Showing posts with label Thích Tịnh Khiết. Show all posts
Showing posts with label Thích Tịnh Khiết. Show all posts

Thursday, March 4, 2021

Đức Đệ Nhất Tăng Thống Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết: Thông Điệp “Ý Thức Về Nguồn”

 

Đức Đệ Nhất Tăng Thống
Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết

 

Ngài tên thật là Nguyễn Văn Kính, sinh ngày 17 tháng 11 năm Tân Mão (1890) tại làng Dưỡng Mong Thượng, xã Phú Mỹ, quận Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, con trai thứ 3 của cụ Nguyễn Văn Tốn và bà Tôn Nữ Thị Lý.

Năm lên chín tuổi, Ngài bắt đầu theo học chữ Nho. Với tư chất thông minh, chẳng bao lâu Ngài đã tinh thông những bộ sách căn bản của Nho học. Nhưng có lẽ do túc duyên nhiều đời, chí xuất trần đã sẵn, nên sau sáu năm sách đèn theo Khổng học, Ngài quyết chí xin song thân được cùng người anh ruột xuất gia tu học tại chùa Tường Vân, làng Dương Xuân Hạ, quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, thụ giáo ngài Thanh Thái (dòng thiền Lâm Tế) đệ tam tổ chùa Tường Vân. Ngài được Tổ nhận làm đệ tử ban pháp danh là (thượng) Trừng (hạ) Thông, tự Chơn Thường.

Sau 3 năm, Ngài đã học xong chương trình trung đẳng Phật học. Mặc dù trong thời gian mới nhập đạo này, đúng theo truyền thống Thuyền Tông, Ngài phải chấp tác rất nặng nhọc, ngồi việc học hành kinh kệ.

Vốn bẩm tính thông minh, sẵn có một đạo phong uy nghi từ lúc hãy còn nhỏ tuổi, nên Ngài rất được các bạn đồng tu kính nể. Cũng do tư chất đặc biệt xuất chúng ấy, mà Ngài đã được đặc cách miễn tuổi để thụ tam đàn cụ túc vào năm 19 tuổi (năm 1910), chỉ 3 tháng sau khi thụ Sa di giới. Đại giới đàn này do Ngài Vĩnh Gia làm Đàn đầu. Ngài Tâm Truyền làm Yết Ma và ngài Hoằng Phú làm Giáo thụ. Sau khi thụ cụ túc giới trở về chùa. Ngài phát tâm lạy bộ vạn Phật nhất tự nhất bái suốt ba năm liền. Và đến năm 23 tuổi thì song thân Ngài từ trần cùng một lượt, ứng theo một lời nguyện khi sinh tiền của hai Cụ là được vãng sinh cùng một lúc.

Năm 26 tuổi, Ngài được bổ xứ Trụ trì chùa Phước Huệ là chùa của Tuy Lý Vương lập cho một vị công tôn xuất gia tại Vỹ Dạ.

Năm 30 tuổi (1921) Ngài đắc Pháp và được Bổn sư cho kệ:
澄 聰 心 法 本 同 然
付 汝 真 常 道 志 堅
非 有 非 無 非 所 見
寂 然 開 悟 主 人 前

Phiên âm:
Trừng Thông tâm pháp bổn đồng nhiên,
Phó nhữ chơn thường đạo chí kiên.
Phi hữu phi vô phi sở kiến,
Tịch nhiên khai ngộ chủ nhơn tiền.

Tạm dịch:
Tâm, pháp Trừng Thông vốn tự đồng
Đạo thường, chí vững gởi trao ông

Chẳng không, chẳng có, không gì thấy
Trước chủ nhân khai ngộ lặng trong.

và cho đạo hiệu là Tịnh Khiết. Ngài thuộc đời thứ 42 dòng thiền Lâm Tế, đời thứ 8 pháp phái Liễu Quán Nam Hà. Năm Ất Hợi (1935) đời vua Bảo Đại triều Nguyễn; Pháp huynh của Ngài trú trì Tổ đình Tường Vân viên tịch, Ngài được kế thế ngôi vị Trú trì từ đây. Năm này Ngài được 44 tuổi đời. Ngài thường được thỉnh vào cung nội để giảng Pháp cho Hồng gia, nhất là cho Tam tôn cung tức là các bà Thánh cung, Tiên cung, và Từ cung.

