GIỚI-THIỆU THƠ PHAN THANH CƯƠNG
Thơ Phan Thanh Cương
“Bình thường thôi”, anh về qua bên núi,
Lá trôi xuôi - đầu suối - những chia lìa.
Anh châm thuốc bên đường, lửa tắt,
Che tay bên này, gió thổi bên kia.” (thơ PTC- Đèo Le 2)
Đọc 4 câu thơ trên của họ Phan viết khi trở về thăm quê cũ Quế Sơn Quảng Nam, nơi có ngọn đèo cao đi được đến đỉnh đèo là le lưỡi thở dốc, các bạn thấy bình thường không? Thật bình thường như lời đầu bài thơ này đã viết. Viết về ngọn đèo thì có núi, lá, suối, gió là bình thường, có người đứng nghỉ mệt bên đèo châm thuốc hút là bình thường, nhưng cái ý chính trong câu “Che tay bên này, gió thổi kia” là không bình thường. Và khi đọc hết những 33 bài thơ của Phan Thanh Cương trên Hương Xưa rồi ngẫm nghĩ, qủa thật thơ của chàng Cương không bình thường chút nào. Bài viết này là cảm nhận của riêng tôi về thơ của Phan Thanh Cương, viết về những điều bất thường đấy.
Lần đầu làm quen với thơ của Cương là một ngày giữa tháng 10 năm 2012, khi tôi mới biết đến trang mạng Hương Xưa, hôm đó có đăng bài thơ “Cõng Em”:
“Thương em tôi cõng qua sông
Nước sông vừa đủ đèo bòng chút thôi
Nửa em dính với nửa tôi
Cõng em-em cõng-lưng trời-cõng mây”
Nhớ lại hôm ấy khi đọc bài thơ này tôi khoái chí tử. Biết là từ nay đã gặp một “chàng thơ” bất thường với lối ra thơ rất lạ, cũ mà rất mới, vừa tả chân hóm hỉnh cũng vừa lãng mạng ngút trời. Thơ mới đọc tưởng như đùa vui, nhưng đọc qua đọc lại, không còn cười vui được nữa mà thấy xót xa. Những động từ: cõng, dính, đèo bòng, cõng em, cõng mây, em cõng…rất thường ở ngoài nhưng trong thơ nó đã làm nên chuyện. Bài thơ đã kích động đến cá tính “ngang ngạnh, tưng tửng” của tôi. Thích cái nét ngộ nghĩnh, phá phách. Thích cái ngông nghênh, mộc mạc. Thích cái thong thả, ung dung. Thích cái liều lĩnh, bướng bỉnh. Và thích nhất là cái lối Cương mượn hình ảnh bên ngoài để nói lên sâu thẳm của lòng mình. Và rồi trong thơ, Cương đã vẽ những bức tranh đời mình không nhiều màu sắc, chỉ toàn màu đen, xám xịt, qua câu chữ:
“Cõng em, giờ cõng qua thơ
Thơ như sông cũ chia bờ để trôi (thơ PTC – Cõng Em)
Tết tháng Giêng 2014, hẹn trước với Cương bọn mình sẽ về thăm nhà, muốn gặp Cương. Tối 24 Tết đang ở chơi Dalat lạnh tê người, Cương gọi nói là đã uống hết 1 chai Henessy với Ngô Tín và chờ mình đến để mở chai thứ hai. Giọng nói người con trai xứ Quảng bao năm sống ở Saigon, thêm chút hơi men, lần đầu nghe làm cho trời Dalat lạnh trở nên ấm lại. Và rồi chúng tôi đã gặp Cương, cùng với ngựa hoang Nguyễn Đăng Trình, Kim Loan, Kim Đức và một số bạn hữu khác tại nhà hàng của gia đình Ngô Tín tối hôm sau. Người cũng như thơ, thoáng một chút ngang tàng, tưng tửng, phá cách nhưng rất ân cần, dễ gần, dễ mến. Mới bắt tay, bắt thật chặt, lần đầu mà như đã quen nhau từ rất lâu. Cương trong mắt vợ chồng tôi hôm ấy là một chàng đẹp trai, hóm hỉnh, thông minh, lanh lẹ, xin xỉn một cách tự nhiên, thật đáng yêu:
“Đêm cứ cạn ngày cứ sâu
Tắc kè phơi nắng gật đầu vì say”(thơ PTC-Đếm Thời Gian Tôi)
Và đêm hôm đó chúng tôi đã say, không phải vì nắng, mà vì tình thi hữu.
