Thursday, May 14, 2020

Thích Minh Châu: Đức Phật Với Vấn Đề Cải Tiến Xã Hội

ĐỨC PHẬT VỚI VẤN ĐỀ
CẢI TIẾN XÃ HỘI
HT. Thích Minh Châu

Diễn văn của T.T.Thích Minh Châu,Viện Trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh,
đọc trong dịp Phật Đản 2515 (9-5-71) tại Viện Đại học Vạn Hạnh.
Một hiểu lầm đáng tiếc nữa đối với Phật giáo là đạo Phật chỉ chú trọng về tâm linh, những lý tưởng đạo đức siêu phàm, không để ý đến vật chất con người; và đức Phật với Giáo hội Tăng già hoàn toàn đặt những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội ra ngoài phạm vi hoạt động của mình. Và như vậy không thể có đề tài Đức Phật và vấn đề Cải tiến Xã hội. Thật không có sự hiểu lầm nào tai hại và nguy hiểm hơn. Đức Phật bao giờ cũng nhìn con người toàn diện nghĩa là gồm có danh (nàma hay tâm) và sắc (rùpa hay sắc thân) và hai phần tử này của con người hoàn toàn liên quan mật thiết với nhau. Chúng ta có thể nói, một đời sống tâm linh trong sạch, phản ứng tốt đẹp khiến thân thể trong sạch, không bệnh hoạn. Và một thân thể trong sạch tráng kiện đưa đến một đời sống tâm linh thuần khiết. Không thể có sức khỏe trong những tâm hồn bệnh hoạn, cũng như không thể có những tâm hồn thánh thiện trong những thân thể bạc nhược. Đức Phật sở dĩ luôn luôn giữ trên mặt Ngài một nụ cười siêu thoát (Hasituppàda citta) vì thân tâm của Ngài đều thật sự giải thoát. Cho nên, “đối với Đức Phật, không thể có hạnh phúc mà không sống một đời sống trong sạch, dựa trên những nguyên tắc đạo đức và tâm linh; nhưng Ngài biết rằng sống một đời sống như vậy không phải dễ dàng trong những điều kiện xã hội và vật chất không thuận tiện.” [1]
Đức Phật nhìn đời sống con người một cách toàn diện, không tách rời đời sống kinh tế, xã hội, chính trị ra khỏi đời sống tâm linh và nếu chúng ta biết đến quá nhiều những lời dạy của Đức Phật về giải thoát, giác ngộ, chúng ta biết rất ít những quan điểm của Ngài về kinh tế, xã hội, chính trị mà thật sự Đức Phật đã nhiều lần đề cập đến trong những lời thuyết giảng của Ngài.
Kinh Cakkavatti sìhanàda (Sư tử hống chuyển luân pháp vương kinh, Trường bộ kinh số 26) nêu rõ nguồn gốc của vô đạo và tội ác, như trộm cắp, bạo động, thù hận là do sự nghèo đói túng thiếu (dàliddiya) và Kinh Kùtadanta (Trường Bộ Kinh, tập II, tr.135) đã giới thiệu một phương pháp thuần túy kinh tế để giải quyết nạn cướp bóc: Này Đại vương, vương quốc này chịu tai ương, chịu ách nạn như vậy, nếu Tôn vương đánh thuế má mới, như vậy Tôn vương hành động sai lạc. Nếu Tôn vương có ý nghĩ “Ta hãy diệt trừ bọn giặc cỏ này hoặc bằng tử hình, hoặc bằng cầm cố, hoặc bằng phạt vạ, hoặc bằng khiển trách, hoặc bằng tẩn xuất. Nhưng bọn giặc cỏ này sẽ không được diệt trừ một cách an toàn. Những bọn còn lại không bị hình phạt, sau lại tiếp tục hoành hành vương quốc này. Nhưng nếu theo phương pháp sau đây, bọn giặc cỏ ấy sẽ được diệt