoa từ Ấn Độ.

7/ Kim Cang Thừa [Vajrayana] [hay Mật Tông] dựa vào Kinh Đại Nhật Như Lai [Mahavairocana Sutra], Kinh Kim Cang Đỉnh [Vajrasekhara Sutra], Kinh Lý Thú Bát Nhã [Adhyardhasatika Prajnaparamita Sutra], Kinh Tô Tất Địa [Susiddhikara Sutra], giải thích sự tu tập du già mật tông. Chưa bao giờ được truyền bá rộng rãi tại Trung Hoa, tông này được mang qua Nhật Bản bởi đại sư Không Hải [Kukai] (774-835) và vẫn còn tồn tại ở đó tới nay.

8/ Luật Tông được thành lập bởi ngài Đạo Tuyên (596-667) và trên nguyên tắc dựa vào Luật Đàm Vô Đức [Dharmaguptaka vinaya], được dịch sang tiếng Trung Hoa vào năm 412. Bốn bộ luật khác cũng được dịch sang tiếng Trung Hoa.

9/ Thành Thật Tông dựa vào Luận Thành Thật [Satyasiddhi Sastra], thuộc loại văn học A Tỳ Đàm nói về tánh không và những đề tài khác. Một số người cho rằng nó nhấn mạnh đến Thanh Văn Thừa, còn những người khác thì nói nó là nhịp cầu giữa Thanh Văn Thừa và Bồ Tát Thừa. Tông phái này hiện không còn.

10/ Câu Xá Tông dựa trên Luận Câu Xá [Abhidharmakosa] được viết bởi ngài Thế Thân [Vasubandhu] và được giới thiệu vào Trung Hoa bởi ngài Huyền Trang. Trong khi tông phái này thịnh hành vào thời kỳ “kỷ nguyên vàng son của Phật Giáo” của triều đại nhà Đường (618-907), hiện nay nó còn rất ít ảnh hưởng.

Một số trong 10 tông phái hiện vẫn còn tồn tại như các tông phái riêng biệt. Giáo nghĩa và sự tu tập của những tông phái đó không được đưa vào trong các tông phái hiện có mặt. Dù Luật Tông không còn như là tông phái riêng biệt hiện nay, sự nghiêm trì giới luật được thực hiện thống nhất trong những tông phái còn lại, và tăng già đang hưng thịnh tại Đài Loan, Hàn Quốc, và Việt Nam. Trong khi không còn là những tông phái riêng biệt, triết lý Câu Xá, Duy Thức, và Trung Quán vẫn được nghiên cứu và tu tập trong các tông phái Trung Hoa bản địa cũng như tại Hàn Quốc, Nhật Bản, và Việt Nam.

Nhiều thay đổi trong xã hội vào đầu thế kỷ hai mươi đã thúc đẩy cải cách và hiện đại hóa Phật Giáo tại Trung Hoa. Sự thoái trào của triều đại Nhà Thanh vào năm 1917 đã chấm dứt sự bào hộ và ủng hộ của triều đình đối với tăng già, và các cơ chế chính quyền, quân đội, và giáo dục muốn tịch thu tài sản của nhà chùa để dùng cho các mục đích thế tục. Các Phật Tử tự hỏi Phật Pháp có thể đóng vai trò gì trong cuộc đối mặt với văn minh hiện đại, khoa học, và các nền văn hóa ngoại quốc.

