Wednesday, November 23, 2022

Alfred Bloom | Tâm Quảng Nhuận: Hiểu về tinh thần hoạt động xã hội của Phật giáo | Understanding Buddhist Activism

 Alfred Bloom | Tâm Quảng Nhuận: 

Hiểu về tinh thần hoạt động xã hội của Phật giáo | Understanding Buddhist Activism

Trước nhiều vấn đề của năm mới (2011), điều quan trọng nhất là người Phật tử phải đánh giá lại vai trò của mình trong cộng đồng và xã hội. Chúng tôi bức xúc trước thực tế là tại các cuộc thảo luận gần đây về hoạt động tích cực của Phật giáo đã làm nổi bật thực tế rằng, giới Phật tử, ở Hawaii và hải ngoại, nói chung đã thụ động trước nhiều vấn đề xã hội trong cộng đồng. Đúng là các cộng đồng Phật giáo truyền thống nói chung đã không lên tiếng phản đối chiến tranh, dù trước đây ở Việt Nam hay hiện nay ở Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, vào năm 2007, các thanh niên của Hiệp hội Phật giáo trẻ Honpa Hongwanji đã vận động thành công việc tổ chức Ngày Hòa bình hàng năm ở Hawaii tại cơ quan lập pháp. Ngoài ra, cơ quan lập pháp của Phái đoàn Honpa Hongwanji đã tuyên bố công khai ủng hộ HB 444 về Liên minh Dân sự trong cơ quan lập pháp Hawaii. Trong buổi nói chuyện này, chúng ta sẽ khảo sát hoạt động xã hội của Phật giáo trong lịch sử. Đáng tiếc, cuộc khảo sát này còn sơ sài và hạn chế, chỉ sơ lược về các hoạt động được thực hiện bởi những người theo đạo Phật trên khắp thế giới. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng, ở một mức độ nào đó, nó sẽ phản bác và sửa chữa quan điểm cho rằng Phật tử không nhận thức được xã hội theo bản chất của giáo lý.

Lưu ý, chúng ta cần phân biệt một số yếu tố về các cấp độ hoặc chiều kích hoạt động xã hội. Ở cấp độ Cá nhân, đó là Lòng từ thiện. Ở chiều hướng của Xã hội, nhiều Dịch vụ trong thời nay, đã được thực hiện bởi các tổ chức đáp ứng nhu cầu xã hội. Cùng lúc, những Phúc lợi xã hội, được cung cấp bởi chính phủ, nhưng thường tất cả đều có sự vận động và hỗ trợ của những nhóm tôn giáo và xã hội. Tiếp nữa là Chủ nghĩa tích cực xã hội với tư cách là một lực lượng chính trị tranh đấu vì sự cải thiện của toàn xã hội và vì lợi ích tự do, bình đẳng, công bằng.

Trọng tâm của bài tiểu luận này cho thấy các Phật tử đã tích cực tham gia vào xã hội trong suốt lịch sử qua nhiều Hoạt động Từ thiện và Phục vụ Xã hội khi có thể. Những hoạt động này phần lớn xảy ra trong bối cảnh khi mà các nhà lãnh đạo chính trị thiếu trách nhiệm hoặc thờ ơ. Từ trước cho đến nay, dưới những hệ thống chính trị chuyên quyền, Phật giáo luôn gặp khó khăn khi hoạt động xã hội vì nhiều yếu tố không cho phép. Nhưng với các xã hội dân chủ, bây giờ các Phật tử và cộng đồng Phật giáo có thể tham gia vận động hay hành động nhằm cải cách xã hội nói chung.

Trong truyền thống Phật giáo sơ khai, cụ thể được nêu trong Kinh Pháp Cú, chúng ta có thể quan sát một quan điểm đạo đức phổ quát. Một tín ngưỡng Phật giáo cổ xưa cho rằng Bồ tát Di Lặc sẽ thị hiện từ cung trời Tusita (Đâu Xuất) với tư cách là vị Phật tương lai kế tiếp để sửa chữa những điều sai trái trên thế gian. Niềm tin này sau đó đã truyền cảm hứng cho các hội kín mang tính cách mạng ở Nam Á.