Năm 32 tuổi, Ngài trở về Tổ đình cư tang Nghiệp sư viên tịch. Sau đó Ngài theo học lớp Cao đẳng Phật học với Hòa thượng Huệ Pháp chùa Thiên Hưng. Ngài Phước Huệ chùa Thập Tháp, tham cứu kinh điển Đại thừa suốt thời gian 5 năm.

Năm 42 tuổi, Ngài làm dẫn thỉnh sư tại Đại giới đàn Từ Hiếu. Năm 44 tuổi, Ngài trở về trú trì chùa Tường Vân, kế vị Hòa thượng Tịnh Hạnh là anh ruột Ngài vừa viên tịch. Năm 1938 Ngài làm Chứng minh Đạo sư sáng lập An Nam Phật Học hội. Năm 1940 Ngài làm Giám đốc Đạo hạnh, Cao đẳng Phật Học viện mở tại Tổ đình Tường Vân và Báo Quốc, có những Tăng sinh về sau trở thành những bậc pháp khí như cố Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Thiện Hòa, Hòa thượng Hành Trụ, Thượng tọa Trí Tịnh, Thượng tọa Thiện Siêu, Thượng tọa Thiện Minh, Thượng tọa Trí Quang… Năm 1944, Ngài làm Yết Ma Đại giới đàn mở tại Tổ đình Thuyền Tôn. Năm Ất Dậu (1945), Ngài phó pháp cho Pháp tử Pháp danh Tâm Ấn, tự Vĩnh Thừa, hiệu Viên Quang đời thứ 43. Trong dịp này, Ngài ban cho đệ tử đắc pháp bài kệ dưới đây:
Tâm ấn viên minh ngộ đạo tiên
Tham thuyền liễu đạt thấu chơn nguyên
Niên hoa phó nhử Như lai tạng
Tục diệm huệ đăng vạn cổ truyền.
Tạm dịch: Sớm ngộ đạo mầu Tâm ấn sáng
Tham thiền đạt trọn thấu nguồn chơn
Nên học, ta gởi Như lai tạng
Đèn tuệ muôn năm vẫn nối truyền.

Năm 1947, Ngài thụ phong chức vị Tùng Lâm Pháp chủ Trung Việt. Năm 1949 (Kỷ sửu), Ngài làm đàn đầu Hòa thượng cho đại giới đàn Báo Quốc và năm 1950 thì được suy tôn chức vị Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Năm 1951, Ngài ra Bắc chủ tọa Đại hội Giáo hội Tăng già toàn quốc tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Năm 1952, Ngài trở vào Nam chủ tọa lễ truy phong Pháp chủ Phật giáo Nam Việt tại chùa Ấn Quang. Năm 1955 Ngài tham dự đại hội Phật giáo Thế giới tại Tích Lan và chiêm bái Phật tích tại Ấn Độ. Trong cuộc hành hương này Ngài có cảm tác hai bài kệ chữ nho như sau:

Bài thứ 1:
Đạp tuyết phong vân quá hải hà.
Du du hốt kiến lâu đài đa
Bảo tháp thất từng kim tú lệ,
Bồ Đề thiên trượng ngọc bích hoa.
Cảnh tối thâm u tần đáo tự
Duy thường ái tịch niệm Thích Ca
Nhân duyên Bồ-tát khai phương tiện
Nhiếp tận chúng sinh lễ Phật đà.
Nguyên Hồng dịch :
Lướt mây cỡi gió mấy dặm xa,
Lâu đài chợt hiện tựa sao sa.
Tháp báu bảy tầng vàng chói lọi,
Bồ-đề muôn trượng ngọc đơm hoa.
Cảnh giới trang nghiêm từng đặt bước,
Tâm tâm niệm niệm lễ Thích-ca.
Nhân duyên Bồ-tát khai phương tiện,
Độ khắp chúng sinh trở lại nhà.

Bài thứ 2:
Lâm quang tịnh mậu trước thi biên
Phật quốc du ký hữu đại duyên
Tận địa kim ngân triệt vũ trụ
Thanh phong châu ngọc mãn nhân gian
Bồ đề thành đạo trang nghiêm cảnh
Lộc uyển sơ niên chuyển pháp tiên
Ấn Độ hoa khai chân tịnh xứ
Kỳ viên trùng kiến tợ thiền thiên.
Tạm dịch : Cây rừng là bút viết nên thơ,
Nước Phật bao năm những đợi chờ.
Trải khắp bạc vàng nghiêm cõi Phật,
Ngàn phương châu ngọc lẽ đâu mơ.
Bồ-đề cổ thụ nay còn đó,
Lộc uyển vườn xưa đã xứng cơ.
Ấn Độ khai hoa chân thị hiện,
Kỳ viên hội ngộ tự bao giờ.