Các bạn vẫn chưa thấy cái gì là bất thường ở đây phải không? đọc tiếp nhé.
Có lần nghe chàng Cương tâm sự với tôi trên Hương Xưa: “Năm em 25 tuổi, mất đi người vợ 21 tuổi, chỉ khác Đồi Tím Hoa Sim của nhà thơ Hữu Loan là "người" để lại đứa con chưa đầy 2 tuổi. Từ đó căn nhà còn lại đúng 3 thế hệ: mẹ, PTC và con trai. Cách đây 9 năm đứa con trai cũng đã theo mẹ, và cũng cách đây 7 năm mẹ PTC cũng đã theo cháu nội”
Tiễn 3 người thân nhất qua đời, thơ của Cương trở thành chỗ để người xưa quay về. Thấp thoáng trong mờ mịt của nhang đèn, hương khói đó là bóng hình của Mẹ, Vợ, và Con Trai. Và nhớ đến ngày tiễn người yêu cũ đi lấy chồng, người yêu mà chàng đã chỉ cõng được qua suối, nhưng không cõng theo được suốt cuộc đời chỉ vì:
“Em đi cha mẹ chỉ đường
Tôi đi em chỉ về phương đợi chờ”(thơ PTC-Cõng Em)
Gói những hình ảnh đau thương, buồn tủi đó trong hành trang cùng với quê nhà, chàng Cương xuôi Nam, sống trên đất Saigon xô bồ, làm lại cuộc đời, lâu lâu có dịp ra bờ sông Saigon, nhớ về giòng Thu Bồn, bên người vợ mới, Cương viết:
“Ván thuyền ghép gỗ tình tôi
Mái chèo khua tự lòng người khua ra
Để anh quét dọn phong ba
Giúp nhau khiêng thả bão ra ngoài thuyền
Ngồi ngay ngắn lại tình duyên
Giữ thăng bằng nhé cho thuyền bớt chao
….
Chiếu chăn dành đắp qua hồn
Giũ cho sạch hết những phồn hoa xa
Mai kia ta trở lại nhà…
Dắt theo ngọn sóng làm qùa quê xưa” (thơ PTC-Khoan Nhặt Trên Sông”
Tôi đặc biệt rất thích bài thơ này của Cương. Lời thơ nói lên độ trưởng thành chín mùi trong tình cảm Cương dành vun đắp tình vợ chồng nơi đất khách. Mất mác ta có thể tìm lại được, đau xót thời gian có thể làm nguôi đi, buồn thảm sẽ có ngày vui bù lại, biết thế nên trong trang sách mới đời mình, Cương trân trọng viết về những gì rất gần với mình. Tầm thường thôi nhưng rất đẹp. Thơ viết cho vợ đang sống khó hơn nhiều những bài thơ viết cho người yêu cũ. Nhưng Cương viết được, rất thật, rất gần, vì Cương trân qúi những gì mình đang có. Có người để cùng “giúp nhau khiêng thả bão ra ngoài thuyền”. Và Cương đang cố “giữ thăng bằng nhé cho thuyền bớt chao”.
Từ giữa tháng Tư năm 2012 đến nay, Phan Thanh Cương đã cho chúng ta đọc tâm sự của chàng trên 30 bài thơ, không bài nào giống bài nào. Lúc đầu Cương viết nhiều bài thơ với chỉ 5 chữ, 4 câu. Sau đó có bài 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ rồi cuối cùng là lục bát. Những bài thơ 5,6,7, hay 8 chữ này Cương dành viết cho quê cũ, trường xưa. Cho người Mẹ, người Vợ qua đời, cho người tình cũ. Cương viết cho Tháng Tư chìa lìa, cho hoài niệm tuổi thơ, cho những mất mác của một thế hệ chưa lớn đã gìa.