trừ một cách hoàn toàn. Những ai trong quốc độ nhà vua nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, tôn vương hãy cấp hạt giống và thực vật; những ai trong quốc độ nhà vua nỗ lực về thương nghiệp, tôn vương hãy cấp vốn đầu tư; những ai trong quốc độ nhà vua nỗ lực về quan chức, tôn vương hãy cấp vật thực và lương bổng. Và những người này chuyên tâm vào nghề riêng của mình sẽ không hại quốc độ nhà vua. Và ngân quỹ nhà vua sẽ được dồi dào, quốc độ sẽ được an cư lạc nghiệp, không có tai ương, ách nạn và dân chúng hoan hỷ vui vẻ, cho con nhảy trên ngực, sống chẳng khác gì với nhà cửa mở rộng.” Đức Phật rất ý thức đến sự thoải mái kinh tế và xem sự yên tâm đầy đủ về tiền bạc là rất cần thiết cho hạnh phúc con người. Trong khi thuyết giảng cho cư sĩ Cấp Cô Độc (Anàthapindica) một vị đã thiết lập tịnh xá Kỳ Đà (Jetavana) và dâng cho Ngài, Đức Phật đã đề cập đến bốn loại hạnh phúc cho một cư sĩ: “Sở hữu lạc – Atthisukha, sự sung sướng khi có tài sản tiền bạc đầy đủ, thọ dụng lạc – bhogasukha, sự sung sướng khi thọ dụng tiêu dùng tài sản ấy một cách rộng rãi cho mình, cho gia đình, bà con bè bạn và trong những việc công đức, vô trái lạc – Ananasukha, sự sung sướng khi khỏi phải nợ nần vay mượn và vô tội lạc – anmajjasukha, sự sung sướng khi sống một đời sống trong sạch không tội lỗi. Ba sự sung sướng đầu thuộc về kinh tế, sự sung sướng thứ tư thuộc về tâm linh và chúng ta sẽ thấy rằng dầu đạo Phật chấp nhận sự cần thiết kinh tế cho hạnh phúc con người, Đức Phật xác nhận với cư sĩ Cấp Cô Độc rằng, hạnh phúc về kinh tế đáng một phần mười sáu của hạnh phúc tâm hồn, phát sinh từ một đời sống không lỗi lầm và hướng thiện (Anguttara Nikàya, Colombo 1929, tr.232, 233). Khi nói chuyện với Sigàla, Đức Phật đi sâu vào chi tiết để dành tiền bạc và tiêu dùng. Ngài khuyên Sigàla nên dùng 1/4 lợi tức vào sự tiêu pha hằng ngày, 1/2 lợi tức để đầu tư kinh doanh và 1/4 lợi tức đề dành khi có tai nạn nguy cấp (Digha II, Colombo 1929, tr.115). Đối với Giáo hội Tăng già, Đức Phật giải quyết vấn đề kinh tế một cách thần kỳ với phương pháp “khất thực” và chính nhờ vậy mà các Giáo hội Nam Tông đã tồn tại và phát triển hơn 2515 năm và thắt chặt sự hỗ trợ liên hệ giữa Tăng già và cư sĩ. “Có thực mới vực được đạo” là lẽ tất nhiên nhưng thực quá nhiều thì đạo cũng sụm luôn, nên Đức Phật luôn luôn khuyên các vị Tỳ kheo không được dự trữ tiền bạc và đồ ăn uống. Chúng ta thấy rõ các tu sĩ tư bản và các tôn giáo tư bản, họ càng thành công trong địa hạt vật chất kinh tế bao nhiêu, họ càng thất bại trong lãnh vực tâm linh tu hành bấy nhiêu. Trong khi khuyến khích sự tiến bộ vật chất, Phật giáo luôn luôn nhấn mạnh sự phát triển đạo đức và tâm linh. Con người gồm cả khả năng vật chất và tinh thần, thiếu sự thăng bằng giữa hai khả năng này, thì con người không thành con người và chỉ dấn thân vào đau khổ và trụy lạc.