Sự thay đổi xã hội này đưa tới những phản ứng không đồng nhất. Ngài Thái Hư (1890-1947), có lẽ là vị tu sĩ Phật Giáo Trung Hoa nổi tiếng nhất vào thời đó, đã canh tân lại việc nghiên cứu Trung Quán và Duy Thức và bắt đầu xây dựng những viện giáo dục cho tăng già sử dụng các phương pháp giáo dục hiện đại. Ngài cũng phối hợp sự tối hảo từ kiến thức thế tục và thúc giục hàng ngũ Phật Tử dấn thân nhiều hơn vào xã hội. Du hành sang Âu Châu và Á Châu, ngài đã gặp gỡ tiếp xúc với các Phật Tử của những truyền thống khác và thành lập các chi nhánh của Viện Nghiên Cứu Phật Giáo Thế Giới. Ngài khuyến khích người Trung Hoa tới Tây Tạng, Nhật Bản và Tích Lan để nghiên cứu, và ngài đã thành lập các Phật Học Viện tại Trung Hoa để dạy kinh điển tiếng Tây Tạng, Nhật Bản, và Pali. Ngài Thái Hư cũng hình thành “Phật Giáo Nhân Văn,” mà trong đó các hành giả nỗ lực làm thanh tịnh thế giới bằng việc thực hành bồ tát hạnh ngay bây giờ cũng như thanh tịnh tâm bằng thiền định.

Nhiều tu sĩ Trung Hoa trẻ nghiên cứu Phật Giáo tại Tây Tạng vào thập niên 1920s và 1930s. Pháp Tôn [Fazun] (1902-1980), đệ tử của ngaì Thái Hư, một tu sĩ tại Tu Viện Drepung Monastery [Triết Bạng], nơi ông ấy học và sau đó dịch nhiều bộ luận Ấn Độ sang tiếng Trung Hoa và một số tác phẩm của ngài Tông Khách Ba [Tsongkhapa]. Vị tu sĩ Năng Hải [Nenghai] (1886-1967) học tại Tu Viện Drepung và, sau đó trở về Trung Hoa, xây dựng nhiều chùa thực hành theo giáo lý của ngài Tông Khách Ba. Ngài Bích Tòng [Bisong] (Xing Suzhi 1916-) cũng học tại Tu Viện Drepung và vào năm 1945 trở thành tu sĩ Trung Hoa đầu tiên đậu bằng geshe lharampa [tiến sĩ Phật Học cao nhất].

Học Giả Lộc Thành [Lucheng] liệt kê các tác phẩm kinh văn tiếng Tây Tạng và Trung Hoa để dịch sang các thứ tiếng khác để truyền bá tài liệu Phật Giáo đến những hành giả và học giả Trung Hoa và Tây Tạng. Nửa đầu thế kỷ 20, các Phật tử Trung Hoa đã gia tăng sự thích thú đối với Phật Giáo Tây Tạng, đặc biệt với mật tông, và đã mời nhiều vị thầy Tây Tạng đến Trung Hoa để dạy. Những vị thầy này và các đệ tử Trung Hoa của họ đã dịch hầu hết các tài liệu mật tông.

Đệ tử của ngài Thái Hư là ngài Ấn Thuận (1906-2005) là một học giả uyên bác đã nghiên cứu kinh và luận tiếng Pali, Trung Hoa, và Tây Tạng. Là một tác giả viết rất nhiều, ngài Ấn Thuận đặc biệt thích thú với những giải thích của ngài Tông Khách Ba. Nhờ sự minh giải của ngài Ấn Thuận đối với Trung Quán và Kinh Bát Nhã, nhiều Phật tử Trung Hoa có hứng thú mới mẻ trong các giáo nghĩa này. Ngài đã phát triển sơ đồ của các hệ thống triết lý chính tại Phật Giáo Trung Hoa ngày nay: (1) Tâm huyễn hoặc là quan điểm Duy Thức. (2) Tâm chân thật là giáo nghĩa như lai tạng, được phổ biến tại Trung Hoa và có ảnh hưởng mạnh đến truyền thống tu tập. (3) Không, giả danh là quan điểm Trung Quán dựa vào Kinh Bát Nhã. Ngài Ấn Thuận cũng khuyến khích Phật Giáo Nhân Văn.

Phật Giáo tại Tây Tạng

Phật Giáo Tây Tạng được bắt rễ từ trong các đại học Phật Giáo Ấn Độ như Đại Học Nalanda. Vào các thế kỷ đầu kỷ nguyên tây lịch và kéo dài cho tới đầu thế kỷ thứ 13, Đại Học Nalanda và các đại học khác gồm có nhiều vị học giả và hành giả uyên bác nhấn mạnh đến nhiều bộ kinh khác nhau và chấp nhận sự đa dạng của các giáo thuyết Phật Giáo.