Khi tả cái cảnh phân chia, chia đôi đất nước hay chia ly tình yêu, Cương tả bằng cảnh “rừng cây khô’, “hồ cạn đáy”. Rồi còn muốn cho rõ hơn, Cương viết:
“Tình đã chuyển dần sang lý
Giữa căn nhà- một vỹ tuyến chia đôi
Trái đất quay nghiêng trốn ánh mặt trời
Đêm càng tối lằn ranh kia càng rõ”(thơ PTC-Vỹ Tuyến)
Đố ai biết ngụ ý của Cương trong bài thơ này nói gì? Mới đọc thấy như nhà thơ nói đến cái cảnh hai người sống trong một căn nhà nhưng không hòa hợp. Nhưng đọc kỹ thì bắt gặp cái ý này:
“Tôi không thể biến không thành có
Tay nhân gian không vẽ nổi thiên đường”(thơ PTC-Vỹ Tuyến)
Cương muốn nói đến hình ảnh của Thiên Đường Mù (DTH) đấy, nhưng khéo léo trong ẩn dụ, Cương ép cong người mình xuống đất, trùm chăn lên tận đầu, như không thấy, không nghe , chờ thời gian qua nhanh:
“Thời gian qua,
Tiếng gọi thời gian như khách gọi phà,
Tôi vẫn giằng tâm bên tờ lịch rớt” (thơ PTC-Suối Reo – Tình Ngược)
“Con buồn xa lạ giữa quê hương” (thơ NL), lòng của tôi năm 90 khi về thăm trường cũ, cũng như tấm lòng của Cương nhớ lại tháng Tư xưa:
“Trường vẫn xưa và người rất mới
Có ai nhìn tôi như khách xa
Tôi lạc vào chính nơi thân thiết nhất
Mình ngồi, mình đứng những phôi pha” (thơ PTC-Về Trường Xưa)
Không như tôi, Cương xa trường, nhưng không xa đất nước, dù Saigon không phải là Quảng Nam, nhưng vẫn còn là đất Việt. Tháng Tư nhà thơ bỏ học, bỏ hết cái cũ, cố học cái mới, nhưng học làm sao được khi chỉ học trong mơ:
“Học cũng trong mơ mẹ ơi có biết
Ngước nhìn trời trách nhẹ một vì sao” (thơ PTC-Tháng Tư Bỏ Học)
Trách nhẹ “Một Vì Sao”, chỉ dám trách nhẹ thế thôi mà từ phương xa đọc đến đây tôi thấy đau điếng đến tê người. Không được tự do để nuốn nói gì thì nói, thơ của Cương không dám “cương” lên được. Không thiếu chữ để dùng, không thiếu từ để tả mà sao nghe như nghèn nghẹn trong lòng. Chịu đựng nhọc nhằn với nắng gío quê nhà, với hạn hán, với mất mùa, người thanh niên nhịn chịu suốt quãng đời thanh niên còi cọc rồi cũng phải lớn lên, không được bằng thân xác thì cũng bằng ý chí:
“Tuổi trẻ băng qua vụ mùa hạn hán,
Cây lúa ngập ngừng rồi cũng lớn theo tôi
….
Xác thân này mẹ nhịn áo cơm cho
Dọ dẫm thời gian trên bãi bờ khô cạn? (thơ PTC-Tháng Tư Bỏ Học)
Đủ lớn để có tình yêu và kỷ niệm, thế hệ của Cương chưa hưởng được bao nhiêu ngày nắng đẹp thì mưa bão tràn về. Cương phải xa trường gần biển, xa người yêu có mái tóc dài như hàng dương, đến vùng rừng núi cao dỡ đất trồng cây:
“Ở rừng xa anh tin mình có được:
Cát trường xưa vàng nỗi nhớ trong nhau,
Con sông Hàn còn biết những xưa sau,
Chắc gì lặng im khi gã nông lâm tìm về nơi mới lớn” (thơ PTC-Tháng Tư)
Chắc từ vùng núi một thời làm gã nông lâm, nhà thơ leo lên, tuột xuống không biết bao nhiêu lần ngọn đèo cao dựng ngược, nên đã dành đến 6 bài thơ 8 chữ viết về Đèo Le, nơi cách biệt biển rừng, nơi xa tầm mắt anh em, nơi đã chia lìa tình yêu tuổi nhỏ. Anh ở trên núi, em ở gần biển, xa mặt nhưng quyết không xa lòng, nhà thơ vẫn ấp ủ hình bóng người yêu sống nơi phố thị, vẫn mong tựa vào nhau:
“Đường bên đèo dựa vào vách núi,
Ta băng đèo ta dựa vào nhau” (thơ PTC-Đèo Le 1)
Nhưng đời thay đổi không như Cương đã nghĩ:
“Em bên đông, anh ở bên tây
Bão bên em tạt qua bên này
Đá bên đường vừa lăn xuống dốc,
Có chút gì vừa rơi qua tay…”(thơ PTC-Đèo Le 2)
Và họ đã mất nhau:
“Đèo quanh co, lòng người cũng vậy
Em có chồng xa mấy dịp qua đèo?
