Wednesday, May 20, 2020

Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục: Một sự chuyển tiếp cần thiết!

Lời dẫn

QUẢNG PHÁP: Nhân là dạo này, phần đông là nhiều anh chị em lam viên quê nhà mời tham gia thảo luận trong các diễn đàn, chưa kể các diễn đàn Phật Giáo. Thật tâm thì muốn giữ ý định không tham gia diễn đàn nào hết, không phải vì có ý nhận xét hay dở, đúng sai mà nhiều quá, tham gia chỗ này mà không nơi khác thì anh em hiểu lầm. Nhưng tham gia thì thời gian đâu mà chia sẻ cho đủ thấm, đồng đều. Do vậy mà xin góp ý một chút, chung với nhau. Rồi hạ hồi tùy duyên anh em chia sẻ cặn kẽ hơn, khi cần. Tóm lại là tùy duyên, vô trụ:
Anh chị em thân mến,
Để ý một chút, những năm gần đây, và nhất là những tháng sau này, nhiều diễn đàn áo Lam, xin được gọi một cách chung chung là như vậy, luân phiên mở ra, mỗi lúc một nhiều. Tuy chưa mở toang ra hết được, nhưng đó là một dấu hiệu mừng. Vì trước thực trạng tồn đọng từ nhiều năm qua, các cấp Hướng Dẫn thượng tầng, bằng các trang nhà chính thức, vẫn không đáp ứng được một nhu cầu thời đại, đó là tính Dân Chủ, trong đó quyền phát biểu (lên tiếng) của bất kỳ một đoàn viên nào đều phải được tuyệt đối tôn trọng, và bình đẳng. Và nhất là những tiếng nói, dù vượt qua ngưỡng xây dựng thành chỉ trích, phê phán v.v… đều phải được lắng nghe, đãi lọc lại bằng chính những người tiếp nhận với tâm lượng của bậc trưởng thượng. Trưởng thượng tôi muốn nói không phải là lớn tuổi lớn cấp, mà là người đang lãnh đạo tổ chức.
Lịch sử vì đó mù mịt, tương lai bước tới trên những đôi chân loạng choạng. Giữa hai thế hệ già và trẻ luôn có những xung đột quan điểm, dù không biểu hiện ra bề mặt, thì lại càng đúc nên nội kết để một hôm, như hiện trạng các diễn đàn đang thay nhau mở ra đại trà. Tôi tin là còn nhiều nữa, và nên được như vậy. Cho dù các cấp Hướng Dẫn có mở ra một diễn đàn chung để anh chị em bốn phương góp tiếng, thì Xã Hội Áo Lam vẫn cần những cái khác biệt, thậm chí có vẽ như là đối lập. Nhưng đối lập tiếng nói không có nghĩa khác mục đích lý tưởng xây dựng tổ chức. Anh em trẻ phải nắm bắt điểm yếu bất biến này, thì mới không đi ra ngoài cứu cánh muốn tổ chức Áo Lam phát triển thật sự và mang tầm thời đại.
Có một điều gì đó, mà do tâm cảnh truyền thống tổ chức, do tình cảm thiết tha, mà những điều gì được nêu lên khác đi với truyền thống, va chạm tình cảm thì tức khắc chúng ta rụt lại, thậm chí bảo vệ mà không biết sự bảo vệ đó lợi trước mắt, nhưng hại về lâu về dài. Một cơ chế lãnh đạo, mà khi cấp dưới muốn phê bình phải khép nép, rụt rè và sợ sệt thì cũng cần phải xem lại.
Đại Hội là dịp để gặp gỡ nhiều hơn là góp ý và thực hiện được điều gì to tát, có khi tạo thêm những tốn kém và tệ hơn là đổ vỡ không cần thiết. Nên nếu có, là nhờ những tác động từ những diễn đàn, tiếng nói trung thực một cách văn hóa, khoa học và bền bĩ mà anh chị em khắp nơi cần dõng mãnh lên tiếng và sẵn sàng chịu trách nhiệm với điều mình hành xử.
