Saturday, January 30, 2021

Một Năm, Tạp Chí Văn Học Nghệ Thuật “Ngôn Ngữ”

 Một Năm, Tạp Chí Văn Học Nghệ Thuật “Ngôn Ngữ”

TẠP CHÍ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

NGÔN NGỮ

NHÓM CHỦ TRƯƠNG:
Luân Hoán – Song Thao – Nguyễn Vy Khanh – Hồ Đình Nghiêm – Lê Hân

 

Theo quyết định của nhóm chủ trương, Ngôn Ngữ khởi hành vào đầu tháng 5-2019. Bìa số thứ nhất với tranh của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi do Trần Triết trình bày. Trên bìa có huy hiệu của tạp chí do Hồ Đình Nghiêm thực hiện.

Phần nội dung, chúng tôi hoan hỉ đón nhận khá đông cây bút thành danh góp tay, với đầy đủ bộ môn Thơ, Truyện, Nhận định, Biên khảo…

Việc mới cũ của bài viết là một vấn đề chúng tôi thận trọng quyết định. Chúng tôi không kêu gọi những sáng tác phải hoàn toàn mới, chưa phổ biến bao giờ. Nhưng chúng tôi cũng mong quí bạn chọn gởi cho những bài mới nhất, hoặc vừa viết riêng cho Ngôn Ngữ càng quí.

Riêng với Thơ, chúng tôi xin phép chỉ nhận những sáng tác chưa phổ biến trên bất cứ sân chơi nào. Điều thiếu tế nhị này chỉ là giải pháp dành chỗ cho các bài thơ mới có mặt. Dĩ nhiên trong tương lai, rất có thể trên Ngôn Ngữ xuất hiện những bài thơ cũ do chúng tôi xin phép giới thiệu lại.

Chúng tôi xin lỗi các tác giả đã gửi bài nhưng chúng tôi không kịp lên bài trong số ra mắt này. Lý do đơn giản, sự yêu thương một tờ báo giấy tiếng Việt hãy còn rất đậm đà trong lòng nhiều người; với đông đảo nhiệt tình góp tay, chúng tôi phải vịn vào việc nhận sớm hay muộn để đưa đường trong số trang đã dự định. Các bài đến sau xin phép lần lượt giới thiệu trong các số tới.

Chúng tôi không dám hứa hẹn những ngoạn mục, nhưng quyết tâm sẽ làm được những gì nên làm thật tốt đẹp.

Cám ơn các bạn.

Trong lúc chúng tôi đang ngon trớn thực hiện Ngôn Ngữ số thứ 2. Nhà văn Hoàng Ngọc Biên cùng nhà thơ Tô Thùy Yên đột ngột qua đời. Cả hai ông đều sinh hoạt trong nhiều bộ môn nghệ thuật, nhưng ở đây, chúng tôi xin chọn ghi gọn trước danh xưng phần việc với tay nghề tài hoa nhất.

Trước tin buồn của hai tác giả có sức thu hút bạn đọc, thoạt đầu chúng tôi có ý định sẽ dành mươi trang trong Ngôn Ngữ số hai, để tiễn đưa, chia buồn. Một vài bài thơ, ít đoạn văn của nhóm chủ trương, hy vọng thay mươi ngọn hương khói. Nhưng rồi bài viết của bạn văn về chủ đề này gởi cho Ngôn Ngữ khá dồi dào. Chúng tôi thấy cần cố gắng thực hiện một số đặc biệt, để ý nghĩa tưởng niệm rộng rãi và đậm đà hơn.

Chúng tôi làm báo không chỉ hoài niệm người đã ra đi mà còn hướng đến những người thương tiếc ở lại. Tài liệu của hai văn tài khá nhiều, đang được phổ biến tràn đầy những trang sinh hoạt công cộng. Nhưng để giữ chung những kỷ niệm, thấy chung, thấy nhiều những thành công của mỗi cá nhân, báo giấy hẳn có chút công dụng.

Ngôn Ngữ chưa quen tay cắt và dán nên thật sự có phần vất vả. Anh em phải chia nhau xin bài. Tứ phương bạn viết ai cũng có lòng nhưng phải nói đa số đều xài chung chữ với nhà phê bình văn học Đặng Tiến “bài cũ cơ bản”.

