Saturday, May 16, 2020

Tư Tưởng: Đồng Thanh Tương Ứng với Khả Tính Của Phật Giáo Trong Vấn Đề Hòa Bình

«Chính những lời nói im lặng nhất mới mang lại bão tố. Chính những tư tưởng hiện đến trên bước chân của bồ câu mới có thể điều động thế giới/Die stillsten Worte sind es, welche den Sturm bringen. GedankeD, die mit Taubenfüssen kommen, lenken die Welt» ~ NIETZSCHE
L.T.S.: Ngày lễ Phật đản 2513 được tổ chức tại viện Đại học Vạn Hạnh có thể coi như là ngày hội thảo quốc tế về Khả tính của Phật giáo trong vấn đề hòa bình. Viện Đại học Vạn Hạnh đã mời những bậc thức giả cao cấp ở ngoại giao đoàn đến tham dự để phát biểu quan điểm đối với Khả tính của Phật giáo trong vấn đề hòa bình; những nhân vật quốc tế sau đây đã có mặt tại viện Đại học Vạn Hạnh vào ngày 30 tháng 5, 1969: Quí ông K.L. Dalal, tổng lãnh sự Ấn Độ; Keizo Kobayashi, đệ nhất tham vụ đại diện ông Đại sứ Nhật bản; Chester Bain, đại diện ông ủy viên Văn Hóa Đại sứ Mỹ; J.ư.D. Margetson, ủy viên Văn hóa Đại sứ Anh; Pierre Garreau, cố vấn Văn hóa tòa lãnh sự Pháp; tất cả những vị có tên vừa nêu đã đứng lên phát biểu quan điểm của từng vị đối với vấn đề Hòa Bình trong Phật giáo. Sau đây, chúng tôi cho trích đăng hai quan điểm tiêu biểu, quan điểm của vị đại diện Văn hóa Ấn Độ và vị đại diện Văn hóa Pháp, tượng trưng cho hai nền Văn hóa Đông phương và Tây phương.
QUAN ĐIỂM CỦA VĂN HÓA ẤN ĐỘ TIÊU BIỂU CHO Ý THỨC ĐÔNG PHƯƠNG ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ HÒA BÌNH CỦA PHẬT GIÁO
Những người cộng sự của tôi ở Tòa Tổng lãnh sự Ấn độ và tôi rất lấy làm tri ân quý Viện đã dành cho tôi dịp may được đến đây một lần nữa để tham dự buổi lễ kỷ niệm ngày Đản sanh Đức Phật.
Chúng ta đang sống qua những thời kỳ của biến loạn, bất an xảy ra trên nhiều lãnh thổ trong những lục địa khác nhau, và ý nghĩ chúng ta tự nhiên hướng về đời sống và giáo lý của Đức Phật để tìm giải đáp cho những vấn đề của chúng ta. Đức Phật ra đời trong một thời đại cũng bất an và khốn đốn. Như Cổ Ấn độ, sách Gita có nói, Linh hồn vĩ đại thường hạ phàm vào thời nguy vong phò hộ những người lành và cứu vớt kẻ sa đọa.
Kính thưa Thượng Tọa Tiến sĩ Minh Châu. Ngài đã đề nghị chúng tôi nói vài lời về Đức Phật như hiện thân của Hòa Bình. Tôi vẫn tự hỏi có còn nghi ngờ nào nữa về bản chất hòa bình của giảo lý Đức Phật. Trong khi nhiều vị thần quan trọng trong số các vị thần linh của Ấn độ, tạc trên đá nay vẽ hình màu, được tiêu biểu với nhiều sắc diện khác nhau, thì Đức Phật vẫn luôn luôn ngự trị cao cả như một hiện thân của Hòa bình và chỉ Hòa bình mà thôi. Bất kỳ quý vị du lịch ở đâu, từ Trung Ấn chí Nhật Bản, Đức Phật luôn luôn được biểu trung dưới hình thái thanh bình và siêu thoát.
