Showing posts with label Thích Đức Nhuận. Show all posts
Showing posts with label Thích Đức Nhuận. Show all posts

Monday, May 25, 2020

Thích Đức Nhuận (1924-2002): Hình Thái Tổ Chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam

Hình Thái Tổ Chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam

Thích Đức Nhuận (1924-2002)

trích ĐẠO PHẬT VÀ DÒNG SỬ VIỆT của cố Hoà Thượng Thích Đức Nhuận (1924-2002),
Cố Vấn Ban Chỉ Đạo Viện Hoá Đạo GHPGVNTN,
do Phật Học Viện Quốc Tế California, Hoa Kỳ ấn hành 1998.

Tiến Trình Lịch Sử và Nhu Cầu Hiện Đại Đòi Hỏi Sự Thống Nhất Đạo Phật Việt
Cách vài năm sau (1963) thì nền thống nhất Phật giáo phải chịu sự thống khổ chia rẽ hàng ngũ nội bộ Phật giáo và tiếp theo là những khủng hoảng!… Mà bất cứ một cuộc khủng hoảng… nào rồi cũng sẽ qua đi.
Do đó, chúng tôi đề nghị một biện pháp xây dựng GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM lớn mạnh trong tương lai nên cũng ghi lại đây những cảm khái suy tư chân thành ngưỡng mong liệt vị Tôn Đức chứng minh.
Năm 1963, Đạo Phật Việt đã là một hiện tượng thức tỉnh của Phật giáo thế giới và toàn thể nhân loại đang muốn vượt thoát khỏi kiềm tỏa của các thế lực và mưu mô độc tài.
Năm 1963, Đạo Phật Việt đã là một hiện tượng thống nhất giữa các tông phái của Đạo Phật sau hai mươi thế kỷ phân ly.
Năm 1963, Đạo Phật Việt đã là nguồn nghị lực của con người muốn giải quyết các vấn đề thế sự bằng những hy sinh cao cả của chính mình.
Sau ba năm đầy thăng trầm cam go, do những nhầm lỗi: tự kiêu tự mãn, thiếu tổ chức giáo dưỡng, nhiều tin tưởng và xây dựng giáo quyền nghiêm minh, thiếu sáng suốt và nhiều mê vọng, nên đã để cho các khuynh hướng chính trị len vào tàn phá nền tảng cao đẹp của Đạo Phật Việt.
Năm 1966, Đạo Phật Việt lại là một hiện tượng đổ bể về mặt lãnh đạo. Những tâm địa tầm thường, đầy mưu mô thế tục, đã dấy động, chặn đứng sự vươn lên của Đạo Phật trong việc giải quyết các vấn đề Dân tộc và Hòa bình thế giới.
Năm 1966, Đạo Phật Việt cũng lại là một hiện tượng thức tỉnh những ai còn có ý thức phải rút lấy kinh nghiệm đắt giá ở cuộc khủng hoảng ấy, để tu sửa đổi tâm trí mình, nhằm hoàn thành sứ mệnh thời đại của Đạo Phật.
Và những năm 1967-1968, Đạo Phật Việt là một hiện tượng đãi lọc những vẩn đục trong làn nước ngọt Phật giáo, để tưới lên tâm tư bỏng khát của nhân loại khổ đau, trong những ngày sắp tới.
Nhận định trên không phải là những nhận định chủ quan của một ai, mà là phản ảnh trung thực nhận định của mọi người Phật tử có suy nghĩ và của toàn thể thức giả, trong cũng như ngoài nước.
Nói lên nhận định đó, chúng tôi không làm công việc gây thêm những khó khăn cho công cuộc xây dựng đạo pháp, mà chỉ nhằm đưa ra một sự thật, mong những người đang có thế lực trong giáo hội phải gấp rút dẹp bỏ mọi tị hiềm, mặc cảm, mọi tà kiến âm mưu (nếu có) để đừng phụ công lao hy sinh của tăng, ni, Phật tử, và đừng phụ kỳ vọng của nhân loại đang trông đợi ở sự phục hoạt nhiệm mầu của Đạo Phật, giữa thời đại ma vương này.
Chúng tôi cũng cần nhấn mạnh ở đây là: Dù gặp bất cứ trở lực nào thì Đạo phật cũng đã phục hoạt và cũng sẽ sắm vai trò trọng đại, trong những giải quyết của cuộc sống nhân loại thời đại. Dù những nhà lãnh đạo hiện nay có còn xứng đáng hay sẽ bị đào thải thì Đạo Phật cũng vẫn đi tới trong sứ mệnh thời đại của mình. Dù các âm mưu chính trị đủ mọi khuynh hướng đế quốc cố tình phân hóa Đạo Phật, để cùng Đạo Phật như một bức bình phong khống chế dân chúng, thì các khuynh hướng kia cũng sẽ thất vọng. Vì thực chất của Đạo phật là GIÁC NGỘ. Mà khi đã giác ngộ thì tất nhiên bao nhiêu mưu mô đều không còn đất đứng, và những âm mưu ấy có đắc dụng cũng chỉ đắc dụng trong nhất thời mà thôi. Đạo Phật đã tồn tại trên hai nghìn rưỡi năm. Đạo Phật còn đáp ứng nổi tư tưởng đang vươn tới của nhân loại. Do đấy, Đạo Phật hẳn nhiên sẽ vượt thoát khỏi sự ma hóa của chính trị thủ đoạn, để hằng hóa tốt đẹp.
Sau cuộc vận động thần thánh nhiệm mầu của Đạo Phật Việt Nam 1963, sự thành công đã đến, và đã gây cho mọi người có một lầm tưởng là Đạo Phật đã đại thắng trên mặt chính trị: Đạo Phật là một thế lực chính trị nghiền nát tất cả thế lực chính trị thế tục. Đó là một sai lầm dẫn đến sự phiêu lưu thảm bại. Đó còn là một cái bẫy Đạo Phật thành một thế lực thực tại chính trị, để đẩy Đạo Phật vào những hành động có lợi cho họ. Họ đã có lợi thật. Vì hàng ngũ lãnh đạo Phật giáo từ chỗ quyết tâm phục vụ đạo, phục vụ dân tộc, đã phát sinh sự chống đối nhau về chính kiến, để rồi quên mất mục đích cao cả của mình. Thậm chí có lớp người đã chạy theo quyền lực, muốn dùng quyền lực thế gian để thực hiện mau chóng chương trình kiến tạo Đạo Phật. Thật là một sai lầm lớn. Tội hơn nữa là vì phải giao tiếp, phải dùng phương tiện quá nhiều của thế gian để làm việc cho thế gian, nên đã gây ngộ nhận là: Sự thành công của Đạo Phật chỉ đem lại lợi lộc cho một thiểu số lãnh đạo có uy thế. Nguy hiểm hơn nữa là những người kém đức tu đã lại bằng lòng ngay với những phù phiếm kia vốn là mần mống của khổ đau, loạn lạc, sa đọa.
Nếu, ngay từ lúc phục hoạt, giáo hội đã có đủ uy đức và khả năng trầm tĩnh đi lên như sự mọc chồi của cây đại thụ, thì đương nhiên sẽ hóa giải được mọi hình thái, văn hóa, mọi ý hệ và mọi xáo trộn của thế cuộc, sẽ ngăn chặn được mọi toan tính của đế quốc và âm mưu độc tài, cũng như sự băng hoại của giáo hội.
Điều này quả thực rất khó, đối với một giáo hội sơ khai và, tiếp đó, vì không khí quần chúng đấu tranh quá sôi bỏng, các âm mưu chính trị trong ngoài quá thâm độc nặng nề. Những vụ phản bội cách mạng, liên tiếp xảy ra, đã được giáo hội phải ra tay nghĩa hiệp. Trong lúc đó thì hàng ngũ lãnh đạo giáo hội quá nặng nề xúc cảm, đối xử việc trong cũng như việc ngoài đều bằng tình nghĩa, không bằng giáo quyền và trí tuệ. Những người thừa hành đã vừa thiếu, lại vừa chưa được tổ chức và giáo huấn, nên rất khó thực hiện được phương pháp chế cản ngoại cuộc bằng sự trầm phát. Bởi đó Đạo Phật chúng ta đã bỏ mất một dịp rất hiếm để thực hiện đường lối hóa giải cao siêu của mình.
Nói như vậy không phải để tiếc xót những gì tốt đẹp đã qua, mà là để rút kinh nghiệm cho thực tại Đạo Phật ngày mai.
Đạo Phật phải nhập cuộc để chuyển hóa thế giới, giải thoát nỗi khổ đau cho chúng sinh. Nói thế, ta không nên ngộ nhận: Đạo Phật (trước đấy) là xa lìa cuộc thế. Mà chỉ có ý nói rằng: Với sức lớn mạnh của kỹ thuật khoa học hiện đại, tâm hồn con người đang bị sa đọa trước mọi cám dỗ vật chất để rồi tự thỏa mãn với những tiện nghi giả tưởng sẵn có, mà quên đi phần cao đẹp của cuộc sống tinh thần, đáng lý phải được thực hiện từ lâu: đó là TÌNH THƯƠNG YÊU NHÂN LOẠI. Đạo Phật là đạo Từ bi, nên lúc này hơn lúc nào hết, Đạo Phật phải nhập cuộc để cho nhân loại, đem lại sự an lành cho cuộc đời. Điều đó đã hiển nhiên.
Nhưng muốn nhập cuộc, phải xây dựng tổ chức. Tổ chức, ở đây, không có nghĩa là tạo ra một thế lực là công cụ cho giáo hội hoặc cho giáo chủ nào đó mà tổ chức ở đây là đáp ứng những nhu cầu của thời đại để vừa giáo dưỡng tín đồ Phật tử, vừa chuyển hóa tốt đẹp cho đại cuộc nhân loại, bằng tổ chức Nhân Chủ, Từ Bi, Trí Tuệ của mình.
Xét về tổ chức thì bản Hiến Chương giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất đã là một ước chế có hiệu lực từ sáu năm qua, nhưng bản Hiến Chương đó chưa đủ đáp ứng cho một tôn giáo như Đạo Phật hiện đại. Bản Hiến Chương đó đã tổ chức giáo hội quá lỏng lẻo, mang nặng tính chất đại chúng hơn là giáo quyền: đáng lý ra đã là một giáo hội, thì giáo quyền phải được thiết lập vượt lên trên quyền đại chúng. Tất nhiên không chấp nhận hình thái tổ chức giáo quyền độc tôn, nhưng chúng tôi lại cũng không đồng ý về hình thái đại chúng bầu cử ra những vị lãnh đạo giáo hội. Vì giáo quyền luôn thuộc về quyền tối thượng siêu nhiên, không do đại chúng mà ra. Mà đích thị, phải do sự tu trì mà có.
Đành rằng giáo quyền phải do hàng thừa hành giáo pháp mà có, nhưng khác với tôn giáo thần quyền, Đạo Phật lấy Con Người (nhân bản) làm cứu cánh cho sự giải thoát cuộc đời, nên đại chúng cũng được dự phần quyết định Phật sự. Ý kiến của đại chúng nếu xét không đi ngược với tôn chỉ Đạo Phật thì giáo hội phải triệt để tôn trọng và thực hiện làm lợi ích cho đại chúng. Như vậy giáo hội không vì quyền lực thiêng liêng mà thành lập, giáo hội thành lập trên sự đòi hỏi của đại chúng và thực hiện giáo pháp theo Tâm Duyên đại chúng, để chuyển hóa tốt đẹp cho đại chúng.
Bằng vào nguyến tắc đó, giáo hội Phật giáo Việt Nam – chúng tôi chỉ dùng Phật giáo Việt Nam vì kinh nghiệm đắt giá đã cho thấy thêm chữ Thống Nhất vào tất nhiên sẽ có các tổ chức dưới nhiều danh nghĩa khác xuất hiện – cần phải tổ chức một Giáo hội có Giáo quyền, và những hành vi của các cấp giáo quyền phải có sự cân nhắc đồng quyết của đại chúng. Nhưng nếu ý kiến của đại chúng không còn mang ý nghĩa của đạo pháp nữa thì, cơ quan tối cao của giáo hội; phải dùng giáo quyền để phủ quyết.
Bản Hiến Chương hiện nay tuy gồm có hai viện Tăng Thống và Hóa Đạo, Tăng thống giữ về nguyên tắc giáo luật giáo pháp, Hóa đạo giữ việc điều hành Phật sự và thế pháp, nhưng cả hai đều do Đại hội của đại chúng bầu ra. Giáo quyền đã không có, đối với đại chúng, lại cũng không có, đối với cả hai viện Tăng thống – Hóa đạo, nên chính điều này đã nảy sinh không biết bao đau lòng như hiện nay.