Thật tình những số báo tưởng niệm như thế này, cần nhiều bài nặng trọng lượng trong việc nhận định đánh giá cả quá trình sinh hoạt của mỗi tác giả. Và với cả hai nhân kiệt Tô Thùy Yên lẫn Hoàng Ngọc Biên đều có bề dày thành tích đáng ngưỡng mộ, nên không thiếu những bài tận tình mổ xẻ ca ngợi. Cụ thể như tác giả Thắp Tạ không sót những danh tài như Võ Phiến, Trần Hữu Thục, Thi Vũ, Thụy Khuê, Nguyễn Hưng Quốc, Du Tử Lê… đến với thơ ông. Chính vì thế, nhiều nhà văn ít tuổi đời hơn chợt khó viết, chợt ngần ngại, một số tài hoa mới đã cho Ngôn Ngữ biết như vậy. Nhưng thật đáng vui trong số báo đặc biệt này các bạn sẽ đọc, sẽ hiểu những nhận định văn học thật xuất sắc của những Thảo Dân, một ngòi bút nữ từ Hải Phòng, một Nguyễn Hữu Hồng Minh, thành danh đang sinh hoạt văn học tại Sài Gòn, một cây bút nữ khác, giàu kiến thức, Minh Ngọc, hiện ở tại New York, Hoa Kỳ. Bên cạnh họ những tác giả thành danh khác, tại hải ngoại cũng như trong nước đóng góp những bài viết thật giàu tình người, ấm áp tình bạn.
Với những gì có được trong tạp chí này, chúng tôi chỉ mong được gọi là những trang tưởng niệm, chưa là một tài liệu văn học.

Một điểm nhỏ cần thưa thêm, chúng tôi căn cứ vào ngày giã từ cuộc chơi của hai tác giả Hoàng Ngọc Biên và Tô Thùy Yên để sắp chỗ giới thiệu, không vì một lý do gì khác. Chân thành cảm ơn thân nhân hai gia đình. Nhân đây chúng tôi cũng như tất cả bạn đọc xin thành tâm gởi lời chia buồn đến quý vị. Kính chúc những tháng ngày an bình tiếp tục đến cùng chúng ta.
Thành kính,

Luân Hoán
thay mặt nhóm chủ trương

Không còn chuyện tình cờ mà có, bất ngờ mà thành như số ra mắt, Ngôn Ngữ số 2 đến với các bạn chậm rãi, thư thả trong việc kêu gọi, gom bài; cùng lúc chúng tôi nghe ngóng những đánh giá, cảm tình từ bạn đọc, bạn văn. Lời thưa nhanh nhất không có gì lạ hơn việc chân thành cảm tạ tất cả.

Sinh hoạt văn học nghệ thuật là trò chơi đa dạng. Việc thực hiện một tạp chí nằm trong lãnh vực này. Chúng ta mừng có nhiều khuynh hướng, nhóm viết cùng hoạt động. Điều chúng tôi chưa thể và thật khó để làm được là mời gọi đông đảo người sáng tác chung sức với nhau.

Sau số thứ nhất, Ngôn Ngữ nhận ra còn hơi nghèo những cây bút thành danh có uy tín, nhiệt tình khuyến khích bằng cách vui vẻ góp bài trực tiếp. Có chăng sự nghi ngờ đường hướng, lẫn khả năng của nhóm chủ trương cũng là nguyên nhân? Chúng tôi xin lặp lại. Tinh thần văn học nghệ thuật là yếu tố căn bản của Ngôn Ngữ. Làm báo tại quê người vào thời điểm này, không còn mục đích thương mại, mà là nghiêng về chuyện tiêu pha thời gian, trong giai đoạn hưởng nhàn của người có tuổi. Chúng tôi chọn việc này để chơi trong thích thú. Tuy gặp không ít khó khăn, nhưng tin tưởng vào sự tiếp tay, cùng tấm lòng yêu văn chương nghệ thuật của bạn đọc, bạn văn. Hết lòng với chữ nghĩa tiếng Việt hẳn không phải riêng ai.

Ngôn Ngữ số 3 vừa phát hành đầu tháng 9, và như vậy chúng ta đã có 4 số báo, khởi đi từ tháng 5. Mỗi số trung bình 300 trang, đông vui người viết trong ngoài nước Việt. Nội dung bài viết vẫn nằm trong lãnh vực văn học, diễn đạt qua nhiều bộ môn quen thuộc. Thành công khiêm nhường nhưng là niềm vui không nhỏ cho nhóm thực hiện vốn được hỗ trợ khuyến khích tích cực từ bạn đọc, bạn viết. Chúng tôi xin thể hiện lòng biết ơn bằng cách cố gắng giữ tờ báo lâu bền và tốt hơn qua từng số sắp tới.

Trước 1975, những người làm báo tài tử như chúng tôi thường phải chuẩn bị bài vở, nhất là tài chánh cho vài ba kỳ tiếp theo, mong lưu được một đôi nét kỷ niệm. Ngôn Ngữ không có được sự chuẩn bị này. Tuy vậy, phần bài vở nhờ sự rộng lòng của anh chị cầm bút, nên chúng tôi khá vững tâm. Vấn đề tài chánh vẫn đang là sự lo nghĩ, bởi chúng tôi muốn tiến tới việc gởi báo tặng đến những người cộng tác. Cước phí bưu điện tại Hoa Kỳ là một trở ngại lớn. Mong tất cả quý anh chị cho chúng tôi thời gian.