Giáo lý Bát Nhã Tam Muội của Ngài Huệ Năng (Hsin-hsing 540-594) ở Trung Quốc đã thách thức Phật giáo truyền thống là thủ bại. Họ tin rằng tất cả mọi người đều có Phật tính và đều đạt được Phật tính như nhau. Họ tôn kính với gassho – chắp tay – với tất cả những người mình gặp gỡ. Giáo phái cũng thành lập Kho bạc Vô hạn, nhấn mạnh Dana (hiến tặng vị tha) cho người nghèo và bệnh tật. Nhưng sau đó đã bị chính phủ đàn áp.

… Theo Kinh Niết Bàn, toàn bộ các thiện pháp là nhân duyên cho việc tái sinh vào cõi tịnh độ… Nguyên nhân thứ hai là việc khuyến khích bố thí, kêu gọi người ta mở rộng đường, đào giếng, trồng cây ăn trái, chăm sóc y tế và thuốc men cho người bệnh, xây dựng khu nhà sư, cúng dường cho những người thọ giới và hoằng pháp, đúc tượng, xây dựng bảo tháp hoặc cúng dường các loại. Những người như vậy [người nuôi dưỡng lòng quảng đại này] sẽ được tái sinh…

Ở Nhật Bản xa xưa, có những ví dụ đáng chú ý về các nhà sư tham gia vào việc nâng cao xã hội, tuân theo Kinh Niết Bàn, điều mà chính phủ đã không làm. Dosho (629-700) nổi tiếng trong việc xây cầu, đào giếng, đặt phà và mở quán ăn cho người nghèo. Ông được cho là người đã đưa phương pháp hỏa táng vào Nhật Bản. Gyogi (670-749) được mọi người yêu quý đến nỗi được đặt cho danh hiệu kính trọng: Bosatsu (Bồ tát, Phật tổ). Ông cũng xây dựng cầu và đê, kênh tưới tiêu, phà và bến cảng, trồng cây ăn quả, thiết lập các ký túc xá cho khách thập phương. Saicho (767-822), người sáng lập giáo phái Tendai Nhật Bản đã kêu gọi Phật tử sống sao cho xứng đáng là Bảo vật Quốc gia, phục vụ xã hội. Kukai (774-835), người từng giới thiệu giáo phái Shingon, đã xây dựng các con đập và trường học, nơi mọi người từ của tầng lớp đều được đón nhận. Kuya, nhà sư nơi một khu chợ, luôn hát, múa và niệm danh hiệu Phật A Di Đà trong khi tham gia vào các hoạt động phục vụ xã hội.

Sau đó vào thời đại Kamakura (1185-1332), thiền sư Eisai (1141-1215) đã hiến tặng kim loại đồng đúc tượng, bảo dưỡng người nghèo và chẳng quan tâm đến những lời chống báng từ các đệ tử của mình. Thầy Tịnh độ Shinran (1173-1263) đã thẳng thừng chỉ trích chính phủ Nhật Bản bức hại việc truyền bá Tịnh độ. Ông cũng ghi nhận sự bất bình đẳng công lý phổ biến trong xã hội, điển hình trích dẫn một bài thơ của Hoàng tử Shotoku, tuyên bố rằng khi một người giàu ra tòa giống như ném một hòn đá vào nước, thật dễ dàng. Trong khi đó một người nghèo tìm kiếm công lý, nó giống như ném nước vào đá, không thể thắng. Giáo lý của giáo phái Shin đã truyền cảm hứng cho nhiều cuộc nổi dậy của nông dân trong thời kỳ Muromachi sau này (1392-1573) được gọi là Ikko Ikki. Ikko có nghĩa là “nhất tâm” “một hướng” “một cách” và ám chỉ Phật giáo Shin. “Các cuộc nổi dậy của những người Chung một lý tưởng” Nichiren (1222-1282) đã đi sâu vào việc thay đổi nhận thức về giáo lý Phật giáo sai lầm vốn đe dọa sự tồn tại của Nhật Bản. Ông quan tâm sâu sắc đến vận mệnh quốc gia.