Bên kia, bên này- hai người đi vắng,
Đến bao giờ đèo thôi cheo leo” (thơ PTC-Đèo Le 3)
Đọc hết 6 bài thơ Đèo Le của Cương, tôi nghĩ thời gian này là thời gian mà tình yêu Cương lên đến đỉnh điểm. Với cuồng nhiệt của tuổi thanh niên, thêm hừng hực lửa tình yêu trai gái, dẫu sống xa người yêu nhưng nhà thơ thấy rất gần với hạnh phúc. Nhưng rồi ước vọng một thời đã bỏ lại trên đèo, sau khi “Em có chồng trước, anh có vợ sau”. Ước vọng thời trai trẻ đó là mây, là mây bay giữa trời. Nhưng thực tế cuộc đời là bến đỗ bình yên:
“Hai bên đèo còn mưa, còn nắng,
Mây còn bay, núi vội an bài” (thơ PTC-Đèo Le 4)
Cương đem lời thơ tả tình, tả cảnh, tả nỗi lòng mình khi yêu cũng như khi xót. Thơ gạn lọc từng lời, trau chuốt từng câu, và chở nặng tương tư sầu mộng. Tình yêu nặng như thế mà Cương viết nhẹ hẫng như lông. Cương dấu lòng mình nơi cỏ hoa khi vui, và nơi giông bão khi buồn. Cương đau nhưng không nói, chỉ mượn gió thu, tiếng võng. Mượn hình ảnh hoàng hôn, hoa cúc. Khóc cùng với gió mưa và giòng sông cũ. Không dám trách người, cũng không dám trách cho số phận. Cứ cho đó là chuyện bình thường:
“Đời vẫn là sông, sông cứ chảy
Nước hoàng hôn không trở lại đầu ngày” (thơ PTC-Sóng Thu)
Ừ! Thì cứ cho là bình thường đi vì tình yêu có đến rồi đi, có ngày nắng thì có đêm mưa, nhưng thế gian này có biết bao tình yêu cũ, có mấy ai làm mới lại được bao giờ, mà họ Phan làm được trong thơ. Với Cương thơ là những giòng tâm sự, tâm sự về đời mình, tâm sự về những điều thầm kín. Nhưng qúa khéo léo và tài ba qua cách dùng chữ, chuyện có bất thường mấy cũng thành bình thường với nhà thơ, và từ đó thơ của Cương dễ đi vào lòng người, và vào rồi thì ở luôn trong đó. Không cần dùng những từ hoa mỹ, khó tiêu, hay thừa thãi chỉ có âm mà không có nghĩa. Thơ của Cương không thiếu, cũng không thừa. Đọc đến hết là hết. Nhưng cái bất thường ở chỗ là từ cuối bài thơ ta bắt đầu nhẩm lại những chữ đầu đến cuối mới thấy hết cái hay. Có nhiều bài thơ của các tác gỉa khác chỉ hay một câu, và trong câu đó chỉ một chữ lạ là làm nên bài thơ nhớ đời. Thơ của Cương giàu hơn, không hiểu là vì tác gỉa chắc lọc hay là vì kho tàng ngôn ngữ thơ của Cương qúa phong phú nên tha hồ mà chọn. Chọn được chữ vừa hay ở cái ý nghĩa và hay cả vần điệu. Không o ép, rất vừa vặn, cả từ lẫn tình.
