Showing posts with label Trịnh Thanh Thuỷ. Show all posts
Showing posts with label Trịnh Thanh Thuỷ. Show all posts

Friday, January 22, 2021

Trịnh Thanh Thủy: Cơn Nghiện Cell Phone Của Tuổi Trẻ

Cơn Nghiện Cell Phone Của Tuổi Trẻ

Trịnh Thanh Thủy

Có một sự thật không ai chối cãi được là trẻ em ngày nay được sinh ra với cái cell phone (điện thoại di động) bên cạnh. Ngay từ lúc các em chào đời, các bà mẹ trẻ đã sử dụng điện thoại di động để điện đàm khi còn ôm chúng trong lòng suốt 24 giờ một ngày. Có người còn dùng điện thoại di động hay tablet cho trẻ ngậm thay núm vú giả hay làm trò chơi để dụ chúng ăn hay dỗ chúng nín khóc.

Bạn có bao giờ tưởng tượng ra cảnh một em bé trước khi học nói và học đi đã học những trò chơi games trong các ứng dụng (The apps) của điện thoại thông minh (smart phone). Chúng sẽ bắt chước, nói những gì mẹ chúng nói trên điện thoại và nghe những gì chúng nghe được từ phía kia của đầu dây. Hầu hết các bà mẹ thời đại đều một tay cầm cell phone, một tay cầm bình sữa cho các bé bú. Nhờ vậy trí thông minh của các em phát triển nhanh hơn là điều hẳn nhiên và khi các em đến tuổi vào lớp 1. Sau này, các em có thể chơi, hay xuất sắc hơn thì lập trình được các games và apps của riêng mình. Có thể nói là các em có thể học 60% từ computers (máy điện toán) và cell phones, 20% từ cha mẹ và 20% từ giáo dục của trường lớp.

Hậu quả này tốt hay xấu? Cái gì cũng có hai mặt, xấu và tốt nhưng có một điều tốt mà cũng xấu là, các em sẽ giỏi hơn, nhưng trưởng thành nhanh hơn những trẻ của các thế hệ trước đây. Tuổi thơ của các em sẽ khác đi, lanh lẹ, đa năng, bận rộn hơn, bớt hồn nhiên và ngây thơ so với tuổi thật của các em. Đó là chưa kể đến cái hại của phóng xạ viba tác dụng trên óc các em mà tôi sẽ trình bày ở phần dưới.

Một cô giáo dạy kèm cho các em đã than phiền rằng: “Tôi có dạy kèm cho hai em mới 3, 4 tuổi mà chúng đã được sở hữu cell phone, tablets. TV trong nhà thì lúc nào cũng được mở lên. Tôi rất khó nhọc trong việc dạy các em ngồi yên và tập lắng nghe người khác trò chuyện vì đôi mắt chúng lúc nào cũng bận rộn chăm chú vào các màn hình, hết lớn rồi tới nhỏ. “

Tương lai, sẽ không còn cái cảnh các bậc cha mẹ bỏ nhiều thì giờ của họ để sinh hoạt và dạy dỗ cho các em về kinh nghiệm của cuộc sống. Mối liên hệ tình cảm ràng buộc giữa gia đình, cha mẹ và con cái sẽ dần phai lạt.

Và cũng không ai còn ngạc nhiên khi nghe câu chuyện, trẻ em 6 tuổi đã được các bậc phụ huynh cho phép có điện thoại di động riêng. Trong khi cách đây chỉ vài năm, hầu hết những em phải lên trung học mới có quyền sử dụng. Một kết quả trong cuộc thăm dò mới nhất của công ty VoucherCloud đã làm sửng sốt mọi người. Công ty này đã hỏi 2290 phụ huynh có con vào độ 6 tuổi ở Hoa Kỳ về việc này và được trả lời rằng 53% các em được cho phép có cell phone.

Trong một trang mạng “Kids wireless use fact”, họ đã đưa ra những con số thống kê sau đây. Có khoảng 71% những gia đình có con nhỏ dưới tám tuổi có cell phone. Trong số 60% những gia đình cung cấp cell phone cho con họ từ 10 tới 11 tuổi, họ cũng cho các em tuổi, 8, 9 có cell phone.