Có lẽ điều này có liên quan đến hoàn cảnh xã hội trong đó Đức Phật đã sống và thuyết giáo. Tập Mahabharata và Ramayan, hai bộ Thánh điển vĩ đại khác của Ấn độ, chứa đựng chiến tranh và xung đột, cùng những chọn lựa tàn khốc con người phải chịu như một phần của bối cảnh từ đấy những hệ thống đạo đức và triết học được thành hình. Đức Phật không trực tiếp vướng vào bất cứ một chiến cuộc lớn lao nào mặc dù Ngài sinh ra trong một hoàng tộc. Những cuộc khủng hoảng và thử thách mà Ngài đã đương đầu và vượt qua phần nào sâu sắc hơn, căn để hơn, cũng như những vấn đề của hòa bình thường vẫn nan giải hơn là những vấn đề của chiến tranh vậy.
Đức Phật lãnh đạo cuộc tranh đấu cho lý trí chống lại mê tín, niềm tin chống lại giáo điều, đạo đức và tâm linh chống lại lễ tục, Đức Phật đã thành công trong những cuộc đấu tranh vô hình này là nhờ niềm tin vững vàng bất diệt của Ngài vào thái độ hòa bình đối với những vấn đề của cuộc sống. Toàn thể nhân cách Ngài, vật lý, tinh thần và tâm linh chính là hiện thân của Hòa bình.
Đức Phật không biểu lộ sự gớm ghiếc, kinh tởm hay giận dữ nào khi đối xử với những chúng sinh ti tiện nhất, với công việc thấp hèn nhất. Người ta đọc rất ít yếu tố chiến tranh và xung đột quân đội trong đời sống và giáo lý Phật. Nhưng những truyền thuyết và câu chuyện về những việc làm của Ngài thì đầy dẫy những biến cố trong đó hiện diện đủ loài chúng sinh thấp hèn nhất, và thuật lại cách Đức Phật đã cứu chúng bằng từ bi, nhẫn nhục, khoan hồng ra sao. Hòa bình và thái độ hòa bình hầu như đã là từ ngữ thông dụng để chỉ tất cả đức tính của một tâm hồn đã giác tỉnh.
Giáo lý Đức Phật dạy chúng ta rằng tình yêu là một cái gì còn hơn sự vắng bóng hận thù, hạnh phúc không chỉ là sự vắng bóng khổ đau, và hành động vốn là tích cực hơn sự chấm dứt tình trạng bất động. Hòa bình, cũng thế, là một cái gì còn hơn sự chấm dứt chiến tranh xung đột. Đức Phật không ngừng dạy ta qua gương mẫu và giáo lý rằng bước trên đường Bát chánh để khắc phụ khổ đau và đạt Niết bàn có nghĩa là một hành động tích cực chứ không phải chỉ là một sự bất động tiêu cực. Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tiến, chánh niệm, chánh định bát chánh đạo là những bước tích cực diễn tả quá trình cố gắng hữu thức để đạt đến mục tiêu cao nhất.