Trên địa hạt xã hội hai sự thành công rõ rệt nhất trong thời Đức Phật còn tại thế là sự bãi bỏ chế độ giai cấp và sự thiết lập Giáo hội Ni chúng. Theo tôn giáo Ấn Độ, có bốn giai cấp hoàn toàn biệt lập: Trên tất cả là giai cấp Bà La Môn, gồm các ẩn sĩ tu hành, hành lễ các tế đàn, thứ đến giai cấp Sát đế lỵ, gồm các vua chúa quan liêu, trị nước an dân, thứ ba đến giai cấp Phệ xá, nông nghiệp kinh doanh, cuối cùng là giai cấp Sùdra (Thủ đà la), giai cấp nô lệ phục vụ cho ba giai cấp trên. Gia cấp Thủ đà la bị ngược đãi khinh bỉ đến nỗi một người Thủ đà la đến gần một giếng nước mà để bóng mình chiếu xuống nước, thời giếng ấy xem như đã trở thành nhơ nhớp, không dùng được cho ba giai cấp trên và người Thủ đà la vi phạm tội ấy có thể bị ném đá cho đến chết. Chúng ta nhớ đến sự tích Ngài Ananda khi xin nước uống với một thiếu nữ Thủ đà la, thiếu nữ ngần ngại không dám đưa nước mời uống vì giai cấp hạ tiện của mình; Ngài Ananda đã trả lời: “Tôi xin nước uống chớ không xin giai cấp.” Trong kinh Ambatthasutta (Trường Bộ Kinh, tập 1, trang 99) có bài kệ sau đây nói đến vấn đề giai cấp:
Khattiyo settho janetasmim ye gotta patisàrino vijjàcarana sampanno so settho devamanuseti
Đối với chúng sanh tin tưởng ở giai cấp, Sát đế lỵ chiếm vị trí tối thắng ở nhân gian. Những vị nào giới hạnh và trí tuệ đầy đủ, vị này chiếm địa vị tối thắng giữa người và chư thiên.” Chữ Tuệ ở đây được giải thích là một vị đã thành tựu vô thượng trí đức không có luận nghị đến sự thọ sanh, không có nghị luận đến giai cấp hay không có nghị luận đến ngã mạn với lời nói: “Người bằng ta hay người không thể bằng ta.” Chúng ta được biết đức Phật thâu nhận vào Giáo hội Tăng già bất cứ giai cấp nào, miễn rằng các vị này tuân theo Pháp và Luật của Ngài. “Đức Upàli, trước kia là thợ cạo, giữa đám đông các vị khác, được chọn làm đại đệ tử chuyên về giới luật. Đức Sunita, được các vua chúa và hàng quý tộc trong nước tôn kính như bậc A la hán, chỉ là người hốt rác. Triết gia Sàti là con một ngư ông. Cô gái giang hồ Ambapàli được chấp thuận vào Giáo hội và đắc quả A la hán. Rajjumàla, được Đức Phật cảm hóa lúc nàng sắp sửa quyên sinh, là một cô gái nông nô. Punnà, cũng thuộc giai cấp nông nô, được Đức Phật chấp nhận lời thỉnh cầu nhập hạ trong lúc Ngài từ chối trưởng giả Cấp Cô Độc, chủ của nàng. Subhà là con gái của người thợ rèn. Càpà là con gái của một người đuổi nai cho thợ săn. Những trường hợp tương tự, còn nhiều trong kinh điển, chứng tỏ rằng cánh cửa của Phật giáo rộng mở cho tất cả mọi người, không có một sự phân biệt nào” (Đức Phật và Phật pháp, trang 279). Và chúng ta đều nhớ câu kệ sau đây trong kinh Vasalasuta (Suttanipata):
“Là cùng đinh, không phải do sanh trưởng,
Là Bà la môn, không phải do sanh trưởng.
Do hành động, người này là cùng đinh,
Do hành động, người kia là Bà la môn.”