Mặc dù công việc đối ngoại của Giáo hội đa đoan, Ngài vẫn không bao giờ xao lãng việc nhiếp hóa đồ chúng tùy căn cơ trình độ. Trong một mùa an cư, Ngài đã gởi đến quí vị Đại đức Tăng Ni những lời huấn dụ như sau: “Đạo Phật tồn tại không chỉ y cứ vào những hình thức chùa tháp, lễ nghi, kinh điển – mặc dù kinh điển là kim chỉ nam hướng dẫn ta trên đường đi tới đạo quả vô thượng Bồ đề. Nhưng sự tồn tại đích thực chính là sự thể hiện đạo phong, những nếp sống gương mẫu của các bậc tăng già nghiêm trì giới luật và biết tận lực phục vụ chính pháp để chính pháp mãi mãi tồn tại với con người, cuộc đời và làm lợi ích cho chúng sinh.” Và có lần Ngài gửi huấn dụ cho một đệ tử ở hải ngoại: “Vạn vật biến chuyển không ngừng, dục vọng con người khởi diệt thế nào con đã rõ. Bên trong thì tâm niệm sát na vô thường, bên ngồi thì thanh sắc quyến rũ mãnh liệt, trong không chỗ nương, ngồi không chỗ tựa, bậc trượng phu giữa đời lại hiếm có, tự mình dễ cảm thấy lẻ loi. Nếu không phải là người nuôi chí xuất trần, quyết lánh vọng tìm chân, thì thật khó bảo tồn chí nguyện sơ tâm vậy.”

Đối với những đồ đệ được diễm phúc sống gần gũi bên Ngài đều cảm nhận: Ngài là hiện thân của một bài thuyết pháp hùng vĩ linh động qua đạo phong cốt cách, qua những lời giáo huấn vàng ngọc đề cao trí tuệ và đức tự chủ tự giác. Ngài luôn luôn khuyến khích sự học hỏi Phật pháp cũng như thế pháp, nhưng đồng thời Ngài vẫn thường khuyến cáo môn đệ đừng rơi vào cạm bẫy của trí thức suông.

Trong việc tu trì, Ngài khuyên đệ tử hãy luôn luôn nhiếp tâm chánh niệm trong bốn uy nghi vào tất cả các thời và phải tự chủ đối với pháp môn tu tập, chớ để bị pháp biến chuyển. Ngài khuyên môn đệ sau mỗi thời tụng kinh, lễ bái hay niệm Phật, nên tập ngồi thiền, để tâm an trú ở chỗ vắng lặng, không nghĩ thiện, không nghĩ ác, đừng mãi bám víu vào 1 câu trì chú hay niệm Phật. Ngài thường khuyên dạy bằng một lời vắn tắt: “Gắng tự làm chủ lấy!”. Đối với những phật tử tại gia phải gánh vác nhiều bổn phận, Ngài khuyên một phương pháp giản dị: “Mỗi tối trước khi ngủ, hãy ngồi thẳng trên giường, chí thành tha thiết niệm thong thả 10 lần cầu hồng danh Nam mô A Di Đà Phật. Trong những năm sau này, khi một số đông Tăng Ni còn sơ cơ phải ra làm công tác xã hội thực thi hạnh cứu khổ, Ngài không ngừng khuyên hãy thận trọng gìn giữ sơ tâm, nghiêm trì giới luật. Ngài nhấn mạnh phương châm “Tùy duyên bất biến” và khuyên đệ tử đừng bao giờ lợi dụng địa vị, tuổi trẻ, chức phận mà dễ dãi với bản thân và làm những chuyện phương hại đến đạo nghiệp. Trong những năm gần đây, khi tuổi đã già, sức đã kiệt, Ngài thường dạy đệ tử: “Trước, ta dạy các con bằng lời nói, có khi bằng roi gậy, nhưng nay thì ta dạy bằng sự im lặng.” Ai đã từng có duyên lành hầu cận Ngài, đều phải công nhận Ngài có một uy nghi hùng vĩ trong tất cả các thời. Mặc dù già yếu, Ngài luôn luôn ngồi thẳng người theo thế nhập định. Dáng đi oai vệ như sư tử chúa. Đôi tay dài quá gối buông thẳng khoan thai mỗi khi Ngài đi bách bộ. Đôi mắt luôn luôn nhìn thẳng uy nghiêm. Và đặc biệt, Ngài rất ít khi ngồi ở chỗ không phải chỗ ngồi thường nhật của Ngài trong tự viện. Thế nên chỗ Ngài ngồi trong Tổ đình Tường Vân đã trở thành một nơi thiêng liêng đối với Phật tử miền Trung.

