Tuesday, May 12, 2020

Thích Minh Châu: Đường Hướng Giáo Dục Phật Giáo


Trích Tạp Chí Tư Tưởng Số 4 (Năm 1969)
ĐI TÌM MỘT ĐƯỜNG HƯỚNG
Những cơ sở giáo dục Phật giáo đã được thiết lập từ nhiều năm nay, mà thể hiện cụ thể nhất là những trường trung tiểu học Bồ đề và sự thành tựu ngày nay là Viện Đại Học Vạn Hạnh. Trước khi đặt lại những liên hệ chặt chẽ giữa ba tầng lớp tiểu học, trung học và đại học, chúng ta hãy vạch ra một đường hướng rõ rệt để làm nền tảng cho tất cả những cơ sở giáo dục Phật giáo hiện nay.
Đi tìm một đường hướng và xác định ý nghĩa của đường hướng ấy là một việc vô cùng quan trọng, vì đường hướng ấy là thể hiện cụ thể nhất của tinh thần giáo dục Phật giáo. Mất đường hướng có nghĩa là mất ngôi sao Bắc đẩu và tất cả chúng ta sẽ đi trong tối: hiển nhiên khi ấy giáo dục Phật giáo không còn đúng là giáo dục Phật giáo nữa; giáo dục như vậy chỉ có nghĩa là phản bội Phật giáo và trở thành một phương tiện để cho người ta trục lợi làm giàu, để cho người ta làm nơi nương náu, trú ẩn che đậy những thủ đoạn kín đáo, để người ta khuếch đại bản thân bằng những danh từ có san trong kinh Phật. Thảm trạng ấy phải chấm dứt ngay lập tức. Chúng ta phải lãnh trách nhiệm của mình trước tình cảnh sa lầy của những trường tự gọi là trường Phật giáo. Chúng ta đã phản bội đạo Phật trong từng giây phút; chúng ta có can đảm tự nhận là những nhà giáo dục Phật giáo hay không, khi mà những trường tự gọi là trường Phật giáo càng ngày càng đi sâu vào sự phân hóa sa lầy, khi mà trong mỗi giây phút chúng ta sống, chúng ta đã lạm dụng Phật giáo, chúng ta đã đồng tình với những thế lực đen tối để mà duy trì sự sợ hãi, sự nô lệ, sự nông cạn hẹp hòi trong lòng những thế hệ non dai. Chúng ta phải chịu tội trước đấng Thế tôn: chúng ta phải hổ thẹn mỗi lúc tự nhận là những nhà giáo dục Phật giáo, vì chúng ta đã giáo dục những đứa trẻ để rồi nay mai những đứa trẻ ngây thơ ấy mang súng bắn nát những gì thiêng liêng nhất trên cuộc đời này. Mỗi khi nào có một người thanh niên đã ngã gục trên chiến trận thì lúc đó nền tảng giáo dục của chúng ta trở thành vô nghĩa; mỗi khi nào trong xã hội này bất công và bạo quyền còn hống hách đe dọa đêm ngủ an lành của kẻ vô tội thì lúc đó đường hướng giáo dục của chúng ta trở thành ảo ảnh lường gạt; mỗi khi nào trong học đường, mâu thuẫn tương tranh giữa hiệu trưởng và giáo sư, giữa giáo sư và giáo sư, giữa giáo sư và học sinh, mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài, mỗi khi nào tất cả mâu thuẫn ấy còn tồn tại thì đường hướng giáo dục hoàn toàn trở thành phù phiếm. Chúng ta phải đặt lại một đường hướng dứt khoát; mỗi một nhà giáo dục phải đi tìm một đường hướng sống động thuận thời, thuận cảnh để chuyển thời và chuyển cảnh. Nhà giáo dục Phật giáo phải đi trên đường hướng giáo dục Phật giáo. Đường hướng giáo dục Phật giáo là đường hướng nào?
ĐƯỜNG HƯỚNG GIÁO DỤC PHẬT GIÁO
Phật giáo là một con đường sống; Phật giáo đặt trọng tâm vào việc giáo hóa con người, giáo hóa con người thành ra con người, trở về dùng bản vị là con người với trọn tất cả nghĩa đen và nghĩa bóng của chữ người; chẳng những thế Phật giáo lại đưa con người đến chỗ tự siêu hóa, tự vượt mình thường xuyên để thể nhập cuộc sống toàn diện của thiên nhiên.