Ở Nhật Bản hiện đại sau khi Minh Trị Thiên hoàng phục hồi vào năm 1868, Phật giáo đã có một số nỗ lực cải cách xã hội. Shin Bukkyo Doshikai (Hội đồng hương tân thời của các Phật tử) bác bỏ mê tín dị đoan và chống giáo sĩ. Nó phản đối sự can thiệp của chính phủ vào tôn giáo và thúc đẩy tu tập cũng như giới đức.

Các phong trào với nền tảng Phật giáo Shinshu là Muga no Ai hay tình yêu vị tha. Những người khác là Shinbukkyo Undo (Phong trào Tân Phật giáo) hay nhà cải cách Seishinshugi (tâm linh) của Kiyozawa Manshi và Hanseikai (Tự phản tỉnh) ở Nishi Hongwanji. Muga no Ai do Ito Shoshin (1876-1963) khởi xướng xuất bản tạp chí Tình yêu vị tha vào năm 1905.

Phong trào Tân Phật giáo tổ chức năm điểm chính:

  1. Nguyên tắc cơ bản là phải có đức tin Phật giáo đúng đắn.
  2. (Phật tử) phải làm việc để truyền bá niềm tin đúng đắn và cho sự cải cách của xã hội.
  3. Chủ trương tự do nghiên cứu Phật giáo và các tôn giáo khác.
  4. Họ không chấp vào việc bảo tồn hệ thống tôn giáo cũ và các nghi lễ là cần thiết.
  5. Họ hoàn toàn bác bỏ sự phục tùng chính trị và chính trị can thiệp vào tôn giáo.

Họ cũng quyên góp tiền để giúp đỡ những người bị thương trong hầm mỏ và ủng hộ giới lao động. Họ chỉ trích sự đàn áp của cảnh sát và vi phạm nhân quyền. Họ đứng về các vấn đề công cộng và ủng hộ việc xóa bỏ mại dâm, cũng như phản đối việc uống rượu và hút thuốc.

Cá nhân đáng chú ý là Takagi Kemmyo (1864-1914), một bộ trưởng của Higashi Hongwanji, người đã chết trong ngục tù, bị buộc tội tham gia vào một âm mưu chống lại chính phủ trong tư cách là một nhà hoạt động xã hội. Kujo Takeko (1887-1928), con gái của Abbott Myonyo ở Hongwanji, phải lao lực khi làm việc để cứu giúp những người bị thương trong trận động đất ở Tokyo năm 1923. Bà cũng là người thành lập bệnh viện Asoka ở Tokyo.

Với sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản sau Thế chiến I, Chính phủ Nhật Bản khắc nghiệt hơn. Cảnh sát mật Kempeitai trở nên khét tiếng. Bất kỳ hình thức phản đối chính sách hoặc hoạt động của chính phủ đều trở nên nguy hiểm cho tính mạng của ai đó. Không có tự do tôn giáo thực sự cho đến sau năm 1945 và sự thất bại của chủ nghĩa phát xít Nhật Bản trong Thế chiến II.

Kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc, đã có nhiều phong trào hòa bình của Phật giáo phản đối chiến tranh và vũ khí hạt nhân. Họ cũng thúc đẩy môi trường trong lành, trong khi một số hoạt động để khắc phục sự phân biệt đối xử chống lại burakumin hoặc những người bị kỳ thị. Ngoài ra, đã có những nỗ lực cải cách bản thân các tông phái Phật giáo khác nhau. Một số nhà nghiên cứu tập trung vào sự hợp tác của các giáo phái Phật giáo với chính phủ quân phiệt nhưng những người khác thì chỉ trích một số giáo lý như Giác Ngộ Bổn Nguyên (Primordial Enlightenment) đã khuyến khích sự tự mãn đồng thời dễ dàng chấp nhận mọi khi chúng bị chính quyền sai khiến.