Như vậy động lực nào đã làm dấy lên phong trào trẻ dùng điện thoại di động, khi các em mới chập chững bước vào bậc tiểu học. Lý do được đưa ra chính là sự an toàn cho các em. Có 33. 33% phụ huynh nói rằng họ muốn liên lạc được với các em bất cứ khi nào họ cần. 20% bảo mục đích họ mua cell phone cho các em vì nó giúp trẻ có thể giữ mối dây liên lạc với gia đình và bạn bè. Và 20% thấy rằng các em được cho phép có điện thoại di động vì bạn bè đồng trang lứa với các em cũng có và rất có lợi.

Tuy nhiên, tuổi nào mới là tuổi đúng và thích hợp cho trẻ sở hữu điện thoại là đề tài gây nhiều tranh cãi cho các bậc làm cha mẹ, ông bà. Do đó, có người tin rằng cái lợi của sự an toàn và tiện lợi cho việc liên lạc đánh bại cái nguy hại của sự lợi dụng hay dùng sai. Họ cũng tin rằng điều này góp phần trong việc tạo cho trẻ một cá tính độc lập-điều này cần cho một trẻ được trưởng thành.

Ngược lại số người phản đối thì nêu ra những cái hại như: trẻ dễ lên mạng, vào các mạng chơi game online, vào chat room, bị quấy nhiều tình dục hay tiếp xúc với những người lạ nguy hiểm. Những tên giết người, và tội phạm tình dục thường săn mồi trên mạng. Các em còn bị quyến rũ và ghiền đánh tin nhắn (text) nữa. Hóa đơn tiền điện thoại sẽ lên cao vì các em không biết kiểm soát hay để ý đến những dịch vụ có khi phải trả tiền và những dịch vụ này thường đắt tiền hơn nhiều so vớicác dịch vụ SMS tiêu chuẩn.

Chưa kể các em còn phải đối diện với những trò bắt nạt qua mạng và những cuộc gọi bất ngờ không lường trước. Bởi vì những kẻ bắt nạt hay sử dụng cell phone như một công cụ để đe dọa, xúc phạm hoặc quấy rối người khác. Cho nên họ nghĩ khi các em bắt đầu vào tuổi thiếu niên (teen) mới là số tuổi thích hợp cho có cell phone.

Những chuyên gia tâm lý nói gì về vấn đề này?. Bác sĩ tâm lý Fran Walfish của Beverly Hills Psychotherapist, cũng là tác giả của cuốn sách “The Self-Aware Parent” khuyên: “Phần lớn, không nên tùy thuộc vào sự trưởng thành sớm của trẻ, mà phải đợi chúng ít nhất là lên 10, độ tuổi 12 hay 13 là lý tưởng. “ Chúng ta cũng không nên vì thấy chúng tỏ ra khôn ngoan, biết trách nhiệm mà mua cell phone cho trẻ 6 tuổi. Hay vì các bạn đồng trang lứa chúng có mà bắt chước mua cho chúng vì sau đó bạn sẽ phải tiếp tục sắm điện thoại cho chúng khi chúng lên 8, 10, 12, 14, 16…Ngoài ra trẻ em vào lứa tuổi 6, 7 luôn luôn làm mất đồ và hay để lạc những vật mà chúng sở hữu và bạn cứ sẽ phải mua cái khác cho chúng khi chúng đánh mất.

Ngoài ra theo một số chuyên gia bên Anh quốc, chuyên nghiên cứu về tác hại của đt di động. Họ đã cảnh báo rằng, không nên cho trẻ em dùng nhiều điện thoại di động vì có thể cái óc nhỏ bé của chúng sẽ gặp khó khăn trong vấn đề tăng trưởng. Bức xạ điện từ trường sẽ thoát ra từ điện thoại di động khi máy bắt đầu mở và khi điện đàm. Vi ba bức xạ xâm nhập xương sọ, vào não bộ, mắt, mũi và các tế bào trên mặt. Nó có thể làm giảm trí nhớ ngắn hạn. Bức xạ cũng ảnh hưởng tới hệ thống miễn dịch, theo khoa học gia Roger Cogwill. Các khoa học gia của Karolinska Institute bên Thụy Điển đang nghiên cứu về hậu quả nàỵ. Những thiết bị có chất kim loại là chất thu hút bức xạ vi ba từ cell phone nhiều nhất. Thí nghiệm cho thấy những người phải đeo kính dùng đt di động thì ảnh hưởng của bức xạ vào mắt tăng 20%, vào đầu tăng 6%. Lý do có thể là do khung kính đeo mắt có kim loại. Nhiều người có răng trám bằng kim loại than phiền có cảm giác nóng nóng trong miệng và đau nhức răng khi nói chuyện trong cell phonẹ. Theo báo Úc Sunday Telegraph ngày 2 tháng 5 1999, bức xạ từ điện thoại di động gây ra khuyết tật cho trên 10. 000 con gà con vì trứng tiếp cận với chất bức xạ nàỵ