Tôi xin giới thiệu lên đây bài tham luận của Trưởng Niên Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục, nguyên nhân anh viết bài này là sau chuyến đi Mỹ gặp gỡ đông đảo anh chị em Lam viên, bấy giờ tình hình sinh hoạt ở đây cũng phân chia nhiều nhánh, chừng 5 chứ không ít hơn. Trong buổi đó, trên bàn khách danh dự có cố trưởng niên Tâm Huệ Cao Chánh Hựu, Hồng Liên Phan Cảnh Tuân, Huynh trưởng Lệ Từ Nguyễn Thị Thu Nhi (nay là sư cô Huệ Tâm) và cố trưởng niên Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục, tôi được anh chị ưu ái cho phát biểu. Câu phát biểu của tôi gút lại bằng một câu hỏi: “… Em thấy ở đây, tất cả anh chị trưởng nhiều phái ở trong hội trường này, ai cũng tự nhận mình là đàn em của anh Thục, anh Hựu anh Tuân v.v… mà giờ quý Anh nói, không ai nghe!” Bởi nghe thì đâu có tình trạng phân toái như vậy. Sau khi trở về trú xứ Úc Đại Lợi, anh gởi cho tôi bài tham luận đó, đăng đầu tiên trên trang nhà Hoa Đàm. Rồi giữ liên lạc với nhau cho đến ngày anh qua đời. Trong rất nhiều email anh gởi cho tôi, cảm động nhất là anh căn dặn: “Triết phải viết lại những biến động, diễn biến sinh hoạt của Hoa Kỳ gởi cho anh, để anh biết mà góp ý. Góp ý xây dựng thôi chứ không có kết luận ai đúng ai sai…” Tôi vâng dạ, dạ vâng mà mãi đến nay vẫn còn ôm ấp, nhưng xét cặn kẽ, cái gì nên nói, và không nên nói ở chỗ nào nên và không. Đó chính là mấu chốt để anh chị em tâm niệm khi mở diễn đàn. Mở thì không khó, nhưng phải biết nói cái gì, vì tất cả tâm cơ chúng sanh không phải như mình. Mà hễ anh em lên tiếng thì phải có đủ nội lực để kiến giải, trên nữa là hóa giải những dị biệt luôn luôn là mầm mống sẵn có.
Tóm lại, Diễn đàn nào cũng mở ra được hết, mở nhỏ hoặc toang ra thì tùy. Nhưng chắc chắc nếu người tham gia lẫn người phụ trách không cởi mở tấm lòng, nghĩa là thiếu chất Bi-Trí-Dũng vốn cần có và phải có của người Huynh Trưởng Áo Lam, thì cũng không làm gì mới hơn, hay hơn và có ích hơn cho tương lai tổ chức.
Có điều, một khi anh em trẻ không dám, không chịu gánh vác sứ mệnh thời đại thì cũng chẳng ai dám trao!

Mặc Cốc, 20 tháng 5, 2020.

Buổi họp mặt ao lam Hoa Kỳ mừng anh Tâm Huệ định cư tại Hoa Kỳ
và anh Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục từ Úc đến thăm
Một sự chuyển tiếp cần thiết!
Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục
Nếu chỉ lấy mốc thời gian từ năm 1951 trở đi, từ ngày các huynh trưởng tiền bối của Gia Đình Phật Hoá Phổ Bắc – Trung – Nam quyết định hợp nhất 3 Miền để tiến đến sự thống nhất của Gia Đình với danh xưng mới Gia Đình Phật Tử cho đến nay (năm 2004), thì Gia Đình Phật Tử cũng đã trải qua một đoạn đường dài suốt 53 năm, hoặc trong cảnh bình an hay sóng gió, đau buồn, rồi vui vẻ, tiếng cười, tiếng khóc… hoà lẫn cùng máu và mồ hôi nước mắt, tù đày…, tiếp theo là những ngày tháng vinh quang…
Nếu một đoàn viên Áo Lam khởi sự tham dự khoá Lộc Uyển vào năm 1951 với 19 tuổi đời, thì ngày nay Huynh trưởng ấy được 72 tuổi…, và đã được xếp vào hàng Huynh trưởng cao niên. Dựa theo Nội Qui của GĐPTVN truyền thống thì cứ 2 năm một lần, một Đại hội huynh trưởng được triệu tập để điều chỉnh nội qui, duyệt lại Qui chế Huynh trưởng, bầu lên một tân Ban Hướng Dẫn, bổ xung nhân sự và canh tân hóa theo đà phát triển nhanh chóng của tổ chức.