Phật Giáo lần đầu tiên đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ 7 qua hai vị phu nhân của quốc vương Tây Tạng Songtsen Gampo (605 hay 617-649). Một vị phu nhân là công chúa của Nepal và vị khác là công chúa của Trung Hoa, là người mang các tượng Phật Giáo tới Tây Tạng. Kinh văn Phật Giáo bằng tiếng Phạn và Trung Hoa cũng được đưa tới Tây Tạng chẳng bao lâu sau đó. Từ cuối thế kỷ thứ 8 trở về sau, người Tây Tạng thích các kinh văn đến trực tiếp từ Ấn Độ, và những kinh văn này đã hình thành số lượng lớn nền văn học Phật Giáo được dịch sang tiếng Tây Tạng.

Phật Giáo hưng thịnh tại Tây Tạng trong triều đại Vua Trisong Detsen (khoảng 756 tới 800 tây lịch), là người thỉnh chư tăng, triết gia về Trung Quán, và nhà luận lý Santaraksita [Tịch Hộ] từ Đại Học Nalanda và nhà du già mật tông Ấn Độ Padmasambhava [Liên Hoa Sinh] đến Tây Tạng. Santaraksita truyền giới cho các tu sĩ Tây Tạng, thiết lập tăng già tại Tây Tạng, trong khi Padmasambhava truyền trao giáo pháp mật tông.

Santaraksita cũng khuyến tấn vua Tây Tạng hỗ trợ trong việc dịch kinh điển Phật Giáo sang tiếng Tây Tạng. Vào đầu thế kỷ thứ 9, nhiều dịch phẩm đã được hoàn tất, và một ủy ban học giả Tây Tạng và Ấn Độ tiêu chuẩn hóa nhiều thuật ngữ và biên soạn từ điển thuật ngữ. Tuy nhiên, Phật Giáo đã bị bức hại trong triều đại Vua Langdarma (838-842), và nhiều học viện đã bị đóng cửa. Kể từ đó kinh văn Phật Pháp đã không còn phổ biến, sự tu tập của người dân trở thành rời rạc, và họ không còn biết cách làm sao để thực hành tất cả giáo lý đa dạng như một thể thống nhất.

Ở thời điểm quan trọng này ngài Atisa [A Để Sa] (982-1054), một học giả và hành giả từ truyền thống Nalanda, được thỉnh sang Tây Tạng. Ngài dạy một cách lãm bác, và điểu chỉnh những quan điểm sai lầm, ngài viết Bồ Đề Đạo Đăng Luận [Bodhipathapradipa], giải thích rằng cả giáo lý hiển mật đều có thể được thực hành bởi một người trong phương thức có hệ thống, không mâu thuẫn nhau. Kết quả, con người hiểu rằng giới luật thiền môn của Luật Tạng, lý tưởng bồ tát của Kinh Thừa [Sutrayana], và những tu tập chuyển hóa của Kim Cang Thừa [Vajrayana] có thể được thực hành trong phương cách hỗ tương lẫn nhau. Nhiều tu viện lại được dựng lên, và Phật Pháp hưng thịnh tại Tây Tạng.

Phật Giáo tại Tây Tạng trước Atisa được biết như là Nyingma [Hồng Phái] hay phái “cựu dịch.” Dòng mới của giáo pháp du nhập vào Tây Tạng bắt đầu trong thế kỷ thứ 11 trở thành phái “tân dịch” (sarma) và những phái này lần hồi kết tinh để hình thành các truyền thống Kadam, Kagyu, và Sakya. Dòng Kadam cuối cùng được biết như là truyền thống Gelug [Hoàng Phái]. Tất cả 4 truyền thống Phật Giáo Tây Tạng đang hiện hữu ngày nay – Nyingma, Kagyu, Sakya, và Gelug – đều nhấn mạnh Bồ Tát Thừa, hành trì theo hiển và mật giáo, và đều có tư tưởng triết lý Trung Quán. Theo kiểu mẫu của ngài Santaraksita, nhiều tu viện Tây Tạng tham gia nghiên cứu và tranh luận nghiêm ngặt cộng thêm với thiền.