Ngay số này và những số tiếp theo, chúng tôi hy vọng sẽ có phương cách phát hành trong nước với giá nhẹ nhàng dễ đưa báo đến tay bạn đọc hơn. Mở rộng việc phổ biến thơ, văn, biên khảo… cũng như đón nhận, mời gọi giới sáng tác vui vẻ tham gia là công việc chúng tôi mong làm, mong luôn cải tiến.

Trong bất cứ sinh hoạt nào cũng cần có hướng đi tới. Có tích cực tiến mới mong phát triển. Tạp chí Ngôn Ngữ tuy thực hiện cho vui là chính. Nhưng dĩ nhiên chúng tôi cũng mong được phát triển, theo chiều hướng rủ rê những bạn đồng hành, cùng đưa ra những lạ lạ, mới mới trong sáng tác.

Qua bốn số báo, an tâm có sự phong phú bài vở, nhưng cảm tưởng của chúng tôi vẫn chỉ đạt được động tác nhúc nhích, chưa có gì mới lạ. Ngay ở thành phần phải nỗ lực chính vẫn là những bàn tay có tuổi. Sự mỏi mệt và cùn mòn không thể không có. Những nhà văn nhà thơ có lòng khuyến khích bằng cách góp bài đa số cũng không trẻ trung hơn. Sự có mặt của lớp trẻ quá ít.

Trong mùa hè vừa qua, chúng tôi có được gặp một số bạn văn. Trong đó có họa sĩ kiêm nhà thơ Phan Nguyên từ quê nhà qua thăm Montréal. Ngồi cạnh nhau, anh có hỏi về sinh hoạt văn học nghệ thuật của anh em Việt Nam, đang là thị dân của thành phố này. Chúng tôi khó chối bỏ sự thiếu hào hứng, nếu so với các thập niên tám mươi, chín mươi. Buồn hơn khi phải trả lời anh Nguyên là không có cây bút, cây cọ nào mới, thuần túy sinh hoạt văn học nghệ thuật bằng Việt ngữ.

Tạp chí Ngôn Ngữ, bốn trên năm người chủ trương, mang quốc tịch Canada; người còn lại quốc tịch Mỹ nhưng vẫn còn giữ quốc tịch Canada. Do đó tờ báo được các bạn văn ở các quốc gia khác gọi là báo ở Canada. Thật tình chúng tôi không muốn co cụm như thế. Nhất là nơi in lẫn “tòa soạn”, vẫn ở trên đất Hoa Kỳ. Nguồn tiền sinh hoạt cũng ở đấy.

Điều rất may, qua bốn số, chúng ta có thể thấy người góp bài ở khá nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt những khuôn mặt ở quốc nội khá đông, có thể kể: Cao Thoại Châu, Mang Viên Long, Thiếu Khanh, Châu Yến Loan, Đinh Thị Thu Vân, Tiểu Nguyệt, Trương Văn Dân, Trần Dzạ Lữ, Hồ Chí Bửu, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Đỗ Duy Ngọc, Phan Huyền Thư, Lê Vĩnh Tài, Lê Văn Trung, Nguyễn Văn Gia, Nguyễn Thành, Ngàn Thương, Nguyên Cẩn, Nguyễn An Bình, Dung Thị Vân, Nguyễn Đăng Trình, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Lệ Uyên, Hạt Cát Diệu Sinh, Phạm Hiền Mây, Elena Pucillo Truong, Trần Thoại Nguyên, Trần Vạn Giã, Nguyễn Vũ Sinh, Nguyễn Huy Côn, Phạm Công Luận, Như Không, Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Nhã Tiên, Nguyễn Châu, Hồ Xoa, Phan Trang Hy, Vy Thượng Ngã, Ý Nhi… Tuy thế tài năng từ thanh xuân hình như vẫn chưa có.

Những cây bút hữu danh định cư tại Hoa Kỳ luôn đông hơn ở Gia Nã Đại: Hạ Quốc Huy, Cung Tích Biền, Trần Mộng Tú, Khánh Trường, Lữ Quỳnh, Thái Tú Hạp, Lê Giang Trần, Cái Trọng Ty, Trần Yên Hòa, Nguyễn Văn Sâm, MH Hoài Linh Phương, Minh Ngọc, Nguyễn Xuân Thiệp, Nguyễn Văn Sâm, Trần Doãn Nho, Nguyễn Minh Nữu, Đỗ Kh, Phương Tấn, Quan Dương, Trần Vấn Lệ, Chu Vương Miện, Trần Thị Nguyệt Mai, Uyên Nguyên Trần Triết, Đức Phổ, Trần Thiện Hiệp, Xuyên Trà, Nguyễn Dạ Quỳnh, Nguyễn Hàn Chung, Cao Nguyên, Dư Mỹ, Khê Kinh Kha, Hoàng Lộc, Hoài Ziang Duy, Lâm Chương, Phan Xuân Sinh, Hoàng Nga, Võ Phú, Mộng Hoa Võ Thị…

Xa chúng tôi hơn nữa, là những tác giả Đặng Tiến, Sỹ Liêm (Pháp), Phan Việt Thủy (ở Úc), Đỗ Trường, Hoàng Quân, Ngô Nguyên Dũng (ở Đức), Huy Tưởng, Hư Vô (ở Úc).