Dù cho Ngài phải xa xứ Huế trong nhiều năm, nhưng suốt thời gian này, và có lẽ mãi mãi từ đây, Phật tử nào bước chân đến Tổ đình cũng vẫn tự nhiên cúi đầu cung kính khi đi ngang qua pháp tòa của Ngài là bộ phản gỗ đơn sơ. Một làn hương không tên nhưng có thật, tỏa ra từ nơi thiêng liêng ấy, khiến mọi người phải cúi đầu úy phục, không dám bước mạnh nói lớn hay có những cử chỉ thiếu uy nghi hay ngay cả một tâm niệm bất chính. Làn hương đó có lẽ là di tích vô hình, vô thanh, vô hương, nhưng linh động nhất của Ngài, đó là làn hương của Giới, Định, Tuệ, làn hương của hạnh kham nhẫn, của đức giải thốt vô vi.

Trong những tháng Ngài ngọa bệnh phải vào điều trị tại dưỡng đường Duy Tân và Sùng Chính, những lúc bệnh tình trầm trọng, đệ tử có thăm hỏi: “Bạch Cố, Cố có mệt lắm không?” thì Ngài trả lời: “Thân ta mệt, nhưng tâm ta thì không”. Hạnh giải thốt vô vi của Ngài biểu lộ trong đức tính “Tùy duyên nhiếp hóa”. Ngài không bao giờ tham cầu đệ tử hay nghĩ đến việc mở mang ngôi Tổ đình cho lớn rộng. Hình thức, nghi lễ không phải là mối quan tâm chính yếu của Ngài. Nhưng có lẽ do định luật y báo, chính báo không rời nhau, nên Ngài đến đâu thì trang nghiêm y báo, đồ chúng sum vầy, đông đúc, mừng vui như con thơ gặp lại mẹ hiền, như nắng hạn gặp cơn mưa lớn.

Ngôi Tổ đình Tường Vân đã bao năm điêu tàn vì thời gian và chiến cuộc, nhưng Ngài không bao giờ cho phép đồ đệ quyên góp trùng tu, vì cảm thông tình trạng kinh tế eo hẹp của Phật giáo đồ hiện tại. Mãi đến gần đây, trong thời gian Ngài xa Huế, một số đệ tử thân tín mới khởi công tái thiết. Lễ khánh thành sắp tổ chức thì được tin Ngài tỏ ý mong trở về, và những căn rạp dựng lên cho cuộc khánh thành, than ôi, bây giờ lại được sử dụng cho tang lễ.

Mãi cho đến ngày rằm tháng 11 năm Nhâm Tý, từ Sài Gòn (lúc bấy giờ Ngài an trú tại Tu viện Quảng Hương Già Lam, do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm giám viện), Ngài quyết liệt bày tỏ ý muốn trở về Huế. Trong lúc Hội đồng Lưỡng Viện tới làm lễ tiễn đưa Ngài về Huế, Thượng tọa cố Viện tưởng Thích Thiện Hoa có bạch: “Xin cung thỉnh Đức Tăng Thống sau khi về thăm cố đô ít ngày, rồi xin Ngài trở lại thủ đô để lãnh đạo Giáo Hội.” Ngài nghiễm nhiên đáp: “Thôi, tôi không vô nữa”.

Sau khi trở về cố đô, Ngài lần lượt viếng thăm các Tổ đình Huế như Thuyền Tôn, Tây Thiên, Từ Đàm, Báo Quốc, Linh Quang, Quốc Ân, Kim Tiên v.v… và các Phật học viện cùng Ni viện. Không ngờ, lần viếng thăm này lại là lần vĩnh biệt cuối cùng! Trong dịp đầu Xuân Quý Sửu, khi quý vị Thượng tọa Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên đến Tổ đình Tường Vân đảnh lễ chúc thọ đầu năm, dường như linh cảm trước sự ra về vĩnh viễn, Ngài đã ân cần phú chúc những lời huấn dụ hết sức cảm động: “Tôi thấy sức khỏe tôi đã kém nhiều, tôi khuyên các Tăng Ni Phật tử cố gắng lo việc tu hành để báo đáp công ơn Tam Bảo, thương mến mà đoàn kết với nhau để xây dựng Giáo hội và góp phần vào nền hòa bình dân tộc.” Ngài khuyên nhủ Tăng Ni cố gắng nghiêm trì giới luật để giữ gìn mối đạo và đừng bỏ rơi chúng sinh thời mạt pháp.