Sự thành lập Giáo hội Tỳ kheo Ni cũng là một thành công xã hội rất lớn của Đức Phật, đối với nữ giới mà dân Ấn Độ Bà la môn giáo thường hay khinh rẻ và một nhà văn hào Ấn Độ, ông Hemacondra xem nữ giới như những ngọn đuốc soi sáng con đường dẫn xuống địa ngục (Maracamàrgadvàaya dipikà). Nếu chúng ta đọc kỹ kinh Kùtadantà (Trường bộ kinh, tập II, trang 142) về các loại tế đàn, chúng ta sẽ nhận thấy Đức Phật mong đợi một xã hội, trong ấy người vật không tàn hại lẫn nhau, trong ấy mọi người sinh sống và làm việc trong niềm hoan hỷ tự do như đoạn văn sau diễn tả: “Này Bà la môn, trong tế đàn của các vị này cũng vậy, không có trâu bò bị giết, không có dê cừu bị giết, không có loại sinh vật nào khác bị sát thương, không có cây cối bị chặt để làm cột trụ tế lễ, không có loại cỏ dabbha (cỏ cát tường) bị cắt để rải xung quanh đàn tế. Và những người gia bộc hay những người đưa tin, hay những người làm thuê không bị dọa nạt bởi hình phạt, không bị dọa nạt bởi sợ hãi và không làm việc trong than khóc với nước mắt tràn đầy mặt mày. Chúng muốn thì chúng làm, chúng làm những gì chúng muốn, chúng không làm những gì chúng không muốn.” Từ lãnh vực xã hội, bước qua địa hạt chính trị, dầu Đức Phật luôn luôn giữ vững lập trường và vị trí của một bậc tu hành, Đức Phật cũng nhiều lần có những quan niệm hòa bình chiến tranh rất rõ rệt. Đối với đạo Phật không có chiến tranh nào có thể được gọi là chân chánh, vì người chiến thắng và hùng mạnh là “chánh” và kẻ chiến bại yếu thế là “bất chánh.” Chiến tranh “của chúng tôi” là luôn luôn chánh đáng, còn chiến tranh “của các anh” là bất chánh. Thật khó mà chấp nhận những quan điểm như vậy. Đạo Phật điểm thị hai nguyên nhân chính của chiến tranh, đó là lòng tham dục của con người hay nguyên nhân của những chiến tranh kinh tế, thuộc địa. Thứ hai là tà kiến hay nguyên nhân của những chiến tranh chủ nghĩa, tôn giáo. Ngày nào loài người chế ngự được lòng dục con người và trừ được những chủ nghĩa triết thuyết lệch lạc, thời mới hy vọng chấm dứt chiến tranh. Chúng ta cũng được biết sự tích Đức Phật đã thân hành ra chiến trường, ngăn cản chiến tranh có thể xảy ra giữa dòng họ Sakya và dòng họ Kolasa vì tranh chấp nước sông Rohimi. Chúng ta cũng được nhắc lại những câu hỏi khéo léo của Đức Phật đã khiến cho vua Ajàtasattu nước Magadha từ bỏ ý định đi chinh phục nước Vàjja, như đã được đề cập trong kinh Đại Bát Niết Bàn [2]. Chính trong đoạn kinh này, chúng ta được biết lập trường chính trị xã hội của Đức Phật, để một nước được phú cường thịnh trị, không bị chinh phục. Một là dân chúng thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo để bàn luận sự nước việc làng. Hai là dân chúng tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc trong niệm đoàn kết. Ba là dân chúng không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân tộc như đã ban hành thời xưa. Thứ tư là dân chúng tôn trọng đảnh lễ các bậc trưởng lão và nghe theo lời dạy của những vị này. Thứ năm là dân chúng không bắt cóc và cưỡng hiếp những phụ nữ và thiếu nữ phải sống với mình. Thứ sáu là dân chúng tôn trọng, đảnh lễ các tự miếu của dân tộc ở tỉnh thành và ở ngoài tỉnh thành, không bỏ cách cúng lễ đã cúng lễ từ trước, đã là từ trước đúng với quy pháp và thứ bảy là dân chúng bảo hộ, cúng dường đúng pháp các vị tu hành chân chính. Một quốc gia được sự tham gia của quần chúng đông đảo, tích cực và đúng luật pháp truyền thống như vậy thời quốc gia ấy thế nào cũng được cường thịnh, không bị chinh phục. Còn đối với vị vua cai trị một nước, Đức Phật có đề cập đến 10 đức tính (Dasaràjadhamma) của một vị vua phải như thế nào để trị nước an dân và nếu chúng ta hiểu chữ vua như chữ chính phủ hiện tại, chúng ta thấy ngay Đức Phật đòi hỏi những vị lãnh đạo quốc gia 10 nhiệm vụ hay đức tính sau đây:
  • Thứ nhất là Dàna, bố thí, nghĩa là người cai trị dân phải bố thí tiền của cho dân, chớ không tham nhũng của dân.