Trong đông đảo tác giả hiện diện trên Ngôn Ngữ vừa kể, chỉ có chừng vài ba người còn phảng phất thanh xuân. Chúng tôi mong đợi những cây bút trẻ hơn hoặc nằm trong thời kỳ trung niên. Sự có tuổi của các tay viết, ít nhiều có thể kéo theo sự hao mòn trẻ trung trong sáng tác.

Chuyện cũ mới, qua hình thức dễ nhận ra cụ thể, nhất là bộ môn thơ. Ở đây, chúng tôi xin thưa rõ, các bạn đừng nên có suy nghĩ Ngôn Ngữ chỉ ưu tiên thơ có vần. Với thể loại nào chúng tôi cũng hoan nghênh, nếu bài viết đủ để hiểu được, đủ dẫn đến sự đồng cảm hoặc hưởng thụ cái mới lạ qua cảm nhận.

Ngôn Ngữ số 4 hôm nay, vẫn có nội dung không thu gọn trong chủ đề nào. Nhiều đề tài cũng có vài khuyết điểm của nó, nhưng sẽ luôn dễ dàng cho các bạn góp bài. Hy vọng số tới chúng ta sẽ cùng thực hiện số chủ đề mùa xuân, một chủ đề cũ rích nhưng ít thiếu trong làng báo Việt ngữ.

Thư tòa soạn, thường không nên dài dòng. Lỡ tay khoe lực lượng mong quý bạn đọc vui vẻ thông cảm, xem như biết thêm nơi cư ngụ của một số người viết.

Luân Hoán

Ghi thêm:
Các bạn viết ở Canada, ngoài chúng tôi, góp tay cho Ngôn Ngữ, còn có các tác giả: Phan Ni Tấn, Bắc Phong, Hoàng Xuân Sơn, Võ Kỳ Điền, Nguyễn Đức Tùng, Tiểu Thu…

Thực hiện Báo Xuân hay Giai Phẩm Xuân là một sinh hoạt quen thuộc của làng báo Việt Nam, từ nhiều năm qua nhằm chào đón Tết dương lịch và Tết Nguyên Đán.

Nội dung những số báo đặc biệt này thường có các mục chính:
– Viết về con vật cầm tinh của năm. Từ kể lại sự tích, nguồn gốc đến bất kỳ điều gì liên quan đến con vật tượng trưng cho năm đó.
– Thơ mừng chúc xuân nhật, thường là ngợi ca cảnh sắc, thiếu nữ, tình yêu thương…
– Truyện viết về những mẩu sống, sinh hoạt loanh quanh trong không khí xuân ảnh, vui buồn có đủ.
– Biên khảo, gồm những bài nhận định tập tục, lễ hội… liên quan đến đất nước con người.
– Tổng kết nghiêm chỉnh tình hình thời sự thế giới, quốc nội diễn tiến suốt cả năm vừa qua.
– Tranh hí họa, tranh ảnh đẹp về mùa đầu năm
– Sớ táo quân, một hình thức tổng kết, báo cáo lẫn châm biếm những nét chính của xã hội đã xảy ra.

Ngoài những điểm trên, tùy sáng kiến của những tòa soạn giới thiệu nhiều mục mới, cụ thể như có năm một tạp chí tại hải ngoại giới thiệu chân dung của người viết, có sự cộng tác với báo mình. Chân dung này được phác họa bằng nét vẽ đơn giản đi cùng với ít dòng thơ gọn nhẹ linh động.

Báo xuân thường có hai hình thức:

Báo khổ lớn nhiều trang, chọn đăng nhiều bài viết, nhiều trang ảnh, nhiều màu. Ở hải ngoại thường giàu thêm quảng cáo. Bìa lộng lẫy màu sắc.

Báo khổ sách, vẫn giữ vóc dáng bình thường như tạp chí hàng tháng, nhưng đầy đặn vì tăng số trang, bài viết phong phú hơn.

Chủ đề Xuân, Tết tưởng như dễ thực hiện được một số dồi dào bài vở mới, thật ra khó hơn mong đợi, nhất là giá trị nội dung, ngay ở thể loại phong phú thường lệ là Thơ. Hình như nhà văn, nhà thơ ít ai muốn có sự ràng buộc trong sáng tác theo một chủ đề định sẵn. Ngôn Ngữ các bạn đang đọc vì đó cũng không có sự mới lạ nào, ngay cả mặt hình thức. Với hy vọng một nửa số bài đi sát với nội dung, phần nào sẽ được tạo chút ít không khí Tết Nhất theo chân thời tiết, giúp chúng ta tươi vui hơn, lạc quan hơn.