Chỉ sau vài ngày pháp thể khiếm an, Ngài an tường xả báo thân vào lúc 20 giờ 45 phút ngày 23 tháng giêng năm Quý Sửu (nhằm 25-12-1973). Ngài trụ thế 83 năm, hạ lạp 62. Tháp Ngài do môn đồ phụng lập tại khuôn viên Tổ đình Tường Vân.

Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhất Thế,  Trùng Hưng Tường Vân Tổ Đình, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội Đệ Nhất Tăng Thống bảo vị, húy Thượng Trừng hạ Thông, tự Chân Thường, hiệu Tịnh Khiết Đại Lão Hòa Thượng Giác Linh thùy từ chứng giám.

Thông Điệp “Ý thức về nguồn”
của Đức Tăng Thống
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết
công bố vào Xuân Tân Hợi 1971

 

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Kính gửi Chư Hòa Thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, cùng toàn thể Phật tử và đồng bào trong, ngoài nước.

Trước anh linh Tổ quốc và khí thiêng sông núi.
Trước bàn thờ Phật, và khởi từ lòng người thanh tịnh trong cảnh đầu xuân, tôi cầu nguyện cho mọi người một năm mới an lành, và hòa bình sớm thực hiện trên đất nước chúng ta.

Dân tộc Việt Nam chúng ta trong hơn hai mươi năm chiến tranh, từng chịu nhiều khổ cực, biết bao nhân mạng, sức lực và tài sản đã bị hủy diệt. Mà nguyên nhân chính chỉ vì mỗi phía đã phục vụ cho một ý hệ chủ thuyết và quyền lợi khác nhau, rồi tự coi đó là phục vụ Tổ quốc, nhưng đích thực chỉ biết có quyền lợi riêng tư ích kỷ, cố tình tạo mâu thuẫn để có cớ tàn hại lẫn nhau. Đó là một bi thảm của lịch sử dân tộc thời đại!

Dân tộc Việt Nam ta vốn hiếu hòa, không bao giờ chấp nhận sự trả thù, trả oán giữa những người cùng một nòi giống.

Quả tình chúng ta đã đánh mất niềm tin và tình thương yêu bao bọc lẫn nhau.

Quả tình chúng ta đã xa nguồn gốc tổ tiên.

Quả tình đã có những người nghĩ, nói và làm theo những biên kiến, thiên kiến không mấy trong sáng, thậm chí hành xử theo chỉ thị của ngoại nhân, vô tình đưa dân tộc vào con đường phiêu lưu hủy diệt, nhưng lại cứ đinh ninh rằng mình đang thi hành sứ mạng cứu dân, cứu nước.

Hỏi đến bao giờ chúng ta mới thật TỈNH THỨC?

Mỗi lần Tết đến là mỗi lần dân tộc ta có những đổi thay. Cảnh vật đổi mới, lòng người đổi mới. Ý thức đổi mới, nhân dịp này, tôi cầu mong tinh thần Tỉnh Thức sẽ bừng sáng nơi tâm hồn mọi người, để ý thức VỀ NGUỒN, trở về với dân tộc thuần chính, xóa đi những hận thù không bao giờ do chúng ta chủ trương, mà chính ý hệ chủ thuyết và thế lực vật chất vô minh đã thúc đẩy, chỉ huy.

Chúng ta hãy nhìn nhau với sự cảm thông và tình thương yêu chân thật.

Sự cảm thông và tình thương yêu khi đã được thể hiện nơi mọi người, thì công cuộc hóa giải ý hệ, hóa giải hận thù, hóa giải chiến tranh, hóa giải nếp sống sẽ là những ngọn đuốc thắp sáng cho Tổ quốc Việt Nam, mang lại nguồn phúc lợi chung cho dân tộc và hòa bình cho xứ sở.