Từ đầu tháng 10 năm 2012, Cương bắt đầu gởi lên HX những bài thơ lục bác. Khác với những bài thơ 5,6,7, 8 chữ Cương đã dùng để tả những bực dọc, xót xa, và suy tư thì khi vào với lục bác, thơ của Cương bắt đầu đung đưa nhẹ nhàng. Trong khuôn khổ bằng trắc thật chỉnh chu, thơ của Cương dịu êm theo vần điệu như bài ca dao, như lời ru của mẹ. Lục bác của Cương rất mượt mà, bóng bẩy, nhưng không làm dáng. Bài thơ Ru Em đăng ngày 28 tháng 9 năm này có những câu thơ thật tình:
“Mượn hương hoa cỏ đâu đây
Mượn trăng làm gối mượn mây chỗ nằm
Ru người cùng với xa xăm
Bãi dâu xanh lá con tằm nhả tơ” (thơ PTC-Ru Em)
Nói là ru em nhưng cả bài không nhắc đến em, chỉ nhắc đến người, và người em trong bài thơ là em của mọi người. Còn hình ảnh thì lấy trăng lưỡi liềm làm gối, mây bàng bạt làm giường . Gối đó, giường đây nhưng sự đợi chờ vẫn còn xa lắc. Thi sĩ họ Phan dùng khổ thơ lục bác để viết về những tình cảm nhẹ nhàng, xa xăm, mơ hồ. Lời thơ quần quyện, quấn quít vào nhau như đan xen giữa mộng và thực, giữa hư ảo và hiển hiện. Trong tâm linh sâu thẳm và vô thức, thơ của Cương nổi lên, gõ nhẹ lên bờ mặt của tri thức, rồi từ từ chìm vào tiềm thức. Không ngủ yên trong đó lâu, đọc đến một bài thơ khác thì sóng lòng xưa trổi dậy. Ba bài thơ: Mắt Em, Môi Em và Tóc Em, mỗi bài viết cách nhau mỗi tháng, nhưng không rời xa nhau như mắt trên môi, bên tóc:
- “Cảm ơn đôi mắt nhìn anh
Nhìn anh giữa những màu xanh đất trời” (thơ PTC-Mắt Em)
- “Gần nhau bóng ngã sông sâu
Bước lên xanh thẳm một màu thời gian” (thơ PTC-Tóc Em)
- “Răng em trắng buổi tương phùng,
Ai đem hạt ngọc lát cùng giữa hoa” (thơ PTC- Môi Em)
Ba bài thơ, ba màu: màu mắt xanh, màu tóc nâu và màu răng trắng. Rất rõ qua cách tả chân nhưng tả qúa chi tiết, tinh tế đến mức thật đáng yêu. Bài đầu thì tả lúc mới quen nhau qua ánh mắt, ánh mắt có “hai nét cọ vẽ đôi lá lành”. Đến lúc gần nhau vuốt tóc để thấy “không âm mà vẫn tình tang với mình”. Gần hơn chút nữa thì việc gì đã xảy ra trong câu “nụ hôn anh chở phù sa đắp bối”? Diễn biến tình yêu qua ba giai đoạn thời gian, qua ba hình ảnh trên người con gái: cái mắc cở ở xa để nhìn, cái gần tình tứ để vuốt ve, và cái cận kề để cho để nhận. Thơ viết được như thế có còn gọi là bình thường không?
Còn nữa, khi tả cảnh vợ chồng, Cương không nhắc tới những lúc vui hạnh phúc, chỉ tả lúc giận buồn, lúc cơm lạnh canh nguội, lúc mà chàng thấy cần nàng nhiều nhất, vì lúc ấy mới thấy hạnh phúc những khi nàng bên chàng như thế nào:
- “Gạo tôi lén trộn thơ tình
Em đi, thơ chín một mình tôi nhai” (thơ PTC-Cơm-Thơ)
- “Tôi vừa viết một cơn mưa
Bốn phương ướt sũng lại chừa nồi canh” (thơ PTC-Quên)
Đọc mấy câu thơ này của mấy ông, tôi nghĩ chắc mấy bà khi giận bỏ nhà đi nhưng “mắt vẫn để lại nhà” vì sợ ở nhà “có thơ mùi khét an lành” hay có đi xa cũng vội quay về. Vừa đi vừa tủm tỉm cười thầm.
Thơ của Cương, khi viết về người nữ, lời thơ trở nên hoa bướm, lả lơi:
“Dáng cong qua đoạn hiểm nghèo,
Anh con ong mật lần theo chốn này
Dáng ngồi ngưng đọng khóm mây
Hình như bàn ghế còn bay hương người” (thơ PTC-Dáng Xuân)
Đọc mấy câu thơ trên của Cương tôi cũng tủm tỉm cười hoài, vì nét độc đáo, lẳng lơ nhưng thanh tao đến vô cùng. Không dám bạo dạn, sỗ sàng vì đây là thơ, nhưng tay chân cũng táy máy, tò mò khi nhìn cái gì cong cong, Cương đành mượn con ong mật đi hành quân thế cho bàn tay mình. Nói thơ của Cương hay, chưa đủ. Nói thơ của Cương rất tình cũng chưa nói hết. Nói thơ của Cương lạ, mới, có sức hấp dẫn, mê hoặc người đọc, quyến rũ người nghe và dày vò tâm thức của những người có nhiều cảm xúc mới đúng. Thơ là sản phẩm của xúc cảm, là tiếng vang vọng của tâm tư, là tâm sự, đúng là tâm sự không nói thành lời, mà chở nhờ trong con chữ. Ngôn ngữ thơ của Phan Thanh Cương đến từ một nơi có nhiều hình ảnh, âm thanh, tư tưởng. Thấy rất thực, nghe rất rõ, nhưng phải cẩn thận đọc đi đọc lại nhiều lần mới thấy hết những cái hay của nó. Tác gỉa không đánh đố người đọc, nhưng cũng không để lời thơ trần trụi phơi bày. Đọc thơ Cương chịu khó bóc bỏ cái vỏ bọc bên ngoài, để thấy phần hồn, cái tác gỉa dấu nhưng không diếm bên trong. Bài thơ “Tiễn Người Trong Mưa” đã nói lên những gì như tôi nghĩ:
“Mưa quên tiếng chạm rạc rào
Hạt mưa rơi đúng chỗ nào cần rơi
…..