Chúng tôi xin chân thành gởi nơi đây, lời chúc của toàn thể nhóm chủ trương, cùng các anh chị tác giả đã cộng tác, đến bạn đọc, bạn văn, vui đón một năm mới cùng tất cả ngày tháng tiếp theo, luôn giàu có hạnh phúc.

Phần chúng tôi, tâm nguyện cố gắng chuyển tải, giới thiệu sáng tác của người viết đến bạn đọc đều đặn như ý định trong cuộc chơi nghiêm túc của chữ nghĩa.
Thành kính,

Luân Hoán

Tạp chí Ngôn Ngữ đang là số thứ 6, nhưng đã có bảy số trình diện cùng bạn đọc, bởi có số đặc biệt tưởng niệm hai tác giả Hoàng Ngọc Biên và Tô Thùy Yên. Công việc thực hiện tạp chí đã có phần quen tay. Tuy nhiên trong mười phần hứng thú đã có đôi phần sút giảm. Điều không vui này ở phía chúng tôi và có thể ở cả những người cộng tác lẫn bạn đọc. Mong rằng chúng ta sẽ sớm lấy lại cảm hứng ban đầu.
Điều kiện bài viết cần hoàn toàn mới hoặc chưa được phổ biến nơi đâu, để xuất hiện trên Ngôn Ngữ quả thật khó chu toàn. Và trong những số đã qua, số nào cũng đã vướng lỗi này.

Trước thực tế những cây bút kỳ cựu viết thưa hơn và không ít những tác giả tên tuổi thiếu hứng thú vui chơi cùng Ngôn Ngữ. Chúng tôi đang nghĩ đến việc giới thiệu những sáng tác cũ có giá trị còn phù hợp và cần thiết. Nhưng vẫn giữ quyết định tối đa hạn chế những bài phổ biến cùng lúc trên các sân chơi đại chúng phổ quát hơn.

Trong số này, ngoài thơ, văn, biên khảo… như thường lệ, chúng tôi đã xin phép gia đình để được phổ biến ít sáng tác của các tác giả đã qua đời những tháng gần đây:

– Nhà văn Hồ Trường An, sinh năm 1938 tại Vĩnh Long, (em trai nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ), qua đời tại Pháp vào ngày 27-01- 2020 nhằm ngày mùng 3 tết Canh Tý. Ông là một nhà văn có sức sáng tác dồi dào, lượng tác phẩm xuất bản nhiều gồm truyện ngắn, truyện dài, thơ, biên khảo, ký sự văn học…

Ngôn Ngữ số 7 giới thiệu những biên khảo và phiếm luận của các cây bút thường xuyên như Châu Yến Loan, Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Thiếu Dũng, Nguyễn Vy Khanh, Phạm Cao Hoàng, Song Thao… Phần truyện ngắn, ngoài các tác giả đã góp bài trước đây như Cung Tích Biền, Hiền Nguyễn, Hồ Đình Nghiêm, Hoàng Chính, Lữ Quỳnh, Mang Viên Long, Minh Ngọc, Nguyễn Nhã Tiên, Nguyễn Thị Thanh Bình, Tiểu Nguyệt, Trần Thị Trúc Hạ, Việt Dương, Võ Phú, … số này chúng ta có thêm những nhà văn Hoàng Quân, Minh Nguyễn, Nguyên Bình, Nguyễn Đình Phượng Uyển, Nguyễn Lê Hồng Hưng, Vương Hoài Uyên… Trang thơ rất phong phú với những tác giả thường xuyên như Cao Nguyên, Cao Thoại Châu, Đức Phổ, Hoàng Xuân Sơn, Huỳnh Liễu Ngạn, M.H. Hoài Linh Phương, Ngàn Thương, Ngô Nguyên Dũng, Nguyễn An Bình, Nguyễn Dạ Quỳnh, Nguyễn Hải Thảo, Nguyễn Hàn Chung, Nguyễn Văn Gia, Nguyễn Sông Trẹm, Nguyễn Thành, Nguyễn Vũ Lan Bình, Phương Tấn, Thái Tú Hạp, Trần Dzạ Lữ, Trần Hạ Vi, Trần Hoàng Vy, Trần Thị Nguyệt Mai, Trần Thoại Nguyên, Trần Vạn Giã, Trần Vấn Lệ, Vy Thượng Ngã… chúng tôi còn được đón tiếp thêm các nhà thơ không xa lạ với sinh hoạt văn học như Bùi Dũng, Hạ Quốc Huy, Hồ Xoa, Lê Hữu Minh Toán, Lê Thị Hải Hà, Lưu Diệu Vân, Nguyên Như, Nguyễn Minh Phúc, Nguyễn Nam An, Nguyễn Quốc Hưng, Võ Thạnh Văn, Quỳnh Nga, Trần Hữu Dũng, Vũ Tuyết Nhung, Y Thy …

Bên cạnh những sáng tác kể trên, chúng tôi dành một số trang giới thiệu một ít những bài viết cũ lẫn mới nhằm tiễn biệt một giọng hát luôn chiếm vị trí số một của âm nhạc Việt Nam vừa thất lộc: Nữ danh ca Thái Thanh (1934-2020).