Một số thuật ngữ dùng sai trong quá khứ — thuật ngữ “Lạt Ma Giáo,” “Phật sống,” và “vua thần” – không may vẫn tiếp tục còn. Nhiều người Tây Phương tiếp xúc với Phật Giáo Tây Tạng trong thế kỷ thứ 19 gọi nó là Lạt Ma Giáo, thuật ngữ lúc đầu được tạo ra bởi người Trung Hoa, có lẽ bởi vì họ thấy quá nhiều tu sĩ Tây Tạng và tin sai rằng tất cả những tu sĩ đó đều là lạt ma (những vị thầy). Hay có thể họ thấy những đệ tử tôn kính thầy của họ và nghĩ sai lầm họ tôn sùng thầy họ. Trong cả hai trường hợp, Phật Giáo Tây Tạng không nên được gọi là Lạt Ma Giáo.

Lạt ma [lama] và những vị thầy tái sinh [tulku] (được xác nhận là tái sinh của vị thầy tâm linh) thì khác nhau trong xã hội Tây Tạng. Tuy nhiên, trong vài trường hợp những danh xưng này chỉ đơn giản là những địa vị xã hội, và việc gọi một số người là thầy tái sinh, hóa thân, hay lạt ma dẫn tới sự hư hỏng. Điều làm cho tôi buồn là người ta đặt quá nhiều giá trị lên những danh xưng. Phật Giáo không là giai cấp xã hội. Xét tài năng và đức độ trước khi nhận người nào đó làm thầy hướng dẫn tâm linh mình thì quan trọng hơn nhiều. Các vị thầy phải tu tập tinh tấn và xứng đáng để được kính trọng, dù họ có danh vị hay không.

Một số người tin sai rằng kể từ khi thầy tái sinh được thừa nhận như là tái sinh của những vị đạo sư Phật Giáo vĩ đại lúc trước, họ phải là những vị Phật và vì vậy gọi họ là “Phật sống.” Tuy nhiên, không phải tất cả các vị thầy tái sinh đều là bồ tát, hãy để chư Phật riêng ra.

“Vua thần” có thể bắt nguồn với báo chí Tây Phương và được gán cho ngôi vị của Đạt Lai Lạt Ma. Kể từ khi người Tây Tạng xem Đạt Lai Lạt Ma như là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm [Avalokitesvara], vị bồ tát của lòng từ bi, các ký giả này cho rằng ngài là vị “thần,” và kể từ khi ngài là nhà lãnh đạo chính trị của Tây Tạng, ngài được xem như là vị vua. Tuy nhiên, từ khi tôi giữ ngôi vị của Đạt Lai Lạt Ma, tôi thường xuyên nhắc nhở mọi người rằng tôi là một tu sĩ Phật Giáo đơn giản, không còn gì nữa. Đạt Lai Lạt Ma không phải là vị thần, và kể từ khi Chính Phủ Tây Tạng Trung Ương đặt tại Dharamsala, Ấn Độ, hiện được lãnh đạo bởi một vị thủ tướng, thì ngài không phải là vua.

Một số người nghĩ sai ngôi vị của Đạt Lai Lạt Ma giống như một giáo hoàng Phật Giáo. Bốn truyền thống chính của Phật Giáo Tây Tạng và nhiều chi nhánh phụ của họ hoạt động một cách độc lập nhiều hay ít. Chư vị tu viện trưởng, hóa thân, và những vị thầy tôn quý khác, gặp nhau lần nào cũng thảo luận những vấn đề của lợi lạc hỗ tương dưới sự che chở của Bộ Tôn Giáo và Văn Hóa của Chính Phủ Tây Tạng Trung Ương. Đạt Lai Lạt Ma không kiểm soát những quyết định của họ. Tương tự như thế Đạt Lai Lạt Ma không lãnh đạo bất cứ 4 truyền thống nào. Phái Gelug được lãnh đạo bởi Ganden Tripa, ngôi vị xoay vần, và các truyền thống khác có những phương thức chọn các vị lãnh đạo của riêng họ.