Dính da là áo em thưa
Dính anh, còn những thiếu thừa tương lai
…..
Nón cùng anh đội tiễn đưa
Tình cùng anh đội khoảng trời mưa giông” (thơ PTC-Tiễn Người Trong Mưa)
Tới đây bạn đọc vẫn chưa thấy điều gì bất thường chứ gì. Thì ta đọc tiếp. Có hai bài thơ viết về Mẹ của Cương đăng trên HX : “Hoàng Hôn Mẹ” và “Trong Gió Xuân” mà tôi cho là hai bài thơ viết cho Mẹ hay nhất từ người con trai mà tôi đã đọc từ trước đến giờ. Như lời tác gỉa đã tâm sự trên đây, vợ Cương mất sớm để lại đứa con trai nhỏ. Bà Nội thay Mẹ nuôi cháu. Rồi cháu cũng đi và không lâu Bà cũng đi theo. Trong một thời gian ngắn, Cương mất hết người thân.Thơ khóc thay cho nước mắt, Cương dùng những tình cảm đẹp nhất để dành viết trong thơ cho những người đã bỏ anh đi. Cho Mẹ, Cương đã viết:
- “Quanh năm áo mẹ vai sờn
Vết chai thành đá năm hơn tháng dài
…..
Xưa tre lớn bỡi đọt măng
Nay con già bỡi nhọc nhằn mẹ ơi” (thơ PTC-Trong Gío Xuân)
- “Cuộc đời có mấy vòng xoay
Xoay qua vòng cuối mới hay được mình
Con đi ôm hết bình minh
Để lại mẹ với vô tình – hoàng hôn (thơ PTC-Hoàng Hôn Mẹ”
Cho người vợ trẻ qua đời, người chồng tên Cương viết:
“Ngủ đi đừng đếm sao khuya
Bao nhiêu ngọn lớn đã chia em rồi
Chuông chùa đổ một tràng thôi
Không trong lồng kín tôi nào muốn bay” (thơ PTC-Đếm Thời Gian Tôi)
Và cho đứa con trai mệnh yểu người cha trẻ đã khóc:
“Càn khôn quay trật tòng tong
Măng đi để lại tre ong óng vàng
…..
Kêu không bằng miệng: con ơi
Ba không muốn ép núi đồi phải nghe (thơ PTC-Viết Ngày Sinh Nhật Con)
Viết cho người thân yêu đã khuất, Cương không dùng những từ ngữ than khóc, sầu bi. Thay vào đó tác gỉa đã dùng: “Thơ là nhang khói bay quanh chốn này”, để chỉ ngậm ngùi: “Lỡ quên bấm một nốt tay. Là tôi thả cánh chim bay về trời”, và để cho cạn lời: “Rượu vơi còn đọng đáy chai nỗi lòng” . Không một câu than thở nhưng nghe như xé ruột bầm gan. Sợ người đọc buồn lây, tác gỉa dùng những câu chữ hơi tưng tửng: lai rai, tòng tong, ong óng, mở ngực ra khoe, khơi khơi, lững lờ…như để tự an ủi là mình không còn buồn nữa, nhưng ta đọc lên là liền lấy tay quệt nước mắt, rồi sau đó cười khan.
