Trước cửa tiệm bán quà du lịch. (Rockport, Massachusetts)
ROCKPORT, MASSACHUSETTS
Một lần ghé thăm Rockport, một thành phố du lịch nhỏ, cách Boston khoảng một giờ lái xe. Dọc hai bên đường phố hẹp là những quán bán quà kỷ niệm du lịch.
Tôi đi ngang một tiệm bán hàng điêu khắc. Nhiều tượng Phật được trưng bày. Tôi dừng lại. Trước khi chụp vài tấm hình, tôi đứng thẳng, nhìn các tượng Phật và chắp tay vái một vái. Du khách tấp nập và hình như có ai đó đang nhìn tôi.
Rất nhiều người nghĩ chỉ có Phật được đặt trên chánh điện nghiêm trang trầm hương nghi nghút mới là Phật, còn Phật ở các cửa tiệm, ở những phòng trưng bày nghệ thuật, viện bảo tàng thì không phải.
Thật ra, hình tượng chỉ để nhắc nhở. Phật trong tâm, trong suy nghĩ có tánh thiện, trong nhận thức, và vì thế, Phật ở mọi nơi. Khoảnh khắc ta nghĩ đến Phật là lúc Phật hiện ra trong ta. Bất cứ nơi nào, bất cứ hoàn cảnh nào.
Tuần trước đó tôi đi chùa nhân lễ Phật Đản. Thầy trụ trì rất vui và bảo “Lâu lắm con không về chùa, lát nữa con lên nói vài lời với các đạo hữu nhân ngày Phật Đản”. Tôi không chuẩn bị gì nhưng nói rất dễ dàng vì Đạo Phật có rất nhiều điều hay, nét đẹp để nói về. Tôi nói sở dĩ đức Phật chọn một nơi nhiều bất công, nghèo nàn như Ấn Độ để thị hiện chỉ vì tình thương của đức Phật dành cho con người.
Chùa Ấn Độ Giáo nổi tiếng ở Chennai nhưng các tiệm chung quanh phần lớn là “bán” tượng Phật.CHENNAI, INDIA (Chennai, India)
CHENNAI, INDIA
Phật ở Ấn Độ cũng không khác gì Phật ở Rockport tấp nập.
Một lần ở Chennai, tôi hỏi người chủ tiệm món hàng nào được du khách ưa chuộng nhất, người chủ tiệm trả lời “tượng Phật”.
Đức Phật là biểu tượng của tình thương và Đạo Phật là đạo của tình thương. Ai lại không muốn mang về nhà một biểu tượng từ bi, bác ái và bao dung như thế dù người đó thuộc tôn giáo nào.
Trong ý nghĩa đó, Đạo Phật không chỉ là đạo riêng của những người Phật Tử mà là đạo chung của con người, bởi vì con người còn tồn tại đến hôm nay là nhờ có tình thương. Thế giới con người sẽ tận diệt nếu một ngày tình thương không thắng được hận thù.
Một tiệm coi bói ở Cape Cod, Massachusetts
CAPE COD, MASSACHUSETTS
Mới “gặp Phật” ở Rockport tháng trước, nay lại “gặp Phật” ở Cape Cod. Lần này tôi không lạy Phật. Phật ở Cape Cod được dùng như một loại trang sức hay chỉ để lừa bịp khách hàng.
Một tượng đức Phật được đặt trước cửa một tiệm coi bói, một tượng đức Phật được đặt trong lồng kính chung với áo quần, một tượng đức Phật được dựng trên lối đi như để chào đón khách hàng, một số tượng đức Phật bị nhốt bên trong cửa sắt của một khu vườn dường như lâu rồi không ai chăm sóc.
Buôn bán tượng Phật là một kỹ nghệ đang được thịnh hành, bắt đầu từ quê hương đức Phật. Bước xuống phi trường quốc tế New Delhi hình ảnh đầu tiên những khách phương xa bắt gặp là bàn tay đức Phật. Bước vào tiệm bán đồ kỷ niệm cho du khách ở nhiều nơi trên xứ Ấn, hình ảnh được trưng bày nhiều nhất cũng là đức Phật. Khuôn mặt bao dung, nụ cười nhân hậu của ngài rất thu hút khách thập phương.