Sự tương đồng và đa dạng của chúng ta

Đôi khi người ta tin tưởng sai rằng Phật Giáo Tây Tạng, đặc biệt Kim Cang Thừa, là riêng biệt với phần còn lại của Phật Giáo. Khi tôi thăm Thái Lan nhiều năm trước đây, một số người lúc đầu nghĩ rằng người Tây Tạng có tôn giáo khác. Tuy nhiên, khi chúng tôi ngồi lại với nhau và thảo luận về luật, kinh, luận, và các đề tài như ba mươi bảy phẩm trợ đạo, tứ thiền, tứ không xứ định, tứ thánh đế, và bát thánh đạo, chúng tôi thấy rằng Theravada và Phật Giáo Tây Tạng có nhiều hành trì và giáo lý tương đồng.

Với Phật Giáo Trung Hoa, Hàn Quốc, và nhiều Phật tử Việt Nam, người Tây Tạng chia xẻ truyền thống tu viện, bồ tát giới, kinh điển tiếng Phạn, và những tu tập theo Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền, và Phật Dược Sư. Khi Phật Tử Tây Tạng và Nhật Bản gặp nhau, chúng tôi thảo luận về bồ tát giới, về các bộ kinh như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Với Chân Ngôn Tông Nhật Bản chúng tôi chia xẻ những hành trì mật chú của Kim Cang Giới mạn đà la [Vajradhatu mandala] và Tỳ Lô Giá Na Viên Mãn Chánh Giác [Vairocanàbhisambodhi].

Trong khi có những khác biệt trong kinh văn chứa đựng trong mỗi tạng, thì có sự chồng chéo của tài liệu được thảo luận trong đó. Trong những chương kế tiếp chúng tôi sẽ khảo sát tỉ mỉ sâu xa hơn một số những điều này, nhưng sau đây là vài thí dụ điển hình.

Đức Phật đã dạy từ lâu về những tổn hại của giận dữ và thuốc giải độc đối với nó trong các kinh điển Pali (thí dụ, Samyutta Nikaya [Tương Ưng Bộ Kinh] 11:4-5). Giáo Pháp để vượt qua sân hận trong Bồ Đề Hành [Bodhicaryavatara] của ngài Tịch Thiên cũng lập lại những điều này. Bộ Kinh (Samyutta Nikaya 4:13) kể lại chuyện đức Phật trải nghiệm cơn đau dữ dội vì bàn chân của ngài bị một mảnh đá cắt đứt. Tuy nhiên, ngài không đau khổ, và khi bị khích động bởi quỷ Màra, ngài nói, “Ta trải lòng từ bi cho tất cả chúng sinh.” Đây là lòng từ bi phát sinh khi nhập thiền và xả thiền (Tây Tạng gọi là tonglen) được dạy trong truyền thống Sanskrit [Bắc truyền], nơi mà hành giả quán tưởng nhận lấy khổ đau của những người khác vào mình và rồi trao cho người khác hạnh phúc của chính mình.

Thêm nữa, mục đích lợi tha của bồ đề tâm rất nổi bật trong truyền thống Sanskrit là sự mở rộng của bốn vô lượng tâm [brahmaviharas], được dạy trong kinh điển Pali. Các truyền thống Pali và Sanskrit chia xẻ nhiều ba la mật [parami, paramita] tương tự. Các phẩm đức của một đức Phật, như thập lực, tứ vô úy, và thập bát bất cộng pháp của một đấng giác ngộ được mô tả trong các kinh điển của cả hai truyền thống. Cả hai truyền thống đề nói đến vô thường, khổ, vô ngã, và không. Truyền Thống Sanskrit tự thấy chứa đựng giáo lý của truyền thống Pali và xây dựng trên một số điểm chính — chẳng hạn, việc giải thích diệt đế theo Kinh Bát Nhã và đạo đế theo Kinh Như Lai Tạng và một số mật giáo.