Vì thế, đối với các em dưới 16 tuổi, tác hại của sóng cell phone ở lứa tuổi này sẽ cao hơn so với người trưởng thành.

Các cuộc tranh luận về vấn đề tuổi nào mới thích hợp cho trẻ dùng cell phone vẫn còn đang tiếp diễn. Tuy nhiên quyền quyết định và những hậu quả của đúng hay sai, tốt hay xấu vẫn nằm trong sự phán đoán của các bậc phụ huynh. Suy nghĩ cho thật kỹ các bạn nhé.

___________________________
Tài liệu tham khảo
– Study: 53 percent of kids get a cell phone at age 6 | http://abc11. com/technology/study-53-percent-of-kids-get-a-cell-phone-at-age-6/637577/

Monday, May 4, 2020

Trịnh Thanh Thủy: Khi Người Ở Tuyến Đầu Chống Covid-19 Ngã Ngựa

Xem ở đây

Cái chết của nữ bác sĩ Lorna Breen, 49 tuổi, một giám đốc của khu cấp cứu trong bệnh viện Presbyterian Allen Hospital ở Inwood, New York đã gây rúng động và xót xa cho toàn nước Mỹ. Cô là người đứng trong tuyến đầu chống dịch Covid-19 bị nhiễm dịch, khởi bệnh và trở lại làm việc sau khi hồi phục, nhưng được bệnh viện cho về nhà nghỉ ngơi và cô đã tự tử chết tại nhà. Cha mẹ cô đều là bác sĩ y khoa, cha cô nói với giới truyền thông New York trong giọng nghẹn ngào, "Con tôi đã cố gắng tận sức, nhưng bệnh dịch đã giết cô, Lorna Breen không có tiền sử bệnh tâm thần.  Tuy nhiên trong lần tâm sự cuối cùng cô đã nói với tôi rằng, thật là kinh khủng khi phải liên tục theo dõi bệnh nhân truyền nhiễm bị tử vong, thậm chí cả một số bị chết trước khi họ được đưa ra khỏi xe cứu thương." Ông thêm "Lorna được hiểu theo nghĩa của một anh hùng như nhiều anh hùng đang đứng ở đầu chiến tuyến, người đã hiến mạng sống cho bạn bè và thành phố của họ". 
Thật vậy, dù cô đầu hàng bệnh dịch trong tuyệt vọng với một thái độ tiêu cực là kết liễu đời mình. Cô đã là một vị tướng đau khổ và có trái tim tổn thương khi thấy những bệnh nhân quằn quại, đau đớn hớp từng hơi thở khó nhọc như những con cá mắc cạn thiếu oxy khi bị dạt lên bờ. Cô đã từng bị nhiễm, trải qua những giờ phút cơ thể của chính cô chống chỏi tận lực với tử thần để giành lại quyền sống. Thể lực và sức khoẻ của cô đã chiến thắng con bệnh nhưng tâm thần cô bị tổn thương và kiệt sức sau những ngày đêm làm việc không ngừng nghỉ với trách nhiệm đè nặng trên vai của một giám đốc khu cấp cứu. Em gái cô tiết lộ " Cô đã làm việc liên tục 12 tiếng 1 ngày, hết 12 tiếng khi thấy mọi người còn ở đó làm việc, cô lại lao vào giúp họ, cô bảo chung quanh cô, người bệnh khắp nơi, như ngày tận thế đã đến." Em gái cô đã khuyên can cô dừng làm việc, ngủ và nghỉ nhưng cô và các nhân viên y tế đã trả lời rằng " Chúng tôi phải can đảm, phải mạnh mẽ, chúng tôi không thể để người ta nghĩ rằng chúng tôi đang chịu đựng nhọc nhằn khổ sở, dù chúng tôi phải đối đầu với mọi khó khăn"