Do đó mà bản Hiến Chương chỉ mới là một văn kiện có tính cách nhất thời để xoa dịu những tông phái, địa phương, và phân quyền giữa các vị lãnh đạo của thời kỳ vận động vừa qua chứ thực sự chưa mang một giá trị nền móng cho cơ cấu tổ chức và điều hành giáo hội lâu dài.
Ảnh tư liệu (Trần Trung Đạo)
Đề Nghị: Một Biện Pháp Xây Dựng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
Vấn đề xây dựng một giáo quyền Đạo Phật Việt hiện nay đã trở thành khẩn thiết hơn bao giờ hết. Chính vì thiếu giáo quyền, nên cuộc khủng hoảng về tổ chức và lãnh đạo của giáo hội đã chịu cảnh bế tắc.
Vậy cần phải tổ chức giáo quyền ra sao?
Tất nhiên, Phật tử và bản chất Đạo Phật là không bao giờ chấp nhận một hình thức giáo quyền như sự nhân danh quyền lực thiêng liêng để thắt buộc Phật tử trong một tổ chức, nhằm khống chế tư tưởng.
Như trên chúng tôi đã trình bày, tổ chức giáo hội phải có hai phần: phần lãnh đạo và điều hành, thuộc giáo quyền; phần quyết duyệt đường lối của tổ chức, thì đại chúng cũng có quyền góp ý.
Phần Giáo Quyền – Giáo quyền tập trung nơi Hội đồng Chưởng pháp do các tăng sĩ được đức Tăng thống triệu thỉnh và tấn phong. Hội đồng Chưởng pháp quyết duyệt giáo luật, giáo pháp, giáo chế và suy tôn đức Tăng thống.
Đức Tăng thống chỉ định một vị tăng sĩ đứng ra thành lập viện Hóa đạo.
Toàn thể viện Hóa đạo sẽ được đức Tăng thống đưa ra trước Hội đồng Chưởng pháp để chấp thuận.
Hội đồng viện Hóa đạo chịu trách nhiệm, trước đức tăng thống và sự giám sát của Hội đồng Chưởng pháp.
Hội đồng Chưởng pháp có thể yêu cầu đức Tăng thống giải tán viện Hóa đạo, hoặc xin thay đổi một số Tổng vụ trưởng.
Nếu dức Tăng thống không chấp thuận lời yêu cầu thì ngài sẽ trình bày lý do trước Hội đồng Chưởng pháp, và yêu cầu Hội đồng biểu quyết tín nhiệm. Nếu hai phần ba (2/3) số hội viên Hội đồng Chưởng pháp nhất quyết giữ vững ý định thì đức Tăng thống, sẽ thành lập một viện Hóa đạo mới, hoặc vị Viện trưởng viện Hóa đạo sẽ thay đổi một số Tổng vụ trưởng theo quyết định của Hội đồng Chưởng pháp.
Phần Đại chúng – Đây là Đại hội Phật giáo toàn quốc gồm đại biểu các tỉnh giáo hội.
Vị Viện trưởng viện Hóa đạo triệu tập Đại hội Phật giáo mỗi năm một lần thu hẹp, hai năm một lần khoáng đại: để xét duyệt đường lối mới do chính Đại hội xướng xuất.
Tất cả quyết định của Đại hội phải được đệ trình lên Hội đồng chưởng pháp duyệt xét. Nếu Hội đồng Chưởng pháp không đồng ý với Đại hội, thì đức Tăng thống sẽ đứng ra giải quyết. Nếu đức tăng thống đồng ý với Hội đồng chưởng pháp thì đại hội sẽ nhóm họp để thay đổi. Nếu đức Tăng thống đứng về phía Hội đồng thì ngài sẽ triệu tập một cuộc họp chung giữa Hội đồng Chưởng pháp và Đại hội để quyết định.
Đây là đề nghị của chúng tôi trong công cuộc xây dựng đạo pháp, tuy mang tính cách lâu dài, nhưng cũng có thể kịp thời giải quyết những vấn đề hiện tại. Vì, nếu một Hội đồng của các bậc tu trì có uy tín được đức Tăng thống triệu tập, thì đó cũng là một biện pháp để giải quyết các vấn đề khủng hoảng hiện nay của giáo hội.
Từ một Đại hội như vậy, thể chế tổ chức tương lai của giáo hội được đưa ra duyệt xét. Nếu Đại hội đó tìm được một thể chế thích đáng cho giáo hội rồi thì sau đó đức Tăng thống sẽ triệu tập Đại hội Phật giáo toàn quốc để quyết duyệt tối hậu. Và, bằng vào thể chế đó, các cấp lãnh đạo và điều hành được cử ra để điều khiển giáo hội, đương nhiên sẽ chấm dứt được tình trạng không mấy tốt đẹp hiện nay.
Trên ý nghĩ đó, chúng tôi trông đợi sự tỉnh giác của toàn thể các câp lãnh đạo Phật giáo và Phật tử.
Chúng ta hãy cố gắng chung sức giải quyết các vấn đề khó khăn hiện nay của giáo hội. Rồi, tư đó, dẫn tới sự giải quyết các vấn đề dân tộc và thế giới thời đại.
Thích Đức Nhuận

Wednesday, February 5, 2020

Thích Đức Nhuận (1924-2002): Trao Cho Thời Đại Một Nội Dung Phật Chất. BUDDHIST REVELATIONS FOR THE MODERN WORLD

Sống giữa giai đoạn xã hội chuyển tiếp con người hôm nay đã và đang nếm trải mọi thử thách ác liệt do các ý thức hệ bạo hành gây ra; càng cố vùng vẫy, con người càng cảm thấy bất lực, sa lầy thêm sâu trong tình trạng mất hướng, mất tự tín. Những vết tàn phế của xã hội đang hằn lên nét mặt lo âu của mọi người; đang tuôn chảy vào tâm tư thế hệ hai mươi những vết đen dài băng hoại, đã hợp thành tiếng kêu cứu, trông chờ nơi những người trí thức sớm đưa thế cuộc ra khỏi ngã tối lịch sử.
Ðể đưa lại cho đời ánh sáng, để gây tin tưởng cho mọi người cùng chung xây xã hội, điều cần là: ổn định nhận thức con người đã bị các nhà sử quan cận thị làm lạc hướng; khiến con người hăng hái tàn sát nhau, vì luôn luôn nghĩ rằng mình đi đúng đường lịch sử; ý thức hệ sẽ dẫn tới hạnh phúc, tới chân lý cuộc đời. Trạng huống đau thương này còn được lái vào việc xây cao thêm địa vị cho một số lãnh đạo nhà nước, tiêu xài máu người trong những vụ tranh giành ảnh hường, mưu lợi cá nhân, đoàn thể, giai cấp, chủng tộc nữa. Ngày nào nhân loại chưa giác ngộ trút bỏ được tham vọng mê lầm thì ngày đó thân phận con người còn bi đát, xã hội còn bất công, lịch sử còn lạc hướng.
Chưa lúc nào bằng lúc này, danh từ giác ngộ của đạo Phật được con người ưa dùng. Chưa lúc nào bằng lúc này, ý nghĩa sự giác ngộ cần được làm sáng tỏ. Vì con người đã lạm dụng từ “giác ngộ” một cách quá thường, quá bừa bãi:
– Giác ngộ quyền lợi cá nhân– Giác ngộ quyền lợi giai cấp– Giác ngộ quyền lợi dân tộc
Và còn nhiều thứ giác ngộ … khác nữa; mà chẳng ai thực sự giác ngộ thân phận, mối tương quan giữa mình với đời và nhiệm vụ của mình đối với mình, đối với xã hội, đối với vạn hữu cả. Có chăng chỉ là sự giác ngộ trong lời nói, trên sách báo. Còn thực chứng giác ngộ thì quả là chưa. Vẫn cứ chấp chặt lấy quyền lợi, địa vị, danh vọng thiển cận của mình.
Muốn giải thoát cho đời khỏi khổ ải lầm than, trước hết hãy tự giải thoát cho mình khỏi vòng thành kiến, lợi danh đã. Mà muốn thực sự giải thoát cho mình trọn vẹn thì không thể không nghĩ tới và thực thi việc giải thoát cho đời; vì mình và đời gắn liền với nhau như hình với bóng. Không phóng tâm vươn tới giải thoát đời, thì công việc giải thoát mình chỉ mới tiến hành được một nửa, nếu không muốn nói là chưa được chi cả. Chỉ biết mình tức là còn chấp chặt trong lớp vỏ cứng cá nhân, vô trách nhiệm, bỏ lỏng, buông trôi, trước sự bạo loạn của đời. Thái độ đó không phải là thái độ của người giác ngộ. Người giác ngộ chân chính là người thấu hiểu tất cả, làm tất cả, với một từ tâm, minh trí; không mưu lợi danh, không cầu thỏa chí, mà chỉ làm với một tâm nguyện, tận dụng khả năng góp phần thăng hóa con người, thắm tô cuộc đời, để tất cả chúng sinh đủ điều kiện tự chứng lấy ý nghĩa và cảnh tính “giải thoát sinh không” của mình.
Cuộc đời của Ðức Như Lai đã thực chứng điều ấy. Là Phật tử, những người may mắn được thừa kế đức sáng, trí tuệ của đức Phật, chúng ta không thể làm ngơ trước những khổ đau của xã hội. Chúng ta cần Trao cho thời đại một nội dung Phật chất, một nội dung Từ bi, trí tuệ, bình đẳng, vị tha để con người nương vào đó ổn định tâm tư, ổn định cuộc sống và cùng xây dựng một xã hội vui ấm.
Lịch sử nhân loại đang tiến vào thế tổng hợp lớn. Mọi vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa đều đang vươn khỏi phạm vi quốc gia, chủng tộc tới lĩnh vực quốc tế nhân loại. Con người ngày nay cần phải có một nhận thức tổng hợp hòng gột bỏ mọi thành kiến tôn giáo, chủng tộc, giai cấp để xây dựng một xã hội trong đó: tự do vẫn tồn tại trong công lý; công lý không nhằm tiêu diệt tự do cá nhân, mà chính là bảo vệ mọi tự do của con người, tự do tư tưởng, tự do lựa chọn, tự do xây dựng cuộc sống, và tự do sáng tạo. Nhưng, như vậy, không có nghĩa là tự do quá trớn, tự do vô trách nhiệm, mà chính là phải ý thức được quyền tự do đó, phải có trách nhiệm về mọi hoạt động của mình. Có thế mới duy trì nổi công lý, duy trì được sự quân bình xã hội. Vì nếu xã hội loạn thì lập tức tự do bị tước đoạt; hoặc tự do bị tước đoạt thì lập tức xã hội cũng loạn:
“Cái này hiện hữu thì cái kia hiện hữu;Cái này không hiện hữu thì cái kia không hiện hữu.Cái này sinh thành thì cái kia sinh thành;Cái này hủy diệt thì cái kia hủy diệ”[1]
Kinh A Hàm
Ðạo phật đã đoan chắc thế, thực tế đã quyết nhận thế, lẽ biến dịch sinh hóa của vạn vật là thế. Người Phật tử không thể quên được tiêu chuẩn đó của đạo Phật. Chúng ta cần thực thi nguyên tắc này trong cuộc sống, để cùng giải quyết những bế tắc hiện nay, để xây dựng một thế giới mà trong đó, tinh thần tư hữu, tổ chức gia đình vẫn tồn tại hòa hợp trong tổ chức quốc gia, vẫn tồn tại song hành trong tổ chức quốc tế và tinh thần nhân loại, để chấm dứt chiến tranh, điều hòa mức sống cho trên khắp mặt đất, điều hòa giai cấp trong xã hội, không còn thù hận đấu tranh. Một khi thù hận tan dần, lòng tham nhẹ bớt, thì mục tiêu giải thoát đã sáng tỏ trước bước đi của con người; và chiều hướng thượng của tôn giáo chân chính hẳn nhiên phải được con người thực hiện, để giải quyết sự vươn tới của tâm linh siêu thoát.
