Sunday, January 31, 2021

Nguyễn Xuân Thu | Hồi Ký: Hành Trình Từ Trường Làng Đến Đại Học Quốc tế RMIT Việt Nam | Chương 1: Đứa Trẻ Mồ Côi

 

Nguyễn Xuân Thu | Hồi Ký: Hành Trình Từ Trường Làng Đến Đại Học Quốc tế RMIT Việt Nam | Chương 1: Đứa Trẻ Mồ Côi

GS Nguyễn Xuân Thu | Ảnh: FB Thu Nguyen

Đứa trẻ mồ côi

Ba tôi mất lúc tôi còn rất bé, có lẽ chưa tới năm tuổi, vì thế tôi không có nhiều kỷ niệm về ông. Ký ức đầu tiên mỗi lần nhớ đến ba tôi là lúc ông bị một người chú trong họ đuổi chạy quanh gốc một cây mít trước nhà và lần sau cùng là lúc ba tôi mất khi ấy tôi được mặc áo tang vui vẻ ngồi nhìn mọi người khóc bên quan tài. Tôi không còn nhớ khuôn mặt của ba nhưng nghe người ta nói rằng tôi rất giống ông. Người ta còn nói ông là người rất giỏi chữ Hán và đặc biệt là ông viết thứ chữ này rất đẹp. Sau khi ông mất trong nhà còn rất nhiều sách chữ Hán bằng giấy dó[1] và những người hàng xóm thỉnh thoảng đến xin một vài quyển để làm giấy vấn thuốc hút. Tôi cũng được nghe nói ông thường hay uống rượu, đánh bạc và ngao du với bạn bè trong nhiều làng lân cận. Ông kiếm sống bằng nghề dạy học tại nhà và chữa bệnh cho người trong làng. Ngoài ra tôi không biết gì thêm về ông, kể cả tên tuổi của ông bà nội tôi.

Ba tôi có hai người vợ. Người vợ đầu có với ba tôi hai người con, một gái là chị Liễu và một anh trai tên Chút[2]. Sau khi bà mất một thời gian thì ba tôi cưới mẹ tôi, người quê ở Ba Đồn, phần đất ở phía bắc của tỉnh Quảng Bình giáp giới với tỉnh Hà Tĩnh. Đến bây giờ tôi vẫn không biết duyên nợ nào họ gặp nhau. Mẹ tôi sinh ra được bốn người con. Chị cả tên Em, chị thứ hai là Luyến[3], tôi và một đứa em trai tôi không nhớ tên. Lúc được một hai tuổi gì đó thì em tôi mất vì bị bệnh.

Ít lâu sau khi ba tôi mất, mẹ tôi cho tôi đi học với một thầy giáo làng tên Huy. Trong làng tôi thời ấy có ít trẻ con thuộc lứa tuổi của tôi được đến trường. Mẹ cho tôi đi học vì bà không muốn lớn lên tôi sẽ phải bị bắt làm “xâu”, một lớp dân cùng đinh phải phục dịch mọi chức sắc trong làng và còn bị đánh đập, chửi mắng thậm tệ. Phần khác bà muốn tôi đến trường để bà còn rảnh rang làm lụng trong vườn nuôi ba chị em chúng tôi.

Nhà tôi không có ruộng, chỉ có khoảng bốn sào đất vườn trồng khoai, môn, sắn. Trong vườn còn có cau, trầu, chè, mít, ổi, bưởi và có hai cái ao nhỏ. Công việc làm vườn chỉ có mẹ tôi và chị đầu của tôi lúc ấy khoảng 10 tuổi phụ giúp. Chị Liễu và anh Chút con của bà vợ đầu của ba tôi đi ở đợ cho những người trong làng và thỉnh thoảng năm ba tháng mới ghé về nhà thăm và chỉ ở lại một đêm rồi đi. Chẳng biết sao mẹ tôi có ác cảm rất lớn đối với hai anh chị cùng cha khác mẹ của tôi. Ngược lại tôi rất thương họ, đặc biệt là anh Chút. Mẹ tôi không hề nói cho tôi biết bất cứ một điều gì về ba tôi cũng như về quá khứ của bà. Từ lúc bà mất, mấy chị em chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc với gia đình bên ngoại.

