Thursday, May 14, 2020

Thích Minh Châu: Sứ Mệnh Của Viện Cao Đẳng Phật Học


* Diễn văn Khai mạc Lễ nhậm chức Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức
của Thượng Tọa Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Giáo Dục Ngày 28-11-1974.
Kính thưa Quí liệt vị,
Với sự thành lập Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức Nha trang này Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất có được hai Viện Cao đẳng Phật học, hai cơ sở giáo dục Phật giáo thượng thặng nhất Việt nam, hai tổ chức giáo dục Tăng Ni sinh, nhằm đào tạo những vị quán thông Tam tạng Giáo điển và những cán bộ lãnh đạo ưu tú và nồng cốt cho Giáo hội trong hiện tại cũng như trong tưong lai. Sự thành hình và có mặt của Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức Nha trang này nói lên được sự sáng suốt, lòng quyết lâm trì chí và sự hy sinh của các vị lãnh đạo đã luôn luôn nghĩ đến tương lai của Giáo hội và thế hệ trẻ Tăng Ni hiện tại. Và hôm nay, trong khung cảnh tưng bừng và trang nghiêm của lễ Khai mạc Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức Nha trang, với sự hiện diện và chứng minh của Viện Tăng thống và Viện Hóa đạo, với sự quy tụ của Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni các Tỉnh Giáo hội, với sự vân tập tụ hội của chư vị Nhân sĩ, Quan khách và Phật tử địa phương, lễ Tấn phong và lễ Khai giảng hôm nay nói lên được sự hân hoan cao độ của Giáo hội và của Tăng Tín đồ, và sự tán thành và hỗ trợ của tất cả những nhân sĩ ưu thời mẫn thế, lo nghĩ đến tiền đồ của Giáo hội và đất nước.
Kính thưa Quí liệt vị,
Trong hoàn cảnh phi hòa phi chiến hiện tại của đất nước, trong những rối loạn xã hội thường xuyên và những khó khăn kinh tế triển miên, sự hiện diện của Viện Cao đẳng Phật học này là cả một thử thách rất lớn đối với những vị sáng lập và điều hành cơ sở giáo dục tối cao này.
Sự thử thách thứ nhất là sự thử thách về kinh tế tài chánh. Viện Cao đẳng Phật học này phải có đủ tài chánh để lo kiến thiết các cơ sởtrường ốc, thư viện, lớp học khang trang cho hơn 80 Tăng sinh trong năm đầu, ngoài ra còn lo về chi phí giảng huấn, di chuyển cho các giáo sư và phạn phí cho số Tăng sinh nội trú. Những đòi hỏi tài chánh này là cả một thử thách rất lớn cho những vị điều hành cơ sở này và cả cho Tỉnh Giáo hội Khánh hòa.
Ngày xưa, cách khoảng 5, 10 năm, một Viện Cao đẳng có thể bằng lòng với một số Kinh điển chữ Hán, một vài vị giáo thọ thâm nho là đủ điều kiện để mở một Phật học viện. Ngày nay, một sự thử thách mới chờ đợi một Viện Cao đẳng, là chương trình giảng huấn phải như thế nào để Tăng sinh phải thấu hiểu Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo các Học phái và Phật giáo Đại thừa, không những phải thấu hiểu những tổng quát đại cương về triết thuyết, lịch sử, phương pháp hành trì, mà còn phải đi sâu vào những chuyên ban Kinh học, Luật học, Luận học, Thiền học của từng học phái. Nói một cách khác, chương trình giảng huấn phải giúp cho Tăng sinh quán thông ba Tạng Giáo điển. Nhưng vì ba Tạng Giáo điển quá dồi dào và phong phú nên chương trình giảng dạy phải được soạn thảo, vừa đặt nặng về phần quán thông, vừa đi sâu vào phần chuyên khoa nghiên cứu. Dung hòa được hai đòi hỏi trên là cả một thử thách lớn lao cho ban Học vụ của Viện Cao đẳng Phật học.