Những ghi nhận, vinh danh này từ các tác giả tên tuổi, và hầu hết đã phổ biến trên các tạp chí văn học trước đây. Cụ thể gồm các bài của Georges E. Gauthier (nhà văn Võ Phiến chuyển ngữ dưới bút hiệu Thu Thủy), Mai Thảo, Đỗ Tiến Đức, Dzương Ngọc Hoán, Nguyễn Đình Toàn, Du Tử Lê, Trường Kỳ… và các bài mới hơn của Mạnh Kim, Orchid Lâm Quỳnh, Tuấn Khanh, Tiểu Quyên. Vì trang báo có hạn, Ngôn Ngữ tiếc không thể giới thiệu các bài viết của các cây bút uy tín Thụy Khuê, Quỳnh Giao, Khánh Ly, Hoàng Hải Thủy…

Viết về một nhân vật, ngoài những vững chãi kỹ thuật, nhiều tài liệu chính xác, còn cần những kỷ niệm có thật và chân tình, do đó chúng tôi không dám động bút theo đúng chuyện cần làm của ban biên tập. Bốn chữ “Mượn hoa kính Phật” tạm là phương cách Ngôn Ngữ cần chọn để cùng tri ân giọng ca tuyệt vời này.

*

Nhân đây chúng tôi cũng xin được cung kính tiễn đưa, chia buồn cùng gia đình, những người quen biết trong cộng đồng Việt tại hải ngoại đi xa trong tháng 3-2020 (theo thứ tự ngày mất):
– Bà Trần Mộng Chi (em nhà thơ Trần Mộng Tú), nạn nhân người Mỹ gốc Việt đầu tiên của Wuhan virus, mất ngày 16-3-2020 tại Hoa Kỳ, thọ 74 tuổi.
– Danh ca Thái Thanh (Phạm Thị Băng Thanh) qua đời ngày 17-3-2020, tại Hoa Kỳ, thọ 86 tuổi.
– Thiếu tướng Lê Minh Đảo thuộc quân lực Việt Nam Cộng Hòa, qua đời ngày 19-3-2020 tại Hoa Kỳ, thọ 87 tuổi.

Trân quý kính chào tất cả bạn đọc, mời chúng ta cùng bước vào mùa xuân của đất trời, tạm quên nỗi lo buồn từ dịch bệnh đang có mặt.

Luân Hoán

Dịch bệnh từ Vũ Hán Trung Cộng tạo ảnh hưởng xấu đều khắp thế giới. Sinh hoạt của mọi ngành nghề hầu như chia phần thảm nạn nặng nhẹ khác nhau. Tạp chí Ngôn Ngữ, nhà xuất bản Nhân Ảnh cũng chậm lại trong việc in ấn và phát hành. Điều rất may mắn đại đa số đồng bào gốc Việt chúng ta trên toàn thế giới không bị thiệt hại đáng kể về nhân mạng. Một lần nữa, nhóm chủ trương, toàn thể anh chị em góp bài, cũng như bạn đọc của Ngôn Ngữ xin gởi lời chia buồn đến số ít gia đình dính tin buồn trong đại dịch này. Đặc biệt gia đình ông Huỳnh Kỳ Phát (Trẻ Magazine) bởi sự ra đi của cháu Huỳnh Kỳ Sĩ, 35 tuổi, độc thân, với câu nói xót lòng để lại “ba hãy rút ống thở cho con”, tại California trong tháng 5 vừa qua.

Cũng ảnh hưởng nạn dịch, chúng tôi bắt tay thực hiện Ngôn Ngữ số 8 sớm hơn thường lệ để bù vào thời gian có thể chậm trễ ở nhà in. Trong số này, chúng tôi dành một số trang tiễn đưa cùng chia buồn các anh chị sinh hoạt văn học nghệ thuật như nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Hoàng Hương Trang, Chân Phương, Nguyễn Dương Quang vừa xa chúng ta trong tháng qua. Riêng nhà thơ Chân Phương, bằng sự thông hiểu và thân tình, cây bút Trần Thị Nguyệt Mai của Ngôn Ngữ đã thể hiện một bài thơ dài.