Qua quá trình nhiều thập niên 50, 60…, 90, Tổ chức không ngừng đào tạo những lớp huynh trưởng mới hầu trẻ hoá thành phần lãnh đạo, trao truyền lần hồi những nhiệm vụ chủ não đến tay các thế hệ huynh trưởng kế tiếp trong các đơn vị Gia Đình, các Ban Hướng Dẫn Tỉnh hay Trung Ương…, áp dụng phương sách “vết dầu lan” dần trong kế hoạch trường kỳ của Tổ chức.
Nhưng có thể vì tình cảm sâu đậm gia đình Lam Viên với nhau, vì sự tôn trọng người đi trước, muốn lưu giữ các anh chị của mình ở những chức vụ cũ một thời gian lâu dài hơn. Cũng có thể vì cảm thấy chưa dày dặn kinh nghiệm về mặt điều khiển, tổ chức hay một phần vì tuổi tác, tự cảm nhận chưa được đầy đủ uy tín và khả năng lãnh đạo, đặc biệt về phương diện giao tế đối ngoại khi phải tiếp xúc với phụ huynh đoàn sinh, liên hệ với các Bác đạo hữu trong Ban Trị Sự Hội Phật Học hay Chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội v.v…, nên phần đông anh chị em Huynh trưởng trẻ vẫn thích ở lại với Đoàn quen thuộc, muốn được tiếp tục sinh hoạt tại đơn vị Gia Đình địa phương thân thương của mình. Vạn bất đắc dĩ, khi một chức vụ trong Ban Hướng Dẫn bị khiếm khuyết thì anh chị em mới chịu nhận lời theo sự tiến cử của Tổ Chức.
Ngày xa xưa ấy…, Phật tử Áo Lam thường ví miền Trung là cái nôi của Tổ Chức trong phạm vi nhỏ của một đất nước hình chữ S, thì ngày nay, sau 60 năm với bao sự biến chuyển, biến cố, đổi đời, rõ nét nhất từ thập niên 80, Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã có mặt khắp năm châu, bốn biển, nên những thành viên Áo Lam tại hải ngoại, mỗi lần nhắc đến hay nhớ tưởng, hướng về quê hương đất tổ thường kêu gọi một cách thân thương Gia Đình Phật Tử Việt Nam Truyền Thống.
Nói về Gia Đình Phật Tử tại Việt Nam, Gia Đình Phật Tử Truyền Thống nhờ được khai sinh”, phát triển tại đất tổ, trong một môi trường, một xã hội thuần hậu đạo đức mà Phật giáo chiếm đến 80% dân số, dù đồng bào đã phải trải qua bao đau thương dưới ách đô hộ của ngoại bang, vì nạn xâu xé nội chiến, dù Đạo Pháp lâm vào thời mạt pháp, nhưng Gia Đình Phật Tử Việt Nam dưới sự che chở, đùm bọc của các Tập đoàn mẹ, Giáo Hội Tăng Già, Hội Phật Học… và sau này, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, vẫn giữ được tinh thần đoàn kết, thống nhất bất khả phân, vẫn củng cố nội bộ, phát triển qua năm tháng cho mãi đến năm 1981, Giáo Hội gặp đại nạn, nội bộ phân ly, Gia Đình Phật tử Việt Nam Truyền Thống do đó cũng bị ảnh hưởng trầm trọng, phải chuyển mình và chấp nhận một sự chuyển tiếp bất đắc dĩ!
Những Huynh Trưởng, thế hệ thập niên 80, 90 lần lượt lấp vào những khoảng trống, phải đảm nhận những chức vụ chủ chốt của Tổ Chức từ cơ sở hạ tầng đến Trung Ương, song song với sự trưởng thành và phát triển tự nhiên của các lớp đoàn sinh, Oanh Vũ bước lên Ngành Thiếu, Thiếu lên Thanh, Thanh nam, Nữ… trở thành lớp Huynh Trưởng trẻ Bồ tát đạo vững mạnh, kiên cố của Tổ Chức.