Quả vậy tất cả họ, những người đứng đầu cuộc chiến như các vị tướng lúc nào cũng phải can đảm làm gương và hy sinh vô điều kiện để dành lại không những mạng sống cho người khác mà còn cả niềm tin chiến thắng tên ác quỷ tử thần nữa. Tuy nhiên, đằng sau những gồng mình mà họ phải chịu đựng, có những mặt trái của sự thật được phơi bày hay dấu kín đã làm tiêu hao tinh thần chiến đấu của họ. Tôi xin liệt kê dưới đây  để bạn đọc thấy được phần nào các vấn đề đã đưa tới sự tự tử của họ. Những nguyên nhân phức tạp này có tác dụng như tiếng sáo Trương Lương áo não làm đứt ruột đứt gan người nghe, mà buông giáo quy hàng. Tiếng sáo đoạn trường đã làm cho 1.000 quân sĩ còn lại của Hạng Võ nhớ quê nhà, nhớ cha mẹ, nhớ vợ con, bỏ quân ngũ trốn biệt giữa đêm khuya. 
Những cái chết quá nhiều của những bác sĩ, y tá, nhân viên y tế bị lây nhiễm cũng là một khủng bố tâm thần cho các người lãnh đạo trong cuộc chiến chống lại bệnh dịch. Con số người chết trong hàng ngũ này được báo cáo nỗi nơi một khác, theo từng ngày từng giờ cứ tăng dần. Tôi chỉ xin ghi lại 1 ít mà tôi lượm lặt ở vài nơi và dĩ nhiên từ những nguồn tin đáng tin cậy nhưng chắc chắn là không chính xác vì có nhiều cái chết chưa kịp báo cáo và chưa có một kiểm kê nào đưa ra chính thức. 
Từ tháng 2 cho tới 9 tháng 4, 2020 đã có hơn 151 bác sĩ Ý đã thiệt mạng theo The FNOMCeO Health Association.. Ở Phi, có khoảng 9 bác sĩ vào tháng 4, 2020. Theo báo Guardian, Anh Quốc tiết lộ, có khoảng 400 nhân viên y tế và hàng tá bác sĩ qua đời vì dịch. Trong đó 9 bác sĩ là người nước ngoài di dân. Ở Mỹ, theo CDC, tới April 9, 20 thì có khoảng 27 nhân viên y tế thiệt mạng, 10 ngàn người nhiễm bệnh. Trong số đó cũng có bác sĩ và y tá người Việt. Ở Canada, một bác sĩ trẻ 44 tuổi, Đào Huy Hào cũng hy sinh trên trận tuyến. Toàn thế giới con số tử vong của các bác sĩ, y tá, và nhân viên y tế, có ít nhất là 5400 người.
Đội ngũ tướng lãnh thiếu thiết bị y khoa cứ bị nhiễm bệnh và chết dần dần. Những vị y sĩ chuyên ngành giỏi, nhiều kinh nghiệm lâu năm nhưng cao tuổi là những người bị lây nhiễm và dễ ra đi nhất, khiến giới y khoa mất đi nhiều nhân tài lỗi lạc. Hoa Kỳ đã thiếu bác sĩ, giờ càng thiếu bác sĩ nhiều hơn. Mà muốn đào tạo 1 bác sĩ đâu phải dễ. Học đã khó, tốn bao nhiêu công lao tiền của, chất xám, mà khi vào nội trú còn khó khăn hơn, luật lệ y tế của Mỹ lại vô cùng khắt khe. Nên ngay cả trong bệnh viện, trước khi có dịch, 1 bệnh nhân muốn gặp bác sĩ, phần lớn phải gặp phụ tá bác sĩ rồi khi nào bệnh nhiều mới được gặp bác sĩ. Ngược lại phải hẹn rất lâu mới gặp được bác sĩ. Sự thiếu thốn đã khiến người Mỹ cũng ngạc nhiên và thốt lên "Tại sao tôi thấy giờ bác sĩ toàn là người nước ngoài". Sự kỳ thị cũng xảy ra đối với các bệnh nhân bị bệnh dịch "Tôi không muốn gặp bác sĩ Tàu". Theo thống kê của US Work Force, có trên 41 ngàn  bác sĩ Ấn Độ đang hành nghề tại Mỹ, chiếm 5% tổng số y sĩ toàn quốc vào năm 2005. Dĩ nhiên con số đó tăng lên nhiều sau 15 năm. ngày nay, trong nhiều trung tâm y khoa HMO chúng ta thấy 75 % bác sĩ là người Ấn Độ. 
