Saturday, May 23, 2020

Sự mầu nhiệm của Thân hòa đồng trú


Sự mầu nhiệm của Thân hòa đồng trú
......
Đại dịch đi qua, làm cho chúng ta định tỉnh, nhìn lại bản thân, gia đình, bạn hữu. Những ngày tháng tạm ngưng đến chùa sinh hoạt có khi làm cho những người tu Phật có nhiều thời gian hơn để “Phản quan tự kỷ” xem xét lại chính mình để tu chỉnh, sửa đổi ngay cách ăn, nếp ở cho hợp vệ sinh và nâng cao hệ miễn dịch cơ thể; quán xét tự tánh trước mọi vấn đề để biết tâm mình dung thông đến đâu. Phật tử đã quen sống đơn giản trong tinh thần “thiểu dục tri túc” [ít ham muốn và biết đủ] nên nhu cầu đời sống không có nhiều, không tăng nhiều trước sự tiện nghi, tiện dụng vượt trội của xã hội.
Muốn thân an, thời phải quán xét và thực hành câu Thân hòa đồng trú, trước để gìn giữ một thân thể khỏe mạnh, không để những mối bất hòa trầm trệ gây tổn hại cho thân thể. Chúng ta hãy quán xét sự chuyển động điều hòa của trái tim, làm chủ một mạng lưới tâm mạch đưa máu lưu chuyển khắp châu thân; Ngay lúc chúng ta ngủ nghỉ, quả tim vẫn phải làm việc chu cấp máu đều đặn suốt một đời người. Nếu trái tim ngưng đập, đồng nghĩa với sự chết chóc gần kề. Cũng vậy, chúng ta hãy quan sát sự vận hành của hai lá phổi, chủ của cơ quan hô hấp cung cấp oxy cho toàn thể; Ngay lúc chúng ta ngủ nghỉ, hai lá phổi vẫn phải làm việc chu cấp không khí đều đặn suốt một đời người. Nếu phổi bị tổn hại hoặc ngưng thở, có nghĩa là phải chết. Nguồn máu và oxy phải cung cấp kịp thời và đủ đầy cho hệ não bộ thần kinh, nơi điều hành về ý thức, tư duy cao cấp, điều khiển toàn bộ thân và tâm, nơi quyết định là niết bàn an vui hay khổ đau bất hạnh.
Chúng ta biết sống tử tế với hệ tiêu hóa hơn, khi ăn phải nhai cho kỹ, sử dụng cái lưỡi để lừa lọc những gì có hại cho bao tử mà nhả ra kịp thời trước khi nuốt vào bụng. Có thể chúng ta quên, mọi người đều có một tuyến nước bọt (Đông y gọi là ngọc dịch – Đạo gia sử dụng nước bọt để luyện đơn tâm), quý hơn tổ yến, hồng sâm.. để ăn, để nhai cho kỹ, và làm cho bao tử hoạt động nhẹ nhàng hơn khi tiêu hóa thức ăn. Gan, mật, tuyến tụy cũng đỡ khó nhọc; và hệ bài tiết như ruột non, ruột già, thận, bàng quang… cũng mạnh khỏe mà làm những công việc.. trường kỳ.
Nói như vậy để chúng ta cùng hiểu, trong ta đã sẵn có những hệ thống, những cơ quan rất trung kiên, rất chung thủy, cùng tự nguyện làm việc vô điều kiện để tạo sự lợi lạc cho nhau, cho một Thân hòa đồng trú; Nếu chúng tỵ nạnh, tranh cãi hay ganh ghét nhau, điều đó có nghĩa là “Thân bệnh”. Và mọi tổ chức đều có thể bị những căn bệnh như thế làm thân thể suy yếu, và mục đích lý tưởng rất khó mà tới được.
Ví dụ như thói quen ăn không cần nhai, sẽ làm tuyến dịch vị “thất nghiệp”; Nếu có tư duy thì tuyến nước bọt này sẽ rất buồn, và hàm răng cũng rất buồn vì nghĩ là người ta không cần mình nữa. Hậu quả là cả một hệ tiêu hóa làm việc rất khó nhọc, nội một sự truyền tống không điều hòa – Tiêu tiểu không thông cũng là cả vấn đề.