Tự vượt mình, tự siêu hóa mình trong từng giây phút, đó là tất cả ý nghĩa tiềm tàng của sự giáo hóa chân chính. Sống và biết sống, sống với xã hội chân chính, sống với người khác, sống với vẻ đẹp của đất trời, sống với sự thực của tâm thức, sống với đức lý cao quí của lương tâm; chân, thiện và mỹ là ba giá trị sáng tạo của tâm linh; sống với chân, thiện và mỹ là tự giáo hóa mình để mở lòng ra mà đón nhận những gì thành thật nhất, hiền lành nhất và đẹp đẽ nhất trong con người. Đạo Phật là một đạo của giáo dục và đức Phật là một nhà đại giáo dục. Giáo lý của đức Phật là phương pháp giáo dục, hay đúng hơn nền tảng của tất cả mọi phương pháp giáo dục, đường hướng cho tất cả mọi đường hướng giáo dục chân chính. Chúng ta chỉ cần trở lại những kinh điển của ngài là thấy được những nguyên tắc giáo dục căn bản. Chúng ta có thể thu gọn lại nội dung của đường hướng giáo dục Phật giáo trong những tiêu điểm sau đây:
  1. tương quan giữa con người và hoàn cảnh;
  2. tương quan giữa con người và hành động;
  3. tương quan giữa con người và trí thức;
  4. tương quan giữa con người và đạo đức;
  5. tương quan giữa con người và thời gian;
  6. tương quan giữa con người và chân lý.
Những tiêu điểm trên không phải khác biệt nhau rõ ràng, mà chỉ là sáu khía cạnh của một Thực tại duy nhất, Thực tại duy nhất ấy làm nền tảng cho sáu đường hướng giáo dục, và sáu đường hướng giáo dục đều dẫn về một đường hướng duy nhất; đường hướng ấy chính là đưa con người trở thành con người sự thực, con người của chân lý, nói rõ hơn là thể hiện linh động của chân, thiện và mỹ. Chân, Thiện và Mỹ chỉ là ba tướng trạng của một Thực tại duy nhất, mà đạo Phật gọi là Phật tính.
TƯƠNG QUAN GIỮA CON NGƯỜI VÀ HOÀN CẢNH
Con người là di hướng của truyền thống, là sản phẩm của hoàn cảnh. Điều này quá hiển nhiên không ai có thể phủ nhận được. Chúng ta không thể chối bỏ xã hội mình đang sống, chúng ta không thể bỏ quên hướng đi của lịch sử, chúng ta không thể lạnh lùng lãnh đạm trước những nỗ lực của những bậc tiền bối trong những công trình xây dựng văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, khi đã ý thức rõ ràng như vậy, chúng ta phải sáng suốt ý thức luôn rằng tương quan giữa con người và hoàn cảnh không phải là tương quan một chiều; nói khác đi thì hoàn cảnh tạo ra con người nhưng không phải chỉ có hoàn cảnh mới tạo ra con người, vì hoàn cảnh và con người không phải là hai thực thể biệt lập, và con người không phải là giữa địa vị thụ động, không phải chỉ là nạn nhân bất lực của hoàn cảnh. Tương quan giữa con người và hoàn cảnh là một thứ tương quan linh động; hoàn cảnh tạo ra con người, nhưng con người cũng tạo ra hoàn cảnh. Con người có bổn phận tối cao là sáng tạo ra hoàn cảnh cho đời sống, chứ không phải hạ mình chạy theo hoàn cảnh, để hoàn cảnh lôi cuốn trôi đi và không còn là một chủ thể tự do để quyết định vận mệnh mình. Giáo dục là sản phẩm của hoàn cảnh; giáo dục Phật giáo hiện nay là sản phẩm của hoàn cảnh Phật giáo hiện nay. Hoàn cảnh Phật giáo hiện nay như thế nào? Chúng ta đủ thấy rõ rằng Phật giáo đang trải qua một cuộc khủng hoảng trầm trọng, khủng hoảng bên trong cũng như khủng hoảng bên ngoài, nhưng chúng ta hãy tin tưởng vào sức lực kỳ diệu của đạo lý đức Phật, đạo lý đức Phật chỉ thành hình một cách huy hoàng nhất giữa những hoàn cảnh mâu thuẫn nhất, giữa những cơn khủng hoảng trầm trọng nhất. Đó là một dịp để giáo dục thể hiện sứ mạng của mình; giáo dục Phật giáo là nạn nhân của hoàn cảnh Phật giáo hiện nay, nhưng nền tảng của nền giáo dục Phật giáo là sống tạo lại hoàn cảnh, làm chủ hoàn cảnh, điều khiển hoàn cảnh, chuyển hóa thế cảnh thành chân cảnh, chuyển hóa tục cảnh thành thánh cảnh. Con người giáo dục Phật giáo phải là con người sống với hoàn cảnh, sống trong hoàn cảnh mà vươn lên khỏi hoàn cảnh, vượt lên hoàn cảnh để thống ngự hoàn cảnh và tạo tác một hoàn cảnh mới cho con người thời đại. Nhưng muốn làm chủ lại hoàn cảnh thì chúng ta phải làm gì?