Cái chết của bác sĩ Lorna Breen đã cho thấy thế giới đang bắt đầu bước vào một cuộc khủng hoảng tâm thần. Trong một cuộc chiến ngắn hạn, tinh thần con người không dễ bị tổn thương, nhưng trong một cuộc chiến dài hạn, tinh thần chiến đấu của con người sẽ từ từ bị suy sụp, chán nản và tuyệt vọng khi chưa thấy được thuốc chủng ngừa là ánh sáng cuối đường hầm. Số tử vong ngày càng cao, dân chúng bị cách ly trong nhà như ở tù, đi ra ngoài phải đeo khẩu trang, và giữ khoảng cách 6ft. Dân chúng Hoa Kỳ, từ sau nội chiến đến giờ ít khi nào phải trực tiếp sống trong cảnh chiến tranh, sợ hãi hay thiếu thốn, cực khổ. Phong tục của Tây Âu không bắt tay, ôm nhau tỏ tình thân gần gũi thì chào hỏi, cười nói thân mật. Ra đường họ không phải đeo khẩu trang ngoại trừ làm công việc cắt cỏ hay liên quan tới bụi bặm. Bây giờ, mấy tháng trời đại dịch, bị bức bối trong nhà, người già còn chịu đựng nổi chứ trẻ em và thanh thiếu niên quen năng động, đã cảm thấy muốn quậy phá, thoát ra và nổi điên. Những hoạt động để thư giãn tinh thần như thể thao, giải trí, hoà nhạc, gặp gỡ bè bạn cuối tuần hay hội họp ở các tụ điểm tôn giáo đã ăn sâu vào đầu óc con người như tập quán bỗng mất đi. Thêm vào tình hình kinh tế nguy ngập, suy thoái, thất nghiệp và nghèo đói đe doạ, người dân giờ như sống trên đống lửa. Tất cả dẫn đến nguy cơ bệnh tâm thần khiến có người tìm đến phương pháp giải thoát cuối cùng là tự tử. 
Đầu tiên là những người tự tử khi biết mình nhiễm bệnh dịch. Một người đàn ông giết bạn gái của mình trước rồi quay qua dùng súng tự tử vì biết cả hai nhiễm bệnh. Một cặp khác, vì lầm tưởng mình bị nhiễm đã tự tử trước khi kết quả thử nghiệm về là không bị nhiễm. Theo báo Tri-City Herald con số người chết vì tự tử ở Benton County, Washington, trong vòng 7 tuần tăng bất ngờ. Từ March 13 tới April 23 có 9 người tự tử chết nâng con số lên 14 người tử vong vì tự tử trong 1 năm tại đây. Đó là chưa kể có người nhảy lầu từ cao ốc hay ở ga xe điện ngầm ở New York hoặc từ Highway 395 ở Franklin County. 
Ngoài Hoa Kỳ, những nơi khác cũng có con số người tự tử tăng lên trong mùa Covid-19. Ở Ấn Độ, có 7 trường hợp tự tử trong vòng 100 giờ và số người dùng rượu để trấn an nỗi sợ hãi tăng vọt. Riêng Thái Lan vì cách ly, thương mại đóng cửa, mất việc, kinh tế suy thoái đã có 38 trường hợp tự tử được báo cáo đưa đến việc 28 người đã tử vong. Còn ở Vũ Hán số người chết vì đại dịch kể cả việc nhảy lầu tự tử không được báo cáo rõ ràng nên tôi không liệt kê vào đây xem như nó là ẩn số.
Trở lại trường hợp của các nhân viên y tế tự vẫn. Chúng ta ghi nhận ngày April, 24, 2020 một nhân viên y tế trẻ 23 tuổi John Mondello ở New York đã tự tử sau 3 tháng làm việc như 1 Emergency Medical Technician giữa mùa dịch. Hai ngày sau, BS Lorna Breen tự vẫn. Họ đã làm việc trong một môi trường y tế tồi tệ nhất của một ổ dịch. Nơi có trên 18 ngàn cái chết mà mỗi 3 phút lại có 1 người ra đi. Thật là kinh hoàng. Mặc dù họ đã được rèn luyện cho chính mình một chiếc áo giáp tinh thần cứng cỏi trước sự chết chóc. Đã vậy, nhân viên y tế còn bị người đời nhìn họ dưới con mắt kỳ thị. Bác sĩ Angela Vegas làm việc ở Mexico City kể khi cô ra khỏi bệnh viện liền thay ngay áo đời thường vì khi người dân nhận ra bạn là nhân viên y tế họ liền lánh xa, vì họ nghĩ bạn là người mang dịch bệnh. 