Các thuật ngữ Phật Giáo Thái, Phật Giáo Tích Lan, Phật Giáo Trung Hoa, Phật Giáo Tây Tạng, Phật Giáo Hàn Quốc, vâng vâng, là những ước lệ xã hội. Trong mỗi trường hợp, Phật Giáo trong một quốc gia không phải là một nguyên khối và chứa đựng nhiều truyền thống hành trì và hệ thống giáo lý Phật Giáo. Trong số này, có những nhóm phụ gồm nhiều tu viện hay vị thầy với những liên kết khác nhau. Một số truyền thống phụ nhấn mạnh đến việc nghiên cứu, trong khi những truyền thống khác nhấn mạnh đến thiền định. Một số nhấn mạnh sự tu tập định (samatha), một số khác chú trọng tu tập tuệ (vipassana, vipasyana), và những truyền thống khác thì chủ trương tu tập cả hai.

Trong khi một quốc gia có thể có nhiều truyền thống trong đó, thì một truyền thống cũng có thể được hành trì tại nhiều quốc gia. Theravada được hành trì tại Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Lào, Cam Bốt, và cũng được thấy tại Việt Nam. Ngay trong các quốc gia theo truyền thống Theravada, một số theo Phật Giáo thời sơ kỳ — duy chỉ kinh điển – không dựa vào những luận giải quá nhiều, trong khi những số khác theo các giải thích trong truyền thống luận tạng. Ngay cả y áo trong một quốc gia hay trong một truyền thống cũng khác nhau.

Tương tự, Thiền được hành trì tại Trung Hoa, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Việt Nam. Trong khi các hành giả Thiền tại những quốc gia này dựa vào những kinh giống nhau, giáo lý và kiểu thiền lại khác nhau.

Tại các nước Tây Phương, Phật Giáo từ nhiều truyền thống và quốc độ khác nhau đang có mặt. Một số nhóm gồm những di dân Á Châu đầu tiên, và chùa chiền của họ đều là những trung tâm tôn giáo và cộng đồng nơi mà người dân có thể nói tiếng mẹ đẻ, ăn thực phẩm giống nhau, và dạy con em của họ văn hóa của quê hương họ. Những nhóm khác tại Tây Phương được bao gồm hầu hết là những người cải đạo Tây Phương. Một ít thì pha trộn.

Là những Phật Tử, hãy giữ những khác biệt này trong tâm và đừng nghĩ rằng mọi thứ mà chúng ta nghe hay học hỏi về truyền thống khác áp dụng cho mọi người trong truyền thống đó. Tương tự không phải mọi thứ chúng ta nghe về phương cách Phật Giáo được hành trì tại một quốc gia đặc biệt áp dụng cho tất cả các truyền thống hay chùa chiền trong đất nước đó.

Thực tế chúng ta là một đại gia đình Phật Giáo đa dạng đi theo cùng một bậc Thầy trí tuệ và từ bi là đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tôi tin rằng sự đa dạng của chúng ta là một trong những sức mạnh của chúng ta. Nó cho phép Phật Giáo truyền bá trên khắp thế giới và làm lợi lạc cho hàng tỉ người trên hành tinh này.

(Trích dịch Chương Thứ Nhất của Tác Phẩm “Buddhism – One Teacher, Many Traditions [Phật Giáo – Một Vị Thầy, Nhiều Truyền Thống] – Wisdom Publications, USA, 2014, pages 1-15)

Wednesday, November 16, 2022

Quang Ngộ: Đây, mùa Hóa giải. Mùa của Tình Thương, Trí Tuệ và Vượt Thắng…

Chúng ta không vì thiên vị “Tình Lam” mà né tránh một thực trạng của môi trường sinh hoạt đoàn thể – cũng như bất kỳ đoàn thể hay tổ chức nào – GĐPT chúng ta thường đối diện với nhiều thử thách. Một trong những thử thách đó là sự xung đột, bởi nhiều nguyên do.