Ngoài những bài thơ rất thơ, Cương còn nhuộm màu hóm hỉnh rất có duyên lên vài bài thơ khác. Thơ tưởng chỉ dùng để trêu ngươi, đùa cợt, nhưng đó chỉ là trên thi ngữ thôi, đọc xong rồi biết:
“ Tôi say gió đẩy về nhà
Thấy mẹ thằng bé tưởng là cố nhân
Sáng ra có một vết bầm
Người xưa đùa giỡn trên phần da tôi” (thơ PTC-Gọi Nhầm)
Đùa giỡn được không? Tôi thấy đau như dao chém chứ không nhẹ như một vết bầm. Viết về nỗi đau, cái mất mà không cho người đọc thấy đau, thấy mất, chỉ thấy tức cười, cười lăn cười bò, cười đến lộn ruột, khi đọc bài thơ Dấu Mông Chiều. Qua bài thơ này, ai cũng thấy cái tài cù lét, chọc cười của Cương thượng thừa đến mức nào. Táo tếu không chịu được:
“Hai vòng cuồn cuộn ngóng trông
Đôi nắp vung ngửa tôi đong trời chiều” (thơ PTC-Dấu Mông Chiều)
Nói thật nếu tác gỉa không dùng tựa đề như trên, đọc bài thơ này ai mà hiểu được ý nhà thơ muốn tả cái gì. Cuối cùng cũng chỉ muốn nói:
“Người về đứng giữa đổi thay
Nghiêng vung tuông tuột chiều ngày xưa tôi” (thơ PTC-Dấu Mông Chiều)
Không nghiêm túc vì dùng chữ “tuông tuột” ở đây phải không? bình thường thôi. Vậy thì trước khi đọc thơ của họ Phan, ta phải chuẩn bị một cái đầu biết quan sát, một trái tim mở rộng, và phải bỏ hết những kinh nghiệm đọc thơ xưa cũ, để bắt đầu nghe những cái rất mới. Lúc đầu có thể chưa thích, nhưng sau đó đâm ghiền. Không biết tự bao giờ, và do đâu, những nhà thơ đến từ xứ Quảng có lối làm thơ têu tếu mà thâm. Chữ nghĩa đối với họ chỉ để làm vui tai qua cái âm khi đọc lên. Nhưng cái ý nghĩa thì sâu thăm thẳm. Họ không ngần ngại dùng những chữ thật tầm thường, nhưng khi cho vào câu thơ, nó mang một bộ áo mới. Từ Bùi Giáng đến Luân Hoán, từ Phan Khôi nay đến Phan Thanh Cương, cái tưng tửng chết người ấy, dai dẳng đeo theo ta, làm cho ta nhớ mãi. Hình ảnh con người ấy với giọng thơ bất cần ấy không lẫn vào đám đông thi nhân. Nếu muốn đọc thơ một cách nghiêm trang với khuôn mặt một ông thần trong miếu thì đừng đọc thơ những người này.
Khi xưa Trần Tế Xương vì bất mãn với đời mà làm thơ trào phúng, cay cú. Nay Cương cũng có bất mãn, nhưng sống được, chịu được, nhưng không thể nhịn được. Trên đây đã nói, thơ đến từ cảm xúc, nhà thơ là người giàu xúc cảm. Làm sao không viết ra khi thấy nhiều thứ chung quanh làm ta buồn, đau, và có khi hận. Ba bài thơ: Tiền Ca 1, Tiền Ca 2 và Chiếc Cân Ngày Đó tác gỉa đã dùng để nói lên cái xã hội sống vị vật chất hôm nay. Hãy nghe Cương tả:
- “Theo sông hát cạn ngày hè
Tiền không dùi trống mà nghe xập xình” (thơ PTC-Tiền Ca 1)
- “Trăng trời ẩn nấp ba mươi
Tiền tôi khuất bóng về nơi phía rằm (thơ PTC-Tiền Ca 2)
- “Đêm xa mơ thấy trầu cau
Cố quên người móc lên đầu chiếc cân (thơ PTC-Chiếc Cân Ngày Đó)
Cũng bình thường thôi vì những gì nhà thơ viết ra là điều nhiều người biết. Nhưng chắc chắn cái bất thường ở đây là không ai viết được một cách dí dỏm như vậy. Đem tình cảm nghiêm túc mình ra đùa cợt cũng là cách giúp cho tác gỉa tự an ủi với đời, với tình yêu như thế này:
“Nhìn tôi em thấy những đâu
Tôi như mấy trắng chuyển màu sang đen
…..
Còn quen cho trái tình cờ
Hết quen đổi qủa bất ngờ nhân duyên
…..