Chính từ sự thử thách chương trình này đưa đến một sự thử thách khác liên hệ, đó là sự thử thách về ngôn ngữ danh từ. Nếu chương trình Phật học muốn cho được đầy đủ phải bao gồm cả Tạng Sanskrit, Tạng Pãli, Hán Tạng, Tạng Tây tạng, thời một Tăng sinh ở Viện Cao đẳng phải học những cổ ngữ như Sanskrit, Pãli, Tây tạng, Hán văn, cộng thêm các sinh ngữ liên hệ đến nghiên cứu Phật học như Nhật ngữ, Hoa ngữ, Anh ngữ, Pháp ngữ, Đức ngữ v.v… và cũng vì sự nghiên cứu Phật học đòi hỏi một số cổ ngữ, sinh ngữ phức tạp như vậy, phương pháp mới, một hình thức mới. Nếu xưa kia cách đây 10 năm, chúng ta có quyền để 10 năm để học Hán tự, và học cũng chỉ đọc được hiểu được mà thôi. Ngày nay, thời gian không cho phép chúng ta làm như vậy. Chúng ta chỉ có quyền để dành tối đa là 4 năm để học một cổ ngữ hay sinh ngữ, và học ở đây đòi hỏi phải học được, nghe được, hiểu được, nói được và viết được. Sự thử thách phải áp dụng một phương pháp dạy mới và học mới để tiết kiệm thời gian và kiện toàn vấn đề nghiên cứu, cũng là một thử thách nan giải, đòi hỏi rất nhiều thiện chí và phương tiện.
Chắc một số Quý vị có thể hỏi, làm gì phải học nhiều và phiền phức như vậy. Khổ hải thời vô biên thật, nhưng «Hồi đầu là thị ngạn» có học cho nhiều không bằng học được câu thơ này của một Thiền sư Việt nam:
«Kinh điển lưu truyền tám vạn tư.
Học hành không thiếu cũng không dư.
Năm nay tính lại chừng quên hết.
Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ».
Câu nói trên trong khung cảnh một cốc thiền, một am tranh, dựa vào một đồi thông gần núi Ngự sông Hương có thể phác họa lên một bức tranh giải thoát tuyệt đẹp. Nhưng trong khung cảnh của một Cao đẳng Phật học, lấy học Phật làm căn bản, nhất là so sánh với trình độ nghiên cứu của các Trung tâm Phật học Quốc tế, và các Đại học Quốc tế, sự thử thách này không cho phép chúng ta tô bồi lên những màu sắc vừa đẹp vừa thơ, mà bắt buộc chúng ta phải áp dụng những kỹ thuật học sinh ngữ, cổ ngữ tối tân, có thể khô khan và phiền toái, nhưng rất có hiệu năng và thiết thực.
Từ nơi sự thử thách về phương pháp học và chương trình học, chúng ta bước qua một sự thử thách khác quan trọng hơn, một sự thử thách về chánh kiến mà chính đức Phật đã tự thân đối mặt và khắc phục trong thời kỳ Ngài còn tại thế. Như tập Trường Bộ Kinh (Digha-Nikàya) và Trung Bộ Kinh (Majjhima- Nikàya) đã ghi nhận, đức Phật đã đối mặt với 02 tà thuyết trong kinh Phạm Võng (Brahmajalasutta), với lục sư ngoại đạo như Pũrana Kassapa, Makkhali Gosala trong kinh Sa Môn Quả (Sãmannaphalasutta), với chủ trương bốn giai cấp của Bà la môn giáo trong kinh Ambatthasutta, với lòng tin tưởng nghi lễ tế đàn cũng của Bà La Môn giáo trong kinh Kutadantasutta. Ngoài ra chúng ta được biết lập trường của đức Phật đối với phương pháp khổ hạnh của Ni kiền tử Nãtaputta trong kinh Kassapasihanada v.v… Trong các kinh trên đức Phật đã phân tích và phân biệt giữa các tà giáo với giáo lý chính. Ngài phát huy, cùng nêu rõ giáo pháp tu hành của mình đối với các phương pháp tu hành ngoại đạo. Ngày nay, Viện Cao đẳng Phật học phải đối mặt với sự thách thức về chánh kiến và pháp môn với các chủ nghĩa duy vật, duy linh, hiện sinh, các triết thuyết tôn giáo, Đông, Tây, Kim, Cổ, và cũng vì sự đối mặt về chánh kiến này mà một Viện Cao đẳng Phật học không thể bỏ qua môn Tỷ giảo học và phương pháp phân tích, để nêu rõ đâu là chánh kiến, đâu là tà kiến, đâu là chánh đạo, đâu là tà đạo, như đã được đề cập trong kinh Kãlamasutta và kinh Đại Bát Niết Bàn (Trường Bộ Kinh). Ngoài ra một Viện Cao đẳng Phật học cần phải khai thác những môn học rất đặc biệt trong Phật giáo như Luận Lý học của các tập Nhơn minh, Tâm lý học, Phân tâm học của các tập A tỳ đàm, các quan điểm về Chính trị học, Xã hội học, Nhân chủng học, Y học v.v… của đức Phật được tìm thấy rải rác trong những kinh điển. Đó là những môn học mà một Viện Cao đẳng cần phải khai thác, để chúng ta giới thiệu kho tàng văn hóa vô cùng phong phú, vô cùng thiết thực của Phật pháp, sự đóng góp của Phật giáo vào gia tài văn hóa nhân loại, và cũng để chứng minh rằng:
«Phật pháp tại thế gian,
Bất ly thế gian giác,
Ly thế mịch Bồ Đề,
Diệc như cầu thố giác».