  • Thứ hai là Sila, giới hạnh, nhà cầm quyền phải có đức độ mới cai trị dân.
  • Thứ ba là Pariccàga hay biến xả, sẵn sàng hy sinh tất cả cho hạnh phúc và an lạc của dân.
  • Thứ tư là Ajjava, nghĩa là trực hạnh, không có quanh co tà vạy, khi dối lừa người.
  • Thứ năm là tapa hay khổ hạnh, phải sống một cuộc đời không xa hoa, phiền toái.
  • Thứ sáu là maddava hay nhu hòa, nghĩa là phải có tánh tình ngôn ngữ hòa nhã.
  • Thứ bảy là akkodha, không sân hận thù hằn đối với một ai.
  • Thứ tám là Avihimsâ, bất hại, không mưu chước hại người, không bạo động sát sanh.
  • Thứ chín là khanti hay nhẫn nhục,
  • và thứ mười là Avirodhakhông đối lập, nghĩa là không đi ngược với ý chí toàn dân. 
Như vậy một quốc gia được các vị lãnh đạo có 10 đức tính cao quý kể trên, thời quốc gia phải là một nước hạnh phúc an lạc.
Chúng tôi đã đề cập đến một vài đặc điểm của Đức Phật về những vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị và chúng ta được hiểu rằng, dầu Đức Phật luôn luôn đứng trên cương vị của một vị tu sĩ, đặc biệt chú trọng về giải thoát tâm linh, Ngài cũng ý thức được sự chi phối của kinh tế, xã hội, chính trị đến đời sống con người. Vấn đề được đặt ra hôm nay là ở trong một xã hội mà vật dục, thù hận, thủ đoạn ngày càng được tăng trưởng mạnh mẽ, thời một tôn giáo chủ trương ly dục, tình thương và chân trực có thể có những giá trị, hiệu năng gì thực tiễn cho đời sống xã hội hiện tại không? Nếu vật dục đem lại hạnh phúc an lành cho con người, thời vấn đề này sẽ không được đặt ra. Nhưng chúng ta đã thấy ở Việt Nam cũng như ở khắp cả trên thế giới, vật dục càng gia tăng thời con người càng bị dao động, cuồng loạn, càng ngày càng mất giá trị con người. Ở nơi đây chủ trương ly dục của Đạo Phật không có nghĩa là phủ nhận sự hiện hữu của vật chất mà chỉ có nghĩa là sự sử dụng vật chất như một người chủ, chớ không phải như một người nô lệ. Khi chúng ta là người chủ thời dầu có sống trong giàu sang, chúng ta vẫn giữ được giá trị tốt đẹp con người, còn nếu chúng ta để vật chất làm nô lệ, thời càng nghèo, càng phản ứng trái ngược với nhân phẩm… Nói một cách khác, nếu sự phát triển kinh tế là cần thiết cho một quốc gia, thì sự phát triển này phải hướng đến phục vụ cho hạnh phúc toàn dân chớ không phải biến toàn dân thành những nô lệ cho vật chất chủ nghĩa. Đạo Phật giúp chúng ta đối mặt với vật chất trên cương vị một người chủ, không phải trên cương vị một người nô lệ.