Cuối năm nay, nhìn những hoạt động của GĐPT trên toàn quốc, có thể thấy đây là thời điểm của Đại hội toàn quốc và Hội nghị thường niên, thời điểm mà tất cả lam viên dốc hết tâm tư để giải bày mối ưu tư và khát vọng xây dựng tổ chức.

Đó là Mùa của Tình Thương lan tỏa, mùa của Trí Tuệ sáng tỏ và mùa của Vượt Khó sẽ được vun đắp kiên định hơn.

Tất ai trong chúng ta cũng có thể diễn ngôn về sự Hiểu biết và Tình thương, nhưng để Hiểu và Thương, trước hết cần xây dựng một nền tảng nhận thức chung, ở đó chúng ta thấy rõ mọi mối tương quan mật thiết giữa mình và người mà không còn có sự đối đãi phân biệt. Chẳng vì thế mà một trong những Lời Tâm Nguyện của Huynh Trưởng, được nhắc ở mỗi lần đại hội nơi trang đầu Cẩm Nang – Đó là Lời Quán Nguyện Bốn Vị Đại Bồ Tát, đã thành.

Riêng chúng ta là những vị Sơ Tâm Bồ Tát chưa thành, nơi thập địa có vô số dư vị và đang nương vào đại chúng lam viên hôm nay làm môi trường tu tập, giũ bỏ chấp ngã và ngã sở để mong thành tựu giác ngộ. Xung đột vì vậy chỉ như những nghịch hạnh. Đó là nói một cách khái quát trong lãnh vực tu tập và thực hành giáo lý.

Riêng, song song trong lãnh vực kỹ năng lãnh đạo, phương pháp nào giúp ta khắc phục, hóa giải mọi xung khắc phát sinh từ dị kiến, từ nhận thức không đồng?

Cầu mong các Đại Hội, Hội Nghị ở bất kỳ quốc độ nào của một tổ chức có danh xưng Gia Đình-Phật Tử luôn được mở ra như những Đạo Tràng, nơi đó chỉ lan toả một loại hương thơm Từ Bi và Giải Thoát.

Xung đột có thể tốt cho một tổ chức như thế nào?

Quang Ngộ lược dịch, theo Luke Arthur

Xung đột, mặc dù nên tránh, nhưng không nhất thiết đó là tiêu cực. Trên thực tế, xung đột có thể tốt cho các tổ chức vì nó khuyến khích tư duy cởi mở và giúp tránh xu hướng suy nghĩ theo bè nhóm mà nhiều tổ chức mắc phải. Điều quan trọng là học cách hóa giải xung đột một cách hiệu quả để nó có thể đóng vai trò là chất xúc tác chứ không phải là trở ngại đối với sự cải tiến của tổ chức.

Về cơ bản, xung đột có lợi khi nó làm nổi bật một vấn đề cụ thể của tổ chức và dọn đường cho sự thay đổi.

Xung đột khuyến khích tư duy mới

Mặc dù người ta thường cho rằng mọi người tránh xung đột, nhưng nhiều người thực sự thích xung đột ở một mức độ nhất định vì nó có thể kích thích tư duy mới. Xem xét một quan điểm khác – mà trong một số trường hợp nhất định thể hiện xung đột – có thể mở ra những khả năng mới và giúp tạo ra những ý tưởng mới mà có thể chưa được xem xét.

Xung đột đặt ra những nghi vấn

Xung đột tổ chức thường dẫn đến một loạt câu hỏi cho những người ở cả hai phía trong bất kỳ vấn đề nào. Những tra vấn đó có thể dẫn đến những ý tưởng mới và đột phá trong suy nghĩ có thể mang lại lợi ích cho các cá nhân, Ban và Tổ chức. Khi không có xung đột, không có gì thay đổi. Không cần phải đặt câu hỏi hoặc thách thức hiện trạng. Xung đột tác động cho một cơ hội để xem xét lại, có thể dẫn đến tư duy đột phá.