TƯƠNG QUAN GIỮA CON NGƯỜI VÀ HÀNH ĐỘNG
Câu hỏi trên đặt lên ý nghĩa của hành động trong đời sống con người. Cũng như hoàn cảnh, hành động đã giữ vai trò quan trọng trong quá trình lịch sử con người. Có thể nói rằng con người là kết quả của hành động; những hành động của con người quyết định hướng sinh thành hoại diệt của con người; Phật giáo gọi hành động là nghiệp (Karma): thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp bao trùm tất cả sắc thái của giáo dục Phật giáo.
Con người là hoàn toàn tự do ngay từ tự tính, vì chính mình đã tạo nghiệp cho mình và nạn nhân của chính mình, đồng thời chính mình cũng có thể hoán cải nghiệp lực và giải thoát mình ra ngoài sự trói buộc triền miên của luân hồi đau đớn. Giáo dục Phật giáo là hành động triệt để, hành động toàn diện để chuyên hóa những hành động phiến diện của đời sống hiện nay. Người giáo dục Phật giáo lao vào đời như lao vào lửa đỏ, lên tiếng cho sự thực, lên tiếng cho những gì cao đẹp nhất của con người hành động với tâm vô trước, tranh đấu cho lý tưởng, mà không bị nhốt tù trong lý tưởng, hành động cho chân lý mà không bị vướng kẹt vào chân lý; chân lý có thể được hy sinh cho con người sống thực chứ con người sống thực không thể bị làm con vật hy sinh cho chân lý và một thực thể linh động cùng nằm trong tương quan đồng loạt; chân lý không phải là một cái gì khác con người, mà chân lý chính là con người.
Con người giáo dục dấn thân vào hành động mà vẫn làm chủ hành động, chứ không phải là nạn nhân của hành động mình. Hành động mà không vướng bận vào hành động, đó mới là hành động thuần túy và mới không tạo nghiệp ác. Cả nghiệp thiện còn không chấp, huống chi là nghiệp ác. Con người giáo dục Phật giáo phải là con người hành động mà luôn luôn phải thể hiện tinh thần Vô trước trong mỗi một hành động của mình; chỉ có thể mới có thể hoán cải nghiệp cảnh để mà bước đi trên con đường của đấng giác ngộ.
TƯƠNG QUAN GIỮA CON NGƯỜI VÀ TRÍ THỨC
Giáo dục không phải chỉ là huấn luyện cho một đứa trẻ trở thành một nhà trí thức để hành nghề và giữ một địa vị an bài trong xã hội. Trí thức phải được chuyển hóa thành trí huệ. Trí huệ đưa con người đi đến chánh kiến. Trí thức là một phần trong toàn thể thành phần của con người. Cứu cánh của nền giáo dục Phật giáo là đưa con người trở về con người toàn diện; con người toàn diện là kẻ thể hiện chánh kiến trong từng động tác thường nhật. Trí huệ là đồng lúc với Bi và Dũng. Bi, Trí và Dũng xuất hiện đồng lúc trong đời sống toàn diện. Bi, Trí và Dũng không phải là ba thành phần khác biệt và đối nghịch, cả ba đều là ba cách diễn tả một thực tại linh động. Trí chỉ là Trí khi có Bi và Dũng đi theo; do đó, con người trí thức cũng là con người từ bi động lòng trước thảm cảnh phân ly, nhưng đồng thời cũng là con người can đảm đứng lên tranh đấu cho sự thật mà lòng không sợ hãi, chí khí cương liệt, nhìn thẳng vào tất cả sự khủng khiếp mà tâm không thối chuyển, nhất định thực hiện cho thành tựu đại nguyện mình trong đời sống để cứu nhân độ thế. Thể dục, đức dục và trí dục đều đi chung với nhau, chứ không phải là ba phạm vi biệt lập.
