Saturday, December 16, 2023

Giới Thiệu Kỷ Yếu Tri Ân Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ

TƯỞNG NIỆM BẬC LONG TƯỢNG – TUỆ SỸ tại Chùa Duyên Giác, San Jose. Ảnh Chúc Tiến.


GIỚI THIỆU KỶ YẾU TRI ÂN HT. THÍCH TUỆ SỸ

- “Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng.”[3] 


  Thầy, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, không kể những chức vụ tối cao của Giáo hội như Chánh Thư Ký, kiêm Xử lý Thường Vụ Viện Tăng Thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), còn được gọi là Tuệ Sỹ, là một bậc “Long-tượng", là một nhà thơ nổi tiếng, một giáo sư lỗi lạc, một nhà sư ẩn dật, một học giả đáng kính, một nhà “bất đồng chính kiến”, và là một trong những nhân vật nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất trong Phật giáo và Văn hóa Việt Nam cận đại và hiện đại. Cuộc đời Thầy đã dành hết thời gian vào công cuộc Hoằng Pháp lợi sanh, Thầy luôn dạy chúng tôi/chúng ta, hãy lấy Văn hóa, Xã hội và Giáo dục mà hành hoạt.  Lấy lời Phật dạy, “Duy Tuệ Thị Nghiệp” và “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” làm kim chỉ nam trong đời. Thầy ra đi để lại một gia tài tâm linh vô giá, một di sản văn hoá vô biên cho Phật Giáo Việt Nam. Trong tinh thần đó, chúng ta về đây là để tưởng nhớ công ơn sâu dày của Người và biết thêm về quá trình hình thành tuyển tập “Kỷ Yếu Tri Ân Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ” (đưa sách lên).

  Vào ngày 15 tháng 9, 2023, khi nghe tin Thầy trở bệnh nặng và có thể mất bất cứ lúc nào, Hội Đồng Hoằng Pháp họp để chuẩn bị “hậu sự" và quyết định làm một tuyển tập gọi là Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Hãy nghe anh Thị Nghĩa đề cập ở đây: “Ôn chắc chắn không cần nghe hay đọc những lời ca ngợi, tri ân nhưng đệ tử chúng tôi thì lại rất cần. Tri ân Ôn là một cách căn dặn chính mình để tinh tấn tu học và để nhớ những lời dặn dò của Ôn cho dù Ôn không còn bên cạnh nữa.” Tuyển tập này, kêu gọi quý đệ tử bốn chúng và quý văn nghệ sỹ viết bài trong 10 ngày và hoàn tất trong vòng 1 tháng do Hội Đồng Hoằng Pháp chủ xướng và thành phần nhân sự bao gồm: Hòa thượng Thích Như Điển, Chánh Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp, Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu Phó Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp, Hòa Thượng Thích Bổn Đạt Phó Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp làm cố vấn. 

Chủ biên: Thượng tọa Thích Nguyên Tạng | Thượng tọa Thích Hạnh Viên

Ban Biên tập: Thị Nghĩa Trần Trung Đạo | Nguyên Đạo Văn Công Tuấn | Tâm Huy Huỳnh Kim Quang | Tâm Quang Vĩnh Hảo | Quảng Diệu Trần Bảo Toàn | Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ

Kỹ thuật và Thiết kế: Nguyên Túc Nguyễn Sung | Quảng Pháp Trần Minh Triết |

Nhuận Pháp Trần Nguyễn Nhị Lâm

Bảo trợ: Ban Bảo Trợ Hội Đồng Hoằng Pháp

  Trong khoảng thời gian đó, Ban biên tập đã nhận hơn 100 bài và gần 800 trang, nhưng đã quyết định chỉ chọn 1 hoặc 2 bài cho mỗi tác giả và có những bài chưa đủ thuận duyên để đưa vào. Cuối cùng, cũng xong cuốn kỷ yếu dày 508 trang của 78 tác giả sáng tác về Thầy và may mắn nhất là chính Thầy đã đọc được tập sách và Thầy đã hoan hỷ mỉm cười. Có thể là động lực Thầy sống thêm vài tuần nữa.