Thả em về những câu thơ
“Tình cờ” xưa vơi “bất ngờ” làm vui
Để mai em ngó lên trời
Mây tôi trắng lại thuở người nhuộm đen (thơ PTC-Gió Xa)
Viết một hơi hơn 10 trang giấy mà vẫn chưa nói hết những gì cần nói về cái bất thường trong thơ của Phan Thanh Cương. Viết thêm nữa sợ bạn đọc chán qúa vì dài. Bạn đọc cần biết thêm thơ của Cương có những đặc điểm nào nữa không bình thường thì vào đọc những bài thơ cũ Cương đã cho lên Hương Xưa từ trước đến giờ, nhất là đọc những lời phản hồi của bạn đọc, để xem tôi có nói ngoa không. Còn tôi, nhớ lại hôm tháng tư, ngồi ở trời Tây nhớ về trời Đông, đọc bài thơ
Thoáng Quê
nghé con gập ghềnh tìm mẹ
chắc chi mình nó chạy tìm
người về chạy qua vườn cũ
cỏ cây xa lạ đứng im
cuốc kêu nhát gừng lẻ bạn
chắc chi mình nó gọi bầy
người về vào trong ẩn giọng
tiếng lòng đo được bằng giây
rộn ràng con chim chột dột
cỏ tranh móc ngọn tre quê
cuối chiều vàng theo cái tổ
nhà xưa trắng buổi quay về?
Và tôi đã khóc khi viết phản hồi cho Cương trên Hương Xưa:
Gởi Cương,
Thơ của Cương anh phải đọc đi đọc lại nhiều lần vì không bao giờ đọc hết một lần, vì sợ đọc xong chữ thì hết nhưng lòng cảm chỉ mới bắt đầu. Nếu có ai hỏi anh ngay bây giờ anh đang nghĩ gì, anh sẽ bảo anh đang bị bài thơ của Cương làm nóng rát ruột gan và ràn rụa nước mắt. Đúng đấy, một bài thơ viết không biết tự lúc nào nhưng cho đăng vào thời điểm này thật không còn ý nghĩ nào lớn hơn. Hình ảnh con chim cuốc của em trong thơ anh ngỡ như em đang viết về những người xa quê như anh, kêu hoài cái tiếng kêu não lòng ấy mà có tìm lại qua khứ được đâu! Lời con chim quốc (cuốc) đau lòng : "Anh một mình như chim cuốc lạc đôi" của anh, em đã mượn và đưa vào thơ:
"cuốc kêu nhát gừng lẻ bạn
chắc chi mình nó gọi bầy
người về vào trong ẩn giọng
tiếng lòng đo được bằng giây"...
Năm xưa, anh có đứa em gái bị cho lên rừng:
"Em mót củi nhặt cây khô đun bếp
Nước suối gánh về nấu cháo thay cơm
Nhà phố thị bỏ lên rừng làm rẫy
Thân sậy giữa rừng, đau đớn, rét run"
Ở phương xa, người anh nghe tin chỉ biết nhìn trời mà khóc:
"Cảm ơn ai cho em bài học lớn
Con thú là người chỉ thiếu hai tay"
Người em gái năm ấy, bây giờ là cô giáo dạy Văn, mà đọc những giòng chữ này chắc nó cũng sẽ khóc như anh đang khóc đây. Nhưng bây giờ nước mắt của Anh không còn dành cho riêng nó, cho riêng ai, mà cho những gì rất khác.
Cũng bình thường thôi! phải không Cương.
Nguyên Lương
Horsham tháng 11, 2014
p.s. Bonus:
CÕNG EM
Phan Thanh Cương
Thương em tôi cõng qua sông
Nước sông vừa đủ đèo bồng chút thôi
Nửa em dính với nửa tôi
Cõng em – em cõng – lưng trời – cõng mây
Nụ cười em, gió ngang vai
Tiếng chân rẽ nước thành hai giọng cười
Cõng em chồng nắng lên đôi
Nhẹ như lau lách vẫy lời yêu thương
Em đi cha mẹ chỉ đường
Tôi đi em chỉ về phương đợi chờ
Cõng em, giờ cõng qua thơ
Thơ như sông cũ chia bờ để trôi
Ngực em còn ấm lưng tôi
Mưa khuya có lạnh nửa người không em?…
Nước sông vừa đủ đèo bồng chút thôi
Nửa em dính với nửa tôi
Cõng em – em cõng – lưng trời – cõng mây
Nụ cười em, gió ngang vai
Tiếng chân rẽ nước thành hai giọng cười
Cõng em chồng nắng lên đôi
Nhẹ như lau lách vẫy lời yêu thương
Em đi cha mẹ chỉ đường
Tôi đi em chỉ về phương đợi chờ
Cõng em, giờ cõng qua thơ
Thơ như sông cũ chia bờ để trôi
Ngực em còn ấm lưng tôi
Mưa khuya có lạnh nửa người không em?…