Những sáng tác thơ truyện biên khảo của những cây bút từng góp tay cùng Ngôn Ngữ và của anh em chủ trương vẫn dồi dào. Đặc biệt số này, chúng ta có thêm nhà văn Như Không và sự đóng góp trở lại của nhà văn Võ Kỳ Điền, Nguyên Cẩn, Nguyễn Minh Nữu, Hoài Ziang Duy…, nhà thơ Chu Vương Miện…

Để thuận tiện trong việc đọc và sắp xếp trước khi layout, mong quý anh chị gởi bài lưu ý: xin gửi cho những sáng tác mới chưa từng đăng báo mạng hoặc báo giấy, chỉnh sửa bài ưng ý trước khi gởi và chỉ gởi một lần, cố gắng tránh thay đổi. Về thực hiện bản chữ, nên để các dấu phẩy, dấu nặng sát vào mẫu tự cuối.

thân tình,
Luân Hoán

Theo thời tiết, Ngôn Ngữ số 9 có một ít thơ, truyện về mùa Thu. Nhưng không phải là một số đặc biệt. Bởi lẽ trong những số đặc biệt, cần có hai phần ba số trang để đi những biên khảo, tìm hiểu, truyện, thơ, hình ảnh… về chủ đề đó. Thực hiện những số đặc biệt thường công kỹ hơn những số bình thường, ngoại trừ những số bê tài liệu cũ dán vào.

Ngôn Ngữ 9, bên cạnh một ít thơ văn về Thu như vừa nói, vẫn là những bài viết, những sáng tác của một số bạn văn đã quen tên với bạn đọc. Kỳ này chúng tôi có thêm một ngòi bút quý, nhà văn Đoàn Nhã Văn. Nhưng vẫn chưa được hân hạnh đi bài của nhiều tác giả thành danh khác từ mọi nơi góp tay. Từ số 9, chúng tôi bắt đầu phổ biến một truyện dài của tác giả Nguyễn Lê Hồng Hưng. Với thời gian hai tháng thực hiện một lần, việc đi một truyện dài thường ít được tác giả chấp nhận, nhưng Ngôn Ngữ đã được sự đồng ý của người viết, nên rất hoan hỉ mời quý bạn đọc từ từ theo dõi tác phẩm.

Một tin không vui, từ số này chúng ta không còn được đọc tài liệu văn học nước ngoài do nữ bác sĩ Minh Ngọc sưu tập và thực hiện trong mục Tin Văn. Thay vào đó, chúng tôi được sự tích cực góp tay của nhà thơ Nguyễn Văn Gia nhằm giới thiệu khái quát một số đầu sách mới được ấn hành tại quê nhà. Ngôn Ngữ xin chân thành cảm ơn Bác sĩ / Nhà văn Minh Ngọc, Nhà thơ Nguyễn Văn Gia.

Cuối cùng chúng tôi xin phép dành ít phút đưa tiễn, nhà văn Mang Viên Long (cộng tác với NN từ số 1 đến nay) và nữ nhà văn Túy Hồng vừa rời xa chúng ta. Mời xem phần tưởng niệm trong những trang sau).

thân tình,
Luân Hoán

Sau mười số cùng số đặc biệt (về hai tác giả Tô Thùy Yên & Hoàng Ngọc Biên), Ngôn Ngữ còn được tiếp tục nhờ sự niềm nở thương mến của quý bạn đọc, bạn viết. Chúng tôi thật khó gởi lời cảm ơn cụ thể đến quý vị, ngoài việc cố gắng duy trì việc đang làm, cùng nỗ lực giúp Ngôn Ngữ ngày một đáng tin cậy hơn.

Gần đây số người Việt cầm bút của chúng ta rời cuộc sống khá nhiều và có phần dồn dập. Với mỗi tác giả đã ra đi, đều xứng đáng thực hiện một số đặc biệt. Chúng tôi đã nghĩ đến điều này, tuy nhiên vấn đề tư liệu, bài vở đã là một trở ngại. Bởi một tạp chí văn học, hai tháng một kỳ, khó cập nhật, theo kịp những nguồn sung sức khác. Chúng tôi hy vọng trong tương lai, khi cảm xúc mất mát từ một tác giả bớt phần sôi nổi chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện một cách bình tĩnh chín chắn.

Hiện thời Ngôn Ngữ duy trì phương cách tiễn đưa, tưởng niệm gọn nhẹ như quý vị đã thấy. Ngôn Ngữ vẫn phổ biến mọi sáng tác của bốn phương gởi về. Chúng tôi hiểu còn nhiều hoài nghi từ những người cầm bút về giá trị của tạp chí, lẫn khuynh hướng chủ trương. Chúng tôi xin thông tin, chúng tôi không phe nhóm, không hội đoàn và luôn tôn trọng giá trị nghệ thuật trong mọi sáng tác nhận được.