Hơn thế nữa, chúng ta cần phải ý thức được vị trí của Phật giáo Việt nam trong cộng đồng các nước Phật giáo ở Đông nam á và Á châu và vai trò mà Phật giáo Việt nam có thể đóng góp cho Phật giáo nhơn loại nói chung. Không ai có thể phủ nhận sắc thái đặc biệt của Phật giáo Việt nam và những đóng góp của Phật giáo đời Lý đời Trần vào đời sống văn hóa xã hội Việt nam. Nhưng chúng ta không thể chỉ biết có tán thán, đề cao mà không có những chứng minh văn hóa cụ thể. Do vậy một trong những trách nhiệm của Viện Cao đẳng Phật học là xây dựng một Tam tạng Giáo điển Việt nam và một tủ sách Phật giáo Việt nam, trong ấy chúng ta phải sưu tầm lại các dịch phẩm, các tác phẩm chữ Hán hay chữ Nôm của các Thiền sư Việt nam, phiên dịch, giới thiệu và phê bình. Chúng ta không có thể nói «lấp lửng con cá vàng» mà phải có những chứng minh cụ thể và thiết thực để mọi người đều thấy và đều biết. Một sắc thái đặc biệt nữa của Phật giáo Việt nam là sự dung hòa và thống nhất các Phật giáo Nam tông, Bắc tông, Phật giáo Đại thừa và Phật giáo các Học phái. Chúng ta có thể nói nước Việt nam là quốc gia độc nhất, trong đó, cả Phật giáo Bắc tông và Nam tông được tôn trọng, hành trì và thống nhất trong ý chí và hành động. Do vậy Phật giáo Việt nam nói chung và Cao đẳng Phật học viện nói riêng có thể đóng một vai trò vô cùng quan trọng, vai trò hướng tìm một chân đứng thống nhất cho tất cả học phái, một căn bản giáo lý và giáo pháp nguyên thủy đồng nhất cho tất cả xu hướng Nam tông và Bắc tông, và chỉ có vậy Sự thành lập Phật giáo Việt nam Thống nhất và Viện Cao đẳng Phật học mới thật sự có ý nghĩa tốt đẹp.
Kính thưa Quý vị,
Chúng tôi vừa đề cập đến một vài thử thách và một vài trách nhiệm để đặt rõ mục tiêu và vị trí của một Viện Cao đẳng Phật học trong cộng đồng Phật giáo Việt nam và Phật giáo Quốc tế; và nhờ vậy chúng ta sẽ tránh được những mục tiêu lệch lạc và những thế đứng sai lầm làm giảm thiểu hiệu năng đóng góp vào gia tài văn hóa Việt nam và nhân loại của Viện Cao đẳng Phật học. Trong lễ Tấn phong và Khai giảng trang trọng hôm nay, chúng tôi tha thiết trông mong rằng cơ sở giáo dục Cao đẳng Phật học này làm tròn sứ mệnh cao cả, và đứng vào vị thế chính đáng của mình, để góp phần xây dựng thế hệ Tăng Ni tương lai cho Giáo hội và cho xứ sở. Thay mặt cho Hội đồng Tổng vụ Giáo dục, chúng tôi xin chân thành tán thán tất cả Quý vị đã trực tiếp hay gián tiếp xây dựng cơ sở giáo dục thượng thặng này và giúp cho cơ sở được khai giảng trong khung cảnh tưng bừng và trang trọng hôm nay. Chúng tôi hy vọng rằng lễ Tấn phong và Khai giảng này sẽ mở đầu những trang sử mới cho truyền thống Phật học viện của Giáo hội chúng ta và đáp ứng được những nguyện vọng chân thành và tha thiết nhất của toàn thể Tăng Tín đồ Việt nam.
Xin trân trọng kính chào Quý vị.
T.T. THÍCH MINH CHÂU