Với Hongwanji đã có một số phát triển đáng chú ý. Trên nền tảng kinh nghiệm của Nhật Bản trong chiến tranh và các vấn đề xã hội, chúng ta có thể quan sát thấy sự phản đối mạnh mẽ của Hongwanji đối với việc tái vũ trang và vũ khí hạt nhân của Nhật Bản. Trong số các học giả đã có nghiên cứu về cái được gọi là Senji Kyogaku hay Học thuyết thời chiến mà tăng lữ đã hợp tác với Chính phủ để hỗ trợ chiến tranh. Nó dẫn đến việc Hongwanji phải xin lỗi vì đã thông đồng với chính phủ. Họ đã phản đối việc sửa đổi điều khoản chống chiến tranh trong hiến pháp.

Một khía cạnh của sự thông đồng giữa giáo phái và chính phủ là việc giải thích ý nghĩa của lòng vị tha. Ngày nay, chúng ta cho rằng vị tha là một cái nhìn sâu sắc quan trọng của Phật giáo. Tuy nhiên, nó có thể có nhiều nghĩa khác nhau. Trong thời chiến, vị tha được hiểu là hy sinh và chết cho Hoàng đế. Có một cụm từ truyền thống nổi tiếng là Messhi hoko, Bỏ cái tôi và phục vụ công chúng.

Hongwanji cũng đã phản đối mạnh mẽ việc chính phủ tái lập ủng hộ đền Yasukuni, biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt và Thần đạo ở Yasukuni làm nơi yên nghỉ cho tất cả những người lính đã chết trong chiến tranh. Vài năm trước, Abbott cũng là người đứng đầu chính thức của một tổ chức xóa bỏ sự phân biệt đối xử với những người Burakumin bị kỳ thị, được gọi là Dowa Mondai. Trong những năm gần đây đã có mối quan tâm rộng rãi đối với các vấn đề sinh thái và môi trường. Ngoài ra còn có một phong trào nhà tế bần mạnh mẽ hoặc phong trào hoạt động Vihara. Trong nhiều cuộc phỏng vấn và thảo luận bàn tròn, Hòa thượng đã nói rõ rằng những người theo Chân tông phải tham gia vào xã hội và rằng các nguyên tắc của Phật giáo có ý nghĩa xã hội. Hongwanji tiếp tục đấu tranh chống phân biệt kỳ thị.

Liên kết với giáo phái Higashi Hongwanji, có Kaiho Shinshu Kyokai. Phong trào này nhằm giải phóng Burakumin bị phân biệt đối xử. Họ đã cảnh giác việc xem xét kỹ lưỡng giáo lý Phật giáo để tìm bất kỳ sự hỗ trợ nào cho sự phân biệt kỳ thị. Họ rất nhạy cảm với ý tưởng về nghiệp. Khi nghiệp được giải thích một cách trừu tượng, nó trở thành số phận và được sử dụng để giải thích bất kỳ giới hạn và điều kiện nào. Việc trở thành Burakumin được coi là kết quả của hành động trong quá khứ ở một kiếp sống khác và xác lập sự phân biệt đối xử. Sự phân biệt đối xử này bắt đầu từ trong Phật giáo với những công việc không trong sạch như đồ tể, thợ thuộc da, và những vấn đề đối đãi liên quan người chết v.v. Nếu bạn đã xem bộ phim Nhật Bản Người tiễn đưa, cốt truyện xoay quanh thái độ đối với những người đối xử với người quá cố.

Chúng ta cũng nên lưu ý rằng có lẽ Nichiren là nhà hoạt động Phật giáo nổi bật nhất. Bỏ qua những cân nhắc về giáo lý và luận chiến, Nichiren tin rằng quốc gia đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng do xung đột nội bộ và khả năng xâm lược nước ngoài của người Mông Cổ. Nichiren chống đối chính phủ vì đã không tuân theo lời dạy của kinh Pháp Hoa. Ông là vị thầy Phật giáo bị ngược đãi nhiều nhất nhưng can đảm nhất vì ông quan tâm đến hạnh phúc của xã hội.

Trong hoàn cảnh hiện đại của chúng ta, hầu hết các phong trào hòa bình ở Nhật Bản đều bắt nguồn từ truyền thống Nichiren và nổi bật nhất là giáo phái Nipponzan Myohoji được chú ý vì đi bộ và giống tiếng trống khắp thế giới vì hòa bình.