Khoa học hiện đại, kỹ thuật tân tiến khách quan chuyển đổi nền kinh tế, xã hội trở thành tích cực hay tiêu cực, phồn thịnh hay suy đồi tuỳ theo mỗi quốc gia, sắc tộc. Thời gian, không gian và môi trường không ít đã là những động lực thúc đẩy sự chuyển mình và đóng một vai trò khá quan trọng về mặt tâm lý, cảm nhận, nhân sinh quan, tâm linh quần chúng.
Thời kỳ học sinh dùng ngòi viết lá tre chấm mực tím, mực đỏ đến lúc giắt cây viết máy bơm mực (fountain-pen) trên túi áo sơ mi, hay công chức còn ngồi gõ lọc cọc trên bàn phím máy đánh chữ (type-writer) vào những năm 70 – 80, viết tài liệu bằng tay trên giấy sáp, quay in rô-nê-ô đều đã qua rồi. Thời buổi mà thanh niên còn chịu khó đi mua vé để vào ngồi xem cải lương, nghe vọng cổ, hát bội chắc cũng không còn thấy mấy nữa!!!
Don Truong Thuc den HK 2.jpg
Những đoàn sinh mới gia nhập GĐPTVN vào những năm 90 trở về sau, những anh chị em lớp Huynh trưởng trẻ, Trung niên và những Huynh Trưởng Cao Niên, tuy tình cảm đối với Hoa Sen Trắng vẫn nồng ấm, sâu đậm như nhau, đều bắt ấn Cát Tường chào và nhắc nhở nhau Bi – Trí – Dũng, nhưng thử hỏi khi một thành viên, trân quý ngồi đọc lịch sử qua các tập Kỷ Yếu Gia Đình Phật tử Việt Nam – 50 năm xây dựng, hay ngồi lật xem những hình ảnh kỷ niệm, đọc các đoạn văn lưu bút trong các Kỷ Yếu của Gia Đình Phật tử A, Gia Dình B, C, D…, của 10, 20, 30 năm qua, sẽ có những cảm nhận, suy tư như thế nào khi thoáng tưởng tượng, hình dung một bối cảnh (sẽ định hình) của Đại Gia Đình Phật Tử Việt Nam của chúng ta vào những năm 2015?
Vẫn biết rằng trong bao năm qua các Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN Truyền Thống (tại Việt Nam) cũng như tại Hải Ngoại, Anh Chị Em Huynh Trưởng đã phải nỗ lực, dốc chí đặt vấn đề tu chỉnh, canh tân hoá nội quy và quy chế huynh trưởng lên hàng đầu của mọi kế hoạch hành hoạt của Ban, hầu theo kịp đà tiến hoá nhanh lẹ của xã hội văn minh, thích ứng với hoàn cảnh, môi trường mới, NHƯNG rất tiếc! rất tiếc! rất tiếc!!!
Tại Việt Nam, vì chưa có điều kiện, vì thiếu thuận duyên nên khó lòng điều chỉnh hay sửa đổi hai văn kiện lập quy cơ bản trên một cách đại quy mô như toàn thể Lam Viên khắp nơi hằng mong đợi. Và chính vì tôn trọng nguyên tắc trên nên Anh Chị Em Huynh Trưởng đành phải… lưu giữ và tuỳ nghi áp dụng mỗi Mục, mỗi Điều tuỳ thời và theo mức độ cho phép.
Tại Hải Ngoại, tuy môi trường, hoàn cảnh tốt hơn nhưng khách quan mà nói, thì chưa hẳn có thể nói là đã có những điều kiện thuận lợi để tiến hành công tác lớn lao này. Vì sao?