Ngôn Ngữ số 10, nhằm vào những tháng có đậm đà hương vị của ngày lễ Tạ Ơn và Giáng Sinh, nhưng số này rõ ràng thiếu sót. Chúng tôi hy vọng số kế tiếp, chủ đề Xuân Tân Sửu 2021, sẽ được sự tiếp tay của tất cả bốn phương văn hữu.

Kính chúc tất cả chúng ta luôn được Ơn Trên giữ cho yên lành mỗi ngày.

Luân Hoán

Tạp chí Ngôn Ngữ số 11, mở đầu cho một năm mới, năm 2021; hy vọng sẽ là một năm tốt đẹp hơn năm thế giới gặp dịch nạn Covid vừa qua.

Sự có mặt của một tờ báo nghiêng về văn học nghệ thuật rơi vào thời điểm của những ngày lễ lớn cuối và đầu năm. Tuy chúng tôi không thực hiện chuyên mục cho một chủ đề nào. Nhưng những hình ảnh đời thường có nề nếp lâu năm, chúng tôi chọn đăng những bài có nội dung ca ngợi Thánh lễ cũng như hình ảnh xuân nhật của cả hai cái Tết, Dương Lịch và Âm Lịch. Chúng tôi không giới thiệu rõ nét nội dung trong thư tòa soạn. Hy vọng khi có báo, bạn đọc sẽ gặp nhiều thích thú với những sáng tác mới khắp nơi, dành cho Ngôn Ngữ.

Cũng trong số báo này, chúng ta may mắn không phải chia buồn về một tác giả nào rời cuộc chơi chung của văn học. Chúng tôi cũng không dám trình thưa gì hơn, ngoài gởi lời chia vui cùng chúc mừng đến tất cả bạn đọc, bạn viết thật hoàn hảo niềm vui trong các ngày nghỉ lễ.

Thân tình,

Luân Hoán

Ngôn Ngữ 12 có mặt sau Tết Tân Sửu không lâu. Thời gian các tác giả sáng tác cũng như chúng tôi nhận bài, còn nằm trong hơi thở Xuân nhật, nên một số bài còn mang nội dung này.

Nếu tính về lượng, phần thi ca luôn luôn dồi dào, áp đảo những thể loại khác. Cụ thể số 12, có hơn 20 tác giả văn xuôi, và 40 nhà thơ. Báo giấy khó tiêu thụ, sinh ra quí hiếm. Nhờ đó khá nhiều tác giả vui vẻ góp tay. Mỗi kỳ báo tùy nghi số trang, nhưng thường giới hạn ở mức hơn hơn ba trăm trang. Ngoài việc chọn bài tương đối đồng đều, chúng tôi còn muốn mỗi kỳ có số lượng tác giả đông vui. Chính vì thế, phần thơ chúng tôi thường chọn những bài không quá dài, và mỗi tác giả chỉ một bài duy nhất, mong quí bạn thơ thông cảm.

Số 13 sắp tới, chúng tôi sẽ giới thiệu những bạn vừa bắt tay vào nghề trong những năm gần đây, thuộc cả hai bộ môn thơ và văn. Thường được gọi là “Những Người Viết Trẻ”. Hy vọng tất cả quí bạn trong ngoài Việt Nam hào hứng tham gia.

Theo thực hiện quen thuộc, mỗi tác giả sẽ cho chúng tôi ảnh căn cước (không dùng ảnh cảnh nhiều hơn người), vài dòng về mình tùy nghi, nhưng ghi rõ thời gian bắt đầu sinh hoạt, cũng như những gì đã thành tựu, cụ thể như tác phẩm đã in, nếu có. Kèm theo sáng tác ưng ý của mình, không cần chọn bài mới nhất. Ngôn Ngữ cũng chấp nhận bài đã phổ biến trước đây của bạn trong số đặc biệt này. Một lần nữa, nhắc quí bạn vui vẻ hưởng ứng.

Song song với số giới thiệu đặc biệt này, nhà thơ Lê Hân, hiện quản lý nhà xuất bản Nhân Ảnh, dự định nhờ ban chủ trương Ngôn Ngữ chọn những tác giả xuất sắc, để giúp cơ hội cho bạn đó được in và phát hành tác phẩm tại Hoa Kỳ cũng như Việt Nam.

Rõ hơn, Nhân Ảnh sẽ chọn in 4 tác phẩm. 2 hải ngoại và 2 trong nước cho thơ và văn. Mỗi tác giả sẽ được in miễn phí 25 cuốn đầu tiên cọng với tiền giới thiệu trên Amazon, cùng với các chi phí layout thực hiện bìa và ruột. Đây là thí nghiệm đầu tiên hy vọng sẽ thực hiện được.

Sau hết anh em chủ trương chúng tôi vui gởi đến quí bạn đọc, bạn viết, lời cảm ơn và lời chúc an bình cho mỗi ngày.

Thân tình,

Luân Hoán

No comments:

Post a Comment