Soka Gakkai cũng bắt đầu với nỗ lực cải cách xã hội. Người sáng lập Makiguchi Saburo, một giáo viên địa lý, đã bắt đầu một phong trào tương tự như phong trào Khôi phục đạo đức ở phương Tây. Nó được đặt tên là Hiệp hội học thuật để trau dồi các giá trị văn minh. Anh ấy liên kết với Nichiren Shoshu như một cơ sở tôn giáo. Makiguchi bị cầm tù trong chiến tranh vì phản đối chiến tranh. Anh ta chết trong ngục thất. Một phần thành công của phong trào của ông sau chiến tranh và thông qua quá trình tái thiết dựa trên thực tế rằng đây là nhóm duy nhất không hợp tác với chính phủ như các giáo phái khác đã làm. Trong phong trào mà chúng ta biết sau này, sự nhấn mạnh vào việc lợi lạc thế gian nhờ trì tụng danh hiệu Kinh Pháp Hoa đã nhận được nhiều tiếng tăm hơn, cũng như sự lan truyền nhanh chóng ở Nhật Bản, Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Tại Nhật Bản, nó đã thành lập một đảng chính trị Đảng Chính phủ trong sạch-Komeito. Sinh thái và Hòa bình hiện là chủ đề chính của họ.

Bên ngoài Nhật Bản, chúng ta nên lưu ý đến công việc của Tiến sĩ B. R. Ambedkar (1891-1956) với tư cách là người tham gia xây dựng Hiến pháp Độc lập của Ấn Độ. Ông cũng đã khiến hàng nghìn người cải đạo sang Phật giáo. Chúng ta cũng nhớ đến những nhà sư Việt Nam dũng cảm đã tự thiêu để phản đối chiến tranh.

Và, lấy cảm hứng từ sự phản đối chiến tranh Việt Nam, Hội Ái hữu Hòa bình Phật giáo được khởi xướng ở Hawaii bởi Robert Aitken Roshi, một thiền sư đã viên tịch. Giờ đây, nó đã trở thành một nỗ lực quốc gia chịu ảnh hưởng của nhà hoạt động Phật giáo Việt Nam Thích Nhất Hạnh và Đức Đạt Lai Lạt Ma, người đấu tranh cho nhân quyền ở Tây Tạng và thế giới. Phong trào Phật giáo nhập thế ở phương Tây cũng được truyền cảm hứng bởi ông Sulak Sivaraksa của Thái Lan và Tiến sĩ A. T. Ariyaratne của Sri Lanka. Tiến sĩ Ariyaratne đã thành lập một cơ quan dịch vụ xã hội Sarvodaya giúp mọi người thông qua các tổ chức làng xã để cứu trợ và phát triển, Danh xưng có nghĩa là sự thức tỉnh của tất cả thông qua nổ lực chung.

Chúng ta cũng có thể lưu ý đến xuất thân Phật giáo của bà Aung San Suu Kyi ở Miến Điện (Myanmar), người đã bị chính quyền đàn áp từ lâu vì bà kiên quyết ủng hộ nền dân chủ. Tiến sĩ Ken Tanaka kêu gọi sự chú ý đến một phong trào Tịnh độ hiện đại ở Đài Loan với sự tham gia xã hội tích cực hơn: “Kiến lập và Tịnh độ nhân gian.” (Phật Tịnh Độ Tông, tr. 15.)

Ngoài ra còn có Hội Cứu trợ Từ bi Phật giáo Từ Tế tổ chức các phòng khám y tế và thực hiện các dịch vụ xã hội trên khắp thế giới. Tổ chức Tzu Chi có nguồn gốc từ Đài Loan vào năm 1966 bởi Master Cheng-yen. Nó tham gia vào chăm sóc y tế, giáo dục và truyền bá Phật giáo trên khắp thế giới. Khởi đầu với 30 thành viên, những bà nội trợ tiết kiệm hai xu từ tiền mua hàng tạp hóa mỗi ngày để giúp đỡ người nghèo, quỹ hiện có tình nguyện viên ở 47 quốc gia và 372 văn phòng trên toàn thế giới.