Tại mỗi địa phương nói chung, không phải vì thiếu phương tiện di chuyển nhưng là vì ngay tại mỗi quận (county) Anh Chị Em cũng đã ở cách xa nhau những 2, 3 tiếng đồng hồ lái xe; từ Tiểu Bang (state) này qua Tiểu Bang khác cách nhau những hàng ngàn cây số đường bay. Muốn gặp mặt nhau, muốn tổ chức một buổi họp mặt để bàn chuyện Gia Đình, thảo luận Phật sự, hoặc chỉ muốn tổ chức một lớp tu học thu hẹp v.v… cũng đã là một vấn đề, đòi hỏi nhiều sự hy sinh ở mỗi cá nhân huynh trưởng.
Vì còn phải lo toan bao công việc không tên… nào là kế sinh nhai, đưa con đi học thêm, làm việc nhà, việc giao tiếp bà con và bạn bè vào ngày nghỉ cuối tuần…, thì quả thật khó lòng bỏ qua, miễn tránh được.
Vì vậy vào ngày chủ nhật, ngoài nạn thiếu huynh trưởng, thêm vào những nguyên nhân nói trên nên tại các đơn vị GĐPT thường bị thiếu người phụ trách vào các giờ sinh hoạt chính như Phật pháp, dạy Việt ngữ, kể chuyện đạo, cùng đọc lịch sử Việt Nam, hoạt động thanh niên.v.v…
Trong vấn đề giao tiếp thường nhật giữa Huynh trưởng và đoàn sinh các thế hệ khác nhau, ngôn ngữ không phải là một trở ngại, nhưng đứng về phương diện giáo dục, hướng dẫn đoàn sinh về Phật pháp, khuyến khích các em tu học, tạo tình cảm yêu quê hương dân tộc, thì lại có những sự kiện, sự việc khách quan và chủ quan, cần được lưu tâm như nếp sống xã hội âu hoá, tâm lý và tình cảm của lớp trẻ ngày nay do ảnh hưởng của môi trường, lề lối giáo dục tự do và bình đẳng” tây phương, đặc biệt là chưa có thể áp dụng kịp thời và thích ứng phương pháp truyền dạy Phật pháp theo thể thức song ngữ. (Tuy nhiên, cũng là một điều thiếu sót nếu chúng ta quên không nêu lên được một vài điểm son của thế hệ thứ ba trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại, đó là lớp trẻ ngày nay là một thành phần năng động, có trình độ kiến thức và chuyên môn cao, sớm thành đạt, dễ dàng tiếp thu với tinh thần học hỏi cầu tiến…)
Điều cần lưu tâm là phần đông đoàn sinh (thế hệ thứ ba, thứ tư) chưa nghe, nói và viết thông thạo tiếng việt.
Thử tìn hiểu xem, qua các ngành Oanh, Thiếu trong mỗi đơn vị Gia Đình, có được bao nhiêu đoàn sinh nghe, nói và viết rành rẽ tiếng việt (?); được bao nhiêu em thích đọc sách hay báo chí việt ngữ (?), được mấy em có thể ngồi vẽ nhanh và sơ lược bản đồ Việt nam, phụ ghi thêm địa danh, tên các thành phố, tỉnh (?)
Hàng ngũ huynh trưởng, đặc biệt là lớp huynh trưởng trẻ, ít có thì giờ tu học, ít được gần gũi chư vị Cao Tăng, Ni, được hầu chuyện cùng Thầy, Cô cố vấn giáo hạnh để được hướng dẫn trực tiếp về mặt tâm linh. Ở đây chúng ta cũng chưa đạt vấn đề… vì không thông hiểu nhiều về chữ Nho, không am tường về Hán ngữ nên vấn đề tìm hiểu, tu học KINH – LUẬT – LUẬN là một trở ngại đáng tiếc.
Tổ chức chưa có thể hay chưa đầu tư nhiều về vấn đề nghiên cứu, mở thêm những khoá huấn luyện đặc biệt, thực tiễn đào tạo kịp thời những Huynh trưởng chuyên nghiệp sư phạm có khả năng đáp ứng nhu cầu tình hình sinh hoạt hiện tại và tương lai tại các đơn vị Gia Đình địa phương, với thành phần đoàn sinh chưa nói và nghe thông thạo tiếng Việt hay đón nhận thêm lớp đòan sinh mới từ các sắc dân bạn.