Với một tình thương vô biên, tình người thắm thiết, với một căn bản tự do tư tưởng, với một phương pháp tự tu, tự giác, tự chứng, đề cao năng lực và ý chí của con người. Với một nhận thức tổng hợp rộng lớn; một khả năng dung hóa tế nhị, một thái độ dung dị hiếu hòa, đạo Phật chắc chắn đủ điều kiện Trao cho thời đại một nội dung cuộc sống tràn đầy hạnh phúc. Nhưng ai là người trao nội dung đó vào đời? Hẳn nhiên là Phật tử. Ðạo Phật còn nở hoa kết trái hay không, không chỉ ở mấy tạng kinh điển mà chính ở những người hoằng pháp hôm nay có đủ đức, trí, tài, năng; có biết thích ứng với hoàn cảnh xã hội, để đưa đạo Phật vào thời đại, làm cho đạo Phật sống mạnh, sáng, đẹp, trên mọi nơi, trong mọi lúc, thích hợp với mọi người ở mọi trình độ trí thức, mọi giai cấp. Ðạo Phật còn trường tồn hay không là nhờ ở đó. Ðạo Phật có đáp ứng được đòi hỏi đương thời không, nhờ ở đó.
Chúng ta hẳn đã có lần nghe thấy từ cửa miệng những người còn mang nặng thành kiến hệ phái, hoặc vì chưa hiểu thấu đạo Phật, cho đạo Phật là một tôn giáo không tình cảm, vô thần, yếm thế xa lìa cuộc đời, phản bội “nhân bản” làm cản đà tiến hóa của xã hội. Tất nhiên, họ có quyền tự do của họ, họ được hoài nghi, phê bình và lựa chọn. Vì, đạo Phật không phải là một tín lý. Ðạo Phật không võ đoán. Ðạo Phật không buộc ai phải tin theo rập khuôn như mình. Ðạo Phật chỉ là một lối hướng dẫn, hòng dắt con người từ trạng thái tham lam mê muội sang trạng thái trong trinh siêu thoát. Còn thực chứng được hay không là do nơi những con người tiếp nhận đạo Phật có gắng công thăng hóa nghiệp lực của mình hay không. Ở đây, chúng ta không làm công việc thanh minh cho đạo Phật, vì sự tồn tại trên hai nghìn năm trăm năm nay, và đạo Phật đã dung hợp được với dân tộc tính các nước Á Ðông, đang rọi ánh sáng chân lý vào nếp sống cơ khí Tây phương, thừa đủ để nói rằng: Ðạo Phật không nông cạn như sự nông cạn của những người đứng ngoài, ngó phớt qua vào cái vỏ của đạo Phật, rồi chê bai, ngờ vực… (Tuy chúng ta không làm công việc thanh minh. ) Nhưng chúng ta có bổn phận nói tiếng nói chân chính của người Phật tử, làm sáng ý sáng của đạo Phật, hòng bớt đi cho con người phần nào ngộ nhận; hòng khai quang cho nhãn thức của con người không những về đạo Phật, mà còn về mọi vấn đề khác nữa.
Nếu hiểu “tình cảm” theo nghĩa cảm xúc đam mê vật dục thì đạo Phật không chủ trương duy trì thật, tuy không duy trì nhưng đạo Phật không chối rằng: ở thế giới chúng ta, một thế giới trong đó còn đầy rẫy dục vọng mê cuồng, còn những ham muốn thể chất. Tình cảm của con người thường nhuốm thêm sắc dục; tình cảm không thuần tuý biểu lộ tự tâm linh trong trinh, mà tình cảm còn pha lẫn tính chất sinh lý và bối cảnh xã hội nữa. Do đó, Ðức Thế Tôn đã mệnh danh cho cảnh giới chúng ta là “Dục giới” (Kàmadhàtuh) một thế giới mà sự sinh, trụ, dị, diệt còn tùy thuộc hoàn toàn vào vật dục, đam mê thể chất. Cao hơn cảnh giới chúng ta là cảnh “Sắc giới” (Rùpadhàtuh), thế giới của thần tiên, sinh, trụ, dị, diệt không bằng vật dục mà bằng sự rung ứng sắc tính. Cao hơn hai cảnh giới Dục, Sắc là cảnh “Vô sắc giới” (Árùpyadhàtuh), ở đây đời sống không bằng vật dục hay sắc tính mà bằng thức quan tương ứng, tương giao; nhưng vẫn còn trong vòng sinh tử phiền não. Vượt khỏi ba cảnh giới này mối tới được trạng thái “sinh không siêu thoát”, trạng thái của các bậc đại giác, một cảnh trong trinh toàn triệt, không vương vòng sinh tử luân hồi.
Ðức Phật cùng sống trong cảnh dục giới như ta, nhưng Ngài đã tự chiến đấu với mình để gạn lọc tình cảm vật dục đam mê, để phát khởi tình cảm tâm linh trong sạch, thể hiện qua đức từ bi, đại trí, hỉ xả. Tiønh cảm của Ngài không chịu buộc dưới sóng tóc người đàn bà, không chỉ yêu riêng mình, và những gì thuộc về mình, không chỉ biết tới cha mẹ, vợ con, quyền quí. Tình cảm của Ngài đã trào ra rung ứng với tất cả chúng sinh khổ đau. Tình cảm ấy đã phát xuất từ tâm thể từ bi. Nếu đạo Phật không có tình cảm, thì đức Thích Ca đã chẳng bao giờ xuất gia, đã chẳng bao giờ quan tâm băn khoăn trước cảnh sinh tử, niềm thống thiết của thế nhân, trước cảnh tranh giành giết chóc giữa chúng sinh tham sống mà chẳng hay biết được rằng mình đang chết, và tất nhiên không có cảnh bồng con cừu non trên đường cát bụi… Tình cảm của siêu nhân là ở đó. Tình cảm của đạo Phật là ở đó; mà chỉ ở đó mới có được ý nghĩa chân thực của tình cảm, một thứ tình cảm tâm linh trong sạch.
Bảo rằng đạo Phật “vô thần” thì quả là vội vàng, quả là chủ quan, không hiểu gì về đạo Phật cả. Nhưng, nếu tìm ở đạo Phật một vị thần có bản tính biết yêu ghét, có uy quyền, tức là được nhân -cách -hóa theo óc tưởng tượng của con người thì nhất định không có ở đạo Phật. Nếu hiểu thần theo nghĩa tâm – thần -thường -hằng –trong –trinh -bản -thể -của -thực -hữu, một chân lý cao tột mà tâm thức con người luôn luôn vươn tới, để đạt được trạng thái trong trinh ấy, thì hẳn nhiên là có. Tâm thần là bản thể của thực hữu, nên có trong mọi loài, mọi vật, nhưng vì vọng niệm mê lầm, như những lớp sa mù che phủ, khiến tri thức con người không thấy được. Con người cần gạn lọc tình cảm trinh khiết, khai quang trí tuệ, đẩy lui tham vọng u muội, mới mong làm sáng được tâm thần tự tại, hòa được với tâm thần đại thể. Như thế đạo Phật không phải là Vô mà là Hữu thần. Thần không ở đâu xa, thần không ban phúc giáng họa mà thần ở trong mỗi người, mỗi vật, chỉ cần làm sáng tâm thần là đạt được chân lý cao nhất của cuộc đời. Ðạo Phật đã mệnh danh cho tâm thần nhiều tên gọi khác nhau như: Phật tính, Chân như, Tính cảnh, Niết Bàn… đều biểu hiện ý niệm trong trinh thường hằng của tâm thể, tất cả đều thu vào một chữ “Tâm” mà tâm thì ở mọi loài, mọi vật đều có thể tự tu, tự luyện tự giác, để tự chứng lấy cảnh giới trong sáng của tâm -thể.
Bởi quan niệm Tâm là bản thể nội tại nơi mỗi người, mỗi vật, nên chẳng những đạo Phật không làm hèn con người mà chính lại làm cho giá trị, địa vị và khả năng con người thêm cao, thêm mạnh. Tuy đạo Phật dùng chung từ “chúng sinh” để chỉ những chủng loại hữu tình, nhưng vẫn có điểm khác nhau, là nơi nghiệp lực của mỗi vật, mỗi loài. Loài người ở vào cấp bậc cao nhất trong chúng sinh. Loài người là chặng cuối cùng của dục giới, có khả năng chứng ngộ để thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Nếu dùng theo từ ngữ đương thời thì đạo Phật đã nói lên đầy đủ và trọn vẹn ý nghĩa Nhân bản nhất.
Ðạo Phật đã mạnh bạo và thẳng thắn phóng trí tuệ vào thực tế đau khổ cuộc đời, không trốn tránh sự thật ê chề của kiếp người, không ỷ lại, van xin, trông đợi ở sự bao bọc trợ giúp của bất cứ một ngoại lực nào, mà tự tìm chính nơi mình để tự giải thoát mình và giải phóng đời. Con người chỉ giải thoát được thân phận khi nào tự giác chứng thôi. Nếu tự mình không cứu mình thì không ai cứu mình nổi, mình phải hoàn tất trách nhiệm và công trình tu dưỡng của mình, không ai gánh đỡ cho mình cả. Có chăng, người khác chỉ tiếp tay cho mình, cùng lắm là hướng dẫn cho mình trong một phạm vi nào đó. Còn quyết định tối hậu vẫn do nơi mình. Ðó là điều tâm nguyện của người Phật tử đi theo hướng Phật.
Ðã đề cao đức Tự chủ, tự do và tự tạo, thì nhất định đạo Phật không bao giờ yếm thế, không trốn tránh cuộc đời và trách nhiệm đối với con người. Ðạo Phật luôn luôn đáp ứng với nhu cầu trí thức và nghiệp lực của mỗi người, mỗi loài. Ở mỗi người, mỗi loài, đạo Phật đều có phương pháp hướng dẫn riêng để tự thân mỗi người, mỗi loài thăng hóa thân phận mình. Sở dĩ có sự ngộ nhận trên là do nơi đức từ bi, thái độ bao dung, khoan hòa của người Phật tử chân chính điển hình, luôn luôn chịu đựng phần thiệt, vui vẻ tha thứ nhiều hơn là cạnh tranh bồng bột. Như vậy là can đảm và khó khăn lắm mới giữ nổi thái độ dung dị trước những chướng tai gai mắt đó.
Vì, người Phật tử dù sao cũng chỉ là một người vẫn còn nặng nhiều với cảnh tính dục giới, nhưng khác hơn người thường là biết làm chủ mình, làm chủ hành động của mình, không để cho những hành động đó thành xuẩn động. Tất cả Phật tử hiểu đạo pháp đều hiểu rằng: cạnh tranh, tham lam, chẳng những không đẹp đẽ gì mà chỉ làm tăng thêm đau khổ cho mình, cho đời thôi. Nên không lăn vào vòng lợi danh, nhưng với nghĩa vụ làm người, bổn phận đối với xã hội, Phật tử dù chịu xả thân cũng không than tiếc. Nếu không có sự hiểu biết đó, đạo Phật đã chẳng thể tồn tại trên hai thiên niên kỷ và đạo Phật cũng chẳng đặt vấn đề hoằng-dương chính – pháp làm chi nữa.
Nếu cho rằng đạo Phật làm cản đà “tiến hóa” của nhân loại thì hãy xét lại đã. Những cuộc cách mạng xã hội hiện nay đã đến sau các phong trào giải phóng thân phận con người khỏi phong tỏa thần quyền với mục đích tìm lấy sự Tự chủ cho con người, Tự do cho tư tưởng và Tự tạo lấy cuộc sống văn minh, chính đã được đạo Phật thuyết minh ngay từ lúc đức Phật thành đạo. Như vậy là đi trước đà tiến hóa trên hai nghìn năm trăm năm chứ không phải là đi sau, hay cản bước lịch sử. Với một ý chí tự tạo, chưa hề bao giờ đạo Phật kìm hãm sự tiến bộ của kỹ thuật khoa học mà chỉ phát tâm đem vào cho xã hội, cho những tiến bộ vật chất ấy một nội dung Phật-chất, để kỹ thuật khỏi quay lại tàn sát con người, phá tán xã hội.
*
Lúc này hơn lúc nào hết, xã hội đang đòi hỏi một hướng tiến: Nghệ thuật, học thuật, kỹ thuật đang đòi hỏi một nội dung thương vui, minh mẫn và thực tế để cung ứng cho con người thời đại, đạo Phật có đủ mọi yếu tố đó.