Từ những ví dụ về hoạt động Phật giáo lịch sử và đương đại cho thấy rằng Phật giáo có thành tích hoạt động xã hội ủng hộ phúc lợi con người, nhân quyền và công lý, cộng đồng Phật tử nhập cư ở Hawaii và đại lục, đặc biệt là người Nhật, dường như bị tụt hậu trong những nỗ lực đó. Tuy nhiên, tình huống này cũng phải được hiểu theo lịch sử.

Phật giáo đến Hawaii ban đầu như một chỗ dựa tinh thần cho các gia đình lao động Nhật Bản trên các đồn điền đường. Được du nhập trực tiếp từ quê hương, Phật giáo phản ánh những điều kiện phổ biến ở Nhật Bản vốn đã được định hình trong bối cảnh chế độ chuyên quyền qua nhiều thế kỷ. Trong suốt lịch sử của mình, chính quyền Nhật Bản hạn chế tiếp cận và giảng dạy quần chúng, đặc biệt là trong thời kỳ Tokugawa (1800-1898) tự cô lập. Chức năng chính của các ngôi đền, tự viện là thờ phụng tổ tiên và duy trì trật tự xã hội.

Ngoài ra, vì tôn giáo của tầng lớp lao động, bị tách biệt trong các đồn điền, không có quyền công dân hoặc sự công nhận về chính trị hoặc xã hội, các thành viên nhập cư hướng nội đến các ngôi tự viện nơi họ nhận được sự hỗ trợ tinh thần và các nguồn lực để xác nhận cá nhân. Các ngôi đền được xây dựng và chủ yếu hoạt động như các tổ chức xã hội và cộng đồng, duy trì các trường dạy ngôn ngữ và các hoạt động văn hóa, đồng thời là trung tâm nghi lễ của đức tin.

Vị thượng thủ thứ hai của Hongwanji đã ủng hộ các cuộc đình công đa chủng tộc vào những năm 1920 tại Oahu, Hawaii, khiến cộng đồng chiếm ưu thế đáng kể. Ông đã viết các bài luận về sự tương thích giữa Phật giáo và dân chủ, đồng thời kêu gọi sự chú ý đến thói đạo đức giả của người Mỹ, trong khi tự cho mình là một nền dân chủ, đã có những nỗ lực đàn áp và vi phạm quyền của người Nhật. Người ta đã cố gắng đóng cửa các trường dạy tiếng Nhật, trong khi truyền giáo Cơ đốc giáo nhấn mạnh rằng một người chỉ có thể là một người Mỹ tốt nếu một người theo đạo Cơ đốc. Chiến tranh thế giới thứ hai đã mang lại sự nghi ngờ và từ chối các quyền đối với tăng lữ và tổ chức Phật giáo. Trong khi cộng đồng người Nhật ở Hawaii phần lớn tránh bị giam giữ, không giống như cộng đồng ở đất liền, Phật tử khó có thể “hoạt động tích cực” như chúng ta hiểu hiện nay về hoạt động tích cực.

Với sự trùng tu sau năm 1945, các ngôi chùa và hội chúng lấy lại niềm tin vào truyền thống của họ và xây dựng lại các cơ sở của mình, ở đây và trên đất liền. Theo kinh nghiệm của riêng tôi khi đến Hawaii vào năm 1970, tôi nhận thấy rằng mọi người vẫn còn chịu áp lực. Sẽ dễ kiếm được việc làm trong xã hội hơn nếu một người theo đạo Thiên chúa. Những sinh viên có nền tảng Phật giáo sẽ không dễ dàng thừa nhận họ là Phật tử. Dần dần dưới sự lãnh đạo của Kanmo Imamura, con trai của vị vị thượng thủ thứ hai, việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo và các chương trình nghiên cứu Phật giáo trong các khoa triết học và tôn giáo tại Đại học Hawaii đã góp phần vào việc ngày càng công nhận Phật giáo là một nền giáo dục chính và có ảnh hưởng niềm tin giữa các nền văn hóa trên thế giới. Tất nhiên, đã có những phát triển đáng kể ở đại lục, nơi các tổ chức, phân khoa Tôn giáo mọc lên để giảng dạy các tôn giáo trên thế giới và nhiều chương trình Phật giáo đã được khởi xướng với sự quan tâm đến Thiền và nhữngc hình thức Phật giáo khác. Do đó, trên khắp đất nước từ những năm 60 trở đi, sự quan tâm đến Phật giáo ngày càng tăng với sự gia tăng học bổng, các khóa học và ấn phẩm cũng như sự gia tăng ở các trung tâm nhỏ với một vị thầy và các tín đồ như Diamond Sangha ở Hawaii. Hiện nay còn có các nhóm Thiền Chánh niệm và Thiền Vipassana cũng như đại diện cho truyền thống Phật giáo Tây Tạng.