Giáo dực Phật giáo phải là đưa thể, đức và trí liên kết nhau trong một nhất điểm tối hậu; nhất điểm ấy là con người toàn diện, bao trùm thể, đức và trí trong thân, khẩu và ý.
TƯƠNG QUAN GIỮA CON NGƯỜI VÀ ĐẠO ĐỨC
Con người có trí mà thiếu đức thì chỉ là là trí; cũng như con người thiếu trí mà có đức thì chỉ là ngụy đức; đức và trí khai sinh ra một thân thể quân bình tráng kiện.
Vấn đề tương quan giữa con người và đạo đức được đặt ra đây là vì con người và đạo đức không phải là hai ý niệm cùng đứng trên một vị trí lý thuyết có tính cách mô phạm tổng quát. Đạo đức không phải là một số ý niệm được xây dựng trên hai tiêu chuẩn của Thiện và Ác. Thiện và Ác không thuộc phạm vi của Đạo đức. Thiện và Ác xuất phát từ Vô minh; tham và sân cùng xuất phát từ Vô minh. Vô minh là nền móng của tà kiến, và vì tà kiến, do tà kiến, bởi tà kiến, nên con người mới nô lệ vào những ảo ảnh nguy hiểm để giết hại lẫn nhau. Chánh kiến đi đôi với Đạo đức; chuyển tà kiến thành chánh kiến thì chuyển được Ác thành Thiện. Nhà giáo dục Phật giáo không phải chỉ là người cố chấp vào một số nguyên tắc đạo đức để mà bỏ quên thực chất linh động của đạo đức; chính kiến mới là không chấp trước vào vọng kiến; vọng kiến là sự chìm đắm trong những ảo ảnh, hư ảnh phù phiếm mà chạy trốn thực tại. Thực tại nằm trên Thiện và Ác; giai đoạn đầu là theo Thiện bỏ Ác, giai đoạn thứ hai là bỏ Ác và bỏ cả Thiện, giai đoạn thứ ba là siêu hóa nhị tướng của vạn pháp để mà thể nhập Thực tại siêu việt.
TƯƠNG QUAN GIỮA CON NGƯỜI VÀ THỜI GIAN
Học quá khứ không phải chỉ biết có quá khứ; học quá khứ là để chuẩn bị cho hiện tại. Tương quan giữa con người và thời gian là một vấn đề quan trọng; nhà giáo dục Phật giáo hiểu rõ sự quan trọng của quá khứ và hiểu rõ sự quan trọng của tương lai, nhưng phải nhất tâm qui hướng tất cả hành động của mình vào hiện tại. Quá khứ, hiện tại và tương lai không phải là ba giai đoạn phân chia khác nhau: trong giây phút hiện tại chứa đựng trọn vẹn tất cả quá khứ và tương lai. Người giáo dục Phật giáo không vì một lý do nào mà khinh thường hiện tại của thế hệ trẻ non, vì hiện tại là tất cả ý nghĩa của giáo dục. Sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại, biết chuyện quá khứ trở thành đồng thời, đương thời với hiện tại là cứu cánh của mọi sự giáo dục chân chính. Dạy một môn học không phải chỉ là mang từ những kinh nghiệm ở quá khứ mà phải làm sống môn học ấy trong kinh nghiệm mới lạ của hiện tại. Hiện tại là mới lạ trong mỗi giây phút;tất cả phải hy sinh cho hiện tại. Con người giáo dục Phật giáo không phải là kẻ tự giáo dục mình ý thức được tất cả ý nghĩa phong phú của ngày hôm nay và đồng thời giáo dục con trẻ ý thức được tất cả sắc thái đẹp đẽ mới lạ của của từng thoáng giây trong hiện tại. Giáo dục phải là giáo dục ở đây và bây giờ; «hic et nunc». Đạo Phật là một đạo sống để tự cách mạng trong từng giây phút; đạo Phật biến chuyển linh động trong hiện tại và không bao giờ lệ thuộc vào những ý niệm khô chết trong quá khứ.