Quán xét thân thể như vậy để chúng ta biết, những bài tập vận động thể dục, Yoga, ... để bảo vệ những cơ quan trọng yếu là rất cần thiết; Chúng hoạt động cả đời không ngại, mà chúng ta mới vận động chỉ 5, 10 phút đã thấy chán mỏi rồi. Giáo dục nhằm để rèn luyện Đức – Trí – Thể dục, nếu không chú trọng đến thể dục của trẻ bằng như nuôi bệnh trong người. Thời học sinh chúng tôi, giáo sư Hùng Lân sáng tác bài ca Khỏe vì nước, trong đó có câu: “Dân sinh yếu nhược lôi theo mối nhục vong quốc – Dân sinh dũng cường đưa ta tới đài vinh quốc..” đủ thấy môn Thể dục học đường quan trọng đến mức nào.
Môn thể dục Yoga đã hiện diện trong nền văn hóa cổ đại của nhân loại rất lâu rồi; theo giáo sư Trần Văn Kha có thể hơn 3000 năm trước. Ngoài những động tác vận động từ đơn giản đến phức tạp nhằm đến mục đích đánh thức con rắn thần Kundalini nằm cuộn quanh từ đốt sống cuối cho đến não bộ thức dậy, tạo ra một năng lượng thể tâm linh, giúp người tập sống hướng thượng, cao thượng hơn trong ngũ trược hắc ám; Môn Hatha Yoga giúp cân bằng các hệ nội tiết; nhất là giới trẻ đang tuổi phát triển không bị rối loạn giới tính. Cho đến nay, môn này đang phát triển tại Việt Nam nhưng chỉ là thư giãn, giải quyết hiện tượng stress, áp lực công việc gây loạn tâm trí mà thôi. Bởi vì, trong một quần thể xã hội không coi trọng yếu tố thể dục, không tạo ra quy củ, nề nếp từ trẻ nhỏ, nên khi đến tuổi trưởng thành không tự điều tiết được bản thân, năng lượng thừa tích chứa trở lại thiêu đốt tự mình, là nguồn gốc sinh trăm thứ bệnh. Thế nên, khi Pháp luân công của Trung Quốc xuất hiện, sự luyện tập phối hợp giữa Thiền luân xa và thái cực khí công đã mau chóng tạo nên niềm tin (về tâm linh) và có tác dụng giải trừ bá bệnh do thiếu hay lười vận động gây ra, người theo học càng ngày càng đông khắp nơi trên thế giới.
Chúng ta tuy có một niềm tin về Đạo vốn thanh tịnh vô vi, nhưng khi trèo đèo vượt suối cũng còn phải đi bằng đôi chân của mình. Cho nên, tinh thần và thể lực, sức khỏe bền với tâm thư thái rất cần thiết như bóng với hình, đừng để bị rơi vào trạng thái “Tuổi thanh xuân sử dụng sức khỏe để kiếm tiền; Về già dùng tiền để mua lại sức khỏe” như lời Đạt Lai Lạt Ma khuyên nhủ.
Quán xét tự thân để thấy sự sống và sự hiện diện của chúng ta vốn là sự kết hợp từ nhiều điều màu nhiệm, và chúng ta cần phải chuyên cần trong bổn phận và nhiệm vụ tự nguyện của mình mà không nề hà khó nhọc hay lúc nào cũng thấy “chướng tai gai mắt”. Mười năm, hai mươi năm, hai mươi lăm năm, 45 năm.., thân thể này còn nguyên vẹn, mình còn chung ngồi lại bên nhau quả là một điều màu nhiệm của cuộc đời.

Đức Quảng