Trong một năm, thật không có dịp nào tốt đẹp hơn ngày Tết. Chúng ta hãy gột rửa mọi ý niệm vọng ngoại, gột rửa những thiên kiến, biên kiến và luôn luôn Tỉnh Thức, đổi mới tâm hồn. Phải cẩn trọng trong mọi hành động của mình. Có thiện chí là một điều hay. Nhưng có thiện chí mà kém sáng suốt thì đôi khi lại là một tai họa lớn. Chúng ta hãy đoàn kết lại, tạo thành một khối dân tộc lớn mạnh, duy nhất. Chúng ta hãy góp phần tích cực xây dựng một quan niệm sống, một đường lối sống, một khuôn mẫu sống dựa trên tính chỉ từ bi trí tuệ bình đẳng giải thoát và tự chủ, hợp với rung cảm, suy tư và trình tự của một dân tộc tiến bộ, đi lên, thì đó là chúng ta xây dựng nổi một xã hội lành mạnh, ấm no, bình đẳng, đúng theo nghĩa “tình người” và lòng bao dung độ lượng của một nòi giống văn minh – nòi giống Lạc Hồng. Đó là Ý thức Về Nguồn của hết thảy chúng ta, ở bên này cũng như ở bên kia giới tuyến. Và, đó cũng chính là điều mà thâm tâm tôi hằng trông đợi.

Với lòng tự tin, với ý chí kiên nhẫn, với truyền thống bất khuất của dân tộc, càng nhìn vào quá khứ oanh liệt của tiền nhân, tôi càng thêm tin tưởng vào sức quật khởi của chúng ta – Một dân tộc đã tự chủ vượt qua mọi cuộc đồng hóa, đem vinh quang về dâng cho Tổ quốc mến yêu, suốt từ thời tự chủ Đinh – Lê – Lý – Trần, thế kỷ thứ IX XIII, đến các thời đại kế tiếp. Tổ tiên chúng ta khi ấy thực sự đã tạo được thế Hòa giải, đã hoàn thành được sứ mạng lịch sử cứu nước, giữ nòi. Thì, trong hiện tại và tương lai, chúng ta quyết không bao giờ phá vỡ, đi ngược lại truyền thống và đường hướng VỀ NGUỒN và KHỞI ĐI TỪ NGUỒN cao đẹp ấy.

Ý THỨC VỀ NGUỒN, nếu được mọi người chấp nhận, đó mới là căn bản chính thức của sự HÓA GIẢI chiến tranh, HÓA GIẢI hận thù, đem lại nguồn thương vui và hòa bình lâu dài cho dân tộc ta.

Trước thềm năm mới, tôi cầu chúc cho mọi người thành đạt nổi ý thức VỀ NGUỒN ấy.

Nam Mô Đại Từ Di Lặc Tôn Phật
Sài Gòn, Xuân Tân Hợi, Phật lịch 2514 – D.L 1971
Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết

______________________________________

Lịch sử có khi chỉ là sự lặp lại

Văn Công Tuấn

Cố đô Huế – Sắc tứ Tường Vân tự. Mười ba thế kỷ trôi qua kể từ dạo ấy.

Từ ngày ấy đến nay trong những chốn thiền môn trên cùng khắp năm châu bốn bể, đã có không biết bao nhiêu bài pháp kệ được trao đi truyền đến, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tuy không phải là việc trao truyền y bát của những dòng thiền lớn nhưng cũng là do chư Tổ, chư Thánh Tăng từ đời trước truyền lại cho môn đồ đời sau. Đã không biết bao nhiêu bậc đại tăng thạc đức thực chứng và hành đạo, đã từng trao truyền tâm pháp cho đệ tử trong tông môn. Tiếc rằng những sự kiện ấy ở Việt Nam rất ít được ghi lại để cho hậu sanh có cơ hội được chiêm nghiệm và hàng Phật Tử thêm tín tâm, tin tưởng vào sự nhiệm mầu của đạo pháp.

Trong số những vị thạc đức tu chứng ở Việt Nam thời nay, ta phải kể đến Đức đệ nhất Tăng Thống Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết.

Hòa thượng Thích Tịnh Khiết thế danh là Nguyễn Văn Kỉnh, sinh ngày 17.12.1891 (tức ngày 17 tháng 11 năm Tân Mão) tại làng Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bào huynh của Ngài cũng đi xuất gia là Hòa thượng Trừng Hương Tịnh Hạnh. Ngài Tịnh Hạnh sinh năm Kỷ Sửu (1889), xuất gia năm 1905, thọ Cụ túc giới năm 1910, từng là Trụ trì tổ đình Tường Vân, Huế. Ngài Tịnh Hạnh viên tịch vào năm 1933.