Xung đột xây dựng mối quan hệ

Dễ chịu là tốt, nhưng khuyến khích xung đột thực sự có thể củng cố các mối quan hệ. Xung đột tổ chức giữa các cá nhân, phòng ban và thậm chí cả đối thủ cạnh tranh có thể giúp xây dựng mối quan hệ thông qua sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Học cách lắng nghe và lắng nghe để học hỏi sẽ dẫn đến những hiểu biết sâu sắc được cả hai bên đánh giá cao trong bất kỳ tình huống xung đột nào. Những nhà lãnh đạo chân thành coi trọng ý kiến ​​và ý tưởng của cấp dưới không chỉ là những nhà lãnh đạo hiệu quả hơn mà còn được các thành viên của họ coi là có giá trị hơn. Nếu một thành viên cảm thấy rằng người lãnh đạo coi trọng ý kiến ​​của mình, thì thành viên đó sẽ coi trọng công việc của mình hơn và tinh thần chung sẽ tăng lên.

Xung đột mở mang đầu óc

Các tổ chức dạy các thành viên cách quản lý xung đột một cách hiệu quả sẽ tạo ra môi trường đổi mới khuyến khích tư duy sáng tạo và mở mang đầu óc cho những khả năng mới, chưa được khám phá trước đây. Xem xét khả năng có những cách thức mới để tiếp cận những thách thức và đáp ứng nhu cầu có thể dẫn đến những cải tiến có lợi cho tất cả các thành viên cũng như tổ chức.

Mâu thuẫn đánh bại sự trì trệ

Các tổ chức tránh xung đột sẽ tránh thay đổi. Tránh thay đổi là vô ích và có thể dẫn đến sự sụp đổ của các tổ chức thành công. Các tổ chức khuyến khích các thành viên tiếp cận xung đột theo những cách tích cực và hiệu quả, có thể đánh bại sự trì trệ và mở ra cơ hội tiếp tục các giải pháp mới và sáng tạo để đáp ứng mọi nhu cầu của tổ chức chúng ta.

Source:

How Can Conflict Be Good for an Organization?

Conflict, while often avoided, is not necessarily bad. In fact, conflict can be good for organizations because it encourages open-mindedness and helps avoid the tendency toward groupthink that many organizations fall prey to. The key is learning how to manage conflict effectively so that it can serve as a catalyst, rather than a hindrance, to organizational improvement.

Basically, conflict is beneficial when it highlights a specific problem area for the organization and clears a path for change.

Conflict Encourages New Thinking

Although it is often assumed that people avoid conflict, many people actually enjoy conflict to a certain degree because it can be a stimulus for new thinking. Considering a different point of view – which in certain cases represents conflict – can open up new possibilities and help to generate new ideas that might otherwise have not been considered.

Conflict Raises Questions

Organizational conflict usually leads to a series of questions for those on both sides of any issue. Those questions can lead to new ideas and breakthroughs in thinking that can benefit individuals, departments, and organizations. When there is no conflict, nothing changes. There is no need to question or challenge the status quo. Conflict represents an opportunity to reconsider, which can lead to breakthrough thinking.

Conflict Builds Relationships

Being agreeable is nice, but encouraging conflict can actually strengthen relationships. The organizational conflict between individuals, departments, and even competitors can help to build relationships through mutual understanding and respect. Learning to listen and listening to learn leads to insights valued by both sides in any conflict situation. Leaders who sincerely value the opinions and ideas of their subordinates are not only more effective leaders but they are also considered more valuable by their members. If a member feels that the leader values his opinion, that member will value his work more and overall morale will increase.

Conflict Opens Minds

Organizations that teach members how to manage conflict effectively create a climate of innovation that encourages creative thinking and opens minds to new, previously unexplored, possibilities. Considering the possibility of new ways of approaching challenges and meeting the demands can result in improvements that benefit all members as well as the organization.

Conflicts Beat Stagnation

Organizations that avoid conflict avoid change. Avoiding change is futile and can lead to the demise of even successful organizations. Organizations that encourage members to approach conflict in positive and productive ways, can beat stagnation and opens the doors to the ability to continue new and innovative solutions to meet our organization all needs.