Thế nhưng từ trước đến nay con người thường chỉ tìm nơi đạo Phật một tôn giáo dưới hình thức cổ kính, thâm uyên, chìm mình trong màu áo tiếng chuông, trong việc cúng Phật cầu siêu. Tin Phật như tin trời, thờ Chúa. Linh thiêng hóa đức Phật như một thượng đế toàn năng, có quyền ban phát ơn lành. Sự lầm lạc này không những hại cho công cuộc tu chứng của mình, mà chẳng làm vẻ vang gì cho đạo Phật cả; trái lại, còn thêm nhiều những tấm màn che khuất mất một nội dung đạo Phật sáng, đẹp, thực tiễn, khiến cho những người chưa hiểu, ngộ nhận nhiều điều đáng tiếc về đạo Phật. Nếu ta không cất bỏ được tấm màn hình thức dày đặc đang bao trùm đạo Phật thì tự ta, tự nơi ngộ tín của ta, ta đã thoái hóa Phật giáo, đạo Phật đáng lẽ hướng dẫn ta trên đường giải thoát, trong thực tế xây dựng cuộc sống no lành, lại hóa ta một thứ cùm xích làm chậm sự chứng ngộ của ta, của đời.
Ở một thạch động thanh tịnh thâm u, nơi tu luyện và đào tạo tăng tài của một vị Thiền sư chứng ngộ, ngài đã hướng dẫn cho rất nhiều tăng sĩ chứng đạo. Nhưng trong số đó có một đệ tử ngoan ngoãn thuần thành, hết lòng tin Phật, yêu thầy, thương bạn. Không bao giờ phạm một lỗi nhỏ, không bao giờ làm trái ý thầy. Thế mà hết mùa tuyết này tan tới mùa băng kia đóng, hết lớp bạn này tới lớp bạn khác ngộ đạo, xuống núi hoằng dương, người đệ tử này vẫn không chứng nổi phép mầu.
Vị Thiền sư sau nhiều năm tìm hiểu, ngài đã thấy được căn nguyên của sự chậm ngộ đạo đó.
Mùa tuyết năm nay đã về, đem theo một trận bão lớn. Thạch động toát ra một sức lạnh ghê người. Ngài hiểu rằng đã đến lúc phải ra tay để giúp sức cho người đệ tử yêu chứng ngộ. Sau khi thăm khắp nơi trong thạch động, ngài về ngồi trên bồ đoàn, cạnh bồ đoàn là một lò sưởi sắp tàn. Ngài gọi người đệ tử đến và dạy:
– Con hãy thêm củi vào lò sưởi cho ấm.
Người học trò vâng lệnh ra đi, nhưng tuyết xuống mấy ngày liền, củi dự trữ đã hết, mà nhìn ra trời thì tuyết phủ trắng xóa không thể tìm được đường xuống núi. Sau nhiều cố gắng vô ích, người học trò buồn rầu trở vào lạy thầy:
-Bạch Thầy, củi trong động đã hết, mà ngoài trời bão tuyết quá lớn. Con xin về đây chịu lỗi với Thầy.
Vị thiền sư khoan dung dạy người đồ đệ rằng:
– Con hãy cố tìm xem trong động, có thứ gì bằng gỗ thì đem ra cho thầy. Người đệ tử ngoan ngoãn trở vào trong, lục lọi khắp nơi. Nhưng tất cả mọi vật dụng đều toàn bằng đá, không có thứ nào bằng gỗ cả. Ðành trở ra thưa lại với thầy:
– Thưa Thầy trong động không có thứ chi bằng gỗ cả.
Vị Thiền sư nhân từ dạy thêm:
– Con cố tìm lại xem, thầy chắc thế nào trong động cũng có vật bằng gỗ đấy. Lần này người đệ tử quá sức lo sợ, tìm kiếm khắp nơi nhưng vô hiệu, vào cả trong điện Phật, cũng không có chi bằng gỗ cả! Người đệ tử quỳ trước Phật điện cầu xin Ðức Thế tôn khai sáng cho mình. Rồi lại tiếp tục soát không trừ chỗ nào; tính nhẩm lại tất cả thì chỉ trừ pho tượng Phật bằng gỗ, ngoài ra toàn bằng sắt và đá cả. Thất vọng hoàn toàn. Người đệ tử run sợ ra thưa lại với Thầy:
– Lạy thầy, trong động, ngoài pho tượng Ðức Thế Tôn, không còn thứ gì bằng gỗ cả.
Vị Thiền sư mất hẳn vẻ trầm tĩnh thường nhật, ông lớn tiếng:
– Ta đã bảo lấy bất cứ vật gì bằng gỗ ra đây, ngươi còn hỏi chi nữa, đi ngay. Người đệ tử run sợ đi vào trong điện. Ðầu dao động lên biết bao ý nghĩ, bao câu hỏi, nhưng đều không có câu trả lời. Sau khi lạy Ðức Thế Tôn, người đệ tử ôm pho tượng xuống đưa ra trước mặt thầy.
Vẻ bình tĩnh nhân từ đã trở lại trên mặt và tia nhìn của vị Thiền sư, ngài khoan thai cầm cây búa bên cạnh lò sưởi, giơ lên bổ thẳng xuống pho tượng thếp vàng long lanh. Pho tượng vỡ ra làm đôi, rồi làm nhiều mảnh. Như tâm tư nát vụn của người đệ tử. Toàn thân người đệ tử run lên, nước mắt tràn trề, trong lúc đó vị Thiền sư chậm rãi cầm từng miếng cốt tượng quăng vào lửa, ngọn lửa bừng sáng, tỏa khắp thạch động mờ mờ tối đục. Tâm thức người đệ tử cũng bừng sáng và từ sát-na đó chứng ngộ đạo pháp của Ðức Thế Tôn.
Ðã tới lúc chúng ta cần vén màn hình thức để tìm vào nội dung chân lý của đạo Phật, hòng Trao cho thời đại trí thức hôm nay một đạo Phật linh động, thực tế, thích ứng với như cầu tinh thần của nhân loại, để mọi người tìm nơi đạo Phật một nền văn hóa rực rỡ, hợp với lịch sử tiến bộ xã hội, một hướng thoát cho tâm linh con người.
Ðạo Phật là kết tinh của các hệ phái tư tưởng thâm sâu Ấn độ cổ xưa. Ðạo Phật ra đời để tổng hợp mọi khuynh hướng thần học, đạo học, triết học của văn minh Vệ đà. Ðạo Phật là tiếng nói trọn vẹn, là một hệ thống tư tưởng vững mạnh và cao rộng nhất trong các hệ thống tư tưởng cổ kim đông tây. Tìm trong đạo Phật ta thấy mọi vấn đề từ đại thể tới chi tiết của sự việc đã và đang biến diễn trong vũ trụ đều được đặt ra và đều có phương pháp giải quyết. Nhưng, vì từ ngữ, vì hình thức của người xưa khác với ngày nay, nên ta khó lĩnh hội mau chóng, thấu đáo được đạo Phật. Bổn phận của người hoàng pháp hôm nay, là làm điểm sáng của nội dung Phật chất, đem vào những hình thức kỹ thuật, nghệ thuật, học thuật hiện đại một tinh thần sáng động toàn diện của đạo Phật.
Một đạo Phật tổng hợp giữa những anh hoa của cuộc đời, giữa những phát kiến truyền tiếp của một dân tộc sống giữa núi rừng trùng điệp; tư tưởng luôn luôn vươn lên rọi vào những bí ẩn hầu như ảo diễn của vũ trụ vô biên; vì họ luôn luôn cảm thấy mình như bị giam cầm trong một khung cảnh tối tăm nếu từ buổi bình minh của tư tưởng con người đã nhận rằng minh nằm trong trò ảo hóa của Brahma, một vị thượng đế, để thành hình một tôn giáo Brahman, với một quan niệm luân hồi miên tục truyền kiếp và sự phân hóa xã hội tới cùng cực đã sản sinh ra không biết bao nhiêu giai cấp. Triết phái Upanishad xuất hiện, tuy chưa hẳn là chối bỏ hết quyền lực của Brahma nhưng đã tỏ dấu hoài nghi tột độ về những trò ảo diễn phi lý vô ích của vũ trụ. Từ tư tưởng hoài nghi này đã mở lối cho những triết phái khác ra đời. Phái Vedanta đã đưa gần Brahma lại với con người, đưa ngay vào trong con người, để chủ trương tìm về nguồn bình đẳng của vũ trụ. Quá khích hợp, phái Vaisesika hoàn toàn đứng trên quan điểm cực vi duy vật để thành lập hệ thống triết học của mình. Ði tới trạng thái ôn hòa, triết học Samkhya ra đời, chủ trương vũ trụ có thần-ngã và tự- tính; mong cầu của thần ngã thông với tự tính thành ra những hiện tượng ảo hóa. Nếu dẹp bỏ mong cầu thì ảo hóa sẽ tan, chỉ còn tự tính tồn tại trong thần ngã mà thôi. Sau trên hai ngàn năm trăm năm, Ðức Phật ra đời đã dung hóa tất cả mọi khuynh hướng tư tưởng cổ xưa để xây dựng thành một hệ thống đạo Phật hết sức rộng lớn căn cứ trên đức Từ bi, khả năng Giác ngộ của tâm thức, trên tinh thần Tự chủ, Tự do, Tự tạo, đức Phật trao cho đời một nội dung cuộc sống toàn diện cả về tâm linh, luận chứng lẫn phương pháp giác ngộ.
Ngài đã nhìn thẳng vào sự vật, vào cuộc đời mà dạy rằng: “Vạn hữu là thế đó”, chân lý không ở đâu xa mà ở ngay trong vạn pháp. Ngài đã trao cho nhân loại một nhận thức quan về vạn pháp:
– Các hành vô thường– Các pháp vô ngã– Bản thể chân như
Ðể con người dùng làm chìa khóa tự mở lấy kho tàng vô biên của trí tuệ, khám phá những bí mật của vũ trụ, đau khổ của cuộc đời. Rồi nương vào đó con người sẽ cởi lần chấp mê u tối, trở lại với bản thể trong trinh của mình.
Vũ trụ kết tụ bởi những hệ thống nhân duyên, con người muốn tham hóa, thấu triệt vũ trụ thì cần nương vào thuyết nhân-duyên-quả- sinh để mà tìm hiểu, để sống hợp với lẽ tiến hoá của vũ trụ. Rồi dựa vào nguyên tắc đó, con người tự thăng hóa nghiệp lực của mình, bằng cách gây nhiều nhân tốt.
Thân phận con người chìm đắm trong cảnh khổ đau, sinh tử luân hồi. Sự khổ đau vốn do dục vọng đam mê nơi mỗi người phát sinh, rồi tăng trưởng thêm mãi. Chẳng những con người không hạn chế lòng tham mà mỗi ngày lại huân tập thêm giữ làm tư kiến, khiến cho khổ đau chồng chất đầy rẫy lên thân phận con người. Ðể chặn đứng khổ đau, con người cần tận diệt dục vọng, khai quang trí tuệ, để thăng hóa nghiệp lực trên con đường giải thoát.
Ðược vậy con người cần thực thi Tám Con Ðường Chính (Aryastaniga Màrganmàni)[2] của Ðạo Giải Thoát bằng phương pháp Tự tu, Tự giác, Tự chứng để đạt tới cảnh “sinh không viên mãn”.
Ðạo Phật đã lấy khởi điểm từ tâm linh, qua thực tế, để hướng tâm linh lên đường giải thoát, nhằm cất đi những gánh nặng khổ đau của con người. Nhưng đạo Phật vẫn chưa nhận đấy là chân lý tuyệt đối, mà đấy chỉ là phương tiện giúp con người tự chứng lấy chân lý thôi. Tức là đạo Phật đã đề cao khả năng, địa vị con người và sự tự do tuyệt đối về tư tưởng. Nhờ vậy đã mở lối cho người hậu thế được góp sức xây dựng đạo Phật mỗi ngày một giàu đẹp thêm hơn. Cũng chính vì tôn trọng tự do con người nên khi truyền đạo đã không gặp một cuộc xung đột nào và được mọi người tiếp nhận như chính tiếp nhận sự phát minh của trí thức mình vậy.
*
Trên hai thiên niên kỷ tồn tại hợp nhất với nếp sống con người hiếu hòa đông phương, Ðạo Phật mỗi ngày một thêm phong phú, kho tàng văn hóa mỗi ngày một thêm tươi đẹp.