  Kỷ yếu này được sắp xếp như sau theo lời nhà văn Vĩnh Hảo, người chấp bút cho lời ngỏ Kỷ Yếu Tri Ân chia sẻ [1]: “Văn hóa và Giáo dục Phật giáo được biểu hiện qua việc học hỏi, tụng đọc, truyền dạy và thực hành Kinh – Luật – Luận mà Thầy đã tận tụy suốt hơn 60 năm phiên dịch, chú giải, sáng tác, giảng dạy trong nhiều trường lớp Phật học tại Việt Nam và ngoài nước qua Paltalk, Zoom Meeting Online, v.v…

Văn hóa và Giáo dục Dân tộc cũng được Thầy phổ hiện qua những sáng tác thơ văn, tiểu phẩm, tiểu luận… về tình tự dân tộc, nhân sinh quan, xã hội dân sự; và trong một góc nhìn nào đó, ngay chính bản án tử hình và những năm trong tù ngục của Thầy cũng là hệ quả của sự biểu hiện nền Văn hóa, Giáo dục nhân bản và khai phóng của dân tộc trong một giai kỳ lịch sử đen tối trên quê hương.

  Trong chiều hướng đó, nội dung tập Kỷ Yếu này dựa theo hành trạng của Thầy Tuệ Sỹ, chia làm 3 phần chính:

Phần I – Phật học: Gồm những sáng tác văn, thơ, biên khảo, tiểu luận của chư vị thức giả, học giả, Tăng Ni, cư sĩ, văn nghệ sĩ nói về Thầy Tuệ Sỹ và ảnh hưởng của Thầy trong tư cách một nhà tư tưởng Phật học, một hành giả Tăng sĩ Phật giáo uyên thâm, trác việt;

Phần II – Văn học: Gồm các sáng tác văn chương, thi phú, mỹ thuật của giới văn học nghệ thuật minh họa về Thầy Tuệ Sỹ như một nhà văn, nhà thơ trứ danh, hàng đầu trong nền văn học Việt Nam; và

Phần III – Đạo Pháp và Dân Tộc: Gồm những sáng tác, nhận định, xã luận, tiểu luận của chư vị học giả, thức giả, đời cũng như đạo, Phật giáo hay tôn giáo bạn, về vai trò của Thầy Tuệ Sỹ trong cương vị lãnh đạo Giáo Hội, cũng như những đóng góp của Thầy bằng hành động hay bằng tâm thức, nhằm xây dựng nền tự do, dân chủ và nhân quyền cho dân tộc Việt Nam.”

 Đó là cấu trúc của Kỷ Yếu Tri Ân Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ. Nhưng để tri ân Thầy một cách sâu sắc nhất, chúng tôi/chúng ta hãy xin mượn lời pháp huynh Tâm Huy Huỳnh Kim Quang, một trong những người học trò được Thầy đặt nhiều kỳ vọng, trong bài “Xưng tán Ân Sư, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ” [2] như là nỗi niềm riêng, chung của tất cả chúng ta đang hiện hữu nơi này.

“...Khi giông bão của lòng người lắng xuống, cơn sóng cuồng nộ của ma quỷ lặng yên, nhưng đau đớn thay, ngôi nhà Giáo Hội gần như thành bình địa! Trên hoang tàn đổ nát ấy Thầy vì hai ngàn năm lịch sử Đạo Phật Việt Nam mà nhận lãnh trọng nhiệm xây dựng lại từ đầu.

Ôi, thiên nan vạn nan! Làm sao để vực dậy nội lực của Giáo Hội giữa thời đại tràn ngập hận thù, nghi kỵ và tà thuyết? Dù thân mang trọng bệnh, nguồn mạch trí tuệ và từ bi vẫn không hề suy giảm, Thầy liễu triệt được rằng chỉ có Chánh Pháp thực sự mới soi tỏ lòng người để xua tan đêm dày tăm tối tham, sân, si.

Từ bi nguyện ấy, Thầy khuyến tấn thành lập Hội Đồng Hoằng Pháp để xiển dương Chánh Pháp đến mọi người, mọi nơi. Cùng lúc, Thầy phục hồi công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam để bảo tồn và phát huy nền văn hóa truyền thống của dân tộc và làm kim chỉ nam cho việc nghiên tầm Phật Pháp.

  Nhờ vậy, niềm tin của Tăng, Ni và Phật tử mười phương đối với vận đồ của Đạo Pháp và Dân Tộc được tăng trưởng và cơ đồ của Giáo Hội được dựng lại.