TƯƠNG QUAN GIỮA CON NGƯỜI VÀ CHÂN LÝ
Thiện và Mỹ cũng nằm trong Chân: Chân lý bao gồm tất cả trạng thái phức tạm của cuộc đời. Giáo dục Phật giáo có nghĩa là giáo dục để thể nhập Chân lý, để chứng ngộ Sự thật. Con người giáo dục Phật giáo phải tự giáo dục mình trước tiên; tự giáo dục để giáo dục người khác trên con đường sự thật, đó là tất cả mục đích và đối tượng mà không một nhà giáo dục Phật giáo nào được quyền bỏ quên. Chân lý là Phật Pháp, mà Phật Pháp thì không bao giờ xa lìa thế gian Pháp; do đó, giáo dục Phật Giáo luôn luôn giữ tâm hồn phóng khoáng, cởi mở và đón nhận tất cả những khuynh hướng đối nghịch, không bao giờ khư khư ôm giữ giáo lý mình và tự hào rằng chỉ có giáo lý mình là độc tôn. Chân lý được thể hiện bằng những biểu tượng khác nhau; không vì lý do gì mà chấp trước biểu tượng nay để mạ ly biểu tượng khác; tất cả biểu tượng đều có ích lợi riêng biệt tùy theo vị trí của nó trong mỗi phạm vi đặc thù. Tinh thần vô chấp, vô trước, phải được thực hiện triệt để trong nền giáo dục Phật giáo; con người của chân lý là kẻ sống với chân lý mà không chấp trước vào chân lý. Giáo dục Phật giáo là giáo dục con người trở thành Phật tử để rồi không chấp trước vào bản vị Phật tử và trở về lại với con người, con người trọn vẹn, không phân biệt tôn giáo, nòi giống, giai cấp. Phật tử chỉ là Phật tử thực sự khi Phật tử vượt lên giới hạn của mình để nhập một với con người bằng xương bằng thịt ở khắp mọi chân trời. Chân lý Bất nhị (Advaya) là nền tảng của tất cả mọi đường hướng giáo dục Phật giáo. Chân lý (satyatà) chính là Bất Nhị (advaya), con đường của sự thật (màrgasatyam), như đức Phật đã dạy trong kinh Lăng già (Lankàvatàra sutra). Bất nhị là không phân biệt Phật giáo với những gì không phải là Phật giáo; Bất nhị là không phân biệt Trí và Đức, Thiện và Ác, vô vi và hữu vi, tự thể và tha thể, bạn và thù, quốc gia và quốc tế.
Con người giáo dục Phật giáo phải là con người thể hiện tinh thần Bất nhị trong nhà trường và đời sống, không phân biệt mình với học trò, không phân biệt đối tượng với chủ thể, không phân biệt tương quan giữa con người và hoàn cảnh, con người và hành động, con người và trí thức, con người và đạo đức, con người và thời gian, con người và chân lý.
"Sự giáo dục sẽ trở thành vô dụng, nếu người học không đánh mất những quyển vở nhà trường, không đốt những sổ tay ghi chú ở giảng đường, và không chịu quên hết những chi tiết tỉ mỉ mà mình đã học thuộc lòng để đi thi…"
Câu nói trên của triết gia A’fred North Whitehead trong quyển The Aims of Education là chủ ý muốn nối liền lại giáo dục và đời sống, giáo dục là để thể nhập với đời sống phong phú, giáo dục không phải chỉ giới hạn ở nhà trường, không phải chỉ kết thúc ở trường thi; mà giáo dục là phải tự siêu hóa giáo dục để trở thành hơi thở dinh dưỡng của đời sống trọn vẹn, tước bỏ những chi tiết mà hòa đồng với những nguyên lý bất diệt của nhân sinh.
Chỉ có tinh thần Phật giáo mới giúp chúng ta đưa giáo dục trở về tiếp nối với sự sống, đề tước bỏ những kiến thức chết, những ý tưởng vô sinh khí, và thực hiện một con người siêu việt trên cuộc đời bé nhỏ này.