Ttong một bài viết ngày April, 18, 2020 trên trang mạng của bác sĩ Pamela Wible, bà tiết lộ, " Tôi đã chứng kiến ​​các bệnh viện che đậy những cái chết của bác sĩ kể từ năm 2012 khi tôi bắt đầu điều tra lý do tại sao rất nhiều bác sĩ đã tự sát trong bệnh viện của chúng tôi. Trong 8 năm, tôi đã điều hành một đường dây nóng tự tử của bác sĩ. Bây giờ tôi đã tích lũy được 1.473 vụ tự tử của bác sĩ. Phân tích nguyên nhân gốc rễ cho thấy điều kiện làm việc nguy hiểm và vi phạm nhân quyền là thủ phạm. Tôi rất quen thuộc với sự kiểm duyệt của các tổ chức y tế. Các bậc phụ huynh mất con vì tự tử trong khóa đào tạo y tế đã được trao bằng tốt nghiệp danh dự vì đã ký các thỏa thuận không tiết lộ để ngăn cản họ nói về cái chết của con họ. Một bà mẹ nói với tôi rằng cô được trường y cung cấp tiền để giữ im lặng về việc con trai mình tự tử. Các bác sĩ bị đe dọa đuổi nếu tiết lộ về cái chết đồng nghiệp của họ. Bệnh viện không muốn ai biết về các điều kiện làm việc tồi tệ vô cùng nguy hiểm mà có thể giết các bác sĩ và bệnh nhân như chơi, nhất là trong mùa đại dịch. 
Tôi cá với bạn rằng, bạn không biết:
  • Một bác sĩ mới ra trường phải làm một ca dài 28 tiếng đồng hồ với số lương dưới mức tối thiểu- Sau khi tốt nghiệp trường Y, một bác sĩ nội trú phải làm việc trên 7 năm tại 1 bệnh viện với 80 tiếng 1 tuần (có khi 100 tiếng hay hơn) . Sự thiếu ngủ trầm trọng dẫn tới những sai phạm y khoa kể cả giết chết bệnh nhân. Trong mùa dịch họ phải làm việc nhiều giờ hơn mà không được trả tiền phụ trội.
  • Trong một môi trường làm việc nguy hiểm, các tân bác sĩ nội trú có tuổi hay có bịnh sẵn sẽ lâm vào tình cảnh nguy hiểm hơn 6 lần các bác sĩ khác, dễ chết vì Covid-19.
  • Các bác sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài đến Mỹ làm việc dễ bị lạm dụng nhất. Nếu họ báo cáo bị lạm dụng, bệnh viện sẽ sa thải họ và họ sẽ bị trục xuất. Không có bạn bè và gia đình ở Mỹ, cái chết vì COVID-19 sẽ dễ dàng được che giấu hơn.
  •  Các bác sĩ không đủ thiết vị y tế đang và sẽ lây nhiễm cho chính họ và bệnh nhân của họ. Yêu cầu các bác sĩ sử dụng một khẩu trang cả tuần cũng giống như yêu cầu bác sĩ phụ khoa sử dụng cùng một loại mỏ vịt cả tuần hoặc yêu cầu một cô gái điếm sử dụng cùng một bao cao su tự chế (làm từ túi rác) cả tuần.
Điều bác sĩ Pamela Wible nói đã có ngay minh chứng xảy ra trên bản tin ngày April 30, 2020 của The Wall Street Journal . Một bác sĩ nội trú không kinh nghiệm đã vặn nút trợ thở cho 1 bệnh nhân quá cao khiến tim người này ngừng bất thình lình và qua đời ở Bronx, New York. Tờ báo còn khám phá ra một trong nhiều trường hợp tương tợ cho thấy các bác sĩ nội trú đang tập sự để trở thành bác sĩ gia đình, nha sĩ hay bác sĩ nhi khoa, vì tình trạng khẩn cấp giờ lại phải chăm sóc các bệnh nhân đang ở trong tình trạng nguy kịch.