Về nghệ thuật: phải nói rằng đạo Phật ngay khi phát từ kim ngôn đức Thế Tôn đã được lồng dưới hình thức nghệ thuật rồi. Những lời Ngài giảng dạy môn đệ đều tiềm ẩn bên trong những câu chuyện sống động hợp với trình độ và khả năng thưởng thức của mọi người. Những câu chuyện đó được các đệ tử ghi lại qua kinh “Bách Dụ”. Xét về nội dung của các câu chuyện thì mỗi chuyện đều mang một tính chất truyền phổ tư tưởng của đạo Giải thoát, hoặc miêu tả những khổ đau của con người và nguyên nhân phát sinh khổ đau, đồng thời có một phương pháp giải quyết tùy theo hoàn cảnh, trường hợp và nghiệp lực của mỗi nhân vật được Ngài dựng lên trong câu chuyện. Nhờ vậy đệ tử mau hiểu và dễ sống theo những nhân vật trong truyện. Cách sống khoan hòa và trang nghiêm của Ðức Phật đã thành hình ngay một cung thức lễ nghi cho đạo Phật. Giọng giảng đều đều và có mãnh lực thu hút tư tưởng của con người đã mở lối cho những vần điệu âm thanh của câu kinh, bài kệ, tiếng chuông, nhịp mõ sau này. Văn, Lễ, Thi, Nhạc của đạo Phật mở đầu ngay từ ngày đức Phật chưa nhập diệt. Hình ảnh của Ngài đã được ghi lại qua nét Họa, Khắc và được Phật tử thành lập Phật-tự để kính, thờ. Họa, Khắc và Kiến trúc của Phật giáo ra đời. Rồi sau đấy sự tích đức Phật, những câu chuyện của Ngài đã được dựng thành Kịch, quay thành phim để phổ biến trong quần chúng. Như vậy mọi ngành của nghệ thuật như Văn, Thơ, Lễ, Nhạc, Họa, Khắc, Kiến trúc, Kịch, Ảnh đã nảy nở toàn vẹn trong một truyền thống Từ-bi, Trí- tuệ nhưng không khép kín mà luôn luôn mang những hình thức, sắc thái của mỗi dân tộc đã được đạo Phật truyền đến. Nhờ có nội dung chuyên nhất đó, nên càng nhiều sắc thái, nền nghệ thuật đạo Phật càng thêm sáng, đẹp, giàu có, và nội dung đạo Phật càng thấm sâu vào tâm thức con người, càng thăng hóa thêm đẹp các nền văn hóa dân tộc của mỗi nước đã tiếp nhận đạo Phật.
Về học thuật: Với một nhận thức tổng hợp rộng lớn, với một căn bản tự do tư tưởng, đạo Phật đã phát triển và được sự đóng góp của người trí thức cổ kim để thành lập một nền văn học vĩ đại. Phải nói rằng đó là rừng kinh biển chữ. Kinh điển Phật giáo chia làm ba loại chính là: Kinh, Luật, Luận.
Kinh tạng (Sùtrạm): gồm tất cả Giáo, Lý, Hành, Quả do Ðức Thế Tôn nói ra được các đệ tử kết tập lại trong năm đại bộ: Hoa Nghiêm, Phương đẳng, Bát Nhã, Pháp Hoa, Niết Bàn.
Luật tạng (Vinayah): tập hợp tất cả giới luật của đạo Phật trong sự hướng dẫn tu trì các bậc xuất gia cũng như tại gia, để giữ cho hệ thống đạo Phật được bền chặt.
Luận tạng (Abhidharmah): bao hàm những tác phẩm nghị luận, với mục đích diễn giải rộng ý nghĩa kinh tạng, Kho tàng Luận-tạng rất lớn, đó là sự đóng góp miên tục của các Phật tử qua từng thời đại.
Sau khi Thế tôn nhập diệt, đại đệ tử Ca Diếp triệu tập đại hội kết tập những lời Phật dạy và định giới luật, ngăn ngừa những ngụy thuyết và những hành động si mê của tăng sĩ. Ðây là lần kết tập thứ nhất gồm trên dưới 500 đệ tử Phật, họp tại thành Vương xá. Tạng kinh mãi về sau mới được biên chép thành hai thứ chữ Pali và Sanskrit. Kinh do Ðại đức A-Nan đọc. Luật do Ðại đức Ưu -Ba- li đọc. Còn Luận thì thuộc phần hậu thế diễn giải theo kinh. Kinh điển được kết tập lần thứ nhất này là kinh A-hàm và luật Bát -thập-tụng.
Khoảng một thế kỷ sau, cuộc kết tập thứ hai được tổ chức tại thành Tỳ-Xá-Ly, nhằm kiểm soát lại kinh điển và giáo luật, đồng thời xét về các dị thuyết hiện lưu hành trong đạo. Ký kết tập này manh nha cho cuộc phân phái sau này.
Theo truyền thuyết thì ngài Ðại-Thiên (Mahadeva) đề ra năm điều tân thuyết[3] thổi lên một phong trào Tự do tư tưởng trong đạo Phật: chia đạo Phật làm hai phái, phái bảo thủ truyền thống là Thượng tọa bộ, phái cấp tiến tự do là Ðại chúng bộ. Lần lần Thượng tọa bộ còn phân thành nhiều bộ khác như: Nhất thiết hữu bộ, Ðộc tử bộ, Pháp thượng bộ, Hiền vị bộ, Chính lượng bộ, Mật lâm sơn bộ, Hóa địa bộ, Pháp tặng bộ, Ẩm quang bộ và Kinh lượng bộ. Rồi Ðại chúng bộ cũng lại phân tán thành tám bộ: Nhất thuyết bộ. Thuyết xuất thế bộ, Kế dậng bộ, Ða văn bộ, Tây sơn trụ bộ, Chế đa sơn bộ, Thuyết giả bộ và Bắc sơn trụ bộ. Thật là một quang cảnh náo nhiệt. Do những cuộc phân bộ này mà kho tàng đạo Phật trở thành rộng lớn mung lung tới độ khiến người học Phật hiện nay thường bị lạc mất hướng chính. Ðấy cũng là một trong những điểm quan trọng mà người hoằng pháp hôm nay phải lưu tâm, phải gạn lọc tinh lý Phật, trước khi trứ tác Phật điển.
Vì không những qua sự phồn tạp gần như trái ngược giữa các bộ phái, kể từ đời vua Ca-Nhị-Sắc-Ca vào thế kỷ thứ hai, đạo Phật dứt khoát chia làm hai ngành. Bắc phương Ðại chúng bộ, Nam hương Thượng tọa bộ để thi đua quang tỏa Phật pháp ra thế giới nữa: Bắc phương Phật giáo lấy Népal làm cứ điểm xuất phát Tây Tạng Trung Hoa rồi phân tán ra Mông cổ, Mãn Châu, Triều tiên, Nhật bản và Việt Nam. Nam phương Phật giáo đặt khởi điểm chính tại Tích Lan truyền sang Miến điện, Thái Lan, Cao miên và Lào. Ði đến đâu dung hợp tới đó, nên đạo Phật càng thêm nhiều đặc tính mới.
Hiện nay các nhà Phật học và các đại biểu chính thức của mỗi quốc gia đạo Phật đang cố gắng thực hiện cuộc thống nhất đạo Phật hầu cung ứng cho nhân loại một sức mạnh tinh thần để bảo vệ hòa bình và hạnh phúc cho con người trên toàn thế giới. Như thế có nghĩa trên hai nghìn năm phân hóa, lịch sử đạo Phật đang chuyển dần vào thế tổng hợp. Một chứng minh cụ thể là cuộc thống nhất tông phái Nam Bắc tông, trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã thể hiện vào mùa xuân năm 1964. Cuộc thống nhất này mở đầu cho cuộc thống nhất đạo Phật thế giới ngày mai. Muốn đẩy mạnh cuộc thống nhất đi đến thành công, Phật tử cần đập tan mọi vỏ cứng, mở tung mọi cửa lòng để đón gió ngàn phương, đồng thời tìm sâu vào nội dung căn bản của đạo Phật, của Ðức giáo chủ duy nhất.
Về kỹ thuật: Với căn bản đạo Phật tuy không đủ điều kiện nhân lực, vật lực để thành lập một ngành kỹ thuật cơ giới, nhưng đạo Phật đã nói lên nguyên tắc căn bản của khoa học rồi vậy. Mà khoa học kỹ thuật vốn là kết quả của công cuộc suy tư thực nghiệm của con người. Nên trước khi có được nền khoa học cơ giới văn minh như ngày nay, lý thuyết khoa học phải có trước để dẫn lối cho công cuộc thực chứng của con người. Ngày nay khoa học càng tiến, càng đi sâu vào thế giới hạch tâm, vào lĩnh vực không gian thì càng thấy gần đạo Phật; tuy không xây dựng trên vật chất cực vi, nhưng với tâm linh giác ngộ, đạo Phật giải thích vũ trụ một cách rất khoa học. Khi khoa học tìm được năng lực nguyên tử tiềm ẩn trong vật chất thì cũng chính là lúc nhà trí thức quan tâm nhiều tới luận chứng của đạo Phật. Vì Phật đã quyết nhận trong mỗi loài, mỗi vật của vạn hữu đều có phần năng lực là Phật tính. Và, khi các nhà thiên văn học xác nhận ngoài thế giới chúng ta còn rất nhiều thế giới có sinh vật khác nữa, trong vũ trụ, thì trước đó hai thiên niên kỷ, sau khi rời cội bồ đề, đức Phật đã dạy rằng trong vũ trụ có tam thiên đại thiên thế giới,[4] ngoài thế giới chúng ta.
Thật là hoang đường viễn vông đối với nhận thức nhân loại đương thời của Ngài. Nhưng, tới nay, khoa học của thế giới văn minh chúng ta đã xác nhận.
Sơ lược mấy nét đại cương, ta thấy đạo Phật không chỉ là một Triết học, Ðạo học mà còn là một cơ bản của Khoa học. Ðạo Phật, ngoài công cuộc giải thoát tâm thức con người còn là một hệ thuyết thực tế có đủ khả năng, đủ điều kiện trở thành một nền Văn hóa toàn triệt gồm đầy đủ các yếu tố nghệ thuật, học thuật và kỹ thuật nữa. Nhưng vì chú trọng nhiều về tâm linh hơn, nên đạo Phật mang nhiều màu sắc tôn giáo, để rồi nhân loại quên mất những khía cạnh khác của đạo Phật.
Ðã đến lúc những người thừa kế đức sáng của đức Phật cần phải cụ thể hóa những nét tươi sáng của đạo Phật ra bằng hành động, để làm Ðẹp, làm Sáng, làm Lành cho con người và cuộc đời, để đạo Phật mãi mãi thích ứng với hoàn cảnh xã hội, đáp ứng được mọi nhu cầu của nhân loại trí thức thời đại.
Nói tới văn hóa đạo Phật một nền văn hóa tổn hợp đã truyền đời trên hai nghìn năm trăm năm nay là vượt sức một người, nhất là đem cô đọng trong một bài thì không thể tránh được những thiếu sót ngoài ý muốn. Nên, ở đây, chúng tôi chỉ sơ lược trình bày mấy nét chính mà thôi. Và xin tóm tắt:
Nét thứ nhất trình bày về Thời đại chúng ta và lối giải quyết của đạo Phật trong thực tế.
Nét thứ hai trình bày những Ngộ nhận của con người về đạo Phật.
Nét thứ ba trình bày những Nguyên tắc căn bản của đạo Phật.
Nét thứ tư trình bày về nền Văn hóa đạo Phật.
Tất cả với mục đích góp phần cùng Phật tử và độc giả bốn phương một vài ý kiến trong công cuộc hoằng pháp hiện nay.
Ánh sáng Từ Bi đến với chúng ta.
Thích Đức Nhuận
[1] Nguyên văn chữ Hán:
“Thử Hữu tắc bỉ HữuThử Vô tắc bỉ VôThử Sinh tắc bỉ SinhThử Diệt tắc bỉ Diệt”
[2] Chính kiến: thấy biết chân chính
Chính tư duy: suy nghĩ chân chính
Chính ngữ: Lời nói chân chính
Chính nghiệp: Việc làm chân chính
Chính mệnh: đời sống chân chính
Chính tinh tiến: siêng năng chân chính
Chính niệm: tưởng niệm chân tính
Chính định: định tâm chân chính
[3] 5 điều của Ngài Ðại Thiên đề ra:
1.Lahán vẫn còn bị ma chướng khiến cho lậu thất trong giấc mộng
  1. Lahán cũng vẫn còn bất nhiễm ô vô tri, nghĩa là học sai lầm về chính pháp
  2. Lahán vẫn có những hoài nghi chưa giải quyết được
  3. Lahán đắc quả không thể tự biết mà nhờ bậc Cao minh cho hay.
  4. Lahán có thể liễu đạo là do âm thanh mà giác ngộ.
[4] Tiếng Phạn: Trisàharasramahàsàhasre lokadhàtuh


Most Ven. Thich Duc Nhuan: BUDDHIST REVELATIONS FOR THE MODERN WORLD

Letter to the World’s Intellectuals from Bhiksu Duc NhuanTranslated into English by Pham Kim Khai& final edit by Chris Dunk
We are all engaged in contemporary life with its increasing complexities particularly in these times of constant change. Also, due to the chaos of differing ideologies and dogmas that humankind has been entangled within from the very beginning of civilization we ourselves get caught up with conflicts we have all inherited through culture, race and political ideas.