Tuy nhiên, đúng như Giảng sư Tây Tạng Dzongsar Jamyang Khyentse viết, Ấn Độ là quốc gia đã lãng quên người con yêu quý của mình: Đức Phật. Bởi vì di sản của đức Phật không phải là khuôn mặt bao dung, nụ cười nhân hậu hay ngay cả đền đài mà là những lời dạy của ngài. Rất hiếm tại Ấn Độ có nơi phát hành các kinh sách Phật Giáo, phần lớn chỉ bán các tượng Phật hay giữ đền thờ để thu tiền.
Nhìn những tượng Phật ở Cape Cod, tôi thầm mơ ước, ngày nào người Mỹ nói riêng và Tây Phương nói chung không còn nhìn các tượng Phật như món đồ trang trí mà cùng tìm hiểu, cùng lắng nghe những lời khuyên của đức Phật, ngày đó nhân loại sẽ hòa bình.
Một người Nhật lễ Phật trước khi xuống trạm xe điện để đi làm.KYOTO, NHẬT (Kyoto, Nhật Bản)
Tại Nhật, đạo Phật trở thành một đạo dân tộc, cùng với Thần Đạo (Shinto) đã và đang tồn tại một cách hài hòa. Đạo dân tộc không nên hiểu theo nghĩa là quốc giáo hay đạo riêng của một nước nhưng tư tưởng Phật Giáo thấm đậm vào đời sống văn hóa và con người Nhật.
Người dân Nhật không đến chùa lễ Phật, tụng kinhh thường xuyên nhưng trên đường đi làm họ có thể dừng chân ở một ngôi chùa, kéo dây chuông ba lần, chắp tay cầu nguyện.
Người hướng dẫn du lịch kể lại khi người Nhật sinh con, cha mẹ thường ẳm con đến đền Thần Đạo để làm lễ cầu nguyện nhưng khi qua đời thường làm đám tang theo nghi lễ Phật Giáo.
Đa số là các ông bà già cầu tài lộc. (Seoul, Nam Hàn)
SEOUL, NAM HÀN
Seoul thì khác. Đạo Phật một thời hưng thịnh tại Triều Tiên đang mờ dần vào quá khứ. Thống kê năm 2005, chỉ 25% dân số xác nhận là tín đồ Phật Giáo nhưng con số đó đã xuống thấp dần đến mức ngày nay Phật Giáo tại Nam Hàn không còn được xác định một cách rõ ràng như một tôn giáo mà đang hòa chung vào tập tục văn hóa.
Chùa Jogyesa, ngôi chùa lớn nhất tại Seoul, được biết như là một địa điểm du lịch nhiều hơn là Thiền Viện chính của tông phái Jogye. Cám dỗ vật chất đã thu hút các thế hệ trẻ đi theo, bỏ lại sau lưng họ những cụ già ngồi đếm từng ngày cuối của đời mình trong lời kinh tiếng kệ. Các tượng Phật dễ tìm thấy ở khu shopping Insadong hơn là tại các ngôi chùa.
Đạo Phật là đạo của con người với các giá trị tình thương và sự thật nhưng để mang tình thương và sự thật đến cho con người, Phật Giáo cũng cần thay đổi cách hoằng dương.
Monterey, California
MONTEREY, CALIFORNIA
Trên con đường chính dọc bờ vịnh Monterey có một tiệm Ấn Độ bán đồ kỷ niệm cho du khách. Một phụ nữ Ấn ngoài 60 tuổi và một thanh niên Ấn trạc 30 tuổi đang coi tiệm. Một số hình tượng đạo Hindu như Lord Shiva, Lord Brahma v.v.. được trưng bày nhưng đa số là tượng Phật.
Tôi dừng lại chụp một số hình những tượng Phật được đặt bên ngoài. Chàng thanh niên bước ra ngăn cản. Anh chỉ tấm giấy nhỏ “No photography” gắn trên một trong những tượng Phật. Tôi ngừng, nhưng không quên phản ứng “Tấm giấy quá nhỏ để thấy”, và tôi lại tiếp “Lẽ ra anh nên để cho du khách chụp hình thoải mái. Bức tượng đẹp sẽ gây cho họ ấn tượng đẹp khi nhìn lại. Biết đâu vì thế họ sẽ trở lại mua. Cho dù không mua, họ sẽ giúp anh quảng cáo miễn phí khi gởi cho bạn bè họ.”