Trịnh Thanh Thủy


Tài liệu tham khảo
Honoring physician trainees lost to COVID-19

Nguồn: Việt Báo

Friday, March 27, 2020

Hoa lòng trong cơn đại dịch

Designed by @YC
Hoa lòng trong cơn đại dịch

Giữa mùa đại dịch đang nở rộ, những đóa hoa lòng của những người hảo tâm đang bắt đầu mở ra, vươn bàn tay giúp đỡ tới những người cần giúp. Trước cơn đại dịch, con số người chết và nhiễm bệnh ngày một tăng theo cấp số nhân ở Hoa Kỳ và thế giới, Hoa Kỳ đã bước vào cơn khủng hoảng thiếu trầm trọng các thiết bị y tế cá nhân. Các bác sĩ và y tá và các nhân viên y tế đang thống thiết kêu gọi dân chúng ai có các thiết bị y khoa như mặt nạ khẩu trang đeo mặt, bao tay nylon, tấm chắn mặt y tế, áo choàng phẫu thuật, làm ơn hiến tặng cho họ. Họ là các chiến sĩ ở tuyến đầu trận chiến chống đại dịch, đã hy sinh bản thân để giúp và cứu chúng ta. Nếu họ bị lây nhiễm, không còn ai cứu giúp chúng ta nữa. Tất cả họ có thể là con em hay người thân của chúng ta và trong tương lai gần biết đâu trong số người đang cần điều trị là chúng ta. Những thiết bị chuyên môn như mặt nạ N95 không còn, họ đã dùng những khẩu trang chúng ta thường dùng để tránh bụi, nhưng cũng sắp cạn. Bên Spain các bác sĩ phải dùng bao rác mặc vào người làm áo choàng phẫu thuật. Ở The Mount Sinai Health System của Manhattan, New York các nhân viên y tế truyền nhau tấm tình họ cũng đã dùng bao rác mặc vào người thay cho áo choàng, vì có đồng nghiệp đã chết vì lây nhiễm. Họ đã đưa lời kêu gọi "Công chúng Mỹ thân mến, chúng tôi đã hết thiết bị y khoa. Hashtag của chúng tôi là #GetMePPE. Vui lòng giúp chúng tôi ra khỏi cơn hoạn nạn."
Lời cầu cứu được phát trên mạng và truyền thông rao đi khắp nơi và cuối cùng đã có người hưởng ứng. Họ gởi đến, mang cho lẻ tẻ, mỗi người 1 ít nhưng tấm lòng thật là cao cả. May quá, cộng đồng người Việt chúng ta có người nghe được và đã ra tay giúp đỡ. Trong một thông báo của cộng đồng Người Việt Quốc Gia Michigan, lời kêu gọi có nội dung như sau:
Kính thưa quý Đồng Hương,
Tình trạng thiếu hụt khẩu trang, bao tay và alcohol sanatizer tại các bệnh viện rất trầm trọng. Trong cộng đồng người Việt chúng ta ai có khẩu trang N95 hoặc khẩu trang thường dùng để chống bụi khi làm việc hay Isopropyl Alcohol mà không dùng đến trong lúc này, và có hảo tâm, thì có thể donate cho bệnh viện trong việc cứu người.
N95 khẩu trang để Y Tá và Bác Sĩ dùng khi tiếp xúc với bệnh nhân.
Khẩu trang tránh bụi dùng trong các tiệm nail có thể để các Y Tá dùng trong bệnh viện. 100% alcohol mà tiệm Nail chúng ta sài mỗi ngày cũng rất tốt để khử trùng trong bệnh viện.
Kính xin mời gọi quý ông bà và anh chị em trong cộng đồng chúng ta mỗi người một tay để tiếp tục hỗ trợ các Bác Sĩ và Y Tá trong địa phương tiếp tục hăng say giúp các bệnh nhân qua được bệnh dịch trong thời gian này. Xin nhắc lại là khẩu trang N95. Thường loại khẩu trang này thì nhà sản xuất có ghi bên ngoài hộp hoặc ngay trên khẩu trang. Người Mỹ đã cưu mang người Việt chúng ta trong những ngày tháng khó khăn nhất thì thiết nghĩ bây giờ là cơ hội để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn và nghĩa cử cao đẹp để đền đáp.
Cộng Đồng cũng có ý định dùng tiền quỹ Cộng Đồng để mua thêm các vật liệu y tế trên, nếu trong chúng ta có ai biết nguồn hàng tốt và tin tưởng xin gọi cho chúng tôi.