Năm 15 tuổi (1906) Ngài Tịnh Khiết xuất gia với Hòa thượng Thanh Thái Phước Chỉ (1858-1921). Năm 19 tuổi (1910) Ngài được đặc cách thọ Tỳ kheo Bồ tát giới tại giới đàn chùa Phước Lâm ở Hội An, tỉnh Quảng Nam với pháp danh là Trừng

Thông, pháp tự là Chơn Thường. Năm 1920 Ngài đắc pháp, được Bổn sư ban pháp hiệu là Tịnh Khiết. Năm 1933 Ngài kế vị đảm nhận chức vị trụ trì chùa Tường Vân, sau khi Hòa Thượng Tịnh Hạnh viên tịch. Năm 1938 sau khi xây dựng xong chùa Hội Quán Từ Đàm, An Nam Phật học hội cung thỉnh Ngài kiêm nhiệm trụ trì và chứng minh Đạo sư cho Hội. Năm 1940 Sơn môn Tăng già Thừa Thiên cung thỉnh Ngài làm Giám đốc Đạo hạnh cho Viện Cao đẳng Phật học tại chùa Bảo Quốc. Đầu năm 1951, Ngài chứng minh và chủ tọa Hội nghị thành lập Giáo hội Tăng già Trung Việt tại chùa Linh Quang, Huế. Năm 1959 Đại hội kỳ III của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam họp tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn, Chư tôn đức Hội nghị cung thỉnh Ngài đảm nhận ngôi vị Hội chủ.

Những năm sau đó chính quyền liên tiếp khủng bố và đàn áp Phật Giáo, nặng nhất là ở các tỉnh miền Trung Việt Nam. Vào ngày 02.02.1962, Ngài Tịnh Khiết đã ký một văn thư gởi Tổng thống Ngô Đình Diệm và Quốc hội Việt Nam Cộng hòa, với lời khuyến cáo “Tôi muốn tránh cho lịch sử dân tộc một chấm đen, đồng thời muốn ngăn ngừa một tai họa cho quốc gia, khi mà hàng Phật tử thấy cần bảo vệ đúng mức tôn giáo của mình!”. Thế nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm đã không chịu lắng nghe mà lại càng tiếp tục khủng bố, đàn áp thêm.

Vì thế, cuộc đấu tranh của Phật giáo mùa hè năm 1963 đã bùng phát mạnh mẽ. Trên cương vị lãnh đạo tối cao, dù đã 72 tuổi, Ngài dấn thân không mỏi mệt để dẫn dắt cho phong trào, vẫn luôn đồng cam cộng khổ cùng chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử để lèo lái cho phong trào đến ngày thành tựu. Đầu năm 1964 Hội nghị của mười một Giáo phái và Hội đoàn Phật giáo tại  Sài Gòn cung cử Ngài lên ngôi vị Đệ nhất Tăng Thống GHPGVNTN. Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết viên tịch ngày 25.02.1973 (âm lịch: 23 tháng Giêng năm Quý Sửu), trụ thế 82 tuổi và 63 hạ lạp.

Thuở sinh tiền chí sĩ  Sào Nam Phan Bội Châu từng là bạn tâm giao của Ngài. Lúc cụ Phan đang bị thực dân Pháp đưa về an trí tại Bến Ngự, cụ thường lui tới chùa viếng thăm và đàm đạo với Hòa thượng. Trong một dịp cụ Phan vào chùa vấn đạo, Hòa thượng đã biếu cụ một cây hoa ngọc lan. Sau đó,  Phan tiên sinh mượn nét tinh khiết và hương thơm của hoa để viết tặng Hòa thượng một bài thơ tán thán mật hạnh vô vi của Ngài. Bài thơ như sau:

Nguyên văn chữ Hán:

前 身 種 出 自 蓬 莱
唯 向 菩 提 院 裏 栽
素 萬 光 争 冬 夜 雪
奇 芳 品 奪 領 頭 梅
真 香 王 者 天 垂 賞
荘 此 嫦 娥 月 暗 猜
唯 佛 從 来 能 識 佛
慇 勤 惠 我 此 花 魁
巢 南

Phiên âm:
Tiền thân chủng xuất tự bồng lai,
Duy hướng bồ đề viện lý tài.
Tố vạn quang tranh đông dạ tuyết,
Kỳ phương phẩm đoạt lãnh đầu mai.
Hương chân vương giả thiên thuỳ thưởng,
Trang thử thường nga nguyệt ám xai.
Duy Phật tùng lai năng thức Phật,
Ân cần huệ ngã thử hoa khôi.
Sào Nam

Bản dịch của thầy Chơn Thiện:
Thân trước vốn người tự cõi tiên
Sao vì trí giác đến rừng thiền,
Sắc màu đông tuyết còn thua thắm
Hương chất hoàng mai lại kém duyên.
Dáng vẻ triều vương trời ái mộ
Hằng nga trang tỉ nguyệt ưu phiền.
Phật duyên tương cảm nên tương ngộ
Cành ngọc lan trao tới cựu hiền.