The more we struggle to survive, seek meaning in our lives and increase our efforts to keep up with the constant rate of change inherent on today’s life, the more exhausted and further depressed and disheartened we become, feeling more helpless and hopeless. All this contributes to greater loss of confidence in one’s self and the world. The effects of this contemporary social phenomena has left its imprints on all and every one of us, and most deeply in the minds and hearts of those of our youth facing an uncertain future.
At this difficult and challenging time in history, it is the intellectuals and others who are expected to lead us all out of this impasse of the culmination of time, they are expected to bring relief and lighten the load on the disheartened among us, to bring light into modern life to create significance, meaning and faith. It is essential then to reform our knowledge of, and understanding of this world and phenomena of life itself as it seems for I believe that our common understanding and prevalent views of life in this world is a deformed view created by historians and others that is a ‘one-eyed’ view restricted due to restricted consciousness. Buddhism on the other hand I am convinced is a supreme philosophy to lead men to happiness and meaning and truth within contemporary life and will widen that view.
Looking at our collective history we certainly have shared serious problems due to our debased nature and also due to being governed by those who have led us into insane, collective massacres of fellow human beings through political and economic conflicts. Often these events are motivated by the ill-will of a minority of powerful decision makers and for their own interests, they have bartered other peoples blood and life indifferently, causing human blood wasted in struggles for political power, financial gain and private interests exploiting class, race and cultural issues. Their need for their own survival over the greater good motivates their indifference to others. They seem not to feel what they cause, nor care.
I am convinced that it is not until man is enlightened in the Buddhist sense and has lost all those insane cravings within our narrowly perceived self and its needs, that we will remain imprisoned within that endless delusional struggle at the expense of others further increasing the social inequality and historical misdirection we have all inherited through time.
The Buddhist idea, that of enlightenment is a concept more commonly heard of nowadays than ever before due to the spread of eastern philosophy world wide. It is however greatly misunderstood and poorly explained leading to a perverted view of what it actually means Commonly, enlightenment is thought to be being aware of individual or of class rights and other things of similar earthily meaning. Unfortunately nothing is said of enlightenment, that of being aware of one’s own human condition, our relationship with the world, and our responsibilities in society and for life at large and as a whole. There are barely any spoken or written texts in publications or in other media that shed light on what enlightenment actually is. There are plenty of well-meant and well-considered information but still they seem to express views restricted through selfishness privilege, power and pride. Noble enlightenment, on the other hand as Tagore expresses it, is when blow upon blow, pang upon pang you are to be awakened by the spiritual call: “Atmaønam viddhi” Know thyself. (R. Tagore 1917)
Prior to any possible personal freedom, one must first remove from themselves feelings of prejudice, pride and selfishness. One’s self-liberation must depend for its full realization, upon the removal of this common cause of our suffering. Without this grand vision, we can only go halfway at most or be lost. Self-indulgence our great enemy naturally means one’s excessive attention to one’s self, indifferently shutting out all problems of others and of common life. Individual selfishness, self-indulgence and aloofness are not the signs of an enlightened person. Actually, an enlightened person who has the perfect knowledge, kindness and wisdom, pertaining to Buddhist dharma (law) must do all and everything for those living the common life, have must have an understanding of the causes of suffering and attempt to alleviate that burden through the right thoughts, motivation and action towards lifting that burden.
A harmonious world must be founded upon self-understanding, of self-awareness and of our noble transformation through dharma of the Buddha. The life of Buddha, the enlightened one, reveals that his was the right path, due to and of his right speech, his right thought and his right conduct. His immense sacrifice to obtain what he achieved, his great renunciation of the restricted world of form and of deeply questioning suffering. The immaculate purity of his life left an indelible imprint upon the minds and hearts of generation after generation of Asian people. It became a message to the whole world, and as suggested by Gandhi “For Asia to be not for Asia but the whole world, it has to relearn the message of the Buddha and deliver it to the whole world” (Gandhi’s speech Harijan, 24. 12. 1938)
As long as we are Buddhists then, and our lives owe such inspi­ration derived from his, we cannot keep silent and motionless within Buddhism with such infinite problems facing the world of this life and the effects the planet and all its living things. We must act towards doing something about them.
By their fruits shall ye know them.
Through this Jewish/Christian biblical saying we can also apply it to Buddhism meaning the fruits of Buddhist thought, the spirit of realism, compassion, wisdom equality and altruism that has conferred many great benefits upon societies wherever it has gone. Buddhism has contributed greatly to persons recovering their inner peace, in resettling social disorder and in creating greater material and social prosperity. By its fruits then people have come to know Buddhism as a tree that bears great rewards for all.
History and human culture today, is on the threshold of a great synthesis. Today through the impact of information and technological revolutions we live in a significantly shrunken world, isolatio is now impossible and problems once isolated over much of the globe and from various cultures are overwhelming national boundaries affecting us all. Contemporary people are required to have great personal insight and great tolerance to rid themselves and society at large, of religious, racial and class prejudices and to enable them to remake societies based on greater justice and freedom in a new world. Today many different ethnic groups live side by side in modern cities, and in multicultural nations, greater intercultural tolerance is essential.
Personal freedom, that is to be free to be one’s self, is an essential life impulse and whose natural destiny is to find right expression.
However the spiritual force that is beyond one’s personal individualism, unites us all as a whole and permits the power of the universe, to be simultaneously manifested within all individuals as a whole.
Every person has their right to think, ponder and choose how they wish to live, serve others, and in being creative. This idea, may seem to pave the way for an excess of individualism but really it means to be tolerant of others, in accepting others freedom of thought and expression within social bounds. We owe people as social beings the safety of a certain amount of diversity of thought and expression that naturally, does not deny others their own rights through being excessive. These rights needs to be an expression of tolerance and affection as the Indian poet Tagore, said in a letter to Gandhi in 1919:”Give me the, supreme courage of love, this is my prayer, the courage to speak, to do, to suffer at thy will, to leave all things or to be left alone”. This message of responsible tolerant individualism was revived through Radhakrishna’s inaugural address to the “unesco Tagore’s Centenary Celebrations in Paris”. ‘We must take our responsibility to help the coming generations build a new life rational, civilized, human, by destroying the springs of man’s actions, which lie deep in Ignorance, Hatred and Selfishness’. The Agamas Sutram said, of the forces of cause and effect acting on life;
‘What we are longing for is supreme compassion in action. Upon such a basis can we maintain firm and lasting justice and social equilibrium? When social order is upset and freedom is violated, or vice versa: Let this be, and so will that be. One being less makes the other nothing. Let this be born, and so will that, born. That this dies makes that ending’
Buddhist teachings assert that life is a result of cause and effect, and that these are in keeping with nature’s universal laws. This supreme rule is what Buddhist must always keep in mind, and moreover, for the sake of a modern society where conflicts are stilled and harmony pervades, material needs, ownership, individual and family needs and visions need be in tune with national and international outcomes, as only then can nations live within international humanist ideals. Only then can war come to an end, when living conditions over the world become more level, as reduced class rivalries and conflict within communities and beyond is reduced. Once hostile feelings are negated, cravings gradually become calmed, then, it is only then, that the way to true freedom will be revealed to us as the true religion flowers, through all acting with right action. The glory and full bloom of humankinds transcendental self nature will then be experienced.
Buddhism has been known for its universal compassion, its humanity, its love, its self-perfection and self-understanding, and especially upon its emphasis upon individual experience, human energy and free will towards ones own self-realization. It’s concern with a grand vision of cultural synthesis and merging of ideas. Buddhism is adaptable, peace loving, earthy and practical as well as possessing an imaginative and speculative spirit. Buddhism then can and must bring forth to the modern world greater significance and happiness for all of us.
By the way, who are those lead us people to the blissful state?
The first and foremost are Buddhists or “Buddha’s-to-be”. Whether Buddhism can be useful and fruitful to contemporary times depends not upon some canonical scriptures or sutras, but mainly upon those intelligent intercessors that preach the Dharma law as it relates to contemporary times, and adapt themselves to today’s social circumstances. They have to emphasize how to make Buddhism up-to-date, they must help to enrich it and enliven it, conveying it to all persons of all walks of life intellectually and socially speaking. Buddhism today can only last if it is adaptable and works harmoniously with the essential demands of modern times.
We have heard it that persons of ideological bias or laymen who interpret Buddhism as a religion or philosophy without sympathy as atheistic and nihilistic.
Buddhists are described by such persons as standing aloof from secular society, and are therefore, reactionary and anti-humanistic. It is fair and right to question Buddhism but consider that Buddhism is not an arrogant dogma that attempts to induce people to believe in it as the only possible belief system.
Buddhism must be understood then as the guide that leads people from blindness and desire towards the blissful state of supreme liberation within themselves. Man is to be the master of his own desire. This truly emphasizes one’s individual efforts for self-salvation of mastering our more debased self, emotions and desires. The survival and spread of Buddhism over Asia for more than two millennium and its lively adaptation into the Western World and contemporary technological society, provide conclusive evidence against the shallow criticism levelled at Buddhism by its critics, obviously there must be something in it that attracts people to it. Endowed with a deeper insight to human nature, we Buddhists believe we can reveal a greater truth to all, and must do our best to make the teachings understood and inspire the world with the right-view and right-understanding of Buddhism and its harmonious relationship with most aspects of secular life. Buddhism would, certainly rejects extreme self-indulgence and certainly finds great problems and objections to this our saha-world. This realm of desires and sensual love, people are constantly disturbed from within and without by bodily desires, personal needs and are driven social influences towards further insatiable unrealisable struggles.
This world, as the Buddha called it, the “world of desire”, namely Kamadhatu, that brings forth all suffering such as birth, existence, decay and death. Superior to this our saha-world is the “world of pure form” namely Rupadhatu a place of deities and fairies whose life rises above all desires to the sphere of interplaying motives of form.
A yet higher world or existence exists, that of no-form or Arupadhatu a place which excludes all and every desire and form – but mind still exists, which is still subject to redemption, within that sorrowful Samsara cycle of re-birth.
It is not until one has been elevated from all these stages, will one attain the ‘blissful state of enlightenment’, that perfect purity free from all mortal spheres free from Samsara the cycle of rebirths; the realm of birth and death.
In this “world of desire” in which we ordinarily live, the Buddha lived a life much same as ours, the difference is that during his lifetime he had undergone a long fight to counter his self-indulgence searching for the transcendental love he attained finally upon his enlightenment to emerge with compassion, wisdom and his all-giving nature for which he became famous during and beyond his life. His love was not the kind that we associate with being in love with an attractive woman, nor that of self-love, or that of ownership, or of wealth, or that of a filial relationship (love towards a parent). His, on the contrary, was a love extended and meant for all and was one aimed towards alleviating pain in all sorrowful suffering being.
His compassionate love emerged of his transcendental self. If not being such a devote person he might not have practiced self-restraint, nor renounced the world of luxury he had inherited, nor would he have he been so restlessly concerned with the suffering of the world and all in it. He was so concerned with this existence where people pursue their lust for life so indulgently and without concern for others and that they refuse to pay any attention to their approaching deaths as if they are going to live forever. It is through this man and through his true love we can find the true meaning of the transcendental self, that is of transcending ourselves to something greater than we normally perceive.
To criticize Buddhism as atheistic is harsh and far from the truth. You may not find in any of the Buddhist realms an omnipotent god with the love and hatred that is associated and projected upon gods by the human imagination but, if you set on a search for the ‘god’ as the eternal basis that governs all phenomena in the universe and is in all and every one of us you may be on to something.
This Divine-omnipresence is the essence of the world and, though not openly expressed, is latent in all and everything, extant or not extant. It transcends all categories and limitations; however, it will only be revealed to those being free from the veil of illusory phenomena, those who fight and win pure love and wisdom over earthily desires obtain this inner-self to be one with that of the universal.
Buddhism as such may somehow be conceived as theism whose Deities (or devas) are not far from man but as a nucleus latent in every living creature. They only come into being and in sight of those who have possessed a universal vision. All such Buddhist terms as “Buddha-hood” (the nature of Buddha) or “Such ness” or “Blissful State” or “Nibbana” are various names of the One Absolute Heart incarnate in all, even though each of us has no experience of such an absolute experience trapped as we are in the Saha world of desire.
Potentially, each of us is a Buddha and everyone, therefore, may attain Buddha hood through the arduous path of one’s self-restraint, self-perfection and self-understanding. In principle, Buddhism thus gives way to a far higher human status and contributes nothing towards debasing to human dignity. All men are equal, on the way to the supreme perfection. A vast difference of value among beings however concerns their personal “burden of Karmic actions” or record of morality (past and present). People of course due to our reasoning and ability to reflect, are the most elevated creature in the sphere of “Samsara” (suffering), and possess the best faculties to enables us to free from this infinite cycle of re-birth and redemption. This complete, description and explanation of Buddhism conveys the true meaning its purpose in promoting “humanism”, to use a term in vogue today.
It is Buddhism that has put consciousness for most and utmost into practical life despite the tragic conditions of life as is generally experienced by us all.
Buddhists has never given way to defeatism, neither praying for external aid from deities or gods, nor leaning upon other persons, heroes, and politicians and others etc to free us from the human condition. The true Buddhist tries their best to get rid themselves of self-bondage through their own efforts. Let us imagine a child sleeping by its mother and dreaming that a powerful lion is attacking it. Can the mother save her child from danger or kill the lion in that dream? No, she can’t; she cannot enter into it that dream nor do anything except wake it up from that dream. To be awakened, the child will be freed from the perception of being attacked by a lion. So such is it through enlightened awakening that the Buddhist frees himself instantly from ‘the sufferings arising from ignorance of the law of ceaseless change within the Six Realms’.
Without self-realization, one cannot understand such things as these statements. We can only save ourselves through our own effort, no one and nothing can help us not even a Buddha nor a god can deliver us. They may provide us with an example and inspiration but it is up to us to pay our dues to pursue and complete our self-perfection by our own efforts. Outside help, if any, cannot outrun the inner motives or wish of liberation within a person. (You can lead a horse to water but you cannot make it drink as the saying goes). It is this emphasis upon the subjective, that is of there being only deliverernce through of our own inner world and its the concern with self-liberation that has attracted critics of Buddhism as being selfish, individualistic or that Buddhist are irresponsible and aloof not concerned with the world beyond themselves. However providing Buddhism keeps promoting the personal initiatives of reflection, self effort, and self-mastering and self liberation it must be seen as positive and not pessimistic, nor a set of abstract intellectual philosophies far removed from social life or the concerns of people in their daily lives, its just that it stresses that the effort towards positive social and self outcomes must come from within our on efforts.
Buddhism has its own way of serving society and people and there is, for each one of us, an individual way to self-realization that is not devoid of the great compassionate heart but is in fact totally dependent on it.
However, due its very adaptability and tolerance Buddhism has been subjected to criticism due to its all embracing loving kindness and forgiveness. The only thing a Buddhist can and must do is to do good on behalf of all beings. A Buddhist; in spite of his own “burden of karmic action and desires”, is supposed to make great effort to tame themselves and do the right thing, to reject wealth and pride, to remove lust from themselves to reject discrimination and to be ready to serve humanity in doing whatever possible for others. This supreme sacrifice has to be willingly made and such action causes the Buddhist to embrace loving kindness and forgiveness due to that sacrifice towards a greater good and personal liberation.
To criticize Buddhism as has been done, saying it is an obstacle to the course of historical evolution, is to say that the Buddhist ideals which were first preached over two millenniums ago, and that are still fresh today should not have survived the test of time.
Since the Buddha’s first sermon the earliest call of liberation for an assessment and improvement of personal values and for self-realization, especially for the intellect to be freed from the socio-theocratic bounds of early India, Buddhism has been closely associated with the evolution of personal and social freedom. In Buddhism, deeply lies the nucleus of all recent revolutions of modern societies towards greater human outcomes, for individual freedom and humanism. The Buddhist revelation to the modern world involves the rediscovery of a coherent view of life, of a quality of life that prevents the materialistic civilization from ending in disaster. Societies now are at the door of an end game, and have come to a climax of cultural change and transition as never before experienced in human history. The progressive quality of modern philosophy science art, tech­nology and information depends on the application of such towards human outcomes in the purpose, the compassionate initiatives born of such human endeavors and our creative power for coping with life as a whole. Buddhist philosophy and culture stresses those responsible applications of human creativity and endevor.
To a great many people, Buddhism is an ancient religion of an age old cults, of Buddhist icons, carried out and promoted by those half-dreaming monks devoted to dozy, monotonous praying for salvation from suffering and the human condition. They see believe in the Buddha in the same way as in other religions such as like that of the Jewish god Jehovah or the Hindu god Brahma. They worship the Lord Buddha as the Almighty and beg him for blessings, salvation, and other earthily favors. This misunderstanding has created a veil of religious myths and fictions that conceal the real nature and spirit of Buddhism and its true law. It is this reason why Buddhism has been conceived as “a religion both profound mid profane”
We Buddhists must take the responsibility to reveal what is profound in Buddhist teaching otherwise Buddhism will become a yoke preventing followers attaining spiritual freedom, social prosperity, self realization and preventing the achievement of world salvation through its message.
The following story illustrates this point.
There once was an enlightened, Most Venerable Monk, an Abbot, living in a serene life in a cave mona­stery. He lived with his disciples many of whom had attained Buddha-hood by his revelations. One of the Junior Monks was a most excellent man, known to the whole monastery for his good behavior, faithfulness and kindness to his teacher and his fellow monks, but unfortunately was still far from ultimate success in become an enlightened one.
Year after year the disciples one after another had reached supreme knowledge and left the monastery for their Buddhist propagation trips into the world, but nothing was happening to the long trained obedient and righteous disciple despite his qualities. The teacher, after a very long time of studying the situation, came to realize, when a sudden snowstorm ushered in winter to the area, that the mind of his student had reached a point when “One More Step” or one final thrust is required to attain enlightenment.
The cave was filled with winters freezing cold at that moment when the teacher’s heart warmed up at the thought that it was possibly that the right moment for his disciple to be awakened within himself. After a walk around the monastery, the venerable returned to his pa­triarchal teaching seat; there which was the only fire­place in the cave with so dim a fire that it seemed to be nearly extinct. The need for a warming fire was was urgent and he called that disciple to him and gave him an order: “It’s necessary now to find some wood to keep the fire going it’s so cold. Go and see if you can get some my son. “
His disciple obeyed and left, but he knew the wood store close by was already empty. Heavy snow now had blocked all the ways down to the lower forest where he could get more wood and he had tried his best in vain searching the cave for fuel before he returned with empty handed.
Sadly, he said, ‘I am sorry, sir; but there is not a single piece of wood around and the storm outside is so strong that I can’t can go out and get more’. The Venerable Monk replied kindly “But how about searching all over the inside, first. If you see anything made of wood or other inflammable material and bring it here, will you?” The younger monk obediently bowed and went on searching but found nothing that could be burned within the rocky cave. He presented himself to the teacher at last and exclaimed desperately, ‘I can’t find anything to burn, sir!’ The Venerable Monk then said, “Oh, worthy one! I believe you will find one thing made of wood which is right inside this cave but only if you look carefully”.
In spite of the Junior Monks overwhelming disbelief and despondency, he made a decisive exertion to survey all and every corner of the mona­stery and go as far as the main shrine of the Buddha. Under the throne of the sta­tue, he knelt down and prayed for his revelation before going on a last search. Despite looking everywhere, there were no wooden things except the Buddha statue itself; everything else was unburnable. He came to the very climax of dejection and finally was found kneeling before the Venerable Abbot with fear and trembling from head to toe. He said: “Oh, sir, there is nothing of wood at all except the Buddha’s statue! ” The Abbot said “Well, its wood isn’t it?’ The junior monk replied “Yes master the statue is made of wood, but it is our Lord Buddha!’ Initially, the master seemed to loose his temper and scolded loudly:”You ignoramus! Why don’t you just shut up all your non-sense and bring it here, that wooden thing immediately understand!” Startled, filled with doubt and bewilderment, he went to the Buddha statue and prostrated himself before it expressing his utmost respect and fear to the statue in disturbing it from its high place in the meditation hall and then lowering it down from its high throne carried it back to the Abbot An expression of compassion and calmness, then, reappeared on the of the enlightened Abbots face and in his eyes, as he picked up an axe, raising above his head and with all his strength, chopped down at the glittering gold-plated Buddha statue into pieces, just as the mental cataclysm of the faithful dis­ciple broke as he witnessed such a seemingly sacrilegious event preformed by the Abbot.
Sweat streamed down from every pore of the junior monk, his body trembling, his eyes streaming tears, he watched in shock as his master quietly threw the broken wooden statue piece after piece into the fire. It was then, as the flames grew, the rocky hall was so brightened with warmth and light the vision effected the junior monk’s consciousness, and as a mind-flower blooming immediately within him, he experienced enlightenment. It was such a blissful moment, as the monk made the connection and his mind awakened from the dream of what we normally take for reality.
His attachment to the trappings of Buddhism, the ceremonial, the statues, the ritual had prevented him from his own realization of the spirit of Buddhism within. Enlightenment then is that inter connective ness that completeness beyond the divisions created by the mind and as Russian physiologist Pavlov, announced in a famous essay on Esprit Scientifique Russell (p. 55), that; “We have now come to the point where we are obliged to consider the spirit, the soul and the physical form as an indivisible unit. “
It is then time for us to make the Buddhist beholder forsake all illusory manifestations of the Buddhist religion so that the essential reality is revealed to all. Only in this sense will Buddhism become the most active and realistic, enabling the intelligentsia and the general public to find satisfactory answers to all spiritual needs they require within Buddhism. They will, re-discover therein the powerful motivation for the growth to a golden civilization with the accompanying physical and material progress that will be in harmony with trans­cendental humanism. Buddhism has been formed as a crystallization of various schools of thought from the philosophies of ancient India. Buddhism came to life to bring forth a great synthesis all the former theological, religious and ideological tendencies of Vedic tradition. His Noble Way is a complete expression of the human philosophical science ever known to history. In Buddhism are inclu­ded all fundamental problems of existence, great and small. That Buddhism has not been conceived as such, as being misunderstood so badly is often due to ambiguous translations in varying languages and ethnocentric cultural conventions that are imposed onto Buddhism as a result of preconceived or ongoing biased ideas often influenced by ethnocentric ideas.
As modern exponents of Buddhism, we have the task of revealing the real essence of Bud­dhist thought to take its place within this contemporary world of technology, science art and learning, to unite with the supreme unity of all realities, the physical and spiritual. Our human tragedies due to our limited consciousness, war and conflict, of our uninformed vision of life we normally behold, our inability in not seeing an interconnected whole in its reality as as an indivisible unity, must end. We must agree with professor Nguyeãn- Ñaêng-Thuïc’s note of this noble unifying vision of life: “that human society is now experiencing a terrible moral and physical crisis can be explained by the lack of the moral conditions for this unification… the present phase will be one of control of the inner self’.
In the magazine, Asian Culture, Vol. III, No. 2, it was stated that ‘Experimental science, with its demo­cratic character and with the experience of religions of the East will help the average man master his desires”. Buddhism, due to its adaptabi­lity to meeting the needs of men of diverse mental cultural and racial backgrounds, will contribute enormously to social progress and spiritual freedom of people everywhere. This great synthesis was originally expressed by the Buddha the high­est human creative spirit against the backdrop of the lofty Himalayan Mountains and in the forests of India over 2000 years ago. His thought ceaselessly probed into mysteries of the Hindu religion seeking enlightenment, an explanation to the origin and deliverance from suffering. The belief of Indians then was that of Brahma, a God of a religion filled with superstition and magic. They had established Brahmanism with the basic concept of reincarnation namely that of Samsara, the transmigration of souls or “metempsychosis” that created the social system known as the caste system.
Later, the Upanishad school of thought appeared to promote almost an ultimate negation of the powerful deity Brahma and did raise doubt on nonsense and of useless magic ritual within the religion. This inquiring spirit was the source of all the following religious philosophies.
Vedantism drew Brahma down into every personal being and championed the cause of human equality. The materialistic philosophy of Vaisesika also provided vigorous opposition to former theologies. An eclectic (diverse) tendency opened the way of Samkhyaku, proposing the dual existence of both a transcendental self and an individual self; the transcendental self the “Own will of the Absolute One” to become one with all and every individual soul, explained Samkhya philosophy, and had created this world of illusion. Should this “Will” be nullified, all illusion would consequently cease, and there is revealed the Identity of Atman and Brahma.
More than two thousand five hundred years after these philosophical events, the Buddha was born, reconciliation of all former lasting philosophies into that of Buddhism founded on compassion and the belief in the potential of human enlightenment, spiritual liberty, independence and self realization. The Buddha revealed to the world a realistic and attainable means to a perfect life concerning both the spiritual and practical aspects of means to attain enlightenment.
The Great Master had a profound look at everything in existence as it really is, finding at its core the phenomena, which he described within his threefold principle that describes all things:
  1. Every phenomenon is impermanent.
  2. Every existence is selfless.
  3. Such is eternity.
This is the nature of all things, “An-sich-sein” or “Nomos” (a-b) to use Heidegger’s language and is the key for humans as it is the threshold of the immense treasure of universal secrets, the very original source of this world and existence. This understanding of thing in itself assists us to unload our ignorant attachments one by one, and get closer to our transcendental self. The world of phenomena is a component of the system of universal causation. Those who make the effort to probe into the deep mysteries of life and universal evolution must know this noble law, that of “cause-and-effect”. They in making their supreme effort to turn the Wheel towards finer moral status, to create the conditions for human salvation will be triumphant eventually. One’s own Karmic record of life makes us suffer in life, sufferings, originate from sensual cravings that never cease to increase day by day. It is only by following the Noble Eightfold Path (Ariastaniga Margama-ni, namely: Right view. Right thought, Right speech. Right action, Right Livelihood, Right effort, Right mindfulness and Right concentration) can one realize that blissful state of Nirvana. Buddhism starts from its spiritual point of view to make its way through the six-realms (the six existences) towards the ultimate liberation from human bondage. However the point of departure, i. e. Buddhism, is not the absolute truth, but only a means, provisional and non-real, like the “finger that points to the moon” a symbol of the true reality.
The most emphasized in Buddhist concepts are the personal value and the freedom of thought that help it be developed and embellished by generations one after another. The freedom of thinking is the most essentials of all and no wonder Buddhism has been widespread and welcomed all over the world as it should be noted that no wars have been fought throughout the history of its religious propagation anywhere.
German historian Dietrich, Seckel, p. 18-19 in his “The art of Buddhism” expresses his convictions as such when he writes: “It will be appreciated that this was not the foundation upon which one could establish an obligatory dogma. Hence Buddhism could easily adapt itself to alien ways of thinking, doctrines and cultural conditions, without sacrificing its basic concepts. This of course meant that it had to renounce the lives and thoughts of the people under its sway… It was presumably this modesty in its claims that enabled it to spread peacefully into such vast areas, where the cultural pattern was so different”.
Over two millenniums of its existence with peace-loving peoples in the eastern world, Buddhism never ceases to develop, its ideological culture opening up new dimensions of spiritual life, thoughts and feeling.
Since his enlightenment through the art of literature the Buddha’s first speech, was artistically expressed. His eloquent teachings were highly appreciated and have lent themselves to artistic expression throughout the world. His metaphors delivered to his disciples were recorded in the “Sutras of one hundred examples” each skillfully conveyed the deep meaning of his message of salvation. It provides various good descriptions of sufferings of humanity, the cause of sufferings, and also presents a moral conclusion for each story to suggest to every one of its characters a definite outlet according to every particular circumstance. This enables religious beholders to understand and, as a result, carry the good examples out in their practical life.
The Buddha’s attitudes and noble behavior provided the foundation founded the very Buddhist rituals and conventions still with us today. His solemn voice in preaching was the prototype of later rhythmic praying and such art forms within Buddhism as religious prose and poetry, ritual and music. The fine arts produced thousands of stupas, pagodas and icons of Buddhism for the sake of religious contemplation as well as the means of propagation of the Dharma. Some hundred years before Christ, Buddhist painting and sculpture had gradually developed, but were not fully in bloom until the first century after the birth of Christ. This literature, the sacred writings, music, painting, sculpture and architecture, and drama are more accessible to more people due to modern communications, cinema and television being available almost everywhere and the message of Dharma Law of the Compassion and Wisdom of Buddhism and the Buddhist service to humanity, is more readily propagated. Buddhism’s adaptability onto the native arts in countries where it has spread, has adopted native embodiments of its concepts and metaphors as it has done since it first moved beyond India. Elaborate, wealthy forms and expressions have appeared in places where the standard of living is high and persons have contributed money to these forms of expression moved by buddhist motivation. As a rule Buddhism, when it penetrated into the soul of a community, serves to raise its culture and civilization to the higher horizons of the Buddhist world-view. In many instances it was only with the coming of Buddhism, and only through the stimulus it provided, and the aspirations it awakened, that art forms associated with it could fully develop and reach the high standards that it reached throughout Asia. Thanks to Buddhism the various art traditions, which until then had been largely regional, were able to establish contact elsewhere at the international level. Moving along the trade routes the exchange of ideas and cross fertilizing of the arts and cultural matters across the huge areas, were influenced by Buddhist thought due to its social merit. Concerning the greatest of contributions Buddhism have made to the arts of Asia, Professor Seckel writes: “Buddhism succeeded in solving one of the major problems of Asian art: the problem of rendering the sacred in a human form of universal validity and appeal”. It is in the third century B. C. that Buddhist art as an art form in itself first appears.
Buddhist literature records Buddhist knowledge and its fusion and freedom of thinking developed within its philosophy evolving, through participation of generations of intellectuals, into a magnificent treasury of sacred books which has been described as “Oceans of letters, forests of bibles”. The sacred books are divided into three main sources, namely;
The Buddhist Bible or “Sutram”, The Law “Vinayah” and The Philosophy “Abhidharma”.
The source of Sutram includes all spoken teachings by the Buddha as reported by his disciples in, the five Great Sacred Books. The source of Vinayah, is the system of essential disciplines that are to be exercised, by both the Sangha (Buddhist Monks and Nuns) and the Buddhist believers. It serves as the substratum of the Buddhist order.
The source of Abbidharma, are philosophical essays that explains and develops the es­sential meaning of the original Sutram. This great treasury of literature owed its due to successive generations of Buddhist authors. After the Master’s Parinirvana, the first council of the Sangha was organized to gather his original teachings and basic religious laws as the cornerstone, of the Buddhist order. This was the meeting of about 500 disciples or so, taken place at Raøjagriha city. The Bibles were written both in Pali, and Sancrit under Ananda’s dictation, and the Books of Law under Upali. The Essays or Abhidharma were later written as the further development from the former bibles. Two books, namely Agamas sutra and Eighty-Gatha Vinaya hence came into being as the output of this gathering. A century later, a second meeting was organized at Vesali aimed at a general review over the former bibles and law; and in the mean time, to clear out all elements of strange conceptions and evils scattered inside the Buddhist community. This was also conceived as a turn of the ideology toward divergences into a variety of schools.
It has been said that Master Mahadeva with his fivefold revolutionary manifesto had launched the first blow of a movement that split the early Buddhism into two schools namely the conservative of Hinasanghika school and the more liberal ‘Mahasanghika school. Both still under went many further sub-divisions (2). These complex events manifested into an interesting wealth of Buddhist literature on the one hand, but otherwise such literature may lead learners into a world of letters, with their great variety of confusing and contradictory views. It is up to the more contemporary writings based on these older written treasures to clear up such confusions.
Buddhism in India was geographically divided into the Northern school of Mahayana Buddhism and that of the Southern school of Therevada Buddhism before spreading abroad. The Northern, Buddhism left metropolitan Gandhara as point of departure and travelled north then eastward into China through Central Asia, known as the Silk Road also as the Highway of Buddhism. From China, Buddhism moved in various directions to Mongolia, Manchuria, Korea, Japan and Vietnam. The Southern school on the other hand, spread out from Ceylon to reach Burma, Thailand, Cambodia and Laos and touched on parts of western Vietnam. On its travels, Buddhism adapted itself to native belief systems incorporating them into its metaphors and symbols.
Buddhist intellectuals all over the world and the representatives of Buddhist nations are now engaged in their best for the efforts towards greater unity within Buddhist schools of thought towards the common cause of world peace and happiness.
After the past two millenniums of polarization, Buddhism today is at the very threshold of the long-fought reunification and synthesis as has been the case within Vietnam’s Unified Buddhist Church that came into existence in 1963. We expect this reconciliation of the Northern and Southern Buddhist groups in Vietnam will contribute towards to unification of the various Buddhist schools of thought through out the world. Towards building and achieving great harmony within the Buddhist world, the followers of the Buddha are encouraged have an open mind and welcome change towards greater understanding and realization of the Buddha’s ideals while gaining deeper insight into the noble content of the Great Master’s teachings.
Buddhism and Science
It is impossible for Buddhism to answer satisfactorily all the problems faced by humans due to the rapid development of technology and its impact on traditional life. Concerns such as maintaining material wealth and productivity, and our power to organize a technological system that does not threaten social order due to rapid change and social breakdown needs to be balanced. We need to look deeply within ourselves as to being responsible in the application of these forces, inventions and economic events to preserve human dignity and prevent social breakdown. On the other hand, Buddhism has a realistic attitude towards essential usefulness and principles of science. Science should be perceived as the very output of man’s thought and consciousness over the experimental and practical problems culminated over time. Scientific theories provide the substratum of the civilization within the world today. But as Indian scholar Kantilya, said: “Philosophy is the lamp of all sciences, the means of performing all”. In other words we need to be guided by philosophies that lead sciences to positive human and social outcomes.
It is interesting that the further science is proceeds into and beyond the atomic age and into macro world of space and the universe, and into the micro world of atomic and sub atomic particles, the closer science expresses ideas, theories and thoughts related to Buddhist concepts. The Buddhist viewpoint of the existence of phenomena seems to on good terms with modern scientific explanations of existence. Hundreds of years before the modern astronomers discovered the existence of the multitude of other worlds in outer space, the Buddha had, from beneath his Boddhi tree of Enlightenment, taught of the Trisaharasramahasahasro lokadhatu or of another three thousand worlds that exist in the universe beyond our world. It was quite impossible for such a radical concept to be acknowledged by his contemporaries and it has been only recently through sciences such as astronomy that such ideas have reaffirmed by modern science.
There is no question that the philosophical questions and concepts of early Buddhism are some of the most original “ideas” which the history of philosophy can hark back to. In its fundamental ideas and essential spirit Buddhism relates remarkably to the advanced scientific thought of the nineteenth century onward. The modernist so called pessimistic philosophies of the German nationals Schopenhauer and Hartmann, seem only a revised version of ancient Buddhism and Indian Philosopher, S Radharkrishnan described Buddhism as a means to reconcile religion and science “As far as the dynamic conception of reality is concerned, Buddhism is a prophecy of the creative evolutionism of Bergson. Early Buddhism suggests the outline of a philosophy suited to the practical wants of present day and helpful in reconciling the conflict between faith and science”.
Buddhism then is thus not only as a philosophy or a spiritual philosophy religion and movement, is also has a functional relationship and basis in the sciences. Besides a way of salvation, Buddhism still expresses itself as the realistic ideology that is capable of evolving into a complete development of modern culture due to its ability to accommodate the arts, learning, science and technology. These times are right for Buddhists endowed with the heritage of wisdom from our Lord Buddha to put His Noble Truth into action. Let’s transcend human conditions and establish a finer better living in a harmonious secular yet religious system on this planet. To those ends Buddhism will adapt to the variety of intellectual ideas of these times.
As to dealing with Buddhist culture here in this essay, its history, it’s of its ability to merge with other cultures ideas and ways of life through over two millenniums, as a general survey I have provided but a short and inadequate description. The most essentials I covered areas follows.
First, we coincided the modern world, contemporary life and its challenges, the problems of our situation at this flux of civilization, this blending of technological and cultural change, and its deliverance by the Buddhist insight, motivation and conscious action.
Secondly we dealt with the misunderstandings that people and critics have leveled against Buddhism. Thirdly, we dealt the fundamental principles of Buddhist teachings.
Last but not least we dealt with the of Buddhist culture and ideas or Buddhist consciousness in relation to science and technology and as a force that should be brought into our lives toward the good of all and the propagation of Dharma Law.
May the Light of Compassion be with us all.