Trước kia tại quê nhà, dưới thời kỳ Pháp thuộc, địa bàn hoạt động bị thu hẹp trong khuôn viên Chùa, ngoài tổ chức Hướng Đạo quốc tế, các đoàn thể Thanh, thiếu , đồng niên Việt Nam không được phép tham gia hoạt động và làm công tác xã hội, và… về sau, qua các thể chế kế tiếp, vấn đề hoạt động có tính cách xã hội và chính trị cũng bị hạn chế, xem như tối kỵ đối với Tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Nhưng ngày nay, tại Hải ngoại…, quan niệm, tư duy, pháp luật đều khác hẳn. Thanh, thiếu và Đồng niên không chịu bị gò bó trong phạm vi hạn hẹp, và nhận thấy, không tham gia công tác xã hội là một sự thiếu sót lớn…, trốn tránh trách nhiệm. Khó thực hành tinh thần BI – TRÍ – DŨNG một cách vẹn toàn…, khó phát triển được Tổ chức, đưa đạo vào đời đối với giới trẻ hiện nay.
Vấn đề Kỷ luật đoàn thể, kỷ luật tập thể không phải là một điều mới lạ đối với Huynh trưởng hay đoàn sinh trẻ. Áp dụng 5 điều luật đối với huynh trưởng, Ngành Thanh và Ngành Thiếu, hay 3 điều luật đối với Ngành Oanh không phải là một chuyện khó tại hải ngoại.
Nhưng điều cần phải nói là chúng ta Hàng huynh trưởng đàn Anh không thể quy lỗi về phía giới trẻ mà là vì chúng ta chưa thật hiểu đàn em của mình, đặc biệt về tâm sinh lý, về quan niệm giáo dục… tôn ti trật tự, về nhân sinh quan, tình cảm và giao tiếp Tây phương gia cha mẹ, con cái, gia thầy, cô giáo với học sinh.
Ngày xưa ấy tại quê nhà, phần đông các Huynh trưởng xuất thân từ ngành giáo dục, đoàn sinh là học sinh của mình; về tuổi tác, về trình đô kiến thức, kinh nghiệm thì cách nhau nhnh 10, 15 năm; môi trường sinh hoạt thì hạn hẹp chỉ quây quần trong phạm vi trường học, gia đình gốc Phật, sinh hoạt ngay tại sân chùa, thường được tiếp xúc với đạo hu, được gần gũi với Chư Tăng, Ni… nên khi đề cập đến chương trình tu học Phật pháp của đoàn sinh hay Huynh trưởng, chúng ta không vấp phải nhiều trở ngại, khó khăn như ngày nay tại Hải ngoại.
Tại hải ngoại trong vòng 4 hay 5 tiếng đồng hồ sinh hoạt hàng tuần của một đơn vị Gia Đình, Ban Huynh trưởng khó lòng sắp xếp được nhiều thời giờ dành riêng cho môn Phật Pháp: Mỗi tháng nếu không có một sự quyết tâm cao, không chịu hy sinh thời giờ, tiền chi phí di chuyển để tổ chức những đêm tu học Phật pháp, thỉnh mời được qúi Thầy, Cô giảng dạy và hướng dẫn tâm linh thì Anh chị em huynh trưởng phải chịu nhiều thiệt thòi.
Vấn đề được đặt ra là cần nghiên cứu lại, giản dị hoá, rút ngắn lại chương trình tu học của Đoàn sinh và Huynh trưởng…
Xin thưa:
Bất cứ Huynh trưởng nào trong chúng ta, chắc chắn anh chị em cũng đã suy nghĩ nhiều, cũng đã tìm và đề nghị nhiều sáng kiến hay, nhiều biện pháp thực tiễn để giúp Tổ chức phát triển mạnh và lâu dài. Nhưng thiết nghĩ, không gì bằng là chính anh chị em Huynh trưởng lớp trẻ bắt tay vào việc nghiên cứu và vạch một hướng đi mới phù hợp với Gia Đình Phật Tử Việt Nam Quốc Tế trong Thiên Niên kỷ 21 này.
Và đây chính là Lý do mà tôi đã mạo muội đặt đề tựa của bài viết này: Một sự chuyển tiếp thật cần thiết.
Nam Mô Thường Hoan Hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát.