Monday, May 25, 2020

Thích Đức Nhuận (1924-2002): Hình Thái Tổ Chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam

Hình Thái Tổ Chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam

Thích Đức Nhuận (1924-2002)

trích ĐẠO PHẬT VÀ DÒNG SỬ VIỆT của cố Hoà Thượng Thích Đức Nhuận (1924-2002),
Cố Vấn Ban Chỉ Đạo Viện Hoá Đạo GHPGVNTN,
do Phật Học Viện Quốc Tế California, Hoa Kỳ ấn hành 1998.

Tiến Trình Lịch Sử và Nhu Cầu Hiện Đại Đòi Hỏi Sự Thống Nhất Đạo Phật Việt
Cách vài năm sau (1963) thì nền thống nhất Phật giáo phải chịu sự thống khổ chia rẽ hàng ngũ nội bộ Phật giáo và tiếp theo là những khủng hoảng!… Mà bất cứ một cuộc khủng hoảng… nào rồi cũng sẽ qua đi.
Do đó, chúng tôi đề nghị một biện pháp xây dựng GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM lớn mạnh trong tương lai nên cũng ghi lại đây những cảm khái suy tư chân thành ngưỡng mong liệt vị Tôn Đức chứng minh.
Năm 1963, Đạo Phật Việt đã là một hiện tượng thức tỉnh của Phật giáo thế giới và toàn thể nhân loại đang muốn vượt thoát khỏi kiềm tỏa của các thế lực và mưu mô độc tài.
Năm 1963, Đạo Phật Việt đã là một hiện tượng thống nhất giữa các tông phái của Đạo Phật sau hai mươi thế kỷ phân ly.
Năm 1963, Đạo Phật Việt đã là nguồn nghị lực của con người muốn giải quyết các vấn đề thế sự bằng những hy sinh cao cả của chính mình.
Sau ba năm đầy thăng trầm cam go, do những nhầm lỗi: tự kiêu tự mãn, thiếu tổ chức giáo dưỡng, nhiều tin tưởng và xây dựng giáo quyền nghiêm minh, thiếu sáng suốt và nhiều mê vọng, nên đã để cho các khuynh hướng chính trị len vào tàn phá nền tảng cao đẹp của Đạo Phật Việt.
Năm 1966, Đạo Phật Việt lại là một hiện tượng đổ bể về mặt lãnh đạo. Những tâm địa tầm thường, đầy mưu mô thế tục, đã dấy động, chặn đứng sự vươn lên của Đạo Phật trong việc giải quyết các vấn đề Dân tộc và Hòa bình thế giới.
Năm 1966, Đạo Phật Việt cũng lại là một hiện tượng thức tỉnh những ai còn có ý thức phải rút lấy kinh nghiệm đắt giá ở cuộc khủng hoảng ấy, để tu sửa đổi tâm trí mình, nhằm hoàn thành sứ mệnh thời đại của Đạo Phật.
Và những năm 1967-1968, Đạo Phật Việt là một hiện tượng đãi lọc những vẩn đục trong làn nước ngọt Phật giáo, để tưới lên tâm tư bỏng khát của nhân loại khổ đau, trong những ngày sắp tới.
Nhận định trên không phải là những nhận định chủ quan của một ai, mà là phản ảnh trung thực nhận định của mọi người Phật tử có suy nghĩ và của toàn thể thức giả, trong cũng như ngoài nước.
Nói lên nhận định đó, chúng tôi không làm công việc gây thêm những khó khăn cho công cuộc xây dựng đạo pháp, mà chỉ nhằm đưa ra một sự thật, mong những người đang có thế lực trong giáo hội phải gấp rút dẹp bỏ mọi tị hiềm, mặc cảm, mọi tà kiến âm mưu (nếu có) để đừng phụ công lao hy sinh của tăng, ni, Phật tử, và đừng phụ kỳ vọng của nhân loại đang trông đợi ở sự phục hoạt nhiệm mầu của Đạo Phật, giữa thời đại ma vương này.
Chúng tôi cũng cần nhấn mạnh ở đây là: Dù gặp bất cứ trở lực nào thì Đạo phật cũng đã phục hoạt và cũng sẽ sắm vai trò trọng đại, trong những giải quyết của cuộc sống nhân loại thời đại. Dù những nhà lãnh đạo hiện nay có còn xứng đáng hay sẽ bị đào thải thì Đạo Phật cũng vẫn đi tới trong sứ mệnh thời đại của mình. Dù các âm mưu chính trị đủ mọi khuynh hướng đế quốc cố tình phân hóa Đạo Phật, để cùng Đạo Phật như một bức bình phong khống chế dân chúng, thì các khuynh hướng kia cũng sẽ thất vọng. Vì thực chất của Đạo phật là GIÁC NGỘ. Mà khi đã giác ngộ thì tất nhiên bao nhiêu mưu mô đều không còn đất đứng, và những âm mưu ấy có đắc dụng cũng chỉ đắc dụng trong nhất thời mà thôi. Đạo Phật đã tồn tại trên hai nghìn rưỡi năm. Đạo Phật còn đáp ứng nổi tư tưởng đang vươn tới của nhân loại. Do đấy, Đạo Phật hẳn nhiên sẽ vượt thoát khỏi sự ma hóa của chính trị thủ đoạn, để hằng hóa tốt đẹp.
Sau cuộc vận động thần thánh nhiệm mầu của Đạo Phật Việt Nam 1963, sự thành công đã đến, và đã gây cho mọi người có một lầm tưởng là Đạo Phật đã đại thắng trên mặt chính trị: Đạo Phật là một thế lực chính trị nghiền nát tất cả thế lực chính trị thế tục. Đó là một sai lầm dẫn đến sự phiêu lưu thảm bại. Đó còn là một cái bẫy Đạo Phật thành một thế lực thực tại chính trị, để đẩy Đạo Phật vào những hành động có lợi cho họ. Họ đã có lợi thật. Vì hàng ngũ lãnh đạo Phật giáo từ chỗ quyết tâm phục vụ đạo, phục vụ dân tộc, đã phát sinh sự chống đối nhau về chính kiến, để rồi quên mất mục đích cao cả của mình. Thậm chí có lớp người đã chạy theo quyền lực, muốn dùng quyền lực thế gian để thực hiện mau chóng chương trình kiến tạo Đạo Phật. Thật là một sai lầm lớn. Tội hơn nữa là vì phải giao tiếp, phải dùng phương tiện quá nhiều của thế gian để làm việc cho thế gian, nên đã gây ngộ nhận là: Sự thành công của Đạo Phật chỉ đem lại lợi lộc cho một thiểu số lãnh đạo có uy thế. Nguy hiểm hơn nữa là những người kém đức tu đã lại bằng lòng ngay với những phù phiếm kia vốn là mần mống của khổ đau, loạn lạc, sa đọa.
Nếu, ngay từ lúc phục hoạt, giáo hội đã có đủ uy đức và khả năng trầm tĩnh đi lên như sự mọc chồi của cây đại thụ, thì đương nhiên sẽ hóa giải được mọi hình thái, văn hóa, mọi ý hệ và mọi xáo trộn của thế cuộc, sẽ ngăn chặn được mọi toan tính của đế quốc và âm mưu độc tài, cũng như sự băng hoại của giáo hội.
Điều này quả thực rất khó, đối với một giáo hội sơ khai và, tiếp đó, vì không khí quần chúng đấu tranh quá sôi bỏng, các âm mưu chính trị trong ngoài quá thâm độc nặng nề. Những vụ phản bội cách mạng, liên tiếp xảy ra, đã được giáo hội phải ra tay nghĩa hiệp. Trong lúc đó thì hàng ngũ lãnh đạo giáo hội quá nặng nề xúc cảm, đối xử việc trong cũng như việc ngoài đều bằng tình nghĩa, không bằng giáo quyền và trí tuệ. Những người thừa hành đã vừa thiếu, lại vừa chưa được tổ chức và giáo huấn, nên rất khó thực hiện được phương pháp chế cản ngoại cuộc bằng sự trầm phát. Bởi đó Đạo Phật chúng ta đã bỏ mất một dịp rất hiếm để thực hiện đường lối hóa giải cao siêu của mình.
Nói như vậy không phải để tiếc xót những gì tốt đẹp đã qua, mà là để rút kinh nghiệm cho thực tại Đạo Phật ngày mai.
Đạo Phật phải nhập cuộc để chuyển hóa thế giới, giải thoát nỗi khổ đau cho chúng sinh. Nói thế, ta không nên ngộ nhận: Đạo Phật (trước đấy) là xa lìa cuộc thế. Mà chỉ có ý nói rằng: Với sức lớn mạnh của kỹ thuật khoa học hiện đại, tâm hồn con người đang bị sa đọa trước mọi cám dỗ vật chất để rồi tự thỏa mãn với những tiện nghi giả tưởng sẵn có, mà quên đi phần cao đẹp của cuộc sống tinh thần, đáng lý phải được thực hiện từ lâu: đó là TÌNH THƯƠNG YÊU NHÂN LOẠI. Đạo Phật là đạo Từ bi, nên lúc này hơn lúc nào hết, Đạo Phật phải nhập cuộc để cho nhân loại, đem lại sự an lành cho cuộc đời. Điều đó đã hiển nhiên.
Nhưng muốn nhập cuộc, phải xây dựng tổ chức. Tổ chức, ở đây, không có nghĩa là tạo ra một thế lực là công cụ cho giáo hội hoặc cho giáo chủ nào đó mà tổ chức ở đây là đáp ứng những nhu cầu của thời đại để vừa giáo dưỡng tín đồ Phật tử, vừa chuyển hóa tốt đẹp cho đại cuộc nhân loại, bằng tổ chức Nhân Chủ, Từ Bi, Trí Tuệ của mình.
Xét về tổ chức thì bản Hiến Chương giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất đã là một ước chế có hiệu lực từ sáu năm qua, nhưng bản Hiến Chương đó chưa đủ đáp ứng cho một tôn giáo như Đạo Phật hiện đại. Bản Hiến Chương đó đã tổ chức giáo hội quá lỏng lẻo, mang nặng tính chất đại chúng hơn là giáo quyền: đáng lý ra đã là một giáo hội, thì giáo quyền phải được thiết lập vượt lên trên quyền đại chúng. Tất nhiên không chấp nhận hình thái tổ chức giáo quyền độc tôn, nhưng chúng tôi lại cũng không đồng ý về hình thái đại chúng bầu cử ra những vị lãnh đạo giáo hội. Vì giáo quyền luôn thuộc về quyền tối thượng siêu nhiên, không do đại chúng mà ra. Mà đích thị, phải do sự tu trì mà có.
Đành rằng giáo quyền phải do hàng thừa hành giáo pháp mà có, nhưng khác với tôn giáo thần quyền, Đạo Phật lấy Con Người (nhân bản) làm cứu cánh cho sự giải thoát cuộc đời, nên đại chúng cũng được dự phần quyết định Phật sự. Ý kiến của đại chúng nếu xét không đi ngược với tôn chỉ Đạo Phật thì giáo hội phải triệt để tôn trọng và thực hiện làm lợi ích cho đại chúng. Như vậy giáo hội không vì quyền lực thiêng liêng mà thành lập, giáo hội thành lập trên sự đòi hỏi của đại chúng và thực hiện giáo pháp theo Tâm Duyên đại chúng, để chuyển hóa tốt đẹp cho đại chúng.
Bằng vào nguyến tắc đó, giáo hội Phật giáo Việt Nam – chúng tôi chỉ dùng Phật giáo Việt Nam vì kinh nghiệm đắt giá đã cho thấy thêm chữ Thống Nhất vào tất nhiên sẽ có các tổ chức dưới nhiều danh nghĩa khác xuất hiện – cần phải tổ chức một Giáo hội có Giáo quyền, và những hành vi của các cấp giáo quyền phải có sự cân nhắc đồng quyết của đại chúng. Nhưng nếu ý kiến của đại chúng không còn mang ý nghĩa của đạo pháp nữa thì, cơ quan tối cao của giáo hội; phải dùng giáo quyền để phủ quyết.
Bản Hiến Chương hiện nay tuy gồm có hai viện Tăng Thống và Hóa Đạo, Tăng thống giữ về nguyên tắc giáo luật giáo pháp, Hóa đạo giữ việc điều hành Phật sự và thế pháp, nhưng cả hai đều do Đại hội của đại chúng bầu ra. Giáo quyền đã không có, đối với đại chúng, lại cũng không có, đối với cả hai viện Tăng thống – Hóa đạo, nên chính điều này đã nảy sinh không biết bao đau lòng như hiện nay.
Do đó mà bản Hiến Chương chỉ mới là một văn kiện có tính cách nhất thời để xoa dịu những tông phái, địa phương, và phân quyền giữa các vị lãnh đạo của thời kỳ vận động vừa qua chứ thực sự chưa mang một giá trị nền móng cho cơ cấu tổ chức và điều hành giáo hội lâu dài.
Ảnh tư liệu (Trần Trung Đạo)
Đề Nghị: Một Biện Pháp Xây Dựng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
Vấn đề xây dựng một giáo quyền Đạo Phật Việt hiện nay đã trở thành khẩn thiết hơn bao giờ hết. Chính vì thiếu giáo quyền, nên cuộc khủng hoảng về tổ chức và lãnh đạo của giáo hội đã chịu cảnh bế tắc.
Vậy cần phải tổ chức giáo quyền ra sao?
Tất nhiên, Phật tử và bản chất Đạo Phật là không bao giờ chấp nhận một hình thức giáo quyền như sự nhân danh quyền lực thiêng liêng để thắt buộc Phật tử trong một tổ chức, nhằm khống chế tư tưởng.
Như trên chúng tôi đã trình bày, tổ chức giáo hội phải có hai phần: phần lãnh đạo và điều hành, thuộc giáo quyền; phần quyết duyệt đường lối của tổ chức, thì đại chúng cũng có quyền góp ý.
Phần Giáo Quyền – Giáo quyền tập trung nơi Hội đồng Chưởng pháp do các tăng sĩ được đức Tăng thống triệu thỉnh và tấn phong. Hội đồng Chưởng pháp quyết duyệt giáo luật, giáo pháp, giáo chế và suy tôn đức Tăng thống.
Đức Tăng thống chỉ định một vị tăng sĩ đứng ra thành lập viện Hóa đạo.
Toàn thể viện Hóa đạo sẽ được đức Tăng thống đưa ra trước Hội đồng Chưởng pháp để chấp thuận.
Hội đồng viện Hóa đạo chịu trách nhiệm, trước đức tăng thống và sự giám sát của Hội đồng Chưởng pháp.
Hội đồng Chưởng pháp có thể yêu cầu đức Tăng thống giải tán viện Hóa đạo, hoặc xin thay đổi một số Tổng vụ trưởng.
Nếu dức Tăng thống không chấp thuận lời yêu cầu thì ngài sẽ trình bày lý do trước Hội đồng Chưởng pháp, và yêu cầu Hội đồng biểu quyết tín nhiệm. Nếu hai phần ba (2/3) số hội viên Hội đồng Chưởng pháp nhất quyết giữ vững ý định thì đức Tăng thống, sẽ thành lập một viện Hóa đạo mới, hoặc vị Viện trưởng viện Hóa đạo sẽ thay đổi một số Tổng vụ trưởng theo quyết định của Hội đồng Chưởng pháp.
Phần Đại chúng – Đây là Đại hội Phật giáo toàn quốc gồm đại biểu các tỉnh giáo hội.
Vị Viện trưởng viện Hóa đạo triệu tập Đại hội Phật giáo mỗi năm một lần thu hẹp, hai năm một lần khoáng đại: để xét duyệt đường lối mới do chính Đại hội xướng xuất.
Tất cả quyết định của Đại hội phải được đệ trình lên Hội đồng chưởng pháp duyệt xét. Nếu Hội đồng Chưởng pháp không đồng ý với Đại hội, thì đức Tăng thống sẽ đứng ra giải quyết. Nếu đức tăng thống đồng ý với Hội đồng chưởng pháp thì đại hội sẽ nhóm họp để thay đổi. Nếu đức Tăng thống đứng về phía Hội đồng thì ngài sẽ triệu tập một cuộc họp chung giữa Hội đồng Chưởng pháp và Đại hội để quyết định.
Đây là đề nghị của chúng tôi trong công cuộc xây dựng đạo pháp, tuy mang tính cách lâu dài, nhưng cũng có thể kịp thời giải quyết những vấn đề hiện tại. Vì, nếu một Hội đồng của các bậc tu trì có uy tín được đức Tăng thống triệu tập, thì đó cũng là một biện pháp để giải quyết các vấn đề khủng hoảng hiện nay của giáo hội.
Từ một Đại hội như vậy, thể chế tổ chức tương lai của giáo hội được đưa ra duyệt xét. Nếu Đại hội đó tìm được một thể chế thích đáng cho giáo hội rồi thì sau đó đức Tăng thống sẽ triệu tập Đại hội Phật giáo toàn quốc để quyết duyệt tối hậu. Và, bằng vào thể chế đó, các cấp lãnh đạo và điều hành được cử ra để điều khiển giáo hội, đương nhiên sẽ chấm dứt được tình trạng không mấy tốt đẹp hiện nay.
Trên ý nghĩ đó, chúng tôi trông đợi sự tỉnh giác của toàn thể các câp lãnh đạo Phật giáo và Phật tử.
Chúng ta hãy cố gắng chung sức giải quyết các vấn đề khó khăn hiện nay của giáo hội. Rồi, tư đó, dẫn tới sự giải quyết các vấn đề dân tộc và thế giới thời đại.
Thích Đức Nhuận