  Trước lúc ra đi, Thầy nhắc lại hoằng nguyện: “Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng.”[3] Bậc đại sĩ hiện thân trong thế giới này để tiếp tục chí nguyện “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh.” “Bồ-tát bệnh vì chúng sinh còn bệnh. Khi chúng sinh hết bệnh thì bệnh của Bồ-tát cũng hết.”[4]

  Năm ấy, trên đường ngàn dặm cô thân, Thầy gõ thiền trượng mà ngâm rằng, “Ta về một cõi tâm không…”[5] Ấy là cõi tâm rỗng lặng, tịch lặng, hay Niết-bàn. Và Thầy đã lên đường “về cõi tâm không,” vào 4 giờ chiều ngày 24 tháng 11 năm 2023, giờ Việt Nam, tại Chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai, Việt Nam.

Vậy là:

“Việc cần làm đã làm xong,”[6] Thầy quảy dép độc hành trên đường thiên lý,

Đỉnh Lăng-già [7] lung linh bóng nguyệt thấp thoáng cánh chim nhạn lướt về Tây.

Ôi, lời thơ năm xưa nay đã hóa thành Thiên nhạc ngân vang tận những tầng trời cao vút để cung tiễn bước chân trở về của vị hóa thân Đại Sĩ.

“Đã đi thì đã đi rồi

Thượng phương trùng điệp thấy gì nữa đâu…”[8]

Con cúi đầu đảnh lễ Giác Linh Thầy tôn kính và lạy tạ ân đức giáo hóa cao dày của Thầy."

Thôi thì:

Thầy đi nhẹ gót về quê Nội

Trở lại trần gian hoá độ Người

Chúng con đồng nguyện Bồ Tát Hạnh

Thuyền từ Bát Nhã đến bến Không. 


Nam mô Từ Lâm Tế Chánh tông tứ thập tứ thế, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội, Tăng Thống Viện Chánh Thư Ký Xử lý Thường Vụ, húy thượng NGUYÊN hạ CHỨNG, hiệu TUỆ SỸ, Trưởng lão Hòa thượng Giác linh thùy từ chứng giám.


Xin cúi đầu

Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ


P.s. Xin xem Thông báo: Về việc phát hành Kỷ Yếu Tri Ân HT Thích Tuệ Sỹ ở đây.

https://thuvienphatviet.com/thong-bao-ve-viec-phat-hanh-ky-yeu-tri-an-ht-thich-tue-sy/


Chú thích:

[1] Vĩnh Hảo chấp bút: Lời ngỏ | Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng THÍCH TUỆ SỸ. Hội Đồng Hoằng Pháp, tải xuống ngày 5 tháng 13, 2023. https://hoangphap.org/loi-ngo-ky-yeu-tri-an-hoa-thuong-thich-tue-sy/

[2] Tâm Huy Huỳnh Kim Quang: Xưng tán Ân Sư, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Hội Đồng Hoằng Pháp, tải xuống ngày 5 tháng 13, 2023. https://hoangphap.org/tam-huy-huynh-kim-quang-xung-tan-an-su-hoa-thuong-thich-tue-sy/

[3] Trích lời nguyện của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ trong Di Chúc Tang Lễ.
[4] Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, Tuệ Sỹ dịch.
[5] Câu thơ đầu trong tập thơ “Thiên Lý Độc Hành” của Thầy Tuệ Sỹ (1945-2023) đã được xuất bản vào năm 2021.
[6] Trích từ tứ định cú trong Kinh A-hàm: “Ngã sanh dĩ tận, phạm hạnh dĩ lập, sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu.” (Sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn đời sau nữa)
[7] Lăng-già (Lanka) là tên một ngọn núi nằm trên Đảo Tích Lan (Sri Lanka). Truyền thuyết kể rằng lúc Đức Phật còn tại thế đã đến đây để giảng Kinh Lăng-già (Laṅkāvatārasūtra – Nhập Lăng-già Kinh). Đây là bộ kinh được Tổ Bồ-đề-đạt-ma (Bodhidharma) mang từ Ấn Độ sang Trung Hoa vào cuối thế kỷ thứ 5 và đầu thế kỷ thứ 6 để truyền đạo Thiền.
[8] Phạm Công Thiện, “Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Lặng Im,” 2009.


Xin xem hình ảnh ở đây tại nhà Quảng Đức.


No comments:

Post a Comment