Chàng thanh niên dịu giọng “Vâng, anh nói cũng đúng.” Tuy nói vậy anh ta vẫn không lấy cái bảng cấm chụp hình xuống. Tôi bước vào tiệm. Chàng thanh niên hỏi tôi muốn mua tượng Phật nào không. Tôi đáp “Tôi là Phật Tử nhưng cám ơn, tôi không mua.”
Tôi muốn thử anh ta một câu rất dễ “Anh biết Đức Phật ra đời ở đâu không?” “Nepal”, chàng thanh niên đáp ngay. “Anh google chứ gì?” Anh cười “Đúng vậy.”Lý do tôi đoán anh ta google vì người có kiến thức lịch sử căn bản cũng có thể biết Đức Phật đản sanh tại một vương quốc của nước Ấn Độ, ngày nay thuộc lãnh thổ Cộng Hòa Nepal. Tôi giải thích “Đúng ra anh nên trả lời là Ấn Độ nay thuộc Nepal vì khi Đức Phật ra đời chưa có nước Nepal. Là người Ấn anh cũng nên hãnh diện là nơi Đức Phật ra đời.”
Anh không nói gì nhưng người đàn bà lớn tuổi gật đầu.
Nhiều báo chí ca ngợi sự phục hồi Phật Giáo tại Ấn Độ bởi vì đi đâu họ cũng gặp hình tượng Đức Phật. Nụ cười Đức Phật có thể nhận ra từ khi du khách bước xuống phi trường New Delhi cho đến một quán nhỏ bán đồ kỷ niệm ven đường.
Tôi không lạc quan như vậy. Cao trào phục hưng phải được đánh dấu bằng tăng đoàn, tu viện, thiền viện, trung tâm nghiên cứu, đại học, thiện trí thức, tín đồ. Đạo Phật không phải là một món đồ để trưng bày, một thị hiếu dù hấp dẫn bao nhiêu.
Nhìn những đồng bạc cắc và viên đá mỏng viết chữ “fortune” đặt dưới chân một tượng Phật, tôi định nói với anh Đức Phật không mang may mắn tài lộc gì đến cho ai cả, nhưng rồi đổi ý. Nói để làm gì, một người không biết nơi sinh của một trong số rất ít bậc thầy của nhân loại thì Đức Phật trong mắt anh đơn giản chỉ là một món hàng.
Braintree, Massachusetts
BRAINTREE, MASSACHUSETTS
Nhớ lại chuyện nhiều năm trước. Không bao lâu sau khi dọn về nhà mới, ngày nọ nhìn ra đường, một tu sĩ Phật Giáo còn khá trẻ đang đứng ngắm căn nhà đang treo bảng bán. Vợ tôi nhìn tôi “Anh đến đâu là có chùa theo đó.” Lúc đầu tôi tưởng là thầy đi lạc nhưng khi bước ra hỏi mới biết vợ tôi nói đúng.
Thật vậy, vài tháng sau, căn nhà của người láng giềng trở thành ngôi thiền viện. Thiền viện Bồ Đề như tên chùa được khắc vào viên đá trước cổng ra vào. Ngoại trừ những ngày lễ lớn ghé qua thăm và chúc sức khỏe các thầy, tôi ít khi đến chùa và cũng không nhớ hết pháp hiệu các thầy. Một phần vì bận rộn với đời sống và phần khác cũng không cảm thấy cần thiết. “Trong núi không có Phật” như Tổ Trúc Lâm đã dạy thì trong chùa cũng chưa hẳn có Phật. Đến chùa để tìm gì?
Ngày còn nhỏ tôi thường niệm hồng danh Đức Phật và ngủ nhiều năm dưới chân ngài. Những đêm khuya im vắng tôi ngồi dưới hiên chùa ngắm hàng vạn vì sao mọc kín vòm trời. Tôi tâm sự với ngôi sao những chuyện thầm kín nhất, những chuyện tôi chưa từng nói với ai và cho dù tôi muốn cũng chẳng có ai gần gũi để cùng san sẻ.
Qua Mỹ cũng thế. Tôi niệm Phật và nghĩ đến những lời dạy của ngài ở bất cứ nơi đâu dù khi ngồi nhìn những đám mây bay bên kia cửa sổ phi cơ, những đêm thao thức và ngay cả những chiều kẹt trên xa lộ. Tôi yêu đạo Phật vì đạo Phật là đạo của tình thương, bao dung và tha thứ.
Tôi chợt hiểu ra, đến chùa không phải để “gặp Phật” mà gặp lại chính mình.
Trần Trung Đạo