Tôi muốn chấm dứt lời phát biểu bằng cách đọc ra đây một vài lời trích từ một trong những bài giảng của Đức Phật, nó diễn tả một cách thần tình thái độ của Ngài đối với vấn đề giải quyết mọi tranh chấp trong tinh thần hòa bình. Khi những vị Tỳ khưu của Kosambi đến xin Phật chỉ giáo cách chấm dứt những bất hòa đang xảy ra trong đoàn thể Tăng chúng, Đức Phật đã dạy: «Nếu Tăng chúng tuyên bố tái lập sự hòa thuận chứ không xét đến vấn đề đã gây tranh chấp, thì sự hòa bình ấy chỉ có trên đanh từ mà thôi. Nhưng nếu tăng chúng, sau khi đã cứu xét vấn đề một cách tường tận, rồi quyết định tuyên bố tái lập hòa bình thì sự hòa bình ấy được thiết lập trong tinh thần lẫn trên danh từ. Chỉ có hòa bình được tái lập trong tinh thần và trên danh nghĩa mới đúng đắn và hợp lý»
Một lần nữa tôi xin cảm ơn Thượng Tọa tiến sĩ Minh Châu đã cho tôi sự may mắn hôm nay là được dự phần vào ngày lễ Đản Sanh của Đức Phật. ~ K.L. DALAL
QUAN ĐIỂM CỦA VĂN HÓA PHÁP QUỐC, TIÊU BIỂU CHO Ý THỨC TÂY PHƯƠNG, ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ HÒA BÌNH PHẬT GIÁO
Đối với tôi thật là một vinh hạnh lớn lao và khó khăn khi cung hiến dự phần khiêm tốn vào sự kỷ niệm ngày lễ trang trọng của Đức Phật. Những gì tôi biết về Phật giáo trước khi đến nước Việt Nam thì thực ra không thể ngang tầm mức những điều tôi có thể thu nhận được trong vài tháng lưu trú gần đây ở Việt Nam. Bao nhiêu cuốn sách đã gợi dẫn cho tôi sự giàu sang phong phú của tinh thần Phật Giáo, thực ra những quyển sách ấy chỉ có ý nghĩa và giá trị lúc tôi tiếp xúc thẳng với dân tộc Việt Nam, một dân tộc đáng được khâm phục.
Sự lễ độ vô hạn, tinh thần khoan dung và hiếu hòa, sự trầm mặc cao cả mà nhiều người Việt Nam đã mang trong tâm hồn, dù bao nhiêu biến động thăng trầm của thời đại giặc giã này, đối với tôi, tỏ lộ như là một dấu hiệu của nền Văn minh vô hạn mà Phật giáo đã có khả năng làm đơm hoa trên dãy đất này.
Xuyên qua những thi sĩ, những tiểu thuyết gia, những nhà đạo đức, con người Tây phương tìm cách để tự hiểu mình, nhưng thường khi sự soi chiếu của bản thân đối với tự thân lại phải chịu bế tắc bưng bít. Trái lại, đối với con người theo Phật giáo, sự làm chủ tự thân hoàn toàn không phải là một sự ích kỷ của thông thức, mà lại là nguyên lý của một tặng phẩm quảng đại gởi cho toàn thể nhân loại. Montaigne, Voltaire (xin cử ra những vị vĩ đại nhất thôi) đã từng nhận ra giá trị tối thượng mà tinh thần Phật giáo có thể biểu trưng cho thế giới tây phương: đó chính là sự từ bi quảng đại toàn diện mà loài người vẫn cảm thấy thiếu thốn. Vì đòi hỏi sự chuyên tánh nội tại của con người, Phật giáo, tự nơi nền tảng căn bản, bản tính Phật giáo vẫn muốn có tính cách giáo dục và chính sự hiện hữu của Viện Đại Học các Ngài là dấu hiệu chứng tỏ điều ấy. Nền giáo dục ấy hoàn toàn không có hình thức trang điểm đơn giản hoặc một phương tiện thăng tiến những tín đồ trên bình diện xã hội, nền giáo dục ấy chỉ có mục đích trường cửu là nhân tính hóa con người. Theo Pao Tcheng thì trong cõi Trời Đâu Suất, Đức Phật đã từng thuyết: «Ta muốn xuất sinh lại giữa loài người để dạy dỗ họ». Sứ mạng của Ngài hoàn toàn không phải là chỉ đem lại một tiếng nói bí ẩn nào, mà nói một cách rất nhân bản với những con người để giúp họ vượt qua thân phận làm người của họ. Qua lời giảng huấn được đặt nền tảng trên một