Sau đó, hội đã nhận được khoảng trên 4000 cái mặt nạ N95+ surgical masks, trên 5000 bao tay và sau đó họ tiếp tục nhận thêm 55,000 gloves, 8 boxes of masks - 800 masks, Gowns - 50 pieces. Các nơi khác cũng gởi đến là: Beaumont - donated 16 boxes, Henry Ford HS - 20 boxes, St. John/Detroit Medical Center - 9 boxes, St. Joseph Mercy Oakland - 10 boxes.
Tất cả các phẩm vật hiến tặng được đem đến các bệnh viện hay trung tâm y tế địa phương hoặc các nơi cần hiến tặng.
Song song với việc hiến tặng ở Michigan, tôi cũng ghi nhận được Hội khí công Hoàng Hạc do Bác Sĩ Phạm Gia Cổn ở Little Saigon, Nam Cali, làm chủ tịch cũng khuyên góp được 200 mặt hạ N95 cho các trung tâm y tế.

Ở Seattle, thuộc Washington State, việc làm của 1 nhóm người Việt đã thực hiện được thật là tử tế, và đầy ắp tình người là cùng nhau may khẩu trang vải hiến tặng. Khi khẩu trang giấy dùng 1 lần rồi bỏ trở nên khan hiếm, khẩu trang vải cũng được dùng để thay thế vì có còn hơn không. Có người hỏi các cơ quan y tế có nhận khẩu trang vải tặng hiến không? Họ trả lời có và họ có cả máy khử trùng nữa. Thế là các chị em giỏi nghề may đã họp nhau lại, bỏ tiền ra mua vải và vật liệu để cắt may. Ai không có máy thì mượn hay đi mua về may. Người biết may chỉ dẫn cho người không biết và mỗi người tự may và bỏ vào bao rồi tập trung lại đem cho. Họ không ngại thức khuya và bận bịu gia đình, cố gắng hoàn tất cho kịp giúp các bệnh viện đang cần khẩu trang đang khan hiếm. Đúng là cứu người như cứu lửa, người Việt mình thật là quyền biến.
Phong trào may khẩu trang tặng hiến cũng đang được các chị em ở San Diego thực hiện. Họ hùn tiền lại mua máy may và vải. Tiệm vải nổi tiếng JoAnn Fabric có chương trình miễn phí cho vải và vật dụng nếu người dân chịu may, ai muốn giúp có thể gọi cho tiệm này và tới mượn mang về may khẩu trang vải. Ai không biết may thì ủng hộ tiền mua vật liệu, các đấng nam nhi thì chung lưng gánh vác việc gọi điện liên lạc, đóng gói, giao hàng v..v... Đọc những lời họ kêu gọi giúp nhau trên face book, tôi thật cảm động muốn rơi nước mắt vì tình người của chúng ta còn đầy ắp.

Trịnh Thanh Thủy

Tài liệu tham khảo
Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Michigan xin chân thành cảm ơn
NGƯỜI VIỆT Ở MỸ MAY KHẨU TRANG
TẶNG CÁC BỆNH VIỆN PHÒNG CHỐNG Covid-19
Below is the information if you're interested in donating PPE to UCI Medical Center.


Nguồn: Viễn Đông