Bản dịch của Nguyên Hồng:
Giống tự Bồng lai đến cõi này,
Bồ đề viện nội trổ nên cây.
Sắc màu rực rỡ đêm đông tuyết,
Hương toả đầu non tựa lão mai.
Vương giả chân hương trời bủa xuống,
Hằng nga cốt cách nguyệt nhường ngôi.
Chỉ Phật mới hay thân Phật Tổ,
Ân cần trao gửi nhánh hoa tươi.

Văn bia tại bảo tháp của Ngài ở tổ đình Tường Vân có ghi Bài Tưởng niệm do Thiền Sư Quy Thiện ở Huế trứ tác, thay cho Chư Tăng Ni ở chốn thần kinh tán thán công đức Ngài và bào huynh Ngài là Hoà thượng Tịnh Hạnh, ví như anh em hai đại luận sư Vô Trước và Thế Thân thời xưa.

Văn bia ghi như sau:
Hương giang chi nguyệt; Ngự lĩnh chi vân; Sơn xuyên dục tú; Đỉnh xuất Kỳ nhân;
Giác trần thị huyễn; Duy đạo vi trân; Nghi huynh nghi đệ; Vô Trước Thiên Thân;
Chấn khởi thuyền phong; Chiết phục tà thái; Hoả mãn diêm phù; Kỳ huynh nan tái;
Vân án trường thiên; Ba cuồng đại hải; Huệ chúc từ phàm; Duy sư thị lạ;
Vi giáo hội chủ; Vi chúng trung tôn; Giáo lưu nam độ; Thục dự tỉ luân;
Pháp hoằng gia vụ; Đạo kế tông môn; Nghi đoan biểu chính; Mục kích đạo tồn;
Bổng xướng tuỳ nghi; Nhân hàm kính ngưỡng; Thanh tịnh nan danh; Ứng dụng vô lượng;
Phật pháp đống lương; Tông môn bảo chướng; Tuyển Phật tràng trung; Lễ tôn Hoà thượng; Xuân thành hậu tấn; Cửu phụ đức âm; Vô nhĩ biểu thành; Kiền bị chuyết châm;
Nguyệt thuỳ liên nhãn; Phủ giám quy thâm; Vĩnh phụng trần sát; Tương thử thâm tâm.

Nghĩa:
(theo bản dịch của Tâm Quang, Trang nhà GĐPT Việt Nam)
Trăng sông Hương, mây núi Ngự, tinh anh sông núi khéo đúc nên bậc khác thường.
Giác ngộ trần lao như huyễn, chỉ Đạo là quý. Xứng huynh xứng đệ như Vô Trước Thiên Thân. Chấn hưng Thiền phong, chiết phục tà thái. Hóa độ cõi Ta bà đã xong, thì anh Ngài về chầu Phật.
Than ôi! Mây phủ ngất trời, sóng gầm biển lớn. Đuốc tuệ thuyền từ chỉ còn Ngài làm chỗ cậy nương. Làm Pháp chủ Giáo hội, làm bậc Chúng trung tôn. Giáo pháp lưu truyền đất Nam mấy ai sánh kịp. Xem việc Hoằng pháp là việc nhà, nối tiếp Đạo thống Tông môn. Hình nghi đoan chánh, mắt trừng ánh đạo, đánh hét tùy cơ. Người người kính ngưỡng.Thanh tịnh khó bàn, ứng dụng vô lượng, đống lương của Phật pháp, bình phong che chở Tông môn.Trong trường tuyển Phật, suy tôn Hòa thượng. Kẻ hậu lai ở cố đô từ lâu nương nhờ ân đức, không biết lấy gì bày tỏ, xin cung soạn bài Châm vụng về này, ngưỡng mong Ngài hạ cố chứng giám lòng thành.
Nguyện đem thâm tâm này vĩnh viễn phụng sự chúng sanh!

Câu chuyện độc đáo ghi lại khả năng nhìn thấu suốt sự việc 42 năm sau của một bậc chứng ngộ là Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Tăng Thống Thích Tịnh Khiết có liên quan mật thiết đến tấm bia này.