minh kiến về sự hiện hữu, Đức Phật đã muốn tận diệt những thống khổ của con người để mang hòa binh lại cho tất cả những sinh thể. Chính tinh thần văn hóa này, trong ý nghĩa sâu sắc nhất của danh từ, cũng là tinh thần của nhiều Văn hóa Tây phương, cho nên chúng ta có thể qua lại từ tư tưởng của một Pascal hoặc của Montaigne đi đến tư tưởng của Phật giáo một cách hoàn toàn tự nhiên thoải mái. Nhưng tinh thần lưu động Phật giáo đối với tôi hơi khác với tinh thần nhà văn Tây phương dù nhà văn ấy có cao minh hiền triết đi nữa. Bài học mà Đức Phật đã dạy chúng ta luôn luôn có tính cách cộng đồng lời dạy của đức Phật luôn luôn vượt qua biên giới chính trị và hoặc ý thức hệ mà tâm trí bạc nhược của người thiết lập và củng cố. Kính trọng sắc thái đặc biệt của mỗi quốc gia mà Phật giáo đã khai phá, Phật giáo đã mang đến những quốc gia ấy ý nghĩa của nền nhân bản đại đồng vượt qua cả thể chế độc tri sơ khai và hiện đại. Qua tinh thần ấy Phật giáo đã có khả năng thể hiện những gì mà một nền văn hóa có tính cách nhân tính luôn luôn mong muốn thể hiện và tiếc thay không bao giờ có thể đạt đến được. Hơn thế nữa, nền văn hóa mà các Ngài hiện là những người chủ xướng phát huy và đại diện cho Việt Nam, nền văn hóa ấy đã đạt được nền tảng trên một đạo pháp mà rất ít nhà minh triết tây phương có khả năng chủ trì: đó là ý chí giải phóng con người ra ngoài những nô lệ vật chất và tâm linh, ý chí ấy cần phải thể hiện không bạo động và bằng tinh thần khoan dung và rộng rãi nhất để đưa con người tiến tới sự tịch lặng cao cả nhất bằng khuyến dụ chứ không bằng sự cưỡng ép bạo lực, đó chính là một sự chiến đấu ngoại lệ mà phương tiện không làm bại loại cứu cánh và lại biểu hiệu cứu cánh một cách trọn vẹn.
Thế giới tân tiến ngày nay đã phô trương tất cả những sự quyến rũ của sự giàu sang tài sản vật chất với một cường độ huyễn hoặc mà sự tiến bộ cơ khí nhà khoa học đã làm nẩy nở lan tràn, những điều cần phải làm chứng tích cho sự tăng tiến của con người thì lại trở thành dấu hiệu và lý do của tính cách phi nhân đạo, từ đó sự chiến đấu giữa thực tại ảo hoặc và chân lý đã trở thành gian nan hơn nữa. Nhưng ở đâu sự phát minh của con người tăng cường những dụng cụ tàn sát thì ở đó Phật giáo, với sự cường tráng trong niềm tin xác quyết của mình, với tính cách nhân đạo qua lòng khoan dung của mình, với sự khiêm tốn qua tinh thần nhân tính của mình, Phật giáo xuất hiện như một công cụ ưu việt để vượt qua những trận xung đột chiến tranh và đưa dẫn con người, không phải đến một hoàng kim thời đại cổ kính hoặc mộng tưởng, mà đưa dần con người đến một nền hòa bình khả dĩ chấp nhận thời đại tính để cung phụng cho niềm tịch lạc sắp tới. Từ lúc đức Phật Đản sanh cách đây 25 thế kỷ cho đến nay tinh thần Phật giáo vẫn có khả năng làm chất men cho Văn minh, cho thời đại tính và cho tương lai và những trận tuyến hoàn toàn có tính cách tâm linh mà Đạo Phật đã dẫn đạo và đang dẫn đạo, đối với tôi, đó mới chính là những trận truyến mà tất cả của nền văn hóa cần phải lưu dẫn.
Cái tinh thần làm sinh động Phật giáo chính là tinh thần mà tất cả con người văn hóa cần phải thủ đắc, mục đích mà Phật giáo hướng tới chính là mục đích mà tất cả chân nhân cần phải hướng tới, đó mới chính là sự giải phóng của con người để thiết lập nền hòa bình có tính cách phổ biến đại đồng. ~ P. GARREAU