Vấn đề thứ hai, trên phương diện chính trị, Đức Phật đặt vấn đề với chúng ta, một là chúng ta chấp nhận hận thù, sợ hãi và chiến tranh là những căn bệnh kinh niên không thể chữa khỏi, để chờ một tương lai rất gần đây, căn bệnh ấy sẽ làm băng hoại toàn bộ thân thể nhân loại chúng ta bằng một cuộc đại chiến thứ ba khủng khiếp và diệt chủng. Hai là chúng ta dừng chân lại trên vực thẳm của tiêu diệt, lấy tình thương xóa bỏ hận thù, lấy lẽ phải chinh phục cuồng tín, tôn trọng sự sống, tôn trọng sự thật, tôn trọng giá trị con người làm kim chỉ nam, để mở đường cho một sinh hoạt chính trị dựa trên Chánh pháp (Dhamma) làm căn bản chỉ đạo, như Hoàng đế A Dục đã làm. Và Chánh pháp ở nơi đây có nghĩa là tôn trọng sự thật, tôn trọng sự sống, và tôn trọng giá trị con người. Ba nguyên tắc chủ đạo cho mọi sinh hoạt chính trị.
Trong ngày Phật đản năm nay, trong bối cảnh một nước, một xã hội Việt Nam, bị tàn phá và rối loạn vì chiến tranh, trước hình ảnh con người nhân loại bị phá sản bởi sự chi phối của vật dục và máy móc, chúng tôi nghĩ bức thông điệp xây dựng con người căn bản của Đạo Phật và những kỷ cương chính yếu về kinh tế, chính trị và xã hội của Đức Phật vừa đề cập trên, rất đáng chúng ta suy tư và tâm niệm.
Theo đúng đường hướng Phật dạy, chúng ta phải tự cải tiến chúng ta, phải cải thiện chúng ta thành những cá thể triệt để tôn trọng sự thật, tôn trọng sự sống, tôn trọng giá trị con người. Chúng ta phải tự mình ý thức một cách khiêm tốn nhưng vô cùng mạnh mẽ rằng, không một cá nhân nào khác có thể cứu độ cải thiện chúng ta, chỉ có chúng ta mới có thể cải thiện chúng ta, không một nước nào có thể cứu nước Việt Nam chúng ta, chỉ có người Việt Nam chúng ta mới cứu nước Việt Nam ra khỏi sa lầy chiến tranh và phá sản xã hội hiện tại. Khi mỗi cá nhân của chúng ta đã được cải thiện, đã tự cải tiến thời đương nhiên gia đình chúng ta, học đường chúng ta, xã hội chúng ta, quốc gia chúng ta cũng sẽ được cải tiến, cải thiện theo. Cá nhân tốt đẹp thời xã hội tốt đẹp, xã hội tốt đẹp thời cá nhân tốt đẹp. Thật sự không có một ranh giới chia rẽ giữa cá nhân và xã hội và đó chính là bức thông điệp giáo dục và xã hội của ngày Phật đản hôm nay.
Quý vị cho phép chúng tôi được nhắn nhủ vài lời với anh chị em sinh viên Vạn Hạnh.
Anh chị em nên ý thức rằng tương lai cá nhân của anh chị em, tương lai gia đình của anh chị em, tương lai của Viện Đại học Vạn Hạnh, tương lai của xã hội và quốc gia Việt Nam chúng ta nằm trong tay của anh chị em, tùy thuộc vào ý thức cải thiện, ý chí cải tiến kiến thức của anh chị em, khả năng của anh chị em, tác phong đạo đức của anh chị em. Tuổi trẻ không bao giờ sợ tương lai, vì tương lai nằm trong tay tuổi trẻ. Tôi xin trao tay cho anh chị em bức thông điệp của ngày Phật đản hôm nay.
 Tỳ kheo THÍCH MINH CHÂU
(Trích Tạp Chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh, Số 3, 1971)
________________________________________
[1] Con Đường Thoát Khổ. W Rahula. Thích Nữ Trí Hải dịch. Tu thư Đại học Vạn Hạnh. Saigon 1967, trang 120.
[2] Đại bát Niết Bàn Kinh, Thích Minh Châu dịch, Tu thư Đại học Vạn Hạnh, Saigon 1967, tt. : 11-12-14.