Mẹ tôi có bề ngoài khá duyên dáng. Nhiều người trong làng rất quý bà, thường gọi bà là bác “Phó”, có lẽ vì ba tôi lúc còn sống có làm phó cho một chức sắc nào đó trong làng. Mỗi lần đi chợ hoặc đi thăm bà con, mẹ tôi thường mặc áo dài nhuộm nâu và có mảnh vá ở vai bằng vải màu trắng. Trong những đêm mùa hè oi ả, mẹ tôi thường ngồi ăn trầu và quạt cho tôi ngủ. Trong một thời gian dài của tuổi thơ, tôi được yên giấc trong vòng che chở của mẹ. Thời thanh bình ấy kéo dài không lâu.

Làng tôi gần đường quốc lộ số 1. Địa thế gồm phần đất thấp ở dưới dốc và vùng đất cao ở trên dốc. Khoảng giữa năm 1947, lúc lính Pháp đến đóng đồn ở Hồ Xá, cán bộ Việt Minh vận động dân trong làng xây “Hàng rào Chiến đấu”[4]. Nhà tôi ở dưới dốc, ngoài Hàng rào Chiến đấu nên ban ngày do “địch” kiểm soát. Còn phần phía sau Hàng rào Chiến đấu có dân quân du kích canh gác cẩn mật. Nếu có lính Tây đi vào làng là có báo động để dân làng kịp thời trốn chạy vào các làng ở vùng sâu. Dân chúng sống trong vùng ngoài hàng rào chiến đấu chịu ách một cổ hai tròng. Ban ngày thì lính Tây đi lùng, bắt người khả nghi, hãm hiếp đàn bà con gái. Còn ban đêm thì do du kích và cán bộ Việt Minh kiểm soát, hạch hỏi, thu thuế, thủ tiêu những người họ nghi ngờ.

Mẹ tôi qua đời lúc tôi lên 13 tuổi sau gần một tuần lâm bệnh. Tôi trở thành đứa bé mồ côi cả cha lẫn mẹ. Người chị cả của tôi tên Em lúc này là một thiếu nữ 18 tuổi, khá xinh xắn. Nếu ở vào thời buổi bình yên thì chị có thể đi làm thuê hay buôn bán kiếm đủ tiền nuôi tôi và chị Luyến của tôi. Nhưng lúc ấy là thời chiến tranh đang rất khốc liệt. Thành thử chị phải đi lánh vào các làng trong vùng xa đồn Tây và năm mười hôm mới về nhà thăm chúng tôi một lần vào buổi tối và mang về cho chúng tôi một ít khoai, sắn. Ở nhà còn lại chỉ có chị kế tôi và tôi. Quá đói, người tôi tiều tụy, gầy nhom. Tôi thèm từng hạt cơm rơi, từng miếng vỏ khoai lang cho heo ăn của hàng xóm. Đây là thời gian tôi và chị kế của tôi đói và bệnh triền miên. Trước mắt, tương lai hai chị em tối mịt.

Những kỷ niệm thời tuổi thơ

Kỷ niệm còn để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi là cuộc cắm trại do trường tổ chức tại một địa điểm trong làng không xa nhà tôi bao nhiêu. Lúc đó tôi mới lên 7, 8 tuổi gì đó, nên chị tôi phải dắt tôi đi bộ đến địa điểm cắm trại. Tuy nhà thuộc loại nghèo nhưng mẹ tôi đã cố dành dụm khá lâu để có thể mua cho tôi các thứ thức ăn tươm tất hơn ngày thường và các thứ cần thiết cho ba ngày cắm trại. Hôm đầu tiên thật tuyệt vời, tôi thỏa thích vui chơi với chúng bạn. Nhưng đến tối tôi nhớ nhà quá sức và cứ khóc mãi cho đến lúc chìm vào giấc ngủ. Sáng hôm sau trong lúc tôi đang ngồi ủ rũ thì thấy chị tôi đến xin cho tôi về nhà vì mẹ tôi nhớ tôi quá. Gặp lại nhau chỉ sau một đêm và chưa đến hai ngày, thế mà cả hai mẹ con đều khóc nức nở. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi xa nhà.

Rồi những đêm mùa hè nóng nực, mẹ tôi ngồi miệng ăn trầu còn tay thì cầm chiếc mo cau quạt cho tôi ngủ, những giấc ngủ thật an lành và hạnh phúc khiến cho tôi hơn mấy chục năm sau vẫn không thể nào quên được hình ảnh của mẹ. Hồi ấy vì còn quá nhỏ, chưa bao giờ tôi dám hỏi điều gì về mẹ, nhưng tôi có cảm giác bà có một quá khứ không mấy vui vì giữa hai giấc ngủ tôi thấy mẹ thường ngồi tư lự, ánh mắt xa vắng và buồn rầu. Mẹ tôi có một đời chồng và có một người con trai trước khi bà lấy ba tôi. Tất cả quá khứ ấy đều đã xảy ra tại quê của mẹ, ở tận ngoài sông Gianh, nơi tôi chỉ có một lần theo bà về thăm lúc tôi còn rất bé và quê tôi còn thanh bình. Có lẽ chị Em của tôi có biết đôi chút về gia đình của mẹ, nhưng cho đến ngày chị mất, tôi chưa bao giờ có dịp để hỏi chị.

Tôi biết mẹ tôi rất thương tôi vì tôi là đứa con trai duy nhất của mẹ. Mẹ tôi thương tôi đến nỗi trong lúc hấp hối bà vẫn còn trối trăn rằng bà sợ rồi sẽ không còn có ai để chăm lo cho tôi, tôi sẽ đói và khổ. Thế rồi bà ra đi vĩnh viễn vào một đêm giữa mùa đông, để lại trong tôi quá nhiều nhớ thương và đau khổ đến tận cùng.

Thời đi học của tôi cũng không được êm đềm. Đó là khoảng thời gian đất nước Việt Nam có nhiều biến cố nhất. Khởi đầu là sự hiện diện của quân Nhật. Rồi máy bay Đồng minh bắn phá hàng ngày. Người bị bắn chết trên đồng ruộng, kẻ bị cháy lúc đang ngồi trong xe ôtô, có người bị bắn chết ngay tại dốc sau nhà tôi. Có lúc đang ngồi học trong lớp, nghe tiếng máy bay, chúng tôi phải vội vã chạy xuống hầm trốn. Rồi nạn đói xảy ra, người chết như rạ. Tận mắt tôi thấy xác chết mỗi buổi sáng. Chiến tranh cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của tôi. Một ngày học, năm ba ngày nghỉ. Sau khi mẹ tôi mất, tôi vĩnh viễn giã từ học đường. Năm ấy tôi mới lên 12, 13 tuổi, vừa mới bắt đầu học lớp nhì (lớp 4 bây giờ).

Có một ký ức về chiến tranh cứ ám ảnh tôi mãi cho đến bây giờ. Đó là cái chết và bị thương của năm người dân trong làng do quân đội Tây bắn trong lúc họ thắp đuốc đi bắt nhái ban đêm. Bốn người chết rất thảm thương còn người bị thương sáng hôm sau được cáng vào điều trị tại bệnh viện Quảng Trị. Trên đường về lại làng, một trong số mấy người tải thương bị cán bộ Việt Minh bắt và mãi mấy tháng sau anh mới được tha về. Thế rồi một hôm, lính Tây đến bắt anh và đem ra bắn trước mặt dân làng. Lính Tây bảo rằng họ có bằng chứng là anh ấy đã vẽ sơ đồ của đồn Châu Thị và trao cho Việt Minh để Việt Minh chuẩn bị tấn công. Như vậy là một đêm đi bắt nhái làng tôi mất năm mạng người. Đó là một mảng trong số vô vàn ký ức đen tối trong cuộc chiến trên quê hương tôi.

Trong nhà tù

Đến năm tôi lên gần 14 tuổi, chỉ vài hôm sau Tết Nguyên đán, tôi được tin chị Em của tôi bị lính Tây bắn bị thương và đem về nhốt trong trại tù Hồ Xá. Đồn Tây tại Hồ Xá là đồn lớn nhất tại huyện Vĩnh Linh, chỉ cách làng tôi khoảng 3 cây số. Thời gian này nhiều thanh niên và những đứa trẻ ở trạc tuổi của tôi trong làng bị lính Tây đi lùng bắn chết dần. Hôm trước nghe tin người này bị bắt hôm sau lại được tin kẻ khác bị giết.

Một hôm, lúc tôi và một đứa bạn đang đứng tại một ngã tư ở chốt gác đầu làng chiến đấu thì bị lính Tây bắn, thằng bạn đứng cạnh tôi chết ngay tại chỗ còn tôi thì thoát được. Nhưng rồi chỉ ít ngày sau tôi cũng bị lính Tây bắt tại nhà và đưa về nhốt tại đồn Hồ Xá. Chúng nghi tôi làm liên lạc cho du kích Việt Minh.

Lúc đưa về đến đồn, tôi bị hai người lính Việt Nam làm việc cho Tây thay nhau điều tra. Một người lấy dây điện thoại E8 cột vào hai ngón tay cái của tôi và người kia quay máy điện thoại. Bị điện giật, tôi khóc toáng lên vì đau đớn và sợ hãi. Họ tiếp tục quay máy điện thoại nhiều lần nhưng tôi trả lời là tôi còn nhỏ không hề làm gì cho ai cả. Tiếp đến, họ tháo dây điện thoại từ hai ngón tay của tôi ra và bỏ vào trong miệng tôi và người kia tiếp tục quay máy điện thoại. Lần này tôi té bật xuống sàn nhà và bất tỉnh. Sau nhiều lần tra tấn như thế, tôi vẫn nhất quyết nói là tôi không làm gì cho ai cả. Thực tế đúng là như thế. Không khai thác được gì, họ vẫn đưa tôi vào trại tù. Không ngờ tôi lại gặp chị tôi cũng đang bị giam tại đây.

Trại tù là một ngôi nhà chật chội, hôi hám, giam tù nhân cả nam lẫn nữ, người già lẫn trẻ em như tôi. Chung quanh nhà tù được bao bọc bằng dây thép gai và có hai vọng gác thường xuyên canh chừng tù nhân.

Cứ vài hôm có một số tù nhân mới được đưa vào và cũng cứ vài hôm có một số tù nhân được đưa ra khỏi nhà tù và không bao giờ thấy trở lại. Trong thời gian mới nhập trại, các tù nhân thường xuyên bị tra tấn, đánh đập, nhiều người bị đem ra bắn công khai trước mặt tù nhân và sau đó bị kéo xác xuống mấy cái hố đào sẵn ngay phía sau trại. Ghê sợ nhất là có những đêm khi bị lính Việt Minh bắn vào đồn, lính gác trong đồn Tây cứ chỉa súng bắn vào hướng nhà tù nơi các tù nhân chúng tôi đang bị giam giữ.

Tù nhân được cho ăn mỗi ngày ba bữa. Bữa sáng có khoai sắn. Bữa trưa và tối, được ăn cơm nấu từ gạo cũ và cá khô mặn được chuyển từ trong Nam ra. Dĩ nhiên không bao giờ đủ no. Rất nhiều tù nhân bị bệnh và có người chết vì bệnh hoặc thiếu dinh dưỡng.

Hàng ngày tù nhân phải đi lao động, trừ những người bị liệt vào diện nguy hiểm, đợi điều tra thêm hoặc đợi đem đi bắn. Người khoẻ mạnh thì được đưa đi lấp đường do Việt Minh đào, phá ban đêm. Người già và trẻ con thì bị đưa đi quét dọn và làm các công việc tạp dịch trong trại. Tôi nhờ có biết một ít tiếng Pháp nên được đưa vào quét dọn và phục vụ trong câu lạc bộ hạ sĩ quan có cả nhà ăn và quầy bán rượu. Lúc đầu tôi được phân công lau chùi và rửa chén bát. Về sau  họ cho tôi phụ bán rượu (bartender) trong câu lạc bộ. Công việc khá nhẹ nhàng. Nhiệm vụ chính của tôi là bán rượu và ghi chép sổ sách những người chưa trả tiền. Tù nhân làm trong câu lạc bộ này, kể cả tôi, được phép ăn những thứ dư thừa. Tôi làm việc ở đó đến ngày được tha. Tổng cộng thời gian ở tù là trên tám tháng.

Suốt thời gian ấy, chỉ có một số ít người bệnh nặng và già cả được tha về nhà. Có một số thanh niên và trẻ em từ 16 tuổi trở lên được đưa đi vào làm việc cho các đồn điền cao su ở miền Nam. Lúc ấy tôi chưa đến 16 tuổi nên có muốn đi vào Nam cũng không được.

Ra khỏi tù, bỏ làng ra đi

Đầu năm 1949, sáng ngày 30 Tết âm lịch, tôi được tha và đi thẳng đến làng Châu Thị rất gần làng tôi vì không dám về và ở lại làng ban đêm. Đến chiều cùng ngày chị Em tôi được tha về. Đêm Giao thừa ấy hai chị em chúng tôi ở nhờ nhà một người bà con trong Đồn Hương vệ[5] tại làng Châu Thị. Sáng ngày mồng một Tết, chúng tôi mới dắt nhau về nhà trong làng. Lúc ấy, chị Luyến của tôi đang bị bệnh nằm rên hừ hừ trên giường. Trong nhà hoàn toàn không có lấy một thức ăn gì, kể cả gạo hay khoai sắn. Đói và buồn, cả ba chị em chúng tôi chỉ biết ngồi khóc gần hết buổi sáng. Đến chiều, chị Em và tôi về lại đồn Châu Thị.  Làng của chúng tôi lúc này bao trùm không khí chiến tranh. Một làng ở vùng “tề” thời ấy gặp rất nhiều nguy hiểm. Ban ngày thì họa lính Tây còn ban đêm thì cán bộ Việt Minh dò xét, tra hỏi, bắt bớ. Người dân là nạn nhân của cả hai bên. Người trong làng bảo nhỏ với tôi rằng tôi không thể ở lại trong làng được.

Trở lại đồn Châu Thị, tôi ở với chị Em của tôi được ba hôm, đến ngày mồng bốn Tết, tôi bỏ làng ra đi. Mãi đến nửa thế kỷ sau, cuối năm 1991, tôi mới có dịp về lại thăm làng.

____________________________

[1] Giấy rất mỏng nhưng bền, làm bằng vỏ cây dó, dùng để vẽ tranh mỹ thuật dân gian Việt Nam.
[2] Nguyễn Thị Liễu bị bệnh mất năm 1947 và Nguyễn Xuân Chút chết tại làng vì bom B 52 của Mỹ năm 1968.
[3] Nguyễn Thị Em đã mất năm 2000 lúc đó tôi đang ở Úc và Nguyễn Thị Luyến mới mất năm 2011, có tôi dự đám tang.
[4] “Hàng rào chiến đấu” do Việt Minh và dân trong làng dựng lên bằng tre để ngăn không cho lính Pháp vào làng đốt phá và hãm hiếp đàn bà con gái. Dọc Hàng rào chiến đấu có nhiều chốt gác, mỗi chốt có dân quân du kích túc trực canh gác ngày đêm.
[5] Hương vệ là một loại lính không chính quy được chính phủ Nam triều thành lập để bảo vệ hương chức trong làng và những ai không sống được trong vùng “tề”.

No comments:

Post a Comment