Do môi trường thay đổi và sự thừa nhận tích cực về sự đa dạng của các con đường tâm linh trong xã hội Hoa Kỳ, những người Phật tử đã bắt đầu phát triển tiếng nói và cách tiếp cận của riêng họ đối với các vấn đề đương đại. Nó đã chuyển từ sự thụ động được thúc đẩy bởi nền tảng văn hóa và lịch sử và sự thiếu tự tin với tư cách là một tín ngưỡng thiểu số sang một tín ngưỡng với thông điệp cần được lắng nghe trong xã hội phân cực của chúng ta. Tại Hawaii, Hiệp hội Phật giáo Quốc tế Hawaii được khởi xướng như một tổ chức giáo dục và đã đưa ra những tuyên bố công khai về hôn nhân đồng giới và chiến tranh ở Iraq.

Thông điệp của Phật giáo kêu gọi chúng ta nhận ra rằng, nhiều vấn đề của chúng ta là do xung đột của bản ngã, cá nhân; cộng đồng, và chúng ta cần tự phản tỉnh. Tất cả các vấn đề của chúng ta không phải do hoàn cảnh bên ngoài hay do người khác tạo ra. Các cuộc tranh luận là hai mặt và cuộc sống dân chủ đòi hỏi sự pha trộn giữa các lợi ích và mong muốn cạnh tranh nhau.

Phật giáo cũng nhấn mạnh đến sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta, điều này có thể chống lại sự gây chia rẽ và cuối cùng là tự chuốc lấy thất bại, hiện đang thống trị nền văn hóa của chúng ta. Chủ nghĩa cá nhân tràn lan, nơi chỉ có thể có người chiến thắng, coi thường kẻ thua cuộc, đang phá hoại kết cấu xã hội mà tất cả chúng ta cần phải sống có ý nghĩa.

Phật giáo sẽ chống lại sự kết hợp giữa chủ nghĩa dân tộc, Cơ đốc giáo và chủ nghĩa tư bản kinh tế đang thống trị xã hội của chúng ta và làm suy yếu trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và ngành công nghiệp vì lợi ích vật chất. Phật giáo, bằng cách khuyến khích tự kiểm điểm và tự phê bình, sẽ thúc đẩy tinh thần trách nhiệm chung và sự thừa nhận rằng chúng ta không thể tồn tại và thịnh vượng trừ khi chúng ta cũng giúp người khác tồn tại và thịnh vượng. Phật giáo sẽ đặt trách nhiệm xã hội lên hàng đầu và nói rõ rằng tự do thực sự là không thể chia cắt.

Phật giáo có thể đóng góp tiếng nói của mình và củng cố các nguyên tắc tự do và công lý vốn là dấu ấn của lịch sử và xã hội Hoa Kỳ. Nó cũng có thể khiến chúng ta khiêm tốn nhận ra rằng chúng ta đã thường xuyên không tuân theo những lý tưởng cao nhất của nền dân chủ của mình. Hoàn cảnh hiện tại, nơi có nhiều người tìm kiếm, mang đến cho Phật giáo một cơ hội chưa từng có trong lịch sử để mang cái nhìn sâu sắc về đạo đức và tâm linh của mình vào xã hội đương đại.

_________________________

Tâm Quảng Nhuận lược dịch từ nguyên bản tiếng Anh “Understanding Buddhist Activism” của tác giả Alfred Bloom, Giáo sư danh dự, Đại học Hawaii, đăng trên trang Shin Drarma Net | Buddhist Study Center, Honpa Hongwanji Mission Of Hawaii

No comments:

Post a Comment